Thứ Ba, 6 tháng 12, 2022

LÁ THƯ THÀNH PHỐ - Minh Quân

 


Chị Hai. Em biết chị nóng đợi tin em, em cũng nóng viết cho chị lắm; nhưng mà không gấp được. Em phải đợi có chỗ làm chắc chắn rồi mới biên thơ cho chị mừng luôn. Vả lại, suốt ngày em phải chạy nơi này, chạy nơi kia, nhờ người quen kiếm giúp cho một chỗ.

Trong lúc chờ đợi em vẫn ở tạm nhà cô Dung. Vợ chồng cô cũng khá tử tế, nhưng mà em ngán lũ nhỏ với người ở lắm. Đã nhiều lần em khóc thầm và muốn dọn đi tức khắc, nhưng biết dọn đi đâu? Mỗi lần như vậy, em lại cố hồi tưởng cái ngày vợ chồng cô ôm con đỏ hỏn tản cư về ở nhờ nhà mình. Nhớ lại sự săn sóc nồng hậu của chị, của em, của mẹ, lúc chồng cô đau yếu, lúc cô sinh nở lần thứ hai. Nhớ những con cá rô, cá giếc nhảy long tong mà hai chị em mình cực khổ mới có đem về cho mẹ và mẹ đã đem cho cô trước bốn con mắt tiếc rẻ của chị em mình! Em nhớ lại để đủ gan lì mà chịu đựng sự khó chịu ngày nay, dù ngày ấy đã quá xa, xa lăng lắc! Chị hẳn hỏi em: "Khó chịu vì cái gì? Cô Dung vẫn không thường viết thơ về bảo chị em mình lên Sài-gòn ở với cô cho vui đó hay sao? Vả lại, mình chỉ ở nhờ, tạm ít lâu thôi, ăn nằm ở đời gì mà ngại?"

Thì đúng vậy. Em không trách móc cô Dung, cô có lòng tốt, nhưng mà nhà cửa Sài-gòn cũng như cách sống nó khác xa quê mình, em lên đây như con cá mắc cạn không chết hẳn nhưng mà ngột ngạt quá đi thôi!

Chị nghĩ coi: cái gì mà cứ mỗi lần đi ra, đi vô cứ phải luôn luôn chùi guốc, chùi dép xuống tấm thảm bên bậc cửa? Xài nước thì cứ phải ren rén không dám mạnh tay? Gạo thì trắng tinh nhạt nhẽo ăn nuốt không trôi và thức ăn thì luôn luôn chiên xào ứ những mỡ.

Ở nhà này, chỉ có bà vú già hợp với em. Bà ta coi lại còn quê hơn em gấp năm kia, chị ạ! Bà vẫn phàn nàn là bà không bao giờ ngờ rằng trong đời bà, bà lại có một ngày trông thấy người ta nấu cơm không cần than, củi và cho đến móng tay móng chân mà cũng làm tốt bằng cách bôi son. Guốc là món xa xỉ mà xứ bà người ta chỉ dùng vào lúc hội hè, đình đám, hoặc trước giờ đi ngủ, xách guốc ra giếng rửa chân qua loa rồi xỏ vào chân.

Cô Dung thì bận bịu suốt ngày vì những việc hái ra tiền mà cô và ông chồng gọi một cách nôm na là "chạy áp phe". Cô bận đến nỗi không bao giờ cô có thì giờ ngồi lại giũa móng tay và phết son lên, nên cô giao việc đó cho các hiệu làm tóc: Cứ mỗi lần cô đi gội đầu uốn tóc thì thợ làm móng tay, móng chân luôn. Có một lần cô rủ em đi, em ngượng hết sức. Coi bộ cô và lũ con, nhất là lũ này, chúng ghét đầu tóc dài của em lắm. Đã có lần chúng nói thẳng trước mặt em rằng để tóc dài chỉ tổ nuôi chí mà thôi! Nhưng em vẫn không bực mình bằng có lần trong đêm, nóng quá, em mở cửa sổ ra bị chúng trách em bằng những lời lẽ hết sức khiếm nhã.

Kỳ lạ một cái: em không bao giờ mong ước được người ta coi mình như người thành phố nhưng mà nghe họ mỉa mai đến chuyện mình nhà quê là em lại nóng mắt lên, mất cả bình tĩnh, hiền hòa.

Trời ơi! Xứ gì mà muỗi! Muỗi nhiều như rạ ngoài đồng ở xứ mình! Nhà cô Dung cũng theo kiểu mới: các phòng ngủ đều bao lưới; lũ nhỏ thậm thọt chạy ra chạy vào hoài nên đến tối muỗi đốt tụi nó, ấy thế mà tụi nó xéo xiên em, ý nói em đi ra đi vô quên đóng cửa!

Bởi vì những điều đụng chạm này mà có lần cô Dung đề nghị với em:

- Thôi, Thu đi kiếm chỗ dạy chi cho xa, ở nhà dạy các em cũng được.

Em liền từ chối. Hình như cô có ý không bằng lòng. Thật ra, mình đã vì hoàn cảnh rời bỏ quê hương, đến thị thành kiếm sống thì còn chọn lựa nỗi gì? Nhưng em ghét phải gần gũi những kẻ khinh người, kiêu ngạo, không phải họ hơn người khác ở kiến thức hay tài đức gì mà chỉ bởi có một điều giản dị: họ có nhiều tiền và tưởng ai cũng có thể vì tiền mà quên hết nguồn gốc, phẩm cách đi như họ.

Ngay đến bọn người giúp việc cũng nhìn cách các tiểu chủ chúng đối xử với em mà đánh giá em: có một bửa em về hơi trễ (vì đón xe không có, phải đi bộ) chúng dằn mạnh cái chén xuống bàn, lầu bầu trong miệng nào những là em hành hạ chúng phải dọn nhiều lần, chia sẻ thức ăn bàn trên bàn dưới... lầu bầu đủ để em nghe rõ. Em liền xin lỗi rằng mình không có ý muốn như thế, và lần sau nếu em về trễ, chúng hãy cứ cất phần em đi.

Cái xóm cô Dung ở là một xóm khá sang trọng: nhà nào cũng có lầu. Vậy mà lại dơ hơn là cái làng nghèo xứ mình, chị nghĩ có kỳ không? Mỗi sáng vú già ra quét sau hè đều phải dọn của bẩn: khi thì một đống rác lù lù, khi thì một bãi phân người, khi thì một cái lò bể, một cái ghế gãy v.v...

Nguyên thế này: khu đất quanh nhà cô Dung là của một giòng họ có tiếng, bây giờ thì con cháu tản mát hầu hết những người trong thân tộc đều ở bên Pháp Còn lại một vài người thâu tiền cho mướn đất để cúng giỗ ông bà. Nhà cô Dung tuy cũng thuộc trong hẻm nhưng mà còn ở phía ngoài. Hồi cô Dung mới dọn đến thì sau lưng nhà cô cách mươi cái nữa là khu nghĩa địa của giòng họ nhà đó. Nhưng lần lần đất đô thành lên giá, người đông đất hiếm cho nên những người thừa kế họ xa với đại gia đình này sinh lòng tham thu vén lần lần khu nghĩa địa, cứ vài tháng lại cho thuê thêm một ít đất, cho đến nay thì nghĩa địa còn lại một khoảnh nhỏ. Vì lẽ đó, những nhà nghèo phía trong cùng bí đường, họ hết chỗ đổ rác, phóng uế, chỉ còn nước rình đêm tối hay buổi sáng sớm đem rác, đem con tới ngay hè nhà nào kin kín, vắng người...

Buồn cười một điều là khi xóm trong thấp thoáng có bóng vài ngoại kiều đến ngụ thì rác rến tăng lên. Thật ra không phải những ngoại kiều này không biết sạch sẽ là gì, nhưng bởi những người làm công cho họ nhác, muốn vứt bừa cho khỏe. Em luôn luôn chứng kiến những vụ cãi nhau giữa vú già nhà cô Dung và những người làm công này.

Hết cãi nhau với mấy người làm công cho ngoại kiều lại cãi với mất người đổ rác trộm, hay dắt con đến phóng bậy. Vú già thật luôn luôn bận rộn chẳng mấy lúc được ngơi tay, nghỉ miệng.

Cả nhà đều dậy trưa, chỉ mình em quen thói nhà quê, dậy sớm nên vụ nào cũng biết. Nhưng mà nếu chỉ chừng đó thì em không kể cho chị đâu, có gì là đáng quan tâm khi mà nghèo quá không có nổi cái cầu tiêu trong nhà hay không muốn mất 50 đồng bạc cho người đổ rác? Vả lại xung quanh đều dơ bẩn, mình sạch sẽ chi cho nhọc chớ? (Dạo này rác Sài-Gòn nhiều ghê gớm, không chỉ trong hẻm mà ngoài đường lớn đống nào cũng ngồn ngộn như đống núi vậy, chị ơi!)

Gần nhà cô Dung có một ông cụ ưa nuôi chó. Sáng nào cũng vậy, ông cụ dậy sớm dắt chó lại góc vườn cô Dung cho nó vạch rào vô bài tiết! Xế bên trái là nhà một ông kỹ sư, bà kỹ sư này cũng ưa nuôi chó, mà là thứ chó đẹp, sang, lùn lùn, xinh ghê, xinh gớm. Cô sen nhà bà này cũng kênh kiệu không thua chi chủ: mỗi lần vú già bắt gặp cô ta dắt chó bài tiết ngay trong vườn thì vú hét toáng lên. Ấy vậy mà cô ta không bao giờ chịu lỗi, cô ta nỏ mồm hét lại:

- Bà già nhiều chuyện! Người ta dắt chó đi chơi ngang đây...

- Cha sang dữ! Dắt chó đi chơi! Sang vậy sao không sắm cho con chó nhà mày cái cầu tiêu mà lại dắt đi ỉa bậy?

- Ỉa bậy hồi nào, bà già nói bậy...

- Nói bậy cái gì? Tao đánh cho một bạt tai giờ!

- Đánh đi coi?

Hai bên nóng lên theo sức mặt trời, em đứng trong vườn nhìn ra trông cái bộ dạng vênh váo của cô sen mà phát tức, nhưng em chưa có lời nào phụ với vú già thì lũ trẻ ở đâu nhao nhao kéo đến, chúng nghếch mặt nhìn, nghe rồi thình lình một đứa khám phá ra điều quái dị, nó toét miệng cười kêu to:

- Ê tụi bây ơi! Lại coi: chó bận áo! chó bận áo! Tụi bây ơi! Lại coi!

Và chúng bu quanh người với vật, trầm trồ khen có, chê có, mai mỉa có làm cô ả bực thêm. Vú già được trớn, lại nhiếc:

- Chà, sang dữ! Chó bận áo! Chó bận áo! Chó đi chơi... Này, coi chừng có ngày còn dắt đến ỉa bậy tao lột áo đó, nghe không?

Cô dắt chó dẫy lên:

- Mụ già kia! Đừng có hàm hồ, lột áo ai?

- Lột hết! Cả chó cả người, lột hết! Áo không có cho người ta bận, áo đâu có cho chó bận? Khéo làm bộ sang...

Cô ả coi bộ không thắng nổi, giật mạnh cái xích nơi tay mình, vênh mặt lên:

- Tô tô! Thôi đi về, Tô tô, không thèm...

Nói xong cô ta lôi bừa con chó đi, không quay lại. Đằng này lũ nhỏ và vú già còn trông theo bình phẩm mấy câu.

Mấy đứa con cô Dung thích giao thiệp với người Mỹ. Tụi nó nói học ở trường dạy kém và vẫn học riêng với mấy ông giáo sư Mỹ này. Giáo sư cóc gì mà lấc ca lấc cấc, em không tin là giáo sư, không phải vì họ trẻ mà vì cái nhìn và cử chỉ họ mỗi khi gặp em. Em tức nhất là có một lần, một tên "giáo sư" nọ đến nhà gọi cửa, thấy em mà hắn búng tay tanh tách như kêu chó. Lịch sự để ở đâu? Đã vô lễ thế, em để cho đứng đợi không thèm mở cửa. Hình như hắn mách lại Liên và cô bé trách em sao không lễ độ với khách mình.

Nhưng nếu chỉ vậy thì em cũng chưa phải dọn đi, hôm tuần rồi cô Dung bảo em thế này:

- Cháu đợi mãi vẫn chưa có việc làm, hay là cháu giúp cô giữ két vài hôm?

Em nghĩ không lẽ mình từ chối mãi, trong lúc chưa làm gì thì hẳn cứ giúp cô, dù rằng chị biết đấy, giữ tiền là công việc em ghét nhất. Buổi chiều, trong lúc em đang coi lại sổ thì Liên đến, nó bảo em đưa cho nó hai nghìn. Đáng ra thì em không từ chối, nhưng mà cô Dung có dặn em không được giao tiền cho ai nếu không có chữ ký của cô. Thế mà nó hậm hực kiếm cớ gây gổ với em mãi.

Chị bảo em nhịn làm sao được kia chứ? Vậy mà nghe em ngỏ lời xin dọn đi thì cô Dung lại giận em, cho là em kiêu kỳ, làm bộ, bạc bẽo, không tiếc lời.

Đến hôm nay, khi em viết thư này cho chị thì em đã rời khỏi nhà cô Dung. Giã từ hết: vú già không ngớt ngạc nhiên về chuyện nấu ăn không cần than củi và không cần cả lò dầu hỏa, ông cụ dắt chó bài tiết sớm trong vườn cô Dung, cô Sen kênh kiệu cũng hành động như ông cụ kia mà còn cẩn thận: mặc áo lên cho chó trước khi đi dạo. Những bà mẹ đem con tới rình rình lúc vắng người, những đứa trẻ lấm lét ngó trước ngó sau trước khi đổ rác... mấy đứa con gái của cô Dung với lũ giáo sư lấc cấc và vô lễ... Nhưng trên hết, trên hết tất cả những giã từ đó, em thú thật với chị là em thích thú được giã từ những tiếng ồn ào phát ra do những máy truyền thanh cứ eo éo suốt trưa, suốt tối, ôi, những bài cải lương rên rỉ, những khúc tân nhạc dậm dật ồn ào, những câu rao hàng quảng cáo lố bịch, chát tai, em tưởng có thể điên lên vì chúng được!

Chắc chị lo lắm: em ở đâu? Làm gì? Có gặp người tử tế không? Xin nói ngay để chị yên tâm là em hiện trọ trong nhà một người cỡ bằng tuổi cô Dung, chồng chết, nhà nghèo, bà ta phải vất vả lo sinh kế không đủ sức thuê một giáo sư cho nên em chỉ trông nom qua loa cho các con bà và nhận dạy kèm cho mấy đứa trẻ cùng xóm của ba gia đình khác. Xóm này là một xóm nghèo, không có chuyện chó mặc áo, dạo chơi, không có nhạc ong óng suốt ngày đêm, và bởi quá nghèo, rác rến cũng ít hơn. Ở đây em còn được cái vui sướng trong lòng: ra vào, lui tới không thấy bóng người ngoại quốc, những người với danh nghĩa Đồng Minh đến giúp Việt Nam nhưng thực tế thì lối cư xử của họ làm em ghét và hơn nữa, còn làm em nhớ đến bọn lính viễn chinh của quân đôi Pháp đã một hồi làm mình khổ nhục hãi hùng.

