Thứ Bảy, 31 tháng 12, 2022

LỜI NÓI - Đỗ Phương Khanh

  

Lời nói chẳng mất tiền mua
Liệu lời mà nói cho vừa lòng nhau.

Các cụ xưa thích thơ ghê các em nhỉ. Cái gì các cụ cũng đặt ngay thành vần điệu, ca dao, phong dao v.v... thành ra dễ nhớ ghê đi. Đọc lên nghe đã thấy đầy vẻ yêu thương êm ái rồi. Vậy chị đố các bé của chị luôn luôn nhớ được câu ca dao trên đây. Nhớ được câu đó, em đã tìm ra được một trong những cánh cửa để tiến tới con đường hạnh phúc rồi đấy.

Nhưng nói "vừa lòng" là thế nào? Bộ chị ĐPK muốn các em phải nịnh hót mọi người để cho họ vừa lòng hay sao? Không, không đấy nhé. Các bé của chị đừng có mà nhầm lẫn đấy nhé. Nịnh nọt chỉ làm cho những người ngu xuẩn họ thích mà thôi. Vì họ ngu nên họ nhầm lẫn sự tâng bốc nịnh nọt với lời khen ngợi chính đáng. Còn nếu thấy việc hay, việc tốt mà biết khen ngợi cho vui lòng người, thì phải là người có tấm lòng nhân ái, yêu đời, yêu người mới biết làm. Xưa các cụ nói: "Người chê ta mà chê phải, đó là thầy ta. Khen mà khen phải là bạn ta, còn kẻ nịnh hót ta, chính là kẻ thù của ta vậy".

Lời cổ nhân thật là chí lý. Nhưng lòng em tốt, muốn cho bạn làm phải, mà em không lựa lời nói nhẹ nhàng mà chê bạn, có khi bạn em sẽ coi em là kẻ thù chứ không là "thầy" đâu. Cho nên các em phải biết lựa lời. Chị thấy 2 cuốn Đắc nhân tâm và Xử thế của người xưa do dịch giả Nguyễn Hiến Lê ấn hành có nói rất kỹ về vấn đề này. Các em đừng hiểu lầm "đắc nhân tâm" là cuốn sách dạy ta giả dối để lấy lòng người khác. Không! Đó chính là cuốn sách làm khơi dậy biết bao tình cảm bác ái thương người vẫn tiềm tàng trong mỗi chúng ta. Còn gì yêu người hơn hành động tìm tòi học hỏi nghệ thuật sống để cho mọi người khác vui lòng! Vậy từ nay các bông hồng của chị nhớ nhé, các bé phải biết khen ngợi khi thấy ai làm việc tốt này, biết lựa lời nói nhẹ nhàng khiêm tốn để khuyên can bạn khi bạn làm điều gì không đúng này, và cuối cùng chị xin các bông hồng điều này nghe: "Là các Thiếu nhi V.N. là mầm non tương lai sáng ngời" phải nhớ rằng đã là T.N. gương mẫu thì không bao giờ nói lời thô lỗ, ghê gớm, thí dụ như: Tởm! Kinh! Gớm chết! v.v... Còn những câu thô lỗ hơn nữa, đã gọi là con nhà có giáo dục là không có được dùng đó, các bé.


Chị ĐỖ PHƯƠNG KHANH      

(Trích tuần báo Thiếu Nhi số 21, ra ngày 2-1-1972)

 

Thứ Sáu, 30 tháng 12, 2022

SANG TRANG - Thơ Thơ

  

 

 

 

 

 

 

Thôi vĩnh biệt năm cũ

Biết bao nhiêu vui buồn

Có khi lệ rơi tuôn

Có khi cười tươi tắn

 
Có khi trời hửng nắng

Chim ríu rít rít hòa ca

Khúc nhạc dạo đường xa

Giục tiến về phía trước


Có khi chân dấn bước

Hy vọng cháy trong tim

Dĩ vãng xưa im lìm

Đành quên trong góc tủ


Có khi sầu ủ rũ

Đường đời biết về đâu

Dù đi chậm hay mau

Chẳng tìm ra ý nghĩa


Cuối năm nhiều suy nghĩ

Nhìn cuốn lịch cạn trang

Năm cũ đã sắp tàn

Chờ sang trang lịch mới


Giữ niềm vui phơi phới

Dưới ánh nắng bình minh

Ngàn muôn hoa thắm xinh

Đón tân niên vừa  ý.....

 

                                   Thơ Thơ

                        (Bút nhóm Hoa Nắng)


Nguồn : https://tuoihoandmore.blogspot.com


Thứ Năm, 29 tháng 12, 2022

HÃY ĐÓN MỜI - Nhã Uyên

  

 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
Còn đây ngày cuối  chỉ vài giờ

Đưa tiễn   năm  tròn  qua ý  thơ 

Xuân hạ thu đông  bao chìm nổi

Số phận con người mỏng như tơ  


Chứng kiến  đời bao cảnh đau buồn

Lệ sầu rơi xuống như mưa tuôn

Lá kia xanh ngắt  sao mà rụng

Hoa vừa chớm nụ  cũng rời luôn


Cố giữ  lòng vui đến trọn đời

Ngày  qua  vất vả chẳng hề ngơi

Chung vai sát cánh tình bằng hữu

Năm mới sắp sang:  Hãy đón mời !


                                                  Nhã Uyên


Thứ Tư, 28 tháng 12, 2022

VƯỜN BA CHỮ - Vũ Chính Thức

  

 - Để yên anh kể chuyện cho mà nghe!

Phương vùng vằng tỏ dấu không bằng lòng:

- Mà anh đừng có kể chuyện thời sự cơ nhé? Anh kể chuyện con ma cụt đầu như dạo nọ nghe anh.

Em Thúy dãy lên phản đối:

- Đừng anh ạ, chuyện con ma cụt đầu sợ sợ là... Anh phải kể chuyện cổ tích cơ.

Bé Nương cũng phụ họa:

- Phải đấy, chuyện nào thật hay cơ, không hay chúng em bắt thường đấy.

- Ừ, thế các em ngồi im để anh kể chuyện cổ tích vậy.

*

- Ngày xưa, không còn nhớ rõ là ngày nào, chỉ biết rằng, vào một buổi sáng êm đẹp, có một cô gái quê xinh đẹp tên là Thu. Cô ta có đôi mắt huyền trong sáng, có bộ mặt trái xoan ẩn dưới mái tóc óng ả...

Thúy ngơ ngác nhìn anh:

- Cái anh này rõ thật là hay! Bảo kể chuyện cổ tích thì cứ nói vớ vẩn đâu đâu...

Bé Nương cũng sốt ruột dục anh:

- Cô gái ấy làm sao nói mau lên cho chúng em nghe nào?

Anh mỉm cười nhìn các em kể tiếp:

- À, cô gái quê thùy mị dịu hiền ấy đang cặm cụi lượm những cành cây khô đem lên chợ bán kiếm tiền về nuôi mẹ, thì chợt nghe thấy tiếng ai gọi sau lưng. Cô giật mình quay lại, sửng sốt thấy một bà đẹp tuyệt trần đứng đấy tự bao giờ. Bà khoác một tấm áo choàng trắng toát, lóng lánh những thứ kim tuyến lạ kỳ. Trên đầu, bà đội một chiếc triều thiên sáng như gương, tỏa ra chung quanh một làn sáng êm dịu. Thấy thu có vẻ bỡ ngỡ, bà nở một nụ cười tươi như hoa:

- Con đừng sợ. Ta là Tiên đây.

Nghe bà đẹp tự xưng là Tiên, Thu buột miệng kêu:

- Ồ! Bà là Tiên? Như thế chắc bà giàu có, quyền phép lắm.

