Thứ Bảy, 31 tháng 10, 2020

DÒNG TÁI BÚT THÁNG MƯỜI - Trần thị Phương Lan

 





















Nắng đổ hoàng hôn nhuộm cuối trời
Em về qua phố áo tinh khôi
Bâng khuâng vạt gió ngoài hiên vắng
Thoang thoảng hương chiều khi nắng phai

Chợt tháng mười sang em biết không
Gió sắt se thêm, nắng bớt hồng
Mùa xưa biền biệt cùng mây khói 
Giậu cúc nở vàng ươm nhớ nhung

Thu đã về chưa, hay sắp qua
Làn tóc mây thu, dáng ngọc ngà
Mảnh trăng lu nhếch cười khinh bạc
Vời vợi cung đàn ngân thiết tha

Vẫn biết chiều vương vấn gót hài
Ngập ngừng bóng nắng bỗng chia hai
Nửa phần phiêu lãng như sương khói
Nửa ở lại sầu lên chốn đây

Tháng mười về đến biết chăng em
Ngắt cánh hoa tim tím ngát thềm
Gởi về dĩ vãng ngày xưa ấy
Ghi mãi trong lòng, hay đã quên?

Lại tháng mười sang em có hay
Ai đi nhặt lá rụng rơi đầy
Nắn nót viết thêm dòng tái bút
Khung trời xao xác gió heo may

                            Trần Thị Phương Lan
                             (Bút nhóm Hoa Nắng)


Thứ Sáu, 30 tháng 10, 2020

MỘT LẦN THĂM TÒA SOẠN - Búp Bê Sầu Muôn Thuở

 
Tòa soạn Thiếu Nhi (Nguồn : Michael Bùi)

Buổi sáng em dậy thật sớm, em nôn nao trong lòng một ý niệm vui mừng khó tả. Em nhảy chân sáo xuống nhà bếp đánh răng, rửa mặt. Em gặp mẹ đang nấu nước. Mẹ ngạc nhiên nhìn em:

- Ủa sao mới giờ này đã dậy rồi?

Em bẽn lẽn cúi đầu. Vì mọi ngày em phải đi học sớm mà mẹ gọi hoài em cũng "lươi huyền" không dậy.

- Dạ, mẹ không nhớ tuần trước con xin mẹ hôm nay cho con đến tòa soạn Thiếu Nhi sao?

Mẹ gật gật đầu:

- Ừ nhỉ! Mà con đi sớm vậy không để em trả lời, mẹ nói tiếp Con đi đến đó nói năng cho tử tế, con hãy làm cho mọi người được vui vẻ chứ đừng làm họ giận mà mẹ buồn đó.

- Dạ vâng ạ, con xin nghe lời mẹ.

Em quen rồi, lần nào cũng được mẹ dặn dò trước khi ra ngoài đường.

Đến cửa tòa soạn, em thấy đâu đây nhiều thật là nhiều xe, cả xe đạp lẫn xe gắn máy. Em liếc mắt qua cánh cửa sắt xám, đông người ghê, em rụt rè. Eo ui con thỏ đế nắm chặt đuôi áo rồi, em và nó giằng co nhau mãi: nó kéo áo em ra còn em thì kệ nó, cứ "đường ta ta cứ đi". Em mở cửa bước vào, chưa kịp đổi sách, em thấy các bạn ngồi chung quanh nói chuyện vui quá đi. Em liền ngồi xuống tham gia cuộc vui.

Em nói hoài, em thấy cái miệng em tía lia, mí cả chị mặc áo dài màu cam, em gọi bằng chị hoài, chị nói chuyện có duyên ghê. Chị dạy chúng em về cách cư xử, chị khuyên chúng em nên chọn sách nào để học, để đọc, rồi chị kêu gọi chúng em hát. Em xấu hổ chả hát nhiều, bị chị chê làm em tức khí hát thật to, thật to cho phe húi cua thua luôn. Bây giờ chia làm hai phe: phe kẹp tóc và húi cua Phe húi cua do anh... hình như tên Bảo ấy cầm đầu. Anh hăng hái ghê làm em tự thẹn vì tính nhút nhát của mình Và phe kẹp tóc thì do chị... em chưa biết chắc, nhưng em cứ đinh ninh chị ấy là chị Phương Khanh, và em cũng tạm gọi vậy. Phe kẹp tóc cũng hăng ghê, hai phe đuổi nhau một hồi phe nam thua chúng em, tất cả vỗ tay reo mừng. Em thấy chị Phương Khanh nãy giờ hát mãi, hát mãi, chắc chị khát nước, em nói:

- Chắc nãy giờ chị khát nước ghê lắm nhỉ.

Chị Phương Khanh (?) nhìn em:

- Úi dào, cô bé thông minh ghê nhỉ.

Được khen em sướng mũi nở to như quả trứng gà, cười hoài, phô trương chiếc răng khểnh ra.

Được một lúc thì chú Nhật Tiến kéo theo bác Vịt Mò ở cửa đi vào.

Em bỡ ngỡ quá xá quà xa. Hồi nớ đến giờ em cứ nghĩ bác Vịt Mò còn trẻ măng, ai ngờ bác lớn ghê mà đầu óc còn thiếu nhi, bác còn yêu thiếu nhi, bác giúp cho các em thiếu nhi mở rộng kiến thức. Em thầm cám ơn bác đã hy sinh cho thiếu nhi.

Em cũng thầm vui mừng vì đã có những người cầm đầu lo cho thiếu nhi thật xứng đáng.

Mười một giờ hơn. Em phải về. Em chào các cô chú trong tòa soạn, chào tất cả các bạn Thiếu Nhi. Trong lòng em vui sướng hân hoan và thanh thản hơn bao giờ cả. Em hẹn trong lòng tuần sau thế nào cũng đến, dù chỉ một tí thôi vì nơi đây tòa soạn Thiếu Nhi đã giúp cho em một ngày vui sướng nhất, hoàn toàn vui sướng.


BÚP BÊ SẦU MUÔN THUỞ   

(Trích tuần báo Thiếu Nhi số 60, ra ngày 15- 10-1972)


Thứ Năm, 29 tháng 10, 2020

CHIẾC NÓN BAY - Tầm Vy

 
(Thật khẽ với bác gió dễ ghét)

Hôm qua đi học về
Bác gió thổi mạnh ghê
Khiến cho chiếc nón bé
Bay vụt ra ngoài lề

Bé hốt hoảng chạy theo
Nhưng nón cứ bay vèo
Lòng bé càng lo sợ
Và gió cứ vẫn reo

Chết chửa, ô! Thôi rồi
Bé mấp máy bờ môi:
- "Chao ơi bay xa quá
Làm sao kịp đến nơi"

Và từ kia hiện ra
Một xe trên đường xa
Cán bừa trên nón bé
Thật không chút xót xa

Bé chạy đến thật nhanh
Nhưng nón đã tan tành
Đứng trong lề nhìn nón
Mặt bé đổi màu xanh

Bởi chiếc nón hôm qua
Me mới mua cho bé
Làm sao bé không tiếc
Rồi lại sợ me la

Bé thơ thẩn đi về
Những bước chân ê chề
Thỉnh thoảng quay nhìn lại
Tim bé buồn tái tê

Chợt nhớ đến điều gì
Bé ngừng bước không đi
Một mình bé thủ thỉ:
- "Rồi đổ tội cái chi?"

Bé chân ngắn chân dài
Bước vào gặp mẹ ngay
Hỏi rằng: "Nón đâu bé
Sao lại đứng gãi tai?"

Lấy tốc độ bình thường
Bé vịn tay vào tường
Mẹ trông, cười bảo nhỏ:
- "Bé nói đi mẹ thương"

- "Thưa me khi đi về
Gió mạnh hết chỗ chê
Nón bé trông thích quá
Chạy theo tít ngoài lề

Mẹ bé khẽ nhíu mày
- "Con bé này ô hay
Sao không chờ mà lấy
Lại bỏ đi thế này?"

Bé xanh mặt thưa rằng:
- "Lấy vậy đâu khó khăn
Nhưng xe đà dẫm nát
Bé biết phải làm răng?"

Mẹ nhìn bé thở dài:
- "Me đã dặn bé hoài
Ra đường nhớ cẩn thận
Chớ ngắm gió nhìn mây"

Mẹ kéo bé đến gần
Rồi nói như chuông ngân
- "Bây giờ me "thưởng" bé
Hai cái "cốc" tượng trưng"

Nghĩ mà tức gớm ghê
Cũng tại bác gió nè
Lần sau đừng thế nữa
Ghét bác gió lắm nghe.

                         TẦM VY

(Trích tuần báo Thiếu Nhi số 10, ra ngày 17-10-1971)




Thứ Tư, 28 tháng 10, 2020

CA DAO MẸ - Vi Vu

 
Bé ngủ giữa vòng nôi êm ấm
Lời mẹ ru ời ạ giấc ngoan
Như đồng cỏ mùa xuân đầy nắng
Vọng lời ca trên quê hương ngai vàng

Bé ngủ giữa vòm trời trăng sao
Tiếng mẹ buồn qua bài ca dao
Gợi hình ảnh quê nhà yêu dấu
Một thời tuổi xanh ngủ ngọt ngào

Bé ngủ khi gió về bên cửa
Hôn lên môi thơm sữa mẹ hiền
Tiếng hát bay về vùng đồi cỏ
Trên cành cao ríu rít chim quyên

Bé ngủ khi hoa trong vườn nở
Hoa trắng như áo bé tơ mây
Lời ru êm lồng vào hơi thở
Ru bé vào chuyện thần thoại ngày xưa

                                                       VI VU

(Trích tuần báo Thiếu Nhi số 112, ra ngày 19-10-1973)




Thứ Ba, 27 tháng 10, 2020

THỤY NGÀY XƯA - Thủy H2O

 

Không biết tôi có "duyên nợ" gì với cô bé í không mà ngay từ đầu niên học, chúng tôi đã đụng đầu nhau hoài hoài.

Bước vào lớp, tôi đã để ý tới một "tân binh" ngồi đầu bàn dãy A, cái mặt cứ ngơ ngơ ngác ngác trông hiền ghê, cô bé chả đẹp nhưng duyên, đôi mắt tròn, to đen, đôi môi hơi dày, tai tái, nước da ngăm đen nhưng nổi nhất là má lúm đồng tiền, chả là vì cô bé cười với nhỏ bạn bên cạnh, nụ cười hở mở mười cái răng, vô tư ghê.

Đi xuống dần cuối lớp, tôi thoáng nghe tiếng cô bé hỏi nhỏ bạn:

- "Ông" nào vừa đi qua í Phượng?

Tôi vui thầm vì chưa chi cô bé đã "đặc biệt" đến tôi rồi, tôi hồi hộp chờ đợi!

- À "ông" Thoại đấy, trưởng ban bích báo năm lớp 9 vừa qua.

- Oai thế cơ à! Cứ như cò í. Thoại cẳng cò, con nai già ngơ ngác.

Cái dễ thương, cái hiền nơi cô bé chợt mất khi nghe cô bé phê bình. Tôi ứa gan ghê, nói chi nặng rứa, ta có thù hằn gì đâu, cò, cẳng cò, bực mình ghê, tuy tôi cao thật, 1 thước 63 nhưng không thích ai nói mình cao cả ; "năm cà nhỏng" đã đủ làm cho tôi chán nản, giờ lại thêm "Thoại cẳng cò", chao ơi, sao "kê" đau thế, tôi "chặn tủ" lại cho mà xem.

Hả hê với ý định của mình, tôi nóng lòng chờ đợi giờ ra chơi. Tôi bàn với thằng Thuyên, vớ bở hắn chịu liền, vì khi nãy, hắn cũng bị "con bé vô duyên" chê một câu "Đầu tóc như ổ chuột chù, ổ chấy". Có đồng minh hỗ trợ, tôi yên lòng.

Giáo Sư bước ra khỏi lớp thì hồi chuông cũng vừa reo, tôi vội vã ra khỏi bàn lừ đừ tiến gần lên, khi ngang gần bàn cô bé, tôi đứng lại, vờ vĩnh hỏi thằng Minh:

- Chiều nay có phim Ấn Độ, mày bao tao nhé.

Minh gật đầu khoái tỉ:

- OK, mình lựa phim nào có con nhỏ P. D đóng, nó tẻm vai "xí xọn" hay nhất nước.

Tôi nhún vai:

- Tao chúa ghét con đó, nó cười có hai cái "tổ dế" to tổ bố trông vô duyên ghê mày ạ, vô duyên như con nhỏ gì mới vào í.

Tôi liếc thấy đôi mắt cô bé khẽ chớp chớp, nước mắt viền mi, cô bé kéo tay nhỏ bạn:

- Ra ngoài đi Phượng, qua lớp em Thụy, hôm nay cô Tiên kể chuyện "Tráng sĩ cò gãy giò vì ăn vụng" tếu lắm.

Tôi ngẩn người. Trời ơi! Chi mà mồm mép ghê đi. Úi chào, giật mình. Tưởng gì hơn, cô bé cũng cao gần bằng tôi chứ ít sao, khoảng 1 thước 60 hay 61, thế mà lại chê người ta, cùng là dân nhà họ "Cao" mà cứ kê tủ đứng nhau mãi, ức ghê.

Một cái khăn be bé tim tím của ai đánh rơi dưới đất, tôi nhặt lên. A! Chữ Nguyễn Đoan Hoàng Thụy thêu rõ nét quấn quýt lấy nhau, chắc hẳn Hoàng Thụy yêu màu tím. Thôi! Giữ hộ khi nào trả lại, đây cũng là một dịp để làm quen với Thụy.

- Này! Cô bé ơi, cho hỏi một tí.

Tôi ngập ngừng hỏi đến ba lần cô bé mới chịu trả lời.

- Kêu ai mà kêu hoài dị.

Tôi bối rối:

- Thì cô bé ấy mà.

Thụy nguýt tôi chới với:

- Ở đây người ta không có chơi Poupée, không có chơi chi chi chành chành, không có chơi lò cò, ô quan...

Tôi nghệt mặt, cứng lời, sao mà "xảnh xẹ lẹ miệng" ghê vậy đó.

- Thôi mà! Cô bé chanh chua hoài dị.

Hoàng Thụy trợn mắt:

- Bộ người ta nhỏ lắm hở, người ta không thèm ăn chanh của đằng ấy, người ta đâu có ưa, người ta vô duyên mờ.

Tôi thổi bong bóng:

- Ừ thôi, vậy thôi! Cho "tui" trả lại cái khăn hôm qua "ấy" đánh rơi.

Cô bé có vẻ "liên hiệp" khi nhận lại cái khăn:

- Cám ơn!

Tôi vớ va vớ vẩn:

- Ấy tên gì nhỉ, tui tên Thoại.

- Hay là Thoại cẳng cò cũng thế.

Cô bé cười khúc khích rồi bỏ đi nhanh ra ngoài sân, tôi ngẩn ngơ nhìn theo, người gì mà làm cao ghê, thấy ghét, "thấy ghét" vậy đó sao tôi vẫn cứ thích làm quen.

Cũng vì "cứ thích làm quen" nên dần dần, tụi bạn trong lớp "cặp đôi" tôi với Hoàng Thụy. Tôi không chống đối mà trái lại, còn âm thầm tán thưởng nữa là khác, còn Hoàng Thụy, cô bé phản đối kịch liệt, đính chánh om sòm, làm như thế tụi nó trêu già thêm, thét rồi cô bé cũng điềm nhiên. Tôi hoài thắc mắc không biết tình cảm Thụy ra sao, thường con gái kín đáo e dè lắm cơ, không "trắng trợn" như con trai. Nhưng tôi vẫn kiên nhẫn dò dẫm vì thú thực, tôi "chịu đèn" cô bé "thấy ghét" đó mất rồi.

Bài học tôi bắt đầu xao lãng, tên cứ bị ghi dài dài trong sổ kỷ luật, giáo sư khiển trách hoài vì cái "chứng loát thần" của tôi: "Sao trò Thoại năm nay kỳ thế, cứ dở dở ương ương không thể hiểu nổi" Tôi bất cần, thay đổi dở ương tôi không cần biết nhưng nếu mà "cần biết" thì tôi biết chắc là chính Hoàng Thụy đã làm thay đổi hoàn toàn nếp sống học sinh của tôi. Nhưng nếu mà xét lại lòng mình, tình cảm mình, tôi chưa dám đoan chắc là mình đã bị "trận gió tình yêu", tôi không dám nghĩ tới điều đó, đúng hơn, vì đối với tôi chữ "yêu" nó có vẻ ghê ghê, ngường ngượng, tôi cảm thấy xấu hổ khi nghĩ rằng mình đã "yêu Hoàng Thụy" tôi nói chữ đó là cả một công trình, không dễ dàng như "yêu ba yêu má, yêu anh yêu chị" Sao rắc rối quá nhỉ, tình cảm của con người đôi khi phức tạp ghê, ơi! Hỡi tuổi 16 mi đã cho phép ta nghĩ tới cái chữ "yêu" trọng đại đó chưa?

Hôm nay giờ ông Minh, ông giáo sư khó tánh nhất, tôi bị chiếu cố nhiều nhất vào giờ này, ai mà nói chuyện hoặc đụng đậy chân tay là bị kêu lên bảng đứng, một lần cảnh cáo, hai lần ghi tên, ba lần ăn "xi rô", và dĩ nhiên hôm nay tôi lại bị kêu lên bảng.

- Anh Vũ Ngọc Thoại, vào lớp mà đánh đàn, lên đây đứng đi.

Trời ơi! Thày khó tánh ghê, tôi tức bực đi lên, ngang chỗ Hoàng Thụy tôi nghe tiếng cô bé cười khúc khích.

- Ê Phượng! Hôm nay ông Thoại cò nhà ta tếu ghê, bồ có thấy tếu chỗ nào không?

Nhỏ Phượng nhìn tôi lom lom, tôi vừa xấu hổ vừa sùng.

- Ừ tếu quá, thân hình đã như cái xe điếu, còn mặc cái quần bó sát ngắn gần đầu gối, chắc "cầm nhầm" của em í Thụy.

Tôi nóng bừng cả mặt, bọn con gái sao nhiều chuyện quá đi, tò mò, phê bình, chỉ trích, mà con bé Phượng nói cũng đúng, tôi mặc quần của em tôi thật, vì sáng nay vội quá, quần cả chục cái tôi nhét xó nhét xỉnh, mẹ tôi hôm qua lôi ra giặt chưa khô, thế là tôi vớ cái quần của thằng em, mặc tưới hột sen, con trai mà cần gì. Con trai người ta khác, bình dân giản dị chứ chả như bọn con gái, điệu một cây.

- Tại Phượng không biết chứ lị, thời đại bây giờ ai mà quần chùng áo dài.

- Thụy nói chuyện hoài hắn kêu lên bảng bây giờ.

Nhỏ Thụy "vô duyên" cười muốn vỡ tung cái tổ dế.

- Còn lâu hắn mới kêu Thụy, nói thẳng đi chứ.

Tôi ứa gan, mặt nóng bừng, con nhỏ biết "tủ" của tôi rồi, thử kêu cho mà biết, tưởng ngán hở.

Nghĩ là thi hành liền, tôi hắng giọng kêu lớn:

- Dãy A bàn số 1.

Bên nam sinh vỗ tay nhao nhao:

- Nói tên đi mày, sợ gì, can đảm lên.

Tôi quên phắt nhỏ Thụy đang nhớn nhác, như được bơm hơi vào phổi, tôi nói to:

- Thưa thầy "chị" Hoàng Thụy ạ.

Tụi nó vỗ tay rào rào, hét tướng lên khoái chí, kêu được bọn con gái lên bảng là lập được một chiến công vẻ vang, con trai lên như cơm bữa, con gái lên mới vui, tụi con trai tha hồ chọc ghẹo ở dưới cho con nhỏ đứng trên bảng khóc mới thôi.

Nhỏ Thụy khóc thật sự, nó cúi mặt không nhìn ai cả, cũng không thèm kêu một đứa nào, lớp ồn ào như cái chợ, thầy Minh cứ la nhỏ hoài, dọa sẽ bắt Hoàng Thụy quì vì không chịu chỉ những kẻ nói chuyện. Chừ tôi mới cảm thấy mình "anh hùng rơm" quá, chắc nhỏ Thụy thù tôi lắm, con gái là chúa thù vặt tôi ngẩn ngơ như vừa làm mất một bảo vật, chắc chắn tôi chả dám gặp Hoàng Thụy nữa.

Quả chúng tôi có "duyên nợ" thật (tôi nghĩ thế, chứ Thụy không bao giờ đâu). Giờ ra chơi, lúc vào học Thụy ở ngoài vào, tôi ở trong lớp ra, vừa đi đến cửa, 2 đứa chạm mặt nhau đụng đầu cái "cốp", phản ứng tự nhiên, tôi dang tay vịn vào thành cửa lấy đà lại, cô bé Thụy chúi đầu vào ngực tôi, hoảng hốt xấu hổ, cả lớp cười rầm rầm, tôi ngượng chín người, Thụy cũng thế, hai đứa đưa tay rờ trán rồi lặng lẽ về chỗ ngồi, riêng tôi tuy xấu hổ thật đấy, nhưng sung sướng vô cùng.

Bản "Ngày Xưa Hoàng Thị" thế mà thật đúng với trường hợp tôi bây giờ, không biết tác giả bản này ngày xưa có theo cô nàng Ngọ ráo riết như tôi theo Thụy bây giờ không. Ngày nào như ngày nào, "em đi trước anh theo sau" Thụy không đi một mình, còn có nhỏ Phượng nữa, tôi đâm ra thù Phượng ghê gớm, con bé này "chặn đầu tôi bao nhiêu việc", cái lá thư viết lâu rồi, ngo ngoe nhưng chưa dám gửi. "Đúng điệu" em tan trường về, anh theo "Thụy" về, chân anh nặng nề, lòng anh nức nở, mai vào lớp học, anh còn ngẩn ngơ, ngẩn ngơ", "anh trao vội vàng, chùm hoa mới nở, ép vào cuối vở, muôn thuở còn thương". Nhưng tôi không đưa vội vàng chùm hoa, mà đưa lá thư, Thụy cũng không ép vào cuối vở như cô Ngọ dễ thương, mà đằng này Thụy cho nó làm chiếc lá rụng, nhỏ Phượng nhặt lên, nhớ tới giây phút ấy, lòng tôi chùng xuống, bao tin yêu nồng thơm một thoáng thành mây sương.

- Thụy! Cho gởi cái này.

Thụy dừng lại:

- Hỏi gì, "tui" đâu có gì để "đằng ấy" hỏi.

Nhỏ Phượng nhìn tôi lém lỉnh khiến tôi nóng mặt, con nhỏ nầy là chúa lắm mồm, mai đây thế nào cả lớp cũng cười tôi thối đầu, tôi rút nhanh là thư trong tập ra run run nhét vào tay Thụy, con nhỏ hững hờ để tờ giấy bay xuống đất, không buồn nhìn. Tôi xấu hổ quay đi "lòng nức nở", thoáng thấy Phượng cầm lên tôi thẫn thờ nhìn chung quanh, cây lá như héo hắt, bóng Thụy hút dần cuối đường, đắng cay, nghèn nghẹn, lần đầu tiên tôi biết thế nào là "đau khổ vì tình", ôi! Muôn vàn cơn sóng sánh.

Đúng như tôi nghĩ, sáng nay vừa vào lớp, bọn con gái nhìn tôi cười khúc khích, tôi chột dạ. Thôi chết rồi, chắc con Phượng đã bép xép cho tụi nó nghe hết, có nước độn thổ chứ học gì được, biết vậy, nghỉ học phứt đi cho xong. Đi lướt qua chỗ bọn nó, tôi nghe tiếng con Thoa ê a:

- ... Ánh mắt trong sầu thu nhốt cả hồn tôi rồi.
... Em dáng tiểu thư hát khúc tình ca.

Trời ơi! Khổ rồi, những câu thơ tôi thức mấy đêm liền để nghĩ ra viết tặng Thụy. Thụy ơi! Thụy ác quá.

Những tiếng chọc ghẹo của bọn con gái cứ vây bủa lấy tôi, tôi thấy như có muôn nghìn ngọn sóng lao đao trong hồn, tiếng cười của Thụy tựa như vạn mảnh thủy tinh đâm buốt tim tôi. Thụy ơi! Thụy ác quá. Thụy ác như mụ phù thủy ngày xưa cổ tích đó.

Tôi bỏ về nhà ngay hôm đó, và nghỉ liên tiếp mấy hôm liền, một tuần sau, tôi xin chuyển trường. Thụy bây giờ chỉ còn là ngày xưa thôi, ngày xưa với đôi mắt đã làm cho tôi rơi ngã, lao đao, mối tình học sinh là thế đó, đậm đà như màu cà phê đen và mong manh như nắng sớm. Thôi nhé. Thôi nhé. Thụy vẫn còn hồn nhiên ghế nhà trường, trong tôi chỉ còn hình bóng của Thụy ngày xưa thật gần, thật gần vậy đó.


THỦY H2O    

(Trích từ bán nguyệt san Ngàn Thông số 35, ra ngày 7-10-1972)



Thứ Hai, 26 tháng 10, 2020

CHIỀU TAN HỌC - Linh Thao

 

Xuôi về dốc nhỏ lá đầy
Vàng phai chân bước hây hây má hồng

Nắng vàng giòng tóc em hong
Chiều về tan học sầu đông chân ngà

Phất phơ áo trắng vạt tà
Gió mơn man lạnh kiêu sa tóc bồng

Tay ôm chồng sách thơm nồng
Thoảng hương giấy vở về trong gió ngàn

Chơ vơ cây đứng bên đường
Bay bay sầu rụng lá vàng thu mơ

Mắt nai ngơ ngác dại khờ
Bước chân chầm chậm gió đưa em về

Chiều thu đường vắng lê thê
Chim đi nhịp bước, bên lề cây cao

Thu về gọi lá xôn xao
Tan trường nhịp bước ngọt ngào đưa chân

Gió êm hồn chút bâng khuâng
Ươm mơ tuổi dại màu xanh học trò.

                                                  LINH THAO
                                                        (Thôn Diễm)

(Trích tuần báo Thiếu Nhi số 130, ra ngày 1-10-1974)




Chủ Nhật, 25 tháng 10, 2020

TRĂM NHỚ NGHÌN THƯƠNG - Nhã Uyên

 
















Trời đã sang thu theo gió heo may

Hồn đã phiêu du theo lá rụng  đầy

Chiều xuống nhẹ êm tàn phai giọt  nắng

Nhẹ cánh trên không lướt vội phiến mây 


Năm tháng xa rời Đà Lạt ngàn thông

Là nhớ khôn cùng, là nhớ mênh mông

Những ngày xuân vui rồi hè ấm áp

Đi lễ với người... đôi má đỏ hồng


Ngày ấy quen nhau như những chim non

Ríu rít đùa vui rồi lại cười dòn

Năm tháng qua đi tưởng chừng một thoáng

Vẫn giữ vẹn nguyên tình bạn sắt son


Trong gió thông ngàn reo điệu du dương

Tưởng đã chôn vùi trăm nhớ nghìn thương

Thông nhắn nhủ giùm đến người bên ấy:

Tin yêu ngập tràn ánh sáng thiên đường 


Giọt nắng cuối ngày rồi cũng tàn phai

Rồi cũng tàn phai năm tháng miệt mài... 

Những ngày lập đông đi qua hờ hững

Chợt nhớ lạ lùng một mái tóc mai...


Đà Lạt ngày xưa, Đà Lạt hôm nay

Người đã đi rồi... trăm sự đổi thay

Chợt nhớ đến câu người ta thường nói : 

" Tóc mai sợi ngắn sợi dài

 Lấy nhau chẳng đặng thương hoài ngàn năm ! "


                                                                                       Nhã Uyên

Thứ Bảy, 24 tháng 10, 2020

THỢ CÀY TRÙN ĐẤT - Phan Khương Thái

 

Những nhát cuốc kinh hoàng bổ xuống để vỡ đất hoang. Một tốp người im lặng làm việc, kẻ cuốc người quăng những cục đất: to có, nhỏ có... Họ chất hết lên xe cam nhông. Gia đình gã thơ Hai ở nửa thước bề sâu dưới mặt đất vẫn không thoát cảnh dọn nhà bất đắc dĩ. Cha gã thợ Hai và các bác hàng xóm ngơ ngác trước biến cố. Riêng bọn nhóc tì và các em gã thợ Hai thì sung sướng. Chúng reo hò và thơ thẩn đi thăm thú với nhau. Thời gian di chuyển lỡ khóc lỡ cười trên xe chính là thời gian tụi chúng được nghỉ việc đồng áng. Cha mẹ chúng băn khoăn dù số lượng đất đai trên xe hãy còn nhiều. Họ hàng nhín nhút vẫn có thể sống cả năm.

Họ hàng đây chính là họ hàng trùn (giun) đất. Họ chính là những gã thợ cày rất mực siêng năng. Những người thợ cày mẫn cán, quanh năm ngày tháng, đêm hay ngày luôn làm việc với đất, đem lại chất bổ cho cây cỏ. Không có chất bổ cần thiết này, cỏ sẽ không mọc được. Vậy, loài người sẽ bị tiêu diệt vì một lẽ rất giản dị: không đủ thức ăn.

Trên đá, sỏi, vôi, gạch... loài người không cày bừa chi được. Lớp đất mỏng trên mặt đất thì hao hụt dần chất bổ. Liên tiếp không ngừng, thợ cày trùn đất nhẫn nại, mạnh mẽ đào bới, biến hòn đất thành một thứ đất tơi và biến rác rưới, các loài vật, lá cây, cành chết thành một chất mùn thật tốt cho sự trồng trọt, và các khoáng vật ở dưới đất thành những thức ăn cây có thể tiêu hóa được.

Thế mà bỗng dưng họ hàng trùn đất phải xa lìa "quê cha đất tổ", đi nghỉ mát ngang xương. Họ đang lưng chừng không rõ đời sống mới ra sao?... Tương lai họ về đâu? Biết có sống đời khoáng đãng rộng rãi và tự do không? Vì cứ mười thước vuông đất có khoảng trên dưới một ngàn trùn đất chứ ít ỏi gì. Thế nên sự cần cù, kiên nhẫn là phương châm cho đời sống của họ hàng trùn đất. Nhưng chỉ có các bậc cha mẹ kinh nghiệm mới biết thế nào là "cái ăn là cái khó khăn". Miếng ăn, sự sống xuất phát từ sự cần lao chính là số lương trả công quý báu cho họ hàng trùn đất. Họ hàng trùn đất không mong gì hơn một đời sống tầm thường và chất phác với đất cát thân yêu. Bởi vậy thế hệ này qua thế hệ kia, họ hàng trùn đất truyền lại cho nhau cái nghề mộc mạc, cày sâu cuốc bẫm. Đặc biệt chúng ta không bao giờ gặp họ làm việc ban ngày đâu nhé.

