Đã đọc được những hàng này, là các em đã từng thốt ra biết bao nhiêu lần hai tiếng Thầy! Cô!
Các
em ơi! Ở trường, các em đã học biết bao nhiêu bài đức dục về tình thầy
trò. Ở nhà, các em đã nghe ba má giảng dạy biết bao nhiêu lần về sự lễ
phép, vâng lời và biết ơn đối với thầy cô. Cho nên, chị sợ các em sẽ
chán phè khi đọc thêm những hàng sau đây.
Vậy
thì, đôi khi các em của chị cũng phải chiều chị một tí chứ nhỉ. Chịu
không nào! Nếu chịu thì chị đề nghị nhé. Rằng ráng dành cho chị 5 phút
thôi (một ngày có tới 1440 phút lận) chị chỉ xin năm phút, các em ráng
liếc mắt vào những hàng sau này, chị nghĩ rằng, với tâm hồn trong sáng
và tấm lòng hướng thượng của các em, các em sẽ thấy năm phút đó em đã
dùng rất đích đáng trong cuộc đời.
Thầy!
Cô! Đó là những người tận tụy với các em nhất sau cha mẹ. Chị xin các
em đừng em nào nghĩ rằng thầy cô làm nghề đó để sinh nhai. Em ơi! Nghề
thầy dạy không đơn giản như vậy đâu. Em thấy từ đầu tới cuối niên học,
kiến thức của em tiến bộ hẳn. Thầy cô là người, như cha mẹ trông mong
từng nét thay đổi con biết ngồi, biết đi, biết chạy, thầy cô trông mong
từng ngày các em biết làm tính cộng, tính trừ, tính nhân, tính chia.
Thấy học trò hiểu, lòng thầy cô nhẹ nhõm lâng lâng. Thấy học trò không
hiểu, thầy cô lại kiên nhẫn giảng giải mong sao cho các em thâu nhập
được nhiều điều các người dạy bảo.
Em
ơi! Những lúc còn ngồi học trong lớp, chị tin rằng các em không làm
điều gì đàng phàn nàn. Nhưng hôm nay, chị muốn nói đến lúc các em đã
thôi không học thầy, cô đó nữa, các em đã lên lớp trên rồi.
Có
người quan niệm thấy này, là thầy giáo tiểu học sức học chỉ bằng trung
học thôi, vậy khi ta đã học trung học, ta bằng thầy rồi. Không đâu em
ơi! Biển học rộng mênh mông và sâu thăm thẳm, tiểu, trung, đại học cũng
chỉ là một vài lằn mức đại khái, chứ chưa một ai trên đời đã biết hết, đã gọi là học đủ. Vậy
thì không bao giờ em bằng thầy em được, dù em có học tới đâu. Thầy có
đứng lại không tới trường, thầy không học thêm các môn học trong chương
trình nhà nước, nhưng thầy lại vẫn cứ là người từng trải hơn em, ấy là
nói theo lý. Còn nói theo tình thì em ơi! Sao mà ta có thể quên được
người dắt ta bước những bước đầu tiên trong đời.
Vậy
đối với thầy cô giáo cũ, chị xin các bông hồng thân mến, trai như gái,
nếu tin yêu chị, các em nhớ dùm chị câu này, là cho đến ngày các người
chết đi, em phải coi như các người vẫn đang dạy các em, các em đừng bao
giờ tỏ thái độ rằng sở học của các em cao hơn thầy nhiều mà coi thường
các người.
Các
em ơi! Chị là người có nhiều lầm lỗi, các em có thể trách chị nhiều
điều, nhưng chị lấy danh dự mà nói với các em thề này, rằng cho tới nay,
đối với các thầy cô giáo cũ, có người hiện nay là đồng nghiệp của chị,
và quên rằng chị là học trò, nhưng chị vẫn nhắc lại những kỷ niệm cũ mà
kính cẩn kêu các vị là thầy, cô, và tự xưng "con" như dạo còn đi học
(chị lại nói cái tôi, nhưng vì thí dụ cụ thể, xin các em thông cảm).
Chị
rất hân hạnh xưng hô như thế, vì suốt đời, chị không bao giờ nỡ để các
người phải đau lòng rằng công trình của các người chỉ để tạo nên một lũ
vô ơn bạc nghĩa.
Vậy
các em của chị nhớ dùm chị nhé, rằng trong lịch sử và truyện cổ, các em
đã thấy có nêu lên biết bao gương sáng về tình của học trò đối với thầy
cũ, các em nên hãnh diện là con cháu không làm xấu tiền nhân, các em
nên cư xử với thầy cô giáo cũ thế nào cho xứng đáng, và để chứng tỏ rằng
các em đã lãnh hội được một nền giáo dục tốt.
Chị ĐỖ PHƯƠNG KHANH