Bà Tiên nói:

- Phải, ta giàu có lắm. Con muốn xin gì, ta sẵn lòng cho con ngay. Áo đẹp, tiền của, vàng bạc, cái gì ta cũng ban cho được hết.

Thu mỉm cười sung sướng:

- Thưa bà, nhà con nghèo lắm, mẹ con lại ốm nữa, không có tiền mua thuốc uống. Xin bà cho con tiền để mua thuốc chữa bệnh cho mẹ con.

Bà Tiên gật đầu trả lời:

- Con có lòng hiếu thảo như thế là ngoan lắm. Và những lời con xin thật chính đáng. Ta hứa sẽ ban cho con một trái cam vàng. Nhờ trái cam vàng đó, con sẽ có tiền không những mua thuốc men cho mẹ con mà để gia đình con sống một cuộc đời sung túc đầy đủ nữa.

Đưa tay chỉ về phía rừng cây um tùm, bà Tiên nói tiếp:

- Vậy sáng mai con cứ theo con đường này đến thẳng khu rừng kia, một khu rừng chỉ có ta và những kẻ ta cho phép mới vào được. Tới đó... à mà con có đọc được chữ không?

Thu lễ phép trả lời:

- Dạ, thưa bà có ạ.

- Tốt lắm. Ở khu rừng đó có một cái vườn, người ta gọi nó là vườn tiên, mà những hoa trái trong vườn đó đều bằng vàng cả. Chỉ được một hoa hoặc một trái trong đó cũng đủ sống đến mấy đời rồi.

Để dễ nhận ra cái vườn ấy, con chỉ cần tìm thấy một cái cổng, bên ngoài có đề mấy chữ: "VƯỜN TIÊN". Nhưng để lấy được trái vàng trong vườn ra, buộc con phải biết ba chữ.

Thu nghĩ ngợi hỏi lại:

- Thưa bà, ba chữ ấy là những chữ gì ạ?

- Ta sẽ không nói để con tự tìm ra. Sáng mai tới đó mà không tìm ra được thì đành phải đợi tới hôm khác. Cho đế khi nào tìm ra mới hy vọng lấy được trái vàng đem về, nghe không con?

- Thưa bà, vâng ạ!

Sáng hôm sau, theo đúng như lời bà Tiên dạy, Thu đon đả xách bị đến khu rừng bà Tiên chỉ cho hôm trước. Nhưng khi tìm thấy chiếc cổng có chữ, thì cổng lại đóng kín mít. Trong vườn có một bà già ngồi trông coi hoa trái. Thấy Thu đến, bà già chỉ lầm lì cái mặt nhìn Thu không nói. Thu gọi lớn:

- Bà già ơi, bà già! Bà ra mở cửa cho cháu vào đi, bà già!

Bà già vẫn lạnh lùng ngồi im không nói. Thu tức tối gọi thêm:

- Kìa, sao bà già khinh người thế?

Bà già vẫn không nói nửa lời. Thu đành hậm hực trở về không. Thu băn khoăn tự hỏi không biết tại sao mà bà già lại cay nghiệt với mình đến thế. À, phải rồi, mình vô phép với bà già quá. Ai lại đến mà không chào bà già canh cổng bao giờ!

Bé Nương cướp lời anh:

- Không trách bà già không mở cổng cho là phải anh nhỉ?

- Lẽ dĩ nhiên rồi. Sáng hôm sau, Thu lại đến. Lần này, nàng không la ó như lần trước nữa. Thoạt trông thấy bà, Thu đã vội chắp tay lễ phép chào:

- Chào bà ạ! Xin bà làm ơn mở cổng cho cháu vào với ạ!

Tức thì bà già đứng lên vui vẻ mở cổng cho Thu vào. Trong vườn, Thu hoa cả mắt lên vì muôn vàn hoa trái. Thu giơ tay định hái một trái, nhưng vì cao quá không tài nào với tới. Thu đành phải van lơn bà già hái hộ. Nhưng mặc cho Thu nũng nịu đòi hỏi, bà già vẫn lặng thinh không nói qua nửa lời. Thu giận dỗi thét lên:

- Sao bà già ác thế? Trái cây cao quá cháu vói không tới, bà lấy giùm cháu đi. 
 
Bà già vẫn ngồi im không nói. Biết không nài thêm được, Thu đành rút lui có trật tự để tìm cách khám phá ra chữ thứ hai của bà Tiên.

- À, quên đi mất! Mình chưa lễ phép xin bà trước khi giơ tay hái, không trách bà già giận là phải.

Hôm sau Thu lại đến với tất cả lễ phép như hôm qua. Và khi vào tới trong vườn, Thu rất lịch sự hỏi xin bà già:

- Xin bà làm ơn hái cho cháu trái vàng kia ạ!

Lần này bà già cũng lại tươi cười đứng lên hái trái trao cho Thu. Thu sung sướng chạy nhanh ra cổng. Nhưng khi vừa mới bước ra khỏi cổng, thì lạ chưa! Trái vàng em nắm trong tay bỗng nhiên biến đi đâu mất? Và đồng thời cánh cổng cũng khép kín ngay tức khắc. Thu ngơ ngác quay lại đói trái khác. Nhưng bà già lạnh lùng không nói nửa lời mặc cho Thu la, Thu khóc.

Đã quen với tính tình của bà, Thu đành thui thủi trở về. Vừa đi, em vừa cố moi óc xem tại sao mình để mất trái vàng một cách đáng thương như vậy? Em đã lễ phép với bà già đủ điều rồi cơ mà? Hay tại bà già ghét mình chăng?

- À, thôi mình biết rồi! Thu đánh vào ngực mình, lẩm bẩm:

- Tại con bé này hư! Ai lại nhận trái vàng mà không biết cám ơn bà già bao giờ! Thật mình ngu quá! Được, mai mình sẽ cám ơn bà già cho thực tử tế hẳn hoi, không hấp tấp vội vàng như hôm nay nữa...

*

Thúy lắc mạnh vai anh:

- Ơ kìa, anh phải nói xem cô ấy có lấy được trái vàng không đã chứ? Bỏ lửng câu truyện thế ai mà hiểu được!

- Dĩ nhiên là có chứ! Nghĩa là Thu đã phải trả bằng sự vất vả đi về có tới hằng ba, bốn lần mới nói đúng được ba chữ bà Tiên đã dặn. Vàng kia mà, phải không các em?

Bé Nương nhanh nhẩu hỏi:

- Thế cái trái vàng ấy bây giờ còn không hả anh?

Anh lại được cười một mẻ nữa:

- Trời đất ơi, em tôi thơ ngây quá! Truyện cổ tích cơ mà em?

Nương đỏ mặt lên gật đầu lia lịa:

- Ừ, ừ em quên.

- Thế anh đố em ba chữ bà Tiên nói với Thu đây là những chữ gì nào? Nếu các em không trả lời được thì đừng vội chê Thu là dốt nhé!


VŨ CHÍNH THỨC       

(Trích từ tuyển tập truyện ngắn Tuổi Hoa "Cô Bé Can Đảm")


Thứ Ba, 27 tháng 12, 2022

NẮNG SAU VƯỜN - Thơ Thơ

  
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
Trưa vắng khung trời cao ngát xanh
Từng lọn mây bông trắng tơ mành
Lũ chim ngái ngủ không lên tiếng
Dừa xõa tóc lùa trên mái tranh

Nghe tiếng gà xao xác buồn sao
Chíp chíp gà con khẽ thì thào
Gió lồng lộng thổi tàu chuối rách
Khóm cỏ may xào xạc hoen màu

Trong vườn  cây cỏ nét sáng tươi
Rung rinh Sao Nhái mỉm môi cười
Nhớ biết bao mùi hương ngây ngất
Sắc hoa đồng nội tưởng quên rồi

Chốn cũ ngồi đây bên mái xưa
Cầu ao nước mát thuở còn thơ
Lục bình tim tím êm đềm quá
Lá khẽ rù rì theo gió đưa

Về đây ngồi ngắm nắng sau vườn
Lối nhỏ rêu mòn ướt ngõ trơn
Thèm tô canh mướp, canh bầu bí
Đậm tình quê cũ chốn quê hương 

Mây vẫn vô tình mây vẫn trôi
Chiều nay dừng gót mỏi bên đời
Nhìn nắng sau vườn êm ái quá
Nhớ tháng ngày xanh thắm một thời.....