Dĩ nhiên là họ hàng trùn đất rất sợ những tai họa bất ngờ khi đang còng lưng dưới ánh sáng mặt trời. Họ như những giống dân trong truyện cổ xưa, chỉ sống tự do về đêm. Ban đêm họ mới dám chui lên khỏi mặt đất, từ những hang dài ngoằn ngoèo, họ hàng trùn đất đi thở hít khí trời. Nhưng họ không rảnh rỗi mà du lịch, họ làm việc hoài, kiếm ăm trên mặt đất...

Để rồi sáng mai lại vội vã chui xuống lòng đất. Hình như họ không ngủ nghê bao giờ thì phải? Đâu đâu, nơi nào có đất là chúng ta có thể tìm bắt được trùn đất. "Trùn đất" để đi câu cá này, "trùn chỉ" cho cá lia thia ăn, "trùn hổ" cho gà, vịt ăn v.v...

Thế là họ hàng trùn đất tầm thường, hèn mọn... tưởng rằng vô giá trị mà có ích vô cùng cho loài người chúng ta.

Cũng như mọi người, gia đình gã thợ Hai phiêu lưu đến một chỗ không biết đâu là đâu. Vì họ chưa từng dự cuộc hành trình nào xa xôi như vậy, gần ba tiếng đồng hồ chứ mau sao. Thì ra người ta đổ đất xuống các vũng, các chỗ đất trũng, đọng nước... chỉ để đắp nền. Ở đâu cũng được, miễn có đất là tốt rồi. Họ hàng trùn đất bảo nhau, "với tài nguyên đất đai sẵn có, chúng ta lại gầy dựng (sự nghiệp nhà cửa) lo gì..." Người ta vẫn tiếp tục lấy đất tận mãi đâu, đổ thêm vào. Nhịp sống của họ hàng trùn đất chưa đàng hoàng, chưa ăn khớp, thì người ta lại dùng nện nén chặt đất lại. Có lẽ họ đắp nền, cất nhà... (?)

Thật vậy, công trình kiến trúc của người ta làm khổ tâm cho gia đình gã thợ Hai. Gia đình gã thợ Hai thế là mất "lối lên trời". Vì lẽ dễ hiểu, người ta tráng nền nhà bằng xi măng hay lót bằng gạch bông. Lần này gia đình gã thợ Hai phải dọn nhà và dọn nhà có lý do. Gia đình gã cũng rất cần thoáng khí. Gia đình gã nhắm thẳng một hướng mà đào địa đạo ngầm. Cha gã và gã khỏe mạnh đi trước. Đất vừa đào vừa ăn, vừa dùng môi hắt qua hai bên đường hầm cho chắc chắn khỏi sụp. Mà nếu đường hầm có sụp đổ cũng không hại, mấy chục đứa em gã thợ Hai dư sức lo liệu lấy thân. Chúng cũng cày cục, nhai nuốt, tiêu hóa... được đất, dù lớp đất vàng này quá xấu. Nhưng chúng làm biếng lắm cơ (Điều này tệ quá, vì ngược lại với qui luật và truyền thống của loài trùn chúng nó), chỉ có gần mười đứa là chịu tự lực cánh sinh. Còn mấy đứa kia cứ muốn nghỉ xả hơi hoài hoài. Cha gã thợ Hai vẫn thường dạy dỗ các con quen đời sống cần lao, đừng nên ăn không ngồi rồi. Mặc lời khuyên của cha già, mấy đứa em lười biếng của gã thợ Hai cứ bỏ ngoài tai. Nói nôm na là nếu có nghe tai bên này, lời nói cũng sẽ thoát ra tai bên kia.

Trùn đất lại không có mắt, có mũi, và thiệt thòi hơn hết, trùn đất lại chẳng có lỗ tai, dù chỉ để nghe khúc nhạc giang hồ của các nhạc sĩ tài hoa dế hay ve. Cái thú duy nhất của trùn đất là nhậu nhẹt bằng cái miệng độc nhất, cũng là chỗ ăn, chỗ uống... Họ vừa đào, vừa cuốc, vừa vày, vừa xới... vừa ăn ngốn ăn ngấu, bởi vì dạ dày trùn đất dài lắm, chỉ kém chiều dài của thân mình trùn đất độ vài milimét mà thôi.

Lũ em lười của gã thợ Hai càu nhàu vi ăn toàn là thứ đất xấu. Thứ đất có pha cát lẫn đất sét chẳng hấp dẫn tí nào. Thằng Út bảo với các anh cũng một bọn lười như nó:

- Ớ này mấy anh ơi, chầm chậm đợi tôi theo, tôi kể nghe cái chuyện này hay lắm.

Mấy đứa kia liền mắng:

- Thôi đừng xạo Út ơi! Đường còn xa mà tụi tao mệt gần đứt hơi rồi.

- Thiệt mà, tôi mới gặp thằng bé con ông nhạc sĩ ve.

- Rõ ràng thằng Út xạo quá trời! Con nhạc sĩ ve mà chui xuống đất chơi với mày?? Khó tin.

Mấy anh của thợ Út cười to lên chế riễu, chúng rùn rụt cái thân hình do một số các vòng tròn dính liền với nhau, độ vài trăm vòng, tùy theo đứa dài hay ngắn mình. Bao nhiêu vòng ấy chính là bấy nhiêu các bắp thịt kéo dài từ đầu đến chót đuôi nhọn hoắt. Chúng cười há cả miệng, bắn cả vụn đất lăn long lóc xuống đầu thợ Út. Thợ Út rất bực mình:

- Nè, không nghe tôi nói thì thôi! Báo tin cho mấy anh hay tôi sắp đi giang hồ.

Mấy thằng anh ngơ ngẩn dừng lại, đằng trước cha con thợ Hai và mấy đứa siêng đã bỏ tụi lười này một quãng khá xa.

Bấy giờ thợ Út mới chậm rãi kể đầu đuôi cùng các anh:

- Các anh tưởng con nhạc sĩ ve nó ra sao? Tâng bốc nó cho oai chứ nó tên con Sùng.

- Ối! Thôi tụi tao biết rồi, cái thằng bé trắng trắng, vàng đục thì đúng hơn, nó xí gạt mày đó. Còn lâu lắm nó mới dám ló đầu lên mặt đất. Mà mày đi một mình có ai đâu để dẫn đường?

- Tôi sẽ đi. Tôi đi một mình. Tôi sẽ hỏi thăm bác ốc sên này, hay họ hàng nhà kiến..., khối người tốt và biết đường.

- Hay dữ a! Kiến nó thui mày luôn, ốc sên thì nhai đầu mày.


Thợ Út bị mấy thằng anh dọa thì ngán thầm nhưng trong lòng vẫn còn ấm ức.

Thế rồi gia đình gã thợ Hai lặng lẽ đi mau, họ dọn nhà rất gọn vì không có vật dụng gì mang theo cho cồng kềnh, bận bịu cả.

Đến nữa đêm cha gã thợ Hai và gã quyết định trồi đầu lên. May mắn thay họ đã ra đến sát bờ lộ. Trên mặt đường tráng hắc ín lấm tấm sương đêm, và hơi nóng ban ngày đã bốc hơi hết. Gã thợ Hai khoan khoái vặn vẹo các bắp thịt. Thân hình vốn  nhám của gã bây giờ ướt đẫm "mồ hôi", những chất nhờn nhụa tiết ra từ những túm lông dựng ngược trên thân mình, phân phối từng chùm đều đặn bây giờ dính kết với nhau.

Gia đình gã thợ Hai ngừng lại ở đó. Thợ Út và mấy anh cũng lục tục đến nơi. Bọn chúng thở phào nhẹ nhõm. Cả ngày đi với những địa đạo do cha và các anh đào sẵn từ trước mà chúng còn kêu ca là vất vả quá sức.

Gã thợ Hai mắng các em:

- Thế mấy cái xẻng trời sinh ra cho chúng mày để làm gì? Phải làm việc mới có mà ăn chứ. Chúng ta sinh ra để suốt đời hoạt động, không nên lấy đó làm buồn. Nào bây giờ bắt đầu từ mai, tụi bây phải chia chỗ ra mà sống, mà ở, mà làm việc, mà ăn. Lớn rồi phải lo lấy thân.

Vừa nghe anh nói xong, tụi em gã lại ồn ào cãi cọ, giành đất, giành nhà, tự chia khu vực...

Cuộc đời tụi trùn thật đáng buồn nào biết chi cái vui, sự đẹp... Quanh năm vất vả đi cày, như là để trả nợ cho ai (?)

