Tại
dãy núi Hy Mã Lạp Sơn, có một khu rừng rậm chạy dọc theo một con suối.
Cạnh bờ suối có một cây xoài to, trái quanh năm. Cây xoài ấy, chính là
giang san của một đàn vượn hay nói đúng hơn là một loài vượn, ước chừng
năm sáu ngàn con, chúng sống dưới sự chỉ huy của một con vượn chúa. Vượn
chúa rất khôn ngoan, nó thường dặn đám vượn dân: "hãy ăn xoài khi nó
còn xanh".
Đám
vượn vâng theo lời căn dặn ấy. Nhưng, không thể ngờ được. Có một trái
xoài to bị tổ kiến lấp đi nên chúng không tìm thấy. Theo thời gian trái
xoài chín. Và đến một hôm trái xoài ấy rụng xuống suối theo giòng nước
trôi đi. Sau vài ngày lênh đênh trên giòng nước, trái xoài ấy tấp vào
bờ, chỗ vua xứ Ấn Độ thường tắm.
Như
thường lệ, buổi nào nhà vua cũng đi tắm. Đang tắm, bỗng nhiên mắt nhà
vua sáng lên vì thấy một trái gì to lớn, màu vàng, thơm ngát. Nhà vua
truyền cận vệ vớt trái xoài lên, và đem đến cho ông. Nhà vua ăn thử,
thấy nó ngon và thơm làm sao. Nhà vua hỏi: "Trái nầy ở đâu thế các
khanh? Trẫm chưa bao giờ ăn được một trái nào mà thơm, ngon như thế!"
Một lão thần, biết rõ cây xoài và đám vượn, nên tâu rằng:
- Tâu bệ hạ, trái xoài nầy ở về miền thượng lưu của giòng sông nầy. Nó là đồ ăn cho loài vượn.
Nhà vua ngắt lời:
-
Phạm thượng thế kia à? Ta chưa được ăn mà loài vượn dám ăn trước ta.
Cận vệ đâu! Truyền lệnh cho ba quân biết rằng ngày mai ta sẽ thân chinh
đi dẹp lũ nầy.
*
Màn
đêm đã buông xuống. Bóng tối đã bao trùm lấy vạn vật. Lũ vượn kia đang
mơ màng trong giấc điệp bỗng bị đánh thức bởi những tiếng nước khua và
tiếng xì xào. Chúng lắng tai nghe. Chúng ngạc nhiên. Vì sao bữa nay lại
có tiếng người. Chúng nhốn nháo vì thấy xa xa có ánh đèn và tiếng chân
người. Chúng hốt hoảng vì thấy từng đoàn người mang cung tên lần lần
tiến về phía chúng. Chúng lại càng hốt hoảng khi thấy đám đông người ấy
dừng lại dưới gốc cây chúng ở. Chúng nghe đám người ấy nói: "Muôn tâu bệ
hạ, đúng đây rồi. Kìa, bệ hạ hãy nhìn lên. Ồ, hàng trăm, không hàng
ngàn con vượn". Một tiếng khác: "Ta thấy rồi. Ta phải trừng trị chúng
đích đáng mới được. Chúng dám ăn xoài trên đất ta". Một người khác lên
tiếng: "Tâu bệ hạ, trời tối quá. Ta hãy đợi mai rồi bắt chúng cũng không
muộn". Đám vượn đã hiểu. Chúng buồn bã. Nhưng con vượn chúa đã ra dấu
cho chúng nó hãy bình tĩnh. Vượn chúa suy nghĩ. Sau một lúc, nó đứng lên
và chạy lăng xăng, kiếm từng khúc dây rừng để nối lại. Đám vượn dân
nhìn vượn chúa làm việc nhưng chúng chẳng hiểu gì. Khi thấy dây đã đủ
dùng, vượn chúa lựa một nhánh cây gần bờ suối để buộc dây lại. Sau khi
buộc cẩn thận, vượn chúa lấy hết sức "bình sinh" nhảy qua bên kia suối
(một đầu dây buộc vào lưng nó). Hai cánh tay nó chụp được một nhánh cây
bên kia suối. Nhưng sợi dây đã thiếu một đoạn bằng thân hình của nó. Đến
bây giờ đám vượn dân mới hiểu việc làm của con vượn chúa đáng kính ấy.
Chúng lặng lẽ, theo dây để bước sang sông. Chúng đi nhè nhẹ trên mình
của vượn chúa. Chúng cảm thấy như đang dày vò trên một cái gì cao quí,
một trái tim biết hy sinh vì đồng loại. Con vượn đi sau cùng là một con
vượn rất độc ác. Nó cho cơ hội đã đến. Nó nhảy lên mình vượn chúa, nhún
lên nhún xuống. Vượn chúa cảm thấy như tim gan mình bị nát nhưng nó vẫn
cố gắng nắm chặt hai tay vào nhánh cây để cho vượn dân được an toàn. Rồi
vượn chúa mệt lả đi. Qua bên kia bờ sông, con vượn ấy nhìn lại thì thấy
vượn chúa lông lá xác xơ. Tự nhiên nó cúi mặt. Hai dòng lệ từ từ chảy
xuống. Nó đã hối hận...
Sáng
hôm sau, nhà vua mở mắt. Sau một giấc ngủ dài, nhà vua truyền lệnh đi
bắt vượn. Nhưng kìa, đám vượn đã biến mất. Nha vua đưa mắt nhìn quanh...
Thì thấy cảnh tượng cảm động ấy. Nhà vua truyền cho quân lính lên, đưa
vượn chúa xuống. Nhìn thấy vượn chúa nằm bất động trên tay quân lính,
lông là xác xơ, nhà vua cảm thấy hổ thẹn. Ông thấy mình hèn hạ trước tấm
lòng cao quí của vượn chúa. Nhà vua đã hiểu rõ thế nào là sự hy sinh
cho đồng loại.
Kiều Nhi
(Trích từ bán nguyệt san Tuổi Hoa số 78, ra ngày 1-10-1967)
Không có nhận xét nào:
Không cho phép có nhận xét mới.