Thứ Năm, 29 tháng 8, 2019

CON ĐƯỜNG THƠ ẤU - Chí Nhi


Bốn tháng hè thấm thoát qua mau, Lan lại sắp phải đội mưa đến trường trong những tháng đầu niên học. Nghĩ đến ngày tựu trường lòng Lan rộn rã vui. Lan như nhớ lại mùi tập giấy thơm nhẹ, mùi chiếc cặp mới và nhất là những lần đến trường.

Hồi ấy Lan chưa đầy mười một tuổi và chỉ cao có một thước ba mươi mấy thôi nên cả nhà gọi Lan là Bé. Mà bé thật so với bây giờ. Kéo chân lên cao một tí, Lan lim dim đôi mắt để thấy rõ hơn hình ảnh con Bé ngày xưa.

Đây rồi, bé Lan ngày xưa đây rồi. Lan ngày nào mới mười hai giờ mười lăm đã hấp tấp ăn cơm để kịp giờ đi học. Sau đó, một tay xách cặp, nón trên đầu, bé thong thả đi bộ qua vườn Tao Đàn ra Sàigòn đón xe buýt rồi trở vào Gia Định. Trường Bé ở xa nhà lắm. Những năm cây số cơ! Vào đến vườn Tao Đàn bé bỏ nón ra để đầu trần mà đi. Con đường thật râm mát, bé không sợ nhức đầu. Năm ấy, vườn thường hay đóng cửa chính, chỉ chừa một cửa nhỏ cho người đi bộ mà thôi. Bé đi giữa đường bước lên những vũng nắng nhỏ và đạp nát các tấm lá chết khô nằm rải rác đầy đường. Lá khô kêu lào xào dưới chân bé. Đến giữa vườn, bé thường dừng lại ngửa mặt nhìn trời. Không biết mặt trời trốn ở đâu rọi nắng xuống mà bé tìm không thấy. Chỉ thấy một khoảng trời tròn xanh lơ giữa vòm lá mượt. Các ngọn cây này đến hay nhỉ! Xếp đều đặn xung quanh thành một vòng tròn bằng lá đẹp ghê. Chắc ngày xưa người ta đã phải lấy chỗ bé đứng làm tâm, vẽ một vòng tròn khổng lồ rồi trồng lên những cây này chắc. Bé thầm nghĩ như thế!

Tuy không biết chúng tên là cây gì nhưng bé rất thích ngắm chúng. Những thân cây màu bạc thẳng tắp và cao vút, không cành không lá mãi đến quá nửa cây lối gần ngọn mới thấy có cành. Mà cành cây cũng đặc biệt nốt. Chúng như một cái thang thiên nhiên. Cứ bên trái thân cây có một cành thì bên phải không có, rồi đến bên phải có thì bên trái không. Cứ thế tiếp tục đến ngọn. Chúng thật là người bạn tốt với các nàng ve sầu. Chi chít quanh thân cây, nhất là những chỗ có lá vô số ve sầu cắm mũi hút nhựa. Đứng đây một lúc bé muốn điếc tai vì tiếng hát của ve. Chợt bé để ý thấy các chị Gia Long đi qua ai cũng nhìn bé một cái rồi mới đi. Chắc bé đứng giữa đường nhìn trời, nhìn cây, họ tưởng bé điên. Đâm ngượng và sợ trễ học bé tất tả đi.

Đến bùng binh, nhìn đồng hồ thấy mới một giờ kém bẩy tám phút bé mới chậm bước lại. Thường thì đúng một giờ mới có một chuyến xe 41. Buổi trưa đường vắng, hành khách ít, xe chạy mau nên không bao giờ bé đi muộn. Đến bến, bé đã thấy bọn con Hằng, con Thúy... đứng chờ xe châu đầu vào nhau tán gẫu. Bé hí hửng đến nhập bọn.

Buổi học vui tươi qua mau. Hai hồi chuông dài báo hiệu giờ về đã reo. Chà, lúc về 5g30 mới thật là mệt. Xe chật như nêm. Có hôm chen lên không được, bé và các bạn phải chờ đến 6 giờ hơn mới có xe về. Hồi ấy bé thường có tiền ăn quà luôn. Con Thúy cũng thế. Chả là vì tụi bé hên quá, các ông bán vé không thèm lấy vé mặc dù tụi bé có đưa tiền đàng hoàng. Hai đứa thích ghê, dùng tiền ấy đóng thuế cho các hàng quà.

Những buổi học đều đặn trôi qua. Một hôm, cô Việt văn đọc cho tụi bé bài chính tả dịch của Anatole France. Bé thấy vui vui trong lòng khi nghĩ mình cũng gần giống tác giả đi học qua vườn Lục Xâm Bảo. Tiếc rằng vườn Tao Đàn "của bé" không có lấy một bức tượng. Sau nầy bé mà được làm tổng thống, nữ tổng thống, bé sẽ bảo người ta đúc tượng các anh hùng VN đặt vào vườn Tao Đàn mới được...

 Chị tưởng Lan đã ngủ tắt đèn lúc nào Lan không hay. Bây giờ chắc đang giờ giới nghiêm nên cả nhà và toàn khu phố đều lặng trang. Không một tiếng động. Sự yên tĩnh hoàn toàn chợt gợi ra trong trí Lan một mẻ sợ hết hồn do trí tưởng tượng và lo xa của Lan lúc đi học qua vườn Tao Đàn.

Hôm ấy, bé Lan cũng đi học vào giờ thường lệ. Đi một quãng bé mới ngạc nhiên vì chỉ có tiếng guốc bé lóc cóc vang lên giữa sự im lặng của vườn. Giật mình, bé dừng lại dáo dác nhìn chung quanh. Tịnh không một bóng người. Cả khu vườn mênh mông im phăng phắc. Bấy giờ là sau Tết. Không một cơn gió. Chỉ có vài tiếng chim ríu rít đâu đây. Bỗng "sạt" một tiếng trầm và sắc ngay sau lưng bé. Hốt hoảng bé quay nhìn, không có gì cả ; chỉ là một chiếc lá khô nâu sẫm to tướng rụng xuống. Hú hồn. Bé nghe tim đập liên hồi. Bé vội vã bước, mong cho mau ra khỏi vườn, trí miên man nghĩ ngợi. Không hiểu sao hôm nay không có một chị Gia Long nào đi về cả vậy? Ba má bé có dặn là hôm nào có các chị Gia Long về học, bé muốn đi bộ thì đi, không sao, còn hôm nào không có thì chịu khó chờ xe buýt. Càng nghĩ bé càng hối, sao lúc nãy đi, mắt bé ở đâu nhỉ, sao bé không nhớ lời ba má bé dặn nhỉ? Nhỡ bây giờ ai bắt cóc bé thì làm sao. Chắc có nước chết! Cảnh sát ở mãi đường Hồng Thập Tự và Nguyễn Du, làm sao bé kêu cứu cho họ nghe được. Không một bóng cảnh sát hoa viên! Các bụi cây ngày thường hiền lành bao nhiêu giờ có vẻ dữ dằn, hăm dọa bấy nhiêu. Bất giác bé đưa tay sờ vào sợi chuyền vàng đeo nơi cổ. Bé hơi yên tâm vì nó nằm dưới lớp áo dài, chân bé hình như không chịu bước mà con đường lại như dài ra. Bao nhiêu ý nghĩ quay cuồng trong óc bé. Những chuyện bắt cóc trẻ con cướp của giết người, nhất là những cái xác chết từng nằm trong vườn ùn ùn kéo đến dọa bé thêm khiếp. Bé run rẩy bước, miệng lâm râm khấn cầu Chúa, Đức Mẹ cứu bé. Mắt bé dáo dác nhìn xem từ trong ngàn cây hiền lành này có che giấu tên sát nhân nào không. A! Gần đến cửa vườn đường Nguyễn Du rồi. Bé thấy chân bớt run và ríu lại như lúc nãy, bé cố bước mau hơn. Đây rồi! Qua cánh cửa sắt này là yên chí lớn.

Đến ngoài, bé thở phào nhẹ nhõm. Thôi một lần thì "cạch" đến già, bé tự hứa không có đi một mình để phập phồng lo sợ như hôm nay nữa đâu. Bữa cơm tối hôm ấy, kể chuyện lại cho cả nhà, bé được ba má cắt nghĩa cho nghe một lúc. Anh Long lúc đi ngủ còn trêu bé:

- Giá lúc đó anh biết bé đang sợ anh lén lại hù bé một cái chắc Bé dám lăn đùng ra bất tỉnh lắm phải không?

Cô bé đỏ mặt...

Tất cả giờ chỉ còn là kỷ niệm. Giờ bé đã lớn, bé cao hơn cả chị bé thành thử cả nhà vứt bỏ cái tên "Bé" bé bỏng của bé đi. Nay bé là Lan, Ngọc Lan. Lan không còn đi học thơ thẩn trong vườn Tao Đàn như ngày nào nữa. Mấy năm qua, bao nhiêu là thay đổi. Nhưng Lan, Lan và một số bạn vẫn còn đi về xe buýt bốn chuyến mỗi ngày. Lan đã quen đứng chờ xe có khi hàng giờ. Chờ đến dài cổ! Bao năm đi xe buýt, bây giờ mỗi lần phải chờ xe lâu hay gặp xe đông bọn Lan liệu có thể chen lên thì thế nào cũng cố chen cho bằng được. Con Nga thường cười và ra điệu bộ bảo cả bọn:

- Xe bus thế mà ích lợi thật chúng mày nhỉ! Vừa rẻ này, vừa tập cho chúng ta tính kiên nhẫn này, tinh thần tranh đấu này...

Nga chưa nói hết cả bọn đã bật cười ròn tan.

Lan thầm mong trời chóng sáng rồi chóng tối rồi lại chóng sáng cho mau đến ngày Lan đi học. Đồng hồ dưới nhà thong thả buông mười một tiếng quen thuộc. Khuya rồi, tự nhiên Lan buồn ngủ, những hình ảnh trong trí lộn xộn dần. Giật mình một cái, Lan bước vào thế giới của những giấc mộng, giấc chiêm bao.


Chí Nhi     

 
(Trích từ tạp chí Tuổi Hoa số 51, ra ngày 15-8-1966)


Nguồn : https://tuoihoandmore.blogspot.com/