Như
chúng ta biết, dừa là một trong những hình ảnh tiêu biểu cho quê hương
yêu dấu. Ai mà chả từng nghe, từng hát lời nhạc tha thiết "Uống nước dừa
hay nước mắt quê hương..." của nhạc sĩ Phạm Thế Mỹ. Vì thế, tìm hiểu
dừa cũng là một điều khá thú vị. Trong bài dừa dưới đây, với lời văn rí
rỏm vui vui, tác giả đã đưa chúng ta vào thế giới dừa tuy có hơi nặng về
chuyên môn nhưng vẫn không kém hấp dẫn.
TUỔI HOA
Đối
với trẻ con, dừa là một món ăn thích khẩu, một thức uống tinh khiết.
Đối với các thi sĩ, không gì đẹp hơn khi nhìn hàng dừa rũ bóng trên sông
trong những đêm trăng sáng gợi ý cho những vần thơ tuyệt tác. Đối với
khách tha hương, dừa mang hình ảnh quê nhà. Riêng với các nhà địa chất,
dấu vết của dừa trong các lớp đất xưa chứng tỏ một khí hậu nhiệt đới.
Thiết thực hơn, dừa là một loại cây có nhiều công dụng nhất trong kỹ
nghệ cũng như trong đời sống hàng ngày.
Mang nhiều lợi ích như vậy, dừa được xem như là chúa tể của nhóm đơn tử diệp và đã được các nhà thực vật học khảo sát tỉ mỉ.
Không
riêng gì ở Việt Nam, mà tất cả xứ nhiệt đới như Hạ-uy-Di, Phi-luật-Tân,
Nam Dương... kể cả miền xích đạo, dừa hiện diện thường xuyên và chiếm
phần quan trọng nhất trong các thực vật.
Mỗi
địa phương, dừa đều có một tên riêng tùy theo ngôn ngữ của xứ đó (Pháp:
co co, Mỹ: coconut...). Bởi thế, ngày xưa các nhà thực vật đã điên đầu
vì số danh từ quá nhiều. Do đó, người ta đồng ý dùng tiếng La Tinh để
đặt họ, tên cho dừa. Họ Palmal và tên Cocosnucife ra đời từ đó.
Đi
sâu vào chi tiết hơn, người ta đã khám phá ra những tổ chức cơ thể rất ư
kỳ diệu và những phương cách lập thành để được sinh tồn của loài thực
vật này.
Như
ta đã biết, thân dừa thuộc loại thân cột, mang nhiều vết sẹo dọc theo
thân, và ở ngọn một chùm lá kép hình lông chim. Mỗi lá có bẹ lá to bao
bọc thân, các vết sẹo là dấu vết còn lại của bẹ ấy.
Lúc
cây trưởng thành, các hoa bắt đầu xuất hiện, hương thơm nhẹ nhàng, màu
hoa vàng nhạt, tinh khiết. Nhiều hoa dính trên những cành họp thành bông
kép, được bao bọc bởi một mo cứng. Có mang nhiều hoa đực dọc theo cành,
đáy cành có một hoa cái.
Hoa
đực có 6 vảy họp thành một bao hoa thô và cứng, có thể coi như ba lá
dài và 3 cánh hoa. Trong bao hoa có 6 nhị đực xếp trên 2 vòng, ở giữa có
một bầu noãn lép (dấu vết của cơ quan sinh dục cái).
Hoa
cái có cấu tạo gần giống như hoa đực, cũng gồm 6 vảy bao bọc một bầu
noãn ở giữa, bầu noãn gồm 3 ngăn gọi là 3 tâm bì, mỗi tế bào có mang một
tiểu noãn.
Đặc
biệt, khi hoa đã chín, chỉ có một tiểu noãn thụ tinh mà thôi, hai tiểu
noãn kia biến mất, noãn thụ tinh cho quả và hạt, đó là trái dừa.
Bổ dọc trái dừa, ta sẽ thấy từ ngoài vào trong:
– Vỏ xanh hay đỏ tùy loại dừa gọi là biểu quả bì (da dừa).
– Phần xơ màu trắng vàng : trung quả bì.
– Phần cứng chắc khi non có màu vàng nhạt, mềm khi già có màu nâu rắn chắc gọi là nội quả bì.
– Phần còn lại bên trong gọi chung là hạt.
Hạt lại gồm có:
– Vỏ hạt bao bọc cùi dừa mỏng, mềm.
–
Phần trắng ăn được, đó là phôi nhũ đặc, ngọt và chứa nhiều dầu. Trong
trường hợp trái già, phôi nhũ đặc sẽ cho mầm, người ta thường gọi là
mộng dừa. Sau một thời gian sẽ xuyên qua phần quả bì để cho một cây con.
– Tiếp theo, là phần nước uống được: phôi nhũ nước ngọt, chứa nhiều chất bổ dưỡng nuôi mầm.
Không những cơ cấu đã đặc biệt như vậy, mà khi xét về công dụng, dừa còn cho chúng ta nhiều lợi ích thiết thực hơn:
Ta bắt đầu xét sự lợi ích của từng cơ quan một:
Lá
dùng để lợp nhà, phơi khô dùng làm củi được, gân lá có thể biến thành
tăm xỉa răng, đặc biệt ở Hạ-uy-Di, ngày xưa, người ta dùng lá dừa kết
lại để làm y phục nhảy múa.
Thân dừa dùng để xe bện dây dừa.
Ở ngọn dừa có một phần trắng người miền Nam gọi là tù hủ dừa ăn rất ngon. Hoa đôi khi dùng để trang trí rất trang nhã.
Trái dừa thật là tuyệt diệu:
– Xơ dừa hoặc trung quả bì dùng để bện dây, lau chùi, làm bàn chải.
– Nội quả bì cứng dùng làm gáo, chén ở miền quê.
– Phôi nhũ đặc ăn được và có thể ép, nấu lấy dầu, bã còn lại được dùng làm xà phòng loại xấu.
– Phôi nhũ nước uống rất ngon ngọt.
– Mầm dừa không những ăn rất ngon mà lại chứa rất nhiều dầu.
Tóm
lại, dừa thật là hữu ích, người ta tận dụng dừa đến mức tối đa, nhất là
các tay ẩm thực đại tài, họ có thể chế biến dừa cùng những vật liệu
khác để làm nhiều món ăn tuyệt tác: xôi dừa, kem dừa, kẹo dừa, mứt dừa,
chè nước dừa, chocolat dừa, sóc dừa v.v...
Hơn
thế nữa, các bạn thử tưởng tượng, giữa những buổi trưa hè oi ả sau 3, 4
giờ học hành toát mồ hôi, lòng tươi rói khi dừng chân bên quán nâng ly
nước dừa lạnh ngắt lên môi, cánh mũi phập phồng, vị mát lạnh ngọt thanh
xóa nhà bao nỗi mệt nhọc khiến chúng ta mỗi khi nghĩ đến, thì dù ở trong
mùa đông lạnh lẽo nằm trong chăn ấm, cũng thấy thèm thèm và tung chăn
nhỏm dậy hét to lên "Dừa muôn năm.!."
Kim-Thùy (Huế)
(Trích từ bán nguyệt san Tuổi Hoa số 81, ra ngày 15-11-1967)
Nguồn : https://tuoihoandmore.blogspot.com
Nguồn : https://tuoihoandmore.blogspot.com