Thứ Sáu, 26 tháng 1, 2018

BÀN TAY CON NGƯỜI - Nguyễn văn Nghệ


 Cuối con hẻm dẫn từ lộ đá vào xóm là con hẻm thứ hai chạy chắn ngang. Gần 12 giờ khuya, hẻm vắng, tối mờ mờ. Tư Đen đứng thu người bên hông một căn nhà ở ngay ngã ba hẻm, đưa mắt nhìn sang phía tay phải. Bắt đầu từ căn nhà nầy, đến bỏ đúng bốn căn, căn thứ năm là căn nhà của hắn. Từ đây lại đó chẳng mấy bước, nhưng phần tối, phần dãy nhà cất, cái thụt vào cái ló ra cản hẳn tầm mắt, Tư Đen không sao thấy được nhà mình. Tuy nhiên, hắn có thể hình dung rất rõ những gì quen thuộc của chỗ trú ngụ êm ấm thân yêu – cái nghĩa êm ấm thân yêu thật thấm đậm trong hắn với hiện tại: Căn nhà mái lá, vách cây, nhưng cũng khá cao ráo rộng rãi. Bên trong, các gian phòng, các đồ đạc tạm đầy đủ cho gia đình hai vợ chồng ba đứa con như hắn. Từ trước, đã có lúc hắn thấy bằng lòng về căn nhà của mình. Bây giờ hắn còn nghe hơn thế, nhưng nó lại đã như quá xa, đã như cái gì không còn thuộc quyền sở hữu của mình nữa!
 
Bao nhiêu câu hỏi nảy ra trong đầu Tư Đen: Giờ nầy vợ con hắn còn thức hay ngủ? Có lẽ người đàn bà khốn khổ đang rầu rĩ khóc? Mấy đứa nhỏ đã thắc mắc hỏi mẹ về ba chúng luôn? Từ mấy ngày nay lính tráng đã tới làm rộn nhà hắn nhiều?... Thảm khổ tối tăm đang chụp xuống gia đình hắn. Đáng thương nhất là vợ con hắn chắc chẳng hề ngờ có chuyện như vậy!
 
- Phải về thăm nhà!
 
Tư Đen tự lập lại ý định đó. Nhưng nhìn trước nhìn sau, hắn vẫn do dự. Thật khổ, thường khi hắn vẫn ra vào hẻm, tới lui nhà giữa ban ngày một cách đường hoàng, có gì phải sợ sệt đâu? Thế mà hôm nay hoàn toàn khác, hắn phải tìm về nhà giữa đêm hôm, và hồi hộp đứng nép ở đây hằng giờ, ngại cả nhúc nhích. Hắn tưởng tượng ngõ đưa tới nhà mình đã thành cái bẫy rập. Bao nhiêu con mắt đang dòm ngó rình mò. Thấy hắn xuất hiện người ta sẽ tri hô lên, và… Ôi, từ một con người như bao người, hắn như đã biến thành một con thú nguy hiểm đang bị bủa vây! Tự hắn tạo khổ cho hắn!
 
Tư Đen thở dài, lòng ngập những hối tiếc cho sự lầm lỡ của mình. Ước gì tất cả những sự việc đã xảy ra chỉ là trong một giấc chiêm bao. Tỉnh giấc chiêm bao rồi là thoát, là khỏe hẳn người. Nhưng sự thật vẫn là sự thật, và hắn đang phải lặn ngụp trong sự thật đó. Hắn sẽ còn ngoi lên được, hay chìm luôn xuống đáy tội tình?
 
Không lẽ đứng mãi ở xó tối nầy, hay không lẽ rời khỏi ngõ hẻm, từ giã luôn ngôi nhà, từ giã luôn vợ con để tiếp tục trốn lánh? Tư Đen quyết định tiến lại phía nhà. Hắn ngoái nhìn các đầu hẻm, rồi rời chỗ ẩn, lần theo bóng tối đi nhanh tới cửa nhà mình.
 
May mắn, các nhà xung quanh đều đã đóng cửa. Nhà hắn cũng thế, nhưng bên trong còn có ánh đèn hắt ra. Chính vì vậy bóng hắn in thật rõ nơi mái hiên.
 
Tư Đen gõ gấp rút vào cửa nhà. Lập tức có tiếng lục đục bên trong, rồi giọng đàn bà lo lắng hỏi:
 
- Ai đó?
 
Tư Đen áp sát mặt vào khe cửa:
 
- Nói nhỏ! Tôi! Mở cửa mau!
 
- Trời, mình!
 
Tiếng then cài kéo vội. Cánh cửa khẽ rít lên, hé mở.
 
Tư Đen chỉ kịp nhìn thấy mờ mờ một gương mặt đàn bà, mái tóc buông xõa, thì:
 
- A, Tư Đen đây rồi!
 
Hắn giật mình muốn đứng tim. Tiếng nói lớn vang lên bất chợt như dội nước lạnh vào người hắn. Hắn không kịp nhận ra người nói là ai, đứng chỗ nào, vội phóng mình chạy biến ra đầu ngõ hẻm…
 
Tư Đen thất thểu lê chân bên hè phố vắng. Bộ quần áo bẩn và nhàu nát, đầu tóc rối bù, gương mặt hốc hác với hai mắt trũng, hai má hóp sâu, tất cả cho người ta nhìn thấy ngay ở hắn cái vẻ thảm khổ, thất vọng chán chường.
 
Giữa trưa, chói chang ánh nắng. Nóng bức từ trên cao hừng hực đổ xuống và rồi như ở dưới hắt ngược lên. Không khí rưng rưng tựa hồ chảy loảng. Mồ hôi tuôn dài trên thái dương, thấm ướt lưng áo Tư đen. Hắn dừng bước cạnh một gốc me già trú đỡ dưới tàng lá mát.
 
Trước mặt hắn, con đường nhỏ trải đá mà không tráng nhựa. Hai bên lề có những đống rác to. Một con chó ốm xục xạo, ngửi ngửi mấy cái lon sữa bò rỗng vất bừa bãi.
 
Tư Đen vuốt mồ hôi trán, thẫn thờ nhìn đầu đường nầy rồi tới đầu đường kia. Hắn không biết phải đi đâu và làm gì bây giờ.
 
Một chiếc xe bánh mì từ xa đẩy lại, đánh thức cơn đói cồn cào trong dạ Tư Đen. Hôm qua hắn ăn uống thật ít, và từ sáng tới giờ có dằn bụng thức gì đâu?
 
Hắn móc bóp, vạch từng ngăn: Chỉ còn mỗi hai chục bạc giấy gấp tư nằm lép xẹp ở ngăn bìa. Hắn đã biết trước điều đó từ chiều hôm qua. Nhưng bây giờ hắn cứ lục tung cả bóp, hy vọng bắt gặp một tờ giấy bạc khác bỏ quên nằm lẫn trong một ngăn nào đó. Thật là một vui sướng bất ngờ, nếu còn sót một tờ giấy năm trăm hay một trăm bạc. Nhưng, hai chục, vẫn không ngoài tấm hai chục!
 
Tư Đen lại thở dài, như đã thở dài thật nhiều lần từ nhiều ngày nay. Tiêu xong tấm giấy bạc ít ỏi nầy, hắn sẽ làm cách nào tìm thêm tiền chi dụng cho qua cơn ngặt? Tiền bạc hiện đối với hắn quí giá một cách đáng sợ. Nhưng thây kệ, kiếm được tiền hay không rồi sẽ tính, giờ cứ lo cho cái bao tử trước đã!
 
- Bánh mì!
 
Chiếc xe bánh mì đã vượt ngang khỏi chỗ Tư Đen đứng. Hắn cất tiếng gọi, nhưng tiếng gọi khàn đục như muốn nghẹn lại trong cổ họng khô khào. Gã bán bánh mì chẳng rõ không nghe hay vờ không nghe mà tiếp tục đẩy xe đi. Tư Đen hắng giọng gọi lớn hơn:
 
- Bánh mì!
 
Lần nầy xe bánh mì ngừng lại. Gã chủ xe quay hỏi, giọng khó chịu:
 
- Mua bao nhiêu đó cha? Nhanh lên, tôi còn về nghỉ, ăn cơm!
 
Tư Đen bước lại gần xe:
 
- Cho tôi hai chục bánh mì trét chút tương.
 
- Hai chục? Thôi đi cha nội, tôi bán bánh mì ba-tê chứ không bán bánh mì tương!
 
Dứt lời, gã dang tay toan đẩy xe tới. Tư Đen bỗng nhiên bốc giận. Hắn níu cạnh xe lại, bảo như quát:
 
- Anh bán bánh mì, tôi mua, mì tương mì thịt gì anh cũng phải bán. Tiền ít anh bán ít, không được càu nhàu khi dễ bỏ đi, nghe không!
 
Gã bán bánh mì tái mặt. gã nhìn kỹ lại Tư Đen từ đầu tới chân, rồi nhìn quanh khoảng đường vắng ngắt. Xong, gã lẳng lặng rút con dao nhỏ sáng giới, cắt một khúc bánh mì, xẻ hai, trét tương vào, lấy giấy gói sơ, trao cho Tư Đen. Đoạn gã đẩy chiếc xe đi thật nhanh về phía đầu đường. Được một đỗi, gã ngoái đầu nhìn lại Tư Đen lần chót, vẻ mặt lấm lét.
 
Cầm khúc bánh mì trong tay, Tư Đen chợt thấy sợ sệt. Từ hôm bắt đầu cuộc trốn lánh, hắn sinh nghi ngờ tất cả mọi người. Một cái nhìn, một vẻ khác lạ của ai đó, đủ làm hắn khiếp. Hắn tưởng như người nào cũng hay biết những gì ghê gớm hắn đã làm. Hoặc ở hắn có những nét thật dễ khiến người ta phát giác chân tướng là kẻ tội phạm.
 
Gã bán bánh mì đã nghĩ gì, đã đoán hay nhận ra được gì về hắn? Tại sao gã có vẻ hoảng sợ và đẩy xe đi mau? Gã sẽ kêu cảnh sát tới?
 
Tư Đen như quên cơn đói, quên khúc bánh mì trên tay. Hắn vụt bước đi gần như chạy, ngược chiều chiếc xe bánh mì.
 
Con lộ đá nhỏ vắng người rẽ về bên trái đưa đến một con đường vắng hơn. Nhưng con đường nầy sạch sẽ, thuộc khu có nhiều biệt thự sang trọng. Các biệt thự nằm cách khoảng, xung quanh có vòng rào, có sân rộng trồng cây cối kiểng vật trông đẹp mắt và khoảng khoát. Hai bên đường nhiều me. Tàng me li ti lá nhỏ, đan nhau lọc bớt ánh nắng. Không khí dịu lại một cách dễ chịu.
 
Tư Đen liệu đã xa chỗ đón xe bánh mì ban nãy. Nhưng hắn cứ tiếp tục đi thêm một đoạn đường dài mới dừng lại. Hắn thở hào hển, khát và mệt muốn ngất đi được. Hắn nhìn quanh nơi đang đứng: Một bên hắn là cổng vào một biệt thự cũ kỹ. Bên kia đường, bức rào hoa giấy thật cao của một ngôi nhà khác. Ở đây yên tĩnh như miệt quê. Tiếng xe cộ nghe thật xa, đâu từ cuối đường vọng lại.
 
Tư Đen an tâm, ngồi phệt xuống lề cỏ, dựa lưng vào một gốc me, mặc lớp da cây sần sùi áp vào lưng rêm rêm.
 
Hắn nhìn khúc bánh mì, và thấy cần một ly nước mát hơn là nó. Nhưng lúc đã đỡ mệt, hắn đưa khúc bánh mì lên nhai. Bánh mì cũ dai như da bò, hắn rứt, nhai, cũng thấy ngon nhiều trong cái đói.
 
Chỉ một lúc sau khúc bánh mì hết sạch. Tư Đen phủi tay, chép miệng, nuốt nước bọt. Một ly nước mát, cái ao ước đó lại hiện ra trong đầu. Hắn có cảm tưởng trong người đã khô cạn không còn một chút nước. Hắn ngoái nhìn vào ngôi biệt thự, qua cái cổng xi măng hai cánh cửa sắt rỉ sét khép kín.
 
Ngôi nhà một tầng lầu, to lớn nhưng cũ kỹ, kiểu cất vuông vắn cân đối quá xưa. Hình như nó đâu từ thời Pháp thuộc còn sót lại. Mái ngói rêu mốc lâu đời. Cây cột thu lôi căng thẳng giữa đỉnh mái vạch một lằn đen đậm lên nền mây. Vôi tường phai nhạt cả, nhiều chỗ thâm đen, có lẽ lâu lắm rồi không được sơn phết lại. Các cửa đóng im ỉm như nhốt kín một cái gì khác lạ bên trong.
 
Hòa hợp với ngôi nhà, hai bên có những lùm cây rậm, trước sân cỏ mọc um tùm không dọn quét. Con đường từ cổng dẫn vào trong ngập lá khô. Trọn khu biệt thự bao trùm một vẻ u tịch khác thường. Người ta có thể tưởng là biệt thự không người, nếu bên hông phải không có cái nhà xe và chiếc xe du lịch nằm đấy.
 
Chợt Tư Đen quay hẳn người lại, trố mắt nhìn vào một trụ cổng: Dán ở đấy, một mảnh giấy trắng, kẻ mấy chữ in hoa nét thật đậm: CẦN MỘT NGƯỜI MUỐN TỰ TỬ – Hỏi tại đây.
 
Tư Đen bật cười. Bỗng:
 
- Kỳ cục quá phải không chú?
 
Một giọng nói con nít làm Tư Đen giật mình quay lại. Một cậu bé khoảng 12, 13 tuổi đến đứng bên hắn tự hồi nào. Đầu đội mũ lưỡi trai, áo ngắn quần ngắn, tay cầm ná thun, cậu bé có vẻ liến thoắng tinh nghịch. Cậu hỏi lại:
 
- Chú có thấy ai đăng lời rao cần người lạ lùng như vậy không?
 
Tư Đen mỉm cười lắc đầu:
 
- Không. Nhưng chắc cái nầy ai muốn phá chủ nhà chơi quá!
 
Cậu bé:
 
- Không phải đâu, tôi ở gần đây nên để ý biết. Bảng dán đã nhiều bữa rồi. Tôi thấy ông chủ nhà lúc ra vào có nhìn tới nó mà không gỡ đi. Vậy bảng đó do chính ổng đăng chứ ai!
 
- Vậy thì kỳ quái thật! Cần một người muốn tự tử, để làm gì?... Em biết ông chủ biệt thự nầy là người thế nào không?
 
- Chủ biệt thự là bác sĩ Bằng. Nghe nói ông là bác sĩ thần kinh giải phẫu chi đó. Ổng mới mua lại biệt thự nầy dọn về ở ít lâu thôi. Ổng làm việc ở bệnh viện thị xã đó chú. Ổng không lập phòng mạch riêng. Mỗi ngày làm việc ở bệnh viện ra, ổng lái xe về thẳng nhà, không thấy đi chơi đâu, giao thiệp với ai. Con người ổng kỳ bí lắm chú… À, ngôi nhà của ổng cũng có nhiều cái dễ sợ lắm nghen!
 
- Cái gì?
 
Cậu bé nhìn vào biệt thự, làm một cử chỉ ghê sợ:
 
- Ma!
 
- Em nghe đồn hay chính mình gặp?
 
- Nghe đồn thì nhiều, nhưng có gặp một lần thôi.
 
Ngồi xuống bên Tư Đen, cậu bé thuật:
 
- Chiều bữa đó tôi xách dàn thun lén trèo vô trỏng bắn chim. Sân nhà nầy nhiều cây cối, chạng vạng chim chóc tụ về bộn lắm. Tôi vừa tới sát hông nhà thì vụt nghe phía trên lầu một giọng cười sặc sụa vang lên, kéo dài. Tôi rởn ốc, nhìn lên thì thấy cửa sổ lầu, hiện ra một cái bóng trắng có cái đầu xõa tóc, gương mặt trắng bệch, hai con mắt nhìn tôi lom lom! Tôi hoảng kinh bỏ chạy vắt giò lên cổ! Ma hiện giữa ban ngày, phải nói là yêu mới đúng hả chú?
 
- Sao em không nghĩ đó là người?
 
- Người ta gì có giọng cười rùng rợn vậy? Đúng là con yêu chú à! Với lại theo tôi biết thì ở biệt thự nầy ngoài ông bác sĩ chỉ có một ông quản gia, một bà bếp, đâu còn ai là đàn bà nữa?
 
- Ổn không có vợ con gì sao?
 
- Hổng thấy… À, chú ở đâu, làm gì đến ngồi đây?
 
Tư Đen cười:
 
- Em không biết qua sao? Qua ở trong biệt thự của ông bác sĩ. Nãy giờ qua hỏi em chơi cho vui thôi, chứ chuyện nhà nầy qua còn lạ gì? Đúng như em nói, ông bác sĩ có chứa yêu, một con yêu thần vòng ghê gớm!
 
Cậu bé mỉm cười nhìn hắn, tỏ ý nghi ngờ. Cậu đứng dậy:
 
- Thôi chú ở chơi, tôi đi đằng nầy!
 
- Ừ, nhưng em đi thì cứ đi thẳng đừng có ngoái nhìn trở lại nghen! Vì biết đâu nhìn trở lại em sẽ thấy qua biến dạng thành một cái gì khủng khiếp khác!
 
Cậu bé thè lưỡi, ra vẻ hài hước với sự giễu cợt của Tư Đen. Nhưng cậu đi nhanh và không quay đầu lại.
 
Tư Đen cười thầm:
 
- Đúng là nhát ma con nít giữa ban ngày! Không hiểu sao mình còn đùa cợt được?
 
Hắn tiến lại cổng biệt thự, nhận chuông.
 
Ít phút sau, một ông lão dáng còn khỏe mạnh tiến ra mở cổng. Tư Đen đoán chắc ông là quản gia của bác sĩ Bằng. Hắn trỏ tờ giấy trên trụ xi măng:
 
- Thưa ông, giấy nầy của bác sĩ chủ nhà dán?
 
Ông quản gia vồn vã:
 
- Phải rồi, chú muốn hỏi bác sĩ về lời rao đó? Mời chú vào!
 
Ông quản gia đưa Tư Đen vòng ra phía sau biệt thự, vào một phòng rộng ở dãy nhà ngang. Phòng chưng dọn như dành tiếp khách: Phòng khách ở phía sau nhà, thêm một điều lạ!
 
Ông quản gia trỏ một chiếc ghế bành nệm da, mời Tư Đen ngồi. Hắn nhìn lại bộ quần áo mình, ngần ngại. Ông già vỗ vai hắn:
 
- Cứ tự nhiên mà! Chú là khách quý của bác sĩ đó!
 
Đợi Tư Đen ngồi yên, ông mở cửa bước lên nhà trên. Một lúc sau ông trở xuống:
 
- Bác sĩ còn đang ngủ trưa, chú ngồi chơi, chịu phiền đợi một chút nghe!... À, chú uống gì?
 
Câu hỏi thật phải lúc, Tư Đen đáp:
 
- Ông cho tôi một ly nước lạnh.
 
Ông quản gia bước xuống nhà bếp, sau đó đem lên cho hắn một cốc nước đá to, một chai nước ngọt.
 
Hớp một ngụm nước ngọt, chất nước mát lạnh thấm vào lưỡi, chảy xuống cuống họng khô, Tư Đen nghe khoan khoái lạ lùng. Trong đời, có lẽ chưa bao giờ hắn uống một cốc nước thấy ngon như vậy.
 
Cốc nước uống cạn, Tư Đen ngả người vào lưng ghế, lim dim. Trong cái dễ chịu thoải mái trở về sau suốt mấy ngày khổ sở chạy trốn, cơn buồn ngủ nhẹ nhàng kéo sụp mi mắt Tư Đen. Hắn thiếp đi không hay. Nhưng một giây trước đó, hắn mơ hồ thấy ở cửa thông lên nhà trên, xuất hiện bóng một nàng con gái mặc áo trắng, mái tóc đen buông xõa thật dài. Hắn mơ hồ nghe một chuỗi cười trong trẻo, kéo dài một cách kỳ dị: Con yêu mà cậu bé ban nãy nói đến!
 
*
 
- Phải, tôi cần một người muốn tự tử! Anh là người đang muốn tự tử?
 
Bác sĩ Bằng ngồi đối diện Tư Đen nơi ghế dựa. Khổ người ông tầm thước, vẻ mặt nghiêm trang nhưng phúc hậu. Giọng nói ông trầm trầm. Trả lời câu hỏi của ông, Tư Đen buồn bã nói:
 
- Thưa phải, tôi hiện không muốn sống chút nào hết bác sĩ! Nhưng bác sĩ cần một người muốn tự tử để làm gì?
 
- Tôi có một đề nghị, một đánh đổi muốn bàn với người như anh. Nhưng khoan đã, tôi sẽ giải thích sau. Bây giờ anh có thể cho tôi biết vì lẽ nào anh sinh chán đời không?
 
Tư Đen nhìn ra cửa sổ, ánh mắt dừng lại ở một cành khô trụi lá. Bao nhiêu diễn biến không may đổ xô những khổ đau đến đời hắn lần lượt hiện về trong tâm, hắn lắc đầu:
 
- Tôi thiệt không ngờ có ngày mình lâm vào hoàn cảnh nầy, bác sĩ! Tôi là một tài xế tắc xi. Tôi có nhà cửa vợ con đàng hoàng. Từ trước tôi vẫn tạo được một nếp sống khá đầy đủ. Nhưng rồi tự tôi lại làm sụp đổ tất cả, chỉ vì ham mê bạc bài! Tôi thua bạc, nợ nần một ngày một chồng chất không sao trả nổi. Sự túng thiếu xui tôi nghĩ đến những hành động tội ác. Tôi đã làm, và bây giờ tôi muốn chết đi vì việc làm đó!
 

Tư Đen ngừng nói, nỗi đau khổ đọng rõ trong ánh mắt hắn ta. Bác sĩ Bằng mời hắn một điếu thuốc, và cũng tự đốt cho mình một điếu. Rít một hơi thuốc dài, thở khói bay tản mạn, Tư Đen kể tiếp: 

- Một tối rong xe, tôi được một bà có vẻ là thương gia giàu sụ đón đi. Nghe bả càu nhàu thì chiếc xe nhà của bả bị trục trặc máy, phải đi đỡ tắc xi. Bả ăn mặc thật sang, đeo nhiều nữ trang quí, và tay cặp chiếc bóp hẳn là cộm những tiền. Ngay khi thấy người đàn bà nầy, dự tính tội lỗi lại đến với tôi.
 
Thay vì chạy theo hướng bà khách bảo, tôi rẽ về các ngả đường vắng, viện cớ là hôm ấy có lễ, nhiều con đường bị cấm xe.
 
Tới một khoảng đường tối, không người, thình lình tôi làm xe chết máy. Bà khách có vẻ sợ, bà hỏi lớn:
 
- Làm cái gì vậy chú?
 
Tôi làm ra bộ bình thường, tuy tim đập thình thịch, tươi cười đáp:
 
- Xe nghẹt xăng bà! Tôi sửa một chút xíu sẽ chạy được ngay.
 
Nói đoạn tôi mở cửa xe bước xuống, và vòng ra mở cửa sau, rút cây tay quay để sẵn dưới băng bà khách ngồi.
 
Thình lình, tôi hươi cây sắt đó đập mạnh vào đầu bà khách… Hụt! Bà kinh hồn nhào qua cửa bên kia la làng chói lói. Không phải tôi lập cập đánh trượt đâu. Chỉ tại ngay lúc hươi cây sắt, tôi chợt nghe ghê sợ cho hành động của mình. Cái đầu bà khách sẽ vỡ toang, máu phun có vòi, tôi rùng mình với hình ảnh tưởng tượng vụt hiện trong óc như ánh chớp đó. Và tự nhiên tôi đưa chệch cây tay quay đi. Nhưng liền đó, tiếng kêu cứu vang dội của bà khách làm tôi hoảng hốt. Tôi chồm theo, bồi thêm một cây sắt thứ hai. Lần nầy tôi đánh chẳng nương. Bà ta rú lên một tiếng ngắn, gục ngay xuống. Tôi chưa kịp làm gì thêm, bỗng từ xa một chiếc xe tuần cảnh phóng lại. Tiếng kêu cứu của bà khách họ nghe? Tim tôi đập muốn vỡ lồng ngực. Chiếc xe tuần cảnh vừa thắng lại bên xe tôi, tôi vụt phóng chạy vào ngõ hẻm gần đó.
 
- Đứng lại!
 
Mấy tiếng quát, mấy tiếng súng nổ. Tôi vẫn tiếp tục chạy trối chết…
 
Sau đó thì chắc bác sĩ đoán ra, tôi thoát luôn được. Nhưng bây giờ tôi như một con thú dữ bị lùng. Chắc chắn từ chiếc tắc xi tôi bỏ lại, người ta đã truy ra chủ nó và người mướn nó. Người ta đã vây nhà tôi. Tôi không dám về nhà, cứ lang thang trốn chui trốn nhủi. Đến đâu tôi cũng mang nặng sự hãi sợ.
 
