Thứ Hai, 22 tháng 1, 2018

BỨC THƯ MẤT TRỘM (III) - Thu An


- Lẽ tất nhiên, và khi chúng tôi đã xem qua tất cả những đồ vật đại loại như thế, chúng tôi đã xem đến chính căn nhà. Chúng tôi đã chia diện tích căn nhà thành từng phần một, và đã đánh số kỹ lưỡng để khỏi quên phần nào ; chúng tôi đã nghiên cứu từng phân vuông một của các đồ vật trong nhà bằng kính lúp và chúng tôi đã hiểu rằng đó là hai căn nhà ở cạnh nhau.

Tôi kêu lên:

- Hai căn nhà ở cạnh nhau! Như vậy ông làm việc mệt nhỉ?

- Vâng, mệt thật, nhưng vì phần thưởng quá lớn.

- Trong các căn nhà, các ông có khám xét nền nhà không?

- Nền nhà trải gạch tất cả. Tương đối, chúng tôi không gặp khó khăn gì mấy. Chúng tôi đã nghiên cứu dấu rêu giữa các viên gạch, và thấy rằng chúng không bị suy suyển gì cả.

- Các ông đã khám xét mọi giấy tờ của D, và sách trong phòng thư viện rồi chứ?

- Chắc chắn rồi : chúng tôi đã mở hết mọi gói và các ngăn đựng sách ; chúng tôi còn lật sách từng trang một để tìm kiếm chứ không phải chỉ cầm bìa sách lên và rũ rũ như các cảnh sát viên khác. Chúng tôi cũng đo bề dày của gáy sách coi có đúng không và chúng tôi còn nhìn kỹ bằng kính lúp nữa. Nếu có ai bỏ vật gì vào gáy sách, hay bìa da của một cuốn sách, lập tức chúng tôi khám phá ra ngay. Năm sáu cuốn sách đóng bìa da được kiểm soát bằng kim dài, đâm dọc theo gáy sách.

- Ông có soát sàn nhà, dưới các tấm thảm không?

- Còn gì nữa. Chúng tôi đã gỡ hết các thảm lên và dùng kính lúp để nghiên cứu sàn nhà.

- Và các giấy dán tường?

- Cũng vậy.

- Các ông có kiếm trong hầm rượu không?

- Chúng tôi đã kiếm trong hầm rượu rồi.

Tôi nói:

- Vậy thì, các ông đã đi lầm đường, và bức thư không phải ở trong nhà hắn ta như các ông tưởng.

Cảnh sát trưởng nói:

- Tôi nghĩ rằng ông có thể có lý đó! Vậy ông Đỗ Văn, bây giờ ông khuyên tôi nên làm gì đây?

- Khám lại tất cả!

- Hoàn toàn vô ích! Tôi chắc chắn là bức thư không có trong nhà hắn ta.

Đỗ Văn nói:

- Vậy thì tôi không biết khuyên ông gì hơn nữa. Chắc ông cũng biết hình dạng bức thư ấy ra sao rồi chứ?

- Ồ, cái đó thì có!

Và viên cảnh sát trưởng lấy ra một cuốn sổ và đọc lớn cho chúng tôi nghe, tả rất tỉ mỉ về bức thư bị đánh cắp đó, bên trong nó ra sao và nhất là vẻ bề ngoài của nó. Ít phút sau, khi đã đọc xong, ông ta từ biệt chúng tôi, còn rầu rĩ hơn và mất can đảm hơn bao giờ hết.

Lối một tháng sau đó, ông ta đến thăm chúng tôi lần nữa và bắt gặp chúng tôi cũng ở vào những vị trí na ná như lần trước. Ông ta châm một ống điếu, kéo một cái ghế bành, và bắt đầu nói huyên thuyên. Hồi lâu, tôi bảo ông ta:

- Này ông, còn vụ cái bức thư bị mất trộm đó thì sao? Tôi đoán có lẽ sau cùng ông đành chấp nhận rằng đấu trí với một bộ trưởng thì không phải là chuyện vừa, có đúng thế không?

