Thứ Sáu, 9 tháng 8, 2019

NGHỆ THUẬT CHƠI TEM - Hoàng Đăng Cấp



Mỗi người có một thú sưu tầm riêng. Người thích sưu tầm chữ ký, người thích sưu tầm búp bê... Nhưng trong các ngành sưu tầm, đối với Việt Nam, có lẽ ngành sưu tầm tem là một trong những ngành được phổ biến rộng rãi hơn cả. Một nhà sưu tầm tem nổi tiếng nhất Việt Nam là ông Nguyễn Bảo Tụng đã cho ra một cuốn sách dày gần 250 trang nói về Nghệ thuật chơi Tem do chính ông viết rất công phu. Cách đây bốn năm năm gì đó, lúc tôi chưa được hân hạnh cộng tác với Tuổi Hoa, tôi nhớ anh Hà Tĩnh cũng đã có trình bày một lần về nghệ thuật chơi tem trên trang báo Tuổi Hoa này. Bây giờ vì sự đòi hỏi của các em độc giả Tuổi Hoa, tôi xin trình bày lại Nghệ Thuật Chơi Tem một lần nữa. Khi trình bày nghệ thuật chơi tem lần này, tôi đã lấy tài liệu trong bộ Encyclopédie des jeunes, một Bách Khoa Toàn Thư dành cho thiếu niên của Pháp gồm 14 cuốn. Tôi hy vọng tài liệu này sẽ giúp ích được phần nào cho các bạn, các em yêu tem.

HOÀNG ĐĂNG CẤP  


SƯU TẦM CÓ ÍCH LỢI GÌ?

Khi sưu tầm bất cứ một điều gì, trước tiên nhà sưu tầm bắt buộc phải tìm cách sắp xếp phân loại gìn giữ các vật mình sưu tầm cho khỏi lộn xộn. Đó chính là căn bản của tất cả các bước tiến khoa học. Ngoài ra, khi sưu tầm, nhà sưu tầm còn tự làm giàu thêm vốn kiến thức sẵn có của mình về các phương diện kỹ thuật, tài liệu sử địa hoặc tìm ra được giá trị đích thực của kho tàng mình sưu tầm được. Biết đâu trong tương lai một em bé ngày hôm nay thích sưu tầm các hình ảnh đẹp về sau trở thành họa sĩ hoặc một nhà chụp ảnh lừng danh! Biết đâu một em bé ngày hôm nay thích sưu tầm những viên đá đẹp về sau trở thành một nhà địa chất học! Biết đâu nhờ thích sưu tầm nhà sưu tầm đã tìm ra được thiên khiếu của mình!

Nhưng dù về sau không trở thành nghệ sĩ, kỹ sư, nhà thông thái, nhà địa chất học v.v... nhà sưu tầm vẫn có niềm hãnh diện đặc biệt những người khác không có vì...

Như chúng ta đều biết, nhà sưu tầm đích thực yêu "cái đẹp": như thế nhà sưu tầm là một nhà nghệ sĩ.

Nhà sưu tầm thường mơ mộng và tưởng tượng trước những vật mình thu thập được: như thế nhà sưu tầm cũng là một nhà thơ. Những điều mơ mộng, tưởng tượng trước các vật sưu tầm không phải là vô căn cứ. Khi mơ mộng, khi tưởng tượng, nhà sưu tầm vẫn phải căn cứ vào các tài liệu lịch sử liên quan đến ngành mình sưu tầm ; do đó nhà sưu tầm phải tích trữ, tìm hiểu, khám phá tài liệu: như thế nhà sưu tầm là một nhà khoa học. Một nhà sưu tầm đích thực phải nhận diện một cách chính xác các vật mình thu thập được và sắp xếp chúng cho có hệ thống và kỹ lưỡng: như thế nhà sưu tầm là một người có thứ tự. Nhà sưu tầm đã dành điều hòa cho ngành mình chọn một số thời giờ cần thết, một số tiền cần thiết với tất cả mê say kiên nhẫn: như thế nhà sưu tầm là một người biết mình muốn cái gì.

