Thứ Bảy, 24 tháng 4, 2021

CẦU TRE LẮT LẺO - Vũ Chinh

 

- Minh, mầy làm luận văn chưa?

- Rồi. Còn mầy?

- Chưa, mầy cho tao mượn bài mầy một chút đi.

Thằng Minh khe khẽ lắc đầu, một thoáng buồn trên đôi mắt to đen. Thằng Hưng, không thất vọng, từ dãy ghế sau chồm lên:

- Cho tao mượn một chút thôi. Lẹ lên mầy, ổng sắp vô rồi kìa.

Thằng Minh lặng lẽ cất quyển vở luận văn vào cặp. Thằng Hưng tưởng bạn giỡn cù nhầy liền thọt lét vào nách thằng Minh:

- Thôi mà. Đưa lẹ đây cho tao nhờ.

Gương mặt thằng Minh vẫn bình thản đến dửng dưng. Tiếng nó khô và lạnh:

- Tao không giỡn.

Thằng Hưng tròn xoe mắt trước thái độ này. Một ánh nhìn hờn dỗi vây bọc lấy thằng Minh.

- Đừng tưởng tao cần. Không có mầy bộ tao chết sao? Hừ, thứ học giỏi làm phách.

Thằng Hưng quay đi, nỗi buồn tỏa rộng trên khuôn mặt thằng Minh. Thế có phải là đã chấm dứt rồi không, tình bạn giữa nó và thằng Hưng. Những quyển vở mới, những trang giấy còn thơm mùi gỗ, những ngòi viết lá tre bóng lưỡng, còn không, còn không trong tháng ngày sắp tới. Ngần ấy thứ, đối với nó bây giờ vẫn là những món cần thiết mà nó đã đánh đổi bằng những bài toán làm sẵn, những bài luận viết xong cho thằng Hưng "sao" lại. Hai đứa đã giao kết với nhau như vậy. Hai đứa đều có lợi như nhau. Như vậy đó. Như vậy đó Hưng. Nhưng chợt một đêm nó thấy bứt rứt lạ lùng. Nó nghĩ là mình đã chơi xấu với bạn một cái gì. Hành động đánh đổi đó có phải là giúp đỡ bạn không. Chắc chắn là không rồi. Chỉ có hại cho người được giúp đỡ thôi. Và nó quyết định thật vội như sợ người thứ ba để mắt nhìn tới...

Một tiếng hô nghiêm đẩy bật dậy những đứa học trò còn ngồi lơ đãng tán dóc. Thầy giáo Tâm, với gọng kính trắng như bao giờ, với gương mặt phúc hậu trầm tư mênh mông theo tháng ngày lặng lẽ, đã đứng trên bục gỗ trắng bụi phấn, bên cạnh cái bàn giấy tróc sơn, đối mặt với hơn mấy mươi đôi mắt sáng tinh nghịch, những tiếng thì thầm chảy ngầm trong vùng yên tĩnh tạm thời. Bọn học trò con trai là vậy hết. Những tay chân nó chừng không ngừng cử động, những ánh mắt đó như không thôi liếc ngang.

Biết tính nết học trò, đó là bổn phận của hầu hết những bậc gõ đầu trẻ. Biết rõ chúng, rồi theo một phương pháp hướng dẫn thích nghi. Tuổi thơ không biết ngoan cố. Chúng chỉ bướng vì thích bướng vào một lúc nào đó thôi. Sự mềm dẻo khéo léo của ông thầy vẫn là phương pháp duy nhất uốn nắn ngọt lịm khoanh sắt cứng đầu đó.

Thầy Tâm ngồi yên trên chiếc ghế, bài Việt sử đặt trước mặt. Bọn học trò xì xào nhỏ to gì đó. Thầy Tâm đập một nhát thước kẻ lên bàn. Chúng im lìm. Bài sử mang cái tựa rất hấp dẫn: Lê Lợi và mười năm kháng chiến. Bọn học trò xầm xì bàn tán cũng vì bài sử mà chúng chờ đợi từ lâu.

Một ý nghĩ là lạ thoáng hiện trong trí thầy Tâm. Ờ há, mình phải đặt câu hỏi đó với chúng, xem chúng có còn nhớ tí ti gì hay không. Nụ cười tròn trên đôi môi khô tái. Thầy đứng lên bục gỗ:

- Các em im lặng cho thầy đặt một câu hỏi trước khi giảng bài. Câu hỏi rất dễ, trò nào trả lời đúng được mười điểm.

Bọn học trò la lên một tiếng mừng rỡ:

- Thầy nói lẹ đi thầy.

- Còn hổng trúng thì sao thầy?

Thằng Hưng thúc cùi chỏ thằng Lợi:

- Mầy hỏi lãng nhách hà.

- Cái gì lãng nhách mậy.

