Thứ Hai, 31 tháng 1, 2022

GIAO THỪA - Đỗ thị Hồng Liên

  

 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
áo bay ngát một trời xuân
có con chim nhỏ hát mừng rất ngoan

những đường bay trải tơ vàng
qua sông gọi gió theo sang đón chờ

giao thừa rất đỗi ngẩn ngơ
ngồi nghe lá hát trong giờ xuyến xao

mắt môi ước mộng hôm nào
xin chân rất nhẹ lối vào trong mưa

ơi em một thoáng hương xưa
ru sầu lên má xuân chưa kịp hồng

một ngày nhạc trổi mênh mông
tuổi mềm như nắng vàng hong cuối mùa

hỏi con chim nhỏ xa xưa
chở mùa xuân đến hồng chưa môi cười.

                                            ĐỖ THỊ HỒNG LIÊN

(Trích từ bán nguyệt san Tuổi Hoa Xuân Quý Sửu, 1973)


 

Chủ Nhật, 30 tháng 1, 2022

MỘT VẠT NẮNG XUÂN TRÊN HÈ PHỐ - Nhật Tiến

  
 
 Con bé ì ạch đạp. Mấy chồng báo tuy không nặng lắm nhưng cũng đủ làm cho cả người của nó vẹo đi mỗi lần nó mắm môi lấy gân sức. Chỉ còn mấy quãng phố nữa thì tới nơi trả báo ế, lấy báo mới, nhưng mà sao kìa, cái xe cứ mỗi lúc một nặng hơn. Một tay nào đó phóng hon-da chợt xẹt qua người nó như một lằn chớp và ném lại phía sau cho nó một câu gọn ghẽ:

– Xẹp lốp rồi!

Nó thốt ngừng ngay lại và lái cái xe chúi mũi vào vỉa hè. Không còn nghi ngờ gì nữa, cả cái bánh sau của nó bẹp dí không còn lấy một chút hơi. Nó ngơ ngẩn xòe bàn tay nhỏ xíu ra vuốt lên vành bánh, và nó chợt phát giác ra một điều đáng nguyền rủa: Cái xe bị cán đinh! Vào đúng cái lúc nó nhớn nhác nhìn dọc theo hè đường để tìm xem kẻ nào đã làm cái việc thất nhân ác đức đó, thì một thằng nhỏ đứng ở một gốc cây đang nhìn nó và nhoẻn miệng cười:

– Lại đây vá cho. Lấy rẻ!

Con bé gân mặt lên:

– Rẻ mắc gì! Phải anh rải đinh từ mé đằng kia lại, có phải không?

Thằng nhỏ, áng chừng hơn nó vài tuổi, cũng vênh mặt lên:

– Này đừng có mà ăn nói bặm chợn. Tao rải đinh hồi nào. Cái xe của mày cũ mèm thì có.

Con bé nhìn thằng nhỏ một cách kỹ càng hơn. Tóc bờm sờm, da đen đúa, mặt mũi vêu vao, chỉ được có mỗi một vẻ là khi cười, nó phô ra hai hàm răng trắng nhởn. Thấy con bé không nói gì, thằng nhỏ giọng sốt sắng hơn:

– Người ta hai ngàn, tớ lấy một ngàn thôi! Sáng mở hàng lấy hên.

Con bé vùng vằng:

– Tiền đâu mà sẵn thế. Không dưng làm xẹp bánh xe người ta rồi đòi tiền.

– Mày thử đi khắp cái phố Sè Gòn này coi, có ai chịu vá xe một ngàn không. Cái ngữ xẹp kiểu đó bỏ rẻ cũng phải ba lỗ vá.

Con bé không thèm đáp lại nữa. Nó hầm hầm dắt cái xe đi ngang qua mặt thằng nhỏ. Cũng không thèm nhìn nữa. Nó đã có chủ đích rồi. Ráng dắt xe cuốc bộ vài quãng, về tới nhà thì ba của nó cũng có đủ đồ nghề làm chuyện đó. Hơi sức đâu mà thí cho quân ác ôn đến ngàn bạc. Thế là con bé ráng đẩy cái xe đi. Người nó ốm nhách, giò cẳng khẳng khiu, so cái xe với chồng báo tú hụ, nó cứ như một con nhái bén đang hì hục xoay vần. Được một quãng xa, nó đã thấy mệt bở hơi tai. Mồ hôi rịn ra ở những chân tóc, nhễu xuống trán và nhỏ xuống hai bờ mi. Con bé phải dừng lại để vén vạt áo lên chùi. Bỗng có tiếng la bải hải phía đằng sau, cùng một lúc có tiếng xe hon-da trờ tới. Nó nhận ra ngay bác hàng xóm nhà mình.

– Chèn ơi, giờ này mà mầy còn lang thang ở đây làm tao kiếm hụt hơi. Có về ngay không, má mầy té xẩy thai, đang nằm liệt kìa…

Con bé run rẩy:

– Nằm ở đâu?

– Nhà mụ Xoài mé bển đó! Tới mau đi…

Vừa nói hết câu là người hàng xóm đã lại vụt lao đi, nhanh như một cú điện xẹt. Con bé chẳng buồn nhìn theo vì trong đầu của nó đang bận rộn tính toán. Tiếp tục đẩy cái xe trở về hay là quay lại vá cái bánh xe. Nghĩ đến mẹ nó đang nằm ở một chỗ, chắc đang cần tới nó để bảo ban công việc, ruột nó bỗng nóng sôi lên và nó hối hả quay lại chỗ thằng nhỏ vừa nãy. Nhìn thấy nó, thằng nhỏ lại nhăn ra cười, ơi, dưới ánh nắng bình minh, sao mà hàm răng của nó nom trắng nhởn như răng bò đến thế. Con bé hậm hực:

– Một ngàn đấy, vá đi.

Thằng nhỏ hỏi móc:

– Sao tính không vá, bây giờ lại vá.

Con bé nguýt nó một cái thật dài:

– Thế đấy. Nẫy không thích, bây giờ thích. Có sao không?

Ôi da, cái con nhỏ sao mà chanh chua. Nhưng phải thế mới được. Sống ở giữa đám người lam lũ, rách rưới đông nghìn nghịt như kiến cỏ trong cái thành phố này, không cứng cựa làm sao yên. Thằng nhỏ nghĩ thế nên nhìn con bé một cách cảm tình rồi xăng xái bầy đồ ra vá cái vỏ xe. Trong lúc làm việc, nó tỉ tê:

– Này! Cái vỏ đã bốn miếng vá rồi. Liệu mà thay đi.

– Nói dễ nghe nhỉ! Bộ giầu lắm sao mà muốn thay là thay.

– Giầu nghèo gì cái xăm xe. Phải chi như mấy ổng, đổi xe hơi đời này sang đời khác, mô đen này qua mô đen khác thì mới nói chớ.

– Ơi! Nói chuyện như thế mà đòi nói. Mà điều mấy ổng giầu, thay cái xe còn dễ hơn mình vá cái lốp kìa. Đúng không?

Thằng nhỏ nhìn con bé, bỗng cảm thấy cảm tình hơn. Nhãi con bằng từng nấy sao mà suy nghĩ đã khôn lanh quá trời. Nó bỗng cười toe toét:

– Mày nói đúng đó. Thiên hạ tiền muôn, bạc triệu, thay có cái xe thì nhằm nhò gì. Nhưng mà về phần mầy, nom đâu đã đến nỗi mà vá có cái xăm xe cũng phải cò cưa.

Con bé dẩu mồm lên:

– Không cò cưa thì có đói nhăn răng ra. Sáng nay, má xẩy thai, nằm một chỗ rồi.

Thằng nhỏ kêu lên:

– Ý choa! Chuyện thật hay rỡn đó mậy?

Con nhỏ tốc vạt áo lên lau thêm mấy giọt mồ hôi đọng trên trán. Rồi nó thở dài, giọng than vãn:

– Má sắp tới cữ rồi mà vẫn còn đi vác gạch, tui nói không nghe.

– Mày nói sao?

– Tui nói má ơi, nghỉ đi. Má làm nữa, vác nặng, em bé trong bụng nó chịu hổng nổi đâu.

– Cái đó thì má mày cũng biết rồi.

Con bé trợn mắt:

– Biết rồi thì cũng phải nói chớ. Mà nói riết thì cũng vậy thôi. Có dư được đồng nào, ba moi bằng hết mang đi uống rượu với đánh bạc cha nó hết.

Thằng bé xuýt xoa:

– Ui choa, cái thằng cha bất nhân.

Con bé chợt sửng cồ lên:

– Này, đừng có kiếm cớ mạt sát cha tui nhé. Bề gì thì ông cũng là ổng.                       

Thằng nhỏ vội vã xua tay:

– Đâu có…. đâu có… Tớ nói vậy thôi, chớ ba của đằng ấy, tớ đâu dám!                    

 Con bé ngồi im không nói gì thêm nữa. Nó cũng chẳng nhìn xem thằng nhỏ đã loay hoay những gì với cái xe của nó. Chừng mười lăm phút sau, thằng nhỏ cất tiếng:

– Rồi! Bi giờ thì có đạp lên cung trăng cũng chẳng hề hấn gì.

Con bé phủi đít, đứng dậy. Nó toan móc túi lấy tiền trả thì thằng nhỏ đã xua tay:

– Tiền nong gì! Cất đi!

– Ô hay, sao lại không lấy?

– Không lấy vì tao thích không lấy. Có sao không?

– Chả sao hết. Không lấy thì đây cám ơn.

– Ơn huệ gì. Lần sau mà mày còn vác xác tới, tao tính tiền gấp ba. Hôm nay hãy để đó.

Con bé nhoẻn miệng cười:

– Ui cha, anh lại định dở trò rải đinh nữa ra với tôi phải không? Ê! Bữa nay thì êm đó, chớ lần sau thì tôi đi thưa.

Thằng bé nhăn ra cười:

– Ừa, thưa đi. Mày thưa tao, tao thưa lại.

– Tôi làm gì mà anh thưa?

– Thưa mày không lo cho má, để má vác nặng tới xẩy thai. Ôi chà! Tù mọt gông đó nghe “em” !

Con bé nguẩy người, lườm thằng nhỏ một cái thật dài rồi dắt xe xuống đường. Lúc nó đạp được vài vòng thì thằng nhỏ đã nói với theo:

– Tao mới ráp thêm hai cái má thắng đó. Ôi da, xe cộ gì mà thắng không có, chạy loăng quăng có ngày mất mạng như chơi!

Con bé ngó xuống mé bánh sau. Quả nhiên nó nhìn thấy cái má thắng mòn vẹt gần hết nay đã được thay bằng hai miếng cao su dầy dặn và trắng phau. Nó thử thắng cái xe lại. Ôi chao, vừa mới nhấp một tí mà cái xe đã giật đứng ngay lại, chả bù cho lúc trước, vừa phải ghì cái xe, vừa phải lết cả hai bàn chân xuống mặt đường mỗi khi cần ngừng gấp. Nó ngoái đầu nhìn lại chỗ sửa xe. Thằng nhỏ vẫn còn đứng đó nhìn theo. Hình như nó đang nhe răng ra cười. Hai hàm răng, nhìn từ xa mà vẫn thấy trắng nhởn. Sao mà lại có người có cái cười ngạo nghễ đến thế!

Hai hôm sau, vào đúng chiều hai mươi tám tết, con bé đạp xe trở lại hè đường cũ. Hôm nay cái xe của nó nhẹ tênh vì chẳng có chồng báo nào đèo sau lưng của nó. Chỉ có gói giấy dầu nhỏ xíu, bên trong có một cái bánh bao còn nóng hổi. Con bé ngơ ngáo nhìn hết gốc cây này tới gốc cây khác. Chẳng thấy thằng nhỏ đâu. Bên đống đồ nghề sửa xe, chỉ có một ông già đang ngồi chúi mũi vào tờ giấy dò vé số. Nó cất tiếng hỏi:

– Ông ơi, cái anh…. cái anh sửa xe mọi khi ở đây đâu rồi?

Ông già ngẩng đầu lên, bộ râu lởm chởm như cố đỡ lấy cái gọng kính đồi mồi cũ kỹ :

– A! Thằng Tín. Cháu cần hỏi gì nó.

Con bé tự nhiên nóng cả mặt. Chân tay của nó luống cuống hẳn ra. Nó ấp úng:

– Cháu…. cháu tìm anh ấy.

– Hôm nay nó không ra. Có chuyện gì thế?

– Dạ…. cháu…. cháu…. mua cho ảnh cái bánh bao.

– Ý chà! Sao mà sang thế!

Con bé càng quíu hơn. Hai bên má của nó nóng rực và hồng lên trong sáng sớm:

– Dạ…. Tại vì…. tại vì bữa nọ ảnh sửa xe cho cháu…. tốt quá!

Ông già vui vẻ:

– Thế hử. Cái thằng nom thế mà tay nghề nó cũng vững lắm. Bánh bao hả? Cứ để đây, chốc về, ông mang về cho nó.

Con bé bẽn lẽn nhìn ông già:

– Ông là ông của anh Tín hả.

– Ừ! Ông ngoại! Bố nó chết rồi. Mẹ nó đi lấy chồng. Nó về ở với ông. Chỉ có mỗi nó thôi.

Con bé trao gói bánh cho ông già rồi rồi vội vã đạp xe mất hút trong lòng thành phố. Tim nó đập thình thịch. Nó thấy mình sao mà liều lĩnh quá. Không dưng lại đi trao bánh cho ông già. Phải chi chờ thằng Tín ra thì sự việc có vẻ suông sẻ hơn. Bên sửa xe, bên cho bánh, có cái gì là không nên không phải đâu. Không biết lúc thằng Tín nhận gói bánh thì sẽ nghĩ sao. Nó lại cũng tiếc là không nán lại chút xíu nữa để hỏi thêm về Tín. Nhà ở đâu? Có đi học trường nào không? Lớp mấy? Nhưng mà thôi, trao được cái bánh là đủ rồi. Mai mốt sẽ còn có dịp đạp xe qua mà. Rồi nó lại lan man nghĩ đến cái bánh bao còn nóng hổi.

Tối hôm qua nó đã ngồi lột củ cải cho bà Huân mãi đến tận hai giờ sáng. Hàng tết đổ về, ngoài linh tinh mọi thứ, nhà bà Hưng còn tràn ngập những củ cải trắng cái nào cái đó to bằng bắp tay. Từ phòng trong, ra nhà ngoài, tràn xuống cái sân con rồi tuôn ra cả cái con hẻm còn lép nhép nước mưa, toàn là những củ cải chỗ thì trắng phau, chỗ thì nhoe nhoét đất với bùn. Bà Huy đã huy động mấy đứa con, lớn thì mười sáu mười bẩy, bé thì lên tám, lên chín, tất cả xúm vào, mỗi đứa một con dao sắc lẻm, chém, vạt, xả, cắt…. làm túi bụi mà vẫn không xuể. Những đống củ cải đã làm xong được thồn vào những cái bao tải chất cao như núi trong nhà. Ấy vậy mà khắp mọi chỗ, từ trong nhà ra ngoài ngõ vẫn bề bộn vương vãi từ củ đến lá, từ vỏ đến ruột, tất cả nom cứ như một bãi xây cất ngổn ngang, chồng chất những vật liệu. Đến nỗi ông Tổ trưởng dân phố cứ soạch một cái lại thò đầu ở bên kia ràng rào ra đe: – Quá lắm rồi đó chị Hưng ơi! Chị bày ra kiểu này… chết bà con, rồi chết tới tui luôn. Bà Hưng xoắn xuýt:

– Hết rồi…. Hàng về hết rồi. Chỉ loáng cái là xong thôi. Rồi bà nháy mắt cho thằng con lớn. Nó biết ý, ngưng tay dao, lại tủ bán thuốc lá của con em nhón ra một gói ba số rồi lẻn ra ngoài. Một lát sau quay về cười tủm tỉm. Bà Hưng thấy thế cũng tủm tỉm cười theo. Rồi bà lại cho đi gọi con bé hàng xóm sang phụ, thế là nó có thêm việc từ tối tới quá nửa khuya. Xong xuôi nó được rúi vào tay những mười nghìn. Thế là nó nghĩ ngay tới cái bánh bao thơm phức nằm trong cái nồi hơi bốc nghi ngút khói của ông già vẫn ngồi bán ở đầu ngõ. Tín vá xăm xe, lại tự ý sửa hai cái má phanh cho nó, cả đời nó chưa bao giờ được hưởng cái sự mình không nói ra mà lại có người tự ý làm cho mình. Chính cái đó làm cho nó thấy bứt rứt, người cứ nao lên mà chẳng biết vì cái gì. Sáng hôm sau, theo thông lệ, nó chở báo đến nhà phát hành để đổi báo cũ, lấy báo mới thì đã thấy thằng Tín ngồi chồm hổm ở vỉa hè, ngay chỗ mọi người đang kiểm báo. Nó thấy choáng cả người và thốt lên:

– Úi chao ơi….

Tín nom thấy nó thì đứng phắt dậy và nhe răng ra cười. Hai đứa nhìn nhau mãi mà không đứa nào lên tiếng. Rút cục, con bé phải lên tiếng hỏi, giọng như người hết hơi:

– Kiếm ai vậy!

– Còn phải hỏi. Đang sùng lắm đây.

Con bé mở to mắt lên nhìn. Mặt nó hơi thoáng một vẻ sợ hãi khiến cho thằng Tín phải nhoẻn thêm một nụ cười nữa như để trấn an, rồi cố lấy giọng dịu dàng:

– Đã không có tiền, sao còn đi mua bánh bao!

Mặt con bé chợt đỏ bừng lên. Nó thấy nóng ran cả người từ chân ngọn tóc cho đến các đầu ngón chân. Nó ấp úng:

– Ơ…. tại hôm qua làm thêm được mớ củ cải.

Tín sấn lại gần nó, giơ cả bàn tay nhem nhuốc vì dầu mỡ lên rồi dằn giọng:

– Lần sau thì đừng, nghe không. Xắt mớ củ cải thì được bao nhiêu. Má hôm nay sao rồi.

– Má xẩy xong rồi, cái nhau là con trai.

Rồi nó bùi ngùi:

– Tiếc quá…. tui đang mong có em trai. Nhưng cũng đỡ, nhà nghèo quá, có thêm thì chỉ khổ cả nó lẫn má thôi.

Tín cầm tay nó lên, cũng cất giọng bùi ngùi:

– Thôi quên chuyện đó đi. Đời còn dài. Chẳng có ai khổ mãi suốt đời đâu.

Tự nhiên con bé ứa nước mắt. Nó cũng không rõ tại sao mình lại khóc dễ dàng thế. Mấy hôm trước, chính tay nó bưng cái hũ thai xẩy của mẹ nó ra góc nghĩa địa vùi xuống mà nó có khóc đâu, mặc dù nó cũng đã lâm râm khấn:

– Em ơi. Em tìm nhà khác mà đầu thai. Mẹ với chị quần quật lắm cũng không đủ nuôi cho em sung sướng đâu.

Thế mà bây giờ nó lại khóc. Những giọt lệ long lanh trong khóe mắt rồi lăn dài xuống hai má. Tín thấy thế cũng cuống quýt cả lên. Nó muốn lau mặt cho con bé mà chân tay cứ quều quào, không thực hiện được. Cuối cùng nó kêu to:

– Thôi, gửi cái xe lại rồi lên đây.

Con bé ngơ ngác nhìn. Rồi nó hỏi:

– Đi đâu?

Tín nhoẻn miệng cười. Nó lấy lại được sự thoải mái bình thường sau câu hỏi đó. Nó cất giọng rõng rạc:

– Đi chợ Tết!

Mặt con bé thoáng lên một niềm vui hồn nhiên như thể ngày xưa còn bé, hồi bà ngoại nó còn, bà hứa cho nó một cái kẹo chanh. Hai má của nó chợt hồng lên, đôi mắt long lanh như vừa có một vạt nắng xuân le lói chiếu vào. Nhưng nó vẫn hỏi:

– Mà đi chợ tết thì mua gì cơ chứ?

Tín nói như ra lệnh:

– Mua cho đằng ấy cái lược!

Con bé dẫy nẩy lên:

– Ui! Em thì cần gì lược.

– Nói không cần lược nên cái đầu mới xù lên như cái tổ quạ thế này. Năm mới, phải chải cái đầu cho bảnh thì mới ra dáng con người mà ăn tết chớ.

Con bé ngúng nguẩy:

– Không đi đâu, cũng chẳng mua bán cái gì hết.

Tín giở giọng ngang tàng:

– Không đi thì đây bế lên mà đi, ráng chịu.

Vừa nói nó lại vừa sấn tới. Cái thằng sao mà ngang tàng, coi trời bằng vung đến thế. Nhưng con bé lại không lấy thế làm bực mình. Nó chỉ cuống quýt lên và la bải hải:

– Đi… Ừ….. đi thì đi…. Mà hượm để gửi xe cái đã.

Vừa nói, con bé vừa chen vào đám đông lúc ấy đang nhốn nháo với những chồng báo cao ngất nghểu. Chợt Tín gọi giật lại:

– Ê…. này….. ấy ơi….

Nó chưa biết tên con bé là gì nên giọng rõ ra vẻ lúng túng. Từ bữa hổm tới giờ, nó cứ suýt xoa là quên mất không hỏi con bé tên gì. Cái sự lúng túng này cứ đeo đẳng trong đầu nó mãi, ngay cả khi hai đứa đã len lỏi vào rừng người đông nghẹt trong chợ Tết. Nhưng cuối cùng thì nó cũng chợt vùng lên nói:

– Này…. gì ấy nhỉ ?

– Gì là gì?

– Tên ấy! Phải có tên mà gọi chứ!

– Em biết tên của anh rồi, anh Tín!

– Thế còn…..

Tín chợt ngừng lại. Miệng tắc tị. Nó thấy rõ là chẳng có khi nào mình phát ngôn lại khó khăn như lúc này. May quá, con bé thông minh, đã trả lời ngay:

– Còn em ấy à? Gọi em là Hoa.

– Hoa gì?

Con bé nhìn Tín, hai mắt long lanh, giọng tinh nghịch:

– Anh thích hoa gì?

– Hoa mai. Ở làng anh, mỗi lần giáp tết, hoa mai nở rộ cả một vùng.

Hoa mỉm cười:

– Vậy em cũng thích hoa mai. Chừng nào hết nghèo, được về quê ăn Tết, em sẽ trưng hoa mai khắp trong nhà.

Tín nắm ngay lấy bàn tay xinh xắn của nó rồi lôi đi:

– Nghèo giầu gì! Mình sẽ đi mua cả cái lược và một cành mai!

Thế rồi cả hai cùng mất biến trong đám người lố nhố, cũng đang ồn ào chen chúc nhau để mua sắm Tết.

 

                                                                   Nhật Tiến       

Tháng 12-2001   

Nguồn : https://tuoihoandmore.blogspot.com


Thứ Bảy, 29 tháng 1, 2022

XUÂN HỜN - Nguyễn văn Nghệ

  Anh Thạch đứng bên này rào, nhìn qua sân nhà kế cận. Ở đó, mùa Xuân hiện diện với bao nét xinh tươi: Hai bên lối vào, trên bồn, trong chậu... chen với cỏ non, đủ các loại hoa đua nhau điểm tô những màu rực rỡ. Một làn gió nhẹ, từng đóa nghiêng mình làm dáng, sắc tím, sắc đỏ... lung linh như cười vui trong nắng ấm chan hòa. Mấy con bướm say hương chập chờn đôi cánh mỏng, len lỏi từ cụm lan nầy sang khóm cúc kia. Một đôi chim chìa vôi bay đáp lên cành mai phơ phất, làm mấy cánh hoa vàng rơi rụng. Có lẽ cũng thích thú nhiều trước cảnh đổi mới của thiên nhiên, chúng cất tiếng hót véo von hòa điệu với tiếng ca mừng của đồng loại vang vang đây đó. Chúng nhảy chuyền khắp cành, xòe đuôi chớp cánh múa may, chẳng khác một đôi vũ công điêu luyện...

Anh Thạch mải mê nhìn, như chưa từng trông thấy cảnh đẹp ấy bao giờ. Giá thử đó là một bức tranh, anh không ngại vói tay kéo lại gần ngắm cho tường tận. Giữa lúc ấy, một thiếu nữ từ trong nhà bên kia xách giỏ bước ra bắt gặp, cười hỏi:

- Ồ, anh Thạch, đứng ngắm cái gì mà trân trối thế?

Anh ngẩng lên, cười bẽn lẽn:

- Thấy hoa bên nhà Hương nở đẹp quá, tôi nhìn trộm một chút chơi ấy mà... Còn cô, xách giỏ đi đâu đấy?

Thiếu nữ tên Hương đáp:

- Hương đi mua thêm hoa quả cúng "rước ông bà". Phần anh đã lo mua sắm gì chưa?

Anh Thạch lắc đầu:

- Chưa và chắc chắn là không cô à. Thân đơn độc, lại thêm có nhiều chuyện buồn, tôi không muốn ăn Tết chút nào cả. Thú thật với cô, hiện giờ trong nhà tôi chẳng có lấy một chiếc bánh, một đĩa mứt.

- Ô, thế khi có khách viếng nhà chúc Tết, anh lấy gì đãi? Không lẽ mời họ uống nước lã?

- Thôi đừng nhắc tới chuyện đó Hương ạ. Tôi mà làm gì có khách. Hơn một tháng nay, những người quen biết, trong số đó có cả cô nữa, chẳng ai thèm đặt chân vào nhà tôi hết mà!

Cô Hương bước lại gần bên rào:

- Có lẽ vì vậy mà anh buồn? Nhưng, xin anh hiểu cho, sở dĩ mấy lúc gần đây mọi người ngại đến thăm anh, chỉ vì nhà anh có vẻ khác thường quá đó. Hương nói thật mong anh đừng giận, vào chơi nhà anh, ai cũng có cảm giác rờn rợn thế nào. Nếu sự khác lạ ấy mất đi, hàng xóm láng giềng sẽ không tránh mặt anh nữa.

Im lặng giây lát, cô nói:

- Thôi Hương đi đây. Anh có rảnh sang nhà Hương chơi nhé.

Đoạn cô bước ra đường, tà áo mới bay bay trong gió, góp thêm một nét đẹp cho trời Xuân.

Anh Thạch trông theo một lúc, rồi buồn rầu quay nhìn lại nhà mình. Đúng như lời cô Hương vừa bảo, ngôi nhà và khu vườn nho nhỏ của anh quả nhiên đầy vẻ khác thường: Ánh nắng trở nên vàng vọt. Màu sắc tươi sáng tan biến đâu cả. Sự lạnh lẽo bao trùm khắp nơi. Mọi vật mang một bộ mặt ảm đạm. Ngôi nhà cao ráo sahc5 sẽ, nhưng bóng tối lan tràn. Cửa sổ, cửa cái nhìn ra đường như những con mắt sâu quắm. Mái ngói loang lổ rêu xanh. Bên vách, mấy sợi cỏ leo cố bám bò lên, nửa chừng đã ngả ngọn phất phơ trong gió buốt. Ngoài vườn sương dăng màn, cây cối đứng xơ rơ. Dừa cau rũ rượi. Quít cam đã hái hết quả còn trơ lá cành, âu sầu đứng cạnh những bụi chuối xụ tàu, nghiêng ngả. Ao nước phẳng lặng, không một cánh sen, không một bông súng. Thỉnh thoảng một con cá nhỏ nhoai mình lên mặt nước đớp mồi, tạo nên những vòng tròn lan dần ra, rồi phẳng lặng trở về phẳng lặng. Trước sân cỏ hoang tranh nhau từng khoảnh đất, lần ra cả lối vào. Kìa cũng có một gốc mai, nhưng cằn cỗi khẳng khiu, lá già đã rụng nhiều, mầm non lại không thấy mọc, hoa không thấy trổ. Trong chậu, mấy bụi vạn thọ, mào gà héo úa xác xơ... Khó chịu nhất là sự lặng lẽ. Dù đã chịu đựng qua nhiều ngày, nghe yên vắng mãi, đôi lúc anh Thạch cũng rợn người. Tiếng gió lướt, tiếng lá rợi, tiếng thạch sùng chặc lưỡi cũng nghe rõ mồn một. Chim chóc lẩn tránh nơi nào, sao không thấy nhảy nhót trên cây? Bướm ong ở đâu mà chẳng còn bay lượn bên bờ rào, quanh bụi cỏ? Cảnh vật buồn tẻ tựa hồ một vùng đất chết. Cô tịch, đìu hiu chứa chấp cả trong nầy. Mùa Đông như ngự trị mãi ở đây.

Sự khác thường đó xuất hiện đã lâu rồi, nhưng đến hôm nay Thạch nhận thấy một cách rõ rệt. Thật kỳ dị, nó đối chọi hẳn cành tươi mới ở xung quanh do mùa Xuân trở về tô thắm. Chúa Xuân quên lửng hay ngại bước vào khoảnh đất của anh? Không thể bảo là tại vì anh chẳng sửa soạn. Trước Tết, anh đã lo sơn quét cửa nhà, phát cỏ, trồng hoa ở khắp nơi để đón Xuân. Nhưng ít hôm sau, rêu mốc ở đâu bay đến bám đầy vách nhà, cỏ lại mọc phủ sân, số hoa anh khổ công trồng chết đi một nửa, số còn lại vẫn lớn lên song không nở một bông nhỏ nào.

Tự nhiên anh Thạch thấy sợ sệt. Lâu nay người ta đồn nhà anh là hang ổ của ma quái, quả đúng chăng? Bây giờ cứ để mặc vậy? Không, anh phải làm sao xóa sạch quạnh hiu, đem sự tươi sáng ấm cúng lại cho cửa nhà. Không khí ngày tết phải đến cùng anh, tràn ngập từ trong nhà ra tới ngõ mới được.

Nghĩ vậy, anh Thạch vào nhà thay áo đi xuống chợ. Anh tìm mua bốn năm chậu hoa đủ loại, một bó mai đơm bông, và nhờ người mang hộ về. Sắp các chậu hoa nầy dài theo hàng ba, anh đứng ngắm nghía, lòng lấy làm thích: Đây, hoa Xuân nở rộ trước nhà anh, chúa Xuân không trốn lánh anh được nữa. Có thế chứ!... Sau đấy, anh bước vô trong đem bó mai cắm vào chiếc lục bình cổ, đặt giữa bàn. Cả gian phòng bỗng sáng đẹp hẳn lên. Bóng tối như lùi lại. A, Xuân đã lần bước vào đây rồi! Anh Thạch sung sướng quá. Như mọi nơi, nhà anh vừa khoác một bộ áo mới. Mai mốt khách khứa sẽ lũ lượt kéo tới thăm viếng, chúc Tết anh như mấy năm qua. Anh sẽ không còn cô độc. Nở một nụ cười tươi tắn nhất anh thấy lòng rộn vui.

Nhưng sao vậy? Thình lình mặt anh Thạch biến đổi: vẻ đắc ý đột ngột tan biến, thay bằng nét kinh dị. Ô, mà anh sửng sốt là phải! Kìa, bao nhiêu hoa mai bỗng nhiên theo nhau lìa cành rơi lả tả xuống mặt bàn, mặt đất, như có một bàn tay vô hình tinh nghịch ngắt tất cả vứt đi. Bó hoa sum suê ban nãy, trong thoáng chốc chỉ còn trơ trọi những cành. Qua phút ngạc nhiên, anh Thạch thấy lòng tràn trề thất vọng. Anh nhặt từng cánh mai lên mân mê luyến tiếc. Chợt anh nhìn ra hàng ba. Thôi, lại nữa! Mấy chậu Lan, Cúc, Thược dược vừa mua mới đây còn tươi mơn mởn, ngờ đâu đã đồng một lượt tàn úa cả rồi kìa. Hiện tượng xảy ra thật lạ lùng kỳ quặc. Ma quái lộng hành chăng?

Sự thật, ấy là do mùa Xuân đã nhất quyết tránh xa anh Thạch. Anh có đem hoa vào nhà, lùa bướm vào sân, rồi hoa cũng héo úa ngay, bướm cũng bay đi ngay. Đâu có ai bắt buộc hoa phải nở, chim chóc bướm ong phải đến với mình được, một khi chúng không muốn. Nhưng vì lẽ gì Xuân lại kỵ nhà anh Thạch? Xuân hờn? Sao thế?

*

Anh Thạch là một nông dân trẻ tuổi cần cù. Sau nhiều năm làm lụng anh dành dụm được một số tiền, bèn bỏ ra mua đứt một miếng đất hoang của một điền chủ nọ, để làm của. Sau đó, anh quyết tâm khai phá miếng đất nầy, biến nó thành một vườn cây ăn trái từ lâu anh vẫn ước mơ. Công cuộc không phải là dễ. Nhìn qua mảnh đất, ai cũng thấy ngán. Cả một khu rừng con, với vô số cỏ cây hoang dại chen nhau mọc vượt cao quá đầu người. Đứng ở bên nầy, đố ai nhìn thấy được gì ở bên kia. Một miếng đất như vậy muốn dọn dẹp sạch sẽ hằn phải cần biết bao công lao và thời giờ. Nhưng anh Thạch không ngại, nếu ngại anh mua nó làm chi? Công khó ư? Sức lực của anh sẽ dư dùng. Thời gian ư? Chắc chắn là lâu lắc thật, song sự nhẫn nại anh nào thiếu? À, còn một điều đáng để ý nữa. Tại sao chủ miếng đất không mướn người khai phá lại đem bán rẻ cho anh? Nguyên, theo lời đồn đãi nơi nầy có "Bà" trấn giữ, kẻ nào động đến không bị "Bà" bắt trở nên điên khùng, cũng bệnh hoạn mà chết! Song anh Thạch chẳng tin dị đoan, lại thêm tính táo bạo gan góc, anh không sợ gì.

Thế là sáng một hôm anh Thạch vác phảng xách dao đến phát dọn miếng đất mới của mình. Công việc tuy khó nhọc nhưng không có gì trở ngại. Bụi rậm, gai góc cứ thu hẹp dần trước sự phấn khởi của anh. Trừ những buổi đi làm cho người khác để "châm" thêm hũ gạo ở nhà, ngày ngày anh lo khai hoang miếng đất. Không thấy anh bị "Bà" trừng phạt trái lại còn được hưởng lắm mối lợi bất ngờ: Thỉnh thoảng anh tìm thấy một tổ ong đầy mật. Lâu lâu lại có một con chồn từ trong bụi phóng ra để bị anh nắm đầu đem bán, hay làm thịt cùng bạn bè đánh chén. Những lần như vậy, thật anh vui sướng thích thú vô cùng.

Nhưng có một lần anh Thạch suýt lâm nguy. Trong lúc lom khom phát cỏ, anh đưa cù nèo, cái móc bằng nhánh cây, vẹt cỏ qua một bên, bỗng chạm phải vật gì mềm mềm. Thốt nhiên khóm cỏ lay động, một con rắn to bằng cườm tay phóng vụt ra, mổ vào chân anh. Hoảng hốt anh lật đật nhảy tránh, đoạn vung lưỡi phảng chém phập vào đầu con vật. May làm sao, trúng! Con rắn đứt đầu quằn quại một lúc rồi chết luôn. Nhìn kỹ lại nó, anh thất kinh: Mình có khoanh đen khoanh trắng, đúng là rắn Mái Gầm! Giống rắn nầy độc kinh khủng đi. Người nào bị nó cắn nhằm, mắt mũi lỗ chân lông đều tươm máu, chết tức khắc.

Sực nghĩ ra một điều, anh Thạch đập tay, bật cười. Phải đa, trước kia chắc có người đến dọn khu đất nầy bị rắn độc cắn chết, xóm giềng chẳng biết lại cho là bị "bà vật", và từ đó không ai dám bén mảng tới đây nữa, chớ gì. Đã vậy, người ta còn thêu dệt đồn rộng mãi, ai nghe mà chẳng sợ? Hiểu ra, anh thêm vững dạ. Tuy nhiên bắt đầu từ hôm ấy, anh đề phòng kỹ hơn. Gặp rắn rết, không để cho nó kịp tấn công mình, anh ra tay trước...

Ba tháng sau, miếng đất của anh Thạch thay đổi hẳn. Ai đi xa về bước ngang, phải lấy làm lạ. Ồ, một khu đất hoang vu ngày nào, bây giờ lại có thể trống trải sạch sẽ như thế sao?

Từ trước, anh Thạch xin cất nhà ở đậu nơi vườn người quen, nay anh dời sang đất mình, và tiếp tục đào mương xẻ rãnh miếng đất để về sau trồng cây lập vườn như đã định. Lúc nầy anh không làm việc lẻ loi. Thấy công chuyện của anh tiến triển một cách tốt đẹp, người trong xóm cũng sẵn lòng phụ giúp. Không có tiền mướn, anh nhờ họ giúp với giao hẹn vần công: Hôm nay chú Tư Lành, bác Hai Khỏe sang làm cho anh, mai mốt anh sẽ đến làm trả công cho họ, cứ thế.

Sự cần cù của anh Thạch không những khiến nhiều người mến phục thôi, mà hơn thế, nhiều loài vật cũng có cảm tình với anh nữa. Ở khu vườn bên cạnh, một hôm hoa Lài nói với hoa Phù Dung:

- Chị à, ông chủ mới của miếng đất kia giỏi giắn siêng năng quá nhỉ! Một tay ông ta khai hoang miếng đất, làm lụng hông biết mệt, nghĩ có tài không?

Hoa Phù Dung khẽ gật:

- Vâng. Điều đáng phục nhất là tuy cực nhọc, song ông ta vẫn luôn vui vẻ. Chị xem kìa, ông ấy vừa cuốc đất vừa ca hát om đó!

- Theo em, ông chủ trẻ nầy là một người hoạt động, vui tính, và... dễ mến.

- Hẳn vậy.

- Nhưng nầy, miếng đất của ông ta có vẻ khô khan làm sao ấy!

- Ờ nhỉ, đất mới chưa trồng trọt chi nên buồn tẻ thật.

- Chị nghĩ sao, chúng ta có nên giúp ông ấy trang điểm miếng đất cho thắm đẹp lên chăng?

- Chính em định bàn với chị điều đó.

- Thế à? Vậy mình hãy rủ các chị hoa khác nhờ gió đem mầm sang gieo bên ấy đi.

Trong lúc hoa Lài, hoa Phù Dung chuyện trò, mấy chú Bướm cũng thì thào với nhau những lời tương tự. Và kia, các nhạc sĩ dế đang sửa soạn di cư sang đất mới... Tất cả cùng muốn bày tỏ lòng cảm mến của mình đối với anh Thạch.

Và rồi vài ngày sau, khu đất nhỏ vừa mới khai phá xong ấy bỗng mọc đầy các loại hoa: Trên bờ có Nở Ngày, Hồng, Lan, Huệ... rực rỡ đua màu. Dưới ao có Sen, Súng... mủm mỉm khoe xinh. Khắp nơi, bướm vàng, bướm trắng nhởn nhơ bay lượn. Cảnh nhìn thật vui mắt.

Không chỉ thế thôi, khi các giống cây ăn trái được trồng lên, chim chóc từ mọi nơi lại kéo về, góp thêm sự nhộn nhịp. Trao Trảo, Dòng Dọc, Sáo, Cưỡng... đủ hình dạng, đủ sắc lông, từ sáng sớm đã nghe chúng ca hót vang vầy! Dưới nắng tươi, trong gió mát, chúng bay nhảy, ríu rít đuổi bắt nhau, phá tan bầu không khí u tịch.

Về đêm, có những vì sao rất nhỏ tìm đến soi sáng nơi nầy. Chúng nhấp nháy bay dật dờ khắp nơi, tạo cho bóng tối một vẻ đẹp huyền ảo. Những vì sao đó là những con đom đóm vậy. Trời đêm lại được sưởi ấm bằng tiếng dế ngân nga. Với một âm điệu thoang thoảng êm đềm, nó đưa hồn người lần vào cõi mộng.

Bướm, hoa, chim chóc... làm đẹp cảnh vật, và đem tới cho lòng anh Thạch một sự khoan khoái, vui thích. Nhờ vậy anh làm việc hăng hái hơn: Xẻ mương chia miếng đất ra thành từng bờ, anh mua cam quít về trồng vun bồi từng gốc. Công việc tiến triển nhanh chóng. Thường thường sau những lúc chăm lo cuốc xới, anh ngồi nghỉ dưới gốc cây, ngắm một cánh hoa tươi lung linh trong gió thoảng, nheo mắt nhìn một con chim nhỏ nhảy chuyền trên cành, thế là bao nhiêu mệt nhọc như tan biến mất. Anh lại vui vẻ tiếp tục việc làm.

Chẳng bao lâu mảnh đất của anh Thạch đã biến thành một vườn cây xanh tốt. Rồi cây trổ trái, anh hái bán đi, thu lợi khá nhiều. Qua vài năm anh đã có tiền mua sắm, sửa sang lại nhà cửa. Bấy giờ việc chăm sóc cây cối trong vườn anh không cần phải tự tay làm lấy. Anh mướn một đứa nhỏ lo hộ cho mình.

Từ đấy anh Thạch xa dần các bạn nho nhỏ của anh. Đó là những con chim, những đóa hoa, những cánh bướm... Ngày nào chúng đã giúp anh phấn khởi trong công việc. Giờ đây trong khi anh khá giả rồi, chúng vẫn sống lây lất ngoài vườn kia. Anh đã quên chúng, vì ngày nay chúng chẳng ích lợi gì cho anh hết.

Tệ hơn, một hôm bước ra vườn nhìn thấy một cây hoa mọc xen bên cạnh một gốc mận sai quả, anh Thạch giận dữ nhổ phăng vứt ra xa, càu nhàu:

- Để thứ nầy chỉ chật đất. Nó ăn hết phân của cây trồng.

Chợt ngẩng lên bắt gặp một con sâu nằm co trên lá mận, anh ngắt chiếc lá quăng xuống đất, chà nát con vật dưới guốc:

- Cho mầy chết! Cây cối còi cọc cũng vì mầy cả.

Đi thêm vài bước, đến gần một cây mãng cầu, thấy mấy trái chín bị chim ăn, anh gầm lên:

- Đồ quỉ! Mình phải gài bẫy bắt hết lũ chim nầy mới được.

Sau đó, đến chỗ ươm cây, lại có chuyện cho anh gắt:

- Giống dế mắc toi, cắn nát hết một cây nhãn vừa mới mọc rồi!

Dạo quanh một vòng, anh quay vào gọi thằng Tí, đứa nhỏ giúp việc, bảo:

- Tí à, thấy chim ăn trái cây nhặt đá chọi cho chết nghe không. Gặp bướm, gặp dế mầy cũng đập nát đầu cho tao.

Giữa lúc ấy, ngoài vườn chim chóc bướm hoa xôn xao than thở. Một chị hoa buồn bã nói:

- Các bạn xem, chúng tôi có choán bao nhiêu đất, trong khi phải tốn rất nhiều công khó để kết từng đóa hoa thơm. Vì yêu vẻ đẹp chúng tôi đành chịu lắm thiệt thòi. Vậy mà ông chủ vườn còn phiền hà nữa!

Các bướm cũng nói:

- Chúng tôi nào khác. Lúc còn là sâu chúng tôi ăn của ông ta hết mấy lá cây? Khi thành bướm, chúng tôi phải bay mỏi cánh, lượn khắp nơi để làm đẹp khu vườn, như thế chẳng bù được à?

Một chú chim lắc đầu:

- Chán thật! Trái cây đầy vườn chúng tôi chỉ hưởng qua một vài quả, ông ta đã đòi bắt đòi giết. Công chúng tôi mỏi miệng ca hót, ông ta bỏ đi đâu?

Một anh dế cất giọng lanh lảnh bực dọc xen vào:

- Còn chúng tôi, đêm nầy qua đêm khác không ngại mệt nhọc trổi nhạc cho ông ấy thưởng thức, rốt cuộc chỉ xin có mấy đọt non, ông ấy đã chửi rủa om sòm.

Bướm nói:

- Nhưng tại sao trước kia ông ta tử tế với chúng mình thế?

Dế cười nhạt:

- Bởi lúc ấy ông ta cần chúng mình... Nhưng nầy, các bạn thử nghĩ phải chăng hiện giờ chúng mình không cần thiết cho ông ta nữa?

Hoa bảo:

- Để trả lời câu hỏi đó, chúng ta hãy rời bỏ khu vườn nầy xem sao?

- Đồng ý, đồng ý!

- Phải! Nên đi là hơn.

Bàn định xong, liền đó các loại chim họ hàng nhà dế, tất cả ong bướm... cùng lặng lẽ kéo đi. Đồng thời, hoa trong vườn cũng rũ cánh, rơi rụng, hay héo úa dần.

Bỗng chốc khu vườn trở nên yên vắng đến kỳ dị. Màu sắc thắm tươi vụt tan biến cả. Cảnh tượng như một bức tranh đẹp bị bôi xóa bằng những vết mực thâm. Ánh nắng sợ hãi len lén bước ra xa, chỉ để sót lại một vài tia yếu ớt. Bóng tối, gió lạnh rủ nhau đổ xô về. Cây cối buồn rầu xụ lá.

Sự thay đổi ấy mỗi lúc một rõ rệt. Chiều lại, anh Thạch phải ngạc nhiên khi không nghe tiếng chim gọi nhau về tổ. Hoàng hôn ở thôn quê đã vắng lặng, riêng nơi nầy còn vắng lặng hơn. Đêm đến, anh lại cảm thấy thiếu mất một cái gì. Ngẫm nghĩ mãi, anh mới biết đó là tiếng dế. Tiếng nhạc nỉ non của loại côn trùng nhỏ bé nầy từ trước đến nay anh không hề để ý đến. Bây giờ nó bỗng im bặt, anh mới thấy cần. Không có tiếng dế, đêm im phăng phắc, lạnh lẽo, ghê rợn. Sự khác thường ấy khiến anh Thạch thao thức mãi. Nhiều lần anh nói to lên cốt xua đuổi bao nỗi sợ sệt vô cớ. Anh bước lại mở tung cửa sổ nhìn ra vườn. Ngoài kia, bóng tối dày đặc. Sao không thấy đom đóm bay nhởn nhơ soi sáng như mọi đêm? Các lùm cây tối om có hình dáng những con thú quái dị lớp nằm lớp đứng im lặng rình rập chung quanh nhà. Một cánh dơi bay vụt qua, làm anh Thạch giật mình đánh thót.

Nửa đêm, thằng Tí đang ngủ dưới nhà dưới vụt thét to, chạy đùi đụi lên, phóng lên giường anh Thạch. Anh nắm vai nó lay mạnh, hỏi:

- Làm cái gì vậy?

Thằng bé thở hào hển, đáp với giọng kinh hoảng:

- Ma! Nó kêu như con nít khóc.

Anh Thạch bật cười:

- Ma cái gì? Rõ ràng tiếng con mèo. Nó còn gào kia. Thôi trở xuống ngủ lại đi "thỏ con".

Tí nhăn mặt:

- Chú cho tôi ngủ luôn trên nầy thôi. Ở dưới tôi sợ lắm. Không hiểu sao đêm nay tôi thấy sợ sệt quá chừng.

Anh Thạch định bảo: "Tao cũng vậy", nhưng thôi. Anh cho phép thằng bé ngủ chung với mình, vì chính anh cũng thế.

Sáng dậy bước ra ngoài, anh Thạch mong tìm lại cảnh tươi sáng của bình minh, để xóa sạch bao nhiêu mệt nhọc sau một đêm khó ngủ. Nhưng anh thất vọng hết sức khi thấy vườn nhà vẫn lặng lẽ, cỏ cây đứng ủ rũ trong sương mù. Cố lắng tai, anh vẫn không nghe tiếng chim ríu rít đón chào nắng mới. Cố đưa mắt nhìn khắp mọi nơi, anh vẫn không tìm được một đóa hoa, một cánh bướm nào...

Sự lạ lùng ấy cứ kéo dài từ ngày nầy qua ngày khác. Được ít hôm, thằng Tí đã kinh sợ bỏ trốn. Anh Thạch tìm mướn đứa khác, nó cũng không chịu nổi, xin thôi. Rốt cuộc anh phải sống lẻ loi, làm lụng lấy một mình. Đã thế, người ta còn đồn đãi, cho rằng nhà anh có ma, thêu dệt ra đủ chuyện. Dần dần bạn bè, người lối xóm, chẳng ai dám bước chân đến nhà anh nữa. Nhiều lúc anh buồn chán vô cùng.

Rồi Tết đến. Trong khi các nơi cảnh vật tưng bừng với không khí ngày Xuân, khu vườn của anh Thạch vẫn chìm trong lặng lẽ, u tối. Anh muốn thay chúa Xuân đem tươi vui đến nhà, cũng không được. Nhìn người, xem lại mình, anh thêm buồn tủi. Có lẽ anh phải sống cô độc mãi giữa khu vườn tẻ ngắt nầy chăng?

- Nầy các bạn, lạ chưa, tại sao khu vườn nầy không có dấu vết chi của mùa Xuân cả?

- Ồ, thật vậy, vắng lạnh đến rùng mình!

- Chúng ta thử vào trong xem.

Anh Thạch đang ngồi đăm chiêu hút thuốc trên bộ ván, bỗng nghe có tiếng người xôn xao bên ngoài. Anh đứng dậy mở cửa bước ra thì thấy một tốp năm người nam có nữ có, kẻ xách đàn người mang trống, kéo nhau vào sân. À, thì ra đây là một ban nhạc. Họ đi đâu thế? Một người độ chừng là nhạc trưởng tiến lại gần anh Thạch cúi chào:

- Thưa, có phải ông là chủ khu vườn nầy chăng?

Anh gật đầu:

- Vâng.

- Xin lỗi ông, chúng tôi mạn phép vào đây vì nhận thấy khu vườn có nhiều điểm khác lạ. Vì sao nó lại có vẻ tương phản với cảnh tươi mới của ngày Tết ở xung quanh thế, hở ông?

Do dự một lúc, anh Thạch nói:

- Cũng tại tôi. Trước kia tôi có đối xử không tốt với hoa bướm chim chóc trong vườn, nên chúng hờn dỗi bỏ đi cả đấy. Và hôm nay, Xuân về khắp chốn, nhưng riêng nhà tôi thì lại bỏ qua!

- A, đúng rồi! Hoa, bướm, chim chóc tạo nên mùa Xuân. Ông đã khiến chúng giận hờn, thì làm sao tìm thấy mùa xuân được? Song thiếu Xuân ông thấy thế nào? Vẫn vui?

- Không, trái lại tôi rất buồn, rất khổ, và hối hận đã làm hoa, bướm phiền lòng.

- Nghĩa là bây giờ ông mới biết hoa, bướm, các loại chim... rất cần cho ông? Ông muốn chúng trở lại với ông chứ?

- Vâng, muốn lắm. Nhưng không biết làm sao...

- Chúng tôi sẽ cố giúp ông. Chỉ mong từ nay ông đừng đối xử bạc bão chim chóc, hoa bướm nữa. Các "nghệ sĩ" nho nhỏ nầy mang sự đẹp đẽ tươi vui đến vườn ông không phải vì muốn hưởng lợi đâu ông ạ. Một ít đất, vài chiếc lá, đôi ba trái cây... đâu đủ bù đắp công khó của chúng?

Nói đoạn, nhạc trưởng quay lại bảo các bạn:

- Nào chúng ta hãy đàn hát lên, mời Xuân về đây đi.

Lập tức, một điệu nhạc vui tươi được trổi lên. Một nữ ca sĩ cất giọng trong trẻo hát. Lời ca quyện tiếng đàn bay vút lên cao, ca ngợi mùa Xuân, mời mọc nằng vàng, chim muông hoa bướm... trở về.

Anh Thạch đứng tựa bên cửa, say sưa thưởng thức. Bỗng anh thấy khu vườn vụt bừng sáng lại, không khí được sưởi ấm. Anh chạy ra sân reo to:

- Nắng, nắng đây rồi!

Có tiếng cánh đập rộn rịp trên  không, anh ngẩng đầu lên.

- A ha, các loài chim thân yêu của tôi đã về!

Chợt nhìn sang góc sân, anh mừng thốt:

- Kìa, hoa trổ lại! Có cả bướm nữa!

Tiếng nhạc vừa dứt, khu vườn của anh Thạch đã biến đổi hẳn. Chúa Xuân đã thực sự bước vào. Chim bay đến, tề tựu ca hót vang rân. Hoa mọc, trổ bông, tỏa hương thơm ngát. Bướm ong rủ rê bay lượn rộn ràng.

Anh Thạch đi tới đi lui, vẻ mặt hớn hở vui sướng. Sau đó anh bước lại hết lời cám ơn ban nhạc vừa giúp mình. Nhạc trưởng ôn tồn bảo:

- Mang niềm vui đến cho mọi người, đó là nhiệm vụ của chúng tôi. Vả, Xuân trở lại với ông phần lớn cũng nhờ ông thực tình hối ngộ, biết quí trọng Xuân. Chúng tôi nào có công chi... Thôi, chúng tôi xin từ giã ông.

Anh Thạch vội nói:

- Ấy mời các bạn vào nhà chơi nghỉ chân một chốc đã chứ!

- Cám ơn ông, nhưng chúng tôi phải đi ngay kẻo muộn.

- Các bạn định đi đâu?

- Ra tiền tuyến, đem mùa Xuân đến cùng các chiến sĩ ông ạ... Xin chào ông. Chúc ông được hưởng một cái Tết vui đẹp.

Đoàn nghệ sĩ tiếp tục cuộc hành trình. Anh Thạch đưa họ ra tới cổng lưu luyến trông theo, lòng đầy cảm phục.
 

Chợt có tiếng reo quen quen:

- Ủa, vườn anh Thạch hôm nay trông lạ quá nhỉ!

Quay lại, nhận ra cô Hương anh cười bảo:

- Phải, Xuân tươi không còn hờn tôi nữa. Hoa thơm, bướm đẹp hiển hiện khắp vườn đó, Hương đã bằng lòng chưa?
 

Cô mỉm cười, khẽ gật đầu. Anh nói:

- Vậy mời cô vào chơi.

Hai người song song tiến vào. Chim muông, hoa bướm tưng bừng đón rước. Anh Thạch vui vẻ nhìn khắp lượt. Mùa Xuân không chỉ đến với vườn nhà anh, còn len vào cả tâm hồn anh nữa. Tự nhiên anh thấy yêu Xuân vô hạn.


NGUYỄN VĂN NGHỆ         

(Trích từ tạp chí Tuổi Hoa Xuân Bính Ngọ, 1966)
 

Thứ Sáu, 28 tháng 1, 2022

XUÂN MẾN - Vương Hồn Nhiên

  

 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
Sáng hôm nay ra vườn em bỗng thấy
mùa Xuân về trên hoa cỏ reo vui
sắc trời Xuân như rực rỡ đón mời
em ngơ ngẩn bên nụ hoa vừa hé...

Nếu có đến Xuân đừng quên Xuân nhé
hãy vui cho em tưởng tượng Xuân đây!
tóc Xuân dài em bảo mái tóc mây
áo Xuân trắng hơn mây trời tháng hạ

Nắng vàng mai ửng hồng lên đôi má
môi Xuân cười, nhẹ nở hoa hồn nhiên
mắt long lanh sao sáng chiếu bên rèm
chơm chớp khẽ, Xuân cười tươi đẹp quá

Nhìn Xuân sang một niềm vui rất lạ
chợt len sâu vào trong cõi lòng em
đúng không Xuân đó là nỗi mong thèm
một ngày Tết trong đợi chờ háo hức?

Ra thăm vườn khi mặt trời vừa thức
anh Xuân hồng rạng rỡ soi ngàn hoa
em vui ghê – Xuân ở mãi đây nha!
hoa thì tuyệt, và em... hiền ghê lắm!

Xuân chịu nhá? – Cho ngàn hoa mãi thắm
cho bướm vàng vui cánh lượn êm êm
để gió đùa trên mái tóc thương thêm
và cho nắng trải vàng tươi thành lụa...

                                        VƯƠNG HỒN NHIÊN

(Trích từ bán nguyệt san Tuổi Hoa Xuân Nhâm Tý, 1972)




Thứ Năm, 27 tháng 1, 2022

MƠ XUÂN - Trần thị Hậu

  

Sáng nay thức giấc mở cửa sổ nhìn ra vườn – một cảm giác bâng khuâng chợt đến với Thơ. Mình đã lớn rồi ư? Mười sáu mùa Xuân đã qua, bây giờ Thơ đã thật sự bước ra khỏi cái tuổi hồn nhiên – tuổi chỉ cho Thơ mật ngọt, kẹo ngon chưa nhỉ? Dù sao Thơ cũng có một chút hối tiếc, bâng khuâng. Thơ chỉ nghe một chút hối tiếc nhưng không ao ước để được sống lại những ngày bé bỏng ấy. Thơ quan niệm không phải chỉ cái tuổi hồn nhiên là tuổi đẹp nhất mà biết đâu ở cái tuổi mới lớn này Thơ cũng sẽ gặp những cái hay, cái đẹp diễm tuyệt nhất đời người. Trước mắt Thơ bây giờ chỉ là một màu hồng tuyệt đẹp. Những giọt sương mai kết đọng lại tạo thành ước mơ của Thơ. Mùa Xuân năm nay Thơ sẽ ước mơ gì nhỉ? Có còn là những mộng mơ bé tí và dễ thương như con mèo, con cừu hay là những mộng mơ sẽ đến với Thơ? Thơ chợt mỉm cười – sáng nay mình chẳng được mơ mộng lâu hơn thế nữa. Phải xuống giúp mẹ làm bánh mứt chứ. “Con gái lớn rồi phải lo việc nội trợ” mẹ chẳng thường nói với Thơ thế à. Chiều lại Thơ còn phải đi lựa hàng may áo Tết. Chẳng như mấy năm trước việc này mẹ lo cho Thơ cả. Năm nay thì khác rồi – Mẹ cũng thấy Thơ lớn rồi chẳng lẽ theo mẹ sắm áo đầm như “lũ nhóc” sao.

*

Chợ Sàigòn mấy ngày gần Tết chen chân không nổi. Thơ phải cực nhọc lắm mới chen được vào hàng vải. Thôi thì đủ thứ hàng, thứ màu. Thơ hoa cả mắt – màu nào cũng đẹp cũng xinh làm Thơ phân vân chẳng biết chọn. Màu này đẹp tệ nhưng da mình đen quá mặc coi sao được. Màu này để ngoài hay mà ướm vào người trông vô duyên tệ. Màu này được nhưng mặc trông già quá. Chao ơi! Sao khó chọn khó lựa thế nhỉ! Phải chọn mua mau còn về nữa chứ. Cực nhọc một lần nữa Thơ mới chọn được màu thích hợp cho mình và chen được ra ngoài áo Thơ đã ướt đẫm mồ hôi. Phải thế này để mẹ đi cho rồi – mọi năm có mẹ mình đâu cực thế này. Ra ngoài Thơ dễ chịu đôi chút. Mới hơn 4 giờ – Thơ còn đủ thời giờ để tới tập hát cho các em. Thơ ghé vào tiệm mua một ít bánh kẹo rồi thẳng vô cô nhi viện – giờ này có lẽ các em đang đợi Thơ.

Thơ dừng xe trước cổng cô nhi viện. Cả một sự nhộn nhịp, vui vẻ ở chợ Bến Thành không còn nữa. Nơi đây chỉ có im lặng và buồn bã. Trong sân, dưới gốc cây mận vài em tụm lại to nhỏ nói chuyện. Các em nhỏ ngồi nghịch đất, nghịch cát. Trông các em bình thản vô tư lạ. Trong này hẳn các em không hề biết ngoài kia thiên hạ đang nô nức đua nhau đi sắm Tết. Một em chợt nhìn lên thấy Thơ reo to:

– Chị Thơ đến! Chị Thơ đến tụi bây ơi!

– Có bánh kẹo nữa, nhiều quá! Cho em chị Thơ nhé!

– Cho em nữa!

Mấy em không nói, không tranh được mếu máo khóc. Cho chiếc Honda “an tọa” xong Thơ mới bắt đầu phát bánh kẹo cho các em. Nhìn những nét mặt hân hoan của các em khi trong tay có chiếc bánh, chiếc kẹo Thơ như vui lây. Bé Bi khoe:

– Em thuộc bài hôm trước chị Thơ dạy rồi, để em hát chị nghe.

– Tao cũng thuộc, để tao hát cho chị Thơ nghe.

– Em này chị Thơ, em cũng thuộc bài đó.

Thơ khen:

– Các em giỏi lắm! Chừ em nào cũng thuộc vậy chị đề nghị các em hát chung nhé! Chị đếm này – một hai:

Chúng mỉnh, chúng mình
Xinh xinh, bé bé
Bé bé, xinh xinh.

– Hôm nay kể chuyện chị Thơ nhé! Em thích nghe chuyện “cô bé Lọ Lem”.

– Hôm nọ chị đang kể dở tới đoạn cô bé Lọ Lem không có áo quần đẹp đi dự tiệc ngồi khóc hu hu.

Thật thân ái Thơ ngồi giữa các em kể nốt câu chuyện: “Khi các chị đi cả rồi Lọ Lem nghĩ tới thân phận mình thì buồn tủi. Cô bé cũng thích đi dự tiệc nhưng chẳng có áo quần đẹp như các chị. Lọ Lem ngồi ôm mặt khóc. Chợt bà Tiên hiện ra hỏi: “Sao con khóc?” Lọ Lem thật tình kể sự tình cho bà Tiên nghe. Bà Tiên thương Lọ Lem là một cô bé ngoan ngoãn nên dùng đũa thần biến áo quần rách rưới của Lọ Lem thành áo quần sang trọng đẹp đẽ…

Thơ vừa dứt câu chuyện thì chuông reo báo hiệu giờ cơm cũng vừa đổ. Các em sắp hàng đôi ríu rít về chỗ của mình. Một bữa cơm linh hoạt, vui mắt diễn ra. Các em nói cười bắn cả cơm, canh vào người Thơ nhưng Thơ không để ý. Đôi tay thoăn thoắt, nụ cười trên môi là tất cả niềm vui Thơ đem đến cho các em.

*

Chị Thơ này, có phải tiếng khóc của trẻ thơ thường làm động lòng các bà Tiên không?

Thơ nhìn vào đôi mắt có hàng lông mi dài cong vút và buồn của Mỵ, tên đứa bé vừa hỏi, để tìm hiểu câu hỏi vừa rồi. Thơ quàng tay qua vai nó, đáp khẽ:

– Phải rồi, chị vẫn kể cho Mỵ nghe. Các bà Tiên thương trẻ thơ lắm, nhất là các trẻ ngoan. Vì thế mỗi khi nghe tiếng trẻ bà Tiên thường hiện ra để an ủi, giúp đỡ.

Mỵ mơ màng:

– Nếu vậy chắc Tết này em phải khóc thật nhiều, khóc cho cả em Mi nữa.

– Sao vậy?

Mỵ vẫn mơ màng, đôi mắt nó như nhìn vào khoảng hư vô nào và buồn thăm thẳm:

– Em khóc vì năm nay bố không còn để mua áo quần cho em và em Mi. Mẹ nghèo lắm. Bà Tiên có bằng lòng cho em và em Mi áo quần mới không hở chị?

Thơ nghẹn ngào nhìn Mỵ. Với các em trong này Thơ mới quen với Mỵ mấy tháng thôi nhưng tình thương Thơ dành cho chị em Mỵ nhiều nhất. Ngày chị em Mỵ vào đây Thơ không biết. Hôm sau khi vào chơi với các em Thơ đã ngạc nhiên khi một đứa bé lên tám theo Thơ ôm cứng và khóc:

– Chị ơi chị, dẫn “con” về nhà má “con” đi chị.

Hay:

– Chị ơi chị, nhà “con” ở trên sông ấy, chị dẫn “con” ra rồi “con” chỉ đường cho. Ở trong này tụi nó hay quánh “con” lắm.

Hỏi ra Thơ mới biết chị em Mỵ là con một người bán hàng rong và một người làm thợ hồ. Trong một tai nạn khi đang làm nhà cha của hai đứa bé đã chết. Không đủ sống mẹ chúng phải gởi hai con vào đây để đi ở mướn và thỉnh thoảng sẽ vào thăm chúng. Hôm ấy con bé theo Thơ khóc mãi. Thơ dỗ dành mấy cũng không nín… nhưng rồi con bé không làm gì được và nó quen dần với nếp sống ở đây.

– Chị Thơ ơi, sao em hỏi chị không trả lời?

Thơ giật mình lau vội nước mắt, ấp úng:

– Ờ… Bà Tiên sẽ cho Mỵ và em Mi áo quần mới…

Mỵ vui mừng:

– Thật hở chị? Em ngoan em nghe lời chị hổng đòi về với má để má đi làm kiếm tiền thì bà Tiên thương chị Thơ nhỉ?

Như chợt nhớ ra Mỵ khoe:

– Ngày mốt má tới đón Mỵ và em Mi ra, má hứa rồi. Má cho tụi em về ăn Tết với má. Chị nhớ tới nhà em chơi nghe.

Thơ mải nghĩ đâu đâu không trả lời con bé. Mỵ ngạc nhiên nhìn Thơ. Nhìn khuôn mặt ngây thơ của con bé, một quyết định thoáng nhanh qua đầu óc Thơ. Thơ nghĩ đến xấp hàng may áo tết còn ở nhà của mình và Thơ mỉm cười.

*

Mấy hôm nay tối nào em cũng khóc, khóc thật nhiều nhưng bà Tiên hiền lành vẫn không đến với em. Em vẫn ngoan sao bà Tiên không thương em? Hay chị Thơ nói “xạo” chớ làm gì có bà Tiên. Nếu có thì những đứa trẻ có mẹ đi ở mướn như em đã có áo quần mới mặc Tết rồi. Nếu chị Thơ nói “xạo” thì em ghét chị Thơ lắm – báo hại em khóc cả tuần nay làm mẹ tưởng em thích ở trong cô nhi viện. Nhiều lần em cũng muốn xin mẹ, em giả vờ nhắc mẹ:

– Mẹ này, mấy đứa con nhà bà chủ chắc sắm áo Tết cả rồi nhỉ?

Mẹ trả lời cho có:

– Ờ, mẹ cũng không để ý.

Rồi mẹ nói sang chuyện khác để em khỏi nhắc nữa. Tối qua mẹ lấy mấy cái áo cũ của em và em Mi ra khâu lại, mẹ bảo để mặc Tết. Nhìn vẻ mặt buồn hiu của em mẹ rơm rớm nước mắt. Nhìn mẹ tiều tụy, gầy gò ngồi khâu áo em thương mẹ quá. Em tự hứa sẽ chẳng đòi mẹ may áo mới nữa. Em Mi nằm trong nôi say sưa ngủ, con bé chưa biết đòi gì cả.

Chờ mẹ giặt xong mấy chiếc áo em giành đem phơi cho mẹ. Tết này nhà chủ đi Đà Lạt nên họ cho mẹ nghỉ sớm. Bây giờ thì chuyện bà Tiên thương trẻ thơ không còn trong lòng em nữa. Em chỉ biết mẹ nghèo khổ, phải làm việc cực nhọc. Em chỉ mong mấy ngày Tết kéo dài để được ở bên mẹ. Nghĩ tới những ngày sau Tết phải vào cô nhi viện lại em buồn tệ.

– Mẹ ơi! Hình như chị Thơ kìa mẹ.

Em gọi mẹ rối rít khi thấy một người hao hao giống chị Thơ đang ngập ngừng trên chiếc cầu nhỏ bắc trên sông dẫn vào nhà em. Đúng là chị Thơ với chiếc áo dài trắng, tay ôm gói quà mắt dáo dác tìm kiếm. Em gọi:

– Chị Thơ! Nhà em đây nè.

Em thấy rõ nét vui mừng trên gương mặt chị khi thấy em. Chị vào nhà trao quà cho mẹ em:

– Cháu có ít quà biếu bác và hai em, xin bác nhận cho cháu.

Mẹ em nhìn chị nghẹn ngào, cảm động:

– Cám ơn cô nhiều quá. Tôi nghe em Mỵ nói nhiều về cô…

Thơ mỉm cười lấy áo đầm ướm thử cho Mỵ. Những bao giấy đỏ gói bánh mứt, chiếc áo đầm mới làm Mỵ sung sướng. Mỵ ôm chầm lấy chị Thơ mắt nhòe lệ nhưng miệng cười tươi:

– Chị Thơ ơi! Chị là nàng Tiên của em, em cám ơn chị nhiều lắm. Em Mi cũng xin cám ơn chị nữa.

Thơ vui lây với niềm vui của Mỵ. Thơ không ngờ hy sinh một chiếc áo Tết mà Thơ đã đem nguồn vui đến cho một gia đình. Thơ nghe mằn mặn ở bờ môi – cô bé đã khóc tự bao giờ.

 

Trần thị Hậu       
(Trưng Vương)     

(Trích từ bán nguyệt san Tuổi Hoa Xuân Tân Hợi, 1971)


 

Thứ Tư, 26 tháng 1, 2022

XUÂN SỚM - Thơ Thơ

    

 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
Sáng nay trong làn sương sớm
Bé nghe xuân mới vừa sang
Thầm thì bé thêm tuổi lớn
Qua năm hết học trường làng

Mùa xuân bé khoe áo mới
Rực rỡ như ngàn cánh hoa
Thược dược, mai, đào phơi phới
Hương nồng ngan ngát gần xa

Mùa xuân chúc tết thày cô
Da mồi, tóc bạc, mắt mờ
Thày mừng tre già măng mọc
Niềm vui cứ ngỡ tình cờ

Xuân sang xanh xanh cây lá
Từng bầy én liệng chao nghiêng
Xuân vui đời như trảy hội
Tóc che vành nón đưa duyên

Xuân sớm chồi non xanh ngắt
Cỏ non mơn mởn trên đồi
Xuân hồng bâng khuâng lên mắt
Bé cười tươi thắm làn môi

Bé nghe trong lòng thổn thức
Khung trời tuổi dại ngây thơ
Ngóng về tương lai náo nức
Mùa xuân nhân thế đón chờ...

                                     Thơ Thơ
                          (Bút nhóm Hoa Nắng)


Thứ Ba, 25 tháng 1, 2022

BAY BAY CÁNH HOA TÌNH YÊU - Gammy

 

 
một Như tình yêu dấu lăn dài trên nỗi nhớ nhung buốt giá, anh muốn thổi cả bầu trời tháng chạp vào tiếng cười thơ ngây bé bỏng của em ngày nào. Khi mà con-chim-mắt-xanh-môi-đỏ bay vút lên đường kẻ bút chì nhà thờ đầu ngõ, có phải là đã vỡ tung tiếng pháo tinh sương lộc mới, ngày mây trời cuồn cuộn, khói bay thơm ngát cho cây nêu đầu ngõ đu đưa ; có phải là đã ngoan mùi bạc mới trong túi áo em thơ ngày đầu mừng tuổi, sao tiếng bạc rộn rã reo vui trong túi lại cũng đẹp như bức tranh thơm mùi mực ướt còn đứng chờ em bấm tay suy nghĩ... Anh muốn thổi cả những ngày xưa thân ái cho thật đậm vàng nỗi nhớ nhung hỡi em yêu dấu.

hai Có phải hôm ấy trời thật trong phải không em. Ơ kìa, sao con chim đầu cành đằng kia lại líu lo một bài gì hay quá thể, làm cho em tròn mắt thích thú đứng nghe để rồi sung sướng vỗ tay làm cho chim xanh bay mất. Cho em đứng tiếc ngẩn ngơ đỏ mắt nhìn anh. Để anh phải chỉ cho xem đàn bướm dập dờn xanh đỏ tím hồng trên đường đi của hương thơm ngào ngạt.

ba Có phải em đã dắt tay anh chạy vòng theo con đường đất đỏ có những bụi cây mọc dại ven bờ. Sao mà những viên ngọc long lanh trên bờ cỏ ướt kia lại phản chiếu nỗi mừng vui của em một cách trung thực đến thế. Anh muốn soi đời mình qua vườn cỏ biếc ấy để mãi mãi được cùng em nhảy chân sáo trên nốt đời an vui, khi mà tay đêm chưa dài cơn thổn thức.

bốn Có phải đó là mùa Xuân không em, khi tình yêu là mây là gió là những sợi tơ hồng quấn quít vấn vương ôm ấp lấy nhau, trong làn gió mát len nhẹ vào hồn em hồn anh. Có phải đó là mùa Xuân không em, khi lòng đất tấu lên những lời reo vui ngày thụ cầm mở ngỏ, rung lên bằng những gót son nhún nhẩy từng đàn em bé náo nức hoan ca. Nếu nói không phải mùa Xuân, tại sao đóa tường vi lại tỏa ngát hương tình yêu thánh thiện như bờ môi em dịu dàng đầu ngày nắng chảy, hỡi em yêu dấu.

năm Anh đã qua đi những con dường mùa Xuân tuổi nhỏ những con đường mùa Xuân tình yêu. Với em. Để bây giờ lặng lẽ anh ngồi tưởng tiếc. Sao tiếng còi rền rĩ khói sương của con tàu ọp ẹp dồn nén tình thương mùa Xuân ấy lại nỡ nuốt chửng đi lời ca của con họa mi và hương thơm của cánh hoa hé nhụy và màu xanh của cỏ cây sông núi, chỉ còn để lại tiếng thổn thức của những con tim như lời buồn nhỏ giọt trong đêm. Ngày mai, ngày kia, nếu anh có muốn đi tìm kỷ niệm, có chăng chỉ còn là những chùm sao âm thầm ngó xuống một dòng sông ánh bạc, ôi những chùm sao như những nốt nhạc lung linh trong một bản luân vũ chóng mặt của con người.

sáu Trên tàng cây cao lót gió đằng kia, hình như là đã xôn xao lắm lời chào gọi mùa Xuân, đã vui tươi lắm những lộc non vừa trổ. Sao mãi mà mùa Xuân không thấy về. Anh muốn ôm mặt khóc vì con chim sơn ca vừa hót sai một nốt nhạc xấu hổ hay sao mà rơi xuống đất. Tội nghiệp cho nó quá, hở em, bây giờ thì chả còn tiếng rung thụ cầm ngày cũ để vỗ về nỗi xa xót của con chim bé nhỏ. Nhưng thôi, hỡi em yêu dấu, đừng khóc, vì đóa tường vi ngày xưa vẫn chưa héo úa, để anh còn nghe môi mình ngọt tiếng thơm nồng của ly rượu bồ đào chưa một lần uống cạn.

bảy Bây giờ, có ai biết đâu mà đi đưa đám mùa Xuân. Tất cả mọi người mọi vật đang mong đợi mùa Xuân trở lại, chẳng lẽ một mình anh lại cứ ưu tư ngồi nhìn con chim xõa cánh mà đinh ninh mùa Xuân đã chết. Thì thôi, chim ơi, em hãy cố nằm đấy và hót lại dạo khúc tơ vang đầu tiên. Ngày nào giọng hót em còn cất lên, dù bé nhỏ, thì mùa Xuân vẫn không thể chết. Và thời gian, nồng ấm tình thương mến của anh, sẽ kẻ lại ô nhạc cho em, hỡi em yêu dấu. Như thế thì mùa Xuân sẽ tung cánh theo em trở về và tiếng thụ cầm sẽ lại rung lên những đường tơ cũ và đóa tường vi sao lại không biết thơm ngát tình yêu thánh thiện cho nắng lên ngọt môi người tình bé bỏng. Lúc ấy, chúng ta sẽ cùng nhau nâng ly rượu bồ đào, cho chảy ngát âm thanh trên môi anh môi em. Thơm như lời ru con chim sơn ca líu lo trong vườn mắt em xanh biêng biếc.

tám Hỡi em yêu dấu, anh muốn được cùng em thổi về bầu trời tháng chạp hôm nay những cánh hoa tình yêu ngạt ngào lời hạnh phúc miên man.

GAMMY      

(Trích từ bán nguyệt san Ngàn Thông Xuân Nhâm Tý, 1972)