- Quỉ sứ mang nó đi! Tôi cũng đã nghe lời anh Đỗ Văn, khám lại một lần nữa rồi đấy, nhưng đúng như tôi đã nghĩ, chỉ uổng công vô ích thôi.

Đỗ Văn hỏi:

- Tiền thưởng là bao nhiêu? Bữa nọ ông đã nói đó…

- Ồ… nhiều lắm… thật tuyệt, tôi không muốn cho anh biết đúng là bao nhiêu, nhưng tôi muốn nói với anh một việc, đó là tôi sẵn sàng bỏ tiền túi của tôi ra năm chục ngàn quan cho ai có thể tìm được cho tôi bức thư đó. Càng ngày tình hình càng trầm trọng và mới đây tiền thưởng đã được tăng lên gấp đôi. Nhưng thật ra,dầu người ta có tăng nó lên gấp ba đi nữa thì tôi cũng chẳng biết làm sao hơn.

Đỗ Văn vừa nhả khói, vừa dài giọng:

- Đúng rồi… tôi nghĩ là, thưa ông G, thật ra ông chưa làm hết sức mình… ông không thấu đáo vấn đề. Ông có thể làm hơn thế nữa được kia!

- Sao? Thế là thế nào?

Đỗ Văn ung dung nhả khói một cách thật nhàn hạ như cố kéo dài cơn sốt ruột của viên cảnh sát, rồi mới nói:

- Ông có nhớ câu chuyện bác sĩ An chứ?

- Không! Bác sĩ An thì ăn nhậu gì vào đây?

- Chắc chắn không ăn nhậu gì, nếu ông muốn. Nhưng, nó như thế này: một lần, có một người giầu có, rất hà tiện, tính chuyện nhờ bác sĩ An khám bệnh cho mà khỏi trả tiền. Trong một bữa tiệc, ông ta bèn giả bộ làm như có một bệnh nhân tưởng tượng và hỏi dò ông bác sĩ : “Ta giả thử, hắn bị như thế này, thế này, thì bác sĩ khuyên hắn phải làm gì”. Bác sĩ An nói : “Làm gì à? Thì chắc chắn hắn phải đi hỏi ý bác sĩ, chứ còn gì nữa”.

Viên cảnh sát trưởng, hơi mất tự nhiên, nói:

- Nhưng tôi khác, nếu tôi có đi dò hỏi ý kiến thì tôi cũng sẵn sàng trả thù lao kia mà. Tôi sẽ trả thật sự năm chục ngàn quan cho bất cứ ai giúp được tôi trong vụ này.

Đỗ Văn vừa mở ngăn kéo, rút cuốn bưu phiếu ra, vừa đáp:

- Nếu vậy, thì ông hãy ký cho tôi một ngân phiếu ghi số bạc đó đi. Sau khi ký xong, tôi sẽ trao ngay cho ông bức thư mà ông đang tìm kiếm.

Tôi rất đỗi ngạc nhiên. Còn viên cảnh sát trưởng thì như vừa bị sét đánh. Trong mấy phút, ông ta câm như hến, ngồi im phăng phắc, há hốc miệng nhìn anh bạn tôi, với một vẻ không tin và đôi mắt như muốn chạy ra khỏi tròng. Sau cùng, ông ta có vẻ dần dần tỉnh táo lại, ông ta vớ lấy một cây bút, và ngần ngừ một chút, mặt vẫn chưa hết ngớ ngẩn, ông ta điền chữ và ký vào tấm ngân phiếu, số bạc năm chục ngàn quan rồi đưa cho Đỗ Văn. Đỗ Văn xem xét kỹ lưỡng rồi cất cẩn thận vào bóp. Sau đó anh ta mở tủ sách, rút ra một bức thư, trao cho viên cảnh sát trưởng. Ông này cầm lấy bức thư, mừng đến gần ngất đi, run run mở ra coi, rồi chạy vọt ra cửa, không nói thêm một câu nào.

_________________________________________________________________________
Xem tiếp PHẦN IV

 (Trích tuần báo Thiếu Nhi số 105, ra ngày 31-8-1973)


Nguồn : https://tuoihoandmore.blogspot.com