Lớp
học im phăng phắc, gần trăm cặp mắt ngây thơ mở rộng nhìn về phía thầy
giáo. Bên con trai thỉnh thoảng một cậu réo lên "a!"! Bên con gái chỉ có
Huyền thỉnh thoảng lại kêu "khó quá". Lớp học thật hiền lành, học trò
ngoan ngoãn, thầy giáo hăng say giảng. Xong bài học thầy quay xuống:
- Sao? Các con hiểu cả chứ?
Vài người trả lời nho nhỏ, thầy hỏi lại:
- Các con hiểu không?
Một vài tiếng nhao nhao "thưa hiểu". Rồi cả lớp "thưa hiểu". Mắt Đào sáng long lanh, cô bé cười xinh tươi nhìn khắp lớp. Chợt mặt cô bé u buồn, mắt thoáng ưu sầu rồi như chưa hiểu điều gì Đào giơ tay:
- Thưa thầy con chưa hiểu.
- Chưa hiểu chỗ nào con?
Đào lựa những chỗ dễ nhất bài nhưng là căn bản của bài:
- Thưa thầy câu đầu.
Vài
học sinh cười ồ, rồi hầu như cả lớp. Giọng cười nửa khinh, nửa chế
riễu. Mấy đứa bạn thân của Đào thì cho là Đào giỡn vì Đào thông minh mà
những điều đó lại quá dễ.
- Hiểu chưa con?
- Dạ hiểu. Nhưng phần b của câu giữa con chưa hiểu.
Thầy rút khăn lau mồ hôi trong lúc cả lớp lại cười ồ. Thầy rầy:
- Các con đừng cười bạn mình chứ.
Xong thầy giảng tiếp:
- Còn chỗ nào nữa không con?
- Thưa thầy phần a của câu cuối.
Nhiều học sinh lại cười, thầy quay xuống:
- Thầy phạt bây giờ. Muốn không?
Mọi người im lặng chỉ còn Thủy, Hoa, Hiên không sao im được. Giảng xong, thầy gọi ba cô bé đứng dậy:
-
Lúc nãy các con có nghe thầy bảo gì không? Các con giỏi nhưng bạn các
con không hiểu, phải để nó hỏi. Các con làm vậy lần sau ai dám hỏi nữa.
Lên đây.
Nước mắt chạy dài trên ba khuôn mặt. Thủy mếu máo nói:
-
Thưa thầy con không dám cười Đào dốt nhưng con cười vì Đào giỡn. Ban
sáng tụi con không hiểu bài đó, chính Đào đã giảng rành mạch cho tụi
con.
- Có phải vậy không Đào?
Đào cúi mặt đứng im. Mặt thầy tím lại:
- Như vậy con giỡn thật phải không Đào?
Đào ấp úng:
- Thưa thầy con không dám giỡn nhưng con hỏi vì tại...
- Ban sáng con có giảng bài này cho Thủy, Hoa, Hiên không?
Đào đáp thật nhỏ:
- Dạ có.
Thầy mệt mỏi buông người xuống ghế:
-
Không bao giờ thầy ngờ được việc này có thể xảy ra. Thầy đã đến đây với
thiện chí giúp đỡ các con, xây dựng các con thành người hữu dụng. Thế
mà có người lại muốn thầy làm trò cười, muốn thầy tốn hơi mệt sức làm
những việc không đâu để mình vui thú trong sự mệt lả vô ích của thầy,
cười trong sự hăng say vô ích của thầy. Thật thầy không biết còn sự phản
bội nào trắng trợn hơn. Thầy không chấp nhận được sự hỗn láo ấy trong
lớp học. Tôi không chấp nhận nghe không Đào?
Đào
nức nở khóc, tay mân mê tà áo, mặt nhễ nhại nước mắt. Thầy giáo nhìn
qua những khuôn mặt trong sáng của lũ học trò, nghe lòng dịu lại. Dù sao
thầy cũng còn được bao nhiêu là học trò kính trọng, thương yêu. Một vài
người phá phách, nghịch hỗn nào có nghĩa gì. Rồi nhìn vào khuôn mặt thơ
ngây của Đào thầy nghe lòng thương mến rạt rào. Dù sao nó cũng còn nhỏ
quá. Thầy nhỏ nhẹ bảo Đào:
-
Đào, con không biết việc làm của con là ác độc, là hỗn hào. Từ rày về
sau con đừng đùa vô ý thức vậy nữa nghe. Vô tình con đã làm thầy buồn và
mất lòng tin sẵn có nơi học trò của thầy. Thầy phạt con quì quay mặt vô
vách để suy nghĩ về việc làm của mình.
Đào quì, úp mặt vào vách khóc rưng rức. Vừa khóc cô bé vừa cầu nguyện:
-
"Lạy Chúa, xin Chúa tha thứ cho con, con đã làm buồn lòng thầy con, con
hứa với Chúa lần sau làm việc gì con sẽ suy nghĩ kỹ hơn. Con tin Chúa
tha tội cho con vì Chúa hiểu con. Con không dám phá thầy con nhưng con
biết lắm bạn con nhiều người không hiểu mà không dám hỏi, bạn trai thì
sợ bạn gái cười, bạn gái thì sợ bạn trai cười. Hơn nữa vì mặc cảm học dở
nên bạn con quen thói thụ động học không dám hỏi lại những đoạn khó
hiểu. Con không muốn bạn con không hiểu bài, con muốn giúp đỡ bạn con
bằng cách chứng tỏ mình dốt không phải là một tội, và chỉ để bạn con
hiểu rõ bài học hôm nay. Lạy Chúa, con tin Chúa hiểu và tha thứ cho
con."
TUYỀN ANH
(Trích từ bán nguyệt san Tuổi Hoa số 189, ra ngày 15-11-1972)
Nguồn : https://tuoihoandmore.blogspot.com
Nguồn : https://tuoihoandmore.blogspot.com