Cách
nơi đây xa lắm, xa thật là xa, ở tận bên xứ Hòa Lan diệu vợi, gần Bắc
Hải mênh mông, đất thấp hơn mực nước biển thay vì cao hơn như các miền
khác. Lẽ dĩ nhiên, sóng biển sẽ xâm chiếm còn tràn ngập tất cả các thành
phố tân kỳ và các xóm làng ấm cúng màu sắc quê hương nếu không có cái
gì ngăn chận chúng lại. Nhưng "cái gì" đã có, các kỹ sư Hòa Lan đã xây
những bức tường, những bức tường thật cao và thật rộng tại tất cả những
nơi có thể bị sóng thần tàn phá đầu tiên, và các bức tường này đã thành
công giữa biển ở vị trí "hiền hòa".
Chắc
các em đã hiểu sự quan trọng của các bức tường này: mùa màng nông trại,
cả mạng sống của dân chúng nữa đều tùy thuộc vào chúng. Quan trọng đến
nỗi những em bé tí ti cũng biết là một lỗ hở nhỏ ở tường đủ đưa đến một
sự tàn phá kinh khủng của biển cả mênh mông. Mặt tường rộng thực sự y
như một con đường, vì thế người ta thường gọi là đường đê. Chắc các em
đã từng biết Vạn Lý Trường Thành bên Trung Hoa, các em cứ tưởng tượng
đây là một Vạn Lý Trường Thành thu nhỏ.
Gần
thành phố Hạt Lem, một thành phố nổi danh về cây uất-kim-hương xinh đẹp
có một đứa bé trai tên Hanh. Một bữa nọ, Hanh dẫn em đi dạo chơi theo
vách các đường đê. Hai anh em đi xa lắm, xa thật xa, xa đến nỗi đến một
nơi không còn nhà cửa, không còn nông trại, không cả những cánh đồng đầy
lúa mạch và hoa dại nữa.
Hanh mệt nhoài ; Hanh leo lên đê và ngồi trên đó nghỉ mệt. Em của Hanh vẫn còn ở dưới để tìm hái các hoa tím xinh xinh.
Thình lình, em Hanh la lên:
- Anh Hanh! Xuống đây xem! Một cái lỗ thật tức cười! Xì xì y như bọt xà bông.
Giật mình, Hanh hỏi:
- Một cái lỗ à? Ở đâu vậy?
- Ngay ở đây này, trong bức tường. Nước đi qua đó - Em Hanh trả lời.
Hoảng hốt, Hanh la lên:
- Cái gì?
Hanh nhảy ngay xuống đất, và quan sát.
Một cái lỗ nhỏ. Một cái lỗ thật nhỏ có một giọt nước trở thành bọt khép kín.
Hanh lo sợ:
- Đây là một cái lỗ trong đê! Chúng ta phải làm gì bây giờ? Nguy hiểm lắm!
Hanh
ngó bên phải, không thấy người nào, bên trái, không thấy người nào, cả
phía trước, phía sau hút tầm mắt, vẫn không thấy người nào.
Và thành phố thì xa quá! Xa quá! Về không kịp!
Hanh ngó lại cái lỗ. Những giọt nước nhỏ chảy qua đó: tốp, tốp tốp!
Hanh
biết nước sẽ làm rộng dần cái lỗ đó ra, nếu không bịt kín kịp thời lại,
thì... Làm thế nào bây giờ? Chạy về thành? Tất cả mọi người đều đi câu
cá ; nếu báo tin được và trở lại đây thì có kịp hay không? Hiện giờ,
những giọt nước đã thay đổi thành một dòng nước nhỏ chảy đều hòa ; và
chung quanh lỗ, tường đã trở nên ẩm một cách đáng sợ. Thình lình, Hanh
nghĩ đến một kế, Hanh mím môi quyết định. Hanh thọt ngón tay trỏ vào lỗ
(ngón tay trỏ của Hanh vừa khít cái lỗ) rồi nói với em:
-
Hùng! Em chạy thật nhanh về thành báo cho mọi người biết có một cái lỗ ở
đê. Nói với họ là anh đang dùng ngón tay khép kín lỗ đó chờ khi họ đến.
Nhìn
cặp mắt của anh, đứa bé hiểu đây là một việc hết sức quan trọng ; nó
bèn chạy thật nhanh, thật nhanh hết sức mà đôi chân bé nhỏ của nó có thể
có được. Hanh quỳ trước bức tường với ngón tay trong lỗ ngó em trai
mình xa dần, xa dần.
Đến
lúc em Hanh bé như con gà con, kế đó nhỏ như một chấm đen rồi không
thấy gì nữa thì Hanh chỉ còn lại một mình với ngón tay trong đó.
Hanh
có thể nghe được nước kêu "glu! glu!" ở phía bên kia. Thỉnh thoảng, một
con sóng biển dâng lên thật cao và rưới nhiều giọt nước vào mái tóc
xanh bé nhỏ của Hanh.
Bàn
tay có ngón tay của Hanh trong lỗ dần dần trở nên cứng đờ ; Hanh thử
dùng bàn tay còn lại chà xát lên nhưng vẫn không thay đổi được, trái lại
còn trở nên lạnh và cứng thêm. Hanh ngó con đường dài hun hút dẫn về
thành phố. Không thấy một người nào cả. Cái lạnh bắt đầu xâm nhập vào cổ
tay, rồi cả cánh tay, rồi đến vai. Ôi chao! Lạnh quá! Kế đó, tay Hanh
bị co rút lại, Hanh run cầm cập. Dường như em của Hanh đã đi được hàng
giờ rồi. Còn gì cô đơn và mệt nhọc cho bằng! Con đường vẫn vắng tanh,
vắng tận hút tầm mắt. Hanh tựa đầu trên vách tường để nghỉ. Bây giờ,
dường như Hanh nghe được giọng nói to rổn rảng của biển cả:
-
Ta là Đại Dương đây! Không một người nào có thể chống cự ta được. Mày
là ai, đứa bé kia? Sao dám cản đường ta đi? Hãy coi chừng mất mạng!!!
Và nước vẫn vỗ đều trên vách tường, dường như nước đang thì thầm với Hanh:
- Tao sẽ đi qua, sẽ đi qua! Mày sẽ chết chìm, chết chìm, chết chìm! Mày hãy trốn mau trước khi tao đến!
Hanh
chán nản muốn bỏ cuộc. Hanh muốn rút ngón tay ra khỏi lỗ. Nhưng Hanh
sợ! Sợ cái gì? Nếu lỗ trở nên lớn và làm vỡ đê thì...! Hanh nghiến răng
và ấn ngón tay vào sâu hơn nữa. Hanh lẩm bẩm:
- Biển cả ơi! Tôi không trốn đâu! Biển cả sẽ không bao giờ qua nơi đây được!
Lúc
đó, giữa lúc Hanh đang đến hồi kiệt lực, nửa mê, nửa tỉnh, nhiều tiếng
gọi xa xôi vọng vào tai Hanh. Hanh cố giương to mắt. Ở đằng xa, thật xa,
dường như ở cuối đường, Hanh thấy một đám bụi... và kế đó một khối đen
đang tiến dần về phía Hanh. Đúng rồi! Hanh mừng rỡ, đó chính là những
người ở thành phố. Hanh thấy rõ ba Hanh và các bác ở cạnh nhà. Tất cả
đều cầm bay và giỏ chạy nhanh đến Hanh. Họ vừa chạy vừa là:
- Can đảm lên! Cố gắng Hanh ơi! Các bác đến đây!
Một
lúc sau họ đã đến. Và khi họ thấy Hanh xanh lè xanh lét với ngón tay bị
siết chặt trong đó, tất cả đều la lên: "Trời ơi!" Ba Hanh bồng Hanh
trên tay, ông chà xát cánh tay cứng đờ của Hanh. Mọi người đều nói Hanh
là một vị anh hùng đích thực, một vị tiểu anh hùng đã cứu nguy thành phố
khỏi bị tàn phá bởi biển cả bạo tàn.
Khi
đê được sửa chữa xong, tất cả ca khúc khải hoàn công kênh Hanh trở về
thành phố. Các em hãy tưởng tượng người ta tiếp rước Hanh trọng thể như
thế nào!
Ngày
hôm nay, dân chúng ở đó, ở thành Hạt Lem có uất-kim-hương danh tiếng,
vẫn còn thuật lại câu chuyện của đứa bé trai anh hùng tên Hanh đã cứu
nguy thành phố.
ANH CA
(theo Trents belles histoires)
(Trích từ bán nguyệt san Tuổi Hoa số 80, ra ngày 1-11-1967)
Nguồn : https://tuoihoandmore.blogspot.com
Nguồn : https://tuoihoandmore.blogspot.com