Một hôm có một bọn trẻ con tay xách hộp thiếc, tay cầm dao phay đi tìm bắt trùn về câu cá. Có đứa còn hí hửng vạch cỏ tìm dế nữa kia. Xui xẻo thay, bọn trẻ lại nhè ngay khu vực gia đình gã thợ Hai cư trú mà xâm phạm. Bọn trẻ vừa xắn, vừa đào thong thả bắt từng đứa thợ cày. Gia đình trùn đất tan tác, lủi trốn mọi phía. Chúng dùng lợi điểm nhờ có thể chui vào bất cứ chỗ đất nào: đất cát, đất sỏi, đất cằn, đất rắn hay đất ẩm. Nhưng chúng vẫn phải chào thua bàn tay loài người. Bọn trẻ tóm được nhiều lắm, có thể nói gần trọn gia đình gã thợ Hai. Thêm sáu gia đình hàng xóm ngụ gần đó cũng chung số phận. Gã thợ Hai chứng kiến từ đầu đến cuối tấn thảm kịch. Bọn em gã vùng vẫy cố quăng mình ra khỏi hộp thiếc. Không hề gì, con trùn bò trên đất rất chậm, hễ thấy mặt trùn là được dù cho có vùng vẫy cho rơi bọn trẻ cũng bắt bỏ trở lại ngay vào hộp thiếc. Thằng Út ham đi giang hồ, nay bị hai ngón tay kéo ra. Thằng Út cố dùng mấu đuôi nhọn ngoéo chặt trong một đường hầm. Thân mình nó bị kéo dãn ra, dãn ra đến khi đứt "bựt" một cái. Một tia máu lạnh cũng vọt ra, phân nửa người còn lại của nó bị móc tiếp lên. Mấy đứa kia oằn oại thun người trốn tránh. Nhưng mũi dao phay vô tình cứ xắn sâu, và thăm dò tứ phía. Tội nghiệp cha gã thợ Hai, ông quá to và hơi chậm chạp. Thân mình lại dài nên bị mũi dao xắn ra ít nhất là mười hai đoạn. Không hiểu tại sao chỗ ông ẩn trốn lại bị đâm dao nhọn vào nhầu nát, như thể khi người ta trộn cát với xi măng. Giá có bị đứt làm hai như thợ Út, thì cơ thể ông vẫn thích ứng để sống với hai con người. Đằng này ông bị cắt vụn ra, chỉ chờ đón cái chết mà thôi. Gã thợ Hai nhờ bò đại vào chỗ cha gã nằm hấp hối nên thoát nạn cùng với mấy đứa em nhanh chân đã lủi xuống thật sâu dưới lòng đất.

Bọn trẻ đã đủ số trùn để đi câu, bỏ về. Thợ Hai, thợ Ba, thợ Tư, thợ Năm... (bảy đứa) run rẩy, tụ họp lại xúm xít bên khúc đầu đang hấp hối của cha già. Cái môi trên lẫn môi dưới mạnh mẽ của ông ngày nào, bây giờ chỉ đủ sức thều thào từng tràng tiếng dặn dò, khó nhọc và đứt quãng:

- Các con ơi, cha cũng từng biết mộng ước giang hồ của thằng Út. Nó đang phiêu lưu đấy, nhưng nó sẽ gầy ốm trong hộp, trong ngục tù tăm tối thiếu hẳn ánh sáng và khí trời. Có lẽ nó cũng sắp làm nạn nhân cho cuộc tế thần.

- Hu hu... cha ơi đừng chết. Cha đừng nói nữa, tụi con sợ quá.

- Cha biết sức mình mà, cha và mấy đứa kia sẽ là mồi câu cá. Người ta sẽ luồn nguyên người kẻ bạc số vào lưỡi câu nhọn có ngạnh, càng vùng vẫy cáng mau chết. Cha tiếc rằng không sống lâu để giúp ích cho đời. Thằng Hai con!

- Dạ con nghe đây.

- Nghe cha bảo, ráng mà dìu dắt các em. Ráng mà tinh xảo nghề nghiệp, ráng mà học hỏi cho được "nghề nông". Vì cuộc đời chúng ta chỉ mới vượt được nửa giai đoạn. Cày bừa mà không trồng trọt thứ gì thì công lao chưa xứng với đời sống.

Cha của bọn trùn thoi thóp độ một giờ thì chết hẳn. Gã thợ Hai và các em vật mình, vật mẩy than khóc. Bọn trùn đất đào sâu, sâu lắm... một cái huyệt để vùi tạm xác cha bị đứt nhiều khúc. Chúng vừa đào, vừa ăn (lại ăn)... nhả ngay ra nhiều viên đất tròn tròn, có lẽ tròn hơn viên thuốc tễ của ông lang nhưng nhỏ hơn. Ngày nào bọn chúng xếp những viên thuốc tễ (các nhà khoa học đã từng nghiên cứu, phân chất và so sánh với các loại phân bón tốt đến đâu cũng thua các viên đất tròn ấy) thành từng đống xinh xinh, bây giờ chúng chất làm mộ cha chúng. Chúng không dám chôn nông, sợ các loại côn trùng khác bới móc mà ăn sẽ xảy ra sự đau lòng cho chúng sau này.

Đáng lẽ thì gã thợ Hai phải ở lại để lo việc hương hỏa. Nhưng ngược đời chưa, thợ Hai lại nối chí thằng Út, thực hiện hoài bão xa xưa: phiêu lưu. Không phải gã thợ Hai lười biếng và muốn sống long đong đầu đường xó chợ, mà chính ra gã đi tìm người để hấp thụ thêm nghề nông. Đó chính là cái nghề thích hợp cho những người giỏi chịu đựng "chân lấm, tay bùn", dẫu rằng họ hàng trùn đất trơ trọi không có chân, tay. Thợ Ba, thợ Tư... nhút nhát lắm, không dám theo thợ Hai. Chúng sống an phận nơi này được rồi. Để đáp lời thợ Hai, thợ Ba nói:

- Thôi, đất ở đây còn rộng chán. Tụi em hết dám ước mơ đi giang hồ. Vả lại mỗi lần dọn nhà là mỗi lần tốn kém, hao hụt và sút cả người.

Thợ Hai buồn bã:

- Vậy anh đi một mình. Em Ba hãy thế quyền anh mà dìu dắt các em nghe. Liệu mà thăm nom mồ mả cha ta. Anh đi tìm một ngày mai tươi sáng hơn. Hy vọng chúng ta sẽ khuếch trương nghề nghiệp, chứ cứ mãi dùng phương pháp cổ truyền này thì sự thu hoạch rất ít ỏi.

- Anh an tâm mà đi. Ngày anh quay về sẽ được thấy công trình vun xới của tụi em. Tụi em nhất định là sẽ biến đất hoang thành ra tươi tốt. Tụi em không cầu vọng chi cao xa, miễn sao ấm no là vui rồi Thợ Ba hăng hái nhận lấy bổn phận còn hứa bao nhiêu điều với thợ Hai như trên.


Phải chờ cho đến hoàng hôn thợ vày Hai mới gọi là khăn gói lên đường. Thợ Hai rời bỏ các đường hầm ngang dọc, bị xáo trộn lúc ban mai. Thợ Hai nhìn lần cuối chỗ quen thuộc rồi quay phắt đi nhanh. Thức ăn trên mặt đất dĩ nhiên ngon hơn dưới hầm nhiều. Nhưng gã chỉ ăn để lấy sức, không phải là lúc để thưởng thức, gã phải tranh thủ với thời gian. Vì ban ngày gã thợ Hai phải chui xuống đất để tránh bao tai họa hiểm nghèo đang chờ đón người lữ khách cô đơn.

Suốt đêm gã thợ Hai chỉ gặp các nhạc sĩ dế lang thang ở rải rác khắp nơi, và gã không hỏi thăm được gì. Mấy ả đom đóm lập lòe trên không, lâu lắm mới có chị mỏi cánh rơi đánh phịch xuống cỏ khô. Nhưng hỏi thăm thì các chị chẳng biết gì hơn là mỗi đêm lo đánh quần đánh áo đi dự dạ hội. Gã thợ Hai vừa đi vừa ăn. Thợ Hai đi bằng cả thân mình. Với một dáng điệu cố gắng, thợ Hai lấy cái đuôi tì xuống đất làm điểm tựa rồi nhoai khúc trên ra phía trước. Xong xuôi dùng đầu tì xuống đất, kéo nửa mình dưới nhoai lên, thu thật ngắn bề dài lại, rồi tiếp tục nhoai đến khúc đầu... Gã thợ Hai ăn tất cả vật gì bắt gặp trên đường đi. Gã ăn đất rời này, cả vôi, cả sỏi... có lẫn đất bọc ngoài. Gã ăn được cả lá sống, lá chết, các thứ cỏ, rể cây, cành cây... còn xanh tươi hay khô và mục. Bản năng cũng giúp gã thợ Hai tìm ăn những vi khuẩn lẩn trong đất mà không sợ trúng bệnh. Ăn xong lại tống ngay các chất bã ra. Các viên tròn rơi rớt dọc đường như "thằng bé Tí Hon rải đá cuội làm dấu cho đường về nhà". Gã thợ Hai cũng không có thì giờ sắp xếp thành đống cho gọn gàng như lúc trước. Khi vài tia nắng mon men, có tia tò mò tìm soi gã thợ Hai thì gã thợ Hai hốt hoảng chui ngay xuống đất. Hệ thống bắp thịt được gã sử dụng tối đa, không cần chi đến xương sống xương sườn, gã thợ Hai vừa dùng miệng xúc túi bụi, vừa ăn mau, vừa chùi xuống nhanh. Bình minh bắt đầu với vầng hồng thoáng ửng phương Đông.

Gã thợ Hai đi lâu lắm và khá xa chỗ cũ. Cuộc hành trình của gã vẫn chưa gặp trắc trở. Ban ngày gã đã khôn ngoan  tránh những móng vuốt của gà, của chim... tìm mồi. Ban đêm gã cũng rất cẩn thận trong lúc di chuyển. Gã gặp trên đường gian lao vô số bạn trùn đất không quen, tên nào cũng ân cần mời gã ở lại. Họ dẫn gã đi khoe cùng khắp các đường hầm rộng rãi, nhà đất thênh thang, tỏ ý dư sức chứa và nuôi gã thợ Hai. Trong thâm tâm gã thợ Hai quyết sống đời tự lập, không muốn nương tựa nhờ vả ai.

Một đêm gã đi qua rẫy bắp thì gặp một chuyện buồn cười. Trên thân cây bắp có một kẻ đang lấp la lấp ló... Nhìn rõ gã, kẻ ấy mới thôi hốt hoảng, nhưng kẻ ấy vẫn lên giọng phách:

- Anh sên kia đi đâu vậy, mà làm tớ đây giật mình?

- Tôi không phải sên, tôi là trùn hay giun đất đây. Còn anh tên gì? Thợ Hai ngạc nhiên hỏi lại.

- Tớ là "sâu cắn chẽn", quen nghề đạo tặc.

- Ủa, sao trông anh khỏe mạnh, lại đi trộm cắp lén lút thế này?

Nửa buồn, nửa khôi hài, sâu cắn chẽn trả lời:

- Chứ anh nghĩ coi, tôi làm sao trồng được bắp mà ăn.

- Bộ anh không ăn được đất và cỏ, lá... ư? Anh lại đi phá hoại nông sản của người ta. Sống nhờ ở đậu trên đất đai loài người đã không giúp ích cho họ thì thôi, sao lại ăn hư làm hại công lao trồng tỉa của họ?

- Ừ nhỉ! Nhưng anh tưởng ai cũng cạp đất ăn giống như anh sao? Tớ mà xơi cái món đó chắc đứt ruột mất. Tớ chỉ xơi được rau, cải, bắp này... và thêm cây thuốc lá thôi.

- Thật, không biết nói thêm lời gì với anh, không chịu sống đời lương thiện, làm ăn bằng chính sức lao động trí óc hay chân tay, chỉ lo ăn bám, ỷ lại vào những gì không phải của mình.

Rồi thợ Hai tiếp tục chí hướng và ý nguyện, không muốn kết bạn với cặn bã của xã hội là sâu cắn chẽn. Gã biết rằng ngày đẹp trời nào đó, sâu cắn chẽn sẽ hóa bướm bay đi, hay là sẽ bị loài người dùng thuốc xịt tiêu diệt.

Một đêm mưa, gã thợ Hai gặp chú nhái bén. Chú nhái bén còn nhỏ mà nom thật tinh ranh, thật phong trần. Không phong trần sao được khi chú ta thoát chết trong đường tơ kẽ tóc. Chú nhái bén kể lại chú đã bị móc vào lưỡi câu để câu cá. Nỗi kinh khiếp tột độ khiến chú ngất đi và chết giả. Ông câu lại sốt ruột thay mồi và quẳng chú đi không luyến tiếc, thêm một lẽ là khúc sông đó quá ít cá, hầu như không có mống nào lai vãng vì thuyền bè qua lại đông đảo. Thế cũng đủ cho gã thợ Hai tưởng tượng ra cái chết đến chậm và lạnh lẽo của mấy đứa em bất hạnh, bị bắt ngày nào. Bọn chúng hay ngo ngoe phần mình thừa ra trong nước, khó mà thoát khỏi sự chú ý của bọn cá háu ăn. Chú nhái bén khuyên gã thợ Hai quay về vì đường đi còn nhiều nguy hiểm. Gã thợ Hai từ tốn cám ơn và cương quyết không bỏ dở lý tưởng. Gã thợ Hai băn khoăn vì lời hứa với cha già là học hỏi nghề nông. Nghề cày cuốc đã quen rồi thì trồng trọt khó chi. Nhưng ai là người có phương pháp mới?


Gã thợ Hai say sưa lý tưởng cứ đi, đi mãi... Gã có biết đâu rằng tiến mãi gã sẽ đến mũi của cù lao. Hành trình của gã sẽ gián đoạn bởi sông dài và rộng bao la phía trước mặt.

Mũi cù lao oan nghiệt sẽ dập tắt lửa nhiệt tâm của gã thợ cày cô đơn và cầu tiến. Có lẽ không bao giờ gã thợ cày ấy chuyển nghề được. Lẽ huyền bí của tạo hóa chỉ cần gã siêng năng chừng ấy, và làm cái nghề quan trọng cỡ đó mà thôi. Tiếc thay, nay mai gã thợ cày sẽ gặp ngỡ ngàng. Không rõ gã thợ Hai quay về cùng mấy em hay nản chí giang hồ mà dừng chân, trú ngụ hẳn bên bờ sông vắng? Cũng mong gã mãi mãi tiếp tục cái nghề cày cuốc của cha ông truyền lại. Chỉ bấy nhiêu cũng đã giúp nhân loại chúng ta quá nhiều. Cũng mong gã đừng chui vào bụng chim, hay gà, hay cá để ngày đêm còn tạo chất bổ dưỡng làm đất phong phú, hoài hoài. Hình như có nơi người ta nuôi giun thì phải. Nuôi giun để bán cho nông gia thả vào ruộng đất của mình. Chính nơi đó các thợ cày trùn đất "yêu mến đất đai" hùng dũng, không ngủ bao giờ luôn dùng sức tạo ra chất mùn, thải ra chất bã có chứa gấp 5 lần chất đạm, 11 lần chất bồ tạt, 7 lần chất lân tinh, 3 lần chất ma nhê di... hơn là đất thường. Chính các thợ cày trùn không bao giờ chê bỏ, phản bội đất đai. Chính các thợ cày trùn sống đời cơ cực cho loài người chúng ta được sống ấm no mà không cần một ai biết ơn. Thợ cày trùn đất không thể coi là ti tiện và hèn mọn dù chúng mang ngoài cái bộ dáng rất tầm thường.


PHAN KHƯƠNG THÁI       
(Theo sưu tầm của ông Hoàng Cung)

(Trích tuần báo Thiếu Nhi số 62, ra ngày 29-10-1972)

Bìa của Vi Vi : Chị ơi

Nguồn : https://tuoihoandmore.blogspot.com


Thứ Sáu, 23 tháng 10, 2020

QUÊ HƯƠNG XA VỜI - Trần Hữu Nghiêm

 

Mấy hôm nay nắng dịu dàng và không còn những cơn mưa ồ ạt nữa. Một chút gì dịu nhẹ, thơ mộng trong thời tiết. Em có nghe như thế không? Mỗi trưa đi ngang qua hàng phượng xanh lá đâu còn nghe ve sầu rỉ rả nữa. Tháng tám rồi đó em, em nghe chừng những chiếc lá vàng ở cửa sổ nhuộm đỏ rồi. Chậu cúc vàng ngoại trồng hé mấy nụ hoa nhỏ nhắn. Mỗi chiều ngoại ngồi dưới giàn thiên lý, dõi mắt nhìn về xa côi. Ngoại hay thở dài làm cả nhà ai cũng buồn. Và anh tưởng tượng đến em, hẳn em đã lớn rồi nhỉ?

Anh như thấy đôi mắt tròn xoe bé bỏng của em. Đôi mắt có vắt những sợi mây trời của mùa thu quê hương rất xa xôi...

Ở đây chẳng có một chút nào giống quê hương ta hết, chỉ có anh, ông bà ngoại nhớ quê, để ý những thay đổi của thời tiết. Thay đổi của mùa thu đến, với áo mơ phai dệt lá vàng ngày xưa. Giàn hoa lý ngoại trồng ra hoa nhiều rồi, hương thơm dịu dàng. Hương thơm gợi anh nhớ đến dòng sông quê hương mình. Dòng sông chảy êm ả, mỗi chiều ra đó, anh nghe như hương hoa lý chan hòa mênh mông trong mây trời, trên dòng nước chảy. Anh nhơ nhớ đêm trăng tháng tám trải chiếu nắm ăn bánh dưới bóng êm những chiếc lá nhỏ, hoa thơm. Trăng thu ở quê hương mình đẹp quá em nhỉ. Chẳng biết em có thấy thế không? Trăng tròn vành vạnh rót sữa vàng trên phiến đá bóng nhẫy, chan hòa khắp làng. Trong đêm, hương thiên lý nhà mình và các nhà hàng xóm bay thoảng qua, êm nhẹ. Anh lúc đó còn bé, em nằm trong lòng mẹ, mở mắt ngây thơ nhìn trăng. Không biết bây giờ quê mình ra sao hở em?

Mười mấy năm thoáng qua mất biệt, quê hương khuất nẻo mịt mù xa thẳm. Xa thì không xa lắm, nhưng chỉ đứng ngậm ngùi nhìn thì thật là xa. Ông ngoại già lắm rồi em. Ngoại mua một căn nhà nhỏ cạnh dòng sông miền Nam. Ngoại trồng hoa lý, cây bàng, chậu cúc. Lần nào về, anh thấy nhớ quê hương vô cùng. Anh biết chắc ngoại còn nhớ hơn anh nữa. Nhà ngoại giống nhà mình ngoài đó lắm, giống từ gốc bàng, vườn hoa. Có lần dậy sớm vào đông anh mặc áo len ra bờ sông nhìn. Sương mù dầy đặc chẳng thấy làng mạc ở bên kia sông. Nước sông thở khói thật nhẹ tỏa như hơi thở dài, và buồn. Trong một thoáng anh ngỡ dòng sông đó ở quê mình, và anh đang đứng ở nhà mình. Anh nghe đê mê khó tả, chỉ muốn lặn hụp xuống dòng sông như ngày anh còn bé hay đi câu. Nhưng rồi tiếng ghe máy chạy xình xịch làm anh tỉnh giấc. Anh lại ngỡ đứng ở dòng sông trắng sầu tủi, nhìn qua bên kia sông quê hương. Nhìn chỉ thấy lờ mờ, với một nỗi ngậm ngùi.

Quê hương khuất bóng hoàng hôn
Trên sông khói sóng cho buồn lòng ai.

Không biết bây giờ ở quê hương mình ra sao hở em? Anh nhớ từng căn nhà tranh, từng ruộng lúa thân yêu. Nhớ những cây cột nhà to bóng quen thuộc, ao cá nắng trưa trong vườn lang thang. Nhớ sân hoa lý nhà mình. Bây giờ tháng tám, chắc lá vàng đang rụng phải không em? Trời vào đêm lạnh lắm, anh em mình rúc vào đống rơm ngủ say. Giậu hoa bìm bìm cổng nhà xiêu vẹo anh nhớ gãy đổ gần hết, giờ có còn không em? Ngày xưa anh hay thổi cành hoa tím lên, rồi bỏ vào lòng bàn tay đập bốp một tiếng. Nhìn cánh hoa rời rã, hơi bâng khuân rồi vất đi. Ba mẹ già lắm phải không? Chắc mẹ già vì khổ, vì thương nhớ. Anh nhớ mẹ hoài, nhất là buổi tối trong căn nhà lạnh lẽo này.

Ở đây không có hoa vông. Ngày xưa mùa gặt anh hay ra ruộng chơi, có thật nhiều hoa vông vang vàng óng, rực rỡ trong nắng, lúc đó anh chẳng biết tên, giờ thì nhớ hoài hoài. Hoa vông vang, tên nghe lãng mạn, bâng khuâng gợi tình hoài hương. Quê hương tôi có con sông đào xinh xắn, ôi thật yêu dấu quê hương. Biết bao giờ được dừng chân trên đất xưa mùa gặt, nhìn may chớm đông, hoa vàng và tiếng cười đùa rộn rã. Có ai mà không mơ ước như thế.

Những dòng này anh viết cho em đó, Huyền thân ái. Không biết em, ba mẹ có còn qua mấy mươi năm phiêu bạt.

