Lên
tám, tôi trở về Sài Gòn sống chung với gia đình. Dưới Châu Đốc, tôi
đang học lớp nhì, tức lớp bốn bây giờ, học sớm một năm. Vì vậy, tôi vẫn
tiếp tục theo học lớp nhì ở Sài Gòn.
Mấy
ngày đầu, người nhà dẫn tôi đi tới trường và lại dắt về. Qua tới ngày
thứ tư thì tôi có thể đi một mình, vì thật ra từ nhà tới trường chỉ có
một đường thẳng! Được tự do, tôi vội quẹo ngay vô một con hẻm xa lạ để
khám phá khu vực xung quanh trường, và bị hậu quả nhãn tiền : tôi đã lạc
đường ngay lập tức! Đi vòng vèo mãi vẫn không kiếm được lối về, tôi vừa
đi vừa ôm cặp vừa khóc hu hu. Khi ngang qua mấy bà cụ đang ngồi nhai
trầu nói chuyện ven đường, một cụ đã hỏi tôi, y như ông bụt trong chuyện
cổ tích, sao mà khóc vậy? Con bị lạc đường rồi, tôi mếu máo trả lời
trong nước mắt. Vừa lúc đó có một anh khoảng mười ba, mười bốn tuổi đi
qua, cụ vẫn ngồi chỗ cũ và nói với ra với anh, bé nó bị lạc đường đó,
dắt nó về nhà đi, mai mốt em con đi lạc, người ta dắt em con về! Nghe
xuôi tai, anh ấy bèn hỏi tôi địa chỉ. Thật buồn cười là tôi đọc vanh
vách số nhà, tên đường, nhưng lại không biết đường! Bà cụ nói với tôi,
thôi con đi theo ảnh đi, ảnh dắt về nhà cho! Giờ nghĩ lại mới thấy mình
thật thiếu sót, không biết cảm ơn hai ân nhân đã "kíu" giúp mình bữa đó,
chắc tại vì lúc đó tôi còn nhỏ quá!
Ở
lớp nhì, giờ chơi học trò tụi tôi phải xếp hàng dài để chờ tới phiên
uống sữa bột. Tôi chuyên môn hoặc đổ sữa xuống cống hoặc chỉ nhúng tay
vào ly sữa rồi quệt vô hai bên mép để lỡ cô có tra hỏi thì tôi khỏi bị
la rầy! Nghĩ lại thấy mình thật ngu và lãng phí quá!
Cũng
ở lớp nhì, có lần trường phát động cuộc thi vẽ hình như để hưởng ứng
cuộc tìm kiếm họa sĩ nhí toàn quốc. Ai cũng phải vẽ một bức, dù có năng
khiếu, sở thích vẽ hay không. Thật tình mà nói, thêu, vẽ, và sau này khi
lên trung học, toán, lý, hóa... nữa, là những môn học tôi luôn phải
đứng chót lớp. Nhưng tôi lại rất mê làm họa sĩ mới chết chứ! Cứ nghĩ tới
việc xách giá vẽ lên vai, tìm một khung cảnh thật đẹp, thật lãng mạn,
như một cánh đồng đầy hoa, một dòng suối róc rách... gì đấy, đẹp như
trong phim, rồi hí hoáy ghi lại lên tranh, vừa nghiêng đầu nghoẹo cổ
ngắm nghía, lấy le với một bầy con nít cứ xúm xít chung quanh, trầm trồ
khen ngợi là cũng đủ mê ly rồi! Dù sao thì tôi cũng đã cố "nặn óc" ra
một bức để nộp cô, vẽ một mái tranh, vài cây dừa trĩu trái xung quanh
nhà, dưới bầu trời đêm đủ trăng lưỡi liềm và những ánh sao xanh lè! Kết
quả được biết trước khi công bố : Không một tiếng vang! Cuốn theo chiều
gió!
Học
được chừng vài tháng, đã quen bạn quen lớp, thì một hôm cô giáo nói,
trò nào tám tuổi giơ tay lên. Có sao nói vậy người ơi, tôi vâng lời, chứ
chẳng phải vì lý do nào khác. Bất ngờ cô nói em thu xếp tập vở xuống
lớp ba học! Rồi cô chỉ đường cho tôi tới một dãy lớp nằm riêng rẽ cách
trường chính của tôi chừng một trăm mét. Lũ bạn lớp nhì, tiếc bạn, xúm
lại chửi tôi, sao mày ngu quá! Tôi cắp cặp ra khỏi lớp, quay lại nhìn
thì thấy đám bạn lớp nhì bé nhỏ của tôi buồn bã, tiếc nuối đứng trông
theo! Từ bữa đó tôi không còn gặp lại tụi nó nữa, vì khác lớp rồi! Nếu
tôi không giơ tay bữa đó, thì cuộc đời tôi đã thay đổi ra sao, tôi
thường hay tự hỏi như vậy!
Tôi
nhớ cô giáo lớp ba của tôi tên Tuyết, rất hiền, và ở bên đây trường nếu
nhìn xéo qua bên kia đường là nhà cô. Sở dĩ tôi nhớ rõ vì có lần tập
làm văn tả cây chuối, cô nói trò nào chưa nhìn thấy cây chuối thì qua
quan sát cây chuối nhà cô trồng! Lớp ba, tôi rất nhớ cho tới bây giờ
những bài học thuộc lòng thật hay, trong số đó có nhiều bài của cụ Á Nam
Trần Tuấn Khải. Tôi có thể đọc vanh vách một bài tên Mái nhà năm xưa,
rồi bài Mưa Xuân...! Bạn lớp trưởng của tôi rất xinh đẹp, tên Trang,
nhà cũng gần đó. Khi lên trung học, có lần tôi tình cờ gặp lại bạn ấy
ngoài đường, thấy Trang đã phát phì và chẳng còn đẹp nữa!
Tôi
cũng còn nhớ một bạn nữa cũng cùng lớp hình như tên là Minh Tâm. Một
hôm tan học, Tâm rủ tôi về nhà Tâm gần đó hái khế chơi, vì ba má Tâm đã
đi vắng hết. Cho tới lúc đó, tôi chưa hề trông thấy một trái khế còn
nguyên cả cành lá, huống hồ gì cả một cây khế vĩ đại! Đó cũng là lần đầu
tiên, và cũng là lần duy nhất tôi được leo cây hái trái! Tôi cứ mê man
ngắm nghía, rồi vươn tay lựa hái những trái khế chín vàng, mọng nước, có
cả cành lá thật đẹp, nhét đầy vô cặp, quên cả thời giờ. Vừa về đến cửa
nhà thì tôi đã bị ba tôi dùng roi mây đánh một trận nên thân, vì tội về
trễ. Cả những chùm khế xinh xắn tôi mất bao nhiêu công sức để hái cũng
bị tịch thu rồi thủ tiêu đâu mất! Hôm sau, Minh Tâm lại rủ tôi về nhà
hái khế! Tôi đành phải thú thật chuyện bị phạt đòn hôm trước. Tình bạn
của chúng tôi phai nhạt dần. Không biết bây giờ bạn ấy đã lưu lạc phương
nào!
Ở
lớp ba, tôi không nhớ có được uống sữa không, nhưng tôi nhớ như in là
được ăn bánh mì! Mỗi sáng vô lớp, tôi đều thấy hàng chục ổ bánh mì ở
trên bàn cô Tuyết. Đầu giờ học cô sẽ xắt bánh mì phát cho mỗi trò một
khúc. Nếu chúng tôi không muốn nhận bánh mì mỗi ngày thì có thể nhận
bánh một tuần một lần nguyên ổ.
Chẳng
hiểu sao, ngoại trừ những năm học trung học tôi không có chút cảm tình
nào, nhưng tôi lại rất thương trường tiểu học và trường đại học của tôi,
dù ở bậc tiểu học, có lẽ vì ăn chưa no lo chưa tới, tôi chẳng chịu học
hành gì!
Tôi
nhớ, mình thường hay nhịn ăn sáng để lấy tiền mua những cuốn truyện
tranh, cỡ bằng 1/4 tờ A4, được bán gần trường, rồi mê man đọc trước giờ
vào học. Con hẻm trước cổng chính của trường tụ tập rất nhiều hàng quà
bánh dụ khị con nít Có chú bán nước cam chứa trong bồn thủy tinh tròn
to, thả lác đác vài lát cam, chanh, phía trên treo lủng lẳng những bịch
nylon nước cam kèm ống hút. Có người bán cá kiểng, trong những thau nhôm
to, những chú cá vàng, cá ngũ sắc bơi lội tung tăng, giữa những nhánh
rong xinh xắn. Lũ học trò nhỏ tụi tôi có quyền lựa, rồi người bán sẽ vợt
cá cho vào bịch nylon, không quên kèm theo một đoạn rong xanh biếc nho
nhỏ cho đẹp. Nhưng những chú cá ấy, vào tay chúng tôi, chẳng bao giờ
sống được lâu! Chúng tôi chỉ còn biết chép miệng tiếc rẻ, quay sang tìm
những trò tiêu khiển mới!
Mỗi
khi nghĩ về những năm tháng ở tiểu học, lòng tôi lại thấy nghẹn ngào
như sắp khóc, như mình chỉ là một khán giả đang ngồi coi lại cuốn phim
đời, do chính mình đóng vai chánh! Trên con đường đời mịt mờ cát bụi ấy,
ngày xưa, mỗi ngày có một đứa bé tám tuổi, sáng sáng một mình cắp cặp
tới ngôi trường tiểu học mà cô rất đỗi yêu mến. Khi ngang qua một
building cao cả chục tầng gần nhà, một chú lính Mỹ đẹp trai, trắng trẻo,
sáng sủa, phúc hậu, ăn mặc bảnh bao, làm việc ở đó, sáng nào cũng vơ
vẩn đứng cùng một chỗ, như thể chờ cô bé đi ngang qua, và mỉm cười với
cô một nụ cười hiền. Chắc chú ấy tiếc nhớ một thời êm đềm hoa mộng, nơi
quê hương, khi chính chú cũng từng là một cậu học trò mỗi ngày tung tăng
đến lớp! Giống như hiện giờ, tôi đang hoài niệm lại quá khứ, và khi
ngoảnh lại nhìn con đường bụi lầm đã qua đó với một nụ cười buồn trên
môi, tôi tự hỏi, những năm tháng tiểu học của tôi, như những bông hoa
xinh trên đồi (*) đã đi về đâu?
Trần Thị Phương Lan
(Bút nhóm Hoa Nắng)