Thứ Tư, 25 tháng 12, 2019

BÉ THÔNG - Lê Nguyễn Mai Trắng


Và bây giờ, em đã trưởng thành, thật sung sướng vô ngần, anh chị ạ! Bởi vì, em được cái may mắn là một ngọn thông xinh nhất trong rừng thông này.

Hôm qua, có biết bao nhiêu lời khen tặng, chúc mừng cho em, làm em có một tị nào đó kiêu hãnh. Hơn thế nữa, em lại lớn lên vừa đúng lúc mùa Đông. Tuyết trắng, tuy lạnh giá mà mịn màng ấy vương vít đầy dẫy, những cánh tay thon dài xanh biếc của em bị nhuộm trắng cả. Em hơi tiêng tiếc và xụ mặt xuống buồn thiu. Chả là em sợ cái xinh xắn của em bị con nhà tuyết làm tan mất, rồi chả ai thèm ngắm em đâu. Các anh chị nhé, ở đỉnh đồi này, gia đình thông của em chiếm ngụ hết cơ đấy, nhưng phần đông là những người già cả xấu xí không cơ. Em còn nhớ, khi em bé xíu, chú thông cằn có kể chuyện cho em nghe thế này: Đỉnh đồi ở đây, nhờ có thông nên xanh mát và đẹp mắt, loài người hay tìm để picnic, để đi dạo dưới rặng thông, để tâm tình, nghe thông hát. Nhưng nguy nhất là mùa đông, dù tuyết phủ dầy, loài người vẫn chẳng quên đồi thông ngút mắt này, họ đến và tìm kiếm những thông xinh đẵn mang về nhà mừng sinh nhật Chúa. Những thông còn sống lại đây là những thông xấu xí họ chê, nhờ thế mới tiếp tục sinh sản và tiếp tục mất đi những đứa con, đứa cháu đẹp đẽ khó ai bì. Rồi chú ấy nhìn em, nom cặp mắt xanh lè của chú mới buồn thảm làm sao, chú ấy nói:

- Thấy bé con xinh đẹp ta mừng, nhưng ta ngại bé con sẽ chẳng sống được bao lâu vì mùa đông sắp tới.

Em trấn an chú và cũng để trấn an cả ba mẹ:

- Không đâu cơ, cháu sẽ ở lại đây hoài và cháu sẽ giả vờ xấu xí để thoát khỏi tay của họ. Chú nhé.

Ba mẹ em nghe em nói thế, mừng quá, cười vang cả đồi. Chú Thông Cằn gật gù khen em ngoan ngoãn, đáng yêu. Nhưng, em lại có nhiều thắc mắc, anh chị ạ! Em chả hiểu, khi đẵn em đi rồi (giả vờ thế mà) loài người mang đi đâu, về thành phố hay về đồng quê? Ở một khu phố hay một biệt thự? Và em cũng chả hiểu họ làm gì với em để mà mừng Sinh Nhật Chúa. Em nghĩ là với bầu trời bao la đen huyền thêu đầy sao lóng lánh, với ngôi sao Báo Tin cao cả rực sáng, với ngàn muôn tiếng hát của thiên thần, nhất là cỗ bàn lễ nửa đêm đầy ắp thức ăn, loài người dư có một đêm sinh nhật tuyệt vời rồi. Lại còn chuông giáo đường này, lại còn quà của ông già Nô En râu trắng này, ồ! Có khối thú vui. Thế sao họ cần em nhỉ?

Những thắc mắc này, em đem ra nói hết với những người xung quanh em và em được thỏa mãn hết cả. Bởi thế, em đâm ra mơ ước được họ đẵn đi mất, mang em đi về với họ trong đêm thánh vô cùng ấy! Nỗi ước mơ mà em chẳng dám nói với ai, bởi vì em biết khi nói ra, em sẽ bị chê, bị mắng đủ điều cho xem. Nhất là cái tội bất hiếu. Thế nhưng, em nao nức quá đi thôi. Em muốn nhìn thấy người em kết đầy hoa đăng dựng cạnh hang Bê Lem, em muốn được thành phần tử quan trọng của đêm sinh nhật Chúa, y như lời cụ Thông Móm kể lể. Và như vầy nữa cơ, đâu phải ai mơ ước, thèm thuồng được đeo vào người đèn hoa, được thành cái gì quan trọng, là được toại nguyện cả đâu. Ít ra cũng phải xinh đẹp như em cơ đấy. Dù sao chuyện được loài người chú ý mang về vẫn đáng để hãnh diện chứ? Em nghĩ thế và bắt đầu chưng diện, lo lắng dung nhan của em. Thế nào, em cũng toại nguyện.

