Thứ Bảy, 13 tháng 1, 2018

CHƯƠNG IV_KẺ LẠ MẶT TRÊN HẢI CẢNG


CHƯƠNG IV


Căn gác riêng của Minh ngay sát nóc nhà, nom như cái chuồng bồ câu. Khi nó đứng thẳng, đầu gần chạm mái. Bốn phía quét vôi trắng toát, Minh treo những hình ảnh cắt ra từ các tạp chí : toàn là tranh về tàu bè, thuyền buồm, canô, đó là những gì nó mơ ước ngày đêm.
Mỗi chúa nhật, Minh luôn luôn có mặt ở bến và luôn luôn cảm thấy thèm thuồng chen lẫn một chút ghen tị khi trông thấy các công tử con nhà giàu trạc nó ra bến bằng xe gắn máy trong bộ quần áo sang trọng và lên canô, ra khơi.
Minh ngắm chúng say mê : vốn quen lạng xe trên đường phố nên trên mặt biển chúng càng tự do hơn. Lái canô! Ôi chao là thích thú, canô như những con ngựa tơ, lướt sóng bằng tốc độ tối đa, chúng cũng cuồng nhiệt như tuổi trẻ của chủ chúng : lao tới, giật lùi và lướt như bay theo chiều gió.
A! Biết bao giờ Minh được lái canô ra khơi, không phải như điều khiển con thuyền cà tàng kiếm tiền giúp gia đình mà là để đi chơi như những cậu trai kia?
Minh dõi mắt theo cho kỳ đến lúc canô mất tăm trên mặt biển mới lủi thủi quay về.
Trên căn gác chật chội, gia tài Minh cũng chỉ là cái xắc tay, à, quên, còn một cái rương cũ kỹ trong góc nữa.. Một cái võng, quà của người bạn già cho nó đã lâu. Từ cửa sổ, Minh thường bắc thang để lên xuống, ra ngoài. Minh đưa mắt nhìn ngang, trên dãy nóc nhà san sát là quãng cuối của đập đá và những con sóng gợn từ xa, bọt trắng xóa vỗ vào ghềnh đá rắn. Rồi Minh quay vào trong.
Tại sao lại phải bán món quà quí giá này đi? Nó là kỷ niệm đáng kể, vì một ngày kia anh bạn sẽ ra đi, mình còn lại chi đâu? Sao anh ta lại bắt mình hứa điều này? Minh cầm cái chai lên, bên trong con thuyền bốn buồm xinh đẹp vẫn hiển hiện trước mắt nó. Nó đặt cái chai lên kệ đã mấy ngày rồi. Mỗi tối, nằm dài lên võng, Minh ngắm báu vật đó say mê trước khi thổi tắt ngọn bạch lạp.
Một tuần trôi qua, ngày nào Minh và anh bạn cũng đổ mồ hôi dưới nắng lo vá víu con thuyền dài 7 thước của nó, nguyên cái đáy thuyền phải thay hết một loạt ván, mà ván thay đáy thuyền thì phải đổi bằng tiền, chứ không phải thứ ván vụn nhặt nhạnh trong số gỗ vương vãi trên bến tàu mà làm được. Khi anh bạn nói lên ý kiến hay ho đó, Minh xịu mặt xuống:
- Em biết vậy, nhưng em đâu có tiền?
- Đã có anh lo! Anh không có nhiều, song cũng đủ mua gỗ thay đáy thuyền cho tử tế.
Giọng chắc nịch, vui vẻ, gã đàn ông tuyên bố và Minh nghẹn ngào xúc động vì nó biết số tiền anh ta dành dụm cũng rất nhỏ nhoi. Cầm số tiền vốn liếng dành dụm lâu nay của gã, Minh cảm thấy bùi ngùi. Nào anh ta có liên hệ máu thịt gì với Minh đâu. Hai kẻ nghèo kiết gặp nhau trên bến vắng và rồi tình bạn thân thiết đến với họ, thế thôi.
- Em đừng thắc mắc gì hết. Bạn bè thì phải giúp nhau chớ, anh rất vui được có dịp giúp em. Rồi mình sẽ sơn con thuyền lại y như mới, nó sẽ không kém cạnh gì chiếc Va-pơ…
- Em ưng sơn màu xanh dương.
Minh sung sướng quá, lên tiếng đề nghị quên phắt mối bận tâm. Anh bạn cười dễ dãi:
- Ừ, sơn màu xanh dương. Khi ta sửa sang xong, cam đoan với em : cả trăm năm nữa, con thuyền này mới mục lại.
Một đêm, lục trong xắc kiếm dụng cụ, anh ta để lộ cho Minh thấy tất cả đồ vật bên trong : một cái đàn ghi ta bé nhỏ, thùng là cái mai rùa, vài cái vòng đeo tay của nô lệ, mấy chiếc lông chim, một cái kèn săn và vài phiến đá nhỏ bóng nhoáng, nặng nặng. Anh ta giải thích:
- Vàng đó nghe em! Nếu mà anh ham giàu thì anh đã dừng bước lại nơi vùng ấy, nơi mà anh tìm thấy vàng này.
Để có tiền mua một ký lô đinh đóng đáy thuyền, anh ta đã phải bán đi một cái mặt nạ của dân da đen và thêm con dao găm của thổ dân Mã Lai, con dao tuyệt đẹp có cái cán chạm trổ hoa mỹ bằng thứ đá xanh biếc.
Ôi! Tình bạn giữa đôi bên…
Ờ, nhưng tại sao Minh lại phải đổi vật kỷ niệm quí báu kia lấy tiền? Minh không muốn làm điều đó. Vì gia đình nó nghèo lâu rồi, có bán đi cũng chỉ đổi được ít thực phẩm, vậy thôi chớ có thay đổi tình trạng gia đình nổi đâu?
Một đêm, sau khi đọc báo xong, từ biệt bạn, nó trở về và nó đã quyết định xong số phận của cái chai có chiếc thuyền xinh đẹp bên trong. Được! Nó sẽ không giữ cái chai cho đúng lời hứa với anh bạn, nhưng cũng không bán, vì nó có cách giải quyết hay hơn.
*
Và Minh thực hành ý định ngay buổi chiều hôm sau. Khi Minh chui vào căn gác của nó thì bên trong đã nhập nhòa đầy bóng tối, tuy vậy, Minh không cần đèn đóm gì, nó có thể đi thẳng lại cái kệ nơi đặt cái chai và bức tượng Đức Bà. Rất cẩn trọng, Minh cầm cái chai, từ từ trở xuống thang, ra đường lớn. Băng qua công viên vắng ngắt, Minh đi dọc theo dãy bờ thành đến đập đá. Đập đá này hoàn thành nhờ hàng tấn ximăng đổ đầy lên những tảng đá.
Biển lặng. Chỉ có tiếng rì rào của từng đợt sóng nhỏ va vào gành. Bám chân vào đá thật chắc để khỏi trượt, Minh leo khỏi bờ đập ra tận một tảng đá mấp mé mặt nước, đầy rong rêu. Rồi nó cũng đứng lặng, vẻ mơ màng. Tâm trí Minh bị thu hút vì một câu chuyện của người bạn : anh ta kể rằng có những cái chai đóng nút kỹ được du lịch khắp đại dương, trôi bồng bềnh vòng quanh trái đất. Mắt nó sáng rực lên khi nó nghĩ đến cuộc du lịch mà nó dành cho cái chai có con thuyền xinh đẹp bên trong. Một lần nữa, Minh xem xét lại lớp sáp nó gắn trên miệng chai quanh cái nút. Cần nhất là không để cho nước thấm vào chai, vì ngoài con thuyền xinh đẹp còn có bức mật thư Minh đã viết, nhét vào nữa. Cũng như những kẻ đắm tàu, ký thác nguyện vọng mình vào trang giấy nhét vào chai, gửi cho biển cả, Minh cũng gửi gắm hết ước vọng mình trong mảnh giấy nhét vào chai.
Lần này thì Minh không do dự gì nữa. Nó đứng thẳng lấy đà, vươn mình tới ném cái chai ra thật xa. Chỉ một thoáng, cái chai chỉ còn là một chấm nhỏ lấp loáng trên mặt nước đen ngòm… rồi mất hút theo sức đẩy của những con sóng nhỏ.
Minh bình tĩnh trở về lều. Bữa ăn thanh đạm lại diễn ra, song khác với mọi lần, Minh mải thả hồn theo cuộc hải trình của cái chai, quên cả chuyện anh bạn vong niên nói : chiếc thuyền của nó sắp hoàn thành gần như… mới!
Ờ, cái chai sẽ đi đến đâu? Số phận nó sẽ ra sao? Kỳ công của bạn nó sẽ bị sóng quật vỡ tan chăng? Trôi dạt đến một xóm chài bên Châu Phi? Hay Châu Á? Chỉ có Trời mới biết được món quà đó ra sao. Và Minh lặng lẽ, kiên tâm chờ đợi.
________________________________________________________________________
Xem tiếp CHƯƠNG V