Thứ Năm, 26 tháng 12, 2019

MƯỢN VÀ CHO MƯỢN - Đỗ Phương Khanh


Các em thân mến của chị! Nếu bây giờ mà chị gặp các em, trời nắng chang chang, chị hỏi mượn em cái nón (nếu em có), chị tin chắc là em sẽ sẵn sàng cho chị mượn ngay chứ gì. Em tốt lắm. Sẵn sàng nhường tiện nghi của mình cho người khác để mình chịu phần thiệt thòi, là một trong những đức của nhà Phật là từ bi, nhà Khổng là lòng nhân đó em ạ. Thế nhưng nếu chị đang khỏe mạnh, có thể chịu nắng được, mà đòi mượn của em như vậy, để em phải hy sinh cho chị, thì chị lại là người bất lịch sự mất rồi. Cho nên, chúng ta cũng nên bàn qua về vấn đề mượn và cho mượn, thiết tưởng cũng không đến nỗi vô ích phải không các em.

Khi các em cần một món đồ gì mà bạn dư, em có thể hỏi mượn nếu sự mượn không làm phiền bạn. Trong cách hỏi, nên dành cho bạn một lối thoát đề nếu bạn không muốn cho mình mượn, bạn cũng không bị mắc cỡ. Bạn không cho mượn em đừng buồn giận, vì có thể bạn cũng cần như em. Nếu bạn cho mượn, em nên giữ gìn thật cẩn thận, hơn là đồ của em nữa, và tìm cách trả lại càng sớm càng tốt. Lúc trả ráng sao cho tình trạng món đồ được tốt hơn hoặc ít ra thì cũng phải bằng lúc em mượn. Chị còn nhớ, dạo bé, nhà hàng xóm chị đãi tiệc yến lão rất lớn. Ông chủ nhà phải mượn rất nhiều đèn "măng sông" (vì ở nhà quê không có điện). Hôm tiệc xong ông bảo người nhà đem hết tất cả đèn ra chùi rửa láng bóng, châm dầu đầy hết các đèn xong rồi mới sai người nhà đem trả và kèm theo lời cám ơn. Chị tin chắc ông cụ đó khi nào còn cần xài đồ gì mà phải đi mượn thì hàng xóm sẽ rất sẵn sàng cho mượn.

Tuy nhiên, có một vài thứ các em nên ráng tránh đừng mượn. Thí dụ: Đến nhà bạn thấy cuốn sách quí, em đừng hỏi mượn mà chỉ nên xem tại chỗ, bút máy bạn đang viết có chiều riêng, em mượn viết, lát sau bạn xài sẽ bị gai giấy. Hoặc là những món đồ kỷ niệm, em cũng không nên mượn vì rủi mình làm mất thì sẽ không thể đền bạn được. . Người lớn thì còn phải tránh mượn nhiều thứ như: Súng, xe hơi, máy ảnh v.v...

Mượn là chuyện bất đắc dĩ, và điều cần nhất là ráng tránh gây buồn lòng người cho mượn được chừng nào tốt chừng nấy. Nhưng người cho mượn cũng nên ráng tránh cho người mượn đồ của mình đỡ áy náy chừng nào tốt chừng nấy. Nếu em có món đồ mà người khác vì không có phải hỏi mượn, ấy là Thượng Đế đã ưu đãi em hơn bạn rồi, em càng nên cám ơn Thượng Đế bằng cách đừng ích kỷ để buồn lòng Thượng Đế. Nếu có thể, em nên vui vẻ cho bạn mượn và nếu bạn có lỡ làm hư hỏng, em nên an ủi cho bạn khỏi ân hận quá. Tóm lại, chỉ cần nhớ mấy câu ngắn ngủi: "Ráng đừng làm buồn lòng nhau", thì mọi sự sẽ dễ dàng xiết bao.

Cuối cùng, để cho câu chuyện có thêm phần kết cấu đậm đà, chị mời các em đọc một truyện ngắn trong cuốn "20 truyện tuyệt tác", loại sách Song ngữ của nhà xuất bản Ziên Hồng, truyện mà được nhiều nhà phê bình coi là truyện ngắn hay nhất của văn hào Guy de Maupassant. Truyện rất sâu sắc về con người, nhưng trong tầm hiểu của Thiếu Nhi chúng ta, truyện cũng đã đủ hay rồi. Chỉ cần hiểu đến lòng tự trọng của người đàn bà đi mượn, chị đã thấy mênh mang thương cảm. Đó là truyện: "Chiếc vòng kim cương".

Nếu các em chưa tìm đọc được, chị xin tóm tắt: "Có một người đàn bà đẹp, chồng là tiểu công chức, một hôm được ông bộ trưởng mời dự tiệc. Bà ấy muốn khỏi thua kém mọi người nên mượn bạn một chiếc vòng cổ có nhận hạt rất đẹp của bạn. Tan tiệc, về tới nhà thì thấy đã mất.

Vợ chồng bà ấy hốt hoảng tìm tòi, cuối cùng không thấy, họ đành đi tìm mua chuỗi khác giống như thế ở một cửa hiệu kim cương rất lớn rồi để vào chiếc hộp cũ và hy vọng sẽ được như chiếc vòng của bạn để bạn khỏi buồn. Khi đem trả họ lo lắng sợ bị phiền trách, may thay bạn không hề coi lại chỉ lơ đãng cất đi. Số tiền mua vòng họ phải vay cào cấu với số lãi rất nặng mà họ phải làm lụng cực nhọc trong suốt 10 năm trời mới trả xong. Một hôm sau một ngày mệt nhọc, bà ấy đi tản bộ và gặp lại bà bạn cũ đã cho bà ấy mượn chiếc vòng. Nghĩ rằng bây giờ công nợ trả xong rồi, lòng thơ thới hân hoan, bà ấy muốn nói với bạn tất cả câu chuyện. Khi bà ấy chào, bà bạn không còn nhận ra được người đàn bà bình dân kia là ai. Đến lúc bà bạn nghèo xưng tên, họ mới nhận được nhau. Bà bạn giầu ngạc nhiên sao bạn lại lam lũ như vậy. Bà bạn nghèo nói cho bạn biết câu chuyện làm mất chiếc vòng nhận hột và mười năm làm lụng cực nhọc để đền bạn, với tấm lòng sung sướng thanh thản và hãnh diện rằng đã trả xong nợ.

Nhưng bà bạn giầu cảm động quá mà nắm lấy tay bạn nói rằng:

- Trời ơi! Tội nghiệp bạn! Vòng của tôi là của giả, chỉ đáng giá vài trăm bạc mà thôi!"

Các em ơi! Cái gì có thể cho mượn, em nên cho người khác mượn và cái gì có thể không cần mượn em nên ráng đừng hỏi mượn, giữ được điều đó, lòng em sẽ thanh thản được phần nào.


Chị ĐỖ PHƯƠNG KHANH   


(Trích tuần báo Thiếu Nhi số 18, ra ngày 12-12-1971)


Nguồn : https://tuoihoandmore.blogspot.com