Đối
với người Việt Nam, nhất là đồng bào miền Bắc, cà cuống rất quen thuộc
vì chúng chuyên "cung cấp" cho họ một loại xạ tuyến thật quí được dành
làm gia vị. Thiếu chất liệu này thì dù các tay đầu bếp đã trổ hết tài ba
khéo léo để thực hiện những món ngon lành chăng nữa, giá trị thức ăn
vẫn bị giảm đi nhiều lắm. Quả vậy, nếu bún thang – đôi khi cả phở nữa (1) –
thật đậm đà: mắm tôm, chanh, ớt đi với miếng chả cá ngọt bùi ; nước
chấm bánh cuốn Thanh Trì (2) pha đúng độ ; nhân bánh chưng béo ngậy
v.v... mà có thêm mùi vị hoặc vài ba giọt cà cuống pha loãng vào nữa thì
tuyệt quá chừng, và lúc đó, món ăn mới thật sự "dậy mùi" đầy quyến rũ,
mời mọc khiến người ta cảm thấy khoái khẩu hơn khi tận hưởng hương vị
đặc biệt hiếm hoi này. Bởi thế, nhiều thực khách khó tính vẫn từ chối
không chịu dùng những món ăn thiếu cà cuống, dù một số vẫn chưa biết rõ
con vật ấy ra sao.
Thuộc loài thủy sinh nhưng sống cả trên cạn, cà cuống là loại côn trùng
chuyên hút máu con mồi nên người Tây phương gán cho nó cái tên chẳng thú
vị chút nào: Rệp nước (Punaise d'eau) hay bọ cạp nước (Scorpion d'eau)
cũng vậy.
Cà cuống dài quãng bẩy tám phân, thường mang mầu đất bùn hay nâu xám,
thân dẹt và to bè bè hình hạt thóc thế mà chiếc đầu lại bé tí tẹo kèm
theo đôi mắt lớn lồi lên đen lay láy. Sau đầu là ức, sau ức là phần lưng
gồm mười tới mười hai khoang được hai lớp cánh che chở. Lớp cánh ngoài
to, cứng hơn mọc chéo và úp chồng lên nhau bao lấy cặp cánh nhỏ bên
trong, mà phần chót đuôi là một ống thông lên ngực dùng để thở.
Những lúc hoạt động dưới nước, cà cuống vẫn bay từ ao này sang ao khác,
ruộng lúa này sang ruộng lúa khác xa tới cả cây số, đoạn chui rúc vào
các đám lục bình, bèo, rong hay nép sát bờ cỏ rình mồi. Hễ thấy chú cá,
tôm, ếch, cóc, nhái bén, nòng nọc, lươn – ngay cả rắn nước nữa –
v.v... nào bé nhỏ loạng quạng lại gần là nó sửa soạn tấn công. Sau khi
đã lựa thế kỹ càng, cà cuống lừa lúc bất ngờ phóng tới thật nhanh bằng
cách sử dụng sáu chân ngắn đầy lông nhỏ chẳng khác gì mái chèo đưa đẩy
vậy. Đến mục tiêu, cà cuống giơ hai càng trước – to và mạnh như lưỡi kìm – túm lấy con mồi rồi từ từ xiết chặt trong lúc chiếc vòi cứng – cử động theo chiều ngang –
chọc sâu vào da thịt địch thủ để say sưa hút máu. Gặp con mồi lớn, tất
nhiên cà cuống chiến đấu hăng say đầy vất vả mới có miếng ăn, và đôi khi
cứ phải đeo theo mãi, cách chỗ ở hàng dặm đường, nghĩa là nó chị chịu
buông thả khi "nạn nhân" của mình hết nhúc nhích, cựa quậy mới thôi.
Ở ngoài Bắc (V.N), cà cuống hay xuất hiện đông đảo trong những ruộng mùa
trồng hai vụ lúa: một vụ tháng năm và một vụ tháng mười. Lúc này, lúa
lên cao, ruộng ngập nước lênh láng, cà cuống ta bám vào các gốc rọi hay
bờ cỏ nghỉ ngơi và gieo giống. Chúng sống bằng cào cào, châu chấu, giun,
dế, thằn lằn v.v...
Vào những tối mùa mưa, cà cuống – sống tại vùng ngoại ô –
hay đi tìm chỗ có ánh sáng, vì thế, thỉnh thoảng lại thấy chúng bò lổm
ngổm trên mặt đường dưới ánh đèn thành phổ. Do bởi điểm này, người Hoa
Kỳ liệt cà cuống vào loại thiêu thân (electric light bug).
Trái với những côn trùng khác, cà cuống có một lối truyền sinh kỳ lạ
nghĩa là con cái "gắn" chùm trứng lên lưng con đực rồi bỏ đi. Thế là từ
nay, anh chàng nghiễm nhiên trở thành bà mụ kiêm vú em. Nó siêng năng
cần mẫn bằng cách bơi loanh quanh đó đây để lấy dưỡng khí nuôi trứng như
vậy mãi tới ngày trứng nở, và đám con – vào khoảng hai ba chục đứa mỗi kỳ – tự động tuột khỏi lưng bố để bơi theo kiếm ăn. Lúc mới nở, cà cuống con dài cỡ một phân, chưa có cánh nhưng giống cha như đúc.
Cũng như dế và ve sầu, cà cuống cái chỉ giữ nhiệm vụ gieo giống nên nó
được gọi là cà cuống thịt. Riêng con đực mới đáng chú ý vì đắt giá ở chỗ
trên lưng, ngay dưới lớp cánh mỏng có hai xạ tuyến nhỏ chỉ bằng tép
chanh, trong suốt: đó là túi hương đấy. Những lúc cần "làm bầu bạn với
con cái", anh chàng bèn tỏa mùi thơm để trang điểm như kiểu chúng ta bôi
nước hoa vậy. Nhận được dấu hiệu này, cà cuống cái lập tức tìm tới.
Biết thóp điểm ấy, người ta tìm cách bắt. Quá mải mê "chuyện trò thân
mật", anh chàng quên cả nguy hiểm, không đề phòng liền bị tóm cổ bỏ vào
rọ, thế là đời tàn. Phải chăng câu tục ngữ "Cà cuống chết đến đít hãy
còn cay" là để chỉ trường hợp này?
Cà cuống bắt về được đem ra chợ. Ngã giá xong xuôi, người bán thành thạo
vặt hai cánh cà cuống rồi dùng que tăm nhỏ nhẹ nhàng tách túi hương
khỏi mình con vật. Tất nhiên, công việc trên cần phải khéo tay, nếu
không xạ tuyến bị vỡ uổng mất, và lúc đó chỉ còn có cách đem hấp hay
luộc chín anh chàng rồi băm nhỏ thả vào nước mắm dấm ớt bán rẻ cho các
hàng bánh cuốn.
Thông thường, nước cà cuống tại các tiệm ăn đều được pha loãng vì nếu cứ
để nguyên chất mà đem dùng, có thể món ăn sẽ bị đắng và hơi cay cay,
hơn nữa, cà cuống thơm rất hiếm nên quá đắt lại khó mua. Trong số hai
chục con chẳng hạn thì cà cuống thịt chiếm hết sáu bảy phần, nên bắt
được cà cuống thơm không phải là dễ.
Ở những vùng nhiệt đới, đôi khi có những loại cà cuống lớn, dài cỡ ba
tấc. Loại này cũng mầu nâu, sống bằng những con mồi hơn thân xác nó tới
ba bốn lần chẳng hạn như ếch, cóc, nhái, rắn, kỳ nhông, cắc kè, thằn lằn
và ngay cả những loại cá lớn trong các ao, rạch, sông, hồ.
Đối với con người, cũng có lúc cà cuống đốt chúng ta để tìm cách thoát
thân, nhưng không gây nguy hiểm, nạn nhân chỉ thấy khó chịu một chút mà
thôi.
ĐẶNG HOÀNG
___________________
(1) – Theo Thạch Lam trong "Hà Nội băm sáu phố phường".
(2) – Thanh Trì là tên một làng gần Hà Nội nổi tiếng về bánh cuốn hành mỡ, không nhân, rất mỏng, ăn thật ngon.
(Trích tuần báo Thiếu Nhi số 85, ra ngày 15-4-1973)
Không có nhận xét nào:
Không cho phép có nhận xét mới.