Nhà chức trách đang cố bắt cho được tôi để trị tội. Người đời không ai tha thứ cho tôi. Trên đời nầy xem ra tôi không còn chỗ nào dung thân yên sống. Chỉ có một lối thoát dễ dàng độc nhất cho tôi: cái chết! Tôi chết, không ai còn chạy theo hành tội tôi được. Chết đi là nết, là dứt bỏ tất cả, không còn biết gì, khỏe!...
 
Thưa bác sĩ, tôi đã nghĩ đến chuyện tự tử nên không ngại gì thú thật tất cả với bác sĩ. Bác sĩ thấy tôi như thế nào? Một tên giết người cướp của! Một kẻ tử tội! Bác sĩ có sợ không?
 
Bác sĩ Bằng dụi tàn thuốc vào cái gạt trên bàn, lắc đầu:
 
- Không! Đành rằng anh có tội, nhưng tại những lỡ lầm không suy xét, tại chuyện bài bạc nợ nần xui nên hành động hung bạo cùng quẫn, chứ bản tâm anh không ác. Bằng chứng là anh đã tỏ chút thiện tâm ngay trong việc cướp của giết người. Anh đáng được phần nào tha thứ!
 
Ngừng một lúc, ông chép miệng:
 
- Bạc bài, bao nhiêu người khổ vì nó!... Bây giờ thì anh có tiếc, có ước ao được sống lại cái phút trước khi bước chân vào sòng bạc lần đầu tiên không?
 
Tư Đen cúi đầu:
 
- Dạ có, nhưng đã muộn quá phải không bác sĩ! Tất cả chỉ tại lòng tham! Trời ơi, tại sao tôi không biết bằng lòng với những gì tạm đủ sẵn có? Dư được một số tiền, tôi muốn có nhiều hơn một cách nhanh chóng. Tôi định ăn của người ta, rốt cuộc lại cứ thua. Thua thì phải gỡ, càng gỡ càng thua!...
 
- Bây giờ anh thấy tuyệt vọng, anh muốn tự tử thật? Tôi muốn anh nghĩ cạn hơn!
 
- Thưa bác sĩ tôi không còn gì phải nghĩ, quả tình tôi không muốn sống nữa! Bác sĩ cần gì ở một người tự tử xin cứ nói ngay với tôi!
 
Do dự một chút, bác sĩ Bằng nói:
 
- Lời rao của tôi, chuyện tôi muốn bàn với anh, có vẻ tán thành hay khuyến khích việc tự tử. Thế là bậy, nhưng tại tôi không biết chọn, biết nhờ ai hơn những người đã kể bỏ sinh mạng của mình… Anh hãy nhìn bức ảnh phía sau lưng anh!
 
Theo tay chỉ của ông, Tư Đen quay lại nhìn, thấy treo trên tường bức chân dung khá lớn của một thiếu nữ. Thiếu nữ khoảng hai mươi, dáng người gầy gầy. Nàng mặc một chiếc áo dài trắng, cắt rất khéo, trên ngực có thêu một cành hoa phượng. Gương mặt trái soan, mắt to, mũi thẳng, đôi môi xinh xinh vui vẻ hé cười, tất cả hợp nên một vẻ trong sáng dễ mến. Mái tóc nàng buông dài như ăn nhịp với cánh áo, duyên dáng thướt tha.
 
Bác sĩ Bằng:
 
- Con gái độc nhất của tôi đó anh! Bức ảnh nó chụp cách đây ba năm. Ngày đó nó tươi tắn trẻ trung như vậy. Có thể nhìn đó mà hình dung được ở nó một tương lai sáng đẹp, phải không? Nhưng, bây giờ thì tiêu tan hết cả!...
 
Tư Đen vụt nhớ chuyện con yêu cậu bé đi bắn chim kể, và nhớ hình ảnh người con gái áo trắng tóc xõa, mơ hồ thấy ban trưa. Hắn ngập ngừng hỏi:
 
- Thưa bác sĩ, chẳng lẽ con gái của bác sĩ đã…
 
Bác sĩ Bằng buồn bã:
 
- Cũng cách đây ba năm, trong một tai nạn xe hơi, nhà tôi chết, con gái tôi bị thương nặng. Sau đó nó loạn trí, có lẽ vì động thần kinh. Nó không con nhớ gì. Nó hay cười sặc sụa và nói lảm nhảm như tranh luận với một kẻ vô hình nào đó. Nhiều lúc nó nổi cơn điên, mắng chửi, dữ tợn vô cùng. Tôi vẫn giữ nó trong nhà, không dám để đi đâu.
 
Áp dụng cách chữa trị tâm lý hay thuốc men, ba năm rồi nó vẫn vậy. Đúng hơn có lúc bệnh nó cũng có vẻ thuyên giảm, nhưng rồi sau đó lại tái phát như thường.
 
Gần đây tôi nghĩ đến cách giải phẫu ngay bộ óc của nó để ráp nối hay thay đổi những phần hư hỏng, may ra…
 
Tôi đã bỏ công mổ xẻ nghiên cứu các xác chết ở phòng thí nghiệm bệnh viện. Tôi thí nghiệm cả với những con vật sống. Cuối cùng tôi hy vọng là mình sẽ thành công trong việc chữa trị nầy. Nhưng tôi vẫn ngần ngại, không dám giải phẫu ngay con gái tôi. Nếu nó có bề gì, tôi ân hận suốt đời. Nó là hình bóng của nhà tôi. Tôi chỉ còn nó là nguồn an ủi. Mất nó là tôi mất tất cả!
 
Tôi muốn giải phẫu thí nghiệm thêm một lần nữa với bộ óc của một người sống. Tôi cần một người tình nguyện chịu cho tôi thí nghiệm.
 
Ngại làm chết con gái mình, lại không ngại làm chết người khác, tôi nhận tôi ích kỷ. Nhưng tôi tìm được một giải pháp: Tôi nhờ một người muốn tự tử. Người muốn tự tử thì đâu cần gì tới sự sống chết của mình, phải không?
 
Tư Đen gật đầu:
 
- Tôi đã hiểu chuyện bác sĩ. Tôi sẵn sàng làm người cho bác sĩ giải phẫu bộ óc để thí nghiệm. Thay vì đâm đầu xuống sông, treo cổ lên cây tự tử, tôi chọn cách chết nầy ít nhất cũng tạo nên một điều lợi, không những lợi cho riêng bác sĩ mà lợi cho cả nhân loại nữa, nếu bác sĩ thành công!
 
- Cám ơn anh lắm! Nhưng không phải tôi chỉ nhờ anh suông mà không có gì bồi đáp. Tôi đề nghị thế nầy: Anh hy sinh cho tôi thí nghiệm, sau đó dù thành công hay không, tôi cũng xin nhường tất cả gia sản hiện có của tôi cho anh, hay người thừa kế của anh, được chứ?
 
- Dạ, cái đó là lòng tốt của bác sĩ. Tôi không đòi hỏi gì hết!
 
- Được rồi, vậy chúng ta làm giấy cam kết với nhau cho phải phép đi!
 
*
 
Cuộc giải phẫu thí nghiệm không biết được mấy phần hy vọng thành công. Thất bại, hắn sẽ chết hoặc điên loạn. Hắn nghĩ đến cái chết nhiều hơn, và như cầm chắc điều đó.
 
Nằm sấp trên bàn mổ trải ra trắng toát, hắn đã nhớ lại những gì đáng nhớ từ buổi ấu thơ cho đến lúc trưởng thành. Hắn không ngờ cuộc đời của mình lại ngắn ngủi đến thế. Ba mươi mấy tuổi, chỉ nửa đời người, còn nửa đời người hắn vứt bỏ đi sao?
 
Hình ảnh những người thân, nhất là vợ con hắn, lại hiện về trong trí thật rõ. Hắn nhớ từng giọng cười tiếng nói, và nghe lòng chan chứa thương yêu. Chỉ dăm phút nữa thôi, hắn sẽ xa rời tất cả, vĩnh viễn xa rời?
 
Hắn tự thấy mình kỳ. Đã nhất quyết chọn lấy cái chết làm lối thoát, tại sao hắn còn như nuối tiếc những gì của sự sống?
 
Thì ra trong những chuyến đi bình thường, người ta còn mạnh dạn được, vì dù có gặp nhiều trở ngại khó khăn, người ta còn có cơ trở về. Trong chuyến đi sang bên kia thế giới, dẫu dễ dàng, người ta phải e sợ, vì chỉ có đi mà không bao giờ được quay lại cả. Chuyến đi đó lại đưa người ta đến cái cõi mông lung, không ai rõ được ra sao. Hình như chỉ có bóng tối và bóng tối. Ở cuối chuyến đi đó, con người sẽ tìm được sự an nhàn giải thoát, hay biến thành những hồn ma bóng quế dật dờ, nhìn vào thế giới của người sống với những luyến tiếc không nguôi?
 
Ồ, mà hơn nữa cái chết cần gì phải vội tìm? Đứng trên đỉnh già nua của tuổi tác, nó đón đợi từng người có bỏ sót ai đâu? Vội tìm cái chết để trốn nợ đời là điên! Tại sao ta không nghĩ, đau khổ, tù tội còn hy vọng có ngày mãn hạn. Với cái chết thì ta vĩnh viễn không biến cải.
 
Bằng ý nghĩ đó, hắn đã thấy hoảng hốt. Hắn phải sống, để gặp lại vợ, thấy lại con, ôm chặt chúng vào lòng… Thật còn biết bao mối dây ràng buộc hắn với cuộc sống, hắn không thể cất bỏ đi được!
 
- Bác sĩ ơi, tôi không muốn chết nữa!
 
Hắn muốn la to lên. Nhưng tự nhiên lưỡi hắn cứng đờ, đầu óc hắn choáng váng. Hắn chỉ cố lật nghiêng được thân mình, rồi thì tay chân rời rã buông xuôi, không biết gì nữa. Chất thuốc mê đã ngấm vào người hắn, hắn phải chết, khi cuối cùng hắn không muốn chết!...
 
Ngồi bật dậy trên giường nệm êm, Tư Đen vỗ vỗ đầu. hắn nhớ rõ từng chi tiết như vậy, tại sao giờ nầy hắn còn tỉnh lại được? Cuộc giải phẫu đã thành công? Lạ nhứt là trong người hắn vẫn thấy bình thường. Rờ khắp đầu hắn không chạm chỗ nào băng bó, rêm nhức.
 
Vừa lúc đó, cửa phòng kẹt mở: Bác sĩ Bằng bước vào. Ông tươi cười hỏi:
 
- Khỏe chưa anh bạn?
 
Không đáp, Tư Đen hỏi lại:
 
- Bác sĩ đã giải phẫu tôi chưa?
 
Kéo một chiếc ghế ngồi xuống bên giường, bác sĩ Bằng:
 
- Anh vẫn chịu để tôi giải phẫu, và vẫn muốn chết?
 
Tư Đen bẽn lẽn:
 
- Thú thiệt với bác sĩ, được tỉnh lại tôi rất mừng!
 
Bác sĩ Bằng cười lớn:
 
- Vậy là tôi không lầm! Trước khi thiếp đi vì thuốc mê, anh bỗng lật người lại, nét mặt lộ vẻ sợ hãi. Tôi đọc được phần nào cảm nghĩ chót của anh, và lập tức dẹp ngay cuộc thí nghiệm. Thật ra nếu anh không phản ứng, chắc sau đó tôi cũng không giải phẫu anh đâu!
 
Tôi xét kỹ, với vốn liếng y khoa hiện tại của con người tôi thâu thập được, tôi không đủ tin ở tài mình, ở bàn tay của mình!...
 
Ngừng một chút, ông trầm giọng:
 
- Hừ, văn minh tiến bộ! Bàn tay trí óc con người chỉ giỏi dùng để giết nhau. Từ một thanh sắt như anh đã dùng, đến những khẩu súng, những quả bom nguyên tử, con người quả chứng tỏ có cái tài kinh thiên trong những mục đích tàn nhẫn, khủng khiếp. Trong khi đó, đem so, cái khả năng tìm tòi cứu giúp lẫn nhau lại chẳng được bao nhiêu: Người ta phải khó khăn hết sức trong việc cứu chữa nhiều căn bịnh. Người ta phải lắc đầu bó tay trước nhiều căn bịnh… Anh có công nhận thế không?
 
- Dạ, tôi cũng thấy như bác sĩ!
 
Tư Đen nói, nhưng rồi ý nghĩ hắn lại xoay sang chuyện khác gần hơn với mình. Hắn có vẻ lo âu ra mặt. Bác sĩ Bằng hiểu ý, hỏi:
 
- Vậy là chúng ta kể như không giúp gì nhau được! Rời khỏi đây anh tính sao?
 
Tư Đen buồn rầu:
 
- Chắc tôi phải ra đầu thú, và… Thưa bác sĩ tội như tôi có khi nào bị án chung thân hay tử hình không?
 
- Tôi không rõ. Anh nghĩ sao nếu bị kêu án nặng như vậy?
 
Tư Đen thừ người không đáp. Bác sĩ Bằng mỉm cười vỗ vai hắn:
 
- Đùa với anh một chút vậy thôi, chứ chẳng sao đâu! Anh cứ ra thú tội đi, nhiều lắm là bị tù vài ba tháng.
 
- Cướp của giết người mà chỉ bị tù vài ba tháng sao bác sĩ?
 
- Không phải vậy. Anh đã mê đi hơn một ngày một đêm. Trong thời gian đó tôi đã dò hỏi giùm anh thì được biết bà thương gia bị anh mưu hại không chết, chỉ bị thương nhẹ. Anh đánh không trúng chỗ nhược của bà ta.
 
Tư Đen vồ lấy tay bác sĩ Bằng, hỏi như reo:
 
- Thiệt hả bác sĩ?
 
- Tôi nói gạt anh làm gì?
 
- Trời ơi tôi mừng quá!
 
- Tôi cũng mừng cho anh!... Tôi còn một điều nầy muốn nói với anh nữa: Tuy anh không giúp gì tôi. Nhưng tôi nghĩ, nếu tôi đã giải phẫu thí nghiệm bộ óc của anh, và thất bại, tôi cũng không được gì, mà theo tờ cam kết lại phải đền bồi xứng đáng cho gia đình anh nữa. Bởi vậy bây giờ tôi quyết định sẽ bỏ tiền giúp anh trang trải tất cả nợ nần. Anh cứ chịu ngồi tù ít lâu đi, sau đó sẽ trở về sống vui vẻ bình thường với vợ con. Và, tôi mong từ nay anh đừng bao giờ đặt chân đến sòng bạc nữa, nhé!
 
Tư Đen nhìn vào mắt vị bác sĩ, lắp bắp:
 
- Bác sĩ…
 
Hắn không biết nói sao bây giờ!
 
 
NGUYỄN VĂN NGHỆ      
 
 
(Trích từ bán nguyệt san Tuổi Hoa số 213, ra ngày 15-11-1973)



Nguồn : https://tuoihoandmore.blogspot.com