                                                    Thơ Thơ 
                                        (Bút nhóm Hoa Nắng)


Thứ Hai, 26 tháng 12, 2022

CÁI RÌU SẮT - Nguyễn Tất Thắng

  Vừa gặp Dung, Hân chưa kịp khoe thì bạn Lan, Huệ đã nhao nhao lên:

- Chị Dung ơi, chị Dung ơi!

- Hân sướng quá! Hân sướng quá!

Thấy Hân tay cầm ổ bánh, Dung như đoán ra chuyện, mỉm cười nói:

- Buổi sáng mà ăn bánh mì thịt thì sướng thật!

Thấy chị Dung nghĩ lầm, Hân vội cải chính:

- Không phải thế, không phải thế! Ăn bánh mì làm gì mà sướng chị?

Chị Dung ngạc nhiên:

- Ủa lạ chưa! Thế làm sao mà em sướng?

Bọn Lan, Huệ hốp tốp:

- Hân lời được tám đồng chị Dung ạ!

Dung càng ngạc nhiên dữ:

- Ủa! Sao mà kỳ quặc quá! Bộ các em điên rồi sao mà, làm gì mà Hân... a... Hân lời tám đồng?

Hân móc trong túi áo ra tám đồng "đô la" Việt Nam, cười đáp:

- Chị Dung ơi, em có năm đồng, em mua ổ bánh mì thịt hai đồng, nhưng vì bận rộn bà lão bánh mì ngỡ em đưa cho bà mười đồng nên bà đã thối lại cho em tám đồng bạc này, thế là em lời năm đồng hà!

Dung chợt hiểu, cau mày:

- Thế mà các em vui sao? Chị không ngờ các em của chị lại như vậy!

Bỗng dưng thấy chị mình sa sầm nét mặt, Hân, Lan, Huệ cùng hỏi:

- Sao chị không vui với chúng em mà lại buồn, lợi được năm đồng này chúng em càng mua được nhiều bánh ăn cơ mà...?

Thấy ba em không hiểu được ý mình, Dung bèn nói:

- Các em không hiểu: các em làm như vậy là các em không biết thương người. Các em mang tội tham lam rồi đó!

- Đâu có! - Hân ngắt lời - Tại bà ấy trả lộn thì em lấy chớ em đâu có ăn cắp của bà?

- Em không ăn cắp nhưng em lấy như vậy cũng là ăn cắp rồi!

Rồi Dung nói tiếp:

- Các em còn có cha mẹ, anh chị, các em dựa vào cha mẹ, để có cơm ăn áo ấm, còn như bà lão kia bà dựa vào ai? Bà chẳng dựa vào ai cả, bà phải làm lụng tần tảo để có cơm ăn áo mặc. Bà kiếm lời từng đồng từng cắc để nuôi đàn con cháu chắt, nhỏ dại... Bây giờ các em được năm đồng, các em mừng, nhưng các em có biết đâu bà lão kia sẽ phải khổ đau, các con bà phải bớt ăn vì... năm đồng kia, đối với chúng ta nó nhỏ bé thật, nhưng đối với kẻ nghèo như bà lão kia nó to lắm... Hằng ngày các em xúc gạo bố thí cho kẻ nghèo. Nhưng bây giờ các em làm như vậy hóa ra vô ích lắm. Nhưng chị biết các em thương người nghèo khó, biết trọng kẻ khốn cùng chị trách các em nhưng không giận các em đâu và hy vọng đó chỉ là vì các em ham muốn bánh kẹo, chớ không phải vì các em tham...!

Dung vừa dứt lời thì Hân, Lan, Huệ đã nhao nhao lên:

- Không! Không! Chúng em không tham chị ạ!

Dung mỉm cười nói:

- Vậy thì ngay bây giờ các em hãy đem trả năm đồng lại cho bà lão đi...

Dung vừa dứt lời thì Hân đã ra cửa:

- Phải! Phải! Chị nói phải, em chạy đi trả đây!

*

Dung hỏi:

- Thế nào em?

Hân thở dốc:

- Bà lão cám ơn em ghê lắm chị ạ!

Dung ngồi xuống chõng, cười vui vẻ:

- Chị biết mà, các em ngoan lắm... Lại đây!

Bọn Hân, Lan, Huệ chạy lại bao quanh Dung, tò mò:

- Gì thế? Gì thế chị Dung?

- Để thưởng các em chị sẽ kể cho các em nghe một câu chuyện...!

Hân cướp lời:

- Chuyện gì? Chuyện gì chị?

Dung vuốt tóc Hân nói:

- Chị sẽ kể cho các em nghe câu chuyện... a... chuyện CÁI RÌU SẮT!

- A! Thích quá!

- Sướng quá! Hoan hô chị Dung!

- Kể mau đi chị! Thích quá! - Bọn Hân, Lan, Huệ vỗ tay hoan hô, tán thưởng ầm ĩ...

*

Dung bắt đầu kể:

"Ngày xưa ở một làng miền núi, có một tiều phu tên là Không Gian, hiền lành, chất phác, rất sùng bái và tôn kính Trời Phật, tháng ngày đốn củi đổi tiền để sanh sống qua ngày. Bạn của ông là rừng núi, chim chóc và ân nhân của ông là cái rìu. Cái rìu là ân nhân và cũng là người bạn chí thân của ông ta. Nó là vật mang lại nguồn sống cho ông, cho ông cơm ăn áo mặc. Nó là cả vận mệnh của ông. Biết thế nên ông ta yêu mến nó vô cùng. Đi đâu ông cũng mang nó theo chỉ trừ khi ngủ ông mới đem nó đặt vào góc nhà chung với cái nón lá của ông.

Sáng dậy, ông mang nó đi đốn củi, rồi tối lại ông mang nó về nhà. Cuộc sống cứ như vậy êm đềm trôi qua...

Nhưng một sáng kia, tỉnh dậy, ông Không Gian lại góc nhà tìm chiếc búa để đi đốn củi thì nó lại không cánh mà bay mất!

Nghe đến đây, Hân la hoảng:

- Ủa, sao thế chị, rồi làm sao ông đốn củi để đổi gạo mà ăn?

Lan, Huệ đang theo dõi cốt truyện đến hồi gay cấn lại bị Hân phá đám, tức quá nói:

- Ưa hỏi dữ! Để chị kể thì biết chớ gì mà hỏi!

Bị Lan, Huệ nặng lời, Hân dỗi:

- Em không nghe nữa đâu...

Dung biết ý kéo Hân vào lòng, nói với Lan Huệ:

- Tại em nó thấy vậy nó hỏi chớ sao.

Rồi Dung tiếp:

- Hỡi ơi! Vật duy nhất, vật mang lại nguồn sống bị trộm mất đi rồi thì hỏi ông tiều phu làm thế nào để kiếm tiền mà sanh nhai. Bởi thế, ông tiều mặt mày xanh lét hoảng chạy tìm khắp nơi, nhưng vẫn không thấy bóng chiếc rìu hộ mạng kia ở đâu. Lão Không Gian suy đi nghĩ lại xem mình có bỏ quên đâu không nhưng rốt cuộc ông chắc chắn là ông không hề bỏ quên chiếc rìu ở đâu vì ông nhớ rõ là sau khi đi đốn củi về ông bỏ nó vào góc nhà với cái nón - Công việc đó đối với ông đã thành thói quen rồi.

Hơn nữa cái nón vẫn còn kia còn cái rìu thì đã mất. Ông Không Gian không khóc nhưng nước mắt ông cứ chảy ra, ông thấy đời mình đến đây là hết không còn trông cậy vào đâu để kiếm gạo được nữa. Ông muốn chết, ông không thiết sống nữa... Trong lúc tuyệt vọng ấy, bỗng một ý nghĩ vụt lóe trong óc ông tiều, và làm cho ông tin tưởng, hy vọng. Đó là "Trời" phải rồi! Chính Trời mới có thể thấu rõ nỗi lòng của ông và mới có thể giúp ông được. Lập tức ông đi đốt hương và cầu khẩn Thượng đế ra tay tế độ. Mới cảm thấy, Trời không phụ kẻ có lòng, một nén hương với cả "biển lòng thành" của ông tiều đã động đến Thiên đình...!

Nghe tới đây, bọn Hân, Lan, Huệ đồng vỗ tay reo ầm:

- Hay quá! Hay quá!

Dung mỉm cười kể tiếp:

- Trời liền truyền cho Thiên Lôi, lập tức vào kho lấy ra ba cái rìu: một cái rìu bằng vàng, một cái rìu bằng bạc và một cái rìu sắt giống in như cái rìu sắt của ông tiều phu. Trước khi đi, Ngọc hoàng dặn Thiên lôi rằng: "Nếu nó lấy cái búa bằng sắt thì hãy cho nó luôn hai cái búa kia, còn như nó lấy một trong hai cái búa: vàng hay bạc thì ta cho ngươi đánh tan xác nó ra!" Thiên lôi phụng mạng, tay nắm ba cái rìu bay xuống trước lều của ông tiều, đứng trên mây thét như sấm rằng:

- Bớ lão tiều Không Gian, ta vâng lệnh Ngọc hoàng thượng đế xuống giúp ngươi đây, hãy ra mà nhận búa!

Ông lão tiều trông thấy hình vóc của Thiên lôi thì té ngửa ra vì khiếp. Sau thấy Thiên lôi không làm cử chỉ gì dữ thì mới hoàn hồn.


Thần Thiên lôi quăng chiếc rìu vàng xuống trước mặt ông tiều mà bảo:

- Đó có phải là cái rìu của ngươi không? Nếu phải thì ngươi hãy lấy!

Lão tiều phu vừa trông thấy rìu vàng đã la:

- Dạ không phải!

Đến chiếc rìu bạc, ông lão vẫn la "không phải".

Sau đến lượt thấy chiếc rìu sắt xuống thì ông lão tiều phu reo lên vì mừng:

- Đây rồi! Đây rồi!

Thấy thế thần Thiên lôi nhìn lão tiếu cười bảo:

- Khá lắm! Khá lắm! Đáng khen! Ta cho luôn hai chiếc búa vàng, bạc gọi là để thưởng lòng tốt không gian tham của nhà ngươi!

Rồi thần Thiên lôi biến mất!...

Dung kể vừa dứt thì bọn Hân, Lan, Huệ vỗ tay reo ầm ĩ. Dung mỉm cười bảo ba em:

- Nghe xong chuyện các em nghĩ thế nào về ông già kia?

Lan, Huệ hấp tấp:

- Ông không tham lam phải không chị?

Hân cướp lời:

- Ông có lòng thành!...

Dung cười vui vẻ:

- Các em thông minh và giỏi lắm! Vì nếu ông lão tiều ấy có tính tham, lấy cây búa vàng hay bạc khi Thiên lôi vừa quăng xuống thì ông đã bị đánh tan xác rồi phải không các em?

Bọn Hân, Lan, Huệ nhao nhao lên: "Phải! Phải! Chị Dung nói phải".


NGUYỄN TẤT THẮNG      

(Trích từ tuyển tập truyện ngắn Tuổi Hoa "Cô Bé Can Đảm")