Thứ Tư, 27 tháng 11, 2019

SÓNG THẦN - Nguyễn Thiện Hùng


Qua nhiều thời đại, thỉnh thoảng biển cả lại có sóng thần. Chúng hoàn toàn quét sạch làng mạc trên những bờ biển thấp và gây thiệt hại đến hàng trăm nghìn nhân mạng. Ngày xưa, bì tàu bè ngoài khơi không thể phát hiện được nên chúng đến mà như không hề báo trước. Kế đó, người ta biết được rằng sóng thần có liên hệ một phần với những cơn động đất ngầm dưới đáy bể. Sau cùng, nhờ ở những tin tức được cung cấp và nhờ có những máy móc tối tân, con người đã biết tự bảo vệ trước những hiểm họa ấy.

Cuộc thảo luận trong phòng họp sôi nổi đến tột độ. Hôm ấy, một buổi chiều oi bức ở Honolulu vào năm 1946. Cử tọa đều mỏi mệt sau nhiều giờ bàn cãi về lượn sóng thần đã tàn phá vịnh Hilo, ở Hawai vào ngày 1 tháng 4 dương lịch.

Hôm đó, 173 nạn nhân đã bị lượn sóng khổng lồ ấy cuốn đi và dìm cả xuống đáy bể. Báo chí địa phương đều bày tỏ sự phẫn uất của quần chúng và đặt câu hỏi tại sao không có lấy một sự báo động nào cả.

Một viên chức Hải quân cao cấp quay ngoắt người hướng về Thiếu tá Patterson, một nhân viên của Survey (1) đặc trách tại Honolulu:

- Thiếu tá phải chịu trách nhiệm về việc này. Trong văn phòng của ông có một máy địa chấn ký. Nó hẳn có ghi trước giờ có thể xảy ra động đất. Tại sao Thiếu tá không cho báo động kia chứ?

Một lần nữa, Patterson lại phải giải thích rằng cơn động đất này đã xảy ra trong đêm, lúc tất cả nhân viên đều về nhà nghỉ ngơi. Đến bữa điểm tâm sáng hôm sau, khi nước đã tràn vào và bàn ghế trôi lĩnh nghĩnh đầy nhà, họ mới hay là sóng thần đã đến viếng.

Vị sĩ quan đấm mạnh xuống bàn:

- Nghe được lắm đấy! Nhưng cơn động đất được cho biết sớm hơn từ nhiều giờ trước kia mà!

- Kìa, thưa quý vị Patterson lập lại tôi đã bảo rồi, máy ghi địa chấn dùng một loại giấy đặc biệt lắm cơ. Phải mất một lúc mới lấy ra được. Các ông không thể hiểu cho như vậy được sao? Sóng thần đến ngay lúc tôi sửa soạn lấy giấy ra khỏi máy. Tôi nào có thể làm gì khác hơn được kia chứ?

- Tại sao không cho trang bị thêm một bộ phận chuông báo động?

Buổi họp vẫn tiếp tục và mọi người cũng không còn nhớ đến đề nghị ấy nữa ; nhưng Patterson cứ quanh quẩn mãi trong đầu ý tưởng nho nhỏ đó. Tại sao không thể có chuông báo động nhỉ?

Patterson cho gửi ngay về thượng cấp của ông là Trung tá Ray ở Washington một bản phúc trình dài bày tỏ mối bất bình của mình và báo thêm là nên cho trang bị các máy ghi địa chấn một hệ thống báo động trong trường hợp khẩn cấp. Trung tá Ray là viên chỉ huy mới của ban vật lý học của Survey. Bản phúc trình của Thiếu tá Patterson khiến ông phải chú ý rất nhiều. Tại sao lại không dùng một loại chuông báo động nhỉ? Song, còn quá nhiều việc phải giải quyết ngay kìa.

Ít hôm sau, Ray phải đến dự một phiên họp hội đồng của cơ quan được triệu tập ra về việc này. Một hội viên cũng bằng một câu hỏi cùng với báo xuất bản ở Hawai, chất vấn:

- Trung tá có máy ghi địa chấn, tại sao tình trạng báo động không được ban hành, thưa Trung tá?

Ray giải thích và nhắc lại sự tháo cuốn giấy đặc biệt của địa chấn ký ra nhưng người này đã vội ngắt lời:

- Chúng ta có thể cải thiện nó bằng cách cho lắp thêm một hệ thống chuông báo động chứ?

- Vâng, có thể được. Song không có tài chính để thực hiện điều ấy.

- Không thể hỏi xin ở đâu cả à, thưa Trung tá?

- Vâng, ngân sách xin dùng vào việc chỉnh trang lại máy móc đã bị từ chối nhiều lần rồi...

Người hội viên gợi ra một ý:

- Mình lại xin thêm lần nữa xem sao? Có vẻ đầy hứa hẹn lắm đấy chứ.

Trung tá Ray trở lại văn phòng. Đã quyết định rồi và phải hành động ngay cấp tốc. Ông bắt đầu công việc bằng cách đọc lại những chi tiết về sóng thần. Kế đó, ông cho điều tra tỉ mỉ về những biến cố xảy ra trong buổi sáng khủng khiếp ngày 1 tháng 4 dương lịch ấy. 


Sâu khoảng 3600 mét, mặt đáy lởm chởm những đá của Thái bình dương không thể chịu đựng nổi những dồn nén gây nên bởi sự xếp nếp của vỏ quả đất. Sự tạo sơn này đã bị gián đoạn ở gần Alaska. Cơn chấn động của sự đứt quãng ấy đã được phát hiện khắp nơi trên địa cầu và đã được các máy địa chấn ký ghi nhận.

Hàng trăm kilômét vuông nước bể đã được nâng cao từ một đến hai mét so với mực bể lúc bình thường. Thế là chính biển cả lại dâng nước lên. Thình lình, hàng khối nước khổng lồ đó lại được ném tung lên rồi lại đổ ập xuống. Sức ép của chúng lại tạo ra một dãy sóng nhảy vọt trên mặt bể. Dưới sâu, vô số những lượn sóng to tiếp nối di chuyển nhanh đến 100 kilômét một giờ. Vì chúng liên tục di chuyển cách từng 15 phút một nên những ngọn sóng cũng cách khoảng nhau hàng trăm kilômét bề dài. Sức mạnh khủng khiếp của chúng không thể nào tính được. Khi đến gần bờ bể một miền, chúng chậm dần lại và vươn cao mãi cho đến khi va vào bờ, và nhờ đó, sóng dội nẩy lên cao đến hàng 15 mét hay hơn thế nữa.

Ở Honolulu, những người thợ siêng năng nhất đã bắt tay vào việc. Ở Alaska, đáy bể bị đứt quãng đã được bốn giờ 30 phút đồng hồ trước đó rồi. Qua khung cửa sổ, Thiếu tá Patterson nhìn ra bể xa gần như cạn cả. Vịnh khô ráo và những chú cá mắc cạn trên cát còn đang ngoi ngóp. Bỗng Patterson nghe thấy một tiếng gầm thét dữ dội. Ông trông được một ngọn sóng bạc trắng ngoài vịnh kia. Nó ào đến thật nhanh. Nó lan tràn khắp vịnh và bắt đầu tiến về đất liền. Nhà cửa bị lay chuyển và tràn ngập những nước. Những mái nhà khác sắp sửa bị cuốn trôi đi. Sóng thần đã đến thăm Hawai kia rồi!

Trước 7 giờ đúng, thủy triều đã rút khỏi vịnh Hilo. Trẻ con đổ xô đến để xem cá bị mắc cạn. Những cửa hàng nho nhỏ được mở ra ngay trên bờ bể. Thình lình, như vũ bão, sóng ập đến và vươn lên thật cao lúc đến gần. Sóng dìm tất cả vào trong một âm thanh gầm thét dữ dội. Sóng cuốn theo những trẻ con, dân chài, bạn hàng tổng cộng 173 người. Khi rút xuống bể, nó còn phá hủy nhiều nhà cửa nữa.

Hôm sau, quá nửa đêm một tý, ở Valparaiso thuộc xứ Chilo, cách Alaska 13 000 kilômét và sau đó 13 giờ có sóng thần, nước dâng cao đến 1,50 mét rồi đổ ập xuống, và lại vươn lên và lại đổ ập xuống để dần dần dịu bớt. Tất cả các máy triều ký ở Thái bình dương đều ghi nhận được tất cả những sự chuyển động dữ dội ấy của biển cả.

Sau khi đã nghiên cứu xong mọi điều, Ray cho triệu tập các nhân viên trong ban địa vật lý học để trình bày về việc hiệu chỉnh máy ghi địa chấn bằng một hệ thống báo động.

Họ bảo:

- Trước tiên cần phải có một loại máy ghi địa chấn mới và người ta có thể đọc liền khi ấy.

Người khác, có vẻ khách quan hơn:

- Không dễ dàng gì đâu nhé, bởi vì máy địa chấn ký là một dụng cụ rất tinh tế.

Một vài người khác ở Pasadena và Pittsburg cũng phát biểu ý kiến nhưng cũng không thêm được gì hơn.

Ray ra lệnh:

- Sắp đặt kế hoạch trước đã. Sau đó, hẳn bắt tay vào việc.

Một trong những nhân viên nói:

- Chúng tôi sẽ nghiên cứu tất cả mọi chuyện, mọi điều. Trong vòng một tháng nữa, hy vọng, chúng tôi sẽ mang lại đây một vài thành quả nho nhỏ nào đó.

Ray dò dẫm:

- Không cần phải canh chừng bên suốt đêm chứ?

- Không quá dung dị lắm đâu. Chỉ cần một tế bào quang điện (cellule photo - électrique) Một "mắt điện tử". Mỗi khi động đất được ghi nhận, nó sẽ cho chuông reo lên ở đầu giường nằm.

- Được lắm đấy! Chúng ta sẽ cho trang bị tai Tueson, Sitka và Gairbanks. Một vài đài địa chấn ký của Đại học đường California có thể nhận trông chừng hộ mình những cơn động đất ngầm dưới đáy bể. Và, dĩ nhiên, trung ương của hệ thống sẽ là Honolulu. Tất cả các đài địa chấn ký đều cần có những máy móc mới.

- Nhưng thế cũng chưa đủ đâu Norwood, một nhà địa chấn học, nói Chưa chắc những sự động đất ngầm dưới đáy bể đã là nguyên nhân gây ra sóng thần.

- Dĩ nhiên phải thế rồi Ray trả lời Phải tìm cho ra mọi phương cách khả dĩ biết được rằng địa chấn có đúng là nguyên nhân gây ra sóng thần hay không chứ.

- Phải dùng thêm các máy triều ký mới được. Mình có thể nói chuyện với Trung tá Green, chỉ huy ban thủy triều và hải lưu ấy.

Ngay khi rõ chuyện, Trung tá Green liền chấp thuận cho các cơ quan sát viên các máy ghi thủy triều được tham dự vào chương trình nói trên. Nếu ở nơi nào có động đất và lại có những dấu hiệu cho thấy sóng thần có thể xảy ra, người ta lập tức báo ngay cho Honolulu. Chính đài trung ương này sẽ báo động. Green cũng nhận cho vài bản đồ ghi rõ vận tốc và sự di chuyển của các lượn sóng thần dưới những chiều sâu khác nhau trong Thái bình dương. Như thế, Honolulu sẽ biết được giờ và nơi chốn mà sóng thần có thể đến viếng. Một hệ thống vô tuyến liên lạc nhanh chóng cũng vừa được thiết lập xong.

Trung tá Green làm đủ mọi cách, trong phạm vi và khả năng của ông, để có thể thực hiện một cuộc báo động chỉ trong vòng 15 phút đồng hồ. Một dụng cụ đặc biệt được thả xuống nước gần một máy ghi thủy triều và máy này sẽ truyền đi một dấu hiệu mỗi khi có sóng thần xảy ra. Chuông sẽ được cho reo lên để báo động với các quan sát viên.

Tất cả đều được thực hiện tùy từng kế hoạch một. Những máy ghi địa chấn mới đã được gửi đến các đài địa chấn ký thuộc hệ thống mới và sẽ sẵn sàng hoạt động trong vài tuần nữa. Người ta cho sử dụng cả đến các máy vô tuyến điện quân sự để loan truyền những tin tức có liên quan đến những trận động đất và các ngọn sóng thần ưu tiên đối với những tin tức khác. Các bản đồ định vận tốc và sự vận chuyển của sóng thần cũng đã được hoàn tất.

Họ cũng thực tập và trắc nghiệm luôn để khi hữu sự công việc sẽ chuyển vận điều hòa. Bất cứ lúc nào tất cả cũng phải sẵn sàng. Norwood vẫn lo ngại sóng thần có thể đến một nơi nào đó mà không hay biết gì cả vì những lý do trục trặc kỹ thuật: ước tính lầm nơi đến hay bỏ sót vì hư hỏng. Song Trung tá Ray thì rất mực tin tưởng.

Nhiều năm trôi qua. Mặc dù không gặp các lượn đại sóng thần song hệ thống phòng bị vẫn báo hiệu thường xuyên mỗi khi có các ngọn sóng thần nho nhỏ. Hiện giờ, Ray đang là thuyền trưởng một con tàu to.

Ngày 9 tháng 3 năm 1957, thình lình, tất cả các đài ghi địa chấn trên toàn thế giới đều trở nên náo nhiệt lạ thường. Một trận động đất dữ dội vừa xảy ra ở gần Alaska. Quả đất như muốn vỡ tung ra. Hệ thống báo động sóng thần bắt đầu hoạt động.

Vào lúx 4 giờ 40 phút, trong một sáng bình minh âm u, còi báo động vang rền ở Honolulu. Như thường lệ, các nhân viên bật ngay dậy và phóng tới đài quan sát. Trong vòng 23 phút đồng hồ, họ đã gửi điện tín đến năm đài địa chấn ký khác của Hợp chủng quốc và yêu cầu cho biết ngay về tin tức của trận động đất được ghi nhận ở các nơi. Tại Alaska, quan sát viên các máy triều ký đã phát hiện được bước đầu của sóng thần, qua báo cáo gửi về Honolulu 2 giờ 24 phút sau cơn địa chấn ngầm dưới đáy bể, Honolulu đã ban hành lệnh báo động và cho biết một lượn sóng thần đang di chuyển. Nó đã lên đường trước khi kịp báo động chỉ vừa có 1 giờ 50 phút đồng hồ.

Còi rú lên, tàu bè rời ngay khỏi bến. Máy vô tuyến vẫn tiếp tục loan đi những tin tức mới nhất. Trên bờ Hawai, mọi hoạt động diễn ra rất nhanh chóng. Dân chúng lìa xa các nhà ở ven bở bể và tràn cả lên đồi. Những hòn đảo khác trong Thái bình dương về phía Tây Hợp chủng quốc cũng được báo động.

Sau cơn địa chấn 4 giờ 30 phút đồng hồ, lúc 9 giờ sáng, mệt ngất, các nhân viên của đài quan sát mới bắt đầu nghe thấy và phân biệt được những tiếng động của lượn sóng khổng lồ ấy vang dội ngoài bờ bể. Sự thiệt hại về vật chất rất nặng nề nhưng không có ai bị thiệt mạng cả. Tàu bè thảy đều thoát nạn. Một lần nữa, hệ thống đã hoạt động rất hữu hiệu và hoàn hảo!

Bộ chỉ huy Hải quân Hoa kỳ tại Thái bình dương gửi ngay về Washington một điện tín báo cáo đã hoàn tất xong nhiệm vụ. Ray thở hắt ra. Ông rất hài lòng Norwood không có ở đấy, cạnh bên ông. Ông ấy đã đến tuổi hồi hưu rồi và không còn làm việc nữa.


(Nguyên tác "Des sommels aux 
 fonds des mers" của Elliott B.  
Roberts, Nouveaux Horizons 1966)
NGUYỄN THIỆN HÙNG    
(nhóm Hoài Bão)            

--------------------- 
(1) Coast and Geodetic Survey : Cơ quan Thống kê Duyên Hải và Trắc địa.


(Trích từ bán nguyệt san Tuổi Hoa số 188, ra ngày 1-11-1972) 


Nguồn : https://tuoihoandmore.blogspot.com