Thứ Hai, 8 tháng 1, 2018

LỊCH SỬ SỐ HỌC - Đình


Nếu bạn có em đã đến tuổi đi học hay bạn thử nhớ lại thuở bạn bắt đầu đi học, lúc ấy em bạn hay bạn đã biết đếm chưa? Chắc đã biết rồi, phải không? Thường trẻ con lên năm đã có thể đếm số một cách dễ dàng. Ấy mà tổ tiên chúng ta phải tốn cả hằng thế kỷ để tìm ra cách đếm bằng những con số đơn giản như thế.

TÊN SỐ

Thuở xa xưa, trên những cánh đồng xanh, các mục đồng đặt tên cho từng chú cừu. Mỗi khi kiểm điểm lại bầy cừu, họ gọi tên từng con một (giống như ngày nay chúng ta điểm danh trong lớp học thay vì vẫn có thể đếm được bao nhiêu người trong lớp để tìm ra người vắng mặt).

Nhưng đôi lúc người ta dùng đá sỏi, que diêm hay vỏ sò để kiểm điểm số lượng vì thời đó họ vẫn chưa biết đếm “một, hai, ba…” Ngay cả ngày nay, dân da đỏ Apache chăn ngựa bằng các viên sỏi đựng trong túi da. Mỗi viên sỏi đại diện cho một con ngựa. Khi đếm ngựa, họ căn cứ vào số đá sỏi ấy để xem đàn ngựa của mình còn đủ hay không.

Có điều chắc chắn 10 ngón tay chúng ta đã được dùng để đếm từ lâu lắm, và cho đến ngày nay, số 10 (đại diện cho tổng số các ngón tay của con người) là một con số quan trọng trong hệ thống thập phân, một hệ thống chúng ta vẫn còn sử dụng hằng ngày.

Trong 3 loại đếm : đặt tên, đếm bằng tay, đếm bằng vật liệu, thì loại đếm đầu tiên tiện lợi hơn hết. Ưu điểm của nó là các tên số khi được chúng ta đặt tên luôn luôn nằm trong đầu óc chúng ta, trong lúc một đôi khi chúng ta chẳng có đá sỏi hay vật liệu nào khác bên cạnh. Còn 10 ngón tay trông có vẻ tiện lợi nhưng không thích hợp cho việc đếm một số lượng quá nhiều. Thí dụ ta tính được số ngày trong tuần với 7 ngón tay, nhưng mặc dù với 10 ngón tay, ta sẽ vô cùng bối rối khi tính bao nhiêu ngày trong một năm!

Do đó vấn đề đặt tên cho mỗi con số là một chuyện cần thiết, và đặt tên cho toàn thể số hạng không phải là chuyện dễ. Hiện nay một vài bộ lạc man khai chỉ đếm được vỏn vẹn 3 hay 4 tên số. Nếu trên nữa, họ phải dùng những từ ngữ khác có nghĩa là “nhiều”.

Trong vấn đề đặt tên số, người ta cho rằng mỗi tên số đều có một nguồn gốc của nó. Một vài nhận xét sau đây chứng minh ý kiến nêu ra ở trên : trong tiếng Trung Hoa và tiếng nước ta tiếng nhị (có nghĩa là số hai) phát xuất từ tiếng nhĩ (cái tai) ; trong tiếng Pháp tiếng deux (số 2) có âm tương tự như tiếng yeux (đôi mắt) ; và nhiều ngôn ngữ khác đều có các tên số bắt nguồn từ những trường hợp tương tự như vậy. Có lẽ lúc phát minh tên số, tổ tiên chúng ta thấy con người có 2 lỗ tai, 2 con mắt… mà thôi, rồi trải qua hằng biết bao năm, tên các số dần dần biến đổi cho đến ngay nay người ta không tìm được gốc tích của nó.

Hầu hết các ngôn ngữ trên thế giới thường chỉ đặt tên riêng cho 10 hay 12 số đầu. Quá 10 hay 12 số đầu người ta thường ráp các số đầu lại như số 11 (mười + một), tiếng Anh số 13 (thirteen = three + ten). Nếu khi tiếng ráp dài quá, người ta mới đặt cho nó một tên mới. Thí dụ như thay vì nói 10 cái 10, người ta gọi một trăm ; 10 cái một trăm là một ngàn, ngàn cái một ngàn là một triệu.

Với cách ráp số và đặt tên thêm đơn vị số (thường là bội số của 10), ta có thể đọc một chuỗi dài các con số mà không phải bị bối rối như người thượng cổ mắc phải.

Hệ thống tên số của chúng ta hiện nay xài đến bậc tỉ, chưa đến lúc phải tính nhiều những số lớn hơn nữa nên người ta chưa đặt tên mới cho con số to hơn bậc tỉ.

CHỮ SỐ

Phát minh cách đếm số là một chuyện, phát minh cách viết số là một chuyện khác. Chữ số xưa nhất là những hình vẽ. Người da đỏ trong khoảng thời gian gần đây vẫn còn dùng cách đó. Một anh chàng da đỏ cho biết quãng hành trình còn mất 3 ngày trời thì anh ta sẽ vẽ 3 mặt trời ; hay có một toán mười người đến bằng thuyền, anh sẽ vẽ chiếc thuyền và 10 hình người trên ấy. Nhưng trong trường hợp bảo anh viết số dân số trên thế giới thì chắc chắn anh ta sẽ lắc đầu chịu thua!

Một cách biểu diễn số khác xưa nhất là đẽo những vết vào một đoạn cây hay kéo những vết hằn trên mảnh đồ gốm. Phương pháp nầy cũng vấp phải bất tiện như trên khi diễn tả một số lượng lớn.

Bởi bất tiện nầy, người thượng cổ dần dần thay hình vẽ bằng các ký hiệu để rút gọn chữ số.

– Người cổ Ai Cập dùng các đường thẳng biểu diễn cho từ số 1 đến số 10, và đặt những ký hiệu khác cho 100, 1000, và 10.000 (họ ít dùng số trên 10.000)

– Người Babylone vạch mũi dùi trên mảnh đất sét mềm. Số 60 được họ dùng một ký hiệu đặc biệt (chúng ta đã biết số 60 là số quan trọng trong hệ thống số Babylone – được đề cập ở bài “đồng hồ”)

– Người Hy Lạp dừng mẫu tự của họ biểu diễn chữ số. Để tránh sự lầm lẫn giữa chữ cái và chữ số, họ làm một dấu nhỏ ở sau chữ cái để biểu hiện chữ số. Thí dụ số 1 là a’, số 2 là b’, số 10 là j’, nhưng k’ là số 20, do đó số 21 là ka’, số 40 là e’ và tiếp tục như thế.

– Người Trung Hoa dùng ký hiệu cho 10 số đầu, số các bội của 10 và ráp lại.

– Người La Mã dùng mẫu tự la tin in để biểu diễn chữ số.  


Nhưng các bạn thấy tất cả các loại chữ trên đều rắc rối trong trường hợp làm tính. Hãy so sánh một bài toán nhân bằng chữ số La Mã và chữ số chúng ta dùng hiện nay dưới đây, bạn sẽ thấy bài toán nào cồng kềnh hơn?

                                                 XXVII
                                                   XVI
________________________________
                          XX                     V  II
          LL            XX                 VVV
CC       L            XX
________________________________
CC    LLL          XXXXXX          VVVV  II

Đáp số : CDXXXII

   27
x 16
_____
 162
   27
_____
 432

Chữ số chúng ta hiện dùng gọi là chữ số Á Rập. Thật ra nó phát xuất từ Ấn Độ. Số Á Rập được xem là một phương pháp diễn tả số tiện lợi hơn bất cứ loại chữ số nào hiện có trên thế giới. Nó chỉ có vỏn vẹn 10 ký hiệu, đặc biệt là ký hiệu số 0. Không có một loại chữ số cũ nào có ký hiệu này.

Nhờ ký hiệu 0, số Á Rập tránh khỏi phải dùng ký hiệu khác cho bội số của 10 thường gây trở ngại trong việc tính toán và viết lên giấy. Con số 0 hợp với 9 con số khác biểu diễn được bất cứ số lượng nào. Với số 5 ta thêm một số 0 thành 50, hai số 0 thành 500, thay số 5 bằng số 3 thành 300 ; trong khi ấy số La Mã phải dùng từng ký hiệu riêng cho 50, 500 và 300 (L, D và CCC). 


Muốn viết số 1 triệu bằng số Á Rập, ta chỉ viết con số 1 và nối theo sau 6 con số 0 ; khi viết bằng số La Mã, ta phải viết 1.000 chữ M trên mặt giấy!

Số Á Rập cũng dễ nhận ra khi đọc, giả sử số MCMLIII (7 hàng số, ta phải phân tích thành M - CM - L - III (1000 - 900 - 50 - 3), với số Á Rập ta chỉ viết 1953 (4 hàng số).

Phát minh ký hiệu số nầy từ Ấn Độ lan sang Á Rập thời trung cổ. Vào thời kỳ đó, các thương gia Á Rập thường hợp thành các đoàn lũ hành vượt Địa Trung Hải đến Âu Châu, mang theo lụa, thảm, gia vị để bán. Họ thường tụ họp ở các kinh thành Ý Đại Lợi. Người Ý không ngờ rằng ngoài việc mua được các món hàng Á Rập, họ đã mua luôn một phát minh quan trọng : Những con số Á rập theo cùng các thương gia.

Tuy nhiên phải trải qua nhiều thế kỷ số Á Rập mới thông dụng ở Âu Châu. Dân chúng Âu Châu bảo thủ, họ chỉ dùng số La Mã. Có người quá khích cho rằng lối viết số mới nầy là một phát minh tà đạo, không nên cho dùng tại nước theo Thiên Chúa Giáo. Thí dụ tại Florence (Ý), luật cấm chỉ dùng số Á Rập được ban hành.

Nhưng cuối cùng số Á Rập thắng, vì dân Âu Châu nhận thấy nó dễ viết và càng dễ hơn trong việc làm tính so với số La Mã.

Và rồi số Á Rập lan tràn từ khu vực nầy sang khu vực kia, các ký hiệu dần dần biến dạng, nó trở nên tròn trịa hơn như chúng ta thấy hiện nay.

Giờ đây số La Mã vẫn còn được dùng, nhưng với tính cách giới hạn, nghĩa là chỉ được viết trên các trang giấy cho đượm vẻ trang trọng mà thôi. 


Cách viết giản dị, dễ nhận ra, làm tính nhanh, số Á Rập ảnh hưởng khắp thế giới không phải là một điều khó hiểu. Và mặc dù ngày nay loài người đã phát minh được các máy tính thần tốc với hệ thống số đặc biệt, chúng ta vẫn còn lệ thuộc vào số Á Rập, nhất là việc thay thế số Á Rập bằng loại số khác chắc chắn không thể hoàn thành một sớm một chiều được.


NGUYỄN ĐÌNH sưu tầm   


(Trích từ bán nguyệt san Tuổi Hoa số 144, ra ngày 1-1-1971)


Bìa của Vi Vi : Nhạc chờ Xuân