Thứ Ba, 31 tháng 12, 2019

TRANG LỊCH SAU CÙNG - Trần thị Phương Lan

















Tờ lịch cuối cùng phơ phất bay
Sau cùng ngày cuối đến rồi đây
Ngày mai từ giã trần gian nhé
Sống trọn một năm hết kiếp này

Hãy nói đôi lời giã biệt thôi
Một năm bao hạnh phúc đầy vơi
Nắng cháy,  mưa dầm, hay bão tố
Hòa bình, chinh chiến trọn buồn vui

Vừa tết xong rồi đã tháng ba
Thu tàn, hạ tới lại đông qua
Noel, Phật Đản hay Nguyên Đán
Mới đến thì xưa sẽ nhạt nhòa

Ngẫm lại một năm có chạnh lòng
Thứ hai chưa hết, thứ tư xong
Quay tới quay lui tuần lại hết
Ngày tháng thoi đưa thật lạnh lùng

Mỗi tờ lịch sống một ngày thôi
Ngày mai năm mới lại sang rồi
Tre già chết nhường măng búp mọc
Lâu mau gì, miễn sống phải vui

Một hai ba bốn năm giờ, phút 
Sáu bảy tám chín mười tháng, ngày
Vẫy chào lần cuối rồi vĩnh biệt
Ngoài kia trái đất vẫn cuồng quay…

                                     Trần Thị Phương Lan
                                      (Bút nhóm Hoa Nắng)

 Nguồn : https://tuoihoandmore.blogspot.com


CUỐI NĂM - Nhã Uyên

















Hôm nay ngày cuối năm

Gió bên thềm hỏi thăm

Mà cửa  thì  khép kín

Mà  người   đã  xa xăm


Ba trăm sáu mươi ngày

Theo gió cuốn tung bay

Cuối  năm mà chẳng thiết

Khi  bóng tối đầy tay


Cuối  năm  ta giật mình 

Hoàng hôn đến lặng thinh

Buồn vui qua vội vã

Ngày tháng quá vô tình


Hương  thơm mái tóc dài

Những năm tháng miệt mài 

Trăm đường  ai biết lối

 Ta  quên  mất  ngày mai 


Cả một ngày hư không

Ru  thầm lặng trong lòng 

Nhọc nhằn  bay theo gió

Cô đơn   theo mùa đông 


Hôm nay  ngày cuối năm 

Ngày mai  thật xa xăm 

Đời qua  mau  như gió 

Phút chốc  là trăm năm...


           NHÃ UYÊN

Nguồn : https://tuoihoandmore.blogspot.com

Thứ Hai, 30 tháng 12, 2019

CHIẾC ÁO KIỂU - Yến Nguyễn


Sau hai tuần học lý thuyết, hôm nay cô giáo bắt đầu cho chúng em thực hành may chiếc áo kiểu rồi đây. Chao ôi! Thật là một vấn đề nan giải đối với em. Mặc dầu nghe cô giảng thật kỹ nhưng em biết chắc mình sẽ chẳng may được cái gì hết: Từ bé đến giờ, có khi nào em may áo đâu. Quần áo em mặc, chị Hà em may hết á...

Chủ nhật hôm qua, em dậy thật sớm, từ bẩy giờ sáng em đã loay hoay với mớ vải bông dễ ghét này rồi. Đo cắt, tính toán, em lẩm bẩm luôn luôn:

- Kích: vòng ngực cộng cử động chia bốn bằng 77 cộng 16 chia bốn ra... ra... gần bằng 23,5... Hay là:

- Giảm sườn 5 ly, lên 5 ly v.v...

Ôi chao, toàn là số, cộng trừ nhân chia làm em nhức đầu quá. Em đâm ra oán cô giáo ghê:

- Ra chợ, mua đại áo về mặc, vẽ! Chuyện con cóc...

Cái áo thì cứ níu lấy tay em, còn cái vạch này nữa, cứng ngắc làm tay em đỏ lên. Em bực mình. Ơ hay, cục phấn ni sao cứ vỡ vụn ra thế này. Lạ quá đi thôi. Đã thế, em lại càng bực mình hơn: Chị Bằng và Hà cứ lượn đi lượn lại trước mắt:

- Chà, hôm nay cô nàng may áo đấy hỉ, nhận bao nhiêu tiền công một cái đó cô?

- Xí, đừng có giỡn, may xong cho chị lé mắt luôn Chị Bằng thêm vào.

- Dạ thưa cô chủ, tháng sau may xong, cô nhớ cho người qua nhắn để tôi đem mấy xấp vải qua nhờ cô may hộ nghen! Cô tiểu chủ...

Em đã bắt đầu thấy tưng tức, nước mắt đong đầy mắt nai nhưng em cố làm ra vẻ thản nhiên: "Ờ".

Hai bà chị bỏ đi sau khi ném cho em một cái nhìn dài hàng mấy chục cây số và khúc khích cười.

Em thấy nực nội trong người, cửa sổ đã mở hết mà sao vẫn còn nóng thế này. Em nghe rõ cả tiếng giọt mồ hôi rỉ ra, lăn dài trên lưng. Em réo:

- Chị Hai ơi! Pha cho em cốc nước chanh.

Đồng hồ gõ thong thả 12 tiếng. Trưa rồi. Chị Hai bảo em xuống ăn cơm. Không. Phải làm xong cái áo này mới được. Thời gian vụt trôi qua. Em thở ra nhẹ nhõm. Há... xong rồi. Em mở sách may ra. Bây giờ đến xếp 3 hàng ly ở thân trước. Chết rồi, hồi nãy quên chừa vải để xếp ly. Làm sao bây giờ. Em muốn khóc to lên, bỏ hết và chạy xuống ôm lấy má, kể cho má nghe hết nỗi khổ của em. Thế nào má cũng bắt chị Hà may cho em cho mà coi. Nhưng làm như thế mất hết chí khí của kẻ "hồng quần" làm sao. Em ngồi thút thít một hồi. Căn phòng vắng lặng, chỉ có tiếng thở đều đều của hai bà chị. Chị gì mà ngủ như chết, người ta như vậy mà không giúp gì hết. Có chị cũng như không, chả bù cho con Mỹ bạn em, nó chỉ có anh trai thôi mà anh nó cũng còn chỉ cho nó nữa. Huống hồ gì em có tới hai bà chị "yêu quí" lận. Em thấy tủi thân, muốn hét to lên, khóc to lên để má chạy lên dỗ em và lúc ấy em sẽ gục vào bờ vai gầy của má để khóc. Nhưng em ngần ngại: Má còn ngủ trưa.

Hà, thôi kệ, không có xếp ly cũng chẳng sao, bất quá trừ 2 điểm chứ gì. Em leo lên ghế ngồi, thật chễm chệ, em sắp may áo đây. Em mơ màng thấy hiện ra trước mắt chiếc áo thật đẹp, thật xinh và được hạng nhất. Em sung sướng quá.

Ối dào! Máy may sao bữa nay kỳ quá vậy nè. Đạp đi sao nó cứ chạy ngược lại thế này. Nói của đáng tội, đây là lần đầu tiên em đạp máy may cho nên nó không theo ý em. Những lần trước, khi chị Hà may, em chỉ ngồi chống tay vào cằm, mở to mắt nhìn chị ấy may. Tiếng máy ro ro, nghe êm tai. Thật tuyệt. Thế mà:

- Hẳn mi cũng muốn biểu tình chống đối ta hả?

Em hì hục lấy dầu cho vào, kéo dây máy. Thế mà cũng xong: "Điều gì mình muốn là được" Ba nói đúng ghê. Em giơ chiếc áo ra trước nắng trưa. Chu choa ơi! Sao thế ni, dính gì thế này? Thôi chết rồi, dính hết dầu rồi... Em không còn can đảm nín được nữa, và em bật khóc nức nở, khóc mùi mẫn như chưa từng khóc. Có tiếng dép lẹp xẹp: "Chị Hà vào". Em lau vội nước mắt. Chị Hà thản nhiên:

- May xong chưa, trả máy cho tôi may vài cái quần chứ cô nương!

Bực mình, em sừng sộ lại liền:

- Sao hồi sáng, chị nói không có may gì?

Chị cười "nhăn nhở":

- Hồi sáng khác, bi giờ lại khác mà lỵ...

