Thứ Sáu, 2 tháng 8, 2019

CHƯƠNG II_KHO VÀNG AN HẠ


CHƯƠNG II
 
CÂU CHUYỆN BÍ MẬT TRONG GIA ĐÌNH SƠN TÔN
 
 
Bấy giờ vào khoảng tháng 9, ban đêm cũng ảm đạm như ban ngày. Sương mù dày đặc, ẩm lạnh, che kín thành phố. Những đám mây xám lướt thướt kéo qua các vũng nước bùn. Ở hai bên đường, những cây trụ đèn chỉ còn là những chấm sáng lờ mờ tỏa những vệt sáng tròn nhỏ trên mặt đường ướt. Tôi nhìn khung cảnh chung quanh thấy có một màu huyền hoặc, kỳ ảo lạ thường.
 
Tâm trạng của cô Mộng Lan chẳng khác gì tôi. Riêng về Thiết Lộc, tôi nghĩ hẳn anh đã vượt lên trên những loại cảm giác tầm thường. Đặt cuốn sổ mở sẵn trên đầu gối, và dưới ánh sáng cây đèn ở trong xe ngựa chao đảo chập chờn, anh ta thỉnh thoảng cúi xuống ghi mấy hàng chữ và mấy con số.
 
Đến chỗ đã hẹn, chúng tôi bước tới cây cột thứ 3. Một người nhỏ bé mặc bộ đồ nâu kiểu thợ đánh xe xuất hiện, giữ chúng tôi lại. Gã hỏi:
 
- Có phải các ông đi theo cô Mộng Lan không?
 
Cô Mộng Lan bảo:
 
- Phải rồi, tôi chính là Mộng Lan đây. Còn hai ông này là bạn của tôi.
 
Gã ngẩng lên nhìn chúng tôi một cách dò xét rồi gã hút còi se sẽ. Một đứa bé đánh chiếc xe nhà đến, mở cửa, mời chúng tôi lên. Chúng tôi vào ngồi bên trong, người ban nãy leo lên trên ghế đánh xe. Chúng tôi vừa chớm ngồi xuống, người kia đã vội ra roi quất ngựa cho xe chạy như bay trên đường sương mù mờ mịt.
 
Chúng tôi qua nhiều khu phố có những dãy nhà bằng gạch một kiểu như nhau, thỉnh thoảng mới thấy hiện ra vài quán giải khát ở ngả tư đường. Rồi đến những ngôi biệt thự hai tầng với những vườn nhỏ bọc quanh. Đây lại là một dãy nhà gồm những ngôi nhà mới cất trông giống như những vòi lớn vươn ra bốn phía cánh đồng. Chiếc xe dừng lại ở trước gian nhà thứ ba, trong một con đường mới rẽ. Các ngôi nhà khác chung quanh dường như không có người ở. Ngôi nhà trước mặt chúng tôi trông cũng tối tăm như các nhà khác nhưng bên khung cửa nhà bếp có chút ánh đèn le lói. Người kia vừa gõ vào cửa thì cánh cửa được mở ngay, chúng tôi trông thấy một người da đen xuất hiện. Gã quấn một lượt khăn vàng, mặc áo quần rộng thùng thình, thắt lưng cũng một màu vàng. Gã nói:
 
- Ông chủ đang chờ các ông.
 
Cùng ngay lúc đó, một giọng the thé cất lên từ phía bên trong:
 
- Đưa họ vào đi.
 
Chúng tôi theo người da đen qua một dãy hành lang dài tối tăm. Rồi gã mở một cánh cửa bên phải. Một luồng ánh sáng vàng vọt hắt vào chúng tôi. Bên trong chúng tôi nhìn thấy một người đàn ông thấp bé, chiếc đầu trọc nhẵn láng bóng chỉ còn vành tóc hung hung mọc ở chung quanh trong giống đỉnh núi nhô lên giữa rừng thông rậm.
 
Y tiến đến chào chúng tôi rồi tự giới thiệu:
 
- Tôi là Diệp Tôn, con thứ của Tham mưu Trưởng Sơn Tôn. Còn cô… cô là Mộng Lan đấy nhỉ?
 
Cô Mộng Lan nói:
 
- Vâng, và hai người này đều là bạn thân của tôi.
 