- Hổng phải sao? Khi không cái hỏi hổng trúng thì sao thầy, thì ăn trứng ngỗng chớ còn gì nữa.

- Kệ tao!

Tiếng thầy Tâm:

- Thầy đố các em chớ trước khi Lê Lợi lên làm vua, ông đã làm nghề gì?

Lớp học bỗng yên lặng sau tiếng nói chậm đều đó. Những trí nhớ sâu hút được bọn học trò dò dẫm thăm viếng lại. Những vòng  tay bất động ngoan ngoãn trên bàn đầy  vết mực tím xanh. Ánh nhìn thầy Tâm đậu trên từng đứa. Thầy tin chắc bọn học trò mình đứa nào cũng thông minh, cần nhất là phải biết cách tận dụng và khai thác sự thông minh đó đúng lúc. Thầy bật cười nhỏ khi thấy chúng chống tay lên trán ra vẻ suy tư như người lớn. Có đứa lại ôm đầu hay bóp chặt vầng trán. Ngày xưa thầy cũng ham điểm, thích được khen thưởng như chúng. Ngày xưa...

Những ngón tay mọc lên lần lần. Những ngón tay khác cứ chực giơ cao, nhưng e ngại hay phân vân gì đó lại thôi. Thầy chỉ một trò, ngồi ở góc cuối lớp:

- Hãnh! Nói cho thầy nghe đi.

Thằng Hãnh đứng bật dậy:

- Dạ thưa thầy trước khi Lê Lợi lên làm vua, ông đã là... học trò ạ!

Cả lớp bật cười vang. Thầy Tâm cũng không nín được tiếng cười chân thành của một sự hòa mình thân thiết nhất. Đến một trò khác, trò Khang.

- Trước lúc lên làm vua, ông Lê Lợi đã... làm quan.

Cả lớp nảy nhổm lên:

- Trật lất!

- Vậy mà cũng giơ tay!

Thằng Khang đỏ mặt ngồi thụp xuống ngay. Đến hai ba trò nữa cũng trật luôn. Chúng hầu hết đều cho Lê Lợi những chức tước do chúng tưởng tượng. Có đưa cho Lê Lợi làm tướng, có đứa lại quả quyết là quan văn, quan thượng thư... Thầy Tâm nói:

- Thầy cho hai trò nữa trả lời thôi.

Thằng Lớn nhanh nhẩu đứng lên:

- Dạ, trước khi Lê Lợi làm vua, ông đã đi lính dân vệ.

Tiếng cười dồn động một lúc vì câu trả lời đó. Phải nhận là thằng Lớn đã rất thành thật và tin tưởng mình đáp đúng. Nhưng sự thật không phải vậy.

Thầy Tâm gõ lên tiếng cuối cùng cho thằng Minh trả lời. Bao nhiêu ánh mắt đổ dồn về thằng Minh. Bàn ghế sách vở bị bỏ quên tội nghiệp dưới bàn tay tinh nghịch đập phá.

- Bình Định Vương trước khi lên ngôi Vua, ông là một nông dân áo vải...

Tiếng thầy Tâm mừng rỡ:

- Trò Minh đã trả lời rất đúng, vậy trò được 10 điểm.

Bọn học trò ríu rít lên như bầy chim buổi sáng...

*

Thằng Minh lấy làm lạ không hiểu sao gần tám giờ hơn rồi mà thầy Tâm chưa đến lớp. Thầy bận việc gì chăng. Hay cơn bịnh nào đó đã đến với tuổi già mệt mỏi của thầy. Bao ý nghĩ giăng mắc trong trí thằng Minh. Hồi chiều qua, nó đã gặp thầy. Thầy hiền kính và giản dị như nơi trú ngụ quá đơn sơ đó. Mái nhà thầy, những tấm phên ngăn đôi, những cái ghế, cái bàn, những cuốn sách chữ Tàu, những cơn gió lùa đập loạn xạ phía sau bụi chuối khô rã rượi. Thầy, chỉ có ngần đó thôi. Thầy hiền kính như người cha, thầy bao la như con sông dài qua nhiều miền đất lạ.

Muốn đến nhà thầy Tâm, thằng Minh phải qua một cây cầu tre. Lần đầu nó bước đi cẩn thận lắm, sợ té bõm xuống nước. Con lạch nhỏ dịu dàng lặng lẽ ở phía dưới những đóa bèo tỏa rộng, cỏ mướt ngọt với màu sắc dung dị. Khi tan buổi dạy thầy Tâm đạp xe về nơi đây. Đến cầu thầy phải dắt bộ. Nhiều lần nên thầy quen đi, dắt xe qua cầu thật gọn và chắc.

Thằng Minh không nghe thầy nói gì về gia đình, cũng không thấy ai thân thích cả.