Hơn nữa, nhiều nhà sưu tầm còn giúp ích cho nhân loại khi giữ được các đại tác phẩm cho mai sau.

Tóm lại, dấn thân vào sưu tầm tức là được học hỏi trong niềm vui tột cùng một ngàn là một vật tràn ngập trên địa cầu.


VÀI NGUYÊN TẮC SƯU TẦM

Trong phần trên, tôi vừa trình bày qua về sự ích lợi của sưu tầm một cách đại cương, bây giờ tôi xin trình bày vài nguyên tắc về sưu tầm - lẽ dĩ nhiên cũng một cách đại cương - trước khi vào chủ đề Bưu Hoa kỳ này. Khi muốn Sưu Tầm, ta phải làm gì và làm thế nào chọn được đề tài Sưu Tầm? Dưới đây là vài lời khuyên trích trong bộ Bách Khoa Toàn Thư tôi vừa nói ở trên:

1) Bạn phải chọn sưu tầm những vật bạn có thể thu thập được nhờ hoàn cảnh thích hợp, nhờ ba má hoặc bạn hữu. Thí dụ nếu ba má hoặc các bạn của bạn thường đi đây đi đó, đi xứ này xứ nọ, bạn có thể chọn sưu tầm hình ảnh, bưu thiếp.

2) Phải chọn kỹ lưỡng chủ đề sưu tập, một chủ đề mà bạn đam mê thích thú và khi đã chọn rồi thì không được thay đổi ý kiến mau chóng. Một sưu tập xứng đáng đòi hỏi sự kiên nhẫn và bền bỉ. Một sưu tập chỉ đạt được giá trị khi nhà sưu tầm đã theo đuổi nhiều năm dài.

3) Tránh thu thập những vật vô nghĩa, không có giá trị kiến thức. Nên tìm cách thu thập những gì có giá trị nhân bản. Tránh thu thập lung tung chỉ để được càng nhiều nhiều càng tốt.

4) Phải tự tìm phương pháp riêng để sắp xếp bộ sưu tập của mình, kể cả trong những ngành sưu tầm đã có những định luật và các cuốn tổng mục như các ngành Bưu Hoa, tiền tệ và huy chương.


LỊCH SỬ BƯU HOA

Vừa là một ngành khoa học và một môn giải trí, ngành Bưu Hoa có mục đích nghiên cứu cá tem thư dưới nhiều hình thức khác nhau: kỹ thuật, tài liệu, nghê thuật và văn hóa.

Con tem chính thức đầu tiên phát hành ở Anh vào tháng 5 năm 1840. Nhà phát minh tem thư là một người Anh tên Rowland Hill. Rowland Hill là một người khá lạ lùng: năm 10 tuổi, ông đã chế tạo được những dụng cụ thiên văn học, năm 12 tuổi, ông đã chứng tỏ cho mọi người thấy tài năng thiên phú của ông về hội họa, năm 14 tuổi ông trở thành một nhà giáo dạy trong một trường học...


Lịch sử Bưu Hoa bắt đầu vào trường hợp khá ngộ nghĩnh:

Vào năm 1836, trong khi đang dạo chơi trên những con đường nhỏ của một làng Tô Cách Lan, Rowland Hill đã chứng kiến một hoạt cảnh như sau: một người đưa thư phát cho một cô gái một bức thư và đòi tiền công (Theo thông lệ lúc đó, chỉ người nhận thư trả tiền công gửi chớ không phải người gửi thư). Cô gái cầm bức thư lật qua lật lại một lúc rồi thở dài trả thư lại cho người phát thư và cô cho biết lý do cô không lấy thư được vì cô không có tiền trả. Ngạc nhiên, Rowland Hill chạy lại hỏi cô gái ấy và ông ta được cô gái ấy cho biết đó chỉ mưu mẹo cô ta và vị hôn phu của cô ta ở Luân Đôn đã sắp đặt để đọc thư nhau khỏi trả tiền, họ đã viết những ký hiệu trên bìa thư và khi cô gái lật thư qua lật thư lại là để đọc những ký hiệu ấy...

Vì chứng kiến cảnh ấy, Rowland Hill đã quyết định cải tổ hệ thống gửi thư. Phỏng theo ý kiến của một ông thợ nhà in Tô Cách Lan ông đã đề nghị dán lên các bức thư một hình nhỏ biểu diễn một số tiền bằng 1 penny và số tiền này phải do người gửi trả, chớ không phải người nhận. Mỗi bức thư bắt buộc không được vượt quá một trọng lượng định trước và chỉ lưu hành trong nước Anh mà thôi. Cải tổ của ông đã được nghị viện Anh chấp thuận. Hai con tem đầu tiên của thế giớ là hai con tem (1 penny đen và 2 pence xanh) có hình Nữ Hoàng Victoria. Hai con tem này đã được in tại nhà in Perkins, Bacon và Cº ở Luân Đôn với nhịp điệu 500.000 bản mỗi ngày và được khắc bởi hai nhà nghệ sĩ: Charles và Frédérie Health.

Lúc đó, nhiều nơi bèn bắt chước Anh, lúc đầu ở Thụy Sĩ và chưa đầy hai mươi năm sau, phần lớn các quốc gia ở Âu Châu đều chấp nhận hệ thống gởi thư của Rowland Hill. Và cho đến năm 1854, khi một thanh niên ở Plymouth (Anh) mở gian hàng bán tem thư đầu tiên, sở thích sưu tầm tem phát sinh. Sự mê say sưu tầm tem vượt biển Manche xâm nhập nước Pháp và tràn lan khắp thế giới. Lúc đầu, những nhà sưu tầm tem được gọi là những nhà si tem (timbromanes). Mãi đến ngày 15-11-1864, một nhà sưu tầm tiền tệ huy chương mới đổi danh hiệu nhà si tem thành nhà sưu tầm tem (Philatéliste) cho đến bây giờ.


LÀM THẾ NÀO TÌM ĐƯỢC TEM

Muốn sưu tầm tem, phải biết chỗ nào, nơi nào có tem. Điểm đó rất dễ hiểu. Trước tiên, bạn tìm trong nhà những thư cũ và chạy đi xin những người bạn của bạn. Ngoài ra, nhiều người sẽ sẵn lòng cung cấp cho bạn những tem thư trong nước và ngoài nước khi họ biết ý thích của bạn. Sau đó, bạn sẽ biết trong những người bạn của bạn có những nhà tập sự sưu tầm tem như bạn và bạn có thể trao đổi tem thư với họ. Nhờ trường bạn học, nhờ một hội hoặc nhờ một tờ báo, bạn có thể liên lạc thơ từ với những người đồng trang lứa trên khắp năm châu bốn bể và trao đổi tem thư với nhau. Đây cũng là một trong những khía cạnh thú vị nhất của ngành sưu tầm tem: ngành này đã giúp bạn khám phá thêm bạn mới trong khắp bốn phương trời. Chỉ trong một thời gian ngắn sau, nhất định bạn sẽ có khá nhiều tem và lúc đó bạn đã có thể bắt đầu sắp xếp. (Ngoài ra bạn có thể tìm mua tem ở các gian hàng bán tem và khi mua, bạn nên mua nguyên bộ. Bạn cũng phải mua những bộ tem phát hành vào ngày đầu tiên ở các ty Bưu Điện).

Trước khi để tem vào album, bạn phải lựa chúng, lau chùi chúng và sắp xếp chúng. Bạn phải loại bỏ ngay đừng tiếc rẻ những con tem rách, bị hư răng cưa hoặc bị xuyên lỗ. Bạn chỉ giữ lại những con tem còn hoàn hảo mà thôi.

Những con tem được bạn giữ lại gồm hai loại: loại mới và loại bị đóng dấu rồi. Về loại mới, bạn đặt chúng ngay vào cuốn xếp tem. Về loại thứ hai, loại bị đóng dấu rồi, bạn phải săn sóc chúng.

Muốn bóc rời một con tem dán trên bao thư ra, bạn phải nhúng tất cả trong nước lạnh hoặc nước hơi ấm khoảng 15 phút. Phương pháp này một đôi khi cũng nguy hiểm vì có thể làm mất màu con tem và như thế con tem mất giá trị. Phương pháp lý tưởng nhất là đặt con tem (mặt quay lên phía trên) lên trên một tấm nỉ ướt hoặc trên một lớp giấy chậm tẩm nước, sau một thời gian, nước thấm qua keo và con tem sẽ được bóc rời một cách dễ dàng với mảnh giấy bao thư nó dính vào.

Muốn làm khô con tem vừa được bóc ra, bạn đặt chúng mặt ngó xuống phía dưới trên một tờ giấy chậm trắng hoặc trong một cuốn tập làm khô. Vài phút sau, các con tem sẽ khô và bạn có thể xếp tạm thời chúng vào một cuốn xếp tem. Bạn chớ nên phơi tem trên nắp nồi đang nấu hoặc ở ánh sáng mặt trời và nhất là bạn không được dùng bàn ủi vì như thế bạn sẽ phá hư con tem ngay. Bạn phải cố gắng dùng cặp gắp tem để cầm các con tem chớ không được dùng tay: đó là phương pháp tốt nhất không làm hư tem.

Trong khi chờ đợi xếp tem vào cuốn xếp tem, bạn hãy tránh đừng để tem lộn xộn trong một cái bao hoặc trong một cái hộp vì như thế các răng cưa tem rất dễ bị hư. Bạn nhớ xếp tem vào cuốn xếp tem càng sớm càng tốt khi tem được sắn sóc xong. Khi xếp tem, bạn phải biết trước tiên gốc con tem tức là tên quốc gia, nơi phát xuất con tem.

Tên quốc gia gốc của con tem hầu như luôn luôn được in trên mỗi con tem nhưng nhiều khi bạn đọc không được vì các tên quốc gia được in theo ngôn ngữ riêng của mỗi nước. Lẽ dĩ nhiên bạn có thể biết được dễ dàng gốc các con tem Pháp, Anh, Mỹ, Nhựt v.v... Nhưng với những tên lạ, bạn rất khó biết được. Vì thế, tôi xin liệt kê một số tên quốc gia bạn có thể gặp trên các con tem. (Bạn sẽ gặp một danh sách rất đầy đủ trong các cuốn tổng mục đại cương và khá đầy đủ trong cuốn Nghệ Thuật chơi tem của Nguyễn Bảo Tụng, hiện còn bán ở nhà sách Khai Trí Saigon): Belgie (Bỉ), Espanã (Tây Ban Nha), Luxembourg (Lục Xâm Bảo), Ceskoslovensko (Tiệp Khắc), Deutsehe Bundespost (Tây Đức), Helvetia (Thụy Sĩ), Nederland (Hòa Lan), Suomi (Phần Lan), Oaterreich (Áo), Sverige (Thụy Điển) v.v... Ngoài ra, bạn có thể gặp những nước dùng các mẫu tự, các ký hiệu, các chữ, các con số khác hẳn những chữ các bạn đang đọc trước mắt như Lên Sô, Cam Bốt, Miến Điện, Thái Lan, Hy Lạp, các xứ À-Rập v.v...

Trong trường hợp này, bạn cần phải có một cuốn tổng mục (catalogue). Trong nghệ thuật sưu tầm tem, cuốn tổng mục hết sức cần thiết nhưng giá quá đắt. Bạn có thể mượn xem ở một nhà sưu tập tem nào có hoặc bạn rủ vài người cùng một sở thích hùn tiền mua chung.


SƯU TẬP NHỮNG GÌ?

Lúc đầu, bạn phải sưu tập tất cả các con tem bạn có thể có được, bất cứ của nước nào. Nhưng sưu tập tất cả các con tem của thế giới là điều hết sức khó khăn. Không một nhà sưu tập tem nào có thể thu thập nổi tất cả các con tem trên thế giới được.

Lẽ dĩ nhiên, bạn vẫn có thể thu thập tất cả tem của mọi nước trên thế giới nhưng bạn phải biết rõ chúng và sắp xếp cho đúng, chính nhờ điều này bạn sẽ được học hỏi nhiều về địa lý, về lịch sử v.v... nhưng bộ sưu tập "tổng quát" của bạn không điều hòa và không có giá trị gì hết. Vì thế, bạn phải chuyên môn hóa phương pháp sưu tầm của bạn càng sớm càng tốt. Lý tưởng nhất là bạn hãy sưu tập tem nước mình hoặc tem các nước lân cận của nước mình vì đó là những con tem bạn dễ tìm nhất. Bạn có thể tùy theo phương tiện riêng của mình sưu tập tem của một nước nào trên thế giới bạn chọn. Sưu tập tem từng nước giúp các bạn được mở mang kiến thức về địa lý và lịch sử nước đó. Về phương diện này, bạn chỉ cần có cuốn tổng mục tem của riêng nước đó mà thôi. Tuy nhiên, sưu tập tem từng nước cũng có vài điều bất tiện: trước tiên, bạn khó tìm được các tem xưa cũ (nếu các tem này có bán thì giá thường rất đắt) ; kế đó, các bộ tem không luôn luôn đẹp, vài con tem rất xấu ; cuối cùng, rất khó biểu diễn được một cách tân kỳ loại sưu tập này.

Trong những năm gần đây, ở Âu Mỹ, người ta đã tìm ra một lối sưu tập mới: đó là lối sưu tập theo chủ đề. Lối này hiện nay càng ngày càng được nhiều người thích. Theo lối sưu tập này, các con tem được sắp xếp theo chủ đề chọn sẵn như thể thao, hướng đạo, hàng không, các nhà thông thái, danh nhân v.v... Hiện nay, đã có những cuốn tổng mục sắp xếp các tem theo chủ đề. Nếu chọn sưu tập theo lối chủ đề, bạn rất được tự do, không lệ thuộc vào gốc con tem (quốc gia phát xuất con tem). Ở cạnh mỗi con tem, ngoài những ghi chú về tính chất con tem, ngày phát hành đầu tiên và quốc gia nơi phát xuất con tem, bạn nên ghi thêm vài câu về đề tài con tem trong phạm vi giới hạn của nghệ thuật sưu tầm tem. (Đặc tính của các loài thú, các loại cây, loại hoa, vài dòng thật ngắn về tiểu sử các nhà thông thái, các nhà nghệ sĩ, các thể tháo gia v.v..., bạn nhớ tránh viết nhiều).

Tới đây, một vấn đề quan trọng được đặt ra: tem mới và tem bị đóng dấu rồi, tem nào có giá trị hơn?

Lẽ dĩ nhiên, một con tem mới có được những điều lợi rõ rệt, bạn có thể giữ được hình trên tem tất cả chi tiết vì nó không bị con dấu che phủ, hình vẽ hiện lên hết sức rõ ràng và các nét vẽ rất tươi mát. Điều này rất được lợi trong trường hợp sưu tập tem theo chủ đề. Ngoài đặc điểm hình ảnh rõ ràng, con tem mới luôn luôn hiếm hơn con tem bị đóng dấu rồi, nhất là con tem chưa bị đóng dấu càng xưa thì lại càng quí, càng có nhiều giá trị, nhưng định luật này không tuyệt đối.

Các con tem mới, đòi hỏi phải được săn sóc hết sức kỹ lưỡng, chúng phải được bảo vệ chống sự ẩm ướt, vì chúng còn nguyên keo nên rất dễ dính vào với nhau hoặc dính vào album. Ngoài  ra tem mới có một điều bất tiện là: bạn phải bỏ tiền ra mua nó, trái lại bạn có thể  tìm khỏi tốn tiền những con tem bị đóng dấu rồi (ở các bao thư cũ, ở các bưu kiện v.v...) Ngoài cái lợi vừa kể ở trên (khỏi tốn tiền mua), các con tem bị đóng dấu rồi sau khi được lau chùi xong xuôi sẽ không sợ bị dính vào album và không cần phải được săn sóc kỹ lưỡng. Trong lối sưu tập tem từng nước, những tem đóng dấu rồi đôi khi có nhiều giá trị hơn các con tem mới: các con dấu của mỗi nước là những điều hết sức thích thú. Nhiều nhà sưu tập tem đã chuyên môn trong loại sưu tập này.


LÝ LỊCH CON TEM

Những con tem có những hình dáng khác nhau. Mỗi con tem đều có những đặc điểm riêng của nó (răng cưa tem, hình bóng, khung v.v...) Bạn phải biết qua những đặc điểm đó nếu bạn muốn trở thành một nhà sưu tập tem đích thực. Có rất nhiều tem chỉ giống nhau bề ngoài mà thôi: hình ảnh và màu sắc có thể giống nhau nhưng giấy cấu tạo, răng cưa, giá trị hoặc điểm đặc biệt của mỗi hình khác nhau. Vậy bạn phải biết rõ lý lịch từng con tem mà bạn muốn sưu tập.

Mỗi con tem đều có hình ảnh màu sắc và những ký hiệu riêng biệt của nó. Bạn sẽ tìm thấy trên nhiều con tem tên các họa sĩ đã vẽ và tên các nơi in nó.

Mỗi con tem đều có quốc tịch và ngày sanh.

Mỗi con tem có ít nhất hai giá trị: giá trị cước phí in trên mỗi con tem và giá trị bưu hoa tùy thuộc vào sự khan hiếm của con tem.

Mỗi tờ tem hiện nay được cấu tạo thành ít nhất hàng chục con tem cách nhau bởi những lỗ để có thể tách chúng ra dễ dàng.

Khi được tách ra, thường thường, mỗi con tem có bốn cạnh răng cưa (hồi xưa những tem không có răng cưa). Cũng có những con tem chỉ có hai hoặc ba cạnh răng cưa mà thôi (như vài bộ tem Gia Nã Đại, Thụy Điển). Theo qui ước, người ta đo răng cưa tem bằng cách đếm số răng cưa mỗi tem có trên một chiều dài 2 cm.

Nếu bạn đọc thấy trong một cuốn tổng mục câu: con tem bị cắt khía răng cưa 14, như thế nghĩa là các cạnh ngang và đứng của con tem đó có 14 răng cưa trên một chiều dài 2 cm. Một con tem bị cắt khía răng cưa 12 x 1/2 nghĩa là cạnh ngang của con tem đó có 12 răng cưa và cạnh đứng có 11 1/2 răng cưa, lẽ dĩ nhiên tất cả đều trên chiều dài 2 cm. Người ta đo răng cưa tem nhờ một dụng cụ tên thước đo răng cưa tem (odontomètre).

Về cách in tem, thường có hai cách: cách in ty-pô và cách in ốp sét. Cách in ốp-sét tân kỳ hơn. Để phân biệt cách in ty-pô và cách in ốp-sét, bạn chỉ cần giơ con tem ra ánh sáng mặt trời nếu bạn thấy những đường viền của con tem nổi bật, đó là lối in ty-pô. Để rõ ràng hơn nếu bạn có cuốn Tuổi Trăng Tròn của Quyên Di bạn đem tranh bìa cuốn đó ra để cạnh bìa số báo Tuổi Hoa này, bạn sẽ phân biệt được lối in ty-pô và lối in ốp-sét (bìa cuốn Tuổi Trăng Tròn in ty-pô, bìa số báo Tuổi Hoa in ốp-sét).

Về giấy cấu tạo con tem, trước tiên người ta phân biệt chiều dày của nó: giấy mỏng, giấy trung bình hoặc giấy dày. Thường thường những con tem được in bằng giấy trung bình. Có nhiều loại giấy dùng để chế tạo tem như giấy có sọc nổi, giấy bóng láng, giấy có in hình bóng v.v...

Xưa kia, mỗi con tem đều có dấu hiệu bí mật. Đó là một hay nhiều ký hiệu có sẵn trên con tem và chỉ hiện rõ khi con tem được trong suốt. Những ký hiệu này là hình bóng con tem. Muốn xem hình bóng con tem, bạn chỉ việc để con tem lên giấy màu đen, mặt trước tem úp vào giấy đen hoặc bỏ con tem vào hộp xem hình bóng (Filigranoscope). Nhưng ngày nay, những con tem thuộc loại tân tiến không có hình bóng.

Hình dáng con tem thường là hình vuông hoặc hình chữ nhật, nhưng cũng có những con tem hình tam giác (những con tem hình tam giác đầu tiên được phát hành vào năm 1853 ở Mũi Hy Vọng. Việt Nam cũng có những con tem hình tam giác), hình thoi (ở Lithuanie, Cote des Somalis, Touva v v...) và cả hình tròn nữa (Tonga)...

Về kích thước, con tem lại càng có nhiều thay đổi. Có lẽ hiện nay con tem bé nhất là con tem 1/2 penny màu đỏ phát hành vào năm 1882 ở Nam Úc Châu, và con tem lớn nhất là con tem 1 rouble phát hành vào năm 1963 ở Liên Sô (con tem này có kích thước 150mmx70mm).


DỤNG CỤ PHẢI CÓ CỦA MỘT NHÀ SƯU TẦM TEM

Trong kỹ thuật chơi tem, bạn nên có đầy đủ những dụng cụ sau đây:

CẶP GẮP TEM. Bạn không được dùng tay để cầm tem vì nếu lỡ tay bạn ướt hoặc dơ, bạn sẽ để lại trên tem những vết dơ làm tem mất giá trị. Bạn phải dùng cặp gắp tem để di chuyển, sắp xếp tem. Khi dùng cặp gắp tem bạn phải giữ nó cho sạch sẽ. Bạn có thể mua cặp gắp tem đầu nhọn hoặc bằng.

BẢN LỀ BẰNG GIẤY BÓNG. Đây là những mảnh giấy trong suốt hình chữ nhật chỉ dính ở một phía và được xếp gãy độ chừng hai phần ba chiều dài. Những mảnh giấy này được dính bởi một loại keo đặc biệt dùng cho ngành bưu hoa.

Những bản lề bằng giấy bóng được dùng để gắn chặt tem vào các trang giấy của album. Bạn hãy làm hơi ướt phần trên ngắn của những bản lề này rồi bạn gắn chặt vào giữa lưng tem và cách cạnh trên độ chừng 2 mm. Phía còn lại của bản lề dùng để gắn dính vào các trang giấy album.

Bạn nên thử tập dùng những bản lề này trước khi dùng chúng dán tem vào album.

CUỐN TỔNG MỤC (catalogue). Ngoài tính chất cho bạn biết giá trị thương mại, kích thước những con tem mới hay bị đóng dấu rồi, cuốn tổng mục còn chỉ cho bạn biết cách sắp xếp tem sao cho có thứ tự. Bạn sẽ tìm thấy trong các cuốn tổng mục một bảng phân hạng tất cả những con tem từ đầu đến giờ, cùng với những sự chỉ dẫn về quốc tịch, ngày phát hành đầu tiên đồng thời những tài liệu quí giá về hình bóng, cách in (ty-pô hay ốp-sét v.v...). răng cưa tem, ngày tem bị loại (tức là ngày tem không còn được dùng để gửi thư nữa), tính chất của giấy làm tem v.v...

Mỗi nước đều có những cuốn tổng mục riêng nhưng có lẽ bộ tổng mục vĩ đại và đầy đủ nhất là bộ tổng mục Pháp Yveri và Tellier. Bộ này gồm 3 cuốn: cuốn đầu cho biết tất cả những con tem của Pháp và của những nước cựu thuộc địa Pháp đồng thời những nước có liên hệ đặc biệt với Pháp, cuốn thứ hai cho biết những con tem của phần còn lại Âu Châu và cuốn thứ ba dành cho phần còn lại của địa cầu. Bất cứ một nhà sưu tập sành nghề nào cũng đều có bộ này. Ngoài ra, còn có những cuốn tổng mục chuyên môn dành cho từng nước hay từng chủ đề khác nhau.

HỘP XEM HÌNH IN BÓNG (Filigranoscope). Hộp này giúp bạn quan sát hình bóng của tem rõ ràng

Đó là một cái bình chứa màu sẫm, ở dưới đáy để tem, nhớ để tem lưng quay lên phía trên. Bạn dùng ống nhỉ giọt nhỏ vài giọt benzine lên trên, hình bóng tem nếu có sẽ hiện rõ ngay.

THƯỚC ĐO RĂNG CƯA TEM (ordotomètre). Như tên, thước này dùng để đo số răng cưa của tem. Thường thường, thước này được làm bởi một tờ giấy cạc tông được định mẫu theo những đường viền răng cưa khác nhau. Những điểm đen tương ứng với những khấc của đường viền răng cưa và những con số đặt bên những đường khác nhau là những con số cho biết số răng cưa trên một chiều dài 2cm.

Muốn đo số răng cưa tem một cách chính xác, bạn để con tem trên thước đo răng cưa tem và bạn di chuyển làm sao cho một đường điểm đen trùng đúng với các khoảng cách răng cưa. Lúc bấy giờ bạn chỉ cần đọc con số tương ứng với đường này.

CUỐN XẾP TEM (classeur). Đây là những cuốn sách gồm những trang giấy dày trên mỗi trang có những băng trong suốt nằm ngang. Những băng này sẽ giữ etm và che chở tem. Cuốn xếp tem có cái lợi là giữ tem khỏi cần bản lề bằng giấy bóng và tem được lấy ra để vô dễ dàng, nhưng lại có điều bất tiện là trình bày tem không được mỹ thuật và các con tem có thể xếp chồng lên nhau. Nhưng lúc mới bắt đầu chơi tem, cuốn xếp tem rất cần thiết.

ALBUM. Có hai loại album. Loại đầu vừa là album, vừa là tổng mục. Trong loại album này, bạn sẽ thấy những ô sẵn, những hình in lại của các con tem đặc biệt, ngày phát hành đầu tiên, số răng cưa, những tính chất khác nhau của tem. Trong loại album này, mỗi con tem đều có vị trí sẵn như thế nhà sưu tập tem sẽ mất hết cả sáng kiến trình bày. Bạn không nên mua loại album này, khó sử dụng và mất cả vẻ đẹp độc đáo ; bạn nên mua loại album thứ nhì gồm những tờ giấy trắng hơi thoáng kẻ ô vuông. Trong loại album thứ hai này, bạn tự do sắp xếp các con tem sao cho có thứ tự và nhất là hợp ý thích của bạn. Bạn có thể ghi thêm vài chi tiết về địa lý, lịch sử, nghệ thuật liên hệ đến con tem v.v...



KÍNH LÚP. Kính lúp là dụng cụ thiết yếu của nhà chơi tem vì nhờ nó, nhà chơi tem sẽ thấy rõ những điểm đặc biệt của con tem mà mắt thường không thấy.

Ngoài ra bạn nên có một tập làm khô gồm những tờ giấy chậm thật sạch để làm khô các con tem vừa mới bị bóc ra.


Cuối cùng, về sách, tôi xin hân hạnh giới thiệu bạn cuốn Nghệ thuật chơi Tem của Nguyễn Bảo Tụng. Nếu bạn biết tiếng Pháp tôi xin giới thiệu bạn các cuốn sau đây:

Histoire du timbre poste của Gustave Shenk (collection D'un monde à l'autre v. Ed. Plon)

Histoire du timbre poste của E. Vaillé (coll. Que saisje. Ed. P.U.F)

Histoire des postes gồm 2 cuốn của E. vaillé (nos 200 và 260, coll. Que Saisje? Ed. P.U.F)

Je collectionne les timbres của J. và O. Verreyt (Marabout Flash, no 161).

Thành thực cầu chúc các bạn, các em yêu tem thành công trong nghệ thuật chơi tem.


18-7-1970           
HOÀNG ĐĂNG CẤP 


(Trích từ bán nguyệt san Tuổi Hoa số 134, ra ngày 1-8-1970)

Bìa của Vi Vi : Tem thư