CHƯƠNG I
MỘT CHUYỆN QUÁI GỠ
Chúng
tôi bỗng nghe những tiếng gõ cửa. Những tiếng gõ cửa ngập ngừng, dè
dặt. Đồng hồ chỉ đúng ba giờ thiếu 10. Tôi bảo Thiết Lộc:
- Chắc là không phải cô ta.
Thiết Lộc lắc đầu:
- Chính là cô ta đó.
Rồi anh nói tiếp:
-
Khi người ta có chuyện lo, người ta thường đến trước giờ đã định. Chúng
ta hẹn với cô ta 3 giờ mà nay 3 giờ kém 10 cũng chẳng có gì quá sớm,
đối với tâm trạng của cô Mộng Lan lúc này. Hơn nữa anh có nghe tiếng gõ
cửa đấy không? Tiếng gõ nhẹ nhàng của một thiếu nữ với những băn khoăn, e
ngại của người đang cần giúp đỡ.
Bao
giờ Thiết Lộc cũng có một lối nhận xét tinh nhạy, rõ ràng như thế. Và
những nhận xét của anh, dù nhỏ, dù lớn, bao giờ cũng ăn khớp với lại sự
thật. Vừa nói dứt lời, anh đã quay về phía cửa nói lớn:
- Xin mời cô vào.
Thoáng
chốc, cô Mộng Lan đã xăm xăm đi vào trong phòng. Đó là một thiếu nữ nhỏ
nhắn, xinh xinh, ăn mặc giản dị nhưng chăm chút rất kỹ lưỡng. Áo dài
xanh nhạt đã ngả màu xám. Vành khăn trên đầu cũng màu nhàn nhạt. Cô ta
không đẹp ở lối ăn vận sơ sài, cũng không ở màu da sáng mà ở nét mặt vui
vẻ dịu dàng, ở trong đôi mắt xanh lơ nhìn thẳng.
Thiết
Lộc đưa chiếc ghế nhỏ, mời cô ta ngồi. Tôi bỗng lưu ý đến đôi môi cô
mấp máy rồi mấy ngón tay cô lại biểu lộ một sự bối rối trong lòng. Thiết
Lộc nhìn cô, nói rất dịu dàng:
-
Chúng tôi đã chờ đợi cô đến cho biết rõ đầu đuôi sự việc. Đã tin cậy
vào chúng tôi, cô hãy thực lòng. Sự việc ra sao, cô cứ thật thà kể lại.
Nào, chúng tôi xin nghe.
Thiết
Lộc quay nhìn nơi khác, hơi nghiêng nghiêng đầu về phía cô gái. Tôi
cũng chồm người về trước, hai cánh tay chống lên đùi, trong một tư thế
đợi chờ. Và cô Mộng Lan bắt đầu câu chuyện:
-
Sự việc xảy ra như thế này đây: Ba tôi là một Sĩ Quan được biệt phái
sang Ấn Độ khi tôi chưa sinh ra đời. Đến lúc tôi lên 5 tuổi thì ông đưa
mẹ con tôi về ở bên Anh để tôi tiện việc học hành và gần Ông Bà của tôi.
Khi tôi lên 15 tuổi thì má tôi chết và ông bà tôi cũng đã qua đời. Tôi
không còn có bà con thân thích nào cả. Tôi phải ngụ ở nhà một người quen
để mà tiếp tục học hành và ở đây cho đến năm lên 17 tuổi. Vào năm 1878,
ba tôi bấy giờ là một Đại Úy, được nghỉ phép 12 tháng và định về đây
thăm tôi. Khi tới Luân Đôn, ông vội đánh điện cho tôi hay là ông đã đến
nơi và đang chờ tôi tại khách sạn Lăng Hoa. Lời lẽ ở trong điện tín thật
là dịu dàng. Tôi vội tìm tới khách sạn thì người ta cho tôi hay Đại úy
Mộ Tân có đến, ở phòng 16, nhưng ông đã đi từ sáng và tới bây giờ vẫn
chưa trở về. Tôi phải ở lại chờ đợi suốt ngày hôm ấy nhưng vẫn không
thấy ba tôi. Tối đến, theo lời khuyên của ông chủ khách sạn, tôi đi báo
tin cho Sở Cảnh Sát. Qua sáng hôm sau, các tờ nhật báo ở đây đều có đăng
lời rao về việc này. Người ta cũng đã tốn công tìm kiếm khắp nơi nhưng
mà vô hiệu. Kể từ ngày ấy, tôi không còn nhận được tin tức gì của ba tôi
nữa. Sau một thời gian dài xa cách quê hương, lại vất vả vì công vụ,
cha tôi quay về xứ sở, hy vọng tìm sự nghỉ ngơi và niềm an ủi nhưng ông
lại gặp…
Đến đây, cô vội đưa tay ôm mặt, nấc lên những tiếng nghẹn ngào không còn nói gì được nữa.
Thiết Lộc giở cuốn sổ tay rồi hỏi:
- Cô cho tôi biết thân phụ của cô mất tích ngày nào?
- Thưa ông, đó là ngày 3 tháng 10 năm 1878, tính cho đến nay đã gần 10 năm.
- Ông có bạn bè nào ở thành phố này không?
-
Tôi biết ba tôi chỉ có mỗi người bạn thân ở đây, đó là ông Tham Mưu
Trưởng Sơn Tôn cùng ở Trung Đoàn 34 Bộ Binh đóng tại Bom Bay. Ông này
giải ngũ từ trước, bây giờ đang sống một nơi gần đây. Sau khi không tìm
kiếm được ba tôi, tôi đã có đến hỏi thăm ông ta nhưng ông cho biết ông
cũng không hay cha tôi trở về Luân Đôn.
Thiết Lộc bỗng nói:
- Lạ thật.
Cô Mộng Lan đã lấy lại bình tĩnh, tiếp tục trình bày:
-
Tôi chưa nói cho ông rõ cái phần bí hiểm nhất của chuyện này. Cách đây 6
năm, vào ngày mồng 4 tháng 5 của năm 1882, ở trên tờ báo Thời Sự
có đăng lời rao hỏi địa chỉ tôi. Lời rao nhấn mạnh rằng tôi nên cho
biết rõ thì sẽ có lợi rất nhiều. Ở dưới lời rao chẳng có tên tuổi và địa
chỉ nào. Bấy giờ tôi mới vào giúp việc trong cửa hiệu của bà Lệ Trinh.
Tôi đem việc ấy hỏi ý kiến bà, và bà khuyên tôi cứ đăng địa chỉ của tôi
lên báo. Sau khi đăng xong, qua vài ngày sau, nhà bưu điện gọi tôi đến
nhận một cái hộp bằng bìa cứng, bên trong có một viên ngọc thật lớn,
thật đẹp. Ngoài ra, không còn có gì nữa. Về sau, mỗi năm,
cứ vào ngày đó tôi lại nhận được bưu kiện chứa một viên ngọc giống y
như thế nhưng cũng chẳng có một ghi chú nào của người gởi cả. Tôi đã nhờ
những người sành về các bảo vật coi hộ mấy viên ngọc đó và họ cho tôi
biết rằng những viên ngọc ấy thuộc loại hiếm có và thật quý giá. Ông xem
đây nè, đẹp chưa?
Cô
Mộng Lan mở cái hộp mỏng, đưa cho chúng tôi xem 6 viên ngọc quý. Tôi
chưa từng thấy những viên ngọc đẹp như thế. Màu ngọc trong vắt, long
lanh. Thiết Lộc chỉ nhìn liếc qua những viên ngọc ấy rồi nói:
- Thôi cô hãy cất lại đi. Câu chuyện của cô lạ lắm. Còn gì khác nữa hay không?
- Còn ạ. Có một sự việc mới xảy ra ngày hôm nay bắt buộc tôi phải tìm ông. Sáng nay tôi nhận được một lá thư.
Vừa
nói cô Mộng Lan lôi từ trong chiếc xắc cầm tay một cái phong thư màu
vàng, lôi từ bên trong một mảnh giấy trắng và đưa cho nhà thám tử. Thiết
Lộc bèn nói:
- Cám ơn. Xin cho tôi xem luôn cái phong bì và cái con dấu bưu cục.
Rồi anh cầm đọc:
- Luân Đôn, Khu Tây Nam , ngày 7 tháng 7. Hừ! Có dấu ngón tay ở một góc này, có lẽ là của nhân viên đưa thư. Phong bì và giấy thuộc loại hảo hạng. Không có địa chỉ.
“Bẩy giờ tối nay cô đến đường phố Thành Lễ, ở gần cột đèn thứ 3 về phía
bên trái lối đi. Nếu cô có gì e ngại thì cô có thể rủ thêm hai người
bạn nữa cùng đi. Tưởng nói cho cô biết rõ, cô là nạn nhân của vụ bất
công sắp được sáng tỏ. Vậy cô không nên đưa Cảnh Sát đến làm gì. Nếu cô
không chịu nghe theo lời dặn thì mọi việc sẽ hỏng hết. Người bạn không
quen của
cô.” À, quả đây là một câu chuyện lạ lùng. Này cô Mộng Lan, cô định thế nào.
- Đấy là câu tôi muốn nhờ ông khuyên bảo.
-
Được rồi, chúng ta sẽ đến nơi hẹn. Tôi nói chúng ta là gồm có cô, tôi
và nhà báo Hoàng Hà đây nữa. Bức thư cho cô có thể dẫn theo hai người,
như thế chúng tôi cùng đi với cô được rồi. Anh bạn tôi đây và tôi đã
từng hợp tác với nhau lâu ngày. Thôi được, chiều nay đúng 6 giờ nhé.Cô
cứ để tôi giữ lấy mấy mẩu giấy này. Bây giờ mới 3 giờ rưỡi, và tôi cũng
cần đến chúng, trước khi cô lại.
- Xin chào các ông.
- Chào cô. Xin cô hãy cứ yên tâm, đừng lo nghĩ nhiều.
Cô
Mộng Lan cất cái hộp đựng ngọc, mỉm một nụ cười khả ái rồi bước ra
ngoài. Đợi người khách kia ra về độ chừng 5 phút, Thiết Lộc quay lại bảo
tôi:
- Chiều nay chúng ta sẽ dùng bữa sớm hơn thường lệ. Bây giờ anh nằm nhà chờ tôi nhé. Tôi cần đi một chút việc rồi trở về ngay.
Chỉ
trong một tiếng đồng hồ sau đó đã thấy Thiết Lộc quay về, nét mặt có vẻ
tươi vui. Tôi biết tính tình của nhà thám tử này lắm. Anh có khả năng
suy luận nhanh chóng và thật sắc bén. Vốn có tinh thần ưa chuộng khoa
học, say mê lý tưởng công bằng xã hội mà anh bước vào nghề này. Nhưng
Thiết Lộc là con người phóng khoáng và độc lập, anh chỉ làm việc với
những điều kiện của anh chứ không lệ thuộc vào một cơ quan hữu trách nào
cả. Chính tinh thần đó khiến anh là người cởi mở, đáng yêu, đưa đến
tình bạn thắm thiết với tôi trong nhiều năm rồi. Tôi hỏi:
- Có thấy được chút ánh sáng nào không? Kể ra câu chuyện vừa rồi cũng bí mật nhỉ?
Anh đáp:
- Chẳng có gì là bí mật lắm đâu.
- Sao? Anh đã tìm được lời giải rồi sao?
Thiết Lộc có vẻ suy nghĩ, trả lời:
-
Có lẽ còn lâu mới biết sự thực. Nhưng bây giờ đây tôi đã nắm được một
cái sự kiện thật là quan trọng. Chỉ cần thêm ít chi tiết là có thể biết
rõ hết.
Tôi vội vàng hỏi:
- Sự kiện gì thế?
- Tôi vừa mới ở Tòa Soạn của Báo Thời Sự
về đây. Tôi đã tra cứu tài liệu báo đó và được biết Tham Mưu Trưởng Sơn
Tôn, cựu Sĩ quan của Trung đoàn 34, đã chết vào ngày 28 tháng 4, năm
1882.
Thiết Lộc dừng lại, nhìn tôi. Tôi lắc đầu, nói:
- Tôi chậm hiểu lắm. Bởi tôi chẳng thấy chút gì tiêu biểu ở trong cái chết đó cả.
Đôi mắt Thiết Lộc sáng lên và anh hăm hở đáp lại:
-
Không thấy gì sao? Lạ chưa! Này nhé, Anh hãy chịu khó để ý đến sự kiện
cô Mộng Lan vừa cho chúng ta biết: Đại Úy Mộ Tân mất tích, người quen
duy nhất của ông ở thành phố này là Tham mưu trưởng Sơn Tôn, vậy mà ông
này lại quả quyết rằng không biết bạn mình đã đến Luân Đôn. Rồi bốn năm
sau, Sơn Tôn qua đời. Chỉ trong vòng một tuần lễ, sau khi ông chết, cô
con gái của Đại Úy Mộ Tân lại nhận được một món quà quý giá và mỗi năm
lại nhận được như thế. Rồi đến lá thư hôm nay nhìn nhận Mộng Lan là một
nạn nhân một vụ bất công. Vậy người con gái này đã chịu thiệt thòi nào,
sau khi cha nàng mất tích? Tại sao quà tặng bắt đầu có ngay sau khi Sơn
Tôn qua
đời? Có phải là người kế nghiệp của ông Sơn Tôn biết được một chuyện
lầm lỗi gì đó nên đã muốn bù đắp lại? Tôi nghĩ, nếu không nhận định như
thế thì không còn cách nào tìm được lý lẽ khác phù hợp với lại việc này.
Tôi gật gù nói:
-
Biết vậy, nhưng thưởng cho sự mất tích của cha người ta là chuyện quái
gở. Hơn nữa, tại sao câu chuyện xảy ra đã 6 năm rồi mà ngày hôm nay mới
chịu viết thư? Cuối cùng, nếu gọi đây là vấn đề đền bù một sự bất công
thì đền bù như thế nào? Trả lại người cha cho Mộng Lan sao? Không thể
tin rằng Đại Úy Mộ Tân còn sống.
Thiết Lộc lẩm bẩm:
- Hẳn là còn nhiều nỗi khó khăn thật. Nhưng tôi tin rằng, tối nay, cuộc gặp gỡ sẽ giải đáp tất cả.
_________________________________________________________________________
Xem tiếp CHƯƠNG II