Bọn học trò chạy đuổi quanh lớp, những đứa tinh nghịch nhẩy, leo lên bàn nhún nhẩy và cười. Thằng Minh nóng mặt quá, nhó lên đứng bục gỗ, cầm cây thước kẻ vỗ đôm đốp trên bảng. Bọn học trò quay nhìn nó phản đối, rồi tiếp tục chạy giỡn. Thằng Minh không thất vọng, nó hét to:

- Các bạn ngồi ngay tại chỗ. Đừng  giỡn đùa nữa.

Có tiếng la:

- Bộ mầy là thầy hả?

- Ê! Thằng kia, mày là gì mà dám ra lịnh chứ?

Tiếng thằng Minh:

- Tao là trưởng lớp.

Thằng Hưng xua tay:

- Trưởng lớp cũng mặc kệ trưởng lớp.

Bọn học trò chia làm hai phe: một phe ủng hộ thằng Hưng, một phe thì lừng khừng. Tiếng chân, tiếng cười làm ồn động cả lớp. Thằng Minh đỏ mặt vì tức giận:

- Tao nói lần chót, ai không ngồi lại chỗ, tao ghi tên mai đưa cho thầy phạt ngay.

Lần này bọn học trò hơi hoảng. Chúng lần lượt về chỗ ngồi. Chỉ có thằng Hưng thì đứng chống nạnh ở cuối lớp tỏ vẻ phản đối ngang ngạnh.

- Hưng. Về chỗ ngồi đi!

Thằng Hưng sấn tới:

- Tao hổng về rồi làm sao?

Tiếng thằng Minh:

- Mày hổng sợ thầy hả?

- Sợ... thì cũng sợ vậy. Nhưng thầy nghỉ tao có quyền về!

Thằng Minh ngăn lại:

- Sao mầy biết thầy nghỉ?

- Thầy hổng tới tức là nghỉ chứ còn gì nữa!

- Thây kệ mầy muốn làm gì thì làm.

Nó trở lại bục gỗ:

- Dù thầy có nghỉ tụi mình cũng không được ra về. Đó là lời dặn hồi tuần trước của thầy. Bây giờ ai muốn về thì cứ tự tiện.

Bọn học trò nín thinh. Chúng bắt đầu sợ oai thằng Minh. Thằng Minh trở về chỗ ngồi, lấy tập ra học. Thằng Hưng cũng không dám về, ngồi múa may tay chân với lũ bạn phá nghịch nhất.

Đúng giờ, bọn học trò kéo nhau ra khỏi lớp. Thằng Minh đóng cửa lớp rất cẩn thận, đoạn lên xe đạp, phóng vút về hướng nhà thầy. Buổi trưa nắng gắt. Mồ hôi rỉ đọng trên vầng trán thằng Minh. Nó dựng xe ở gốc cây, chạy lại bên cầu. Nước lạnh trong veo lặng lờ như bao giờ. Nó phóng lên cầu, nhà thầy đó, sau giàn mồng tơi xanh tím. Nó bước chầm chậm. Cánh cửa sổ bụi bám. Căn nhà tối om.

- Dạ thưa thầy.

Thầy Tâm nằm đó, trên bộ ván ọp ẹp cạnh bàn viết. Hơi thở mệt nhọc thoát từ đôi môi tái. Những buổi dạy đường xa, bao sức lực thầy dồn không quản ngại vào bầy trẻ thơ ngây. Hình ảnh chúng là hình ảnh thầy những năm xưa xa lắm. Chiếc xe đạp thân quen, con đường đất bụi bám vai, bước chân hôm nào thầy nghe như nặng trĩu. Thầy ráng lê vào nhà, rồi nằm rũ như con chim ướt cánh. Cơn sốt với mồ hôi vã nhầy nhụa khung trán nhăn nheo. Giờ này, bọn học trò thân mến của thầy, chúng đang làm gì. Căn nhà quạnh hiu, những lỗ trống xác xơ nắng nghiêng vào mặt. Thầy nhớ những chiều mưa, những khuôn mặt, những hình bóng thân ái, những nụ cười, những tiếng hát trẻ thơ, những vòng chong chóng cuốn quay trong đầu. Và thầy thiếp đi...

Thầy ngước mắt nhìn đứa học trò đứng trước mặt. Giọng hỏi thầy rơi vào khoảng không thật mệt nhọc:

- Trò Minh đó phải không?

Thằng Minh ôm cặp sát vào ngực:

- Dạ thưa thầy con đây.

Thầy Tâm đưa tay vuốt xoa mái tóc đứa học trò yêu mến:

- Thầy mệt quá, nên sáng nay không đi dạy được. Và có lẽ, ngày mai... cũng vậy.

Thằng Minh nhìn thầy với đôi mắt thương cảm. Thầy Tâm cố gắng ngồi dậy nhưng không được. Thằng Minh kể lại cho thầy nghe câu chuyện của lớp lúc sáng. Thầy ôm chặt lấy nó, cho nó những lời khen chân thành nhất. Thầy bảo:

- Thôi, trưa rồi, về dùng cơm đi Minh, kẻo ba má trò mong. Thầy bịnh, nhưng... không sao đâu!

Thằng Minh xin nán lại đôi chút nhưng thầy Tâm không cho. Nó ôm cặp, chào thầy rồi đi ra. Nó dừng lại vài lần, nghĩ gì đó, rồi bước đi thật vội. Cây cầu tre in bóng dưới con lạch hiền hòa...

*

Buổi mai mờ mờ những sương mù. Trời lạnh rét trong mọi ngõ ngách hang hốc, trong đám lá xì xào, trong tổ chim co rúm với bầy chim biếng hót.

Thằng Minh gò lưng trên chiếc xe đạp cũ. Tự nhiên nó thấy đường đến nhà thầy sao quá dài. Đôi chân siêng năng làm những vòng tròn thật vội. Thỉnh thoảng nó lại cho tay về phía sau, cái bọc đó vẫn còn. Những trái cam ngon ngọt, những trái vú sữa giữa mùa vẫn còn. Nó hăng hái thêm khi nghĩ đến nụ cười khỏe mạnh tươi vui của thầy. Nó sẽ tự tay bóc cam đưa lên miệng khô đắng của thầy những múi cam ngon, mùi vị đó sẽ chảy tan trong cơ thể nóng đem đến sự tươi mát cho dòng máu, cho da thịt và thầy sẽ bớt nhức bớt mệt vì căn bệnh kéo dài. Thầy sẽ đi dạy lại một ngày gần đây.

Thằng Minh dựng xe ở nơi rất xa cây cầu. Nó ôm bọc cam chạy thật mau. Bỗng dưng nó đứng sựng lại. Cây cầu tre đã sụp từ bao giờ. Con lạch đục ngầu như cau có với sự biến đổi bất ngờ. Vậy là sao? Nó phóng mắt qua bên kia con lạch, nhà thầy vẫn còn đó. Nó, không do dự, xắn cao quần, băng qua con lạch. Nước lạnh làm co rúm da thịt ở bắp chân. Bọc cam được thằng Minh cắn chặt lủng lẳng giữa hai hàm răng. Nước lên tới cổ nó, nó cố không cho bọc cam bị ướt. Nó khám phá những vỏ đạn, những bụi cỏ trốc gốc. Nó càng thấy lo. Rõ ràng là đêm qua trận đánh đã diễn ra ở đây. Cảnh tượng xơ xác như lòng nó bây giờ.

Thằng Minh chạy như điên trên khoảng đường lồi lõm. Nhà thầy đây rồi. Nó ghé mắt nhìn. Trời ơi, thầy đâu rồi? Thầy đã ra sao? Thầy còn bệnh kia mà? Nó xô cửa vô nhà. May quá đồ đạc vẫn còn nguyên không sứt mẻ dù những viên đạn đã xuyên thủng vài lỗ trên vách. Thầy đâu. Nó muốn khóc, bọc cam nhăn nhó trong bàn tay nắm chặt. Thầy ơi! Thầy đâu rồi. Thằng Minh rớt nước mắt vì nỗi lo âu tỏa đặc trong hồn.

Một lúc, bỗng có tiếng chân người ở phía sau nhà. Thằng Minh đứng bật dậy. Một người lính trẻ có vẻ hấp tấp:

- Cậu bé này, có phai nhà ông giáo Tâm đây không?

Thằng Minh đưa tya lên ngực:

- Dạ... thưa anh phải.

- Em biết giấy tờ của ông Tâm để đâu không?

- Dạ biết.

Thằng Minh mở ngăn kéo, nhanh nhẹn lấy ra một xấp giấy. Người lính gật đầu:

- Tốt lắm. Thôi tôi đi nghen.

Thằng Minh chạy theo:

- Dạ, anh khoan đi đã. Cho em hỏi... thầy em...

Người lính ngắt lời:

- Ông Tâm là thầy em hả? Ổng được đưa đi lên tỉnh để chữa bịnh rồi.

- Em đi theo được không anh?

- Đi theo làm chi?

- Dạ, để săn sóc cho thầy... Thầy em... có một mình hà...

- Không được đâu.

Người lính phóng lên xe, tiếng động cơ xa dần.

Thằng Minh đứng trơ ra đó, nhìn bọc cam, nhìn căn nhà xơ xác, nhìn con lạch, rồi bỗng òa lên khóc một mình.


Vũ Chinh      

(Trích từ tạp chí Tuổi Hoa số 87, ra ngày 15-3-1968)




Không có nhận xét nào: