Thứ Bảy, 14 tháng 9, 2019

ĐÔI BẠN - Trang Vân


Huy sung sướng nhìn chiếc xe đạp màu xanh lá mạ nhỏ nhắn và xinh làm sao! Mộng ước của Huy từ lâu nay mới đạt được. Huy ôm ấp giấc mơ mãi cho đến khi thi đậu vào Đệ Thất trường công mới được ba thưởng cho. Khỏi nói chắc ai cũng biết nó cưng quý chiếc xe ấy thế nào.

Huy nhẹ nhàng dẫn xe ra khỏi cổng. Từ lúc có xe, mỗi chiều phải đạp rong chơi đã thành thói quen của nó rồi. Chiếc xe êm ái chạy vùn vụt trên con đường nhựa đưa Huy xuống cuối xóm rồi rẽ vào khu đất thánh vắng vẻ. Khu này không có hàng rào để biệt lập với các ngôi nhà chung quanh. Hàng ngàn ngôi mộ mọc chi chít không hàng lối bao bọc một giáo đường cũ kỹ, vắng lạnh, giữa những ngôi mộ ấy có nhiều lối đi nhỏ, ngoằn ngoèo, cỏ xanh mọc gần lấp.

Huy cố đạp xe qua những con đường nhỏ ấy để vòng ra phía sau nhà thờ. Nơi đây có một con đường đất đỏ rộng và dài thăm thẳm. Hai bên đường có những ngôi mộ lát cẩm thạch đồ sộ lẫn lộn với những mộ đất thấp lè tè. Mấy hàng cây me tây bên vệ đường cho những lùm bóng mát rượi. Huy đạp xe thật mau suốt con đường ấy để tìm lũ bạn thường ngày vẫn ra đây chơi. Lũ trẻ rất thích khu đất thánh này. Một diện tích rộng rãi để cho chúng tha hồ chơi giỡn phá phách mà ít sợ ai rầy la. Đây đó có những đứa trẻ tụm năm, tụm bảy chọi đáo, đánh bi hoặc chơi cút bắt, thỉnh thoảng lại vang lên những tràng cười ròn rã. Đạp mỏi cả chân mà Huy không tìm được một "mống" quen thuộc. Huy lẩm bẩm:

- Quái! Mấy thằng mắc dịch đâu cả rồi?

Bỗng một giọng nói vang lên làm Huy giật mình:

- Dở quá, sao không buông tay ra mà chạy thử coi!

Huy nhớn nhác tìm xem ai nói mà không thấy gì cả. Tánh Huy rất nhát, vả lại ở một nơi nhiều mồ mả như vầy càng làm Huy sợ thêm. Giọng cười ròn rã nổi lên:

- Nhóc ơi! Tao ngồi đây nè, không thấy à?

Huy nhìn vào chỗ phát ra tiếng nói.

Một chú bé độ 15, 16 tuổi đang ngồi trên ngôi mộ đá xanh, hơi khuất sau lùm cây. Huy ngừng hẳn xe lại thì thằng bé vội tụt xuống đất chạy ra gần Huy mỉm cười để lộ hàm răng trắng muốt nổi bật trên làn da đen sạm:

- Chà! Xe mới mua à? Đẹp quá há! Chạy rành chưa, có dám buông hai tay ra không?

Nghe một lô câu hỏi của thằng bé lạ mặt, Huy chỉ biết rụt rè đáp:

- Ai mà dám buông cả hai tay chạy bao giờ? Té chết!

Thằng bé lại bật cười:

- Nhóc ơi! Tao biết chạy nè! Đưa tao chạy thử cho xem.

Thằng bé vừa dứt lời vội giành lấy tay cầm xe và đẩy Huy xuống đất.

Huy vừa ngần ngại không muốn cho thằng bé lạ mặt chạy xe mình vừa muốn xem nó biểu diễn. Sau cùng Huy cũng đành để cho thằng bé chạy thử. Chú bé vừa thót lên đạp thử vài cái đoạn vội buông cả hai tay ra, thòng xuống đất, xuôi theo mình. Huy kinh ngạc trố mắt ra nhìn. Không ngờ thằng bé ấy lại tài như thế. Chú bé chạy một khoảng xong quay trở lại chỗ Huy đứng ngừng lại, mỉm cười:

- Sao? Tài hôn nhóc?

Huy bực hết sức. Thằng bé ấy lớn hơn Huy độ ba, bốn tuổi là cùng thế mà mở miệng ra thì gọi mình là "nhóc" luôn miệng! Tuy thế, Huy cũng trả lời:

- Anh tài quá! Ai chạy như vậy cho được! Anh tập có lâu không?

- Lâu lắc gì! Mầy muốn tập hôn? Độ nửa giờ là chạy như thế được rồi! Tao dạy cho.

- Chỉ nửa giờ thôi à? Thật không?

Chú bé bỗng thân mật đưa tay ra cú nhẹ vào đầu Huy một cái, cười:

- Mầy không tin tao hở nhóc? Ai nói láo làm gì chớ?

Huy nôn nao trong lòng khi nghĩ đến những đôi mắt tròn xoe ngạc nhiên của lũ bạn khi nhìn Huy trổ tài. Huy vội trèo lên xe, mỉm cười với chú bé:

- Anh dạy dùm nhé!

Huy đạp từ từ trong khi chú bé tất tả chạy theo, giảng nghĩa:

- Cứ chạy như thường rồi nhẹ nhàng buông tay ra chớ có gì đâu. Đâu chạy thử xem. Đó! Buông tay ra coi!

Huy vừa hở tay ra khỏi tay cầm một tý xíu đã hốt hoảng chụp lại. Chú bé gắt lên:

- Sao mà nhát thế! Như vậy biết chừng nào chạy được! Buông đại ra xem nào, có tao vịn phía sau nè.

Huy nghe lời chú bé, buông một tay ra, rồi một tay nữa.

- Đấy có sao đâu, cứ tiếp tục. Ý! Đừng có ẹo chứ! Phải chạy tự nhiên mới được.

Cuộc tập dượt cứ như thế tiếp tục, có lúc chạy được làm Huy vô cùng hớn hở, có lúc suýt té khiến Huy hoàng hốt tim đập thình thịch. Riêng "ông thầy" thì thật tội nghiệp, ông ta thường phải chạy theo Huy mệt thở hồng hộc để khuyến khích hoặc la hét. Độ nửa giờ sau thì Huy đã tiến bộ khả quan, nó có thể buông tay mà chạy một khoảng xa rất vững vàng. Huy ngừng xe nghỉ mệt nói với chú bé:

- Khá chưa hả anh? Gần bằng anh chưa?

Chú bé tươi cười có vẻ hài lòng:

- Được lắm! Nghỉ một chút rồi chạy biểu diễn thiệt xem nào!

Một lúc sau, Huy bắt đầu chạy lại.

Chú bé đứng một chỗ nhìn theo, vỗ tay:

- Hay lắm rồi nhóc ơi! Mầy có kém gì tao đâu, ờ! Đấy! Mầy xem tao có nói láo đâu hở nhóc. Ối! Ối! Sao vậy...

Bỗng "rầm" một tiếng vang lên. Huy đã bị lủi vào lề đường, đâm sầm vào một ngôi mộ xi măng thật mạnh. "Ông thầy" hốt hoảng, chạy đến rối rít:

- Trời! Có sao hôn nhóc?

Huy nằm trên bờ cỏ, chiếc xe đạp vắt ngang trên mình. Qua cơn hốt hoàng, bây giờ cơn đau mới đến. Trên trán Huy tím bầm, sưng lên một cục thật to rướm máu, hai đầu gối trầy trụa bê bết máu. Huy mếu máo khóc trong khi chú bé đến dựng chiếc xe dậy. Vừa đau đớn vừa thấy chiếc xe yêu quý bị bể đèn, quẹo cả vè, Huy càng muốn khóc to hơn. Chú bé bối rối ngồi xuống kế bên Huy:

- Đau lắm hả nhóc?

Rồi chú ta cứ ấp a, ấp úng chẳng biết nói gì nữa cứ để mặc cho Huy thút thít. Một ông già từ xa đi đến, thấy cảnh tượng ấy ngừng lại rồi kêu lên:

- Té xe hay sao vậy? Ủa! Lạc đó hả? Mầy làm gì đó?

Mãi đến bây giờ Huy mới biết chú bé tên Lạc. Lạc vội vàng đứng dậy:

- Nội hôm nay về sớm quá hà. Nội nè! Thằng này hồi nãy bị tui làm té xe đó, dẫn nó về nhà xức thuốc nghen nội!

Ông lão trợn mắt:

- Mầy thì lúc nào hỏng chọc ghẹo người ta, đó thấy khổ chưa.

Lạc cố cãi:

- Tui chọc ghẹo gì? Tui dạy nó chạy mà.

- Thôi thôi, đừng cãi bướng nữa, lại dẫn chiếc xe đó đi.

Ông lão tiến đến dìu Huy đứng dậy, chắc lưỡi:

- Khổ quá! Có đau nhiều không cháu?

Huy đã bớt đau nên se sẽ lắc đầu.

Họ đi suốt con đường ấy và rẽ vào một ngôi nhà lá lụp xụp, tối tăm ở cuối đất thánh. Ông lão để Huy ngồi trên chiếc chõng tre ọp ẹp rồi đi ra sau. Lạc dựng xe trước cửa bước vào. Ông lão trở ra tay cầm tí muối và lon nước xoa đắp lên trán Huy:

- Để ông thoa muối, mau hết lắm.

Huy chẳng biết nói gì, cứ để ông lão săn sóc. Ông lão hối Lạc tìm chai thuốc đỏ xoa vào vết thương nơi đầu gối Huy. Ông cất giọng ân hận:

- Thôi cháu đừng phiền nhen. Việc nó làm cháu té để ông rầy đánh nó, thằng thật khó dạy. Lạc à! Rồi mày biết tay tao.

Huy vội vàng nói:

- Dạ thưa ông, tự cháu tập xe rồi té, không liên quan gì tới ảnh, đừng rầy đánh ảnh ông à.

Ông lão khoát tay:

- Thôi, cháu đừng giấu cho nó, ông biết tánh nó quá mà.

- Dạ cháu nói thật mà ông, tại cháu cả, đừng đánh ảnh tội nghiệp.

Huy nhìn ra ngoài trời thấy cũng gần tối nên xin phép ra về. Ông lão vội bảo Lạc phải đưa Huy về tận nhà. Tuy ngoài miệng Huy làm bộ không chịu nhưng trong lòng mừng rơn vì khỏi phải đi qua mấy ngôi mộ một mình.

Lạc chở Huy về nhà. Bây giờ Lạc mới lên tiếng:

- Còn đau không hở nhóc?

Huy đáp xuôi xị:

- Hết rồi!

Lạc cười nhưng không giấu được chút lo lắng:

- Bộ mầy giận tao hả?

- Có gì mà giận!

- Thôi! Tao cũng xin lỗi mầy, cũng tại tao bày đặt nên mới ra nông nỗi này!

- Đâu có, tại tôi muốn le với tụi bạn!

Thằng Lạc bật cười lớn:

- Bây giờ còn muốn le nữa hết?

- Không biết, để vài hôm nữa xem, bây giờ còn đau quá.

Gần đến nhà Huy, nó bảo Lạc ngừng lại:

- Thôi! Cám ơn anh Lạc nha! Hôm nào tôi lại đến chơi.

- Nhớ lại thiệt nghe nhóc!

*

Vài hôm sau, khi hết đau và sửa xe xong, Huy lại đi chơi mỗi chiều như cũ.

Huy thường tìm đến nhà Lạc để gặp chú bé đen đúa có tánh tình ngang ngạnh ấy. Không hiểu sao đối với Lạc, Huy lại có một mối trìu mến đặc biệt. Qua nhiều lần trò chuyện, Huy biết Lạc là đứa cháu nội duy nhất của lão Năm. Lạc mới về ở với ông nội vài tháng nay thôi. Ba Lạc chết từ lúc nó còn nhỏ, má nó đem con về quê ngoại ở rồi cũng từ trần luôn. Lạc sống bơ vơ bên họ hàng phía ngoại không được ai thương yêu, dạy dỗ chu đáo nên tiêm nhiễm những tánh xấu của mấy đứa trẻ du đãng ngoài đường. Tánh tình Lạc không khác chúng là mấy. Do sự tình cờ, ông Năm mới biết rõ đời sống của Lạc và xin đem cháu về nuôi. Vì từ nhỏ đến lớn không được sống gần ông nội, nên tình thương của Lạc đối với ông không được thắm thiết cho lắm. Ông Năm đi làm suốt ngày, còn Lạc ở nhà chỉ nấu hai buổi cơm, thì giờ rảnh rỗi, nó rong chơi khắp nơi không học hành gì cả.

Chiều nay Huy đạp xe thong thả tới nhà Lạc. Một tốp con trai đang chơi phía trước, Huy nhấn chuông mãi mà chúng không tránh, bực quá Huy gắt:


- Làm ơn cho đi coi! Bộ không nghe à?

Lũ trẻ bằng cỡ Huy ngẩng lên nhìn soi mói. Đứa lớn nhất trong bọn hầm hầm:

- A! Ngon dữ ta! Ở đâu mà đến làm tàng thế? Mới hay cũ đây?

Huy càng giận thêm:

- Mới, cũ gì không biết, làm ơn tránh đường cho người ta đi.

- Tụi này không tránh rồi có sao hôn nè!

- Xe mới quá há, làm ơn cho tớ mượn chạy một vòng được hôn?

Vừa nói nó vừa tiến đến giằng lấy xe Huy. Huy giận run lên:

- Làm gì mà lạ vậy? Muốn giựt xe người ta chắc!

Đứa bé cười lạt:

- Mượn không cho thì giựt chứ sao!

Huy la lên:

- Dân ở đâu mà ngang ngược như ăn cướp thế?

Đứa bé nhảy nhỏm lên:

- Ê chửi hả ta? Ngon nè!

Tiếp theo là hai cái tát nảy lửa vô mặt Huy.


Bị đánh bất ngờ, Huy choáng váng cả mặt mày. Lũ trẻ ở xung quanh vỗ tay reo hò:

- Cho nó một trận đi mầy! Đáng chưa!

- Cãi lại tụi này thì biết!

Đứa bé đánh Huy lúc nãy lại xông đến định hất Huy ra khỏi xe. Giận quá, Huy quên cả đau lẫn sợ, đấm mạnh vào mặt thằng bé. Tức thì bọn trẻ ó lên, Huy lại lãnh thêm vài cú nữa của mấy thằng khác khiến Huy gần té khỏi xe. Ngay lúc đó bỗng Lạc từ đâu chạy bay đến:

 - Cái gì thế bây? Ủa, thằng nhóc sao vậy? Tụi bây đánh nó à?

Thấy Lạc đến, lũ trẻ càng hăng, kể câu chuyện cho nó nghe. Một đứa kết luận:

- Anh Lạc ơi! Cho nó một trận nữa để nó chừa đi. Lính mới mà làm lối!

Mặt Lạc bỗng nhiên đỏ bừng, nó tát thằng bé vừa nói một cái nên thân:

- Im đi! Tại sao bây lại ngang thế?

Rồi Lạc vẫy tay gọi thằng bé đánh Huy lúc trước đến gần:

- Ê Út! Có phải mầy bày đầu và đánh nó không?

- Dạ! Ai biểu nó chửi tụi em!

Một cái tát lại in trên mặt thằng nhỏ.

Lạc quát lên:

- Không có tao thì bây lại làm ẩu thế hả? Nè tao nói cho biết, thằng nhóc này là bạn tao đấy, từ rày về sau mặt nào còn đụng đến nó thì liệu hồn với tao.

Lũ trẻ tròn xoe mắt, ấp úng:

- Ủa! Ủa! Té ra anh này là bạn của anh hả, vậy mà...

Lạc hét:

- Thôi! Đi! Đi mất ngay! Tao dặn thì phải nhớ đấy!

Lũ trẻ xanh mặt lại, dạ dạ rồi chạy mất hết. Lạc lúc này mới quay lại nhìn Huy mỉm cười, nó giơ tay lau một vết máu còn đang rỉ trên khóe môi Huy:

- Không có tao đến thì có lẽ chúng nó thịt mầy mất, nhóc ạ!

Huy cảm động:

- Sao anh oai thế? Tụi nó sợ anh ghê!

- Không sợ sao được! Tao là "chúa trùm" tụi nó đấy! Thôi từ rày yên trí nhé!

Rồi Lạc lại cười ròn, hàm răng trắng lấp lánh.

Tình bạn giữa hai đứa ngày càng thân mật. Huy thường đến nhà Lạc chơi như cơm bữa và ông Năm cũng yêu thương Huy lắm. Ông Năm thường vuốt tóc Huy mà nói, giọng buồn bã:

- Phải chi thằng Lạc nó chịu học hành như cháu, ông mừng biết mấy! Cả ngày chỉ biết rong chơi, phá phách mà ông nói năng gì cũng không được, riết rồi thôi! Nó làm gì mặc nó!

Lạc ngồi kế bên, bật cười:

- Vậy chứ tui lớn đầu như vầy mà nội biểu tui học Đệ Thất, tụi nó cười chết!

- Vậy chớ lớp nào, hôm đó mầy bảo học tới lớp nhất rồi mầy thôi tới bây giờ!

Lạc ngắt ngang:

- Mà thí dụ tui chịu đi học đi, nội đủ tiền lo hôn hà?

- Thì tao phải rán chớ, để mầy lêu lổng cả đời sao?

Lạc trầm ngâm:

- Thôi, để thủng thẳng rồi tính nội à!...

*

Huy nhè nhẹ vạch từng cọng cỏ để bước đến ngôi mộ bên trong. Lạc hôm qua có hẹn với nó trưa nay ra đây chơi. Ngôi mộ này thật lớn, có mái che, nền thật cao ráo, tráng xi măng sạch sẽ. Chung quanh mộ cỏ xanh mọc um tùm, hình như đã lâu rồi không được ai săn sóc tới. Huy đến gần ngôi mộ, kêu khẽ:

- Anh Lạc ơi! Anh Lạc!

Không có tiếng đáp. Huy bước vào bên trong. Lạc đang nằm ngửa, ngủ khò. Mấy củ khoai lang nằm lăn lóc một bên, vài con ruồi vo ve đáp xuống. Huy yên lặng ngồi bên Lạc. Nhìn bộ đồ đã cũ, rách vài chỗ chưa vá kịp trên mình bạn, Huy khẽ thở dài: Phải chi Lạc có đầy đủ cha mẹ như mình chắc Lạc cũng được đi học, đời sống đầy đủ, có đâu lại thiếu thốn, lêu lổng thế này. Lòng Huy dâng lên một niềm thương cảm bâng khuâng.


Đợi mãi mà không thấy Lạc thức dậy, Huy khẽ chọc một ngón tay vào nách bạn. Lạc cựa mình, mở mắt:

- Ủa! Mày đến rồi à? Ở nhà tao nóng quá, ra đây ngủ một giấc ngon quá nhóc ạ!

Lạc vươn vai ngồi dậy, đưa khoai cho Huy:

- Nè, ăn đi, tao mua để tụi mình ăn đó.

Huy vừa định lấy, bỗng nhảy phóc ra sau lưng Lạc la vang:

- Ối trời! Rắn kìa Lạc!

Một con rắn lục mướt vừa phóng vào mộ. Lạc bình tĩnh vói lấy cục đá to ở kế bên chọi trúng ngay đầu con vật. Con rắn oằn oại một lúc rồi nằm im. Nhìn gương mặt còn xanh lét của Huy, Lạc cười nắc nẻ:

- Trời ơi! Con trai gì mà nhát như thỏ đế ấy! Nào, mời cậu bình tĩnh lại coi! Ngồi xuống đi!

Huy thẹn thùng ngồi xuống và bỗng tự thấy mình thua xa bạn.

Lạc thì thầm nói có vẻ quan trọng:

- Nhóc nè! Tao nói chuyện này cho nghe, tao nhứt định đi học đó.

Huy mừng rỡ:

- Thật hả? Đi nhé! Ông Năm muốn Lạc đi học lắm đó!

- Ờ! Tao đi chơi hoài cũng chán!

- Lạc đi học, Huy cho mượn sách đừng lo tốn tiền sách! Lạc ơi! Ông Năm thương Lạc lắm mà Lạc cứ lêu lổng hoài tội nghiệp ổng!

- Ối! Mầy biết gì mà nói! Bộ mầy bắt chước nội tao để giảng luân lý hả, tao ghét cái đó lắm nhóc à!

Huy bực mình vì câu nói của Lạc nên gắt:

- Cái anh này lạ chưa! Quen nhau đã lâu rồi mà anh không biết tên tôi sao? Hễ mở miệng ra là "nhóc", nhóc hoài!

Lạc cười:

- Ai mà không biết tên mầy là thằng Huy chớ! Nhưng mà mầy dễ thương lắm nên tao muốn gọi là nhóc đó! Không chịu thì kệ mầy!

Nói xong Lạc đưa tay nựng vào cằm bạn. Huy đành mỉm cười, bao nhiêu hờn giận đều tiêu tan cả.

*

Một tuần rồi không đến nhà bạn, Huy rất nóng lòng, Huy muốn đến xem anh chàng Lạc đã đi học gì chưa. Bước chân vào nhà bạn, Huy thấy lão Năm đang ngồi ủ rũ trên chiếc sạp. Huy vội cất tiếng:

- Thưa ông Năm! Anh Lạc đi đâu rồi ạ?

- A! Huy đó hả, thằng Lạc nó đi rồi!

- Chắc ảnh đi học chưa về?

Lão Năm lắc đầu buồn bã:

- Học hành gì! Nó bỏ nhà đi rồi.

- Trời! Sao ảnh nói với cháu ảnh đi học mà!

Lão Năm kể lể:

- Thì ông cũng sửa soạn cho nó đi học đấy. Hôm kia nó lại đánh lộn với con người ta. Họ đến mắng vốn ầm ĩ cả lên, ông giận quá, quất cho nó một trận nên thân. Thế là nó lấy quần áo bỏ trốn đi mất!

Huy buồn bã:

- Sao anh Lạc lại làm như vậy cà!

Lão năm chắc lưỡi:

- Khổ quá cháu ơi! Cháu với chắt! Nó chỉ làm khổ ông thôi!

Huy bùi ngùi nhìn gương mặt nhăn nheo đầy vẻ đau khổ, mái tóc bạc trắng của lão Năm, an ủi một câu:

- Để rồi cháu đi tìm anh ấy xem.

Lão Năm thở dài:

- Biết đâu mà tìm cháu! Thôi! Nó đi đâu mặc nó cháu à!

*

Cả tháng trời rồi mà Huy vẫn không gặp Lạc. Huy không sao quên được hình bóng bạn. Đối với Lạc, Huy xem không những là một người bạn mà còn là một người anh thường che chở, đùm bọc cho mình nữa. Huy đạp xe vào Chợ lớn để tìm nhà một người bạn, nhưng tìm mãi mà không ra. Ánh nắng trưa gay gắt không một ngọn gió khiến Huy mệt phờ phạc. Bỗng một tiếng kêu quen thuộc vang lên:

- Nhóc! Nhóc! Mầy đi đâu đó?

Huy mừng rỡ thắng gấp xe lại. Lạc từ trong chạy sát ra lề đường, vẫn vóc dáng khỏe mạnh, nét cười duyên dáng như lúc trước, tuy làn da đen sạm hơn.

- Cha! Một tháng rồi anh đi đâu mất biệt vậy?

- Mầy biết rồi mà còn hỏi nữa?

- Bây giờ anh ở đâu? Sao anh không về? Ông Năm ở nhà buồn lắm!

- Tao về cho ổng đánh chết hả? Bỏ đi rồi, trở về sao được!

- Anh về không bị đòn đâu. Tội nghiệp ông Năm lắm! Ở nhà có một mình, đi làm về phải nấu cơm ăn, lại già yếu nữa!

- Chớ có tao ở nhà, ông nội tao càng cực khổ, hao tốn thêm! Thôi, khát nước quá, vào đây tao đãi mầy ly nước mía.

Cả hai ghé vào xe nước mía bên lề đường. Lạc vừa uống vừa nói:

- Tao vào đây sợ gặp ông nội tao quá, ổng làm trong hãng gạch ở trong này đó.

- Hãng gạch nào vậy?

- Thì hồi tao mới về ở với nội tao, ổng nói làm cho hãng gạch trong Chợ lớn, tao cũng không hỏi kỹ hãng nào nữa.

Huy nhìn qua bên kia đường, đại lộ rộng lớn, xe cộ chạy không ngớt. Bỗng Huy ngừng uống, la lên:

- Lạc, Lạc có thấy gì không?

- Thấy gì đâu?

Huy đưa tay chỉ:

- Đó, bên kia đường, tiệm bán cây "Vĩnh Phát", ai giống ông Năm quá!

- Trời! Đâu? Đâu?


Vừa nói, Lạc vừa núp sau xe nước mía, chăm chú nhìn qua tiệm cây. Qua ánh nắng lung linh gay gắt của buổi trưa hè, Lạc thấy ông Năm đang còm cõi kéo một chiếc xe lớn, không phải xe ba bánh mà là một thứ xe thật to, tương tự như xe bò. Trên xe chất đầy những khúc cây nặng, dài. Hai tay ông Năm níu chặt lấy càng xe, chiếc lưng khòm hẳn xuống, mồ hôi ướt đẫm cả chiếc áo rách, lê từng bước nặng nhọc. Hình như tất cả năng lực của lão phải sử dụng đến cùng cực mới làm chiếc xe di chuyển được. Huy la lên:

- Đúng ông Năm rồi, sao Lạc nói ổng làm trong hãng gạch?

Tay Lạc bóp chặt chiếc ly:

- Thì ổng nói, tao biết đâu, hay là ổng bị thất nghiệp rồi mới làm ở đây?

Nói xong, Lạc trố mắt nhìn theo ông Năm không chớp mắt.

Lão già bán nước mía nghe câu chuyện của hai đứa bèn nói:

- Tụi bây nói ai đó? Lão Năm kéo xe đó hả? Tao bán nước mía ở đây lâu rồi tao biết, lão làm nghề chở cây cho tiệm "Vĩnh Phát" mấy năm trời rồi mà!

Lão ta chắc lưỡi tiếp:

- Tội nghiệp lão già! Già như thế mà không có con cháu gì nuôi để phải làm cái nghề khốn khổ như vậy! Trai tráng làm còn không kham huống gì lão!

Huy thấy Lạc vẫn bất động nhìn theo chiếc xe chở cây. Mảnh vải đỏ buộc ở cuối khúc cây dài trên xe phất phơ trong nắng. Bỗng Lạc quay lại bảo Huy:

- Mầy ở về sau nhé!

Nói xong nó quăng mấy đồng bạc cho ông bán nước mía rồi chạy mất.

Huy run lên! Lần đầu tiên nó thấy giận bạn dữ dội. Huy không ngờ Lạc lại có thể nhẫn tâm như thế. Nhìn cảnh tượng lão Năm kéo xe một cách khốn khổ, là người dưng mà Huy còn bàng hoàng xúc động muốn khóc. Huy cũng tưởng Lạc sẽ hối hận về những hành động của mình, sẽ khóc lóc rồi quay trở về nhà, nào ngờ Lạc lại dửng dưng bỏ đi như thế.

Huy thót lên xe, lẩm bẩm:

- Người đâu mà kỳ lạ quá!

*

Huy cho xe chạy chậm lại, đường phố Sàigòn lúc này kẹt xe quá, tan học cả buổi mới về đến nhà được.

- Huy! Huy!

Giọng nói quen thuộc của Lạc vang lên. Huy nhìn vào lề đường, Lạc từ trong một tiệm sửa xe gắn máy, xe đạp, bước ra. Từ khi gặp nhau ở tiệm cây "Vĩnh Phát", ba, bốn tháng trời rồi Huy mới gặp lại Lạc. Lạc nhìn Huy mỉm cười. Huy khó chịu khi thấy trên mặt bạn không vương vấn một chút ưu phiền gì cả. Lạc cất tiếng:

- Sao nín thinh vậy? Đi học về à?

Huy gật đầu. Lạc vả nhẹ vào má Huy:

- Mầy giận gì tao đó nhóc? Chở tao về nhà có được không?

Huy ngạc nhiên:

- Về nhà sao? Không đi nữa à?

Về nhà chứ đi hoài sao mậy?

Huy hỏi gặng lại:

- Về rồi không sợ ông Năm đánh à?

- Có mầy năn nỉ dùm, chắc nội tao không đánh đâu! Thôi, chở tao nhé!

Nói xong, Lạc thót lên phía sau ngay. Huy im lặng đạp xe, ngẫm nghĩ không hiểu vì sao Lạc lại trở về.

Một lúc sau Lạc kể lể:

- Tao đi làm rồi nhóc ơi!

- Anh đi làm ở đâu đó?

- Thì tiệm sửa xe đó. Lương cũng khá. Từ hôm gặp ông nội tao trong Chợ lớn, tao hối hận quá đi kiếm việc làm. May gặp người bà con cho vào làm trong tiệm. Lúc trước thợ phụ, nay làm rành lắm.

Huy mừng rỡ:

- Thiệt hả Lạc?

- Ừa mà! Hôm nay tao về xin lỗi ông nội. Tao sẽ đi làm một mình để nuôi nội tao. Tối tao lại đi học thêm nữa cho ổng vui lòng. Ổng muốn tao đi học lắm! Huy ơi! Nhớ lại lúc trước tao hối hận ghê nhóc ạ! Nội tao phải kéo xe như vậy nuôi tao mà giấu không cho tao biết ổng làm nghề cực nhọc đó, trong lúc tao lại ở không đi chọc phá làng xóm chớ!

Huy cảm động không nói được gì cả. Hai đứa đã đến khu đất thánh quen thuộc. Lạc nói:

- Ở đây đường khó đi lắm, chở nổi hôn đó. Coi chừng té hư xe một lần nữa đấy!

- Lo gì, có ông thợ sửa xe ở đây thì đâu có ngán!

Tiếng cười khúc khích của đôi bạn vang lên làm bầy chim sẻ đang đậu trên mấy ngôi mộ bay vụt mất.

Huy thấy Lạc dễ yêu hơn bao giờ.


Trang - Vân        

(Trích từ tạp chí Tuổi Hoa số 53, ra ngày 15-9-1966)


Nguồn : https://tuoihoandmore.blogspot.com