Anh vẫn hy vọng có ngày anh em mình gặp lại, trên quê hương yêu dấu. Anh mong em còn đó, còn sống ở mảnh đất cũ. Anh ao ước vô cùng được lang thang trong vườn xưa, thò chân xuống ao nước nghịch, nhìn những chú bướm nhởn nhơ và thấy lòng mình bâng khuâng. Hẳn là không ai cầm được nước mắt, trong một lần trở về mỏi mòn trông đợi.

Anh vẫn mong gia đình mình bình yên. Anh đốt thư này nhờ ngọn gió nào mang đến cho em, nó sẽ nguyên vẹn cho em đọc. Hay để anh cột vào chiếc bóng bay nhờ gió mang đến quê hương mình, em nhé. Ở đó chắc em, ba mẹ vẫn mong ngày tươi sáng mau trở lại, chứ? Ai mà không mơ ước như thế phải không em? Cứ cầu nguyện mãi em nhé. Và hy vọng nữa, Huyền thân ái.

Anh,                  
TRẦN HỮU NGHIÊM    

(Trích từ bán nguyệt san Tuổi Hoa số 186, ra ngày 1-10-1972)


Thứ Năm, 22 tháng 10, 2020

MÍA LAU QUÊ NGOẠI - Huỳnh Quang Dũng

 

















 
Màu đất nằm yên sóng đất cao
Con về quê ngoại bước qua cầu
Nhìn cau nặng trái lòng quê mẹ
Uống nước ngọt mùi hương mía lau

Giòng nước thơ buồn con sống xa,
Tình thương chưa cởi ách trâu già.
Lòng con: trên tóc ghi hình mẹ.
Gợi những u sầu trong "thiết tha"

Giờ đây tóc ngoại đà thay bạc
Chiếc áo ngày xưa cũng ngả màu
Từ ngày con lớn trong thành phố
Nhớ lại quê mình ruột thắt đau.

Ngoại ơi! Đêm gọi chòm sao bạc!
Dưới ánh trăng ngà ngoại kể thơ
"Ngày xưa : Có người con hiếu thảo
Thương mẹ, mình trần muỗi đốt thay".

Gạo trắng xuôi về chợ tỉnh thành
Mua vôi nhai đỏ lá trầu xanh
Dây leo chưa hết tình con lớn
Tháng tám mưa dầm ngoại thức đêm.

Ngoại chết nằm yên nấm mộ cao,
Con về thăm nước ngược u sầu.
Còn đây mái lá bình trầu ngoại,
Với nén hương trầm con khóc thương.

                                   HUỲNH QUANG DŨNG

(Trích từ bán nguyệt san Tuổi Hoa số 136, ra ngày 1-9-1970)



Thứ Tư, 21 tháng 10, 2020

MẸ VÀ QUÊ HƯƠNG - Thông Xanh

 

Mưa cuối đông từng giọt buồn nhung nhớ
Áo sờn vai theo ngày tháng qua mau
Mẹ truân chuyên như nước chảy qua cầu
Gom chất ngất nỗi buồn trong đôi mắt

Mưa cuối đông từng giọt buồn se sắt
Mẹ tảo tần từ trời sáng mờ sương
Áo mẹ bay khuất cuối nẻo con đường
Gồng gánh nặng trên vai còn mệt mỏi

Vườn mùa thu thơm nồng hương hoa bưởi
Mẹ đều tay sàng gạo dưới hoa rơi
Mắt mẹ buồn gởi lại thuở xa xôi
Quê nhà cũ chưa phai trong trí nhớ

Sau nếp nhà ngọt ngào khu vườn mía
Có chim chuyền xào xạc lá đong đưa
Và êm đềm trong giấc ngủ ban trưa
Tiếng võng lát lẫn tiếng ru ời ạ

Nắng mùa hè ửng hồng trên đôi má
Chợ chiều tan mẹ quay gót ra về
Ngôi đình làng nhuộm ánh nắng đỏ hoe
Vang trong gió tiếng mục đồng ca hát

Áo mẹ bay giữa khung trời bát ngát
Có đàn chim vừa tung cánh bay qua
Khóm trúc xanh bên rào nứa trước nhà
Con bé bỏng vừa chạy ra đón mẹ

Như mấy đóa mai vàng xinh vừa hé
Như mùa xuân cho chim sáo qua sông
Con mừng vui xanh biếc nụ mắt trong
Mẹ thấy ấm như nắng soi liếp cỏ

Gió ngoài nội về đong đưa nhánh lá
Con ngoài hiên ngơ ngẩn hát hoan ca
Trong vườn xanh đôi bướm đậu hoa cà
Mẹ mắt sáng, môi cười theo giọt nắng

                                            THÔNG XANH
                                                  (cỏ xót xa đưa)

(Trích tuần báo Thiếu Nhi số 112, ra ngày 19-10-1973)



Thứ Ba, 20 tháng 10, 2020

ĐỘC TU ĐẠI KIẾN - Vân Sơn

 

Cả bọn xôn xao bàn tán, ngôn ngữ của họ là những chiếc đầu lúc lắc, những sợi râu ve vẩy và đôi khi hai chân trước cũng được dùng để biểu lộ ý tưởng chất đầy trong cái đầu lớn không hơn hạt cát.

Giờ này có lẽ mới xế chiều. Bọn họ chỉ đoán chừng thế bởi vì chẳng làm sao họ thấy nổi mặt trời nếu không leo lên ngọn cây thông sần sùi vĩ đại. Bọn ấy có ba nhân vật. Lớn tuổi nhất phải kể đến gã thanh niên... "độc tu", lũ bạn thấy gã, nếu không biết rằng gã là một thanh niên độc ác, sẽ phải bật cười như điên bởi vì trên cái đầu tròn trĩnh và bóng loáng của gã chỉ vỏn vẹn có một sợi râu. Gã vẫn thường vênh váo, khoe khoang với bạn bè, đó là chiến tích của gã, đó là dấu vết của lòng anh dũng. Số là có một hôm, gã phiêu lưu vào ngay hang của họ hàng nhà mối. Bọn mối lính nhào ra tấn công gã, thoạt tiên gã chạy trốn, bọn mối lính đuổi theo sát đít, gã hoảng quá đứng lại nghênh chiến. Rủi thay, bọn mối lính có những chiếc ngàm sắc như dao, còn gã vũ khí thì không có, lại phải đương đầu với cả bọn mối. Nhưng vẫn còn may cho gã lắm, bọn mối không thèm giết gã mà chỉ xin gã mỗi một sợi râu để làm kỷ niệm. Thế là gã thành ông kiến một râu.

Từ khi mất đi sợi râu quý giá ấy, gã bực mình không ít mỗi khi muốn nói chuyện với ai, vì người ta không hiểu nổi gã. Gã đâm ra tự cao tự đại, cho đến một hôm gã vùng lên xưng là "ĐẠI KIẾN ĐỘC TU". Gã bắt đầu muốn cho mọi kẻ phải biết đến danh hiệu của gã. Trước tiên, gã chận đầu lũ kiến bé con đang chơi đùa ngoài cửa hang. Gã dùng sợi râu còn lại vuốt vuốt trên đầu từng đứa một. Bọn trẻ nhìn thấy hình dáng kỳ lạ của gã đứa nào cũng sợ chạy tuốt vào trong hang.

Bọn kiến tí hon ấy về loan tin ầm ĩ, thế là cả làng đều xôn xao, kéo nhau ra xem cái bộ mặt kỳ lạ của gã. Gã đứng trên một ngọn cỏ xanh mướt, ngo ngoe chiếc râu độc nhất, ra vẻ tự đắc lắm. Giá mà gã nói được thì gã đã xưng vương ầm ĩ rồi. Nhìn một lượt đám nhân loại hiếu kỳ xung quanh, gã nhảy xuống đất, chạy đến bên một cô bé kiến be bé, xinh xinh. Gã dụi sợi râu vào cô bé để truyền cho cô luồng sóng điện:

- Này, đi báo cho tất cả biết ta là "Độc tu đại kiến" nghe chưa.

Cô bé run rẩy, lẩn vào đám đông và chỉ vài phút sau, cái tin "Độc tu đại kiến" xưng vương đã lan tràn khắp làng.

Gã dại quá đi mất, ai đời dám xưng vương trong khi ngài kiến Chúa còn sống sờ sờ ra đấy. Các quan vào tâu với ngài, và ngài đùng đùng nổi giận, khổ nỗi, ngài không nói được nên mặc dù ngài đang nổi trận lôi đình, các quan chỉ thấy tiếng kèn kẹt phát ra từ hai chiếc răng vĩ đại của ngài nghiến vào nhau và cặp râu rung rung, chứng tỏ ngài chỉ muốn nghiền nát cái tên đã xưng là "Độc tu đại kiến" mà thôi. Thấy ngài ra hiệu, một vị quan bò lại bên ngài, cúi xuống nghe ngài dạy bảo. Ngài vuốt vuốt 2 sợi râu vào râu của vị quan, bảo:

- Ra bắt nó vào đây! Mau lên.

Ông quan vâng lệnh, dẫn một tiểu đội kiến đi bắt tên phản loạn.

Trong khi đoàn kiến hùng dũng đi một cách chậm chạp như... kiến ra khỏi cửa hang để tìm bắt, thì gã và hai tên "đàn em" đang say sưa bàn tán thật là xôn xao, tìm cách để đoạt ngôi của ngài kiến chúa.

Hai tên đàn em này ít tuổi hơn gã và có phần ít tự kiêu hơn gã. Từ hôm xưng vương đến nay, gã mới có hai bầy tôi phò giá. Nhưng gã cũng chẳng thèm buồn, bởi vì mưu mô của gã cao lắm. Gã sẽ không đem quân sự về uy hiếp triều đình, nhưng gã sẽ cho đàn em hạ sát ngài kiến chúa rồi sẽ mở... cửa hang rước gã vào làm vua.

Hai tên đàn em này nhát lắm, đứa nọ đẩy cho đứa kia công việc thích khách, gã bực mình:

- Tụi bay nhát sợ đến thế à?

- Em đâu có sợ!

- Em cũng đâu có sợ!

Gã vểnh râu, quát:

- Không sợ sao không đứa nào chịu làm công việc đó?

- Tại...

- Tại em muốn theo phò giá đại vương.

- Em cũng thế.

- Để tao phò giá đại vương là đủ rồi.

- Mày còn lâu mới đủ sức... Như ta đây...

Nghe bọn đàn em vãi nhau, gã cáu tiết:

- Ta không cần đứa nào phò giá hết, cả hai đứa bay phải đi hết.

Hai tên đàn em lo sợ, run rẩy. Gã toan bồi thêm một câu nữa thì từ xa, thấp thoáng sau bụi cỏ xanh gã thấy một bọn kiến đang di chuyển. Bọn nào vậy ta, không biết có phải tụi này được sai đi bắt gã không, làm gì có chuyện ấy, trên đời này đố đứa nào dám đụng đến "Độc tu đại kiến", nếu vậy chắc hẳn bọn này tìm đến với gã để xin đầu quân. Thế thì còn gì bằng. Hẳn bọn này khoái gã lắm mới lặn lội đường xa mà tìm gã.

"Độc tu đại kiến" leo lên một hòn đất quan sát. À thì ra quân triều đình.

- Các khanh đã từ bỏ bạo chúa để đến với ta đó hả?

Gã muốn nói thế lắm. Khổ nỗi loài kiến của gã không được trời ban cho lưỡi để nói, thôi đành chờ bọn này đến gần vậy. Mười ba tên kiến lửa đỏ chói bao vây quanh hòn đất. "Độc tu đại kiến" để mặc cho hai đàn em tiếp chuyện với lũ binh triều đình. Gã đứng vênh chiếc râu độc nhất lên trời, ngắm mây trắng trôi lờ lững. Nhưng bọn binh triều đình không thèm nói chuyện với hai tên đàn em kia, mà lại kéo nhau leo lên chỗ gã đứng.

Gã tiến đến bên vị quan, quờ quạng sợi râu.

- Khanh tìm ta có chuyện gì?

Viên quan không hiểu rõ gã nói gì, nhe hai chiếc răng đớp ngay vào sợi râu của gã một cái nên thân. Tụi này gan thật, chúng bay đã chạm đến "Độc tu đại kiến", bay phải chết.

Gã xông vào tấn công bọn kiến lính. Quả cũng không hổ danh "Độc tu đại kiến". Gã tấn công thật ác liệt, hai tên đàn em cũng nhào lên tấn công quân triều đình. Bọn lính hơn phe của gã những mười tên, nên chỉ sau vài giây cầm cự, hai tên đàn em của gã bị tám tên kiến lửa xông vào chia nhau mỗi đứa một khoảng thịt để cắn nhừ tử, còn gã cũng nao núng không kém gì. Khắp mình gã đầy vết thương. "Đại vương" gặp nạn rồi, giờ này mà còn cố nán lại để chiến đấu thì thế nào cũng toi mạng, chạy là tốt nhất.

Nhìn trước nhìn sau, gã tuôn chạy. Bọn kia đuổi theo kéo thành vết dài trên cát trắng. Gã chạy thật nhanh. Giá gã là một tên kiến gió thì chắc chắn bọn quân triều đình không tài nào đuổi kịp gã, khổ nỗi gã lại là một con kiến chẳng ra vàng mà cũng chẳng ra nâu, thành ra bò chậm như... kiến.

Thế mà gã lại thoát nạn, còn ai tài bằng gã không? Cũng nhờ vào cái tính liều lĩnh của gã. Thấy bọn lính triều đình không chịu buông tha, gã nhắm ngay hang mối mà đâm đầu tới. Mối với kiến là hai giống không đội trời chung, bọn quân triều đình làm sao dám bén mảng đến gần hang của kẻ thù.

Thế là... "viên" quan kiến đành ra lệnh rút lui. Gã chờ cho đám lính triều đi thật xa mới lò dò về chỗ cũ. Hai tên đàn em của "đại vương" đã bị bọn kiến lửa tha xác đi mất rồi.

Ôi cái cảnh anh hùng thất thế của "Độc tu đại kiến" sao mà ảm đạm thê lương quá. Gã ngồi ủ rũ bên khóm cỏ xanh, gặm nhấm từng đọt cỏ non, buồn bã, cô độc.

Họ hàng nhà kiến đã loại trừ gã, mà bè lũ nhà mối thì không bao giờ chịu cho gã nhập... "quốc tịch mối" hết. Thì thôi vậy, gã đành bơ vơ giữa những "sa mạc" cát vĩ đại và các "khu rừng" cỏ xanh bao la. Gã tự an ủi mình và nhất định không thèm buồn. Gã sẽ đoạt ngôi báu, nhất định là gã sẽ lên làm vua. "Độc tu đại kiến" sẽ là hoàng đế của "vương quốc" kiến vàng.

Ánh nắng tắt dần trên các ngọn cây cao. Trời sắp tối rồi, người anh hùng sa cơ vẫn ngồi ủ rũ với những vết thương đau buốt. Trời tối dần, tối dần... Gã nhai hoài những đọt cỏ non chán ngấy. Tối nay gã sẽ đi kiếm ăn... Cách chỗ này khá xa, có một kho thiên nhiên vô tận chứa hàng núi thức ăn. Bây giờ gã đi đến đó là vừa.

Gã kiến cụt râu uể oải đứng dậy, đi về phía có kho tàng khổng lồ ấy.

Mãi đến khi trời tối mù mịt gã mới tới nơi. "Kho tàng" mà gã tìm đến là một cái tủ đựng thức ăn đồ sộ. Chật vật mãi gã mới bò lên được tới ngăn để thức ăn. Trước khi đột nhập, gã đưa mắt quan sát khắp nơi tìm xem có cái bóng khổng lồ nào không. Những tên khổng lồ ấy mà phát giác ra gã thì chỉ trong nháy mắt gã sẽ bị chết bẹp dí dưới ngón tay to lớn của bọn chúng. May thay, trời tối chẳng có kẻ nào thèm thấy cái bóng nhỏ như... kiến của gã. Thế là gã bò vào, tìm đến kho tàng nào thơm nhất, béo nhất và ngon nhất. Chẳng phải tìm lâu, gã đã khám phá ra một núi chất ngọt. Vừa liếm những giọt sữa ngọt lịm, vừa ve vẩy chiếc râu cụt ngủn, nom gã như là một nhà thơ vừa uống rượu vừa ngâm thơ vậy. Gã không là một nhà thơ nhưng gã lại là một tay anh kiệt: "Độc tu đại kiến" cơ mà!

Gã đang say trong hơi men... sữa bò, thì đột nhiên trái núi tròn, hình trụ gã đang đứng bỗng rung chuyển mạnh như động đất. Gã mở to hai con mắt xuyên thủng bóng đêm. Chao ơi một tên khổng lồ đang cầm cả kho tàng của hắn lên, nghiêng đổ dòng sữa ra chiếc ly nhỏ. Ba hồn bảy vía gã bay đi đâu mất. Gã liền buông mình vào khoảng không mịt mù để khỏi bị tên khổng lồ phát giác. May thật là may, gã đã an toàn rơi xuống đất. Cái họ nhà kiến dù có rơi từ trời xuống cũng chẳng việc gì. Tình thế đã nguy hiểm như thế mà gã chẳng coi ra gì. "Độc tu đại kiến" nhà ta bò lên chân của tên khổng lồ, ra sức cắn thật mạnh, rồi buông mình xuống đất bò vào đêm tối.

"Tên khổng lồ" kia mò xuống bếp pha sữa, đang lui cui bỗng bị con kiến ranh nào đớp một phát vào chân, đau quá hắn hét lên, làm rơi chiếc ly vỡ tan tành. Hắn than lên khe khẽ:

- Ông mà bắt được con nào thì ông giết, kiến ơi là kiến!

Trong khi ấy thì "Độc tu đại kiến" đã bò ra đến cửa bếp.

*

Sáng hôm sau, trời hồng hồng đẹp thật là đẹp. "Độc tu đại kiến" ẩn trong một khe đá hẹp ngủ như chất. Mãi xế trưa, nghĩa là lúc ánh sáng trời len lỏi vào được hốc đá, thì gã mới ngọ ngoạy cái đầu, mà nhúc nhích sáu cái chân bé như sợi tóc để bước ra ngoài. Vừa ló ra khỏi hốc đá, gã đã thấy nguy: một tên khổng lồ đang thơ thẩn trên "sa mạc" cát, hai chân vĩ đại của hắn dẫm nát "rừng" cỏ. "Độc tu đại kiến chợt nhớ đến kẻ đã cướp núi thức ăn của gã vừa tối hôm qua, gã đùng đùng nổi giận. Phải trừng trị tên này cho nó chừa.

Gã kiến một râu bò ra khỏi hốc đá, chạy như... bay về phía tên khổng lồ. Khổ nỗi gã bò như... kiến còn tên kia đi như biến, thành ra gã đành buông tha "tên khổng lồ". Chợt mắt gã mở ra. Tên khổng lồ dừng lại trước tổ kiến của "vương quốc" kiến vàng, tay hắn cầm một vật gì nghi ngút khói.

"Độc tu đại kiến" leo vói lên một khóm cỏ cao nhất để quan sát. "Tên khổng lồ" nghiêng cái vật hắn cầm trên tay, đổ ra một dòng suối nước nóng nghi ngút khói. Gã thấy rõ cả "vương quốc" kiến đang náo loạn, nước nóng tràn ngập các cửa hang, hàng chục, hàng trăm, rồi hàng vạn xác kiến trôi theo dòng nước.

Gã đứng chết trân trên ngọn cỏ, nhìn cơn đại hồng thủy cuốn hết giang sơn nòi giống gã. Chợt gã muốn reo lên vì thấy xác ngài kiến Chúa trôi theo dòng nước cuồn cuộn. Rồi đây chỉ còn gã, gã sẽ là hoàng đế của "vương quốc" kiến.

Nhưng "Độc tu đại kiến" ngu dại kia không ngờ "tên khổng lồ" chưa tưới hết xoong nước sôi, còn lại một ít, hắn hắt vào bụi cỏ. Vô phúc thay, bụi cỏ ấy lại là nơi "Độc tu đại kiến" đang ngự trị.

Gã kiến lạ lùng chết không kịp vênh râu xưng hùng.


VÂN SƠN     

(Trích từ bán nguyệt san Tuổi Hoa số 138, ra ngày 1-10-1970)