CHƯƠNG III
TẤN THẢM KỊCH
Gần
mười một giờ đêm. Chúng tôi đã rời xa cái sa mù ẩm ướt của khu phố lớn,
và đêm ở đây thực là dễ chịu. Một luồng gió ấm thổi từ phương Tây, đẩy
ngang nền trời những đám mây thấp nặng nề, khuôn trăng lưỡi liềm thỉnh
thoảng hiện ra, lơ lửng trên cao.
Chúng
tôi bước vào một khu vườn rộng xung quanh có tường đá xây cao ngất, lởm
chởm mẻ chai. Lối vào là khung cửa hẹp giữa có chấn song bằng sắt.
Người đi trước gõ vào cửa theo một hiệu riêng.
- Ai đấy?
Một giọng nói hơi gắt gỏng cất lên bên trong.
- Tôi đây. Hiểu cái dấu hiệu gõ cửa của tôi rồi chứ? Mở đi!
Có
tiếng càu nhàu, rồi tiếng chìa khóa lắc cắc. Cánh cửa nặng nề quay trên
bản lề, một khổ người thấp lùn thấy hiện ra, đôi mắt hấp háy vì chói
ánh đèn và nhìn chúng tôi một cách nghi ngại. Người kia lên tiếng:
-
Mời các ông vào! Và mấy người bạn ông cũng vào luôn… Thưa ông, tôi xin
lỗi, nhưng vì mệnh lệnh ở đây hết sức nghiêm nhặt! Ít nhất tôi phải quen
một người trong các ông rồi mới dám cho vào được.
Bên
trong bờ thành, một con đường sỏi ngoằn ngoèo chạy qua một vạt đất rộng
dẫn đến một ngôi nhà lớn kiểu xưa ngập sâu trong bóng tối dầy, trừ một
góc nhỏ có chút ánh sáng. Không khí quanh ngôi nhà thật tối tăm và lặng
ngắt này có vẻ ngột ngạt.
Tất
cả mấy người chúng tôi đi theo Diệp Tôn vào trong. Gian phòng bà cụ
quản gia ở ngay bên trái hành lang. bà cụ đang cắn móng tay, vẻ mặt nhợt
nhạt, đi đi lại lại trong phòng. Nhìn thấy Diệp Tôn bà cụ có vẻ yên
lòng, bước đến nói rất dịu dàng:
-
Ông ấy khóa cửa kín mít, tôi gọi không nghe đáp lại. Tôi chờ cả ngày
không nghe ông ấy sai bảo gì cả. Biết rằng ông ấy thích được yên tĩnh
một mình nhưng sau cùng tôi ngại có chuyện gì hay chăng. Thế rồi tôi lại
lên lầu nhìn qua lỗ khóa có đến cả tiếng đồng hồ. Ông Diệp Tôn ơi, ông
đến mà xem. Tôi ở với ông Mân Tôn đã mười năm nay, vui có, buồn có,
nhưng chưa bao giờ tôi thấy sắc mặt ông ta như thế.
Thiết
Lộc cầm lấy cây đèn, mạnh bạo đi trước, vì Diệp Tôn bỗng ngây người như
tượng đá, hai hàm răng đánh vào nhau lập cập. Tôi phải đỡ y leo lên cầu
thang vì đôi chân y cứ co rút lại không sao bước được. Tôi thấy Thiết
Lộc lấy kính lúp ra hai lần quan sát một cách chăm chú những vết bùn lấm
dính trên tấm thảm chùi chân bằng xơ dừa. Y leo chậm chậm lên các bậc
thang, đặt cây đèn xuống chỗ này, chỗ kia, đưa mắt chăm chú nhìn quanh.
Cô Mộng Lan ở lại với bà cụ dưới nhà.
Tầng
thứ ba dẫn đến một hành lang dài, trên tường bên phải treo một tấm thảm
Ấn Độ thật lớn, bên trái có ba khung cửa liền nhau. Chúng tôi cùng đi
sát bên Thiết Lộc. Y bước từ từ và giữ ý tứ như trước.
Bóng
chúng tôi trải dài ra đằng sau. Tới khung cửa thứ ba thì chúng tôi dừng
lại. Thiết Lộc gõ cửa. Không nghe đáp lại, anh ta toan dùng sức vặn quả
nắm, nhưng đưa đèn lại gần sát, chúng tôi thấy cửa đã khóa chặt ở bên
trong. Chìa khóa đã cho vào ổ vặn chốt nhưng còn một chút lỗ trống nhìn
được một khoảng gian phòng. Thiết Lộc ghé mắt vào trong nhưng ngừng ngay
lại và thở hổn hển. Tôi chưa bao giờ nghe y nói bằng một giọng xúc động
như thế:
- Có chuyện quái gở bên trong. Hoàng Hà, anh có thể hiểu gì không?
Tôi
cũng ngồi xuống trước ổ khóa nhưng vội lùi lại, kinh hãi. Bóng trăng
lạnh lẽo và nhợt nhạt tỏa sáng gian phòng, tôi thấy một gương mặt chập
chờn hiện rõ trong bóng tối, giống hệt như mặt Diệp Tôn, cũng cái sọ cao
và nhẵn bóng, cũng vành tóc hung hung, cũng màu da trắng bêch… Nhưng
tất cả như co rúm lại trong một cái cười ghê rợn, cái nhếch mép lặng lẽ
dưới ánh trăng xanh kia còn đáng sợ hơn mọi đe dọa nào khác. Mặt người
kia giống ông bạn Diệp Tôn của chúng tôi quá nhiều, khiến tôi phải quay
lại nhìn xem ông còn ở đằng sau mình không. Và tôi mới sực nhớ rằng ông
và Mân Tôn là hai anh em sinh đôi. Tôi lắp bắp hỏi:
- Ghê quá, anh Thiết Lộc ơi! Làm sao bây giờ?
- Phải mở cửa đã!
Y
lao cả sức nặng người của y vào nơi ổ khóa. Cánh cửa rung ầm và chuyển
răng rắc nhưng vẫn khép kín. Tôi phải phụ lực tông vào với y. “Rắc” một
cái, cánh cửa bật tung, và chúng tôi rơi hẳn vào giữa phòng của ông Mân
Tôn.
Ông
Mân Tôn ngồi trong một chiếc ghế phô tơi cạnh bàn, đầu ngoẹo xuống vai
bên trái, mỉm cười một cách cổ quái. Xác lạnh và cứng đờ. Ông chết đã
lâu. Nét nhăn trên mặt vẫn còn hiện rõ và cả chân tay tử thi cũng có
hình dáng khác thường.
Cạnh đấy, một mảnh giấy bị xé rời trên ghi mấy chữ nguệch ngoạc. Thiết Lộc liếc nhanh rồi đưa cho tôi.
- Coi xem.
Y nhướng mày một cách có ý nghĩa. Tôi đem lại bên đèn gương, rùng mình đọc mấy hàng chữ “Dấu hiệu Tứ Hiệp”. Tôi kêu lên:
- Trời ơi! Cái này nghĩa là gì hở?
Y cúi xuống bên xác chết:
- Một vụ ám sát… À, tôi đã biết rồi, nhìn đây…
Y đưa ngón tay trỏ vào một cây kim dài đen nhánh găm vào dưới da bên trên lỗ tai người chết. Tôi nói:
- Đây là cây kim chắc.
- Vâng, một cây kim. Ông rút ra đi, nhưng nên cẩn thận, có tẩm độc đấy!
Tôi
kẹp giữa ngón tay cái và ngón tay trỏ lấy ra dễ dàng. Cây kim không để
lại vết tích gì, ngoài một giọt máu rỉ ra từ chỗ đâm vào. Tôi nói:
- Điều này càng thêm khó hiểu. Đã không sáng tỏ chút nào lại còn rắc rối hơn lên.
Thiết Lộc nhìn tôi, nói giọng xác định:
- Trái lại. Vụ này càng sáng tỏ dần! Chỉ còn thiếu vài chi tiết là xong.
Từ
lúc xô cửa bước vào tới giờ chúng tôi quên mất Diệp Tôn. Ông đang đứng
trước ngưỡng cửa, vặn tay rên rỉ, hiện thân của sự khủng khiếp. Thình
lình ông ta rít lên một cách điên cuồng:
-
Hòm của không còn nữa kìa! Chúng lấy mất hòm của rồi. Tôi biết lỗ hổng
trên kia là nơi tôi đem nó xuống, tôi đã phụ lực với anh Mân Tôn đó mà.
Tôi là người cuối cùng gặp anh ấy! Tôi nghe anh ấy khóa cửa ở lại trong
buồng lúc tôi đi ra.
Thiết Lộc hỏi vội:
- Lúc ấy độ chừng mấy giờ?
-
Mười giờ. Mà bây giờ anh ấy chết. Cảnh sát sẽ đến điều tra, rồi tôi sẽ
bị tình nghi, tố giác… phải, không sao tránh khỏi! Nhưng thưa các ông,
các ông không nghĩ rằng tôi có thể làm như thế chứ?... Các ông…
Ông ta khoa tay, dậm chân cuống cuồng hoảng hốt. Thiết Lộc liền đặt tay lên vai ông, ôn tồn:
-
Này ông Diệp Tôn, ông không có gì phải hoảng sợ cả. Ông hãy nghe lời
tôi đây. Bây giờ ông đến ngay sở cảnh sát, kể lại vụ án và nhờ họ đến.
Chúng tôi ở đây chờ ông.
Diệp Tôn ngơ ngác nghe theo và một lát sau chúng tôi nghe tiếng chân bước khập khễnh ở trên cầu thang.
Thiết Lộc quay lại bảo tôi:
- Chúng ta hãy tiến tới chút nữa coi sao. Độ nửa giờ nữa, thanh tra Đôn Lễ sẽ tới. Y sẽ làm náo loạn lên cho xem.
Tôi
biết Đôn Lễ là người kiêu ngạo, tham lam và không có tài cán gì. Y có
quyền lực, y thường làm cho mọi việc trở nên quan trọng để tô điểm con
người y nhưng không mấy khi khám phá được một vụ án nào quan trọng. Tôi
hỏi:
- Liệu Đôn Lễ đến, anh đã tìm hiểu được việc gì chưa?
Thiết Lộc trả lời:
- Tôi đã nhìn thấy hết rồi. Đây là một việc giản dị.
- Giản dị thật sao?
- Thật mà.
Y vừa rọi cây đèn vừa nói thật dõng dạc, nhưng hình như y nói chuyện một mình hơn là nói cho tôi nghe:
-
Cửa sổ đã gài bên trong. Khung cửa rắn chắc, bản lề không bị xeo nạy.
Ta mở xem… Bên ngoài không có ống xối. Từ cái mái nhà không sao leo
xuống được đây… Nhưng đã có người leo lên cửa sổ vì hôm qua có một cơn
mưa nhỏ, và đây là dấu chân bùn dính trên khung cửa. Kìa lại một vết đất
hình tròn trên sàn đây nữa, và cả trên chiếc bàn này. Hoàng Hà, anh lại
xem này! Một sự chứng minh khá rõ.
Tôi cúi xuống một cái vết hình đĩa, nhận xét:
- Đây không phải dấu chân người.
-
Còn rõ ràng hơn và quí báu hơn dấu chân người nữa. Đây là cái dấu nạng
gỗ. Nhìn nơi khung cửa sổ kia, một vết giày ống đế rộng bịt sắt đã bước
thật nhanh, và ở bên cạnh là những dấu vết chân khác nhưng tròn.
- Đây là người đi chân gỗ?
Thiết Lộc gật gù:
-
Đúng thế! Nhưng còn có một người khác. Một tên đồng lõa hết sức đắc lực
có một bản lĩnh đặc biệt mới có thể giúp cho y vào được và đem nổi cái
rương của ra ngoài.
Tôi hỏi:
- Nhưng chúng nó vào bằng cách nào đây? Cửa lớn thì khóa, cửa sổ không leo tới được. Ống khóa thì lại quá hẹp.
Thiết Lộc đáp lại:
- Như thế chỉ còn một cách: nó vào bằng một lỗ trống ở trên mái nhà. Chúng ta hãy quan sát thử xem sao.
Tôi
rọi cây đèn cho Thiết Lộc đu người lên. Rồi y nằm sấp vói tay đỡ lấy
cây đèn cho tôi cùng leo lên theo. Tầng gác rộng độ hai mét, dài trên ba
mét, đầy những bụi bặm. Thiết Lộc ướm tay lên một mặt tường và nói:
- Đây rồi! Đây là một khung cửa nhỏ trên mái, có thể đẩy được.
Y
rọi đèn xuống mặt sàn, sắc mặt có vẻ kinh ngạc cực độ. Tôi cũng nhìn
theo và nổi da gà: mặt sàn đầy vết chân trần, khá rõ, nhưng kích thước
chưa bằng nửa chân người bình thường.
Tôi lẩm bẩm:
- Một đứa bé mà làm nổi chuyện ghê gớm này ư?
Thiết Lộc đã trấn tĩnh được, y nói:
- Không phải thế đâu. Đáng lẽ tôi phải đoán được điều này từ sớm. Thôi, ta xuống.
Xuống dưới, tôi hỏi Thiết Lộc:
- Theo anh, những vết chân đó là gì?
- Rồi anh sẽ rõ tất cả. Chúng ta hãy quan sát lại lần nữa xem nào.
Anh
ta chùi kính lúp, rút cái thước xếp, chống tay bò trên sàn nhà. Anh xem
xét, đo đạc, mũi rà sát xuống dưới nền, cặp mắt sáng lên long lanh,
miệng anh không ngớt lẩm bẩm những câu khó hiểu. Sau cùng anh ta reo
lên:
-
May quá, bây giờ khỏi phải nghi ngại gì nữa. Gã chống nạng kia đã rủi
ro dẫm phải lọ dầu hôi làm cho vỡ đổ và dây dính khắp. Chúng ta sẽ tìm
con chó Đốp-Bi săn đuổi theo dấu vết này. Nhưng trước khi bọn Đôn Lễ tới
đây, anh hãy coi lại cái xác chết kia. Anh thấy bắp thịt thế nào?
- Cứng lại như gỗ.
-
Đúng rồi, và co rút lại rất mạnh. Thêm vào là cái vẻ mặt nhăn nhó, cái
cười quỷ sứ kia nữa. Phải là một loại chất độc đặc biệt. Anh coi, cây
kim đã giết người này… Ở tại Anh Quốc không thể có loại kim đó, Bấy
nhiêu đủ cho biết tông tích thủ phạm.
Bên ngoài có những tiếng người ồn ào. Thiết Lộc bảo tôi:
- Nhà chức trách đã đến rồi. Chúng ta không dính dáng gì đến họ, rút lui là vừa.
Anh
vừa dứt lời thì có tiếng giày nện mạnh trên các bậc gỗ cầu thang rồi
một người thấp béo, hồng hào, y phục màu xám, bệ vệ, bước vào. Bộ mặt y
phì nộn, mí mắt dày trịch, đôi mắt ti hí nhưng có cái nhìn sắc sảo. Sau
y, xuất hiện một viên đội mặc nhung phục chỉnh tề và ông Diệp Tôn, vẻ
mặt nhợt nhạt chừng như chưa được hoàn hồn.
Người y phục xám, tức là thanh tra Đôn Lễ, kêu lên:
-
A, chào ông Thiết Lộc. Vụ án mạng này tôi không cần phải quan sát cũng
biết được ai là hung thủ rồi. Vàng bạc nhiều khi thật là nguy hiểm, nó
làm mờ mắt con người. Gã Diệp Tôn này đã hại anh nó để mà đoạt của. Thế
mà cứ bảo rằng oan. Hừ, tôi phải ra lệnh giữ lại.
Vẻ mặt thảm hại, Diệp Tôn đưa hai tay lên, muốn nói, nhưng y nghẹn ngào. Thiết Lộc vỗ nhẹ vào vai ông ta, ân cần:
- Ông cứ yên tâm. Tôi hứa sẽ làm cho ông trở thành vô tội.
Đôn Lễ quay nhìn Thiết Lộc, cười mũi:
- Thôi đừng hứa liều, ông ơi!
Nhưng Thiết Lộc đã nghiêm nghị nhìn viên thanh tra, rồi nói:
-
Ông Đôn Lễ, tôi không phải hạng nói liều. Không những tôi có thể rửa
sạch mọi nghi ngờ về ông Diệp Tôn mà tôi còn có thể cho ông biết rất rõ
nhân dạng hung thủ.
Viên thanh tra đáp mỉa mai:
-
Xin cám ơn ông. Nhưng tôi cũng có phần điều tra riêng của tôi nữa chứ.
Hi vọng hung thủ của ông không có liên lạc gì với vụ này.
- Vậy thì tôi xin để ông làm việc.
Và Thiết Lộc dắt tay tôi ra ngoài. Anh nói:
- Một thi hào Đức có nói “Người ta nhạo báng cái gì người ta không thể hiểu nổi.” Câu đó thật đúng với lão Đôn Lễ.
Rồi anh phân công:
-
Bây giờ anh đi tìm ngay con chó Đốp-Bi và nhân tiện đưa hộ cô Mộng Lan
về nhà. Tôi nghĩ sự có mặt của cô ấy tại đây không cần thiết nữa và cô
ta phải nghỉ ngơi sau những xúc động vừa qua. Phần tôi, tôi sẽ quan sát
ngoài vườn và hỏi han thêm vài người trong gia đình này.
Tôi làm những việc đã được giao phó và khi tôi quay trở lại thì Thiết Lộc đã đón tôi ngoài hiên. Anh ân cần nói:
-
Anh dẫn con Đốp Bi đến đấy à? Thằng cha Đôn Lễ đi rồi. Nó chẳng tìm tòi
được cái gì hết, tôi chắc như thế, mà còn làm ngang không những bắt
giam ông bạn Diệp Tôn, còn bắt cả người gác cổng và bà quản gia. Thôi
được, mọi việc rồi sẽ sáng tỏ. Nào, anh buộc hộ cái dây vào cổ con chó
cho tôi.
Xong
rồi, Thiết Lộc đem con chó lại chỗ những dấu chân mà anh khám phá dưới
sàn có dính dầu hôi để nó đánh hơi. Rồi anh dắt nó ra ngoài vườn cây chỗ
hung thủ đã tụt xuống và men theo cái dấu đó đi lần ra ngoài bờ thành.
Chúng
tôi phải đi quanh quẩn trên các ngõ đường thành phố vì dấu chân của
hung thủ bị người qua đường xóa mất nhiều nơi và mùi dầu hôi không thiếu
trên những vết xe qua lại. Hai tên thủ phạm hình như đã đi những lối
hết sức quanh co, hẳn là để tránh khỏi bị theo dõi. Cứ mỗi lần con Đốp
Bi lạc hướng, loay hoay tìm kiếm, chúng tôi lại dắt nó quay trở về những
đoạn đường cũ mà nó không lộ vẻ gì bối rối. Có lần nó dẫn chúng tôi vào
một đường phố nhỏ hẹp, đến một ngôi nhà tồi tàn rồi dừng lại đó. Tôi
thực hồi hộp nhưng khi Thiết Lộc quan sát thoáng qua nơi đó anh đã tiến
lại gần tôi và phá lên cười. Tôi hỏi:
- Có gì mà vui vẻ thế?
Anh đáp:
- Thủ phạm chỉ là bà cụ chuyên buôn dầu lẻ. Thế là chúng ta lại lạc đường rồi. Hãy quay trở lại.
Cứ
thế chúng tôi lại quanh quẩn nữa, mãi cho đến chiều gần tối thì con Đốp
Bi đưa chúng tôi đến bờ sông, một nơi khuất vắng, gần một xóm nhà lơ
thơ với những ghe thuyền rải rác. Con chó dừng lại, nhìn xuống mặt nước
thẳm sâu rít lên khe khẽ. Thiết Lộc chép miệng:
- Không may cho ta. Chúng đã đáp tàu đi rồi.
Tôi hỏi:
- Liệu có thể theo kịp không?
-
Chúng ta cứ hy vọng thế. Tôi chắc chúng chưa đi xa vì phải quanh co di
chuyển cái rương của đó suốt ngày hôm nay không phải là dễ dàng gì. Hơn
nữa nó cũng phải đợi cho trời vừa tối để qua những trạm kiểm soát ở
ngoài cửa sông. Dù có thể tới sớm được, bọn chúng cũng phải canh chừng
để kịp tới đây vào lúc gần tối. Nhất định là chúng đi trước chúng ta
không bao nhiêu đâu. Hãy dọ hỏi xem.
Chúng
tôi nhìn quanh đây đó thấy có một ngôi nhà gạch treo tấm biển gỗ trên
có đề chữ “Tàu cho mướn giờ hay mướn ngày”. Chúng tôi cùng bước vào nhà.
Bà chủ, tự xưng là bà Tiểu Yết, cho biết ông chủ và đứa con trai đi
vắng. Bà bảo chiếc tàu tốt nhất của bà là chiếc Bình Minh đã được hai
người thuê rồi, cách đây một tiếng đồng hồ. Cứ theo hình dạng mà bà chủ
nhà mô tả thì hai người ấy chính là thủ phạm mà chúng tôi đang theo
đuổi.
Thiết Lộc chào bà chủ nhà, kéo tôi đi vội ra ngoài và bảo:
- Chúng ta đã đến cái giai đoạn chót. Ta nên gọi gấp gã Đôn Lễ đến.
- Sao lại gọi thằng cha ấy?
-
Vấn đề chúng ta là tìm cho ra thủ phạm, thế thôi. Thằng cha Đôn Lễ háo
danh sẽ phụ lực với chúng ta thu dọn chiến trường. Dầu sao đây chính là
cái phần việc của lão, mình chỉ phụ giúp trong một mức độ nào thôi. Hơn
nữa chúng ta không sẵn phương tiện mà lão lại có thuyền máy khá tốt có
thể đuổi kịp bọn này.
Tôi
im lặng, hiểu rằng bạn tôi không phải là kẻ tham danh hiếu lợi, anh chỉ
muốn tạo ra sự thành công, khi thấy sự thành công ấy đem lại lợi ích
cho những người khác và không bao giờ anh muốn tìm hưởng những kết quả
đó.
Thiết Lộc quay sang, bảo tôi:
- Anh liên lạc gấp với Đôn Lễ đi. Bảo lão tranh thủ tới sớm đến mức tối đa.
Và nhìn ra xa, trên giòng sông rộng mờ bóng hoàng hôn, anh nói:
- Cuộc săn đuổi này không phải là không khó khăn đâu nhé.
________________________________________________________________________
Xem tiếp CHƯƠNG IV