Em vùng vằng thu xếp chỗ ngồi và đem áo đi thử. Đứng trước gương, em ngắm đi ngắm lại. Sao vạt này lại dài hơn vạt kia thế này. Sao cổ áo lại méo vậy cà. Em cố kéo cho nó cân bằng nhưng càng kéo, áo càng khó coi. Mồ hôi em nhỏ từng giọt. Trán em cau lại. Môi em mím chặt để khỏi bật tiếng khóc. Khóc xấu lắm mà... Lại có tiếng dép lẹp xẹp, chị Hà ló đầu vào và la lên:

- Trời đất ơi! Đẹp quá xá quà xa... Hạng nhất cho coi, nếu không, đem đầu chị gắn vào cổ chị đây nè... cưng.

Giọng em nghẹn lại. Em không nói gì được. Hai hàng nước mắt lăn dài trên má. Chị Hà nhe răng trắng ởn ra cười và bỏ đi. Chiều hôm ấy em cũng bỏ cơm luôn...

Chuông reo 6 giờ, em lồm cồm bò dậy. Vừa ra khỏi phòng, em gặp ngay chị Hà:

- Đêm hôm qua ngủ ngon hông cô nương? Chị đi làm nhá! Mi mi...

- Hổng biết, không cần...

Em sửa soạn ăn sáng và cắp cặp đi học. Ơ! Cái gì thế ni: một gói giấy báo và một mảnh giấy cặp vào. Em hồi hộp, tim đập thình thịch, miệng nhẩm đọc:

Chó con,

May cho chó con cái áo này để chấm điểm, lần sau phải kêu tôi chỉ cách đo và xếp vải đàng hoàng nghen không! Hôn chó con!... Hà.

Em đứng lặng, ôm chặt gói giấy vào ngực... Nắng đã lên và thật rực rỡ...


YẾN NGUYỄN    

(Trích từ bán nguyệt san Tuổi Hoa số 120, ra ngày 15-12-1969)


Nguồn : https://tuoihoandmore.blogspot.com

Chủ Nhật, 29 tháng 12, 2019

NGHỆ THUẬT CHO - Nguyễn Hiến Lê tuyển dịch


Đêm đông mà ngồi trước một lò sưởi, ngọn lửa cháy đều, củi nổ lách tách thì lòng ai cũng cởi mở và câu chuyện nổ như pháo rang. Chị bạn tôi, bình thường kín đáo lắm mà tối đó cũng kể lể tâm sự:

- Có một điều làm cho tôi đau khổ nhất là chưa hề tặng ai được vật gì.

Tôi hiểu chị muốn nói gì rồi. Chồng chị đau hoài và hai anh chị nợ ngập tới cổ. Có ba người con, phải rán cho chúng ăn học đàng hoàng, thành thử chị phải tiết kiệm từng xu một. Vậy mà, chị không biết đấy thôi, chứ khắp thành phố không ai được tiếng là hay giúp đỡ người khác bằng chị.

Nghe chị nói vậy, tôi giận, la lên:

- Chị là người rộng rãi nhất mà tôi được biết, tôi xin giảng cho chị nghe.

Thế là chúng tôi nói chuyện về cái việc tặng lẫn nhau, có đi có lại trong đời sống hàng ngày của mọi người. Lần lần vẻ mặt chị tươi ra. Chị đã hiểu cái đức rộng rãi theo một quan niệm mới.

Trước hết chúng tôi nói về tiền nong, vì nói tới rộng rãi thì thường thường người ta nói nhiều nhất tới tiền nong. Dĩ nhiên, không nên coi thường những cơ quan do các phú gia thành lập, vì những cơ quan đó làm được nhiều việc từ thiện lớn lao. Nhưng tôi cho rằng chính các nhà tỉ phú đó cũng phải nhận rằng lòng nhân từ chân chính biểu lộ bằng những cách khác còn đẹp đẽ hơn nữa.

Trong hồi dịch cúm ghê gớm năm 1718, khi mà y sĩ và y tá tối tăm mặt mũi vì công việc, tình cảnh trong các dưỡng đường, bệnh viện thật là thảm hại thì hội viên của một hội thượng lưu nọ ở New York quyết đem sức lực ra giúp đồng bào. Họ giàu có và đã lớn tuổi, có thể chỉ ký một chi phiếu để giúp bệnh nhân, như vậy cũng đủ rồi. Vậy mà họ khoác áo "bờ lu" trắng tới bệnh viện cọ sàn, săn sóc, tắm rửa các bệnh nhân, vỗ về các người hấp hối, an ủi những gia đình đau khổ, mà không ngại mệt nhọc, cũng không sợ lây bệnh. Đó mới là một tấm gương nhân từ chân chính, vì tặng ai bản thân mình mới quí hơn là tặng tiền.

Giá trị một tặng vật tùy thuộc hai yếu tố: hảo ý của người tặng và tinh thần của người nhận. Một ông bạn tôi kể chuyện rằng năm đó, nhân ngày sinh nhật của ông, vợ ông tặng ông một cây mộc lan (magnolia). Ở sở về sớm hơn thường nhật, ông thấy chú làm vườn ông chỉ mướn có nửa buổi, đương đào một cái hố, mặc dầu hôm đó không phải là ngày chú lại làm cho ông. Ông kể:

"Chú làm vườn hay rằng nhà tôi tặng cho tôi một cây ngọc lan, bảo tôi:

- Tôi nghèo, nhưng cũng muốn tặng ông một cái gì và tôi tặng ông cái hố này đây.

Chưa bao giờ một tặng vật làm cho tôi cảm động như lần đó. Tôi không nói quá đâu!"

Khi tặng tiền thì càng tế nhị hơn khi tặng các vật khác. Sarah Bernhardt luôn luôn để một cái chén đầy tiền trong một gian phòng kín đáo. Các bạn đào kép của bà biết rằng có túng tiền thì vô đó mà lấy, chẳng ai thấy đâu. Một họa sĩ nổi danh cũng noi gương đó, bảo tôi rằng thỉnh thoảng ông lại thấy cái chén tự nhiên đầy tiền, như có phép thần vậy. Thì ra người được ông giúp đã thành một người hảo tâm giúp đỡ lại bạn bè.

Có nhiều người đau lòng khi phải nhận tiền của ai. Gia đình một người hàng xóm nọ của bà S... thình lình đau. Bà tặng họ một số tiền để mướn nữ y tá và người giúp việc nhà. Bà giàu mà họ nghèo. Họ từ chối. Bà bèn đích thân săn sóc họ, đi chợ, làm bếp, tới khi cơn nguy kịch của họ qua rồi thì bà vì quá sức mà hóa đau, nằm liệt giường. Những người láng giềng đó vì tự ái một cách vô lối, không nhận tiền bà giúp mà bắt bà phải chịu cực khổ như vậy, quả là không tốt với bà chút nào cả.

Cho nên phải biết vui vẻ nhận mới là con người lịch sự. Không vui vẻ nhận thì có thể làm phật lòng người tặng, gây một vết thương lòng cho người đó. Tôi nhớ có lần gặp ông chồng một bà bạn tôi trở về nhà, tay ôm một gói lớn, vẻ mặt hí hởn như một học sinh được nghỉ hè.

- Chị biết chứ, nhà tôi vẫn mong có một chiếc áo măng tô bằng da lông. Hai năm nay tôi ki cóp từng đồng mỗi chỗ một chút, và mới mua được chiếc áo này đây. Hôm nay là ngày kỷ niệm lễ cưới của chúng tôi. Mời chị về với tôi! Chị sẽ thấy nhà tôi vui mừng ra sao.

Tôi theo ông ấy về nhà. Bà vợ mở gói ra rồi là lên:

- Mình! Tại sao lại mua thứ này tốn kém quá, mà chúng mình cần có một tấm nệm mới kia!... (Bà ta nói tiếp nhưng chẳng vui vẻ chút nào)... Dĩ nhiên, mình thật tốt bụng.

Câu vuốt đuôi đó thốt ra trễ quá rồi. Ông chồng mất cái vui tặng vợ, mà công hai năm ki cóp vì tình âu yếm hóa ra công toi.

Tôi cũng nhớ một thái độ trái ngược hẳn: Một hôm một bà giàu có, được Trời chiều, phàn nàn rằng bận việc mà sắp phải lặn lội ra tỉnh mua một món đồ. Lần đó tôi mới có dịp giúp đỡ bà ta, nhận đi mua giùm cho. Tôi ngạc nhiên và xúc động làm sao khi thấy bà mừng rỡ tới rưng rưng nước mắt và bảo tôi:

- Thật tôi không ngờ chị chịu lặn lội như vậy để làm vui lòng tôi!

Việc tôi làm giúp đó có đáng kể gì đâu mà bà đó niềm nở cảm ơn tôi như vậy làm cho tôi có cảm tưởng rằng chính bà đã gia ân cho tôi. Và tôi nhớ lại câu này đọc trong một cuốn nào đó:

"Vui vẻ nhận của ai một món quà thì cũng như là đã tặng lại người đó một món khác rồi, mặc dầu mình không có gì để tặng".

Tôi nhận thấy rằng không có tặng vật nào đáng quí hơn là thì giờ của mình. Vì tặng ai thì giờ của mình chính là tặng người đó một phần của bản thân mình. Một hôm một ông bạn tôi đương mải làm một việc gấp thì đứa con trai của ông vô. Ông đưa cho nó một con dao nhỏ, một cây viết chì, một đồng bạc cắc để nó chơi, nhưng nó không thích mấy thứ đó.

Ông hỏi nó:

- Vậy chứ con thích cái gì?

Đứa nhỏ đáp:

- Con chỉ thích ba thôi.

Chúng ta biết nhiều bậc cha mẹ bề ngoài có vẻ rộng rãi, không từ chối con cái một chút gì cả, có thể nhịn ăn nhịn tiêu cho chúng nữa. Vậy mà nhiều khi những đứa con được nuông chiều lại hóa ra vong ân.

Cha mẹ nào mà sáng suốt hơn thì nhận thấy rằng không nên cho trẻ nhiều tiền mà phải cho chúng nhiều thì giờ của mình.

Một nhà kinh doanh làm ăn thịnh vượng hỏi một ông hàng xóm:

- Ông có biết Noel này tôi cho cháu món quà nào không?

Ông hàng xóm tưởng rằng món quà tất đắt tiền lắm, cho nên ngạc nhiên làm sao khi thấy ông nọ chìa ra một miếng giấy chỉ có mấy hàng chữ này: "Con cưng của ba, ba cho con mỗi ngày một giờ và mỗi chủ nhật hai giờ của ba để con tùy ý dùng. Ba của con".

Ông hàng xóm đáp:

- Đó là món quí nhất mà một người cha có thể - và phải - tặng cho con.

Một món quà không cần phải đắt tiền ; cũng vậy, thì giờ tặng người khác không cần phải nhiều. Nếu chúng ta không rảnh để bỏ ra cả một buổi chiều đi thăm bạn được thì kêu điện thoại hỏi ít câu, không có thì giờ viết một bức thư thì gởi một tấm bưu thiếp.

Mới chỉ thành thực và nhã nhặn thì chưa phải là nhân từ. Trước hết, cần phải biết tưởng tượng nỗi khó khăn cùng nhu cầu của người khác rồi tím cách giúp sao cho có lợi cho họ. Có một điều tôi muốn dạy cho trẻ trước cả những điều khác là chỉ cho chúng nghệ thuật tự đặt mình vào địa vị người khác, hiểu sự cực nhọc của mẹ, nỗi ưu tư của cha, nỗi sợ sự cô độc của em, rồi tận tâm tìm cách làm nhẹ bớt cái gánh đó cho người thân. Trẻ mà có ý thức tập được tính đó thì sẽ giữ được nó suốt đời và lớn lên, tới đâu cũng được mọi người quí mến.

Phần nhiều ai cũng thích tặng. Cũng may mà có nhiều cách tặng lắm. Thấy người khác gặp may hoặc thành công mà mình cũng vui lây ; hoặc khoan hồng với người khác, chấp nhận quan điểm của họ, nhận rằng ai cũng có quyền có ý kiến riêng, có cá tính riêng, như vậy cũng là một cách tỏ rằng mình rộng rãi, nhân từ.

Biết nhã nhặn, tránh những lời nói, những hành động khinh suất, tàn ác, cũng là có lòng nhân từ nữa ; kiên nhẫn nghe người khác kể lể nỗi khổ của họ, có thiện cảm chia xẻ nỗi khổ tâm, thất vọng, rầu rĩ của người, cũng là một hình thức từ tâm.

Trong mọi cách từ tâm, cách quan trọng nhất có lẽ là nghi ngờ, không tin, không kể lại những lời nói xấu người khác và sẵn sàng tin những điều tốt về họ.

Chị bạn ngồi nói chuyện với tôi ở trước lò sưởi mà tôi đã kể ở trên, mới đây hay tin rằng một người trong bọn chúng tôi bị xã hội tẩy chay. Chị đã tìm ra nguyên do: Chỉ tại một lời vu cáo đê tiện mà kẻ có dã tâm thốt ra đã phải rút lại trước đám đông.

Tôi bảo chị:

- Chị có những cách thức nhân từ như vậy không ai hơn được: chị hết lòng với mọi người.

Dưới ánh lửa, tôi thấy chị e lệ mỉm cười, như đã được nhận một lời an ủi bất ngờ.


I. WYLIE            
Nguyễn Hiến Lê tuyển dịch 

(Trích tuần báo Thiếu Nhi số 116, ra ngày 7-12-1973)


Nguồn : https://tuoihoandmore.blogspot.com

Thứ Bảy, 28 tháng 12, 2019

NỞ MUỘN - Nguyễn Thái Hải


Em vẫn thường bị ba má và anh chị chê là học dốt, thứ nhất là môn luận văn, dù rằng bây giờ em đã ngồi lớp bốn vào những ngày cuối niên học. Các môn khác em cũng chẳng khá gì, thành ra chưa bao giờ em lên được hạng mười trong một lớp bốn mươi hai học sinh. Gia đình em đông, ba má em có đến mười người con, em là thứ sáu, tình thương yêu của ba má dù sao đi nữa, cũng phải loãng đi phần nào vì phải chia xẻ quá nhiều. Phần tình thương em được của ba má vốn đã ít, càng ít hơn từ dạo trường em bắt đầu phát bảng danh dự hàng tháng. Chị Thương, con Thu, thằng Thành tháng nào cũng được, chỉ em là không.

Cho đến mãi mãi, chắc chẳng sao em quên được những buổi học tối ở nhà. Lệ nhà em, cứ đến tối, khoảng tám giờ là chúng em, từ chị Thương trở xuống dưới tiểu học phải ngồi học cho đến chín rưỡi. Thời gian kế đó, dành cho các anh chị học cao hơn. Thường, anh Lương và chị Thảo kèm chúng em. Hôm nào anh Lương kèm còn đỡ, chứ chị Thảo, em đến mệt. Em biết em học dốt, em cố, nhưng em chậm hiểu quá, biết sao bây giờ. Chị Thảo lại muốn em hiểu ngay sau lời giảng. Làm sao em hiểu được. Một lần, chị Thảo dạy em một bài toán. Bài thường thôi, nhưng hơi dài. Chị giảng từng câu, em cố gắng chú ý và hiểu cả. Nhưng sau đó, khi làm bài, em lại quên không biết phải làm bài toán nào trước, bài toán nào sau, hoặc trả lời sai. Chị Thảo đọc bài làm, giận, đánh em một thước. Chị đánh mạnh lắm, em đau, nhưng nín thinh vì biết lỗi. Chị giảng lại một lần nữa, em lại cố gắng nghe, chỉ được nửa bài đã có tiếng ba em mắng: "Cái con Thùy thì phải đánh nó mới được chứ nói nhẹ nó chẳng nghe bao giờ đâu, học với hành gì mà... dốt quá". Em nghe ba mắng, lại quên mất lời chị giảng. Lần này, chị Thảo không dùng thước, mà lấy tay tát em một cái, đau lắm. Mặt em đỏ lên, mắt em cũng đỏ hoe và em khóc. Tiếng khóc của em làm mọi người bực mình. Những tiếng cằn nhằn, la mắng:

- Còn khóc nữa, có im đi không để người ta làm luận...

- Cái đồ học dốt, chỉ được cái bộ khóc là không ai bằng, mày tưởng khóc là tao sợ không dám đánh nữa hả!

- Con gái lớn rồi, học lớp bốn chứ ít ỏi gì, động một tí là khóc, co im ngay đi không?

Câu mắng của ba em khiến em im ngay. Những giọt nước mắt lăn dài trên má, nhỏ xuống cuốn tập bài làm ở nhà khiến mấy nét chữ nhòa đi. Em không khóc thành tiếng nữa, nhưng thỉnh thoảng phải vang lên một tiếng nấc. Chị Thảo giảng lần thứ ba, em vừa thút thít vừa nghe. Cố gắng mấy, em cũng chẳng sao thu thập được. Lần thứ ba, em vẫn làm sai. May, giờ học hết, em được cho khất đến hôm sau. Tối ấy đi ngủ, em không khóc mà nước mắt cứ tuôn mãi đến ướt cả chiếc gối con. Em oán mình sao chậm hiểu quá. Ngủ được, em lại gặp một cơn ác mộng.

*

Em đến lớp sớm hơn mọi hôm. Hôm nay, con Hường, con bạn thân nhất của em, hẹn em tới sớm để hai đứa tính xem chốc nữa về học, hai đứa góp tiền mua cái gì cho con Quyên, nhà vừa bị cháy. Ba đứa em ngồi cạnh nhau, lại thân nhau, thương nhau lắm. Con Quyên nhà nghèo nhưng học giỏi nhất trong bọn. Nó thường làm bài ra trước, bảo em chép, em tự ái, không nghe. Lâu lâu, gặp bài khó quá, em mới hỏi nó một chút. Em với con Hường, nhà không khá gì nhưng đủ ăn. Mỗi lần đi học, em được năm đồng ăn quà. Nhà con Quyên cháy cách đây hơn tuần, em với con Hường bảo nhau để dành tiền quà được đúng một tuần. Chúng em giấu con Quyên, muốn dành cho nó một sự ngạc nhiên. Em tính thế này, về học, em với con Hường sẽ đợi con Quyên về trước, xong mới lẳng lặng theo sau đến nhà nó tặng quà. Rồi lúc về, con Hường sẽ về ngõ nhà em để em chứng minh được với người nhà là em đi thăm bạn, chứ không phải đi chơi. Cứ nghĩ đến lúc con Quyên tròn mắt nhìn hai đứa chúng em trao quà, em lại cười được.

Nhưng con Hường không đến lớp. Mãi khi vào học cũng không thấy nó đâu. Em với con Quyên hỏi nhau không biết vì sao con Hường lại nghỉ. Mãi, em mới nhớ ra chiều qua nó bảo khó chịu, chắc hôm nay phải nghỉ học vì bệnh rồi. Thế là ý định tặng quà cho con Quyên đành phải bỏ dở sao?

Em suy nghĩ và cuối cùng, em định sẽ tự mình mua quà đem tặng con Quyên. Nghĩ là làm, giờ học xong, em đi vội ra ngoài hàng mua vài cuốn tập, còn thừa ít tiền, em mua mận. Phải mua cho nhanh để còn theo kịp con Quyên. Bà hàng nghe em hối, gói nhanh lắm, thế mà em vẫn thấy là chậm. Cuối cùng, rồi em cũng theo kịp bạn.

Nhà con Quyên trước khi bị cháy đã nghèo, bây giờ trông càng thảm hại hơn. Mấy tấm tôn cong queo, nám đen, che trên mấy cây gỗ, chung quanh là vách bằng ván ép, giấy cứng, là chỗ trú của gia đình nó. Má nó đang ngồi giặt đồ trước nhà, mấy đứa em nó ngồi chung quanh xem và nói chuyện. Con Quyên về tới, lũ em nó reo mừng. Má nó chỉ ngước lên rồi lại cúi xuống giặt giũ. Con Quyên vào nhà cất tập vở rồi trở ra, ngồi xuống cạnh má, phụ giặt đồ. Em tần ngần đứng nhìn rồi mới bậm gan bước đến. Con Quyên đang kể chuyện trong lớp cho má nghe. Em đến gần, nó còn chưa biết. Nhưng lũ em nó đã thấy, một đứa kêu:

- Chị Thùy kìa!

Con Quyên ngước lên. Tự nhiên em thấy run, không biết vì sao nữa. Có lẽ vì chưa lần nào em làm một việc tự ý như lần này, mới cảm động mà thế. Em cúi đầu chào má con Quyên, má nó cười bảo con:

- Thôi, để đó má giặt cho, đi nói chuyện với bạn cho vui...

Con Quyên dạ, đi rửa tay, rồi rủ em vào nhà. Bàn học của nó để đủ thứ, sách, vở của nó, của các em nó, mấy cái đèn dầu, cả sổ sách của ba nó nữa. Quyên kéo ghế cho em ngồi rồi hỏi:

- Thùy tới có chuyện gì vậy?

Em ấp úng, những lời em sắp đặt sẵn ở nhà để nói với nó giờ như trốn cả, em chả còn nhớ gì, mãi em mới nói được:

- Thùy... đem tặng Quyên ít quà...

Rồi mở cặp, em lấy mấy cuốn tập ra, cả túi mận nữa. Con Quyên nhìn em không nói được gì. Nó cũng như em, cảm động. Sau, nó phải kêu má:

- Má ơi! Má vô coi nè!

Tiếng má nó hỏi vọng:

- Gì đó?

Một thằng em con Quyên đứng tựa cửa nhìn em với nó nãy giờ, đáp thay:

- Chị Thùy cho chị Quyên cái gì đó... nhiều lắm...

Tiếng má con Quyên:

- Trời ơi, còn bé mà bày đặt chi vậy cháu...

Em chưa biết nói sao, má nó đã tiếp:

- Con Quyên không biết cảm ơn chị sao?

Con Quyên nghe má nhắc mới nhớ, nó lúng búng với em:

- Cám ơn Thùy nhiều lắm... nghe...

Em cố lắm mới giữ được vẻ tự nhiên, chỉ vào mấy cuốn tập, nói:

- Mấy cuốn này để Quyên chép lại bài học đó...

Con Quyên cũng cố tự nhiên trò chuyện:

- Thùy cho Quyên mượn tập nghe...

- Ờ, mai Thùy đem cho...

Rồi em lại nín thinh. Kỳ ghê vậy đó. Thường ngày chúng em chuyện trò như pháo tết, đủ thứ chuyện, thế mà lúc này, tìm được một câu để nói với nhau thật khó. Em thấy đã xong việc, lại chả biết nói thêm gì, mới bảo con Quyên em về. Nó không giữ lại, nói cảm ơn lần nữa. Ra ngoài cửa, chào má nó, em được má nó khen:

- Cháu thật tốt, con Quyên có phước lắm mới có đứa bạn như cháu, cám ơn cháu lắm nghe...

Em dạ nhỏ rồi chào lần cuối, ra về. Đi một quãng, em quay lại. Con Quyên còn đứng nhìn theo em. Nó vẫy tay cười, em cười theo.

*

Ba em hỏi:

- Sáu giờ trường đã tan mà sao giờ này mày mới về?

Em ấp úng:

- Con... con đến nhà một đứa bạn...

- Làm gì?

Em rối lên, không biết trả lời sao nữa. Không lẽ lại nói thật, chưa chắc ba đã bằng lòng, có khi còn thêm nặng tội nữa. Mà không nói, thế nào cũng bị đòn. Thấy em không nói, ba em lại hỏi:

- Ba hỏi sao không nói? Tới nhà bạn làm gì?

Em sợ, đáp bừa:

- Con... tới... chơi...

Thế là ba em giận, sẵn cây roi mây trên tay, ba đánh em túi bụi. Lúc đầu em không khóc, vì em đã nghĩ ngay khi trả lời ba, rằng thế nào mình cũng bị đòn. Nhưng rồi đau quá, em không làm gan được nữa, khóc òa. Má em đứng cạnh đó, mỉa:

- Cho đáng đời, về học không chịu về nhà ngay còn đi chơi, làm cả nhà hoảng, tưởng có chuyện gì...

Ba em kể lể:

- Mày phải biết tao với má mày lo cho mày chứ! Giờ tan học đã lâu mà chưa thấy con về, hỏi cha mẹ nào yên lòng được. Má mày thì phải đi tìm ngoài trường, tao phải xách xe đi tận đằng chợ...

Ba, má! Con biết lắm chứ, con biết ba má thương con lắm chứ! Lỗi ở con tất cả, con đã không liệu trước việc này, con đã quên hẳn xưa nay mình vẫn là đứa học dốt, thật ít được ai tin tưởng. Đáng lẽ con không nên quyết định đến nhà con Quyên một mình, mà phải đợi con Hường khỏi bệnh,, cùng đi. Ắt con không bị đòn. Và bây giờ đây, ắt con không phải ngồi khóc một mình.

Chợt có tiếng anh Lương:

- Mày đến nhà đứa nào vậy?

Em ngẩng lên, mắt nhòa lệ, nhìn anh. Ở nhà, nếu có một người còn thương em chút ít, còn cho em đôi lời an ủi, thì người đó chỉ có thể là anh Lương. Em không giấu anh bao giờ:

- Em tới nhà con Quyên.

- Con bé để tóc dài hay lại đây chơi hả?

- Dạ.

- Đến chơi thôi à?

- Không, em đến cho nó ít quà...

Nghe em nói, anh Lương có vẻ ngạc nhiên, hỏi:

- Mày cho nó quà cơ?

- Vâng, nhà nó mới bị cháy, em để dành tiền quà, mua cho nó ít tập vở...

Anh Lương có vẻ cảm động:

- Vậy mà không chịu nói để bị ba đánh.

- Tại... em sợ ba không tin...

Anh Lương dỗ:

- Thôi, nín đi, để tao nói lại với ba cho...

Anh Lương ơi! Em cám ơn anh lắm. Anh thương em, anh bênh em. Nhưng em không tin rằng với những lời anh nói, có thể xóa bỏ hẳn trong trí tưởng mọi người cảm nghĩ xấu về em. Làm sao em quên được những lời nói mỉa của các anh chị. Chị Thương bảo: "Con Thùy đi chơi thật sướng, tao thèm ghê". Chị Thảo nói: "Tao phục nhất con Thùy, gan quá". Trời ơi! Tại sao mọi người trong nhà lại mang nặng thành kiến về em thế? Em học dốt, em nhận. Nhưng học dốt đâu phải là căn nguyên của mọi sự xấu. Thế mà ai cũng đổ cho em những tính xấu, khi em lỡ phạm một lỗi gì, lỗi thật nhỏ đi nữa. Em buồn quá đi thôi, và em nghĩ có lẽ, hoài hoài, em phải đón nhận những thiệt thòi.

*

Trường em tổ chức cắm trại. Địa điểm là một ngọn đồi ở một vùng ngoại ô. Nhà trường gửi giấy về cho gia đình biết tin, nếu bằng lòng cho con em đi trại, thì điền vào giấy và ký tên. Đáng lẽ em không được đi, chỉ chị Thương, con Thu, thằng Thành là được ; nhờ anh Lương nói hộ ý hẳn anh muốn em vui để bù lại trận đòn hôm trước em mới được cho đi.

Sáu giờ rưỡi sáng chúng em đã phải có mặt tại trường. Bảy giờ xe tới. Chúng em đứng vào từng lớp rồi lên xe, khởi hành. Tám giờ sáng thì đến nơi. Lớp em đi có khoảng hai mươi đứa, được dựng ba chiếc lều. Em ở chung lều với cô giáo. Con Quyên, con Hường cũng vậy. Chúng em dựng lều theo lời chỉ dẫn của cô xong, cùng họp lại khoảng sân giữa chiếc lều. Cô giáo cho chúng em biết những sinh hoạt chúng em sẽ dự...

Trước tiên, chúng em chơi trò "bịt mắt bắt dê". Em xui xẻo làm sao, bị bịt mắt trước tiên. Cô giáo cũng dự trò chơi cho vui, lấy khăn bịt mắt em. Em nghe tiếng cô hỏi: "Mấy ngón?". Có thấy gì đâu, em đáp bừa: "Ba ngón". Cô cười tin là em không thấy được. Các bạn em vây quanh bắt đầu reo, đứa gọi tên em, đứa ca hát, có đứa nói: "Tao nè Thùy". Em hướng về phía có tiếng nói, với tay bắt, thì con bạn đã lẩn đi nơi khác, em chới với...

Cứ thế, với cảm giác của người lạc trong khoảng không đen tối, và có lẽ bao la, em quơ tay tìm kiếm, hướng về phía những tiếng động. Một lúc, có thật nhiều tiếng động ở một phía, em bước nhanh tới. Có những tiếng chân chạy dồn dập, em bước nhanh hơn và túm được một cánh tay. Lũ bạn em reo ầm lên:

- Cô bị bắt!

Giọng cười hiền của cô giáo vang bên tai em. Cô đưa tay gỡ khăn bịt mắt em ra, em phải chớp mắt mấy cái liền mới quen sáng. Cô giáo bị bịt mắt, chúng em cũng đưa mấy ngón tay ra hỏi và sau khi nghe cô nói sai, cả bọn mới dang ra. Trò chơi lại tiếp tục, thật vui.

Hết trò chơi, tất cả ngồi thành một vòng tròn. Cô giáo đứng giữa, cùng chúng em hát những bài hát ngắn, vui. Mồ hôi lăn đôi giọt trên gương mặt hiền của cô, nhưng nét vui phảng phất trong ánh mắt. Em cũng thế, thấy nóng và mệt nhưng vui.

Rồi những sinh hoạt kế tiếp... Rồi buổi trưa...

Cô giáo bắt cả lớp phải đi ngủ trưa. Em, con Hường, con Quyên nằm cạnh nhau, thiếp đi được có chút xíu có lẽ vì hồi sáng nghịch mệt Chợt một con muỗi vo ve trước mặt em, em đưa tay đuổi, con vật bay xa một chút rồi trở lại, em lại đuổi. Con vật quỉ quái cứ như trêu em mãi. Thế là em không ngủ được. Con Hường, con Quyên cũng thức dậy theo. Cô giáo không ngủ, ngồi đọc sách, thấy ba đứa em thức dậy, hỏi:

- Sao không ngủ đi?

- Muỗi quá cô ơi...

Cô giáo cười, nhăn mặt, rồi đọc tiếp cuốn sách. Ba đứa chúng em quay ra trò chuyện với nhau. Trong câu chuyện, không biết đứa nào gợi ra trước mà sau đó, con Quyên được đề cử nhiệm vụ xin phép cô cho đi chơi (dù gì nó cũng là học trò giỏi, cô cưng). Nhưng cô lắc đầu từ chối ngay, nói sợ chúng em gặp chuyện không hay. Chỗ cắm trại là đồi núi chứ đâu phải là khoảng đất rộng đâu. Cô sợ phải chịu trách nhiệm. Chúng em, mặt đứa nào cũng buồn thiu, tiếp nối câu chuyện.

Buổi trưa, nắng len qua kẽ lá in hình lấm tấm xuống nền đất. Những chiếc lều nhan nhản đó đây, nằm im lìm. Em đoán chỉ chừng một giờ trưa. Bốn giờ chiều chúng em phải ra về rồi, mà theo chương trình, hai giờ chúng em mới được thức dậy, sinh hoạt chung hai tiếng nữa. Chỉ có hai tiếng đồng hồ nữa thôi. Ít quá. Có lẽ cả ba chúng em cùng nghĩ như thế nên chuyện trò được một lúc, ba đứa lại trở về chuyện xin đi chơi. Gần một tiếng chứ phải ít đâu. (Ngộ ghê, hai tiếng sinh hoạt chung thì cho là ít mà chưa đầy một tiếng đi chơi riêng lại nghĩ là nhiều) Đi chơi, ít lắm, chúng em cũng được xem hết phong cảnh ngọn đồi, được leo lên những mỏm đá, được chạy nhảy dưới những tàn cây rậm. Nhưng cô giáo đã nói rồi đó, cô sợ lỡ có chuyện gì xảy ra... Biết sao bây giờ? Hay là trốn đi... Thôi, chả dám đâu...

Cô giáo thôi đọc sách nhìn chúng em. Và có lẽ đọc được ý nghĩ của ba đứa qua ba gương mặt buồn thiu, cô hỏi:

- Bộ muốn đi chơi lắm hả?

Chúng em như mở cờ trong bụng, đáp ngay:

- Cô cho tụi em đi chơi một chút xíu thôi, nghe cô...

- Tụi em tới ba đứa, cô đừng lo...

Cô hiền từ:

- Cô chỉ sợ mấy em mải đùa nghịch mà té, dẫm gai góc gì đó...

Biết cô có chút xíu xiêu lòng, ba đứa nài nỉ thêm:

- Cô cho tụi em đi một chút thôi à...

- Tụi em hứa chỉ đi coi phong cảnh...

Cô thương của em, cô bằng lòng sau vài lời nài nỉ của ba đứa em, vì chiều chúng em, mà cô phải phiền vì chúng em.

Được cô bằng lòng sau khi đã căn dặn đủ điều, chúng em mừng lắm dắt nhau lần về phía trên ngọn đồi. Phía này, không có lều của lớp nào cả, toàn đá và cây cối. Những hòn đá to nằm chồng chất lên nhau thật đẹp. Những cây cổ thụ ngả mình che mát từng khoảng. Ba đứa em dắt tay nhau leo lên những tảng đá lớn, chạy nhảy trên những luống cỏ mướt xanh.

Lên khá cao, chúng em mới dừng lại, cùng ngồi trên một tảng đá phẳng mặt. Bên dưới chúng em, những nóc lều phất phới nào cờ xanh, cờ đỏ, cờ vàng, cờ tím... (dấu hiệu của các lớp). Lều của thầy trại trưởng ở chính giữa, ngọn cờ nhà trường nền xanh lá cây, tua vàng nom thật đẹp. Trên này gió lộng, mát. Ba mái tóc của ba đứa em dạt hẳn về một phía. Con Quyên thích quá hát nho nhỏ: "Ai bảo chăn trâu là khổ...". Em hát theo rồi tới con Hường. Chúng em cùng tưởng như mình đang ngồi trên lưng trâu, dù thật sự, là tảng đá lớn. Tiếng hát của ba đứa em đều đều:

- ... Em mới lên năm lên mười... nhưng em không yếu đuối...

Vui quá, ba đứa hát xong ôm nhau cười khúc khích. Rồi con Hường nảy ra một ý, vờ làm người chụp ảnh, dang ra xa, lom khom đưa máy ảnh kết bằng mấy ngón tay bé nhỏ, miệng không ngớt nói:

- Này, sửa soạn chụp đó nghe...

Em với con Quyên cũng làm như sắp được chụp ảnh thật, cười thật tươi, ngồi ra dáng chờ đợi. Và chuyện xảy ra bắt đầu từ trò chơi nghịch này.

Con Hường, mải vờ chụp ảnh, bước lùi không để ý, vướng vào một gốc cây, ngã ngửa. Em với con Quyên hốt hoảng kêu to, cùng chạy đến bên nó. May, nó bám được một cành cây xõa thấp vừa lúc thân mình nhỏ bé của nó sắp rơi từ phiến đá xuống một bụi rậm dưới đó hơn hai thước. Sợ quá, em với con Quyên phải mất một lúc lâu mới đỡ bạn đứng dậy được. Con Hường, mặt tái xanh, xoa chỗ đau nơi chân. Bấy giờ em mới hỏi được:

- Hường có sao không?

Con Hường cười gượng:

- Không sao cả... chỉ sợ thôi...

Con Quyên:

- Mình về chứ?

Hai đứa em cùng gật đầu. Sợ quá rồi. Và ba đứa lần xuống, hướng về phía lều. Ba đứa bàn tính với nhau:

- Giấu cô nghe, cô mà biết thì chết...

- Ừ, giấu chứ, ai mà dám nói...

Gần đến nơi, ba đứa còn đang hồi hộp không biết có giấu cô được không, chợt con Hường kêu lên: "Chết rồi". Hai đứa em dừng lại hỏi nó. Con bé mếu máo đưa tay lên cổ:

Sợi chuyền của Hường...

Em nhìn cổ con Hường, không còn sợi chuyền vàng nơi đó. Hồi sáng này, Hường có khoe em, nó phải năn nỉ mãi, má nó mới cho đeo theo, bà chỉ sợ mất. Vậy mà bây giờ... Tiếng con Quyên:

- Không chừng sợi chuyền bị đứt rơi đi lúc Hường bị té...

Con Hường như không còn biết gì nữa, đứng khóc. Em phải dục mãi nó mới chịu cùng chúng em trở lại chỗ cũ. Leo đến nơi thì mệt phờ, mồ hôi nhỏ giọt. Nhưng đứa nào cũng mừng vì cùng nhìn ra màu vàng ánh của sợi chuyền nằm trên bụi cây dưới phiến đá. Con Hường quên cả sợ tìm lối men xuống. Em với con Quyên cũng vậy, mừng cho bạn mà quên hẳn lời cô dặn: "Coi chừng các bụi rậm". Con Hường đến bên bụi cây, với tay lấy sợi chuyền. Em cười và trong một giây, óc em trống rỗng, không có gì nghĩ ngợi. Em lơ đãng nhìn xuống đám cỏ đang dạt xuống vì bước chân của con Hường. Chợt em kêu to:

- Hường! Con rắn!

Rồi hoảng quá, không biết em nghĩ sao, chạy nhanh về chỗ con Hường men xuống khi nãy, mong sẽ đẩy bạn tránh kịp con rắn nhỏ đang trườn mình tới chỉ cách hơn thước. Lo cho bạn quá, em quên hẳn em đang ở trên một ngọn đồi, mà đường đồi thì dốc, sỏi đá. Em trượt chân từ một góc phiến đá xuống dưới. Em chỉ còn kịp thấy con Hường hốt hoảng nhận ra con rắn dưới chân mình, bỏ sợi dây chuyền chạy lẩn. Sau đó em không biết gì nữa. Đầu em ê ẩm, dường như va vào đá.

*

Hình ảnh cô giáo em hiện ra. Đôi mắt đầy lo lắng của cô vụt tan đi, thay bằng ánh mắt vui mừng. Cô kêu lên:

- Em Thùy tỉnh rồi!

Em nghĩ nhanh đến những chuyện xảy ra và thấy mình có lỗi với cô quá. Cố xin cô đi chơi để khiến cô phải lo lắng. Em định ngồi lên để nói lời xin lỗi cô, nhưng cô ngăn, bảo:

- Đừng ngồi dậy, đầu em còn bị băng...

Nghe cô, em mới nhận ra nằng nặng nơi đầu, có lẽ lớp băng khá dầy. Em chớp mắt mấy cái, lệ đã ứa ra, nhòa hẳn:

- Cô... cô tha lỗi cho em... nghe cô...

Cô cười, nói: "Lỗi gì đâu". Rồi bảo em nằm im, cô bước ra ngoài cửa. Cô đi rồi, em mới nhìn chung quanh. Căn phòng quét vôi trắng toát, không phải nhà em, không phải nhà cô giáo. Bệnh viện. Đúng rồi, bệnh viện. Trời ơi, em sợ quá... Em ở đây, không biết ba má em có biết không... Ba má mà biết thì sao? Liệu em có tránh được trận đòn không?

Cô giáo trở lại, em chưa kịp hỏi, cô đã nói:

- Cô nhờ người mời ba má em đến rồi...

Nghe đến ba má, em sợ đến xanh mặt. Hình ảnh những trận đòn ngày trước hiện ra. Những trận đòn em bị sau khi phạm một lỗi nhỏ nào, ám ảnh em mãi. Em lo lắng:

- Cô... ba má em... em có sao không?

Cô hiểu lầm câu hỏi của em, nói:

- Em chỉ bị nhẹ nơi đầu thôi, không sao đâu.

Em trình bày ý mình:

- Ba má em... có... có đánh em không? Cô?

Cô cười, hiểu ra, bảo:

- Đánh gì? Ai đánh người bệnh bao giờ, nhất nữa là vì em thương bạn mà mới bị thế này...

Có tiếng ồn ào ngoài cửa phòng, bóng chị y tá hiện ra rồi ba em, má em, các anh chị của em, cả con Quyên, con Hường nữa. Em ứa nước mắt, vừa mừng, vừa lo, vừa hồi hộp. Má em chạy lại ôm em:

- Con làm má sợ quá...

"Con làm má sợ quá". Bao lâu rồi, em mới nghe má nói như thế, nói một câu thật tầm thường nhưng chứa bao thương yêu. Em ấp úng:

- Má... Má giận con không má?

- Giận gì đâu nào, má biết con tốt với bạn lắm... Chuyện bữa trước, anh Lương con mới nói ba má nghe... Đừng buồn ba má nghe con...

- Má... má nói thiệt chớ má? Ba má không đánh con nghe...

Anh Lương đứng cạnh, quay đi. Lúc anh quay lại, em thấy mắt anh hơi đỏ. Có lẽ anh hiểu ý câu nói sau của em hơn cả. Em vẫn chưa  quên được rằng em là đứa con chịu nhiều thiệt thòi hơn cả. Cái thiệt thòi bắt nguồn từ cảm tưởng của mọi người về việc học của em ; việc học làm phiền ba, phiền má, phiền các anh, các chị. Em vẫn chưa quên được đã nhiều lần, và ngay đến lúc này, em vẫn còn nghĩ rằng mọi người trong gia đình không sao có được một ý tốt về em. Chỉ vì em học dốt!

Má em nói:

- Đánh gì? Thấy con mạnh là ba má mừng lắm rồi...

Con Hường, con Quyên len đến bên em. Con Hường nắm tay em, giọng cảm động:

- Thùy thương Hường quá, không có Thùy, Hường bị nguy rồi...

Em hỏi bạn:

- Sợi chuyền đâu rồi, Hường?

Con Hường ngẩng mặt, cổ nó trắng ngần với sợi chuyền vàng ánh. Em nhìn sợi chuyền, nhìn lên khuôn mặt với đôi mắt rưng rưng của bạn, nhìn sang cô giáo, con Quyên, ba em, má em... Cuối cùng, ánh mắt em dừng ở anh Lương, em hỏi:

- Phải ba má không đánh em nữa không anh Lương?

Không ai hiểu được câu nói của em cả trừ anh Lương. Và cũng chẳng ai có thể hiểu sâu xa tiếng "ừ" của anh trả lời em ngoài em ra.

Một thoáng, em nghĩ là mình đã thôi không còn chịu thành kiến của gia đình nữa. Mọi người đã hiểu em bất hạnh, trời không thương bắt chậm hiểu, học dốt, nhưng bù lại, em có thật nhiều tình thương để giang trải cho các bạn, cho các người thân yêu trong gia đình.

Em mong ý nghĩ của em là đúng, hẳn em phải sung sướng lắm với sự cảm thông của gia đình, sự cảm thông đến như đóa hoa nở muộn.

Và dù dở luận văn, em vẫn định khi lành bệnh rồi, em sẽ ghi lại những chuyện xảy đến cho mình.


NGUYỄN THÁI HẢI    

(Trích từ bán nguyệt san Tuổi Hoa số 190, ra ngày 1-12-1972)


Nguồn : https://tuoihoandmore.blogspot.com

Thứ Sáu, 27 tháng 12, 2019

CÂY ĐINH VỀ GIÀ - Lê Tất Điều


Tặng các bé thơ
Trời mưa nước thấm qua tường, gầm tủ hơi ẩm ướt. Một bác Đinh già nằm lặng lẽ buồn với cơn sốt vàng da đã trở nên nguy kịch. Hồi xưa bác là chân của một chú con Quay gỗ. Bác cùng chú xoay tít trong những buổi mai nắng hồng, bác xoay tít trên hè phố, trong sân trường. Chú Quay gỗ nghiêng nghiêng chạy vòng quanh các đối thủ, chú giữ thăng bằng tài tình như một người làm xiếc. Khi những con quay khác kiệt sức, ngã quị, chú Quay gỗ còn đứng, thẳng tắp. Trên trường đấu, kẻ đứng vững sau cùng được kể là thắng cuộc. Trước khi đổ xuống, chú Quay gỗ đảo vài vòng. Bác Đinh đã từng khen ngợi:

- Thân hình chú cân đối lắm chúng ta mới tạo được những thành tích vẻ vang như vậy.

Chú Quay gỗ khiêm tốn:

- Tất cả nhờ chân bác. Nếu chân bác không tròn, nhẵn đầu, tôi làm sao đứng vững được.

Bác Đinh hiểu điều đó, bác thầm kiêu hãnh. Chân bác đâu có giống chân cẳng những chú đinh tầm thường. Họ có những cái cẳng nhọn hoắt. Với cái cẳng như vậy họ chỉ có ước vọng là kiếm một chỗ đứng, đứng thật chắc, vĩnh viễn. Cho nên nhiều chú đinh gẫy gập xuống như một bà già còng, vẫn cố bám chặt vào tường.

Bác Đinh của chúng ta không thuộc loại cẳng nhọn, bác có chân tròn sẵn sàng thích hợp với những cuộc phiêu lưu.

Cùng với chú Quay gỗ, bác cất bước giang hồ. Nơi nào bác đến cũng có tiếng trẻ thơ reo cười, có nắng hồng, gió mát. Bác hiểu thế nào là mây trắng trời xanh, bác quay vù vù và cảm thấy dễ chịu. Hình như bác đang được hòa mình vào sự chuyển động không ngừng của vũ trụ.

Bác Đinh yêu nhất những buổi chiều trên đồi. Đỉnh đồi có một khoảng đất nâu hồng, xung quanh cỏ xanh mướt. Chú Quay gỗ chỉ có thể chạy vòng tròn trên đất, lạc đường một chút là vướng cỏ, mất thăng bằng. Đất không quá mềm khiến bước chân phiêu lưu của bác bị níu kéo. Đất không quá cứng khiến bác nhảy nhót làm chú Quay gỗ mất sức. Trên khoảng đất bằng phẳng dễ chịu ấy, bác Đinh vừa xoay vừa lướt nhẹ nhàng như tài tử trượt trên băng.

Những ngày tháng êm đẹp nhất của đời bác Đinh chấm dứt khi chú Quay gỗ bị thương, vết thương nứt ra. Đinh và Quay vĩnh viễn từ giã nhau trong gầm tủ. Một buổi sáng chị Chổi đưa chú Quay gỗ ra thùng rác, bác Đinh kẹt lại.

Một nhân vật giang hồ như bác ít khi chịu than thở. Bệnh sốt vàng da làm thân thể bác mất hết màu sáng khỏe mạnh. Bác lặng lẽ chịu đựng chờ tháng ngày qua. Chú Quay gỗ trước khi bị cây chổi tiễn đưa đã nói với bác:

- Chúng ta đã sống xứng đáng phải không bác?

Thân thể chú Quay gỗ gần vỡ làm đôi. Nhưng chú sống cuộc đời con Quay một cách tuyệt vời. Bác là một phần thân thể của chú Quay gỗ, bác muốn giữ cuộc đời chú trước sau đều đẹp, không một lời than thở.

Một buổi chiều, có em bé Đinh ốc lăn vào gầm tủ, cạnh bác. Nó nhỏ xíu, da dẻ ướt nhẹp, nhưng sáng láng.

Bác hỏi:

- Ranh con, mày ở đâu ra đó?

Đinh ốc nhỏ nhẹ:

- Thưa bác, cháu ở trong chiếc xe hỏa của cậu bé. Xe rớt từ bàn học xuống nhiều lần, anh em cháu ly tán gần hết.

Bác Đinh dịu giọng:

- Ở một mình mày sẽ khổ con ạ.

Đinh ốc có vẻ tinh quái:

- Cháu biết dư. Như bác ở một mình, bác đang đau. 

- Ngày xưa da dẻ tao đâu có sần sùi dơ dáy thế này.

- Tại bác không có chiếc áo dầu như cháu. Cháu không sợ bệnh sốt vàng da.

Thân thể bé quá thực có một lớp dầu che phủ. Với chiếc áo ấy, nó sẽ thọ lắm.

Bé Đinh ốc hỏi:

- Chắc bác đau lắm?

- Chút đỉnh mà ăn nhằm gì.

- Để cháu đưa cho bác một ít dầu.

Một hơi gió chiều lướt qua cửa, tung bụi xuống gầm tủ. Nương theo hơi gió, Đinh ốc lăn nhẹ nhàng đến bên bác Đinh. Một chút dầu dính vào cái thân thể gầy còm đã vàng khè của bác. Bác Đinh không thích chiếc áo dầu. Nhưng bác lặng lẽ để cho bé Đinh ốc thực hiện hành động chia áo. Bác mừng thấy Đinh ốc tốt bụng và biết thương muôn vật. Bác cám ơn bé và chúc nó sớm trở về toa xe hỏa, đoàn tụ với anh em, trở thành một vật hoạt động, hữu ích.

Chỉ có một lần bác Đinh nói nhiều nhất. Bác tâm sự với chú Quay sừng.

Bác nói:

- Chắc chú vẫn nghĩ ta là một phế binh phải không?

Chú Quay sừng đáp:

- Thưa không. Ông anh là một chiến sĩ về già, em vẫn mơ ước có cái chân tròn nhẵn như ông anh.

Bác Đinh xúc động. Đám trè ngày nay không quá kiêu căng như bác tưởng. Mỗi vật có một thời rực rỡ, bệnh sốt vàng da làm hư thân thể bác, không làm mất mát phút giây nào của một thời rực rỡ kia.

- Cám ơn chú đã biết kính trọng tuổi già.

- Đáng lẽ lúc này bác phải có chiếc áo dầu che chở như bé Đinh ốc.

- Không ta không cần thứ đó. Thật tình ta chỉ ước mong được hoạt động, xoay tròn mãi mãi. Ta nhớ đất rộng trời cao. Cái thuở ta còn xoay tít, ta đâu có sợ nước, ta sáng láng mạnh mẽ. Trên đường xoay tròn, đôi khi ta vấp phải sỏi đá. Chú biết đấy, chúng ta đâu có sợ sỏi đá, chúng làm chân ta tròn hơn, nhẵn hơn. Chúng giúp ta xoay tròn bền bỉ.

- Bây giờ tệ quá, một giọt nước đủ làm ta lạnh và rồi bệnh sốt vàng da…

- Em hiểu ý bác…

- Chú cũng chẳng cần phải mặc áo dầu, nếu chú còn được xoay tít mãi mãi. Ráng lên chú em, chớ có dại dột nằm bất động. Tuổi trẻ của chú dài vô cùng nếu chú luôn luôn xoay tít. 


LÊ TẤT ĐIỀU



(Trích tuần báo Thiếu Nhi số 20, ra ngày 26-12-1971) 


Nguồn : https://tuoihoandmore.blogspot.com


Thứ Năm, 26 tháng 12, 2019

MƯỢN VÀ CHO MƯỢN - Đỗ Phương Khanh


Các em thân mến của chị! Nếu bây giờ mà chị gặp các em, trời nắng chang chang, chị hỏi mượn em cái nón (nếu em có), chị tin chắc là em sẽ sẵn sàng cho chị mượn ngay chứ gì. Em tốt lắm. Sẵn sàng nhường tiện nghi của mình cho người khác để mình chịu phần thiệt thòi, là một trong những đức của nhà Phật là từ bi, nhà Khổng là lòng nhân đó em ạ. Thế nhưng nếu chị đang khỏe mạnh, có thể chịu nắng được, mà đòi mượn của em như vậy, để em phải hy sinh cho chị, thì chị lại là người bất lịch sự mất rồi. Cho nên, chúng ta cũng nên bàn qua về vấn đề mượn và cho mượn, thiết tưởng cũng không đến nỗi vô ích phải không các em.

Khi các em cần một món đồ gì mà bạn dư, em có thể hỏi mượn nếu sự mượn không làm phiền bạn. Trong cách hỏi, nên dành cho bạn một lối thoát đề nếu bạn không muốn cho mình mượn, bạn cũng không bị mắc cỡ. Bạn không cho mượn em đừng buồn giận, vì có thể bạn cũng cần như em. Nếu bạn cho mượn, em nên giữ gìn thật cẩn thận, hơn là đồ của em nữa, và tìm cách trả lại càng sớm càng tốt. Lúc trả ráng sao cho tình trạng món đồ được tốt hơn hoặc ít ra thì cũng phải bằng lúc em mượn. Chị còn nhớ, dạo bé, nhà hàng xóm chị đãi tiệc yến lão rất lớn. Ông chủ nhà phải mượn rất nhiều đèn "măng sông" (vì ở nhà quê không có điện). Hôm tiệc xong ông bảo người nhà đem hết tất cả đèn ra chùi rửa láng bóng, châm dầu đầy hết các đèn xong rồi mới sai người nhà đem trả và kèm theo lời cám ơn. Chị tin chắc ông cụ đó khi nào còn cần xài đồ gì mà phải đi mượn thì hàng xóm sẽ rất sẵn sàng cho mượn.

Tuy nhiên, có một vài thứ các em nên ráng tránh đừng mượn. Thí dụ: Đến nhà bạn thấy cuốn sách quí, em đừng hỏi mượn mà chỉ nên xem tại chỗ, bút máy bạn đang viết có chiều riêng, em mượn viết, lát sau bạn xài sẽ bị gai giấy. Hoặc là những món đồ kỷ niệm, em cũng không nên mượn vì rủi mình làm mất thì sẽ không thể đền bạn được. . Người lớn thì còn phải tránh mượn nhiều thứ như: Súng, xe hơi, máy ảnh v.v...

Mượn là chuyện bất đắc dĩ, và điều cần nhất là ráng tránh gây buồn lòng người cho mượn được chừng nào tốt chừng nấy. Nhưng người cho mượn cũng nên ráng tránh cho người mượn đồ của mình đỡ áy náy chừng nào tốt chừng nấy. Nếu em có món đồ mà người khác vì không có phải hỏi mượn, ấy là Thượng Đế đã ưu đãi em hơn bạn rồi, em càng nên cám ơn Thượng Đế bằng cách đừng ích kỷ để buồn lòng Thượng Đế. Nếu có thể, em nên vui vẻ cho bạn mượn và nếu bạn có lỡ làm hư hỏng, em nên an ủi cho bạn khỏi ân hận quá. Tóm lại, chỉ cần nhớ mấy câu ngắn ngủi: "Ráng đừng làm buồn lòng nhau", thì mọi sự sẽ dễ dàng xiết bao.

Cuối cùng, để cho câu chuyện có thêm phần kết cấu đậm đà, chị mời các em đọc một truyện ngắn trong cuốn "20 truyện tuyệt tác", loại sách Song ngữ của nhà xuất bản Ziên Hồng, truyện mà được nhiều nhà phê bình coi là truyện ngắn hay nhất của văn hào Guy de Maupassant. Truyện rất sâu sắc về con người, nhưng trong tầm hiểu của Thiếu Nhi chúng ta, truyện cũng đã đủ hay rồi. Chỉ cần hiểu đến lòng tự trọng của người đàn bà đi mượn, chị đã thấy mênh mang thương cảm. Đó là truyện: "Chiếc vòng kim cương".

Nếu các em chưa tìm đọc được, chị xin tóm tắt: "Có một người đàn bà đẹp, chồng là tiểu công chức, một hôm được ông bộ trưởng mời dự tiệc. Bà ấy muốn khỏi thua kém mọi người nên mượn bạn một chiếc vòng cổ có nhận hạt rất đẹp của bạn. Tan tiệc, về tới nhà thì thấy đã mất.

Vợ chồng bà ấy hốt hoảng tìm tòi, cuối cùng không thấy, họ đành đi tìm mua chuỗi khác giống như thế ở một cửa hiệu kim cương rất lớn rồi để vào chiếc hộp cũ và hy vọng sẽ được như chiếc vòng của bạn để bạn khỏi buồn. Khi đem trả họ lo lắng sợ bị phiền trách, may thay bạn không hề coi lại chỉ lơ đãng cất đi. Số tiền mua vòng họ phải vay cào cấu với số lãi rất nặng mà họ phải làm lụng cực nhọc trong suốt 10 năm trời mới trả xong. Một hôm sau một ngày mệt nhọc, bà ấy đi tản bộ và gặp lại bà bạn cũ đã cho bà ấy mượn chiếc vòng. Nghĩ rằng bây giờ công nợ trả xong rồi, lòng thơ thới hân hoan, bà ấy muốn nói với bạn tất cả câu chuyện. Khi bà ấy chào, bà bạn không còn nhận ra được người đàn bà bình dân kia là ai. Đến lúc bà bạn nghèo xưng tên, họ mới nhận được nhau. Bà bạn giầu ngạc nhiên sao bạn lại lam lũ như vậy. Bà bạn nghèo nói cho bạn biết câu chuyện làm mất chiếc vòng nhận hột và mười năm làm lụng cực nhọc để đền bạn, với tấm lòng sung sướng thanh thản và hãnh diện rằng đã trả xong nợ.

Nhưng bà bạn giầu cảm động quá mà nắm lấy tay bạn nói rằng:

- Trời ơi! Tội nghiệp bạn! Vòng của tôi là của giả, chỉ đáng giá vài trăm bạc mà thôi!"

Các em ơi! Cái gì có thể cho mượn, em nên cho người khác mượn và cái gì có thể không cần mượn em nên ráng đừng hỏi mượn, giữ được điều đó, lòng em sẽ thanh thản được phần nào.


Chị ĐỖ PHƯƠNG KHANH   


(Trích tuần báo Thiếu Nhi số 18, ra ngày 12-12-1971)


Nguồn : https://tuoihoandmore.blogspot.com