Mẹ
chờ ba cho xe vespa nổ máy. Một tay mẹ cầm "sắc", tay kia khẽ vuốt tà
áo trong một cử chỉ sẵn sàng. Tiếng máy xe nổ dòn, mẹ lên ngồi đằng nệm
sau, quay lui nhìn "bầy thỏ con" mỉm cười dặn với:
- Nhớ lời mẹ đấy. Chóng ngoan...
Chiếc xe lao đi vun vút. Tám "cô chú" thỏ ngơ ngác nhìn theo khi bóng ba
mẹ mất hút ở cuối đường mới lững thững vào nhà. Tuy không nói ra nhưng
đứa nào cũng buồn, cũng muốn khóc.
Ngày chủ nhật vắng ba mẹ còn gì buồn hơn. Tôi nhớ đã nói với mẹ hồi sáng:
- Hay mẹ cho tụi con đi Thuận an thì thích biết mấy.
- Bé Hon và bé Tý bỏ cho ai? Một mình con Trà làm sao coi nhà, giữ em, nấu ăn bao nhiêu việc được.
Tôi thấy hợp lý quá, ngồi im. Mẹ tiếp:
- Lẽ ra đường sá dễ dàng thì đi hết cả nhà cho biết bà biết con. Nhưng
ba mày sợ rủi có chuyện gì... Thôi, tụi con chịu khó ở nhà. Ba mẹ mà
không đi không được. Gì chứ đám cưới một đời một lần. Không có mẹ, cậu
ấy buồn. Ông bà ngoại đã qua đời rồi. Tội nghiệp cậu ấy...
Bỗng nhiên mẹ rưng rưng nước mắt. Chẳng đứa nào dám nài thêm. Có tiếng bé Hon gọi mẹ và bé Tý khóc trong giường. Mẹ vào bế, dỗ:
- Nào, bé mẹ muốn gì mẹ mua cho?
Bé Tý lim dim đôi mắt trông thật dễ yêu. Bé vừa đầy năm nhưng mập mạnh
như thằng bé trong hộp sữa "guy-gô" mà bé bú. Bé chưa biết nói để dặn mẹ
mua gì. Thấy mẹ vui vẻ, các anh chị bé tranh nhau vòi vĩnh:
- Ra Quảng Trị me mua mực khô nghe me – Huy dặn.
- Con thích sắn dây thôi me. Me đừng quên đó – Tôi tiếp.
Rồi mỗi đứa mỗi câu, me gật đầu lia lịa:
- Nhớ, nhớ hết.
Rồi me quay ra nói với chị ở:
- Lấy cho mợ cái bao bố đi để ra mang hết thứ ngoài ấy vào.
Biết me đùa cả bọn cười vui vẻ.
Trước khi đi mẹ còn dặn dò đủ thứ. Mẹ đi một ngày mà làm như đi cả tuần
không bằng. Ba phải giục hai, ba lần mẹ mới ra ngõ. Cả tám đứa ra tiễn
ba mẹ, xe đi rồi mới thấy buồn. Ngôi nhà đã rộng như rộng thêm. Bản tính
đứa nào cũng nghịch ngợm, nhưng lúc ấy chả đứa nào nhìn đứa nào. Im
lặng bao quanh chúng. Bé Tý ngáp dài, gục đầu vào vai tôi muốn ngủ.
- Chị đem em vào ngủ nhé! Đứa mô muốn ngủ vào ngủ tiếp đi. Mới 6 giờ sớm quá.
Tôi nói với lũ em tôi rồi lùi lũi vào phòng. Bé Tý vừa nằm xuống là ngủ
ngay. Tôi xuống nhà bày công việc cho chị ở. Chị ấy hay quên, làm việc
này xong thì phải đứng bên để nhắc việc khác không có thì chị quên tuốt.
- Chị đã nấu nước sôi chưa?
- Tui bận rửa ly tách, chút đã rồi nấu.
- Chút... chút cái con khỉ! Cứ đặt trên "rề-sô" không được hả? Sợ hắn chạy đi à?
Tôi gắt gỏng với chị ấy luôn. Sau đó lại hối hận là mình nóng tính.
Nhưng vẫn "chứng nào tật ấy" không bỏ được. Chị Trà đứng lên đi lấy ấm.
Tay chị còn dính cả cát và bọt xà phòng thế mà cũng vớ vào quai ấm. Tôi
hét lên:
- Để đó. Coi bàn tay thử kìa. Gớm ghiếc, làm ăn vậy hả? Lo chùi ly mau đi, còn cả đống áo quần nữa đó.
Tôi hầm hầm đi lên nhà. Còn đứng ở bếp, tôi còn la hét. Vừa ngồi xuống ghế thở thì anh Dư sừng sững hiện ra:
- Cậu mợ đi vắng, "o mi" ở nhà làm tàng rứa hả?
Tôi "ốt dột" quá, nói lơ:
- Cửa ngõ chưa mở anh vô lối nào? Chun hàng rào hả?
Biết tôi mắc cỡ vì chuyện la hét chị Trà, anh Du không đá động đến nữa, chỉ hỏi chuyện loanh quanh:
- Huy mô rồi?
- Hắn trong phòng. Chắc ngủ lại.
- Anh tìm rồi không có.
Kim từ nhà trên xuống, nói Huy đi bơi. Tôi mở rộng cửa sổ nhìn ra sông.
Mặt nước sông Hương buổi sáng yên lặng hơn nước hồ. Huy đang loi ngoi
bơi, chung quanh nó những làn sóng tròn lan rộng.
- Anh Du xuống tắm đi. Buổi mai nước trong mát lắm.
- Anh không biết bơi – Du đáp.
Tôi chế ngay:
- Con trai mà không biết bơi thật hèn. Vài giờ là bơi được chứ chi. Tại
anh ham học quá chứ ở Đàlạt người biết bơi không phải là hiếm.
Du cười:
- Ừ. Anh phải học bơi mới được. Tại ở trong đó anh nhát đi piscine.
- Anh Du học bơi khéo cả em sợ trở thành lực sĩ: "bụng nở ngực thóp" lắm.
Cả bọn phá lên cười. Anh Du chỉ nhéo tai Kim "cảnh cáo".
Anh Du, anh họ tôi ở Đàlạt về chơi. Từ nhỏ đến giờ anh em chưa biết
nhau. Hè này, qua vài lần tiếp xúc, bọn tôi thấy cảm mến anh ấy nhiều.
Tính anh vui vẻ, hay đùa nên rất hợp với cái bướng bỉnh, cái ngổ ngáo vô
tư của bọn tôi.
- Anh Du ở lại ăn cơm trưa nghe.
Du chưa kịp đáp, em tôi nói ngay:
- Dĩ nhiên rồi. Không ăn đây thì ăn đâu anh Du nhỉ.
Du gật đầu:
- Anh ăn mấy lần rồi nhưng mợ nấu hết. Lần này anh nhận lời mời của
Phương và để thưởng thức tài nội trợ của cô nữ sinh Đồng Khánh.
Huy vỗ tay reo:
- Hay quá. Hoan hô Du.
Tôi lườm Huy:
- Còn lâu chị mới làm bếp một mình. Áp dụng phương pháp Taylor chứ lỵ.
- Chu đáo quá. Rứa anh được hân hạnh làm gì. Phương phân công cho anh với.
Tôi lưỡng lự:
- Anh ấy à... anh là khác được miễn dịch.
Huy phản đối:
- Không chịu. Nhân danh "nam giới" em thấy rứa là không công bằng, rứa
là không "nam nữ bình quyền" phải không anh Du. Con trai ăn được thì làm
được chứ?
Câu sau này Huy kéo dài ra để trêu tức tôi. Tôi vẫn thường nói với mẹ
như thế mỗi lần mẹ sai tụi con gái làm việc thôi. Còn con trai thì ngồi
"vênh vênh tréo cẳng" chực ăn. Bị đánh vào chỗ "yếu" tôi nguýt dài thằng
em:
- Được, muốn kéo anh Du làm đồng minh cho thêm vây cánh thì cứ việc.
Nhưng tôi xin long trọng tuyên bố: giờ chừ là giờ làm việc, đấu láo tán
dóc hạ hồi phân giải. Yên chưa. Nghe đây:
10 giờ Phương nấu "ca ri".
11 giờ anh Du và Huy nấu cơm.
11 giờ 45 Kim hâm lại thịt cá.
Kình lau bát, dĩa, đũa...
Ánh gấp dọn.
Và tất cả phụ mang lên bàn.
Tôi vừa nói xong cả bọn la hét om sòm.
- Thiếu sót quá, "mang lên bàn" rồi sao nữa chứ? Chạy đi chơi hết à, chị?
