Lời nói chẳng mất tiền mua
Liệu lời mà nói cho vừa lòng nhau.
Các
cụ xưa thích thơ ghê các em nhỉ. Cái gì các cụ cũng đặt ngay thành vần
điệu, ca dao, phong dao v.v... thành ra dễ nhớ ghê đi. Đọc lên nghe đã
thấy đầy vẻ yêu thương êm ái rồi. Vậy chị đố các bé của chị luôn luôn
nhớ được câu ca dao trên đây. Nhớ được câu đó, em đã tìm ra được một
trong những cánh cửa để tiến tới con đường hạnh phúc rồi đấy.
Nhưng
nói "vừa lòng" là thế nào? Bộ chị ĐPK muốn các em phải nịnh hót mọi
người để cho họ vừa lòng hay sao? Không, không đấy nhé. Các bé của chị
đừng có mà nhầm lẫn đấy nhé. Nịnh nọt chỉ làm cho những người ngu xuẩn
họ thích mà thôi. Vì họ ngu nên họ nhầm lẫn sự tâng bốc nịnh nọt với lời
khen ngợi chính đáng. Còn nếu thấy việc hay, việc tốt mà biết khen ngợi
cho vui lòng người, thì phải là người có tấm lòng nhân ái, yêu đời, yêu
người mới biết làm. Xưa các cụ nói: "Người chê ta mà chê phải, đó là
thầy ta. Khen mà khen phải là bạn ta, còn kẻ nịnh hót ta, chính là kẻ
thù của ta vậy".
Lời
cổ nhân thật là chí lý. Nhưng lòng em tốt, muốn cho bạn làm phải, mà em
không lựa lời nói nhẹ nhàng mà chê bạn, có khi bạn em sẽ coi em là kẻ
thù chứ không là "thầy" đâu. Cho nên các em phải biết lựa lời. Chị thấy 2
cuốn Đắc nhân tâm và Xử thế của người xưa do dịch giả Nguyễn Hiến Lê ấn
hành có nói rất kỹ về vấn đề này. Các em đừng hiểu lầm "đắc nhân tâm"
là cuốn sách dạy ta giả dối để lấy lòng người khác. Không! Đó chính là
cuốn sách làm khơi dậy biết bao tình cảm bác ái thương người vẫn tiềm
tàng trong mỗi chúng ta. Còn gì yêu người hơn hành động tìm tòi học hỏi
nghệ thuật sống để cho mọi người khác vui lòng! Vậy từ nay các bông hồng
của chị nhớ nhé, các bé phải biết khen ngợi khi thấy ai làm việc tốt
này, biết lựa lời nói nhẹ nhàng khiêm tốn để khuyên can bạn khi bạn làm
điều gì không đúng này, và cuối cùng chị xin các bông hồng điều này
nghe: "Là các Thiếu nhi V.N. là mầm non tương lai sáng ngời" phải nhớ
rằng đã là T.N. gương mẫu thì không bao giờ nói lời thô lỗ, ghê gớm, thí
dụ như: Tởm! Kinh! Gớm chết! v.v... Còn những câu thô lỗ hơn nữa, đã
gọi là con nhà có giáo dục là không có được dùng đó, các bé.
Chị ĐỖ PHƯƠNG KHANH
(Trích tuần báo Thiếu Nhi số 21, ra ngày 2-1-1972)
Không có nhận xét nào:
Không cho phép có nhận xét mới.