Dưới
thung lũng, ánh nắng hầu như tắt hẳn. Mặt trời xuống thấp chiếu tỏa ánh
sáng hồng lên các sườn đồi. Cụm rừng ở thung lũng đang im lìm, lặng lẽ
bỗng trở nên náo động bởi những tiếng ríu rít, vội vã của các chim nhỏ
từ phương trời xa bay về tổ. Âm thanh ồn ào nhưng lảnh lót ấy lui dần
dần như để nhường cho tiếng kêu nức nở, cô đơn của loài côn trùng hay
tiếng gầm thét dữ dội thỉnh thoảng vang lên của các mãnh thú.
Sự
sợ hãi tràn chiếm hồn Nguyễn. Nó ngồi xuống tảng đá cạnh dòng suối, tay
ôm lấy đầu để trốn lánh các tiếng nước chảy róc rách trong khung cảnh
vắng vẻ, mơ hồ này thật trầm lặng, trầm như nốt nhạc thấp nhất của tiếng
dương cầm khiến cảm thấy đơn độc, sợ hãi hơn.
Độ
vài phút sau, nhận thấy không thể ngồi lì mãi ở đây, Nguyễn vụt đứng
dậy, khoác chiếc ba lô lên vai bước vội, hy vọng tìm ra được làng mạc
nào đó để trú đỡ đêm nay ; mới dợm bước, nó chợt dừng lại, ngả ba lô
xuống lấy cái đèn pin để soi lối đi và rút con dao găm đeo bên hông hờm
sẵn nơi tay rồi tiến vào lần theo hướng trước mặt.
Đi
được khoảng một giờ, ánh đèn chiếu ra chỉ còn tới thân cây phía trước
cách Nguyễn vài bước. Dạ thần cũng vừa buông trùm. Mồ hôi Nguyễn toát ta
dầm dã trong khi gió rừng thổi mạnh cuốn những chiếc lá khô bay tấp vào
mình nó. Lưỡi dao nó đang cầm trên tay không chĩa thẳng như trước nữa.
- A! Còn cây đuốc của thằng Minh gởi đây.
Nguyễn
vui mừng kêu lên khe khẽ khi dầu từ trong ba lô nhỏ xuống chân. Đoạn nó
rút cây đuốc ra. Dầu trong đuốc đã đổ ra phân nửa.
- Cũng còn dùng được.
Nó quạt cái đèn pin xuống đất tìm đá bên bờ suối để đánh lửa đốt ngọn đuốc. Ánh lửa bùng lên, chập chờn theo bước đi của nó.
Nguyễn
vừa đi vừa nép mình sau từng thân cây, giơ cao ngọn đuốc ra phía trước,
đề phòng sự tấn công của thú dữ. Nước mắt ràn rụa hai bên má, nếu gặp
ba mẹ và anh chị lúc này, có lẽ nó nhảy tới ôm chầm từng người rồi khóc
thật nhiều, thật to. Nó tự trách mình khờ dại, giàu tự ái mà nên nông
nỗi. Lúc ngọn lửa trên đuốc hạ dần, Nguyễn vui mừng đến cực độ:
- Ồ! Có nhà...
Một hàng rào bằng tre, cao, chắn ngang lối đi Nguyễn. Bên trong có đốm lửa nhỏ phát ra từ ngôi nhà sàn.
Không chần chờ, Nguyễn đẩy ba lô vào trong lỗ trống khá lớn ở chân rào, đoạn chui vô.
- Hộộc... hộộc.
Nguyễn
rú lên khi thấy bóng con thú lớn giơ cái mõm dài với hai cái răng nanh
nhỏ mọc ngược quay về phía mình. Nguyễn vụt chạy nhưng chẳng mấy chốc bị
vướng dây leo, vấp ngã. Con vật kêu lên mấy tiếng "hộc, hộc" và chồm
tới...
*
Qua
ánh sáng yếu ớt từ mấy cục than đỏ trong bếp phát ra, một cậu bé có mái
tóc xõa dài tới ót đang ngồi lùi khoai, chú chó nằm lim dim bên cạnh.
Chợt nó gầm gừ rồi phóng mình ra cửa sủa ầm ĩ. Cậu bé đưa mắt nhìn phía
ngoài: một ánh đuốc di chuyển dọc theo cuối rẫy.
- Í, ạ! Thằng nào dám vào rẫy mình ăn trộm hà.
Dứt lời, cậu bé đứng dậy, chống tay nơi khung cửa quan sát.
- Được rồi, tao sẽ cho mầy chết.
Cậu bé trở vào nhà rút bó tên và cây nỏ treo trên vách phên rồi huýt gió gọi con chó đi theo.
Băng
mình qua đám rẫy, khi gần tới ánh đuốc, cậu bé lắp hai cây tên vào
chiếc nỏ, dè dặt tiến bước, con chó sột soạt phóng mình đi trước, đến
gần kề mục tiêu cậu ngạc nhiên thấy bóng con thú đang rượt đuổi người bé
nhỏ cầm đuốc. Lúc cái bóng phía trước ngã sóng sượt, cậu bé chĩa nỏ
thẳng vào con thú lẩy cò.
- Phập, phập.
Trúng
nhược điểm, con thú hét lên ghê rợn quay mình về phía cậu bé ; không
chậm trễ cậu lắp thêm tên bắn ra phát nữa: con thú ngã vật xuống dẫy
đành đạch trước khi nằm bất động. Cậu bé nhặt cây đuốc giơ cao:
- Ồ! Một người kinh.
Nguyễn – Người kinh ấy –
gắng chống tay gượng dậy, nhưng vừa chống lên, hai khuỷu tay lại quỵ
xuống. Cậu bé cúi xuống đỡ Nguyễn và giơ ngọn đuốc về xác con vật: con
heo rừng lãnh bốn mũi tên, máu me chan hòa.
Cậu
bé dìu Nguyễn vòng lại chỗ lỗ trống lấy đồ đạc. Dưới ánh sáng của ngọn
đuốc, đám dây khoai bị ủi trốc lên một vùng khá lớn. Cậu bé lẩm bẩm:
- Hừ, phá hết trơn của người ta. Xẻ thịt mầy cũng là đáng lắm.
Đoạn
cậu bé tròng dây vào mình con heo hì hục kéo về. Nguyễn lững thững theo
sau. Đến nhà, Nguyễn mệt lả nằm dựa vách, thở dốc. Cậu bé đem đồ của
Nguyễn đi cất, rồi vào bếp bươi mấy củ khoai trao cho Nguyễn. Nguyễn
tiếp lấy nhưng khẽ nhíu mày: khoai củ sống củ cháy. Song đói quá Nguyễn
ăn nhầu. Cậu bé xoa tay, yên lặng nhìn thật lâu vào Nguyễn như dò xét.
Đợi Nguyễn ăn xong, cậu hỏi:
- Mầy đi lạc hở? Mà cái tên của mầy là gì?
Nguyễn ngạc nhiên vì cậu bé nói tiếng Việt khá sành sỏi. Nó trả lời:
- Vâng, tôi đi chơi bị lạc. Tên tôi là Nguyễn.
- Nghiễn?
- Không, Nguyễn cơ (Nó cố kéo dài chữ Nguyễn cho thằng bé hiểu).
Sau vài câu thăm dò, cậu bé bắt đầu thân mật:
-
Chắc mầy ăn khoai không được há, tại tao đi nên không coi được đó mầy
à. Nhưng mầy đừng có lo cái bụng. Lát nữa ba tao đi trên "cái" làng về
"nó" sẽ làm thịt con heo cho mầy ăn.
- Ba của...
Cậu bé ngắt lời:
- Tao tên Ysor.
- Ừ. Ba của Ysor đi đâu?
- Ba tao đi làm lễ tạ ơn thần linh đã giúp cho lúa chín. À, tí nữa tao dẫn mầy đi. Có lửa vui lắm.
Ysor
có đôi mắt to như mắt thỏ, mầu nâu và khuôn mặt đen, bầu bầu trông
hiền lành, dễ thương nên Nguyễn cảm thấy mến thằng bé ngay. Nó nói:
- Ysor nói tiếng Việt giỏi quá, chắc Ysor xuống dưới chợ nhiều lắm. Hôm nào bồ xuống tớ dẫn bồ về nhà tớ chơi. Nhà tớ ở gần chợ.
- Ừ, nhưng tao sợ...
- Ồ, không sợ gì cả, tớ sẽ nói với ba me và anh chị tớ Ysor là ân nhân, là người cứu tớ thoát chết.
Ysor nheo một con mắt, miệng nở nụ cười dễ dãi để trả lời câu nói của Nguyễn.
Có tiếng chân người đang leo lên khúc cây dựng làm cầu thang. Giây lát, một ông già tóc hoa râm, tay cầm mác xuất hiện ở cửa.
Nguyễn lo âu đưa mắt nhìn Ysor, Ysor cười:
- Ba tao đó mầy ạ.
Ông
già dùng ngôn ngữ của mình hỏi con, Ysor đáp lại. Hai cha con nói bi bô
với nhau khiến Nguyễn không hiểu gì cả. Ông già đưa mắt đầy thiện cảm
nhìn Nguyễn, nhoẻn miệng cười. Nguyễn nở nụ cười đáp lại. Ông khoát tay
ra dấu bảo Nguyễn ở chơi, rồi lặng lẽ vào trong nhà. Ysor nói:
- Mầy khỏe chưa? Có muốn đi nhảy lửa với tao không?
Nguyễn gật đầu.
Ysor
lấy một cái thanh la nhỏ, và một cái giỏ gần giống với cái nơm cá.
Nguyễn ngạc nhiên thấy Ysor cầm giỏ nhưng không dám hỏi. Nó cũng muốn
trổ tài của mình nên rút trong ba lô cái ống sáo. Đoạn cả hai cùng bước
đi.
Tới
nơi, chung quanh đống lửa được đốt cao, dân làng tụ tập đông đảo. Họ
vừa nhảy múa vừa cất tiếng hát nhịp nhàng theo tiếng thanh la lớn nhỏ,
tiếng đờn ống, đờn "trái bầu" của ban nhạc quây quần trong ánh lửa. Ysor
gõ lớn thanh la một tiếng rồi nhập cùng ban nhạc. Không ai để ý tới
Nguyễn cho tới khi khúc nhạc dứt. Ysor chỉ Nguyễn giới thiệu với mọi
người. Rồi cậu lại nói nhỏ với Nguyễn:
- Ra đi. Mầy là người kinh, chắc mầy cũng làm được nhiều "cái" vui.
Hình
như Nguyễn cũng say mê đám đông nên mạnh dạn bước ra. Mọi cặp mắt dán
chặt lấy Nguyễn. Nguyễn đưa sáo lên môi thổi khúc nhạc quen thuộc. Mọi
người im lặng lắng tai nghe. Sáo vừa buông xuống thì tiếng vỗ tay, tiếng
hò hét vang lên. Hứng chí, Nguyễn cất giọng ca:
- Anh em ta, cùng mẹ cha... Nhớ chuyện cũ, nhớ tích xưa. Khi thế gian còn mù mờ...
Âm
điệu quen thuộc với người sơn cước. Nên lập tức ban nhạc tiến ra, trong
đó có Ysor vừa đàn, vừa hợp cùng đám đông, cùng Nguyễn hát vang, nhưng
với tiếng mẹ đẻ của họ...
Nguyễn
chợt hiểu ra và cười nôn ruột khi Ysor một mình biểu diễn vũ điệu "Nhảy
giỏ". "Chàng ta" ưỡn trước, ưỡn sau theo tiếng "chập" giỏ, trông không
thể nhịn cười được.
Cuộc vui tàn theo ánh lửa. Mọi người rút về nhà. Riêng Nguyễn khoan khoái vì đã sống trọn một đêm trong thế giới xa lạ...
*
Tờ
mờ sáng, Ysor đưa Nguyễn về chợ. Chiếc bè xuôi dòng trôi phăng phăng.
Mặt Ysor trầm tĩnh, thoáng chút buồn còn Nguyễn mải say mê nhìn cảnh
vật. Chú sóc trong hốc cây ló cái đuôi màu sữa điểm chấm đen chọc con
chim họa mi đang líu lo trên cành cây cạnh đấy. Con cánh cam phơi cái
lưng đủ mầu sắc đang vươn mình lên để hút giọt sương mai... khiến Nguyễn
quên khuấy người bạn bên cạnh.
Đến
chừng, bè vượt khỏi thung lũng tới ngang mấy lều trại của Nguyễn đóng.
Ysor cho bè rẽ vào bờ. Đàng xa các bạn Nguyễn thấy bóng dáng Nguyễn hò
hét chạy tới. Nguyễn mới buồn rầu nhìn Ysor, Ysor mím môi quay đi.
Nguyễn nghẹn ngào:
- Cám ơn Ysor nhiều lắm. Hy vọng còn gặp lại Ysor... Tôi có vật này tặng Ysor làm kỷ niệm. Mong Ysor đừng từ chối nhé.
Nguyễn đưa con dao găm cho Ysor. Ysor lưỡng lự đôi phút, nở nụ cười gượng gạo rồi cầm lấy dao.
- Thôi chào "Nghiễn". Chào nhé!
Ysor cho bè ra giữa dòng. Hai cánh tay của đôi bạn trẻ mới quen nhau vẫy vẫy, quyến luyến không muốn rời nhau.
- Ồ! May quá, Nguyễn đã về.
- Thằng Nguyễn làm tụi tao hết hồn.
- Nguyễn tha lỗi cho Dũng nhé. Dũng vô tình làm chạm tự ái Nguyễn khiến xảy ra điều không may này...
Tiếng
các bạn vang lên. Nhưng Nguyễn có nghe gì đâu. Nguyễn còn dõi mắt nhìn
bóng cái bè chở người bạn thân yêu khuất sau mấy rặng cây. Trong tâm tư,
Nguyễn mang hai kỷ niệm: ngược dòng với bao nhiêu hiểm nghèo, xuôi dòng
với nhiều luyến tiếc, mến thương.
Nguyễn Ngọc Anh