Đồng hồ gõ mười tiếng thay cho tôi khỏi trả lời. Tôi xuống bếp chặt thịt, gọt khoai hành nấu.
Buổi cơm "tập thể" thật là vui. Chị Trà chỉ phải rửa chén không, cười khoái lắm.
... Tôi thức dậy sau giấc ngủ trưa nặng nề khó chịu. Cả thân thể rã rời
mỏi mệt. Cái mỏi mệt thường có sau khi ngủ dậy ở vài xứ nắng – nóng – mưa – lạnh mà Huế đô là nơi điển hình. Nhiều tiếng ồn chát chúa vang lên trong óc. Tôi vùng dậy ra ngoài nhăn nhó:
- Buổi trưa im đi một tý có được không, đứa nào không nghe tao nhốt vào buồng cho biết.
Thấy tôi nổi "quạu" cả bọn im ngay. Anh Du ngồi thừ nhìn ra sông vắng,
mặt anh buồn buồn. Tôi thấy vì mình đã không giữ ý khiến anh Du không
vui. Tôi muốn xin lỗi hay nói một câu gì cho không khí được cởi mở,
nhưng rồi cũng đứng im. May quá, cô bé đem báo đến nhà, mang "cớ" để tôi
có chuyện nói:
- Anh Du đọc không? Báo mới này!
Anh mỉm cười đưa tay lấy. Tôi cảm thấy nhẹ bớt "bứt rứt" một phần qua nụ cười dễ dãi của anh.
- Tháng này công chức được tăng lương: Tụi em đã được cậu tăng cho chưa?
- Chưa đó anh. Ba em không nói gì mà tụi em cũng chưa "khiếu nại" đến.
- Đòi tăng đi chứ. Tụi em dại quá. Ba tăng 20% thì tụi em cũng tăng 20%.
Cả bọn thích ý cười hích hích. Tôi nói:
- Khi kia em 200 chừ 240. Thêm 40 đi một chầu xi nê chứ ít sao.
Tôi cười, thêm:
- Được tăng em mời anh một vé đó. Phim "La baie aux Emeraudes" anh chịu không?
- Chịu gấp rồi. Còn Huy, sao đó?
- Em nghèo lắm, bằng nửa chị Phương thôi à.
- Nó láo đó anh. 1 tháng 100 ăn quà, còn tiêu chi xin nấy me cho hết. Còn em thì chỉ 200 mà bao nhiêu thứ...
- Lại dóc rồi. Mới may áo dài 650 đó anh. Còn em may quần 400 me kêu mắc...
Nói qua nói lại, đứa nào cũng cho là mình bị thiệt thòi. Anh Du bị làm "cục kê" ngồi chịu trận.
Mải tán dóc quên cả chiều. Tôi vội đứng lên lấy tiền cho chị Trà đi chợ.
Gọi mãi chẳng thấy tăm hơi. Tôi định đạp xe đi thì chị ấy lại lò dò về.
Tức ơi là tức nhưng tôi cũng dịu giọng:
- Đi chợ đi chị Trà. 4 giờ rồi đó, lẹ lên. Mợ về thì chết cả lũ.
Chị Trà đi rồi, tôi cẩn thận đóng cổng sau, cửa nhà bếp rồi, mới lên
nhà. Có tiếng khóc, nhìn vào nôi, bé Tý vẫn ngủ. Định bỏ đi nhưng tôi
nghe tiếng khóc của bé Hon. Chết tôi rồi, con bé đang ú ớ trong xó máy
may. Hễ giận đứa nào là cô bé đi trốn riêng một cõi. Nhiều khi cả nhà
tìm mãi không ra. Tôi hoảng hốt bế bé lên. Cả thân hình nóng hổi. Mồ hôi
ướt dầm cả áo. Tôi cũng quên là hồi trưa con bé có ăn cơm hay không.
Bỗng nhiên nước mắt tôi trào ra. Mới có một ngày vắng mẹ mà công việc bê
bối, em út tồi tàn tội nghiệp. Con bé đã tỉnh, tôi âu yếm nhìn nó và
lật đật làm phận sự thay "vú em".
THƯƠNG VIỆT PHƯƠNG
(Trích từ tạp chí Tuổi Hoa số 54, ra ngày 1-10-1966)
Không có nhận xét nào:
Không cho phép có nhận xét mới.