Thứ Bảy, 20 tháng 1, 2018

BỨC THƯ MẤT TRỘM (I) - Thu An


Hồi đó vào năm 18… tôi đang ở Ba Lê. Sau một buổi tối mưa gió bão bùng, tôi khoan khoái ngồi suy tưởng và hút ống vố, cùng với bạn thân Đỗ Văn, trong căn nhà riêng của anh ta ở khu Thánh Giẹc-Manh. Trong một giờ đồng hồ, hai chúng tôi không nói gì hết. Nếu có ai đến, thì sẽ tưởng chúng tôi chỉ bận rộn ngắm nhìn các làn khói thuốc tỏa thành vòng, bay lên trần nhà. Riêng tôi, thì tôi suy luận một vài điểm, trong câu chuyện mà chúng tôi nói vào lúc đầu buổi tối. Đó là chuyện về vụ ở đường Nhà Xác, và những bí ẩn trong vụ ám sát bà Minh Tân. Tôi đang liên tưởng đến những điều giống nhau của hai vụ này, thì cửa phòng bỗng bật mở, và ông M.G, chánh sở Cảnh sát Ba Lê bước vào.

Chúng tôi thân mật mời ngồi, vì ông ta vừa có điểm dễ thương vừa có cái đáng ghét, và từ vài năm rồi, chúng tôi chưa gặp lại ông ta. Vì chúng tôi đang ngồi trong bóng tối, Đỗ Văn đứng dậy định thắp một ngọn đèn, nhưng anh ta ngồi xuống ngay, khi nghe ông G nói rằng ông ta đến để nhờ anh bạn tôi giúp ý kiến, về một vụ đang làm cho ông ta vô cùng bối rối.

Đỗ Văn nói:

- Nếu đó là một chuyện cần suy nghĩ, thì chúng ta không nên thắp đèn. Suy nghĩ trong bóng tối dễ hơn.

Ông cảnh sát trưởng nói:

- Lại một ý kiến kỳ quái của ông nữa.

Ông ta chuyên môn gán cho là kỳ quái, tất cả những điều gì mà ông ta không hiểu được, thành ra ông sống giữa toàn những sự kỳ quái.

Đỗ Văn đưa mời ông ta một ống điếu và nói:

- Vậy mà tôi tin là đúng đấy!

Tôi hỏi:

- Còn câu chuyện khó xử của ông ra sao? Tôi hy vọng nó không thuộc vào loại ám sát nữa chứ?

- Ồ! Không. Chả giống vậy chút nào. Câu chuyện này thực ra rất giản dị, và tôi nghĩ là chúng tôi có thể tự giải quyết lấy được, nhưng tôi nghĩ là ông Đỗ Văn sẽ thích nghe, vì nó thật là kỳ quái.

Đỗ Văn nói:

- Giản dị và kỳ quái!

- Vậy đấy. Nhưng nghe câu đó không trúng lắm, ta có thể nói nó, hoặc giản dị, hoặc kỳ quái nếu ông muốn. Có điều là chúng tôi lấy làm bối rối lắm, vì mặc dầu giản dị thế mà chúng tôi vẫn không hiểu được.

Bạn tôi nói:

- Có lẽ vì nó quá giản dị nên nó làm cho ông nhầm lẫn chăng?

Ông cảnh sát trưởng cười:

- Ông nói gì lạ vậy?

Đỗ Văn nói:

- Có lẽ vì điều bí mật đã rõ ràng quá?

- Ô! Trời đất ơi! Ai mà lại nói thế bao giờ.

- Nó hơi hiển nhiên quá?

Ông khách cười lớn, vui vẻ:

- Ha ha! Ha ha! Ô!... Ồ! Đỗ Văn, ông làm tôi buồn cười muốn chết, ông thấy không?

Tôi hỏi:

- Nhưng, chuyện đó là chuyện gì vậy?

Ông cảnh sát trưởng nhả khói thuốc vừa nằm ngả người xuống ghế bành, vừa nói:

- Để tôi kể cho các ông nghe. Tôi sẽ vắn tắt thôi. Nhưng, trước khi bắt đầu, tôi phải dặn trước các ông là chuyện này bí mật ghê lắm đó, và tôi sẽ có thể bị mất chức, nếu có ai khác biết được đấy.

Tôi nói:

- Ông cứ kể đi.

Đỗ Văn nói:

- Hay là đừng kể cũng được.

- Được rồi, để tôi kể. Tôi được bề trên rất cao cấp, cho biết rằng một tài liệu rất quan trọng đã bị đánh cắp ở hoàng cung. Người ta biết rõ kẻ nào đã lấy cắp người trông thấy hắn và biết rằng hắn vẫn còn giữ tài liệu đó.

Đỗ Văn hỏi:

- Sao họ biết được điều đó?

- Vì lý do là nếu kẻ cắp đem sử dụng tài liệu đó, thì sẽ có một vài hiện tượng xảy ra, nhưng những hiện tượng đó lại chưa xảy ra.

Tôi nói:

- Ông cắt nghĩa rõ hơn chút nữa được không?

- Được, tôi nói rõ hơn là tờ giấy đó cho phép kẻ giữ nó một uy quyền rất đáng kể đối với một vài người, và uy quyền đó rất có giá trị… (ông cảnh sát trưởng rất thích nói úp mở).

Đỗ Văn nói:

- Tôi vẫn chẳng hiểu gì cả.

- Không hiểu gì ư? Thật không? Nào! Tài liệu này, nếu mà cho một người thứ ba biết – tôi không nói đến tên người thứ ba này – thì một nhân vật cao cấp lắm sẽ mất hết danh dự ; vì vậy mà kẻ giữ tài liệu đó có một ảnh hưởng rất mạnh đối với nhân vật kia, vì danh dự và sự yên ổn của người này nằm trong tay của hắn ta.

Tôi ngắt lời:

- Nhưng cái ảnh hưởng đó, tùy thuộc điều này : Kẻ cắp có biết là người bị mất thấy hắn ta không? Sao hắn dám vậy?...

G nói:

- Kẻ cắp chính là D, hắn ta dám làm hết tất cả những điều tồi bại, nếu hắn thích làm. Cái vụ trộm này vừa liều lĩnh vừa khôn khéo. Tài liệu đó chính là một bức thư, nói trắng ra, là đã bị mất trong lúc người nhận được đang ở một mình trong phòng khách của hoàng cung. Lúc người đó đang đọc, thì bị ngắt ngang vì một nhân vật cao cấp khác bước vào, người đó bèn đặt đại lên bàn, nhưng lật phía lưng bức thư lên. Như vậy chắc sẽ không ai chú ý tới nó. Ngay lúc ấy thì D bước vào, đôi mắt cú vọ của hắn ta nhìn thấy ngay bức thư, và nhận được nét chữ đề địa chỉ người gửi ở mặt sau lá thư, hắn cũng nhận thấy sự bối rối của người nhận được bức thư đó và hắn đoán ngay ra sự bí mật của người kia.

Sau khi nói vài câu chuyện, hắn rút trong túi ra một bức thư, gần giống bức thư kia, mở ra, giả bộ đọc, rồi đặt xuống bàn, cạnh bức kia. Rồi hắn lại nói chuyện về công việc trong khoảng mười lăm phút. Sau đó hắn đứng dậy từ biệt, và tráo lấy lá thư không phải của hắn ta. Người bị mất cắp trông thấy cử chỉ đó, nhưng tất nhiên là không dám nói vì sợ sẽ gợi sự chú ý tới bức thư đó, vì sự hiện diện của nhân vật thứ ba vẫn còn kia. Rồi ông bộ trưởng D đi mất, để lại trên bàn bức thư của ông ta, một bức thư không có gì là quan trọng cả.

________________________________________________________________________
Xem tiếp PHẦN II


(Trích tuần báo Thiếu Nhi số 103, ra ngày 17-8-1973)



Nguồn : https://tuoihoandmore.blogspot.com