Chủ Nhật, 4 tháng 8, 2019

CHƯƠNG VI_KHO VÀNG AN HẠ


ĐOẠN KẾT
 

Xương Môn dừng lời, uống hết chén nước, xin một điếu thuốc châm lửa, rít hơi khói dài rồi nói:
 
- Tôi tưởng không còn gì để nói nữa. Đời tôi… tôi đã bắt đầu bằng một ý tưởng sai lầm: muốn được sung sướng mà lại không chịu cần cù làm việc một cách trong sạch. Vì thế tôi đã bị những điều kiện xấu xa quyến rũ, sai khiến và tôi đi từ những lỗi lầm này đến lỗi lầm khác, từ tội ác này đến tội ác khác.
 
Thiết Lộc gật đầu:
 
- Thật là đáng tiếc cho ông, ông Xương Môn à. Qua câu chuyện kể, tôi hiểu nơi ông ý thức danh dự vẫn còn, ông vẫn còn biết tôn trọng lời hứa, biết hết lòng bảo vệ cho những người đã đặt tin cậy nơi ông. Thật là đáng tiếc cho ông.
 
Xương Môn ngước nhìn Thiết Lộc với một vẻ mặt biết ơn, rồi nói:
 
- Gần đây tôi có được tin anh tôi ở quê nhà. Bây giờ anh còn khỏe mạnh, con cháu đông đảo, và anh ta rất khá giả. Những cái đồi nho ngày xưa với đôi bàn tay cần mẫn của anh đem lại cho anh cuộc đời sung sướng no đủ. Những gì anh ấy đã nói về tôi thật đúng, rất tiếc là tôi đã không nghe theo, vì vậy tôi không dám trở về lại dưới mái nhà xưa.
 
Thanh tra Đôn Lễ có vẻ nóng nảy, đứng lên:
 
- Thôi nói dài dòng quá rồi. Chấm dứt đây thôi. Chúng ta nên kiểm xem số vàng ngọc rồi làm biên bản và dẫn tên sát nhân này về bót.
 
Thiết Lộc đứng dậy. Anh nói:
 
- Nhiệm vụ của tôi đã xong, tôi không can dự gì đến các món vàng ngọc này nữa. Vậy chúng tôi xin cáo từ.
 
Tôi cũng đứng lên. Nhưng Đôn Lễ thấy ngượng ngùng, bèn nói:
 
- Nào ông Thiết Lộc, xin ông hãy nán lại một chút nữa. Tôi xin mời ông và bạn của ông ngồi chơi chứng kiến số vàng ngọc này. Dù các ông muốn chối từ phần thưởng, các ông cũng nên biết rõ công trình mà ông đã góp phần có cái trị giá ra sao.
 
Tôi nhìn Thiết Lộc. Anh cũng nhìn tôi, rồi nói:
 
- Thôi được, chúng tôi ở lại vì sự tò mò mà thôi. Tôi cần tuyên bố lại một lần cuối là tôi không muốn quan tâm gì đến vàng ngọc kẻ khác, mà cũng không muốn hưởng lấy của ai bất cứ là món vật nào.
 
Đôn Lễ bảo người tài công là kẻ tay chân ông ta:
 
- Mở cái rương đi.
 
Rồi quay qua gã Xương Môn, viên thanh tra hỏi:
 
- Chìa khóa đâu rồi?
 
- Xương Môn đáp lại, lạnh lùng:
 
- Ở dưới lòng sông.
 
Thanh tra Đôn Lễ quắc mắt:
 
- Ngươi làm khó dễ chúng ta như vậy chẳng có ăn thua gì đâu. Từ trước đến nay ngươi đã gây cho chúng ta biết bao nhiêu khó khăn rồi.
 
Xương Môn vẫn không nói gì, vẻ mặt của gã bây giờ trở thành câm lặng, xa vắng.
 
Đôn Lễ bảo người tài công:
 
- Lấy móc sắt nạy xem nào!
 
Người tài công lục lọi một lát rồi đem ra một móc sắt khá lớn. Mặt trước cái rương có một ổ khóa kiên cố mang cái hình tượng ông Phật đang ngồi. Gã tìm cách đút một đầu cây sắt vào phía dưới và nạy lên. Cái khóa bật tung, kêu lên một tiếng chát chúa. Bàn tay run run, Đôn Lễ giở nắp rương ra. Chúng tôi sửng sốt: cái rương trống không, chẳng có một vật gì hết.
 
Tôi bèn bước lại sờ vào thành rương. Nó bằng sắt dày 2 phân đúc rất kỹ lưỡng, nhất định làm ra là để chứa một thứ gì quý giá. Nhưng nó hoàn toàn trống rỗng, chẳng có mảy may vàng ngọc gì hết, là tại làm sao? Thế cái kho tàng đã làm mất mấy mạng người, đã làm khốn khổ Xương Môn bây giờ ở đâu?
 
Đôn Lễ mặt tái như tàu lá chuối hỏi bằng một giọng lạc đi:
 
- Xương Môn, vàng ngọc đâu rồi?
 
Gã đang ngồi thẳng người trên một chiếc ghế dựa, bỗng ngả người ra phía sau mà cười rũ rượi.
 
Đôn Lễ hất hàm:
 
- Xương Môn, lại thêm một tội của mày nữa đấy!
 
Gã đáp lớn:
 
- Ông đừng dọa tôi, vô ích. Những vàng ngọc kia tôi đã chôn giấu nó vào một nơi mà các ông không đời nào lấy lên nổi đâu. Kho của kia thuộc về tôi, tôi không hưởng được thì không có ai được quyền hưởng nó. Tôi cần nói rõ thêm rằng, ngoài ba tù nhân bị đày ở An Đại Mã và tôi, không ai có quyền can thiệp vào số của đó. Tôi không thể hưởng được rồi, mà họ tất cũng không sao hưởng được. Bao giờ tôi cũng hành động vì các quyền lợi của họ ngang với quyền lợi của tôi. Dấu hiệu “Tứ Hiệp” luôn luôn ràng buộc chúng tôi với nhau. Vì thế, tôi chắc họ sẽ đồng ý với tôi là ném số vàng ngọc kia xuống sông Ta-Mi còn hơn là để nó lọt vào tay con cháu của ông Đôn Lễ. Hơn nữa, không phải chúng tôi giết chết Hắc Biệt để mà làm giàu cho các ông đâu. Các ông sẽ tìm ra số của đó với cái chìa khóa bên cạnh xác chết của thằng Tông Giả. Lúc biết các ông đuổi riết theo sau, tôi đã mở rương ném hết châu báu xuống nước. Thôi xin các ông hãy bằng lòng vậy, chắc là các ông sẽ không có được phần thưởng gì đâu.
 
Đôn Lễ lên giọng nghiêm nghị:
 
- Ngươi muốn đánh lừa chúng ta phải không, Xương Môn? Nếu có thể vứt tất cả châu báu xuống sông thì sao ngươi không xô luôn cái hòm sắt xuống một lượt, chẳng dễ hơn sao?
 
Xương Môn lém lỉnh đáp lại:
 
- Như thế, tôi ném dễ hơn mà các ông vớt cũng dễ dàng hơn, phải không? Người nào đã có tài theo đuổi được tôi thì tất phải có cái tài trục cái hòm của dưới đáy sông lên. Tôi có dại gì làm vậy. Nhưng bây giờ thì khó khăn lắm rồi, bởi vì số vàng ngọc đó đã được phân tán dài trên quãng sông ngót tám chín cây số ngàn. Thú thực có trời, lúc ném chúng xuống dòng sông lòng tôi đau như quặn xé. Thấy các ông sắp đuổi kịp, tôi tức điên cả người lên. Nhưng thở than chẳng ích gì. Suốt đời, lên voi xuống chó đã nhiều, tôi học được một bài học quý giá, là chẳng bao giờ nên khóc thương cái lọ vỡ.
 
Đôn Lễ hằn học:
 
- Ngươi phạm tội nặng lắm đấy, Xương Môn! Nếu ngươi đừng có phản bội công lý mà hết lòng phụ lực với chúng ta thì may ra trước phiên tòa ngươi sẽ còn được ơn nhờ!
 
Gã cựu tù rít lên:
 
- Công lý! Phải, thực là công lý! Kho của kia đáng lẽ nên về tay ai nếu không là về tay của chúng tôi? Công lý nào lại bắt buộc tôi phải nhường nó cho một số người không có chút quyền sở hữu nào hết? Tôi đây, tôi khổ công biết bao nhiêu mới chiếm được nó! Hai mươi năm trường lặn lội trong các bãi đầm lầy lội nước độc, quần quật suốt ngày làm việc dưới gốc vỏ dà, thao thức bao đêm trong những quán trọ hôi hám, hiến thân cho muỗi rỉa, cho sốt rét dày vò, chịu tất cả hành hạ của một đời phiêu bạt gian lao: đấy, tôi đã chiếm được kho của An Hạ như thế nào! Vừa rồi, ông lại nhắc nhở cho tôi hai chữ công lý, có phải chỉ vì tôi không đành tâm để cho kẻ khác hưởng thụ kết quả bao nhiêu gian lao khổ nhọc của tôi. Thà rằng tôi bị treo cổ hay bị giết chết vì mũi tên độc của các thổ dân ở An Đại Mã còn hơn là bị bó thân giữa vách xà lim, trong khi kẻ khác lại sống xa hoa trên một gia sản thuộc quyền sở hữu của tôi!
 
Xương Môn không còn vẻ mặt lạnh lùng như trước. Được tự do bộc bạch hết cả tâm can, cặp mắt của gã long lên, hai tay khua động hằn học, khiến đôi còng thép chạm nhau loảng xoảng. Thấy cơn giận dữ ghê gớm của hắn tôi sực nhớ đến nỗi khủng khiếp của cụ Sơn Tôn lúc thoạt thấy hắn xuất hiện ở bên cửa sổ. Nhưng Thiết Lộc đã mở lời:
 
- Cái kho của kia mất đi cũng là điều tốt. Nó đã từng là tai họa cho ai đã làm chủ nó. Lão lái buôn bị giết chết, ông Sơn Tôn sống trong xấu hổ, hãi hùng, và con ông ta đã lãnh một mũi tên độc. Còn ông Xương Môn, cũng như bạn bè của ông, chỉ là kiếp sống đọa đày.
 
Nói xong, Thiết Lộc ngả mũ chào hết mọi người và kéo tay tôi ra về.
 
 
VŨ HẠNH                  
(Phỏng theo truyện Dấu Tứ Hiệp
của văn hào Anh Conan Doyle)