Thứ Ba, 10 tháng 12, 2019

CHƯƠNG III_TRONG VÙNG MÙ SƯƠNG


III


Thời gian trôi qua…

Tình bạn giữa Quế Trân và Vân Nhi ngày một khắng khít hơn. Nhi đã cố gắng tìm mọi cách kéo Trân ra khỏi mặc cảm « bất hạnh » đó. Nhi tránh tất cả những dịp nào có thể cho Quế Trân sống lại kỷ niệm xưa. Nhi muốn cho Trân hiểu rằng vẫn còn nhiều người thương mến cô bé. Thương với đúng nghĩa của nó chứ không phải là sự thương hại của kẻ sống trong hạnh phúc ban bố cho kẻ bất hạnh hơn mình.

Sau lần gặp bác Bảy, Quế Trân nhất định không chịu đi xe với Nhi nữa mặc dù Nhi cố thuyết phục.

- Sao vậy Trân ? Nhi muốn thân với Trân nhưng dường như Trân cố dựng lên một bức tường ngăn cách giữ hai đứa mình. Bác Bảy đâu xa lạ gì với Trân. Bác ấy đã kể cho Nhi nghe hoàn cảnh của Trân ? Trân có biết rằng Nhi thương Trân lắm không ? Nhi không có anh chị em, Nhi buồn lắm, thèm có một người bạn thân, bây giờ Trân hết muốn chơi với Nhi rồi phải không?

- Không phải rứa mô…

- Nếu không vì lý do đó sao Trân từ chối không đi chung xe với Nhi nữa.

Trân thở dài :

- Đáng ra khi biết hoàn cảnh của Trân, Nhi phải hiểu nguyên do Trân từ chối chớ.

- Trân nói rõ ra đi. Nhi không muốn giữa chúng mình có một sự hiểu lầm.

- Trân không ngại bác Bảy, nhưng mỗi khi lên xe ngồi, Trân lại nhớ ngày mô đi học, Trân còn có xe đưa đón, có me đón đợi ở cửa. Chừ thì hết tất cả rồi. Nếu thương Trân, Nhi đứng ép Trân nữa.

Giọng Nhi xót xa :

- Sao Trân không nói với Nhi ngay từ đầu. Thôi được, nếu Trân không muốn Nhi chẳng dám ép. Bắt đầu từ mai Nhi cũng đi bộ với Trân.

Trân xua tay :

- Không được, Nhi đừng làm rứa lỡ hai bác biết được sẽ phiền Trân chết. Trân đi bộ một mình được rồi. Khi chừ Trân vẫn thường đi bộ một mình có răng mô.

Nhi lắc đầu :

- Xưa khác, bây giờ khác. Ba me Nhi cưng Nhi lắm. Nhi muốn gì cũng được. Nhi không thích đi xe nữa thì Nhi đi bộ. Tại sao ba me Nhi lại phiền Trân. Đừng có nghĩ vẩn vơ nữa nghe Trân.

Hai cô bé thỏa thuận với nhau, lúc đi Quế Trân sẽ ghé rủ Nhi, lúc về hai đứa cùng đi bộ. Nhi cười khúc khích nói với bạn :

- Cho bác Bảy nghỉ dưỡng sức há Trân ?

Buổi tối trong phòng ăn. Căn phòng được trang trí thật sang trọng. Màu sắc hòa hợp từ chiếc khăn trải bàn cho đến khăn ăn. Giữa bàn lọ hồng nhung màu đỏ thẫm càng làm nổi bật màu vàng tươi của chiếc khăn. Những món ăn cầu kỳ được dọn trong những đĩa sứ trắng toát đang bốc hơi, bên cạnh là muỗng nĩa bạc sáng bóng. Gia đình Nhi sắp dùng bữa tối.

Vân Nhi và ba má từ ngoài phòng khách bước vào. Cả ba hướng lên mẫu ảnh Trái Tim Chúa Giêsu treo trên tường, làm dấu thánh giá đọc kinh trước bữa ăn và ngồi xuống. Ông Nghiêm (ba Nhi) rót rượu vào ly, màu hổ bách của rượu lóng lánh trong chiếc ly pha lê trông thật hấp dẫn.

Ông Nghiêm nhắp chút rượu, « khà » một tiếng thật khoa khoái đoạn trao ly rượu cho vợ :

- Bà cũng nên uống một chút cho ấm bụng. Chà, thứ rượu này trứ danh quá. Anh Vĩnh Bảo mới đi Pháp về tặng đó.

Bà Nghiêm đỡ ly rượu trên tay chồng, nhắp nhắp rồi gật đầu, giọng sành sỏi :

- Thứ này ngon hơn cognac hở mình…

Quay sang Nhi, bà tiếp :

- Thế nào ? Nhi có muốn thử rượu « trứ danh » của ba không ?

Nhi lắc đầu :

-  Dạ thôi má.

Nhi ngồi cạnh mẹ và đối diện với ba. Cô bé đã quen ngồi cạnh mẹ trong mỗi bữa ăn. Đến trường Nhi là một thiếu nữ mười bảy nhưng về nhà, dưới mắt ba me, Nhi chỉ là một con bé cần được sự chăm sóc nuông chiều.

Bà Nghiêm bỏ nguyên một chiếc đùi gà tiềm vào chén Nhi :

- Ăn cho hết đi, độ này Nhi bắt đầu ốm rồi đấy. Tẩm bổ lấy sức mai mốt còn học thi chớ con.

Nhi kêu lên :

-  Trời ơi nhiều quá làm sao bao tử con chứa hết.

-  Thôi đi cô, đừng giả bộ, chối vậy chứ bao nhiêu cũng sạch trơn.

Nhi nhai đồ ăn thật chậm, cô bé có vẻ suy nghĩ điều gì. Ông bà Nghiêm tự dưng thấy Nhi trầm ngâm liền gạn hỏi :

- Có chuyện gì vậy Nhi ?

Cô bé đắn đo một giây rồi nói :

- Bắt đầu từ ngày mai con muốn đi bộ đến trường…

Bà Nghiêm ngạc nhiên :

- Nhi có điên không ? Còn bác tài để làm chi ?

Ông Nghiêm ôn tồn :

- Người ta mong có xe đưa xe đón không được, còn mình đang đi xe lại đòi cuốc bộ, ba không hiểu nổi Nhi ra sao nữa.

- Con mới quen một con nhỏ dể thương lắm, nhà nó cũng ở đường này,  con muốn đi bộ cùng với nó cho vui.

- Lý do chỉ có thế thôi à ?

- Hoàn cảnh nó tội lắm ba ơi. Con tin chắc ba má mà gặp nó một lần là thương liền.

Nhi kể cho ba má nghe chuyện gia đình Quế Trân. Bà Nghiêm xúc động :

- Bữa nào con dắt cô bé lại chơi.

- Dạ... Bác Bảy là tài xế của gia đình nó đó má. Má à, nhà mình vật chất dư thừa, con muốn giúp đỡ Quế Trân, chẳng hạn như sách vở, quần áo được không má.

Bà Nghiêm tươi cười :

- Giúp đỡ bạn bè là một điều tốt, má rất sung sướng khi con gái má có được đức tính đó, nhưng đây là vấn đề tế nhị. Nếu con thiếu khéo léo một chút Quế Trân có thể hiểu lầm sự giúp đỡ của mình là một sự bố thí vì lòng thương hại... Chẳng thà nó là một đứa nghèo khổ từ bé, đằng này gia đình nó cũng giàu sang quyền thế, chỉ vì chiến tranh mà trở nên trắng tay, mồ côi bơ vơ làm sao nó không bị mặc cảm.
 
Ông Nghiêm gật gù :

- Má con nói phải. Có dịp nào con dắt lại giới thiệu với ba má, má con sẽ tìm cách giúp đỡ mà không sợ bị hiểu lầm. Dù sao con không thể khéo léo bằng má con được.

Nhi mừng rỡ reo lên :

- Thật hả ba, trời ơi... con sung sướng quá…

Nhi buông đũa chạy đến ôm chầm lấy ông Nghiêm và hôn một cái thật kêu lên má ông, ông Nghiêu đẩy nhẹ Nhi ra mắng yêu :

- Cái con bé này hư quá, chưa rửa miệng gì cả làm mặt ba dính đầy những mỡ...

Bà Nghiêm nhìn cô con gái cưng lắc đầu :

- Sắp mười tám rồi mà vẫn như con nít, coi chừng cậu Vĩnh Hoàng cười cho đấy.

Nhi đỏ bừng mặt :

- Má nói kỳ…

Cùng lúc ấy cô bé hình dung trước mặt, anh chàng đeo kính cận tên Vĩnh Hoàng ở đối diện nhà người gì mà vô duyên, mỗi lần người ta đi học về cứ núp trong hàng rào ngó trộm. Cặp kính trắng lúc nào cũng « ngự » trên mũi trông mới hách xì xằng làm sao. Ai lại không biết anh chàng là sinh viên Y khoa năm cuối. Cứ vác hai cái trứng ngỗng ra trộ người ta, lại còn bày đặt ôm guitar trổ tài nữa... nghệ sĩ dữ... Ờ... mà nói cho đúng anh chàng cũng dễ thương đấy chứ. Nghĩ đến anh chàng, Nhi mới sực nhớ hồi chiều đi học về gặp chị bếp, chị ấy dúi vào tay Nhi chiếc phong bì nhỏ và thì thầm « Của cậu ở trước nhà mình gửi cho cô đấy ». Nhi ngạc nhiên và run quá chừng. Cô bé bóc phong bì, trên mảnh giấy nhỏ có mấy hàng chữ thật bay bướm :

« Cô bé... thỏ đế ».

Muốn làm quen với cô bé lâu rồi nhưng mà cô bé nhát như... như thỏ đế nên tôi chưa dám khuấy động giấc mơ hồn nhiên của cô bé. Sắp mười tám rồi cô bé ơi, cô bé sắp đến tuổi quen một chú thỏ đế rồi, tôi có được diễm phúc làm chú thỏ đế ấy không nhỉ?

Vĩnh Hoàng   

Nhớ đến lá thư chưa được trả lời, Nhi vào rửa mặt rồi nhảy những bước chân sáo lên lầu. Khép cửa phòng lại, cô bé lấy lá thư ra đọc một lần nữa. Cô bé thừ người nghĩ ngợi « sao hắn ta lại biết rõ mình sắp mười tám nhỉ ? » à... à... chắc ba nói với bác Vĩnh Bảo chứ gì... Nhi cắn bút đến mười lăm phút vẫn chưa viết được chữ nào Khó quá... khó quá... lần đầu tiên viết thư cho một đấng mày râu mà sao khó quá không biết... Ờ... tại sao mình không nhờ Quế Trân làm quân sư nhỉ ? Con nhỏ đó văn chương gồ ghề một cây, phải làm sao cho anh chàng nể mặt con nhà ban C mới được.

Nhi phấn khởi thay quần áo lại nhà Trân nhưng đồng hồ đã điểm chín tiếng Tối quá rồi, chắc ba má không cho đi dâu. Cô bé uể oải nằm lăn ra giường với tay vặn chiếc cassette, giọng Françoise Hardy vang lên trầm ấm « C'est le temps de l’amour le temps de copains... »

_______________________________________________________________ 
Xem tiếp CHƯƠNG IV