Chủ Nhật, 25 tháng 12, 2022

BẠN TRI ÂM - Nguyễn Hùng Trương

   

Các em thân mến,

Trong truyện Quan Âm Thị Kính, có câu:

Tri âm chẳng gặp tri âm,
Để ai mong đứng mong nằm sầu riêng

Bạn tri âm là thế nào, mà không gặp được bạn, mình buồn bã, trông đứng trông ngồi.

Xưa kia, hồi đời Tống bên Tàu, có Bá Nha làm đến chức Thượng đại phu, có tiếng là người chơi đàn rất hay. Ông ta thường than thở chưa tìm được người biết thưởng thức tiếng đàn của mình.

Một ngày nọ, ông đi sứ nước Sở trở về và đến Hàn Dương thì trời tối phải nghỉ tại đây. Đêm hôm ấy, trời trăng sáng, bên bờ sông gió thổi mát, cảnh vật lại đẹp, Bá Nha cảm hứng lấy đàn ra gảy.

Cùng lúc ấy, Tử Kỳ là một người tiều phu nghèo ở trong vùng, đi đốn củi về đến đấy nghe tiếng đàn trầm bổng đứng lại nghe trộm. Bá Nha đang say sưa, bỗng đâu, đàn lại đứt dây, liền nghi có người gian nghe trộm nơi núi non vắng vẻ này, nên cho lính lên bờ tìm bắt.

Trên bờ, Tử Kỳ vội vàng lên tiếng: Tôi là người đốn củi, về ngang đây nghe ngài đàn hay nên đứng lắng tai nghe trộm, chớ không phải kẻ bất lương.

Nhìn thấy Tử Kỳ là một người tiều phu trẻ tuổi, mộc mạc, Bá Nha không tin người này biết thưởng thức tiếng đàn của mình: "Có lẽ nào một người đốn củi chất phác như nhà ngươi mà hiểu nổi tiếng đàn của ta".

Tử Kỳ trả lời: Thưa ngài, ngài nói như vậy có thể lầm lắm. Người ta thường cho rằng hễ trong nhà có quân tử, thì ngoài ngõ có quân tử đến. Nếu ngài cho rằng nơi đây không có người biết nghe tiếng đàn của ngài, thì tại sao tại bến vắng vẻ này lại có một giọng đàn kỳ diệu như vậy.

Bá Nha ngạc nhiên: "Vậy chớ hồi nãy ta đàn bản chi?" Tử Kỳ liền đáp: "Thưa ngài, nếu tôi không lầm ngài đàn bản Đức Khổng Tử thương tiếc người học trò giỏi của ngài mất sớm là thầy Nhan Hồi".

Bá Nha thấy người hiểu được tiếng đàn của mình nên tỏ ý quí trọng Tử Kỳ và mời xuống thuyền mình để chuyện trò. Bá Nha lấy đàn gảy một bản trong khi tâm trí  nghĩ đến núi non. Tử Kỳ nghe khen hay: Tiếng đàn thật cao vút, chí ngài vòi vọi ở chốn non cao. Bá Nha gảy một bản khác, trong lúc lòng lại nghĩ mình đang ở trên dòng nước bến Hàn Dương. Tử Kỳ tấm tắc khen: Chí của ngài cuồn cuộn như dòng nước chảy.

Bá Nha hết sức ngạc nhiên và cho Tử Kỳ là người tri âm của mình, người biết thưởng thức tiếng đàn của mình, người đã hiểu mình, hiểu tâm trạng của mình qua tiếng đàn, nên rất quí mến Tử Kỳ. Sau đó, hai người nói chuyện với nhau rất nhiều, thân mật và tương đắc.Bá Nha mời Tử Kỳ theo mình về kinh đô để có danh phận. Tử Kỳ không đi được vì cần phải ở lại đây để nuôi dưỡng cha mẹ đã già.

Bá Nha hẹn sang năm cũng vào ngày này sẽ trở lại gặp Tử Kỳ cũng tại nơi đây.

Năm sau, Bá Nha y hẹn trở lại chỗ cũ và ngồi tại bến Hàn Dương gảy đàn đợi Tử Kỳ đến. Cả đêm, không thấy Tử Kỳ, tiếng đàn càng ai oán, não nùng.

Sáng hôm sau, Bá Nha sinh nghi, bèn tìm đến nhà Tử Kỳ mới hay bạn mình đã mất. Bá Nha thương tiếc bạn, buồn bã vô cùng.

Bá Nha đến ngay phần mộ Tử Kỳ, than khóc thảm thiết và đàn một bản đàn chót để tặng bạn. Tiếng đàn thật bi ai, buồn, thật buồn, não nuột. Đàn xong, Bá Nha đập vỡ cây đàn và thề trọn đời không đàn nữa, vì sau Tử Kỳ, còn ai có thể hiểu được tiếng đàn của mình, còn ai hiểu được lòng mình.

Về sau, mỗi khi nói đến bạn thân, bạn tri âm, , người bạn nghe tiếng đàn mà hiểu được lòng mình, người ta thường hay nhắc chuyện Bá Nha Tử Kỳ.

Các em thân mến,

Ông J. Droz có nói: Một người bạn thân là một anh em ruột mà mình đã chọn lấy.

Hơn thế nữa, ông Thoreau cho rằng: Bạn tri âm là người mình có thể giãi bày những ý tưởng đắn đo nhất của mình.

Sách Nho giáo cũng ghi: lời nói của hai bạn tâm đầu ý hiệp thơm phức như hương hoa lan.

Và khi các em có được một người bạn tri âm, các em là người có phúc đấy. Các em hãy cố gắng giữ lấy tình bạn.


Thân mến                     
NGUYỄN HÙNG TRƯƠNG     

(Trích tuần báo Thiếu Nhi số 70, ra ngày 24-12-1972)




Không có nhận xét nào: