H.
rơi vào sự buồn nản một cách từ từ, như người đứng trên bãi sa lầy,
càng muốn thoát ra lại càng bị chìm sâu xuống. Chung quanh H. mọi người
vẫn nhộn nhịp. Phi, bạn H. nét mặt tư lự. Tại sao Phi buồn? Tại cảm thấy
lẻ loi. Ừ, tại sao mình lại cảm thấy lẻ loi trong đám đông? H. kéo Phi
lại gốc cây xoài. Hai đứa đứng riêng, nhìn nhau và thấy nỗi buồn nhẹ
dần.
- Phi à, những lúc buồn thật buồn, Phi thích làm gì?
- Chẳng thích làm gì. Chỉ thích ngồi im một mình.
- Ngồi đi.
Hai đứa ngồi xuống mặt một thùng gỗ. Nắng buổi chiều đã nhạt nhưng hơi
nóng vẫn còn hừng hực bốc từ mặt đất lên. H. nghiêng đầu, cho tay chải
tóc:
- Tiệc trà ăn mau chán quá há Phi?
- Ừ, ngọt quá.
Phi đá những ngọn cỏ dưới chân:
- Tự dưng Phi muốn đi về.
- Sao kỳ ghê. Cái gì mà H. tưởng là vui, thế nào cũng ngược lại. Điên
quá. Cũng may có Phi, không thôi H. chẳng biết làm sao cho đỡ chán. Mình
nói chuyện riêng với nhau còn thích hơn là hòa vào đám đông.
H. cúi nhìn đĩa bánh ngọt còn nguyên trên đùi và mong, giá bây giờ là
buổi sáng hay buổi trưa cũng được. Hay ngày hôm qua. Hay đã là ngày mai.
H. thấy nhiều khi vớ vẩn, lộn xộn không chịu nổi.
- Sao hai cô lại tách riêng ra ngồi ở đây?
H. ngẩng lên. Đập vào mắt H. là một đôi kính trắng và một gương mặt hơi
hơi tròn. "Mặt phẹt". Ý tưởng vút nhanh trong đầu và H. vừa muốn cười
vừa thấy thoáng bực mình đâu đây. Có lẽ thấy H. không dễ thương cho lắm,
gã con trai quay sang hỏi chuyện Phi. Không nhìn bạn, nhưng nghe cách
trả lời, H. cũng biết Phi không thích tí nào.
Trước mắt H., mọi người di động như những cái bóng. H. nhìn ngắm thờ ơ, không một ý nghĩ trong đầu.
- Cô H. cũng học Văn Khoa?
H. giật mình:
- Không, tôi học Luật.
- Văn Khoa và Luật Khoa là phân khoa nổi tiếng vì nhiều nữ sinh viên duyên dáng.
Gã con trai chấm dứt câu nói bằng một nụ cười hài lòng. Chắc hắn tưởng
câu tán tụng của mình "được" lắm và hai cô nhỏ chắc sẽ có cảm tình với
hắn nhiều hơn. Phi lén thò tay sang cấu khẽ vào tay H. và hai đứa nhìn
nhau. H. thấy đường chì trên mi mắt Phi. H, tự dưng ngạc nhiên. Nó vẽ
khéo ghê. H. cười với Phi bằng mắt nhưng sao nỗi buồn phiền, chán nản
vẫn mơ hồ đâu đây.
- Không, chắc anh nghĩ nhầm. Phân khoa nào mà chẳng có người đẹp người xấu. Luật hay Văn Khoa thì cũng vậy thôi.
- Cô H. không tin tôi sao?
- Vâng.
Phi bật cười thành tiếng. Sao H. thèm được vui vẻ như thế quá. Âu sầu
làm gì? Giận dữ làm gì? Tại sao mình ngu vậy, không tìm ra. Trời ơi! Tên
này đi đâu thì đi, nói vớ vẩn một hồi, bực quá.
Tên con trai hơi cụt hứng, đứng xoay ly nước trong lòng bàn tay. H. quay
mặt nhìn đi chỗ khác, thèm được ngủ một giấc không mộng mị để khi thức
dậy quên được những u uất trong lòng.
- Cô Phi ra trường xong định gì?
- Có lẽ tôi sẽ xuất ngoại.
- Chẳng lẽ cô lại chê con trai Việt Nam đến thế sao?
H. cau mày, sao ghét tên này thế. Nói những câu nghe thật vô duyên mà
sao gương mặt cứ hợm hĩnh, tự mãn đến thế. Phi quê quá ngồi im. Tự dưng
H. "ngứa mồm" kinh khủng. Buồn phiền hở. Dẹp nó qua một bên. Phải bênh
Phi đã chứ.
- Sao anh lại nói vậy? Con trai Việt Nam bao giờ cũng nhất, anh không thấy thế sao?
Và H. cười mũi, nghĩ thầm. Phiền một điều là anh nên đi chỗ khác chơi cho tiện việc. Phi lên tinh thần:
- Xuất ngoại để học hỏi mà thôi. Vả lại, xuất ngoại cũng để thấy rõ ràng hơn là con trai Việt Nam bao giờ cũng nhất đấy chứ.
Tên con trai ấp bàn tay vào ngực, nghiêng người trong một dáng điệu rất tuồng:
- Cảm động quá.
H. nghĩ đến những gương mặt quen thuộc, không bao giờ "tụi nó" có một
sự kiểu cách, hời hợt bên ngoài như thế. H. không thích sự kiểu cách. Mà
hình như trong không khí này, mọi người bắt buộc phải có những cử chỉ
như thế. Làm như cởi mở, thân thiện đó, nhưng họ có thật lòng không? Mà
sao H. cũng kỳ, những gương mặt này, đã chắc gì trong đời gặp đến hai
lần mà H. đòi hỏi họ phải đối xử thật lòng với H. –
H. nhớ ghê đến một người. Nếu bây giờ có người đó ở đây, H. đâu có phải
bực mình vì những ý nghĩ vớ vẩn của mình. H. có thể nói cho "nó" nghe
những vớ vẩn đó, để rồi H. thấy một nụ cười và một đôi mắt đăm đắm nhìn
mình. Để rồi lòng H. sẽ nhẹ nhàng thanh thản. H. thấy vui vui trong
lòng.
Tên con trai đang nói về gã. Gã khoe ngày xưa gã học hai phân khoa. Vừa
Luật, vừa Văn Khoa. "Nhưng sau đó tôi cãi nhau với giáo sư X. Tôi không
thể chấp nhận một giáo sư dạy Việt Văn lại giảng bằng Pháp ngữ. Tôi phản
đối ông ta ngay trong giờ giảng. Ông ta xin lỗi tôi vì sự lầm lẫn của
ông ta, nhưng tôi vẫn bỏ ra về, và sau đó giã từ Văn Khoa".
Lại cải lương, H. cười thầm, nghiêng người tựa cằm vào vai Phi. Tên
thanh niên vẫn tiếp tục quảng cáo... không công cho mình rất hăng. H.
nói thầm vào tai Phi. Tên này tổ sư xạo. Hắn mà được một phần mười như
vậy thì H. cùi cùi. Phi hỏi:
- Sau đó anh chỉ học Luật?
Tên con trai ngưng ba hoa giây lát rồi gật đầu:
- Học Luật thì dễ lắm.
H. lại thấy bực mình. Nói gì thì nói ba hoa, đừng có nói đến trường Luật
bằng cái giọng coi thường đó. Đừng có dè bỉu trường Luật của H. "Ông
trời mà ghét trường Luật H. cũng hổng ưa nổi". Một lần H. đã nói vậy
giữa đám bạn. Tụi nó cười ồ, cả H. cũng cười theo. Đùa thôi, nhưng dù
sao cũng có một phần sự thật trong đó chứ bộ. Huống gì tên này, chưa
động đến trường Luật đã bị H. ghét rồi. H. mỉm cười như ngoan hiền nhất
nhà:
- Vâng, học Luật thì dễ lắm ạ. Ai cũng nói thế.
- Tôi thấy học Luật chỉ cần học hết cours là cầm chắc cái bằng trong tay.
- Vâng, tôi cũng thấy thế. Chỉ khó một điều là làm sao học hết cours mà thôi.
Giọng H. có vẻ châm biếm. Không hiểu tên con trai có nhận thấy không
nhưng nhìn vào mắt hắn, H. nghĩ là hắn không tin là H. đang châm biếm
hắn. Hắn vẫn giữ cái giọng kẻ cả và dè bỉu:
- Chỉ cần 2 tháng sau cùng là học hết chứ gì. Nhất là lại thông mình như H.
Ê! Chữ "cô" bỏ mất hồi nào vậy, me xừ? H. lắc đầu:
- Tôi mà thông minh. Ngu nhất xứ đấy chứ. Bởi vì chồng cours Luật tôi
học ra rả từ đầu năm cho đến cuối năm khi thi còn muốn rụng tim luôn.
May quá thánh nhân đãi kẻ khù khờ...
Tên con trai cười, mặt hơi quê quê:
- Chắc H. nói giỡn.
H. mở to mắt, ngây thơ nhất đời:
- Giỡn gì, thật đấy chứ. Cũng tại tôi ngu quá thành trời cho đỗ cho
xong. Chắc ổng bảo. Con này ngu quá. Đã ngu lại lười nữa, cho nó thi dăm
ba năm chắc tao bực mình, chịu không nổi. Thôi, ghi tên nó vào bảng
pơ-luya đi cho xong.
Phi hích lên cười. Tên kia cũng cười theo nhưng mặt kém tươi. Không khí
chợt có vẻ nặng nề, gượng gạo. H. cười với một người quen ở đằng xa. Kệ,
để xem "đứa nào" nói trước.
- Tôi quên tự giới thiệu. Tôi là Vân.
Thấy H. và Phi nhìn, ánh mắt có vẻ chế riễu, tên con trai vội giải thích:
- Vân không phải là tên con gái đâu. Vân này có nghĩa là mây. Tôi là con trai nên phải bay bướm, lượn lờ như mây trời...
Phi nghiêng đầu:
- Chà!
Miếng bánh ngọt nghẹn trong cổ H. Ôi "vời ơi", sao mà tuồng thế. H. nhìn
cái mặt tròn xoe xoe bánh đúc của tên Vân, nghĩ tới tiếng "chà" châm
chọc của Phi mà cơn cười sôi sùng sục trong bụng. Phi tủm tỉm:
- Trông anh như mây trời thật.
Rồi nói khẽ vào tai H. "một cục mây trời". Hai đứa bấm nhau, làm mặt tỉnh tỉnh. Phi hỏi cho có chuyện:
- Anh ra trường chắc lâu rồi?
Nét mặt tên con trai hơi ngường ngượng:
- Không, tôi học mấy năm rồi bỏ.
Bỏ hay là thi rớt? H. tự hỏi.
- Sao anh không tiếp. Bỏ ngang phí quá.
Tên con trai hơi bối rối, sẵng giọng:
- Học để làm gì?
Câu hỏi có vẻ xách mé, gây gổ và H. thấy Phi ngỡ ngàng trước sự khiêu khích đó.
- Học để làm gì? Bằng cấp làm được cái gì?
H. nghĩ. Đã chê Luật dở thì việc gì phải cay cú. Phi có vẻ hơi hoảng.
Chắc nó nghĩ, qua sự đề cao, , tán dương cái tôi của tên Vân, câu hỏi
của nó có gì là quá đáng đâu.
- Dĩ nhiên không nên coi trọng bằng cấp quá, nhưng tôi nghĩ, phần nào, bằng cấp cho mình biết khả năng của mình.
- Tôi không cần đo khả năng bằng bằng cấp. Tôi biết khả năng của tôi.
Phi bực thực sự:
- Dù sao, bằng cấp cũng khiến mình tự tin hơn.
- Tôi không cần có bằng cũng tự tin được. Bằng mà làm gì?
Mặt hắn vênh vênh. Cứ khoe cái tôi loạn cả lên, cuối cùng lại là thùng
rỗng. H. bực mình. Đừng lòe thiên hạ thì đâu có lòi đuôi. Không bao giờ
H. nghĩ mình lên được đến đại học là có thể làm bộ, ra cái điều ta đây
le lói, nhưng sao H. ghét cái tên này thế. Lúc đầu ba hoa, khoác lác
được thì lên lắm, đến khi sắp bị... dẹp tiệm thì cay cú, khinh khỉnh.
- Phi ngu quá. Tại mình kém tự tin mới cần có bằng để có tự tin. Anh Vân này, tự tin là cứ tự tin, bất cần bằng biếc...
Tên con trai mặt tươi hẳn lên, hai tay xoa vào nhau:
- Vâng, H. nói đúng.
- Biết đâu vì có bằng mà anh lại sinh mặc cảm. Phải không ạ.
Bàn tay xoa vào nhau đột ngột dừng lại nửa chừng, tên con trai nhìn H. lom lom, nói giọng bực tức:
- Chắc H. có triển vọng thành luật sư.
H. vẫn giữ vẻ ngoan hiền, mỉm cười thật tươi:
- Anh cằn cứ vào đâu mà nói thế?
- Vào tài ứng biến của H.
H. vẫn tinh bơ như không:
- Tôi hy vọng trở thành luật sư để anh được tiếng là thầy bói giỏi.
H. và Phi cùng đứng lên. Thôi, chấm dứt cuộc nói chuyện nhàm chán, gượng
ép, giả dối. Kê nhau như thế đủ rồi. Buổi chiều như vậy coi như hoàn
toàn hỏng. H. không thấy bực, nhưng thấy ghét mình. Việc gì mà phải châm
biếm? Không thích thì đừng nói chuyện nữa có được không! Đứng lên và đi
ra chỗ khác có được không? Cuối cùng H. vẫn thấy mình thiếu cái dịu
dàng, đằm thắm cho dù H. vẫn tự hào, ghét ai cứ bảo là ghét, yêu ai cứ
bảo là yêu, nhưng thành thật đó chưa đủ, H. phải tế nhị nữa chứ. Và H.
thấy làm người lớn sao mà gian nan, vất vả quá vậy. Coi bộ H. làm người
lớn không được. Muốn đấm nhỏ Phi mấy cái.
NGUYỄN NGUYỄN
(21-11-71)
(Trích từ bán nguyệt san Ngàn Thông số 22, ra ngày 20-3-1972)
Không có nhận xét nào:
Không cho phép có nhận xét mới.