Y nói:
 
- Hân hạnh.
 
Rồi mời chúng tôi ngồi xuống, rót nước, mời chúng tôi uống. Xong rồi, y mới vào đề:
 
- Này cô Mộng Lan, tôi sẽ nói rõ mọi sự cho cô được biết và tôi không dấu diếm gì. Tưởng là đã đến lúc mọi việc cần phải phơi bày và tốt hơn hết tôi xin đi ngay vào chuyện cho khỏi mất thêm thì giờ. Tôi cũng mong đem lại sự công bình cho cô, dù anh cả tôi là ông Mân Tôn phản đối thế nào cũng mặc. May mắn có hai người bạn cô đây, họ sẽ làm chứng cho điều tôi sắp trình bày cũng như sắp làm. Bây giờ trước khi đi gặp anh tôi, xin hãy nghe tôi kể chuyện.
 
Y dừng lời lại, uống thêm ngụm nước, rồi tiếp tục kể:
 
- Tôi là Diệp Tôn và anh cả tôi, Mân Tôn, là con sinh đôi độc nhất của Tham Mưu Trưởng Sơn Tôn. Cha tôi giải ngũ, trở về Anh Quốc lập nghiệp đến nay đã 11 năm. Ông có khá nhiều tài sản quý giá mang về từ bên Ấn Độ đã giúp cho ông tậu nhà, mua vườn, sống một cuộc sống xa hoa. Đến khi chúng tôi được tin Đại Úy Mộ Tân biệt tích, anh em chúng tôi hết sức kinh ngạc. Chúng tôi tìm đọc tất cả chi tiết việc này ở trên mặt báo và bởi ông là bạn thân của cha tôi nên chúng tôi tha hồ bàn tán về trường hợp này ở trước mặt ông. Ông cũng bàn góp với anh em tôi về bí mật này. Hai anh em tôi không ai ngờ được rằng chính ông đang dấu kín cái bí mật ấy trong lòng. Theo chúng tôi biết thì kể từ đó cha tôi có điều gì lo sợ lắm. Ông không hề dám đi đâu một mình và đã thuê hai võ sĩ có hạng làm người gác cổng.
 
Cha tôi không muốn chúng tôi biết nguyên do sự lo sợ ấy của ông, nhưng có một điều là ông rất ghét những người nào đi chân gỗ. Đến nỗi một hôm ông đã chĩa súng bắn vào một người chống nạng và chúng tôi phải xuất một số tiền khá lớn để mà bồi thường cho y. Hai anh em tôi yên trí rằng đấy chỉ là một sự đổi tính của ông trong lúc về già bị chứng thần kinh suy nhược.
 
Đầu năm 1882, cha tôi nhận được một bức thư ở Ấn Độ gởi đến. Đọc thư, ông hoảng sợ suýt ngất đi, và từ đó ngày một yếu dần. Chúng tôi không sao hiểu được trong thư nói gì, và cuối tháng tư năm ấy ông đau mê man, muốn gặp chúng tôi một lần cuối cùng.
 
Khi chúng tôi bước vào phòng, ông đã ngồi tựa vào một đống gối chất phía sau lưng và thở khó nhọc. Ông bảo chúng tôi khóa chặt cửa lại và đến bên giường của ông. Nắm tay chúng tôi, ông kể lại một câu chuyện như sau:
 
- Một việc còn làm cho ta áy náy trong phút cuối cùng của cuộc đời ta, đó là cách ta đối xử với người con gái đại úy Mộ Tân quá cố. Lòng tham nhơ nhuốc đã làm ta phạm vào một tội lỗi nặng nề: ta đã giành lấy một mình kho của mà đáng lẽ ra người con gái ấy phải được giữ lấy nửa phần. Chỉ vì cuộc tranh đoạt kho của ấy quá đỗi gay go nên ta không đành lòng chia bớt nó cho ai. Các con có thấy tràng ngọc để ở bên cạnh chai thuốc kia không? Cha không nỡ rời nó được. Tuy vậy cha đã quyết định lấy ra gởi cho cô gái ấy. Và các con phải chia đều cho nó một phần kho vàng An Hạ. Nhưng các con nhớ đừng gởi cho nó một cái gì hết, cả chuỗi ngọc kia cũng vậy, trước khi ta lìa cõi đời.
 
Bây giờ ta nói cho các con biết Mộ Tân chết như thế nào. Ông ấy đau tim từ lâu nhưng không cho ai hay biết. Lúc ở Ấn Độ, nhân một sự tình cờ kỳ quái, ta và ông ấy cùng khám phá được một kho của quí. Ta chuyển kho của ấy về Anh Quốc, và ngay chiều hôm vừa đến Luân Đôn, Mộ Tân đã đến tìm ta bảo hãy chia phần.
 
Ta cùng với y bàn nhau về sự chia kho của ấy rồi cãi nhau rất kịch liệt. Trong lúc tức giận cực độ, Mộ Tân đã đứng phắt lên, nhưng y bỗng đưa tay ra ôm ngực, mặt tái dần và ngã ngửa ra sau. Lúc ngã, đầu y va mạnh vào một góc tủ. Lúc cúi xuống xem, ta kinh hoàng thấy y đã chết rồi.
 
Ta đứng lặng một hồi lâu trước chiếc bành, đầu óc choáng váng không biết làm sao. Ý nghĩ đầu tiên của ta là muốn tìm người cấp cứu. Nhưng làm sao tránh khỏi tiếng sát nhân? Vì y chết trong một cuộc gây gổ với ta rõ ràng! Và trên đầu y mang một thương tích nặng nề như thế, bao nhiêu là những ức đoán sai lầm nguy hiểm cho ta. Hơn nữa cuộc điều tra sẽ phát giác ra nhiều điều cần giữ kín về kho của này. Vậy ta và kẻ tâm phúc đem dấu tử thi ngay trong đêm đó. Độ vài ngày sau, báo chí Luân Đôn nhao nhao về vụ đại úy Mộ Tân biệt tích. Các con xem đấy, cái chết của y có đáng quy trách vào lỗi ta đâu? Ta chỉ có lỗi là không những đã dấu kín xác y mà còn dấu luôn phần của thuộc quyền của y. Vậy ta mong rằng các con sẽ hoàn trả lại cho con cháu y. Các con hãy đến gần đây. Kho của ta giấu trong…
 
Ngay lúc đó, sắc mặt ông hiện lên vẻ khủng khiếp cực độ, cặp mắt nhớn nhác và mồm há hốc. Ông kêu rú lên thất thanh chỉ nói một câu mà tôi không sao quên được:
 
- Đuổi nó đi ngay! Trời ơi, hãy đuổi nó đi!
 
Chúng tôi cùng quay lại phía cửa sổ mà ông đang ngó trừng trừng. Một mặt người hiện giữa bóng tối đen ngòm đang nhìn chúng tôi. Cái mũi trắng bệch áp sát mặt kính, tóc râu xồm xoàm, cặp mắt long lên sòng sọc, như đang giận dữ ghê gớm. Chúng tôi chạy xổ lại bên cửa nhưng người kia đã biến mất. Lúc lại bên giường cha tôi, thì mạch người đã ngừng đập, cằm người sệ xuống.
 
Cả đêm hôm đó chúng tôi lùng kiếm quanh vườn chẳng thấy gì hết ngoài vết bàn chân dẫm trên khóm hoa. Nếu không có vết chân này thì có lẽ chúng tôi đã yên trí rằng bộ mặt dữ dằn kia chỉ là do trí tưởng tượng chúng tôi tạo ra. Tuy vậy chúng tôi còn được một bằng chứng rõ rệt nữa cho biết rằng có nhiều kẻ thù còn lẩn quẩn chung quanh.
 
Sáng hôm sau, cánh cửa sổ buồng cha tôi mở toang, các hộp giấy có ngăn kéo đều bị xáo trộn lung tung, và trên ngực của cha tôi có gắn một mảnh giấy ghi mấy chữ nguệch ngoạc: “Dấu hiệu của Tứ Hiệp”. Chúng tôi không hiểu ý nghĩa của dòng chữ đó, mà chẳng biết ai gởi đến.
 
Các ông cũng rõ, chúng tôi hết sức băn khoăn về cái kho của cha tôi đã nói. Suốt mấy tháng liền, chúng tôi đào xới từng tấc đất trong vườn nhà mà vẫn không tìm ra của giấu đó. Chúng tôi cuống cuồng nhớ rằng chỗ bí mật kia còn ở trên môi cha tôi. Nhìn chuỗi ngọc lóng lánh kia chúng tôi cũng đoán được kho của kia quý giá ngần nào. Chúng tôi lại phải cãi nhau rất nhiều về chúng. Các viên ngọc ấy tất là đắt tiền và anh của tôi cũng không muốn rời chúng ra. Có thể nói rằng giữa hai chúng tôi thì anh ấy đã thừa hưởng cái lòng tham vô tận của người cha tôi. Nhưng anh ấy cũng hiểu rằng chuỗi ngọc sẽ bị người ta chú ý và sẽ gây cho chúng tôi nhiều cái khổ lây. Anh ấy cũng chỉ đồng ý với tôi có mỗi một điều là tôi sẽ tìm địa chỉ của cô Mộng Lan và cứ lâu lâu sẽ gởi cho cô ấy một viên ngọc để cô ấy khỏi sống nghèo khổ.
 
Cô Mộng Lan nói:
 
- Đó là nhờ lòng tử tế của ông. Tôi xin thành thật cảm ơn!
 
Người kia khoát tay, đáp lại:
 
- Không có ơn huệ gì cả. Chúng tôi chỉ là kẻ đã gởi dùm cho cô mà thôi. Tôi vẫn nghĩ thế, nhưng anh tôi thì lại không chịu đồng ý với tôi về cái điều này. Chúng tôi cũng đủ sống đầy đủ chẳng còn ao ước gì thêm. Hơn nữa đi bòn xới của một người đàn bà thì thấy nhục nhã quá lắm… Sự bất hòa giữa chúng tôi cứ mỗi ngày một tăng thêm, đến nỗi sau cùng tôi thấy nên rời khỏi chỗ mà cha và anh tôi ở để về sống trong nhà này. Nhưng hôm qua đây tôi được một tin quan trọng: kho của đã tìm ra rồi. Tôi vội vàng viết thư cho cô Mộng Lan hay và chỉ còn mỗi một việc là đưa cô ấy sang nhà anh tôi để đòi phần chia. Tôi đã trình bày ý định đó với anh tôi tối hôm qua rồi. Chúng ta đến thăm chuyến này có lẽ không làm anh ấy vừa lòng, nhưng đã được thỏa thuận rồi.
 
Diệp Tôn ngừng nói nhưng y không ngớt lắc lư trên chiếc ghế. Chúng tôi nín lặng, đăm chiêu nghĩ ngợi về cái đoạn cuối câu chuyện. Nhưng Thiết Lộc lên tiếng trước:
 
- Ông đã hành động hợp lý. Chúng tôi có thể giúp ông làm cho sáng tỏ những điều khó nghĩ của ông. Chúng ta không nên chần chờ lâu nữa hãy lên đường ngay.
 
Khi chúng tôi đã lên xe, Diệp Tôn nói tiếp:
 
- Các ông có biết anh tôi tìm ra kho của bằng cách nào không? Sau khi tìm kiếm khắp nơi, anh ấy nghĩ rằng kho của tất nhiên phải ở một nơi nào đó trong nhà. Vậy nên anh đem tất cả đồ đạc ra đối chiếu lại. Với cái cách đó thì trong nhà có chỗ nào sai biệt một phân cũng không lọt khỏi mắt anh. Anh nhận ra rằng chiều cao ngôi nhà là 25 thước, kể cả các từng bên trên. Nhưng khi đo lại thì thấy từ nền đến trần chỉ có 23 mét bảy là cùng. Vậy còn thiếu một thước ba mươi nữa. Đoạn này chỉ có thể nằm ở trên đỉnh nhà. Anh tôi liền khoét một lỗ ở trên trần nhà vào nơi cao nhất, và tìm ra một cái gác nhỏ sát mái, có tầng bọc kín từ lâu không ai biết đến. Cái tủ đựng của đặt ở trên ấy, vào ngay chính giữa, kê trên hai cây xà ngang.

_________________________________________________________________________
Xem tiếp CHƯƠNG III