*

Em đứng yên cho họ chấm điểm phê bình. Thỉnh thoảng em lắc mình làm điệu mấy cái và còn giả vở nũng nịu nữa cơ. Họ không chê em vào đâu được, thế là họ mang dụng cụ ra, nào cưa, nào đục, nào dây thừng. Em nhìn bắt chóng mặt, chắc là đau lắm. Ba mẹ và anh chị cùng với bà con họ hàng Thông của em kêu khóc thảm thiết, họ buồn vì em sắp rời xa họ, họ buồn vì họ sẽ mất đi một em, cháu xinh xắn. Tiếng khóc não nề đến nỗi một trong bọn chuẩn bị đẵn em, phải kêu lên:

- Ơ, sao tiếng thông reo hôm nay buồn quá nhỉ?

Nhưng rồi họ cũng chả để ý đến, họ bắt đầu thi hành công việc, em bị cưa dưới chân soàn soạt, máu ứa ra từng loạt, hồi mới em còn cắn răng chịu được, nhưng càng lúc càng đau, đã thế họ lại còn buộc dây thừng vào người em giật mạnh nữa, em chả còn cố nén được, em hét lên và ngất lịm. Thoang thoảng bên tai, tiếng của gia đình Thông nức nở nghẹn ngào, em muốn chổi dậy nhìn lại ba mẹ, và tất cả lần cuối, em muốn nói lời thân ái với tất cả, mà em chả làm được gì, em đau đớn vô cùng. Chả hiểu em ngất đi như vậy bao lâu nữa, đến chừng em tỉnh lại thì em thấy em đang nằm chen chúc với bạn bè cùng đồi. Em đã quên mất ba mẹ, em chỉ nhớ rằng em đang bị đè lấn. Mặc cho bạn bè tỉ tê khóc lóc, em quẫy mình cau có:

- Mấy bồ xê xê ra chút coi, lấn người ta đến gẫy cả tay hà.

Một tiếng nói ướt nhòe nước mắt:

- Ai mà lấn gì đâu nào. Chúng mình đang ở trên xe chạy về thị trấn để bày bán, vui gì mà lấn, mà chen.

Em bỗng tỉnh táo hẳn người, về thị trấn, ôi chao, mơ ước em đã tựu thành, rồi sẽ có người đến mua em và mang em về nhà, em ngẩng mặt nhìn hàng cây điền ma lao vùn vụt về phía sau mà nghe vui sướng chi lạ. Em cất tiếng hát khe khẽ rộn ràng: Đời ta xinh như hoa Tương Tư, màu tuy buồn nhưng rất tuyệt vời, bao người thương và bao người yêu, ôi đời ta sao quá mỹ miều... Lại có tiếng nói lúc nãy, hình như bên dưới em thì phải:

- Bồ làm gì mà ca hát thế? Vui lắm à?

Em nhăn mặt, định trả lời, nhưng thôi, nói qua nói lại sẽ thành gây gổ nhau mất. Em yên lặng, người bên cạnh lại bảo:

- Xa đồi thông, xa ba mẹ bồ không buồn à?

Em nghênh mặt:

- Buồn gì?

- Buồn chia ly buồn xa cách.

- Bồ chỉ khéo phịa, làm gì có cái thứ buồn đó. Buồn vì ba la, buồn vì mẹ mắng thì có, đằng này, bồ được đi du lịch, vì đi du lịch ở thị trấn náo nhiệt, cớ sao lại buồn, phải bảo là vui chứ?

Thêm tiếng nói khác, nghèn nghẹt, có lẽ tại bị nằm tuốt dưới sàn xe:

- Ơ, bồ nói sao hay thế. Bồ chả xứng đáng làm thông tí nào. Cha mẹ sinh ra ta, tự nhiên xa các người ta phải buồn, phải nhớ chứ. Đi như thế này là vào cõi chết đấy, vinh hạnh chi mà bảo vui.

Em cười gằn, em chả có lắm chuyện mà sao bạn em lại lắm chuyện thế không biết, đã vậy thì thôi em không nói nữa. Bởi vì có ai giống em đâu, em thì vui, bạn em thì buồn, trái ngược nhau quá chừng. Em lại im. Và bạn em, chừng như tưởng em im vì lời nói ấy thì phải, nên tiếp tục làm "thầy đời":

- Mai đây, bọn mình sẽ bị chưng bán ngoài hè phố, phơi bày xác thân cho người ta mặc cả giá hàng. Rồi mình sẽ chết rũ cơ, bồ ạ. Chẳng có thức ăn cho mình sống, chẳng có sương lạnh cho mình uống, mình sẽ chết...

Nói đến đây bạn em thút thít khóc, làm những người khác mủi lòng khóc theo. Em cũng vậy, nghĩ đến chết em sợ quá, chỉ vì ham vui mà em quên bẵng. Bây giờ thì, chao ơi, là lo. Em bặm môi lại, cố gắng nói một câu thật oai:

- Thông mà, chả sợ chết bao giờ. Chết là hết.

Chiếc xe vẫn lao đi vùn vụt và đổ lại. Em nhắm kín mắt, em sợ chết, vâng, đúng vậy. Bên tai em, tiếng lao xao cùng với tiếng búa nên đinh nhức óc. Em hoảng hốt, em khóc rồi gọi mẹ, gọi ba...

*

Sau lúc mặc cả giằng dai, người bán bằng lòng giao em cho hai vợ chồng có cô con gái tóc vàng dễ thương với giá tiền là năm ngàn đồng, luôn cả những sợi hoa dăng trên người của em nữa. Cô bé tóc vàng vịn vào một cánh tay của em, líu lo nói:

- Ba ạ, cây thông này xinh quá, ba để cạnh hang đá hay để ở lò sưởi hở ba?

Người đàn ông vuốt đầu con, trìu mến:

- Thế con muốn để ở đâu nào?

- Con muốn để ngoài sân cơ, cạnh bên hang đá ấy. Trong nhà có cây thông giả bằng kim loại rồi, mang để cạnh lò sưởi cũng được.

- Con không sợ papa Noel chê xấu à? Người mẹ mỉm cười nói.

- Papa Noel chả chê đâu má ạ. Tự vì con muốn dành đẹp cho Chúa mà.

Hai vợ chồng nhìn nhau cười thật vui. Và em được khiêng ra để lên xe nhà của họ. Chiếc xe chạy đi thong thả, em nhìn quanh, người đi sắm đồ Noel sao mà đông đúc, tấp nập quá. Nhưng em chỉ thích những cô, cậu be bé nắm tay ba mẹ nũng nịu đòi quà. Dễ thương vô cùng. In hệt cái cô bé tóc vàng trên xe này vậy. Em bồi  hồi tưởng tượng cái lúc được đứng trịnh trọng bên hang đá Bê Lem với đèn hoa rực rỡ, ôi em sung sướng vô ngần. Giả vờ như thế này nhé, đêm Sinh Nhật Chúa dù có trình bày long trọng đẹp đẽ thế nào cũng chả có trọn vẹn cái đẹp ấy, nếu thiếu bóng cây thông. Có lẽ loài người nghĩ thế, nên chi hàng thông bày bán hai bên hè phố cứ được chiếu cố đến luôn. Quà Nô En nhiều thứ xinh xắn đáo để mà vẫn bị kém vì thông. Như thế, em hằn là người may mắn. Em được đứng cạnh những vị cao cả, đấng tôn thờ, em được treo đèn hoa rực sáng, và chắc chắn rằng sự hiện diện của em phải làm tăng thêm vẻ xinh xắn của đêm Chúa ra đời. Em mỉm cười một mình.

*

Và bây giờ, em đang ở vào một hoàn cảnh mà khi trước em chả bao giờ nghĩ tới. Ngày vui sao qua mau, để em tàn tạ mỏi mòn chẳng còn ai để ý săn đón, ngợi khen. Mới hôm nọ, trên thân thể em treo đầy quà bánh và đèn đuốc, hai vợ chồng với cô bé tóc vàng ríu rít trang hoàng cho em. Em tưởng chừng như mình là một vì vua trong ngày lễ đăng quang được thần dân chăm lo. Đúng vào cái lúc chuông nhà thờ đổ vang báo hiệu lễ nửa đêm, thì mâm cỗ rề vây dông được bày trước mặt em, thật thịnh soạn, những cái buche ngon lành nằm trên dĩa phô trọn chocolat lênh láng kem màu trắng, thêm con ngỗng chễm chệ ngay đầu bàn. Thịt vàng ươm, ngậy mỡ, bên trong lại dồn đủ thứ hạt, đủ thứ nhân. Dĩ nhiên, em không được ăn món nào, nhưng được nhìn cũng thấy sướng rồi, lại nữa, bạn bè của cô bé tóc vàng đến dự lễ chung, ngắm nghía em say mê, và khen em thật nhiều. Họ vịn vào em, chụp mấy kiểu hình, họ tung hoa giấy lên người em, reo vui bên ly nước ngọt. Rồi họ chia nhau hái quà đang treo trên những cánh tay của em. Họ thích thú trong khi em xơ xác dần, rụng lá, rụng cành, đớn đau từng chập. Nhưng em cũng chả trách chi họ, nói cho đúng hơn là chưa kịp trách, thì thấy papa Noel hiện ra với bộ quần áo đỏ, râu tóc bạc phơ, hiền lành xách gùi đựng toàn đồ chơi. Papa lại treo quà lên người em sau khi tặng riêng cho bạn bè của cô bé tóc vàng. Tuy Papa chả hỏi thăm em, em cũng vui lòng vì quà của Người đang ưu ái đậu trên tay em đây mà. Sau cùng, Papa bảo mọi người quì xuống, chắp tay lại, ngước mắt lên trời, hòa ca bản Đêm thánh vô cùng. Tất  cả quì quanh em, hướng mắt về ngôi sao sáng nhất tròn môi cất cao lời hát. Em muốn quì xuống, muốn chắp tay như họ, nhưng có được đâu. Chỉ âm thầm nghe điệu hát thánh ca len dần vào tâm khảm.

Tưởng đâu, em sẽ được sống vui tươi như thế mãi, nào ngờ, loài người nhẫn tâm đối xử tàn tệ với em. Sau cái đêm hôm đó, quà, đèn trên người em được hai vợ chồng và cô bé tóc vàng tháo gỡ ra hết. Lời nói của cô bé làm em buốt tim xót dạ:

- Ba ạ, bảo anh bếp mang cây thông ra nhà kho đi, hết No En rồi.

Dĩ nhiên, hai vợ chồng ấy bằng lòng. Thế là em phải chui vào xó xỉnh căn nhà kho hôi hám bẩn thỉu như bây giờ. Tay em đã xụ xuống rã rời, màu xanh dần dần héo úa, em đã nhịn ăn từ lúc bị dẫn đi đến giờ mà. Bác nhện già thủng thẳng chắn lưới trên người em thay cho hoa đăng ngày lễ. Em chả buồn né tránh. Thực tại, em đang nhớ mẹ, nhớ ba, nhớ đồi thông xanh ngát. Em muốn trở về chốn cũ dấu yêu. Giá mà có một phép lạ nào đến với em nhỉ? Em thút thít khóc. Ba mẹ và họ hàng nhà em, chả hiểu có ai biết cho em đang khốn khổ thế này không? Sao lúc xưa, em không giả vờ xấu xí cho người ta chê em mà để em ở lại đồi? Ở đó, em chẳng được kết đèn, treo hoa, chỉ bị vít vương đầy tuyết, nhưng được yêu thương hoài, không ai bỏ rơi em, không ai chán ghét em. Đồi thông không nhiều xe cộ, đông người và ồn ào náo nhiệt như thị trấn, không vui vẻ dồn dập hấp tấp, nhưng em được yên lành, không khí lặng lẽ cho em và gia đình đu đưa lời hát, ơi, em hối tiếc vô cùng.

Chú lưỡi cày rỉ sét đứng  cạnh em, nãy giờ nghe em khóc than, chú cất tiếng già nua han hỏi:

- Sao lại khóc thế bé con?

Em nghẹn ngào:

- Tại cháu nhớ nhà.

Chú lưỡi cày bĩu môi:

- Khéo bày đặt thì thôi. Lúc đầu bé con sung sướng hãnh diện, thì sau này phải cực thân, đó là luật trời mà, chỉ tiếc ta đây, công lao cày xới đất đai mà loài người nỡ đành vứt bỏ ta. Thân xác ta ngày xưa bóng sáng chứ đâu hoàng tàn sét rỉ như bây giờ. Loài người quả là vô ân, bạc nghĩa.

Rồi chú bật cười:

- Ừ, ta mà còn bị bạc đãi thì huống gì bé con, bé con chỉ là món đồ chơi thôi.

Em cúi đầu. Phải rồi, em chỉ là một món đồ chơi, làm vui thêm khung cảnh đêm Chúa ra đời nên em chỉ có một đêm huy hoàng như vua uy nghi, lộng lẫy. Đâu phải họ đem em về để săn sóc, chăm nom đâu. Bây giờ em mới biết, không ai thương mình hơn ba mẹ mình, không khung cảnh nào đầm ấm vui sướng bằng khung cảnh gia đình mình. Em đã lỡ đánh mất cả rồi, và có lẽ em sắp chết đây. Vâng, cầu mong cho em chóng lìa bỏ xác thân tàn tạ này để mà bay vụt về đồi thông có ba, có mẹ. Em thở dồn mệt mỏi, bác Nhện càu nhàu:

- Làm gì mà thở kinh thế, lưới của ta đứt hết bây giờ? 

Chẳng ai coi em ra gì cả, bác Nhện mắng em được, loài người vứt bỏ em được. Ơi chỉ một đêm Nô En mà mất đi cả cuộc sống. Em gục đầu thật thấp, em thấy mình nhẹ hẫng và lờ mờ hình ảnh đồi thông yêu dấu.


LÊ NGUYỄN MAI TRẮNG  
(Theo truyện "Le Petit Sapin"   
của DUHAMEL)  

(Trích từ bán nguyệt san Tuổi Hoa số 167, ra ngày 15-12-1971)  


Nguồn : https://tuoihoandmore.blogspot.com