Ở đây em vừa ý hơn ở nhà cô Dung nhiều. Ở nhà cô Dung em thấy mình xa lạ, lạc loài như ở đâu ấy, không phải ở với đồng bào mình, dù rằng những người trong nhà vẫn dùng một thứ ngôn ngữ như mình. Vớ tới cái gì em cũng nghe kèm theo một cái địa danh ngoại quốc: gạo thì gạo Mỹ, thịt thì thịt Thái Lan, lò ga của Ý, xe Suzuki của Nhật, máy may mua tận bên Đức, gấm của Đại Hàn, chén đĩa thì dùng của Trung Quốc, thuốc lá của Anh quốc, dược phẩm của Pháp hay Hòa Lan, thậm chí cái gạt tàn thuốc lá cũng phải thứ làm tận Hồng Kông... Đã xa quá rồi, cái thời ký chồng cô Dung ngồi không ca ngợi sức mạnh của dân ta, sự vùng lên anh dũng của dân ta, sự đoàn kết nhất trí của dân ta... Dân ta! Chồng cô ấy đã quên mất cái câu cửa miệng!

Bây giờ đến thời kỳ mạt sát dân ta chứ không phải thời kỳ ca ngợi nữa: chậm tiến, lạc hậu, ngu si, chia rẽ, kém vệ sinh, ích kỷ v.v... Bây giờ đây, sự thịnh vượng, giàu có, tiến bộ của miền Nam này là do người ngoài giúp. Ai vô ý mà bàn đến chuyện hòa bình, ký kết, ngưng chiến trước mặt ông ấy thì lập tức bị ông chống đối kịch liệt khác hẳn hồi tản cư dạo no: suốt ngày ông không ngớt cầu xin trên cho dân ta sớm đuổi được bọn ngoại xâm để hưởng cảnh thái bình, độc lập! Chiến tranh? Thì cứ hãy chiến tranh: càng chiến tranh vợ chồng ông càng giàu có thêm, sung sướng thêm, có được nhiều tiện nghi vật chất thêm, can chi mà ngại? Theo ý ông ta, nguyên mỗi chuyện mình có truyền hình cũng đã là một sự kỳ diệu quá, quá lắm rồi. 
 
Ủa, quên! Tại sao em không kể nốt cho chị biết rằng em ghét ông ta đến nỗi không bao giờ muốn dàn mặt. Em ghét phải nghe những lời ca ngợi ngoại nhân một cách quá nhiệt nồng, sốt sắng. Có điều này kể chị hay luôn: tuy em không hay trò chuyện với ông ta song các cô con gái tâu rỗi thế nào đó cho nên ông vẫn bóng gió xa xôi cho em biết rằng "phải có tinh thần hợp tác, không nên bài ngoại".

Đi đâu thì thôi, về đến nhà là ông ngắm nghía cái tủ lạnh, cái máy truyền hình mà bây giờ muốn Mỹ hóa ông gọi bằng cái ti vi một cách rất hài lòng. Phần em, em chưa bao giờ thấy mình ao ước, thèm muốn một cái ti vi, một cái tủ lạnh. Không có nó thì đã làm sao đâu? Ông cha ta thuở trước đâu cần những thứ như thứ đó? Ấy, nhưng mà chị đừng tưởng ông hoàn toàn sung sướng. Tuy mọi việc đã có vợ lo, ông vẫn lăng xăng lui tới, thậm thọt ra vào, nghe ngóng tin này, tin nọ. Cái gì cũng làm ông sợ hãi, lo lắng, bồn chồn. Vàng lên xuống, đồng bạc mất giá, chính phủ tăng thuế, người Mỹ sẽ tập trung vào một chỗ, đóng cửa các vũ trường, hạn chế nhập cảng... Mấy điều đó đều liên quan đến quyền lợi ông nên ông khó mà dửng dưng cho được. Theo ý ông, không nên tập trung người Mỹ vào một chỗ, phải để người ta ở rải rác chen lẫn với dân mình để gây mối cảm thông, đoàn kết, để hai dân tộc tìm hiểu nhau thêm. Em, thì em biết rằng ông thích họ ở rải rác như vậy ông mới có thể cho thuê phố.

Buồn quá phải không chị? Trong gia đình cô Dung em không còn bám víu vào đâu, trông cậy vào một sức mạnh tinh thần nào để mà tin tưởng, em phải đi gấp, đi liền kẻo một ngày nào đó em sẽ giống như họ mất thôi! Tại sao mình cứ phải nghe mãi những lời khen ngợi người Pháp, người Mỹ, thán phục người Nhật, người Anh, người Nga, người Đức? Mà có nghe bàn đến người mình thì toàn lời dè bỉu, khinh, chê?

Bây giờ chắc chị đã hiểu và không trách hờn em. Ở đâu em cũng đổ mồ hôi để nuôi thân, thì sao em lại không dám chọn một chỗ ở dù có chật hẹp, tồi tàn thua xa nhà cô Dung nhưng bù lại em được yên ổn và tin tưởng? Nhưng dù ở chỗ nào đi nữa em vẫn mong ước đến một ngày em được trở về quê vì em biết đô thành không phải đất hứa đối với em. Càng ở lâu tại đô thị em thấy con người càng nhỏ nhen, ích kỷ, xấu bụng. Em thèm một bầu trời khoáng đãng, một bãi cỏ xanh tươi, một đồng lúa vàng chín rợp, một ngọn gió thanh thoát không bị vướng chân bởi hàng chục mái lầu cao. Chị ơi! Biết bao giờ em mới được dõi mắt theo một cánh diều và lắng tai nghe gió thì thào xuyên qua cành cây, kẽ lá? Xa cái màu xanh của đồng nội, em thấy mình như khô héo, quắt queo dần. Có lẽ cũng bởi lẽ đó mà em ghét chồng cô Dung hơn bất cứ người nào, tuy em không bao giờ quên lời mẹ nói: "chỉ có thương yêu mới đem lại nguồn vui, thù ghét là tự đầu độc lấy mình". Vì em nghĩ rằng chính những người như chồng cô Dung mới là hạng người nguy hiểm, họ mong muốn duy trì mãi tình trạng chiến tranh để thủ lợi, mà nếu như thế, em còn hòng về quê sao được, hở chị Hai? Kể ra thì cũng khá kỳ quặc: ông ta luôn luôn day tay mắm miệng đòi "chiến thắng cuối cùng" trong lúc gia đình ông không đóng góp chút gì; vú già vẫn nói lén rằng: "bởi ông chủ sinh toàn con gái nên nói thế chứ nếu có đứa con trai thì chắc ông cương quyết chống chiến tranh". Nghe cũng có lý chứ, chị Hai?

Thôi, em viết dài dòng, lộn xộn quá. Chị tính, em không điên cũng là khá lắm rồi: gần hai tháng ròng không ngớt nghe ca tụng tài đức của tất cả các sắc dân trên thế giới trừ mỗi dân mình, rồi tiếng ca hát rên rỉ, ồn ào của máy truyền thanh, rồi chửi bới, cãi cọ từ chuyện nhỏ đến chuyện to, rồi thấy hàng trăm thứ làm mình đau mắt... bảo sao... May thay, em đã thoát được, từ đây. Vậy, em kể một lần cho chị biết qua rồi xếp lại. Ngày mai, em bắt đầu làm việc.

Em không dám phỏng đoán trong hai chị em ta ai khổ hơn ai, nhưng nếu không sợ chị phật lòng em đã liều lĩnh trở về, mặc mọi sự tới đâu thì tới. Bởi vì tất cả những chịu đựng ở quê nhà kể thì khủng khiếp thật nhưng chỉ làm mình sợ mất thân xác mà thôi, còn những điều ở đây thì không khéo có ngày mình mất sạch sành sanh đó, chị ơi!


MINH QUÂN     

(Trích từ tuyển tập truyện ngắn Những Ngày Cạn sữa)

Không có nhận xét nào: