- Cưng về ở với anh, anh nuôi cưng nhé!
Tôi nửa buồn, nửa vui. Buồn vì mất mẹ, vui vì gặp được người thương mình, tôi kêu khẽ: "chíp chíp" để tỏ lòng biết ơn.
Cậu bé đi đâu cũng dắt tôi theo, tuy không dạy tôi cách bắt mồi như mẹ
nhưng thỉnh thoảng cậu lại mua bánh, nhai rồi đút cho tôi, có lẽ cậu sợ
tôi ăn chưa được nên mới làm thế. Tôi chơi với cậu được một lúc thì có
một bà già mặt mày dữ dằn đến hỏi:
- Tâm, mày bắt vịt tao hở?
- Thưa, cháu xí được ngoài kia.
- Đưa con vịt đây tao coi!
Nói xong, bà tóm lấy tôi, tôi run sợ van vái sao cho bà đừng bắt tôi về, vì bà hung dữ quá. Thình lình, bà thảy tôi xuống đất:
- Thôi, trả mày đó, vịt tao to hơn.
Tôi mừng rỡ chạy đến bên cậu Tâm rỉa vào chân cậu, mến thương. Cậu lại
vuốt ve tôi, chao ơi! Sao mà thích thế nhỉ? Tôi lim dim dưới sự vuốt ve
của cậu thì có tiếng ai nói:
- Kìa Tâm, con vịt ở đâu đẹp quá vậy?
- Em xí được ngoài kia kìa.
Đó là một cô gái – có lẽ đi chợ về vì tôi thấy tay cô xách giỏ đầy thức ăn – cô liền ngồi xuống ngắm nghía tôi:
- Thấy thương quá Tâm hả?
- À chị, nãy giờ em tìm đặt cho nó cái tên mà không ra, chị tìm giúp em xem.
- Hay... gọi là Ca Na (canard) đi.
- "Tuyệt cú mèo"! Ca Na! Ca Na!
Cậu bé vừa gọi vừa bước đi, tôi liền chạy theo, cô và cậu vỗ tay cười
vang làm tôi ngơ ngác đứng sựng lại. Và từ đó tôi mang cái tên mỹ miều
mà hầu hết những con vịt khác không được cái hân hạnh đó:: Ca Na! Tôi
thầm gọi để nghe lòng kiêu hãnh hơn lên.
Trưa đến, cậu chủ lại mang tôi ra sau vườn "dạo mát". Cậu ngồi dựa gốc
cây đọc sách, tôi đi lần lần lại mé ao, tôi nhớ hôm nọ mẹ tôi cũng có
dẫn hai anh em tôi lại một chỗ giống như thế này, cũng có nước và bèo,
anh em tôi đều bơi lội vui vầy dưới nước, chỉ riêng tôi vì sợ chết nên
không dám xuống. Bây giờ nóng nực quá, muốn xuống tắm nhưng lại sợ bị
chìm thì nguy mất. Tôi đánh bạo đặt chân xuống: chao ơi! Sao mà ghê quá,
tôi liền rút chân trở lên. Tôi lại nghĩ: anh em mình lội được thì mình
cũng được chứ gì! Nghĩ thế, tôi liều lĩnh nhắm mắt và nhào xuống: "Ái!
Má ơi!..." Ủa! Sao không chìm? Tôi thích chí bơi lội dưới nước, tắm rỉa
sạch sẽ, lại được ăn bèo no nê. Ô kìa! Một con nhái đang ngồi trên tàu
lá súng, tôi bèn lội đến và lên giọng:
- A! Chào anh nhái, anh làm gì đó, hãy đi chỗ khác cho tôi lên tôi rỉa lông coi nào!
Không hiểu anh nhái vì sợ hay vì ghét tôi mà anh lẳng lặng đi chỗ khác
nhường tàu lá cho tôi. Đang đứng rỉa lông, từ dưới nước, một con cá nhô
lên hỏi tôi:
- Nầy anh kia, anh có muốn chơi với tôi không, tôi với anh sẽ lội đua.
Tôi khinh khỉnh:
- Mày là con cá mà đòi đua với tao à? Mày có khùng không? Thôi, tao
không có thì giờ để chơi với mày đâu, hãy đi chỗ khác mà chơi.
Vừa dứt câu, tôi nghe trên đầu tôi "quạ, quạ!..." Tôi lạ lùng nhìn nhìn con vật đen thui đang lượn trên đầu, bĩu môi:
- Ồ, con gì mà xấu xí thế kia?
Ơ! Nó sà xuống định gắp tôi đi, tôi hoảng sợ nhảy xuống nước vừa lội
thật nhanh vừa la "chim chíp" để kêu cứu. Trên đầu tôi vẫn có tiếng
"quạ! quạ"... ghê rợn, đồng thời bên bờ ao cũng kêu:
- Quạ! Quạ!...
Tôi nhìn sang, thì ra cậu chủ tôi, cậu đang vác đá ném con vật đen thủi
đen thui. Nó đập cánh bay mất. Tôi lội lại cậu chủ "chíp chíp" lời cảm
ơn. Cậu nâng tôi lên và nói:
- Anh mải mê đọc sách mà quên mất Ca na của anh.
Tôi sung sướng xen lẫn hối hận, nằm trong bàn tay cậu và rỉa nhẹ vào đó như nói lên lời xin lỗi.
Tôi lớn lên nhờ sự săn sóc chu đáo của cô cậu chủ tôi. Hồi nhỏ tôi vẫn
thường ngủ trong chiếc giỏ có lót rơm êm ấm và tôi không quên câu nói
của cậu chủ tôi mỗi lần treo "phòng ngủ" tôi ở giữa nhà: "thế nầy thì
chuột khó mà cắn Ca na anh được". Cậu chủ vì mến thương tôi nên không nỡ
làm thịt tôi, tôi muốn nói với cậu nhưng cậu nào có hiểu được.
Một hôm trời trở gió, tôi mắc bịnh. Cô cậu chủ tôi cuống quít nài nỉ tôi
uống thuốc. Tôi gắng uống cho hai người vui lòng. Nhưng cơn bịnh vô
tình không hiểu được tình cảm giữa họ và tôi, nên đã dằn vặt tôi gần
chết.
Trong hơi thở yếu ớt, tôi nghe cả giọng ngậm ngùi của cậu Tâm – chủ tôi:
"Ca na sắp chết rồi chị ạ...".
HUỲNH THỊ PHƯƠNG THẢO
(Trích từ bán nguyệt san Tuổi Hoa số 149, ra ngày 15-3-1971)
Không có nhận xét nào:
Không cho phép có nhận xét mới.