Các em thân mến,
Sáng
nay, vừa vào tòa soạn, tôi gặp ngay trên bàn giấy của tôi một bức thư
đưa tay của một em độc giả. Ngoài phong bì có ghi chữ khẩn và trong thư
đại ý như sau: Cách nay ít lâu, cháu có gửi cho một thằng bạn thân một
bức thư trong đó cháu than phiền vì hành vi hống hách của ông hiệu
trưởng trường cháu, cháu đã dùng những danh từ không đẹp đẽ để phê bình
ông hiệu trưởng. Chiều hôm kia, cháu có chuyện xích mích với thằng bạn
ấy. Sau một hồi cãi vã, chúng cháu coi nhau như kẻ thù. Hai hôm nay,
cháu ăn ngủ không yên. Cháu sợ thằng bạn cháu đưa thư của cháu cho ông
hiệu trưởng xem. Chắc chắn cháu sẽ bị đuổi khỏi trường. Bác thử nghĩ
cháu đã cố gắng lắm mới thi được vào trường công. Cha mẹ cháu không đủ
phương tiện lo cho cháu đi học tư thục. Cháu phải nghỉ học. Cha mẹ cháu
sẽ la rầy cháu. Cháu lo sợ quá cháu không biết phải làm sao? Cháu buồn
chán quá...
Trong
quyển Dẹp bỏ phiền muộn và vui sống, ông Dale Carnegie có kể lại chuyện
ông H. Carrier cũng ở trong tình thế rắc rối không kém gì em. Nhưng ông
có chán nản đâu. Ông tìm ra phương pháp để làm tiêu tan sự lo lắng.
Phương pháp đó rất giản dị gồm ba giai đoạn mà em có thể đem áp dụng
trong trường hợp này của em cũng như trong bất cứ tình thế rắc rối nào
khác.
Giai đoạn 1 - Em can đảm xem xét kỹ càng tình thế một cách ngay thẳng và tự hỏi nếu thất bại hay nói đúng hơn trong trường hợp em, thì kết quả tai hại nhất sẽ ra sao?
Chắc chắn là em không bị ở tù hay xử tử vì bức thư trên. Em có thể bị
đuổi khỏi trường công và em phải ra học trường tư. Em có thể bị cha mẹ
la rầy.
Giai đoạn 2 - Sau khi đã nghĩ tới những kết quả tai hại nhất có thể xảy ra được đó, em nhất quyết đành lòng nhận nó, nếu cần.
Cha mẹ ai lại không thương con. Cha mẹ la rầy đến khi đã giận hoặc hết
lời rồi cũng thôi. Em thiếu phương tiện để tiếp tục học ở trường tư
nhưng em có thể tìm việc làm một buổi để lấy tiền học buổi khác kia mà.
Em cũng có thể làm việc ban ngày và học những lớp buổi tối. Nếu không
tìm được việc làm, em cũng có thể ghi tên học những lớp bình dân dạy
miễn phí.
Sau
khi em nghĩ đến những kết quả tai hại nhất có thể xảy ra, em vui lòng
nhận lãnh nó, chắc chắn là sau đó tinh thần em sẽ được thảnh thơi, bình
tĩnh như trước khi em gây gổ với bạn em.
Giai
đoạn 3 - Từ lúc ấy, em bình tĩnh dùng hết thì giờ và nghị lực để tìm
cách giảm bớt cái hại của những kết quả mà em đã cam lòng chịu nhận.
Em
có thể tự em hoặc nhờ một người nào quen thân với ông hiệu trưởng, đến
xin lỗi về những lời lẽ không đẹp của em trong bức thư và em hứa không
bao giờ tái phạm. Hoặc khi em phải học một buổi ở trường tư hay học
những lớp bình dân miễn phí, em cố gắng học hành, dùng thì giờ rảnh rỗi
để đọc thêm nhiều sách để mở rộng kiến văn, em có thể trở nên người hữu
dụng sau này, em sẽ được nhiều người quí mến.
Một danh nhân Trung Hoa, ông Lâm Ngữ Đường cũng đã từng nói: Nhận chân sự chẳng may nhất đã xảy ra là tìm được sự bình tĩnh chân thật trong tâm hồn rồi.
Ông
H. Carrier cũng nói: Khi tôi ngó thẳng vào sự chẳng may nhất, tức là
tôi tìm lại được sự bình tĩnh đã mất trong những ngày trước. Từ đó tôi
suy nghĩ được.
Các em thân mến,
Khi
các em gặp những tình thế rắc rối làm cho các em quá phiền muộn, chán
nản, các em đừng bao giờ quay cuồng trong lo lắng làm hại đến sức khỏe
quí báu của các em, làm hại đến đời các em. Các em hãy theo gương ông H.
Carrier. Các em hãy chịu nhận sự chẳng may nhất. Các em rán cải thiện
tình thế. Các em hãy tìm cách gây dựng lại những gì đã đổ vỡ. Chắc chắn
các em sẽ tìm lại được sự an vui trong đời sống của các em.
Thân mến
NGUYỄN HÙNG TRƯƠNG
(Trích tuần báo Thiếu Nhi số 16, ra ngày 28-11-1971)
Không có nhận xét nào:
Không cho phép có nhận xét mới.