Tết
Trung Thu là tết của Nhi Đồng, tết của chúng ta, nhưng nhận Trung Thu
là tết của chúng ta, các bạn có biết tết ấy có từ bao giờ không?...
TỪ ĐỜI NHÀ ĐƯỜNG BÊN TRUNG HOA
Vua Minh Hoàng nhà Đường (còn gọi là Đường Huyền Tôn) là một ông vua
nghệ sĩ và rất đa tình. Nhà vua mê một người con gái là Dương Ngọc Chân,
phong làm Quí Phi. Vì vua không lo việc nội trị, trong nước trở nên
loạn. An Lộc Sơn làm phản đem quân đánh phá kinh thành. Vua phải chạy
trốn vào đất Ba Thục, nửa đường, quân sĩ ép Dương Quí Phi phải thắt cổ
chết trên gò Mã Ngôi. Chừng tới khi khôi phục, nhớ tới người xưa, nhà
vua thương xót vô cùng...
Theo sách "Thiên bảo dị sự" có chép lại rằng: Năm khai nguyên thứ 6 (tức
708 sau Tây lịch) vì thấy vua quá thương nhớ quí phi, một vị đạo sĩ đã
dùng phép mầu đưa nhà vua đi tìm người yêu cũ.
Minh Hoàng cùng với Thân thiền sư và Hồng đạo sĩ dạo chơi lên cung Trăng vào giữa một đêm rằm tháng tám.
Thoạt tiên họ bước vào một cái cửa, qua cung Ngọc Quang rồi tới cung
Quảng Hàn. Ở đây khí lạnh toát ra đến buốt xương, sương bay mờ ảo ướt
đầm cả mũ áo.
Cung Quảng Hàn là một tòa lâu đài rất nguy nga tráng lệ, tường cao chót
vót thâm nghiêm. Ba người cưỡi mây lên trên cao nhìn xuống, thấy bên
trong thành quách lâu đài xây toàn bằng ngọc lưu ly, hương thơm dâng lên
sực nức. Các tiên nữ, kẻ cưỡi công người cưỡi hạc, bay cuộn trong các
đám mây ngũ sắc, hớn hở vui đùa. Nhạc êm đềm trong như tiếng suối reo. Ở
dưới một gốc cây quế lớn, mười tiên nga vận y phục trắng toát đang múa
hát. Trong số, có một tiên nga mà Minh Hoàng nhận rõ là Dương Ngọc Chân
quí phi.
Gặp người xưa, Minh Hoàng mừng rỡ cất tiếng gọi, nhưng Quí Phi ra hiệu đừng nói và bảo nhỏ rằng:
- Quân vương... xin nhà vua đừng thương xót thiếp nữa, hãy trở về trần gian kẻo mang tội với Thiên Đình.
Nói xong, Ngọc Chân liệng đến cho nhà vua một chiếc vòng ngọc. Minh
Hoàng bắt lấy và nhận ra ngay rằng đó là chiếc vòng xưa kia ngài đã tặng
nàng.
Chừng tới khi trở về trần gian, Đường Minh Hoàng nhớ lại điệu múa hát
của các tiên nga mà soạn ra khúc: "Nghê thường vũ y" và cho cung nữ tập.
Đó là một vũ khúc tuyệt vời mà từ xưa tới nay chưa có một điệu nào có
thể sánh được.
Xét truyện tích trên thì tết Trung Thu chính là để kỷ niệm "Đường Minh
Hoàng du nguyệt điện", mà nước ta chịu ảnh hưởng văn hóa Trung Hoa, nên
có thể tục lệ này đã được truyền sang nước ta.
TỪ ĐỜI CHÚA TRỊNH Ở NƯỚC TA
Song nếu theo sử Việt chép lại thì có lẽ từ đời Chúa Trịnh Sâm, tết
Trung Thu mới thực sự được tổ chức chu đáo và đầy đủ ý nghĩa.
Trong sách "Tang Thương Ngẫu Lục" của hai ông Phạm Đình Hổ và Nguyễn Án có đoạn chép rằng:
"Mỗi năm, về tiết Trung Thu, cách vài tháng trước, Chúa Trịnh đã đưa các
thứ gấm ở trong nội cho các thị nữ chế tạo những chiếc đèn lồng hết sức
tinh xảo. Mỗi chiếc đèn như thế giá chừng mươi lạng bạc.
"Đến ngày rằm tháng tám, Chúa ngự chơi Bắc cung, ao Long Trì ở đó có đầy
sen, những hòn non bộ xinh đẹp huy hoàng có chỗ để cho các nhạc công
đàn sáo. Trên bờ, hàng trăm gốc phù dung, dương liễu, được trang hoàng
bằng những chiếc đèn lồng đủ kiểu, đủ mầu. Cung nhân lập các quán hàng,
bán đủ thức món ăn, nào nem công, chả phụng, rượu thịt v.v... không thức
gì không có.
"Đến qua giờ Tí (nửa đêm), Chúa xuống thuyền cùng với thị thần. Các cung nữ bơi chèo, gõ nhịp, hò hát du dương trên sóng nước.
Những tiếng đàn, tiếng sáo hòa cùng giọng hát câu hò tạo thành một thứ
âm thanh choi vơi quyến rũ. Mọi người tưởng chừng như thoát tục và đang
dạo chơi trên cung Quảng Hàn.
Chúa rất vui, luôn luôn nở nụ cười ; cho tới sáng mới trở về cung, lòng thấy bùi ngùi nhớ tiếc...
Có lẽ từ đấy, nhân dân mới bắt chước lối ăn chơi của Chúa Trịnh, chế ra
các thứ đèn lồng theo điển tích này, điển tích nọ cho trẻ em chơi trong
dịp tết Trung Thu.
Và đó là lịch sử tết Trung Thu, tết của Thiếu Nhi chúng mình đó, những người bạn thân mến ạ.
Theo HOÀNG YẾN
ĐỖ DUY LINH ghi
(Trích tuần báo Thiếu Nhi số 106, ra ngày 7-9-1973)
Không có nhận xét nào:
Không cho phép có nhận xét mới.