Thứ Năm, 1 tháng 10, 2020

TẾT TRUNG THU RƯỚC ĐÈN ĐI CHƠI - Văn Trung

 


Tết Trung Thu nhằm vào ngày 15 tháng 8 âm lịch. Ta còn gọi là ngày Nhi Đồng hay tết Nhi Đồng. 

Các cụ ta xưa kia cho rằng trong suốt một năm, không có ngày nào trăng đẹp và sáng cho bằng trăng ngày Rằm tháng Tám. Trăng ngày này vừa to, lại vừa tròn. Đây cũng đúng là lúc thời tiết ôn hòa nhất trong năm. Các cụ nhân lúc rỗi rãi, đồng chiêm thì ngập nước, đồng mùa thì việc cày cấy đã xong, mới nghĩ ra cách thưởng trăng. Các cụ lập cỗ bàn và làm nhiều thứ bánh để gọi là bày cỗ trông trăng.

Ở thành thị, vì đủ điều kiện hơn nên lối lập cỗ ngắm trăng có vẻ linh đình, rộn rịp hơn ở thôn quê.

Nữ giới nhân dịp nảy, không bỏ lỡ cơ hội phô trương tài nghệ cho bà con làng nước coi chơi. Các bà, các cô lấy đu đủ chạm trổ thành nhiều thứ kỳ hoa dị thảo, dùng bột nhào nặn những con giống xinh xắn với màu sắc rực rỡ, và sắm sửa đủ loại trái cây đương mùa. Nhưng chỉ những món đó không cũng chưa đủ nói lên được mùi vị chính của ngày Rằm tháng Tám. Các tay thợ làm bánh còn thi nhau đúc những kiểu bánh nướng, bánh dẻo thơm phức với nhiều hình thù khác nhau. Có thứ tròn xoe như ánh Trăng ngày Rằm. Có chiếc to như cái mâm, trong toàn nhân hảo hạng, ăn vào quên chết.

Bên cạnh mỗi cỗ, người ta còn treo một chiếc đèn kéo quân. Tối đến, các hình ảnh ngộ nghĩnh hiện lên trên thành đèn, lung linh trước ánh nến. đây cũng lại là công trình của các tay hàng mã. Lắm người sáng chế ra những chiếc đèn kéo quân thật lý thú và tài tình. Họ còn phết những kiểu đèn rập theo hình ảnh của các loài thỏ, lân, ếch, nhái, tôm, cá... và mới đây có cả những đèn xe tăng, máy bay, tàu bò, tàu thủy... Thôi thì đủ kiểu.

Mấy ngày trước tết, những thứ đèn này thường được bày bán la liệt khắp nơi. Những tay bán rong còn gánh hàng chuỗi mấy chục lồng đèn, đi rao trong các khu xóm. Mỗi gia đình, không nhiều thì ít, thế nào cũng có một vài chiếc đèn cho con chơi.

Tối đến, các trẻ em mỗi phường, mỗi xóm họp nhau lại, tay cầm đèn thắp nến sáng, lũ lượt rước qua các đường phố. Đó đây vang lên những bài đồng dao liên quan đến ngày Trung Thu. Bầu không khí thật vui tươi, nhộn nhịp.

Có nhiều nơi, nhất là tại thành thị, các thanh thiếu niên còn họp nhau lại để múa sư tử hay múa rồng. Họ ăn mặc đồng phục và đi tới đâu, có thanh la, trống cái đánh theo nhịp tới đó. Trẻ con rất khoái trò này nên thường hè nhau đi sau đoàn như trẩy hội.

Nhiều nhà còn đốt pháo chào đón mỗi khi đám rước tới. Những hội múa sư tử lập ra mục đích chỉ là vui chơi. Nhưng nhiều nhà cũng treo giải bằng tiền mặt để cho họ giật. Tùy theo số tiền to hay nhỏ mà giải được treo cao hay thấp. Trước khi giật giải, các hội viên biểu diễn những đường quyền, côn, đao... và cả những màn người đấu với sư tử rất nhịp nhàng, hấp dẫn.

Sau đó, họ xếp thành đội hình, đứng chồng lên nhau, có khi cao tới lầu ba để cho một người đội đầu sư tử, lên múa bài giật giải.

Tuy các hội sư tử lập ra không nhằm mục đích kiếm tiền, nhưng đôi khi vì hiềm khích về tài nghệ biểu diễn, về khu vực khác biệt hay về quyền lợi riêng tư mà có những hội đã xáp chiến với nhau đến độ quăng cả đầu sư tử, vác dao, cầm gậy, rượt nhau chạy huỳnh huỵch trong đường phố.

Ta đã nói tết Trung Thu là tết Nhi Đồng, là ngày dành cho các Búp bê còn trong cái tuổi học trò thò lò mũi xanh. Nhưng người lớn cũng thừa gió bẻ măng, lợi dụng vào đấy để ăn ké. Họ lấy cớ ngày lễ để sắm sửa, trong đó trẻ con ăn thì ít mà người lớn nén thì nhiều. Họ mua bánh biếu xén nhau. Hành động này phần nhiều là nhằm kết chặt tình bà con, thân hữu. Nhưng đôi khi cũng vì người dưới muốn lấy điểm với người trên.

Không biết vì các Búp bê ngốn quá nhiều bánh hay vì người lớn "can thiệp" quá kỹ vào ngày Nhi Đồng mà ngày Tết này có lần đã trở nên vấn đề nan giải cho giới hữu trách. Nhiều nhà buôn, nhà làm bánh đã lợi dụng dịp lễ Trung Thu mà tích trữ đầu cơ đường, bột, khiến cho giới hữu trách đã có năm phải ra lệnh cấm làm bánh Trung Thu để tiết kiệm tiền của dân và tránh tạo dịp cho một thiểu số con buôn làm giầu phi pháp.

Xưa kia, nhân ngày tết Trung Thu, các thanh niên, thiếu nữ trong làng, xóm thường tụ tập tại sân đình hay những nơi rộng rãi có trăng thanh, gió mát để hát trống quân và xem trăng trong nhiều ngày.

Ngày nay, cứ tới dịp tết Trung Thu, thay vì được nghe giọng hát, tiếng hò theo nghi thức cổ truyền, đâu đâu người ta cũng thấy vang lên một điệu hát mới nhưng đã trở nên rất quen thuộc:

Tết Trung Thu rước đèn đi chơi
Em rước đèn đi khắp phố phường
Lòng vui sướng với đèn trong tay
Em múa ca dưới ánh trăng Rằm.

Đèn ông sao với đèn cá chép
Đèn thiên nga với đèn bươm bướm
Em rước đèn này đến cung trăng
Đèn xanh lơ với đèn tím tím
Đèn xanh lam với đèn trắng trắng
Trong ánh đèn rực rỡ muôn mầu.


VĂN TRUNG    

(Trích tuần báo Thiếu Nhi số 129, ra ngày 15-9-1974)



Không có nhận xét nào: