Thứ Ba, 20 tháng 4, 2021

GƯƠNG KIÊN NHẪN - Đặng Hoàng

 

Chỉ hư hỏng một trong những giác quan thôi, con người cũng đủ cảm thấy điêu đứng, khổ sở, buồn tủi biết chừng nào đằng này bà Helen Keller chẳng những mù còn điếc, rồi câm, sau thời gian bị bệnh từ hồi thơ ấu, đã dồn tất cả nghị lực vào việc học hành để đậu bằng Tiến sĩ Luật, và trở thành văn, thi sĩ, diễn thuyết gia. Đã vậy, bà còn thông thạo thêm bốn ngoại ngữ: Pháp, Đức, La Tinh và Hy Lạp, ngoài tiếng Anh là tiếng mẹ đẻ. Điểm làm người ta thán phục hơn nữa là bà biết đi xe đạp, cưỡi ngựa giỏi, bơi lội khá, chèo thuyền cũng rành và đánh cờ không thua kém ai.

Cuộc đời của bà là cả một gương sáng để mọi người suy nghĩ và nhất là thiếu nhi chúng ta noi theo.

*

Trong bữa cơm, ông bà Arthur Keller vui vẻ chuyện trò đến nỗi quên khuấy mất bé Helen, năm tuổi, ngồi bên cạnh đang lùi lũi tụt xuống khỏi ghế vì tức giận. Thức ăn trong bát của bé trở nên lạnh ngắt, nhạt nhẽo, vô vị quá khiến bé chán nản đến nỗi thò tay vào bốc món khoai nghiền rồi bôi choẹt lên đầu, lên tóc, đoạn mỉm cười bâng quơ ; Helen muốn nhắc nhở cha mẹ hãy nhớ tới sự hiện diện của nó đấy.

Cứ mỗi lần không vừa ý, Hellen lại tỏ ra hư đốn, quấy nhiễu như vậy, nhưng bà Keller chẳng những không đánh, mắng mà trái lại còn thương yêu bé hơn, vì Helen vốn là đứa trẻ tàn tật.

Khi mới lọt lòng mẹ năm 1880 trong một trang trại ở Tuscumbia thuộc tiểu bang Alabama, miền Nam Hoa Kỳ, bed1 Helen Keller bình thường, khỏe mạnh, gương mặt bầu bĩnh dễ thương, đôi mắt tinh anh tuyệt đẹp. Nào có ai ngờ, mười chín tháng sau đó, Helen bị bệnh, rồi mù và điếc khi đã bình phục (1). Thế là từ đấy, cô bé đáng mến sống trong cảnh mịt mù, tăm tối, tương lai thật bấp bênh. Nó lầm lỳ, ít cười và cũng chẳng chịu nô đùa như mọi đứa trẻ cùng lứa. Suốt ngày, bé lủi thủi một mình, lê la, mò mẫm bên cạnh bàn, ghế, giường, tủ hoặc ngồi ỳ trong góc nhà. Vì hết còn dịp quan sát, nhất là nghe thấy mọi âm thanh cùng tiếng nói con người, dần dần Helen trở thành câm luôn. Muốn điều gì thì bé ra dấu mà nếu không vừa ý, nó hú lên như súc vật, vùng vằng chân tay để phản đối.

Thấm thoát, Helen đã lên bốn, lên năm. Cô bé thường lang thang qua cánh đồng, ven rừng quanh trại, nhờ xúc giác và khứu giác để nhận biết thế giới bên ngoài bằng cách lại gần bụi rậm, hàng rào, lùm cây sờ mó cành lá, nâng niu cánh hoa. Bé say mê hương đồng cỏ nội qua những cơn gió mùa hè đưa tới, hoặc thò tay vào gầu nước mát rượi múc từ dưới giếng lên.

Thật tội nghiệp! Cô bé kháu khỉnh hồi nào bây giờ mặc quần áo rách rưới, bẩn thỉu, mặt mũi lem luốc, đầu tóc rối bù. Mọi người trong gia đình không đủ kiên nhẫn để dặn bảo bé đừng làm rách áo quần và bôi bẩn cả người như vậy ; chưa một ai nỡ phạt bé mỗi khi nó quấy nhiễu, la hét ầm ĩ.

Ông bà Keller, lúc đầu vui mừng bao nhiêu thì giờ đây đau khổ bấy nhiêu. Họ đặc biệt thương xót đứa con hẩm hiu xấu số vì nghĩ rằng, sở dĩ Helen hư đốn chỉ vì tật nguyền, chứ nếu không, chưa chắc bé lại tệ đến mức độ đó. Bởi thế, cả hai đều hết sức yêu quí, chiều chuộng và giúp đỡ bé mọi trường hợp để nó khỏi tủi thân.

Được biết tại Boston có trường dành riêng cho trẻ em mù, bà Keller viết thư tới ,trình bày hoàn cảnh con mình để xin giúp đỡ. Nhà trường bèn đề cử cô Anna Sullivan, một trong những vị giáo sư danh tiếng, tới Tuscumbia năm 1887 để dậy Helen.

Lúc đầu, cô Sullivan hơi thất vọng, vì cứ tưởng Helen chỉ mù chứ có biết đâu, cô học trò tương lai còn điếc lại câm nữa. Dù sao thì cô cũng cố gắng làm tròn nhiệm vụ để khỏi phụ lòng tin tưởng nơi gia đình Keller trông cậy vào mình.

Muốn Helen vừa chơi vừa ham học, cô Sullivan tặng cho bé một con búp bê mang từ Boston tới, sau đó cô vạch trên lòng bàn tay nó chữ D-O-L-L (búp bê). Dĩ nhiên lúc đầu Helen chưa hiểu gì cả, nó cứ ngỡ là cô giáo dạy những trò chơi mới, lạ nên say mê. Nhân dịp này, cô Sullivan hướng dẫn bé học theo phương pháp ra dấu hiệu của linh mục Charles Michel Abbé de L'epée (2) mà cô cho rằng chỉ có thể dùng xúc giác mới hy vọng thành công. Nhưng Helen muốn tự do vạch những gì nó ưa thích, chứ nhất định không chịu rập theo một khuôn mẫu nào cả. Do đó, bị bắt buộc quá, Helen đâm ra cáu kỉnh, chán nản và tỏ thái độ xua đuổi cô giáo. Có lần hai thầy trò dằng co nhau đến nỗi cô Sullivan rách cả áo. Nhưng nhờ tận tâm với nghề nghiệp, cô giáo tìm hết cách để lôi cuốn, bé mới vui vẻ trở lại.


Thế rồi Helen đổi tính, bé biết vâng lời, ngoan ngoãn và chịu học. Một hôm, khi ra bờ giếng chơi, cô Sullivan múc nước lạnh vào một cái cốc (ly), rồi đưa lên tận môi Helen, đoạn cô viết W-A-T-E-R (nước) vào lòng bàn tay bé. Thấy lạ, bé bắt chước vạch theo những chữ tương tự vào tay cô giáo, nhưng chưa hiểu ý nghĩa chữ này là gì. Cô Sullivan bèn đổ ít nước lên khuỷu và cánh tay bé để nó nhận định. Nhờ vậy, Helen biết được rằng mình vừa viết chữ nước. Thú vị quá, bé sờ tay xuống đất, xong chìa bàn tay ra dấu hỏi cô giáo chữ đất viết ra sao. Cô Sullivan vạch chữ G-R-O-U-N-D (đất), Helen làm theo, rồi nó nắm lấy cái bơm nước tỏ ý hỏi nữa. Cô Sullivan ghi chữ P-U-M-P (cái bơm), bé lập lại y hệt. Cuối cùng, Helen sờ vào mặt cô giáo để bắt cô cắt nghĩa cô là ai. Cô Sullivan ghi các chữ T-E-A-C-H-E-R (giáo sư). Helen bá lấy cổ cô giáo, vít xuống rồi hôn lên má tỏ vẻ súng sướng, vì từ nay bé hiểu cô Sullivan đến đây để dạy học, chứ không phải hướng dẫn trò chơi. Hai người nắm tay nhau vui mừng khôn xiết trước một chuyển biến mới: Helen đã biết cách học và hiểu rất nhanh. Thế là họ vội vã trở về báo cho mọi người biết tin bao tháng ngày thử thách gian lao vất vả. Cô Sullivan lại hướng dẫn Helen học mẫu tự và đánh vần theo kiểu chữ của Louis Braille (3). Helen càng chăm chỉ học hành, càng khao khát tìm hiểu mọi thứ. Lúc này Helen khôn lớn nên tự kiềm chế những cơn tức giận để trở nên hiền hòa, đáng mến hơn.

Vốn có tinh thần cầu tiến, thông minh, cần mẫn và nhất là được cô Sullivan tận tâm chỉ bảo, Helen vượt các kỳ thi dễ dàng: đậu ưu hạng ở bậc Trung học.

Điểm cố gắng phi thường hơn hết là Helen còn chịu khó học nói bằng cách sờ tay lên miệng và cổ họng người đối thoại để nhận biết cách phát âm. Chỉ trong một thời gian ngắn, Helen bập bẹ nói được vài tiếng. Phấn khởi, Helen tiếp tục không ngừng nên ngày một thêm tấn tới. Thế là, ngoài tiếng Anh là tiếng mẹ đẻ, cô còn học thêm bốn ngoại ngữ khác là Pháp, Đức, La Tinh và Hy Lạp một cách thành thạo, ngoài những lúc giải trí bằng cách tập cưỡi ngựa, đi xe đạp, chèo thuyền, bơi lội và đánh cờ.

Năm 1904, lúc đã hai mươi tư tuổi, Helen đỗ tiến sĩ Luật Khoa.

Những thành quả Helen gặt hái được khiến nhiều người ngạc nhiên khâm phục. Họ không ngờ một người đàn bà yếu đuối, tàn tật như Helen lại có thể khuất phục nổi mọi trở ngại để đạt cho bằng được bao ước vọng, trong khi những người bình thường khác chưa chắc gì thành công.

Sau khi đậu đại học, Helen bắt đầu viết văn, làm thơ. Bà đi nhiều nơi diễn thuyết và là người đầu tiên khởi xướng việc thành lập các trường học cho người mù, câm và điếc. Bà tin rằng nếu được hướng dẫn và khuyến khích một cách nhiệt thành, họ sẽ trở nên người hữu ích.

Trong cuốn "Đời Tôi" (The Story of my life) và cuốn "Thế giới tôi đang sống" (The World I live in) bà thuật lại những cố gắng và lòng tin của mình vào Thượng đế, nhờ đó, bà có thêm nghị lực để chiến thắng cảnh đen tối. Đặc biệt, bà rất nhớ ơn cô Sullivan nên đã viết một cuốn nói về giáo sư Anna Sullivan, bậc thầy khả kính, trong đó bà tả cuộc đời cùng bao hy sinh, tận tụy của cô giáo dành cho cô học trò độc nhất là Helen.

Hiện nay (1966), bà vẫn còn sống và tiếp tục tận hiến quãng đời còn lại để phục vụ những người mù, câm và điếc với hy vọng sẽ có những Helen tương lai.


ĐẶNG HOÀNG (sưu tầm)   
_____________________ 

(1) Mối liên hệ lạ lùng là ông tổ giòng họ Keller, người Thụy Sĩ, là vị giáo sư đầu tiên trên thế giới dậy người điếc và câm tại Zurich, thế mà giờ đây, con cháu ông lại tàn tật.

(2) Linh mục Charles Michel Abbé de L'Epée sinh tại Versaille năm 1712 và mất ở Ba Lê năm 1789, là người phát minh ra bảng mẫu tự dành cho người câm và điếc dùng bằng cách sử dụng bàn tay và những ngón tay theo phương pháp riêng để nói những điều mong muốn.

(3) Louis Braille sinh tại CouPvray năm 1809 và mất ở Ba Lê năm 1852, vốn bị mù từ khi mới ba tuổi, ông đã phát minh ra kiểu chữ dành cho người mù sử dụng bàng cách đục thủng những lỗ to, nhỏ trên giấy hoặc bìa cứng để họ sờ tay vào mà nhận biết mặt chữ. Nhờ vậy, người ta chế ra một loại máy chữ nổi để người mù dùng.
 

(Trích tuần báo Thiếu Nhi số 32, ra ngày 2-4-1972)




Không có nhận xét nào: