Quật
Cường! Tôi không biết mình có quật cường được như cái tên mà ba mẹ đã
đặt cho hay không khi mà số tôi bị chiếu mạng bởi 3 vì sao quả tạ quá
nặng. Ba người chị yêu quí của tôi đó. Song, có bao giờ tôi dám thổ lộ
nỗi ấm ức này đâu vì e rằng phải bị bệnh "nhức xương" bởi tính "ít nói"
cố hữu của con gái.
Trước khi đi vào câu chuyện, tôi xin mở một màn "mô tả phong cảnh" để các bạn biết qua về quí vị cô nương này nhé.
Đầu tiên trong bọn là chị Đoan Trang, sinh viên năm thứ năm trường
"Trung học N.Q". Tôi không hiểu thân bằng quyến thuộc nhìn tướng tá, xem
"dung nhan" chị như thế nào mà lại khen mẹ tôi khéo chọn tên, người nào
tên nấy. Song, dưới cặp mắt của tôi, chị là đại diện chánh thức cho
hãng "đại bất công kinh khủng". Tỷ dụ các bạn nghe nhé. Móng tay chị ấy
thì để dài cả tấc thế kia mà chả ai nói 1 lời. Còn tôi ư? Móng tay dài
chưa kịp cắt là đã nghe: Nào thằng bé ở bẩn nhất nhà, nào con trai mà...
điệu. Các bạn xem, nỗi oan ức này to biết dường nào. Thế mà nghe tôi mở
một màn thanh minh thanh nga là chị đã chẳng hồi tâm mà lại còn ban
tặng thêm câu:
- Quả thật Cường mắc phải một nỗi oan Thị... Mầu.
Còn nữa các bạn ạ, chưa hết đâu này nhé, tóc chị ấy để dài thì được khen
là mái tóc huyền, tóc thề. Đến lượt tôi, nói ra càng tội cho bộ tóc của
tôi lắm, không biết chọn nơi để gởi thân, mới ra dài được độ 4, 5 phân
là đã nghe những câu mát mẻ:
- Hippy chúa!
- Để tóc dài để nuôi...
Chính vì không muốn nghe lời thị phi mà tôi đành để lưỡi "tông đơ oan
nghiệt" xén đi những sợi "tóc nhung mềm mại" của mình mà lòng đau như
cắt.
Đại khái, chị có những bất công thế đó. Mà càng nhượng, chị càng lấn áp.
Thân nam nhi chi chí thế này mà bị phường nữ lưu khi dễ thì còn mặt mũi
gì? Chính thế nên trong một buổi sáng chủ nhật đẹp trời, quỳ trong
thánh đường mà tôi cứ cầu xin Chúa ban cho tôi một tâm hồn minh mẫn
để... phục hận. Mà Chúa linh thật, sau lời cầu nguyện, một ý nghĩ lóe
lên, có lẽ "lòng thành" của tôi đã được ngài chấp thuận. Tôi mỉm cười
sung sướng. Sau một vòng tiếu ngạo đường phố, vừa đặt chân đến nhà, tôi
tìm tới chị Trang trước tiên:
- Kinh khủng, kinh khủng, nguy cơ, nguy cơ.
Vừa xuýt xoa, tôi vừa nhìn chăm chú vào mái tóc nhung của chị. Sau đó
lại đưa tay như muốn hất tung mái tóc lên, nhưng vừa chạm đến, tôi rút
tay về, thè lưỡi, lắc đầu.
- Cường làm gì thế? – Tiếng chị ngạc nhiên, đôi mắt tròn xoe.
- Em tìm "hắn".
- Khùng rồi hở? Hắn nào?
Thật tỉnh, tôi đáp:
- Lúc nãy, trong nhà thờ, em may mắn được quỳ sau lưng một chị có mái tóc tuyệt đẹp như... chị vậy đó.
Nghe tôi khen, chị cười thật tươi, chăm chú theo dõi câu chuyện –
Mái tóc đẹp thật. Nhưng khiếp quá chị ạ, từ trong đó, một gã gia súc
loại nuôi trên đầu thong thả bước ra, có lẽ ngày chủ nhật hắn đi dạo hay
sao mà bò qua, bò lại, đu lên cọng tóc này, đu xuống cọng tóc kia như
khỉ đu dây vậy đó. Sáng chủ nhật được một màn xiếc mãn nhỡn chẳng tốn
tiền. Thấy tóc chị cũng dài, có lẽ chị muốn trở thành chủ gánh xiếc nữa
à?
Nhìn vành môi tươi như hoa bắt đầu lả lướt quẹo cua 90º,
tôi vội vàng sử dụng võ thuật phi thân, phóng nhanh đào tẩu kẻo bàn tay
mềm mại kia nựng nhẹ vào đầu trong buổi sáng đẹp trời thế này là trọn
ngày làm ăn không khá. Quả thật cổ nhân dạy chẳng sai "Tam thập lục kế,
tẩu vi thượng sách".
Sau số 2 là số 3, chị này mang tên Thùy Mỵ. Với chị, tôi cũng không hiểu
tại sao chị lại chiếm được giải "Ăn nói lưu loát" mà lớp tổ chức vào
dịp cuối năm. Mọi người khen chị ăn nói khôn khéo. Nhưng tôi nghĩ rằng
phải thêm những chữ: "Trừ trường hợp với tôi". Các bạn xem thế này có
tức không? Bữa nọ, gã dế "Đại Cồ Việt" thân mến của tôi vừa hạ gã "Bách
Thắng" của thằng Thành. Một chiến công hiển hách bậc nhất vì xưa nay gã
Bách Thắng chưa hề biết mùi thất bại. Sau những phút hồi hộp, toát mồ
hôi lạnh, tay chân ngứa ngáy như chính mình đang lâm chiến, tôi hét lên
sung sướng khi gã Bách Thắng chạy dài. Ôm chầm lấy hắn, tôi vù vào nhà,
hét ấm lên:
- Chị Mỵ ơi, chị Mỵ, xem gã Đại Cồ Việt của em gồ ác chưa?
Thật vô phúc cho tôi, nhằm lúc chị ấy đang học bài:
- Làm gì như giặc đến không bằng vậy? Đi chỗ khác chơi cho chị học.
Lời chị nhỏ nhẹ mà tôi như gặp phải đá mòn, đá cuội, cụt hứng ngang. Tôi
đâm ra giận vì không có được một thằng em trai để chia xẻ với tôi nỗi
vui sướng, sự chiến thắng này. Bọn họ, con gái biết gì?
- Te te... te te te...
Gã dế trên tay còn kêu inh ỏi, tôi muốn ngắt đầu, bóp cổ hắn ra cho rồi,
song vừa nghĩ đến công trạng lẫy lừng vừa qua mà lại bị chết bởi sự
giận cá, chém thớt sao? Tôi đành thất thểu cho hắn vào tháp ngà mà nhìn
hắn gặm gặm từng cọng cỏ...
Giữa tôi và chị Thùy Mỵ là chị Nhã, Thanh Nhã. Con người của chị trông
thanh nhã ra phết với kích thước thật "lý tưởng": cao: 1,50m, nặng:
30kg. Con người của nhạc phẩm "Qua cầu gió bay" đây. Thế mà mỗi lần nhìn
tôi tập thể thao là chị kêu ầm lên:
- Trời ơi, giờ này cậu ấm mới ra đây tập hít... bụi và tắm nắng cho cứng
xương đấy hở? Thôi để 12 giờ, đúng ngọ rồi hãy tập luôn.
Nãy giờ tôi đã "lỡ bước" đi quá sâu vào chi tiết về các chị, bây giờ xin quẹo một cua vuông góc 90º để trở lại câu chuyện chính.
Số là, kể từ khi chị Trang có được một bài văn đăng trên báo, nhà tôi
nổi lên "dịch văn sĩ" lan tràn mãnh liệt còn hơn cả bệnh đau mắt cấp
tính. Để chứng tỏ máu nghệ sĩ chảy đầy trong huyết quản, các chị thường
ngồi vơ vẩn, nhìn mây bay, ngắm trăng lên mà mơ màng, trông thật
giống... "ngủ gục". Đôi lúc, cứ nhìn chăm chăm vào mấy đóa hoa hồng như
học thôi miên.
- Ý thơ không có trong đó đâu, chị tìm sâu róm may ra dễ gặp hơn.
- Khúc gỗ... mục mà biết gì là văn chương?
Để hỗ trợ cho chị Trang, chị Mỵ còn thêm:
- Hòn đá biết nói đấy mà.
Như muốn chứng tỏ tam nương lúc nào cũng đoàn kết, chị Nhã tiếp luôn:
- Xem mấy bài luận của hắn cũng đủ biết. Không bài nào thoát khỏi hòn
sỏi trắng tròn tròn nằm trước con số. Như thế làm sao biết thưởng thức
cái đẹp thiên nhiên được? Thôi, dốt thì dựa cột mà nghe nhé.
Nghe các chị chê, tôi ức muốn chết đi được. Thật ra, tâm hồn nghệ sĩ của
tôi lúc nào cũng tràn đầy. Cứ nhìn con người của tôi là đủ biết, trông
"văn nghệ" chán. Chỉ mái tóc bồng bềnh như sóng biển (mà mọi người gọi
nhầm là tổ quạ) là thấy ngay cái cốt cách nho nhã rồi – Sự thật đấy, không phải tôi khoe đâu –
Song, chẳng lẽ mình bắt chước các chị ấy thì coi sao được? Nhưng, chẳng
phải như thế mà tôi hàng đâu nhé. Phải viết một bài, đăng lên báo cho
có vẻ "hách như ai" vậy các chị chờ xem nhé. Chắc hẳn là phải phục lăn
thôi.
Nghĩ là làm, con người tràn đầy nhiệt huyết mà. Trước khi bắt tay vào
việc, tôi thảo luận kế hoạch đàng hoàng. Đầu tiên, phải chọn một chỗ
ngồi thế nào để nhìn thấy cảnh vật bên ngoài như trăng, sao, hao, bướm
mà tránh được cặp mắt tò mò. Được rồi, phòng học là nhất. Này nhé, tôi
cứ đóng cửa phòng lại là an toàn. Trong phòng, cửa sổ nhìn ra vườn hoa.
Thật tuyệt diệu. Chọn được chỗ lý tưởng rồi, tôi cảm thấy phấn khởi như
công việc đã xong một nửa.
Muốn viết văn hay làm thơ phải có hứng mới được chớ. Ngoài cảnh thiên
nhiên, mình cần phải có những thứ gợi hứng thiết thực và gần gũi như...
bánh kẹo chẳng hạn. Việc này không có gì khó. Chỉ 15 phút sau là tôi đã
khệ nệ đem vào phòng một bình trà nóng hổi, thơm phúc và dĩa bánh mứt
thật hấp dẫn tuyến nước bọt.
Còn gì nữa không? Để xem, ừ nhỉ, theo những sách mà tôi đọc thì phòng
của thư sinh phải có cả trầm hương nữa chứ. Gay go thật, làm thế nào để
có trầm hương? Sau "một phút suy tư" tôi bật lên ý nghĩ và thầm tự khen
mình: thi sĩ quá thông minh. Tôi băng vù lên nhà thờ (một căn phòng thờ
cúng ông bà). Mấy ốp nhang trầm mẹ mua còn nguyên. Tôi lấy ra ba cây,
đốt lên rồi đem vào phòng. Trông tôi lúc này, có lẽ không ra thầy pháp,
mà cũng chẳng giống thầy tu. Trên bàn, nào bánh, nào trà, hương trầm
nghi ngút như đang cúng tế vị khuất mặt nào. Sau hết, tôi chễm chệ ngồi
vào ghế. Không bút lông, tôi dùng đỡ bút nguyên tử vậy. Tập giấy trắng
tinh trải trước mắt như đã sẵn sàng đón lấy những lời châu ngọc tuôn
tràn như suối.
Thật là tôi dự đoán chẳng sai một mảy may. Bánh mứt là nguồn hứng tuyệt vời. Tay bốc, miệng nhai, tôi miên man suy nghĩ:
- Với bài thơ – hay văn? –
này, sẽ đưa tôi lên đài danh vọng. Tôi tiếp tục sáng tác những tác phẩm
khác, rồi đến truyện dài. Các báo sẽ thi nhau đăng truyện của tôi ; báo
nào có truyện của tôi sẽ bán chạy như tôm tươi ; độc giả chen lấn nhau
để mua như mua đường, sữa lúc khan hiếm vậy. Tôi trở thành một văn sĩ
nổi tiếng. Dần dần, các tác phẩm đó sẽ được dịch sang ngoại ngữ. Tên
tuổi tôi sáng chói cỡ đại văn hào Victor Hugo. Trời ơi, phút vinh quang
ấy thật tuyệt diệu, lưu danh hậu thế và...
Ý nghĩ này nối tiếp ý khác tràn về không dứt. Mãi đến lúc cho tay vào
dĩa mới hay chiếc bánh cuối cùng đã biến mất tự lúc nào ; bình trà cũng
vơi đi một nửa. Tôi còn đang ngẩn ngơ, tiếc nuối gấc mộng, nhìn lại,
trang giấy trắng chưa một chấm mực. Tự nãy giờ, tay tôi chỉ nhớ cầm bánh
mà quên cầm bút. Tôi bàng hoàng vì lỡ mất một dịp nhả ngọc phun châu.
Bỗng:
- Ha, ha...
Một tràng cười quái đản nổi lên, tôi giật bắn người, ngỡ là có một nhân
vật giang hồ nào định ám sát mình bằng âm thanh. Cửa phòng xịt mở, ba
người chị yêu quí của tôi hiện ra. Tôi lúng túng không biết làm thế nào
để phi tang chứng vật.
- Ba mẹ ơi, vào xem một đại thi sĩ mới xuất hiện đây.
Rồi bỗng tức cảnh sinh tình, ba chị ứng khẩu, ráp nhau thành một bài thơ. Lời thế này:
Hôm nay tôi tập làm thi sĩ,
Ngồi ngắm mây bay, văn cũng bay
Phú lục, tứ thơ đà đi vắng,
Moi tim, vắt óc chẳng đặng chương.
Giấy trắng vẫn còn nguyên trang giấy,
Mực hãy còn hờn, chẳng chịu tuôn.
Thế mà tay miệng làm lia lịa,
Bánh, kẹo, trà ơi! Đã sạch rồi.
Tôi ngẩn người ra nhìn các chị đang cười ngặt nghẽo. Mặt tôi đỏ dần rồi
tái mét. Dường như các chị còn nói, còn phê bình mỉa mai nhiều lắm,
song, tôi chẳng còn nghe được gì, co giò dông thẳng, bỏ lại sau lưng
tiếng cười ròn rã mà nghe như nát con tim (!!!)
Chỉ một lần muốn trở thành nhân tài thôi mà tôi mang mãi kỷ niệm khó
quên. Âu cũng là số phận của tôi chẳng hạp với văn chương, đành vậy. Từ
đó, không bao giờ tôi còn mơ mộng đại văn hào.
Thôi, giã từ mơ mộng, giã từ đại văn hào...
HỒNG QUÂN
(Trích từ bán nguyệt san Tuổi Hoa số 183, ra ngày 15-8-1972)
Không có nhận xét nào:
Không cho phép có nhận xét mới.