CHƯƠNG VIII
- Tôi còn sống đây, tôi
không để các anh chết đói. Để tôi lo! Tôi không bỏ những cộng sự viên của tôi, những
người đã cùng tôi đi biển trên cả chục năm trời nay đâu!
Thật vậy, mười năm nay,
ông Hải đã dìu dắt họ, điều khiển họ, hướng dẫn họ, ông là đầu óc, họ là tay
chân, làm sao ông có thể không lo cho họ? Thậm chí, quay cuồng dưới biển trong
cơn bão, mà ông còn cố gắng dìu được một người đặt lên mảnh ván thuyền trước
khi kiệt lực hoàn toàn, buông tay, ngất đi trong vòng tay người thủy thủ lực
lưỡng của chiếc tàu đến cứu.
Được ông chủ trấn an,
hai người thợ chài vững lòng chào ông và trở về nhà, chờ đợi. Họ tin ở ông.
Trong khi đó, ông Hải
bưng đầu, moi óc cố tìm coi có thể mua lại của ai một con tàu đánh cá có thể
thay vào chiếc của mình, một chiếc không lớn lắm, mới lắm mà cũng không quá cũ,
vừa phải. Ông chợt nhớ đến già Phú, người có con thuyền hợp với công việc của
mình.
Chỉ còn vấn đề nan giải
: tiền đâu? Con thuyền đó, ít nhất cũng phải năm trăm ngàn đồng mà ông hiện
giao cho Mai cất chưa quá 200 đồng. Ông ngồi lặng giây lâu, song như vậy, không
có nghĩa là ông Hải không làm việc, đầu óc ông làm việc nhiều hơn lúc nào hết,
hơn cả bao giờ.
Không thể mong chờ vào
ai được. Chỉ còn có cách… nghĩ đến Minh, đến con thuyền mới xinh đẹp của con
trai, ông cảm thấy yên tâm phần nào. Nhưng liệu Minh có bằng lòng không? Minh
có chịu hy sinh con thuyền đó, bằng lòng để cha bán đi lấy tiền đặng trang bị
một con thuyền đánh cá khác không? Nó còn nhỏ quá, mà những đứa trẻ thì không
thể đòi hỏi nó hy sinh dễ dàng được. Dù sao, ông Hải nghĩ rằng cứ thử đề nghị
xem nó có thái độ ra sao. Phải! Nó còn nhỏ quá, song tuổi trẻ của con nhà
nghèo, quen vất vả, chịu đựng hẳn là khác xa tuổi trẻ sống trong nhung lụa,
nuông chìu. Con ông sẽ hiểu. Hơn nữa ông dò hỏi chứ không bắt buộc.
*
Minh buông cái nĩa,
nghẹn ngào, nhìn sững cha một giây rồi không nói tiếng nào, nó bưng đầu chạy
biến ra đường. Ông Hải cũng không kịp có phản ứng gì cả. Ông muốn đứng lên, gọi
con lại, bảo là nếu nó không muốn thì thôi, ông không bắt buộc, song ông còn
yếu quá… ông ngồi lặng, khe khẽ thở dài.
Mai hiểu ý cha, cô lại
gần ông, đặt tay lên vai cha, trấn an:
- Ba đừng buồn, con
chắc nó sẽ bằng lòng… Em con là đứa hiếu thảo…
- Ba chả còn biết tính
sao nữa, nó làm như đứa hóa cuồng. Ít nhất, nó phải hiểu cho ba…
Trong lúc đó, Minh chạy
chân không bén đất, dẫm càn lên những mảnh ván nằm la liệt, đôi chân trần bị
nhiều vết sướt, trầy da, rướm máu. Nó cần được gặp một người hiểu nó nhất, dù
đó là người dưng chứ không chút liên hệ huyết nhục.
Đâm sầm vào lều bạn, nó
thở hồng hộc, mặt tái mét làm cho bạn nó cũng hoảng lên:
- Lại có gì đây? Sao em
như là bị ma đuổi vậy, Minh?
- Anh không biết đâu,
anh không thể… em không thể…
- Bình tĩnh lại coi! Em
phải xử sự như một người lớn chớ!
- Anh không hiểu được
mà – Minh rền rĩ, nước mắt tuôn ròng ròng – Anh không giúp em được gì đâu…
- Phải! Có thể anh
không giúp em được gì, nhưng cứ nói ra, chúng ta là bạn, phải không,
Minh? Em không tin anh sao?
Giọng điềm tĩnh, dịu
dàng của anh bạn làm Minh đỡ khổ đôi chút, nó ấp úng:
- Ba em… ba em muốn em
bán chiếc Hy Vọng… Anh nghĩ coi…
- Để làm gì chớ?
- Để lấy tiền cho ông
mua chiếc thuyền đánh cá khác, thay chỗ chiếc bị chìm. Ba em nói là ông còn
phải nghĩ đến gia đình hai anh bạn chài nữa… Anh nghĩ coi : em trách nhiệm gì
về họ? Anh nghe không? Ba em muốn bán…
- Sao lại không nghe?
Anh nghe rõ rồi, tên thủy thủ nhỏ kia! Em không bằng lòng chớ gì? Nghe đây! Bộ
em tưởng ba em sung sướng khi đề nghị việc này sao? Em phải hiểu…
- Em không hiểu gì hết
– giọng Minh hờn dỗi – Anh đứng về phía mấy người lớn, anh cũng muốn lấn át em…
Em chán hết người lớn…
- Minh ơi! Anh mến em
lắm. Em thường tỏ ra biết điều, biết nghĩ đến người khác, em tốt bụng lắm. Sao
lần này em lại chỉ nghĩ đến sở thích em thôi? Em nên biết là ba em khổ tâm lắm,
hiển nhiên là không còn cách gì khác, ông mới phải đòi hỏi em hy sinh. Hãy tỏ
ra người lớn, coi nào!
- Người lớn? Em 14 tuổi…
- Với con thuyền xinh
đẹp đó, em rất vui vẻ, sung sướng, em lại dư một chiếc nằm ườn phơi nắng. Còn
ba em, ông đang cần thuyền đánh cá mưu sinh cho nhiều miệng ăn. Bao nhiêu người
trông cậy vào mình ông.
- Hừ! – Minh kêu lên
một tiếng vô nghĩa rồi chợt im.
Giọng anh bạn vẫn đều
đều, rót vào tai trong lúc Minh muốn bịt tai lại, không nghe:
- Em nghĩ kỹ đi rồi sẽ
trả lời ba em. Em mất vui nhiều, anh biết nhưng mà em còn chiếc cũ để đưa khách
kiếm tiền. Chiếc Hy Vọng không quá cần thiết, em công nhận chớ?
- Em công nhận lời anh…
Nhưng mà…
Minh đã đưa ống tay áo
lau khô nước mắt. Nó xúc động vì những lời giải thích của bạn nó. Nó biết rằng
hơn ai hết, anh hiểu nỗi buồn của nó. Thằng bé lắc đầu, xua đuổi mọi tư tưởng
buồn rầu và quả quyết nói:
- Em xin nghe anh! Em
sẽ xử sự như người lớn để ba em hài lòng.
- Em tốt lắm!
- Chiều nay, em có nhận
chở một chuyến hàng về phía nam, vịnh Ben-ri-nô, họ trả cho em khá nhiều tiền…
- Em hãy đi đi! Đi lần
chót trước khi chiếc thuyền xinh đẹp về tay kẻ khác.
*
Nghe theo lời khuyên
của bạn, Minh không đăng quảng cáo mà lấy một mảnh gỗ kẻ mấy chữ bằng sơn xanh
: “Thuyền bán”, đem treo trước chiếc Hy Vọng.
Hôm ấy nhằm ngày chúa
nhật, là ngày mà các thuyền buồm được ra khơi, cũng như những chiếc xe du lịch
dạo rong khắp thành phồ.
Trời thật tốt. Nhiều du
khách và chủ thuyền máy đi ngang chiếc Hy Vọng và hầu hết đều dừng lại trước con
thuyền xinh đẹp.
Bọn con trai trạc Minh
cười nhăn nhở khi hay tin này. Chúng cho là Minh biết làm gì với con thuyền
xinh đẹp đó, nếu không đem bán lấy tiền tiêu? Nếu chúng mà làm chủ con thuyền
như vậy coi, chúng sẽ dùng số tiền bán được xài cho thỏa thích… Minh không buồn
cải chính nửa lời.
Minh ngồi xa xa, trên
đống dây thừng, nhìn đăm đắm vào con thuyền yêu dấu. Chợt nó trông thấy dáng bộ
còm nhom của Bình trước mặt. Tức thì, nhanh như cắt, Minh nhảy phóc tới trước
mũi thuyền lấy tấm vải bạt che mảnh gỗ lại. Nó sợ Bình thấy hàng chữ, sẽ chế
giễu nó, nó chịu gì nổi?
Quả nhiên, Bình đi
ngang không nhận thấy gì khác, ngoài con thuyền xinh đẹp.
Ngay trưa hôm đó, có
khách hàng đến mặc cả mua thuyền. Đó là ông Ất Cơ, một ông chủ tàu giàu sụ mà
trước kia, cha Minh đã có làm công dưới tàu ông ta. Qua vài câu chuyện, hai bên
nhận ra nhau và nhờ vậy, việc mua bán hoàn tất mau chóng vì ông Ất Cơ tốt bụng,
không mè nheo giá cả đối với một người giúp việc cũ của mình.
Ông ký chi phiếu ngay
cho cha Minh và yêu cầu Minh đưa con thuyền đó đến Xi-vi-ta-vét cho ông, còn
ông thì đi tàu hỏa về trước.
Dưới ngọn đèn mờ, bên
đĩa súp loãng, cha Minh kể lại mọi chuyện trong ngày cho Minh biết. Giọng ông
trầm xuống, buồn rầu:
- Ba rất khổ tâm về
điều này. Ba biết con quí chiếc thuyền…
- Xin ba đừng bận lòng.
Con rất vui được giúp ba làm tròn lời hứa. Thuyền đó không phải để dành cho con
chơi.
Giọng vui vẻ giả tạo,
nó tiếp:
- Con xin phép ba cho con
rủ người bạn cùng con đem thuyền giao cho chủ ở Xi-vi-ta-vét.
- Ồ, con cứ đi, nếu con
muốn có bạn cùng theo thuyền.
Suốt hai ngày qua, hôm
nay Minh mới thấy vui vui một chút, khi nó đề nghị việc đưa thuyền đi và được
bạn nó nhận lời:
- Anh sẽ đi với em. Em
muốn đi ngày nào đây?
- Em muốn đi liền vào
ngày mai, em muốn cho xong…
- Lúc nào anh cũng sẵn
sàng.
Tối đó, nằm trên gác,
trong cái võng, Minh không sao chợp mắt. Mọi việc xảy ra y như là trong một
giấc mơ.
Ngọn nến chập chờn,
những bóng đen nhảy múa in lên vách. Đột nhiên, Minh choàng dậy, đi thẳng lại
bức vách, chỗ mà nó dán những tranh ảnh về tàu bè. Minh nhìn lại lần chót cái
hình nó đứng trước chiếc Hy Vọng, do nhiếp ảnh viên của báo Thế Giới Mới chụp,
đăng lên báo và gửi tặng nó mà nó đã cắt, dán lên.
Soạt một tiếng, Minh
đưa tay xé đôi tấm hình, vo tròn trong tay vứt ra cửa sổ. Đoạn, nó trở lại võng
nằm. Ngọn nến cũng bắt đầu tàn dần, căn gác chìm ngập trong bóng đêm đen.
_______________________________________________________________________
Xem tiếp CHƯƠNG IX