Thứ Ba, 20 tháng 8, 2019

TÌNH SÔNG NƯỚC - Trang Vân


Vầng trăng 14 nhô sau rặng dừa, tỏa ánh sáng dịu dàng xuống mặt nước. Giòng sông hôm nay phẳng lặng chỉ có vài gợn sóng nhỏ lăn tăn đập vào mạn ghe. Chiếc ghe đậu sát mé sông hứng những ngọn gió lồng lộng thổi đến. Nằm trên mui ghe ngắm bầu trời trong vắt êm ả với những vì sao nhấp nháy xa xăm mãi cũng chán, tôi cất tiếng gọi mẹ:

- Má ơi! Rồi chưa, sao lâu quá vậy?

Tiếng má vang lên phía dưới:

- Rồi đây nè! Gì mà hối quá hỏng biết! Đợi má một chút đi!

Có tiếng lục đục rồi má đi lên tươi cười, tay cầm dĩa khoai nghi ngút khói. Tôi ngồi bật dậy:

- Ủa! Chín rồi sao má? Mau quá!

Má cú đầu tôi một cái:

- Mới hối đó mà má đem lên thì lại la là mau. Muốn nói gì thì nói hà!

Tôi cười trừ, đưa tay bóc vỏ một củ khoai bí nóng hổi:

- Ba đi đâu tới giờ chưa về vậy má?

- Ối! Ba con đi ăn tiệc đâu trong chợ á. Hễ đi tới đâu là cũng có người mời, người rước!

Giọng má có vẻ trách móc nhẹ nhàng, nhưng không giấu được niềm âu yếm.

Tôi bào chữa cho ba:

- Má bắt ba ở trên ghe hoài cuồng cẳng chết.

- Vậy chớ má đó thì sao?

Tôi pha trò:

- Má đi đâu bây giờ, có ai mời má ăn tiệc hôn? Vả lại trời tối má sợ ma chết!

Má bẽn lẽn la lên:

- Thằng quỷ này! Tại sao bắt bẻ má hoài vậy?

Vừa lúc đó có tiếng tằng hắng ở mé bờ, tiếp theo tiếng ba oang oang:

- A! Má con thằng Duy nói cái gì mà vui quá ta!

- Má nói lén ba đó ba ơi!

Ba bước xuống ghe:

- Má nói gì ba đó con? Kể cho ba nghe với!

Má ngắt ngang:

- Cha! Thằng Duy hôm nay kiếm chuyện hay dữ!

- Má nói ba đi đâu tới giờ mà không về ăn khoai cho nóng. Khoai ngon lắm!

Ba cười hề hề, đặt cây đàn tranh xuống mui ghe, đưa tay đón lấy củ khoai má vừa lột sẵn:

- Chà, khoai ngon thiệt!

Tôi ôm lấy cây đàn, khảy lên vài khúc vu vơ, lạc cả âm điệu. Không phải ba tôi là một người ham chơi bời, nhưng với tánh hiền lành cởi mở, đi đến đâu ba cũng có bạn, họ thường rủ rê về nhà khi có đám tiệc, ăn uống, để nghe những lời pha trò duyên dáng và giọng đàn tranh thánh thót của ba.

- Ba ơi! Ngày mai ghe mình trở ra chưa?

- Trở ra tỉnh chớ! Bán gần hết đồ rồi. À! Ba có đến chủ vườn mía mua rồi, sáng mai họ đem xuống sớm, kỳ này mình ra chợ tỉnh bán mía. Mía đây ngon lắm!

Má hỏi:

- Mình mua đầy ghe không?

- Đầy chớ, để rồi mình coi, mía này bán đắt lắm, mua ít chi uổng.

- À! Ba ơi! Con đọc xong bài ám đọc rồi! Con trả ba nghe nghen!

- Giỏi quá ta! Mới đây mà thuộc. Ờ, đâu trả ba má nghe coi!

Tôi cao giọng:

"Một đêm mờ lạnh ánh gương phai,
Suốt dãy sông Hương nước thở dài
Xào xạc sóng buồn khua bãi sậy
Bập bềnh bên mạn chiếc thuyền ai

Mây xám xây thành trên ải Bắc
Nhạc mềm chới với giữa sông êm,
Trăng mờ mơ ngủ lim dim gật
Ẻo lả nằm trên ngọn trúc mềm"

Ba reo lên:

- Hay! Giỏi! Hợp tình, hợp cảnh quá!

Má cười:

- Xí! Vậy mà cũng nói hợp tình hợp cảnh. Đây là sông Cửu Long, nào phải sông Hương? Còn ánh trăng ở trên đầu ngọn dừa đâu có nằm trên ngọn trúc ẻo lả?

Ba cười rộ:

- Thôi mà! Phê bình gắt gao quá! So sánh tàm tạm vậy mà!

- Hôm nay má phê bình một cây!

Má cười lỏn lẻn. Ba nâng cây đàn đặt lên đùi, khảy lên một khúc êm buồn. Tiếng đàn dội xuống lòng sông, dư âm vang xa. Tôi nằm ngửa xuống sát bên má. Ánh trăng đã lên cao. Một lúc sau tôi buồn ngủ ngáp dài. Ba ngưng đàn, bảo:

- Thôi buồn ngủ rồi, xuống ngủ mai còn dậy sớm.

Nằm trong khoang ghe, tiếng gió lướt nhẹ bên ngoài vang lên như một nhạc khúc quen thuộc, tôi kéo chiếc chăn ấm lên tận cổ, lắng nghe tiếng sóng mơn man mạn ghe, dần đưa tôi vào giấc mộng êm ái.

*

Tiếng chim trảo trẹt inh ỏi bên bờ sông làm tôi thức giấc. Vừa lúc đó má cũng đến lay tôi dậy:

- Dậy đi con! Sáng rồi. Họ vác mía xuống kìa.

Trời đã sáng hẳn. Nước lớn đầy cả sông, lừ đừ chảy một cách uể oải. Mấy người vác mía chuyện trò tíu tít. Một người hỏi ba tôi:

- Ông chủ ghe ơi! Chừng nào trở lại đây nữa?

- Không biết chừng bác ơi! Nửa tháng, hai mươi ngày gì đó, hễ có đồ và tiện nước thì trở lại.

- Ông nhớ trở lại sớm nghen! Ở đây họ thích hàng của chiếc "Nhạn trắng" này lắm!

Mía đã được chất đầy khoang ghe. Những cây mía mập mạp, giao lóng và vàng lườm chỉ nhìn nó người ta cũng thấy thèm thuồng, khát nước. Trả tiền cho chủ vườn mía xong, chúng tôi sửa soạn tách bến về tỉnh. Mấy đứa trẻ đang chơi trên bờ bỏ chạy ra mé sông:

- Chiếc "Nhạn trắng" sắp sửa đi rồi bây ơi!

- Ông chủ ghe vui ác! Mà thằng nhỏ đó lên chơi cũng dễ thương quá há!

- Mai mốt có về ghé đây chơi nữa nghe mậy!

Vài chị đàn bà từ trong nhà chạy ra:

- Ủa, đi bây giờ sao ông chủ?

Má tôi cười:

- Dạ! Đi bây giờ cho kịp nước chị ơi!

- Thôi! Ông chủ đi mạnh giỏi nghen. À! Chị nhớ mua khúc hàng tôi dặn đó nha. Kỳ sau về không có tôi bắt đền đó.

- Nhớ mà! Chị khỏi lo.

Chiếc "Nhạn trắng" từ từ rời bến.

- Thôi, tụi tui đi nhen bà con.

- Tao đi nghen tụi bây.

Những bàn tay của mấy người trên bờ vẫy chào tiễn đưa, vương nhiều lưu luyến.

Thật vậy, chiếc "Nhạn trắng" của ba má tôi bất kỳ ghé đến một bờ bến nào để bán hàng đều lưu lại lòng người nơi đó một mối tình luyến mến đậm đà. Với hàng hóa được lựa chọn kỹ lưỡng, với lối buôn bán vui vẻ mà thật thà của ba má, bất cứ người khách hàng nào dù khó khăn đến đâu cũng thích ý, hài lòng.

Chiếc "Nhạn trắng" này ba mua từ hồi mới lập gia đình với má. Vì được sửa sang hoài nên dù đã mười mấy năm qua nó vẫn còn tốt. Công việc mua bán của ba má không khó khăn lắm, lại dễ sống: Chiếc "Nhạn trắng" lên tỉnh mua, đầy một ghe, những hàng hóa mà ở thôn quê ít có như su, bắp cải, cà rốt, khoai tây v.v... đó là đồ hàng bông. Má tôi lại lựa chọn những thứ vải vóc, quần áo trẻ con, khăn nón, mùng mền v.v... để bán nữa. Từ tỉnh, ghe chúng tôi xuôi theo giòng sông, đi khắp làng mạc xa xôi bán cho dân cư hai bên sông rạch. Nơi nào có đường thủy là có chiếc "Nhạn trắng" đến. Khi bán xong hàng hóa mua ở tỉnh, đến địa phương nào, ba má tôi lại mua những thổ sản nơi đó chở về tỉnh bán. Những chuyến chở về tỉnh khi thì chở chuối, mít, khoai, sắn, khi thì bắp, mía, dừa xiêm. Vì vậy ghe tôi ít khi bỏ trống.

Ba rất yêu cuộc sống bồng bềnh trên sông nước, còn má thấy công việc làm ăn dễ chịu nên cũng thích. Suốt mười mấy năm qua, chiếc "Nhạn trắng" đã qua bao bến bờ xa lạ và gieo vào đó nhiều mỹ cảm êm đềm.

Tôi lớn lên trên những giòng sông bát ngát, hiền hòa vì từ nhỏ đến lớn tôi chỉ sống trên ghe. Cảnh sông nước quen thuộc đó không bao giờ làm tôi chán trái lại mỗi khi phải về quê nội sống năm bữa, mười ngày trên đất liền tôi cảm thấy dâng lên nỗi nhớ nhung tràn đầy. Sống trên ghe không phải là một đời sống tù túng. Mỗi lần ghé lại nơi nào để bán hàng đôi bữa, tôi lên bờ để biết phong cảnh và làm quen với lũ trẻ nơi đó, rong chơi khắp nơi. Vì giống tính ba, tôi rất yêu sông nước và coi những giòng sông, con rạch mà chiếc "Nhạn trắng" đã đi qua như một thế giới riêng biệt của chúng tôi. Đáng lẽ với số tuổi của tôi, hàng ngày tôi phải đến trường học tập nhưng hồi tôi lên bảy, ba định gởi tôi về quê nội đi học thì má khóc lóc, bảo không thể xa tôi được. Ba chìu ý má, sau đó ba dạy tôi tập đọc, tập viết rồi ba mua sách vở về dạy tôi học mỗi năm một chương trình của một lớp Tiểu Học. Ba định cho tôi vào trường khi tôi học hết bậc Tiểu học.

Cuộc sống của gia đình tôi thật yên ấm. Vì tôi là đứa con duy nhất nên ba má rất thương yêu tôi. Má hiền lành, dễ dãi, ba thì rắn rỏi, cương nghị. Thế giới tôi sống đâu phải lúc nào cũng êm lặng như mặt nước trong hồ, ao. Đôi khi giữa giòng sông rộng giông tố, sóng gió nổi lên cuồng loạn tơi bời như muốn nhận chìm chiếc "Nhạn trắng" dưới giòng nước ngầu đục. Những lúc đó tôi thấy ba tôi thật phi thường. Với vẻ mặt trầm tĩnh, ba cố gắng lèo lái chiếc ghe hầu thoát qua cơn nguy ngập. Nhờ những thử thách đó, ba đã rèn luyện cho tôi thành một đứa bé gan dạ, can đảm. Các cơn sóng gió, mưa nắng trên ghe hun đúc cho tôi có một thân hình vạm vỡ, một làn da hồng hào rám nắng. Tôi thường ngồi trước mũi ghe chèo chống thế cho má và tôi còn lội giỏi như rái.

Biết bao lần tôi say sưa ngắm cảnh bình minh, nhìn ánh dương ló dạng qua màn sương còn dày đặc trên sông vắng? Cũng biết bao đêm, tì tay bên cửa sổ ở hông ghe, ngắm ánh trăng soi mình bên giòng nước, chiếu ánh sáng lấp lánh lên những gợn sóng nhỏ, tai lắng nghe tiếng đàn tranh thánh thót của ba rơi vào đêm trường quạnh quẽ? Ôi! Tôi thích cuộc sống hiền hòa mà đầy hoạt động của gia đình tôi làm sao!

Có những buổi trưa đợi nước xuôi, chiếc "Nhạn trắng" đậu vào một bờ sông vắng, dưới tàn cây râm mát. Ba má đã ngủ trong khoang ghe, một mình tôi ra trước mũi ghe nhìn sông nước. Giòng nước đục vì chứa nhiều phù sa màu mỡ đang lờ đờ chảy. Đối với nó, tôi cũng có một tình thân thuộc và trìu mến như với chiếc "Nhạn trắng". Từng đám lục bình bập bềnh trên sóng. Hoa lục bình là một loài hoa mà tôi yêu quí nhất. Vì lẽ gì nó đã chiếm được cảm tình tôi nhiều như thế? Có phải vì trên sông nước này chỉ có nó là một loài hoa? Không! Phía sau ghe, ba cũng có trồng vài chậu cúc và vạn thọ mà nào tôi có thích? Hay là vì hương sắc của lục bình? Cũng không! Vì hoa lục bình không hương với màu tím đơn sơ mộc mạc nằm trên những chiếc lá xanh mơn mởn đâu quyến rũ bằng những hoa rực rỡ khác. Tôi thích hoa lục bình từ nhỏ. Lúc còn bé, nằm trên chiếc võng trong khoang ghe, má đã hát ru tôi bằng những lời dịu dàng, trầm ấm như sau:

Ầu... ơ lục bình bông tím,
ờ... điên điển bông vàng, 
điên điển mọc ở đất làng,
lục bình trôi nổi như phường hát ngao... ơ...

Tôi đã nghe câu hát của má biết bao lần, nó đã in sâu vào lòng tôi như một bài ca hay nhứt. Vì tôi đã lớn, má không còn ru tôi ngủ nữa nhưng thỉnh thoảng má vẫn hát câu trên. Mỗi lần nghe má hát, ba gật gù:

- Ờ! Lục bình nó trôi nổi như chiếc "Nhạn trắng" này, rày đây mai đó.

Thật vậy, đời sống chúng tôi nào khác đám lục bình? Và tôi yêu hoa lục bình chắc không ngoài lý do đơn giản đó. 

Chiếc "Nhạn trắng" xuôi theo giòng nước về chợ tỉnh chỉ độ một, hai ngày thì tới. Sau khi bán mía, ba má lo đi mua đồ về chất đầy cả ghe, xong lo sửa soạn khởi hành. Kỳ này ba cho ghe xuôi về phía Cầu Sắt vì đã mấy tháng rồi chiếc "Nhạn trắng" chưa trở lại nơi đó bán hàng.

Ghe chui qua Cầu Sắt rồi tấp vào bờ. Trẻ con túa ra kêu vang:

- A! Chiếc "Nhạn trắng" trở lại kìa bây ơi! Lâu quá nó mới về đây.

Một bà già vừa xỉa thuốc, vừa hỏi:

- Trời ơi! Đi đâu mất biệt vậy cậu Hai?

Ba nhảy lên bờ cột ghe vào thân cây dừa, đáp:

- Dạ, tụi cháu bán ở miệt trên đó bác.

- Bán ở trên rồi quên mất ở đây hén?

Má cười:

- Dạ tụi cháu đâu dám quên, bác. Hôm nay tụi cháu trở về nè!

Một lúc sau khách hàng đã bu đen và đua nhau xuống ghe để chọn đồ mua. Tôi lên bờ, thả rong vào xóm tìm thằng bạn làm quen lúc trước. Gặp tôi, thằng Tý mừng rỡ reo lên:

- Dữ hôn! Bây giờ mới trở lại!

Rồi chúng tôi tiến ra phía chợ. Tiếng trống đánh giục giã vang lên làm tôi ngạc nhiên hỏi Tý:

- Trống gì đó mậy?

- À! Trống của gánh hát "Liên Hoa" đó. Nó về đây hát hai đêm rồi, hay lắm! Tối nay đi coi chơi mầy!

- Ờ! Để tao xin ba má tao đã!

Tôi trở về, lòng mừng khấp khởi. Tối đó, tôi xin ba má đi xem hát. Má mệt quá không đi, còn ba thì cũng ở nhà với má. Ba cho tôi đi vì chợ cũng gần sông. Tôi lên bờ đi với thằng Tý mãi đến khuya mới về. Đến mé sông, ánh trăng sáng soi rõ bóng ba má còn trò chuyện trên mui ghe, chắc để đợi tôi. Thấy tôi về, má âu yếm hỏi:

- Duy đó hả con, buồn ngủ hôn? Coi hát có hay hôn?

- Dạ, hay lắm má ơi!

Ba hỏi:

- Tuồng gì vậy con?

Tôi lúng túng:

- Dạ, tuồng... tuồng gì con quên lửng rồi!

- Đâu con kể lại cho ba má nghe coi.

- Dạ, có ông tướng đi đánh giặc tài lắm.

- Có bao nhiêu đó thôi sao?

- Dạ dài lắm chớ nhưng họ hát gì "ải... ải... ư... ư..." con không hiểu gì cả.

- Vậy mà cũng khen "hay lắm"!

Má cười xòa. Tôi cãi lại:

- Hay thiệt chớ ba má. Ông tướng mặc áo giáp đẹp lắm, trên đầu ổng gắn hai cái lông gì cong vút. Còn cô đào  cũng gắn cái gì chiếu lấp lánh mà trên ngực có cài cái bông to ghê đi.

Thấy ba má im lặng nghe kể, tôi càng thích chí nói một hơi. Một lúc sau, tôi hỏi ba:

- Ba à! Hồi ông tướng đó đi đánh giặc, ổng lấy cây roi múa rồi để giữa hai chân vừa đi vừa nhảy, ổng làm gì vậy ba?

Ba má suy nghĩ một lát. Bỗng hai người cười rú lên:

- Con không biết sao? Ổng cỡi ngựa đó!

Tôi ngạc nhiên:

- Ý trời! Ổng cỡi ngựa đó sao? Hèn chi ổng nhảy cà nhỏng hoài, con trố mắt nhìn mà không biết ổng làm cái chi lạ vậy!

Cả ba chúng tôi ôm bụng lăn ra cười rũ rượi!

*

Cuộc đời của chúng tôi êm đềm trôi qua như giòng sông trong những ngày lặng gió. Tôi thấy yêu thích cuộc sống bềnh bồng này và không mơ ước gì hơn nữa. Nhưng một việc xảy ra làm xáo trộn đời tôi và thay đổi luôn nếp sống cố hữu kỳ thú này.

Một đêm hè nóng nực. Ba không chịu nổi cái nóng trong khoang ghe bèn lên mui nằm cho thoáng mặc dù đã khuya và ba đang bị cảm. Má ngủ quên một giấc, chừng tỉnh dậy vẫn không thấy ba xuống. Má lên ghe thấy ba bất tỉnh từ lúc nào, mình ướt đẫm sương lạnh. Chúng tôi hốt hoảng đem ba xuống, đốt lửa hơ mãi mà ba vẫn không tỉnh.

Nửa đêm đó, má con tôi ra sức chèo chống cho ghe về tỉnh. Trời rựng sáng ghe đến chợ và má chở ba vào bệnh viện, nhưng rồi ba cũng vẫn không tỉnh và từ trần luôn. Bác sĩ bảo ba bị sưng phổi quá nặng không thể nào cứu được nữa. Cái chết đột ngột của ba làm má và tôi bàng hoàng ngơ ngẩn, mãi một lúc sau mới khóc được. Đầu tóc rũ rượi, má ôm chặt xác ba, nước mắt đầm đìa như không thể rời xa được nữa. Nhưng rồi má và tôi cũng đành đem ba xuống ghe chở về quê nội để lo việc tống táng. Chưa lần nào trong đời tôi, khởi hành một chuyến đi trên chiếc "Nhạn trắng" mà đầy thê thảm như thế. Đến nơi, nội tôi ngất lịm khi hay hung tin này vì từ lâu, dù chỉ sống với chú thím tôi, nội tôi cũng rất cưng yêu ba. Hai ngày sau, lễ an táng được cử hành. Má rũ rượi trong bộ đồ tang trắng, khóc ngất. Tôi nghe đau nhói trong lồng ngực, nghẹn ngào như ai bóp chặt con tim. Thôi, từ đây đành vĩnh biệt ba yêu quí. Biết đến bao giờ mới được gặp nhau? Còn mong gì thấy lại được hình dáng thân yêu quen thuộc đó? Còn có khi nào tôi được nghe lại giọng khuyên răn dạy bảo nghiêm nghị nhưng đầy âu yếm của ba nữa? Đất đã lấp lại rồi, ba ơi! Còn có khi nào nữa đâu!

*

Một tháng trời buồn thảm trôi qua.

Chúng tôi ở luôn nơi nhà nội.

Ba mất đi, má và tôi không thể nào điều khiển chiếc "Nhạn trắng" nổi. Má cất một nhà riêng, định lập một tiệm hàng xén nhỏ để mẹ con tôi sinh sống. Chiếc "Nhạn trắng" phải bán đi để lấy tiền lập tiệm. Nhìn chiếc ghe, cái tổ ấm êm đềm của chúng tôi suốt mười mấy năm qua phải về tay kẻ khác, tôi không khỏi đau đớn. Kìa! Nó đã khuất sau khúc quanh con sông vắng, bóng dáng thân thuộc của nó mất hẳn rồi. Tôi để mặc cho nước mắt lặng lẽ rơi trên má.

Thời gian sau, tiệm mới của má bắt đầu phát đạt. Vì bận rộn với công việc, má bớt buồn rầu. Má định kỳ nhập trường tới sẽ cho tôi vào trường học. Tôi phụ bán với má.

Lúc nhàn hạ, thơ thẩn ngoài vườn tôi không khỏi nhớ đến đời sống bềnh bồng trên sông nước khi trước.

Tôi nhớ đến những buổi chiều trên giòng sông quạnh vắng, ghe tôi tấp vào một bến đầy những cây bần xanh mướt. Tôi nằm trên mui ghe, nhìn làn khói nấu cơm của má ẻo lả vươn mình lên không. Tôi nhớ đến những đêm sao lấp lánh đầy trời, vầng trăng bàng bạc, bầy đom đóm lập lòe trên những lùm cây ở mé sông. Tôi cũng nhớ đến tiếng đàn của ba rơi trong đêm tĩnh mịch, dư âm vang xa trên sóng nước bao la hay những đêm khuya chợt thức giấc lắng nghe tiếng sóng thì thầm bên mạn.

Ôi! Những ngày êm đềm ấy làm sao tìm lại được? Nhìn chiếc đàn đóng bụi của ba treo trên vách, tôi lấy xuống, cố tìm lại chút âm thanh quen thuộc cũ trong khúc nhạc ba thường đàn nhưng không được.

Tôi định rằng lớn lên tôi sẽ nối nghiệp ba, để sống lại cuộc sống bềnh bồng đây đó mà chúng tôi đã sống.

Tôi ra bờ sông, nhìn giòng nước quen thuộc lững lờ trôi nhưng sao tôi thấy xa cách nó quá. Một đám lục bình xanh um từ xa trôi đến, lòng tôi mừng rỡ như được gặp một người quen đã xa cách lâu ngày. Lúc trước ngày nào mà tôi không trông thấy nó? Sau một phút ngẫm nghĩ, tôi lấy cây lôi đám lục bình vào bờ rồi xách về nhà. Thấy tôi về, má hỏi:

- Con đi đâu về đó? Xách gì vậy?

- Lục bình nè má! Má cho con thả xuống cái ao trước nhà nha.

- Chi vậy? Cái ao đó má tính thả rau muống đó. Ờ! Mà thôi, con thả gì thì thả.

Thả đám lục bình xuống ao, nhìn nó bềnh bồng trên nước, lòng tôi rộn lên một niềm vui kỳ lạ mà từ khi ba chết đến nay tôi chưa hề có. Rồi đây nó sẽ mọc lan ra khắp cả ao và mỗi ngày tôi sẽ ra ngắm để tìm một chút kỷ niệm thân thuộc cũ.

Màu tím đơn sơ của hoa lục bình mơ mộng trên đám lá xanh chắc sẽ làm tôi vơi đi phần nào niềm luyến thương sông nước vẫn nung nấu ngập hồn tôi.


Trang Vân      


(Trích từ tạp chí Tuổi Hoa số 51, ra ngày 15-8-1966)



Nguồn : https://tuoihoandmore.blogspot.com