Thứ Hai, 24 tháng 1, 2022

LÁ THƯ HOA KỲ - Nguyễn

  

Chị thân mến,

Đã lâu quá em không được viết thư thăm chị dù vẫn nhận được thư chị luôn. Hôm nay em vừa học xong bài cuối cùng để tuần sau thi Final Exam, chị cho em viết vài dòng chị nhé.

Thế là em đã xa nhà gần 2 tháng rồi chị nhỉ. Hai tháng nào có là bao nhưng với em nó có vẻ là thời gian đáng ghi nhớ nhất. Chị ạ, đây là những chuỗi ngày đầu tiên em phải sống trong nội trú, mà lại là khu nội trú ở cách nhà em cả vạn dặm, cả một đại dương bao la và cả lục địa Mỹ Châu rộng lớn. Phải, em đang ở đây, ở miền Bắc Mỹ này, ở một xứ mà tuyết ngày nào cũng rơi, mây ngày nào cũng thấp. Và cũng bây giờ em mới hiểu được thấm thía thế nào là kẻ xa quê!

Chị ơi,

Em đã đọc bao nhiêu là truyện về nội trú nhưng chưa bao giờ em nghĩ là sẽ có ngày em là nhân vật trong những câu chuyện đó! Những buổi cuối tuần đối với các bạn em là những ngày hạnh phúc, nhưng với em đó lại là những thời gian buồn tủi nhất! Cả Dormitory vắng lặng. Các bạn em đi chơi hết rồi còn gì. Chỉ còn một mình em, một mình trong căn phòng nhỏ. Mở cửa, nhìn ra, khu hành lang dài không một bóng người, không đến cả một tiếng động. Em quay vào, nhìn lên ảnh Bố, ảnh Mẹ, ảnh các em để tìm không khí gia đình yêu thương nhưng xa quá, xa quá rồi phải không chị. Viết thư ư? Viết từ tối hôm qua rồi! Học ư? Phải, em quay vào chồng sách nhưng nhiều lúc sách vở không làm em quên được thực tại. Cái thực tại cô đơn!

Sáng nay là sáng thứ bảy. Em vẫn có thói quen dậy sớm mặc dù hồi còn ở nhà em thích cố ngủ thêm tí nữa để đôi mắt được nghỉ ngơi em vẫn tự biện hộ cho tội lười biếng của mình như thế. Trời lạnh ghê lắm, hàn thử biểu chỉ -10 F (-23 C). Em xoay người nhìn ra cửa sổ. Một chiếc xe hơi màu trắng chầm chậm chạy qua. "Ủa, ba mợ đến đón mình về". Em nhảy vội xuống giường, chạy đến cửa sổ. Dí sát mắt vào tấm kính, em thấy chiếc xe dừng lại ngay cổng Dormitory. Em sướng mê lên. Đúng rồi! Ba mợ lại đón mình về! Làm gì bây giờ? Em chạy lại tủ quần áo. Đứng sững lại. Làm gì? Tần ngần một giây, em trở lại cửa sổ. Và chị ơi, lần này em mới tỉnh mộng. Thằng bạn em đã "chiếm" mất cha mẹ em rồi! Không, đó là bố mẹ của nó đấy chứ. Bố mẹ em? Bố mẹ nó? Rõ ràng bà ấy đang ôm nó kia mà. Rồi hai mẹ con tíu tít bước vào Dormitory. Bấy giờ em mới thấy ông bố ra khỏi xe. Em vẫn đứng, nhìn chăm chú vào chiếc xe với hy vọng thật lạ là Ba em, Mẹ em cũng sẽ bước ra khỏi xe đó. Nhưng cái hy vọng mỏng manh đó cũng tan nhanh như "hoa tuyết" vương trên tóc vậy. Chỉ một lát sau là cả ba cùng ra đến xe, ông bố xách một cái valis bé, bà mẹ xách một cái giỏ còn nó đi ở giữa nên em không biết nó có cầm cái gì không. Bà mẹ mở cửa xe rồi nhìn nó cười. Khuôn mặt bà ta trông ngọt ngào làm sao hả chị! Em chỉ biết lúc đó em ước gì có một cô tiên hiện ra, cầm chiếc đũa thần gõ nhẹ vào đầu em, đầu bạn em và ba mẹ nó để em được biến thành nó và ba mẹ nó biến thành ba mẹ của em. Em chỉ xin cô tiên cho em được hưởng một giây đổi vị thôi chị ạ, rồi ai lại trở lại người đó. Nhưng chị ơi, cô tiên nào có đến! Nhìn gương mặt rạng rỡ của bà ta, tưởng tượng đến gương mặt sung sướng của nó, em bất giác thở dài. Hình ảnh tan biến mất! Phải, chị ơi, hơi thở của em đã làm mờ tấm kính cuốn theo hình ảnh thân yêu đó! Khi tấm kính khung cửa sổ trở lại bình thường thì còn đâu nữa ngoài vết bánh xe đen ngòm trên đường tuyết trắng. Mắt em lúc này tự dưng cũng đầy nước. Em quay trở lại bàn học, ngước mắt nhìn lên ảnh cha mẹ để nước mắt dâng tràn...

Đã hai tháng rồi, hai tháng là 60 ngày phải không chị. Sáu mươi ngày với sáu mươi đêm mơ thấy về nhà. Em lại được ngồi ở cái ghế đầu bàn ăn vì tay em dài và có thể gắp thức ăn giữa bàn được. Em lại được vui đùa với gia đình, được nghe tiếng cười của mẹ, nghe bố kể chuyện vui, nghe các em, chị và anh em pha trò. Tụi em lại được trêu nhau như trong bất cứ bữa ăn tối nào khi trước. Chị ơi, rồi em cũng mơ thấy em đi học Dược. Từ hồi lên đại học, em đã trốn học khá nhiều! Hư quá phải không chị. Chị còn nhớ một buổi trưa em lại thăm chị, chị trợn mắt "Hôm nay là thứ ba, em có giờ Hóa ở trường mà". Em tỉnh bơ: "Đâu có, hôm nay không có giờ học", chị chỉ lũ sách vở em cầm ở tay: "Thế sao em mang lũ sách vở kia để làm gì". Lúc này em mới biết là mình nói dối không nên thân, tuy nhiên cũng cố chống chế: "Á... à... tại giáo sư hôm nay bị ốm!" Dĩ nhiên là lúc em nói câu này thì giáo sư đang thao thao "diễn thuyết|" trong lớp vào đúng các giờ nhân loại buồn ngủ nhất! Ngay những giờ thực tập ở dược phòng em cũng nghỉ rất đều! Tụi bạn em xì xáo "chắc nó học giỏi lắm nên hay nghỉ!" Có một lần, sau khi dưỡng sức liền một tuần lễ, em vô lớp hơi lo, hỏi thằng bạn mập: "Bồ ơi, giáo sư có điểm danh không? Thầy có biết tôi nghỉ không hả?" Anh ta nhìn em một giây rồi lại quay vào với lũ chai lọ, cười mỉa: "Không, ông ấy không có biết đâu. Nhưng bồ nghỉ nhiều thì bồ lỗ, trừ khi bồ giỏi thì không kể. Bộ bồ giỏi lắm hay sao mà bỏ thực tập hoài vậy?" Em đỏ mặt cười trừ. Không hiểu sao chưa bao giờ em chán học đến như thế. Có lẽ sau khi nghe thầy kể các "mánh khóe" của các dược sĩ, nghe các đàn anh đang học Dược kể các "affair" của thầy, em đâm ra chán nản khi nghĩ đến tương lai mình sẽ chui đầu vào guồng máy đó! Em thích đi tản bộ trên những con đường đầy cây xanh mát phía sau dinh Thủ Tướng vào những buổi chiều trốn học. Ôi! Con đường mới đẹp làm sao! Không một bóng người, chỉ có em một mình với gió và bóng mát, với những sợi nắng vàng thật nhẹ in hình lá cây trên áo. Em đi cả giờ mà không thấy mỏi. Đi để cảm thấy tâm hồn thật êm ả và đôi khi có những ý nghĩ nghịch ngợm nổi lên khi bắt gặp một tà áo trắng với mái tóc xõa hay buộc bím thật ngoan. "Có lẽ cô ta cũng trốn học như mình? Mà cô ta trốn học để làm gì? Rõ vớ vẩn, cái dáng ngoan ngoãn như thế thì làm gì biết trốn học". Và tự tìm câu giải đáp thật dễ dàng: "Chắc đi học trễ rồi trường đóng cửa, bà Tổng không cho vào đấy mà". Mấy bà Tổng, bà Hiệu trường nữ nổi tiếng về lãnh vực này. Em vẫn phải cười bò mỗi khi các cô em kể chuyện về các bà Tổng của họ mỗi khi họ được tiếp xúc, đặc biệt là cuộc tiếp xúc giữa đôi bên năm phút sau chuông vào lớp. Rồi em lại mơ thấy được gặp lại các bạn bè thân thiết của em. Chúng em lại đi dạo Lê Lợi như hôm cuối cùng trước khi em xa nó. Chúng em lại được ăn thịt bò khô, nộm, uống nước mía như ngày nào. Chúng em lại được ngồi cạnh nhau trên những bờ đê dài, ngửi mùi thơm của quê hương để nói với nhau về tương lai tươi sáng, để cười với nhau về những dự tính vui vui cũng như để trêu nhau nữa chứ. Chúng em lại hát cho nhau nghe những bài tình ca đẹp như bông lúa, hát những bài hùng ca mạnh như sóng đại dương và các "tương lai ca" để hãnh diện với quê hương yêu dấu. Ôi chao, bao nhiêu là hình ảnh đẹp trong giấc ngủ quá ngắn này! Để rồi bất chợt giật mình tỉnh giấc, vội nhắm mắt lại để tiếp tục giấc mơ hoa nhưng đôi khi giấc mơ không nối tiếp được, em đành bước xuống giường, nhìn thằng bạn Mỹ đang ngon ngủ với những nuối tiếc ngấm ngầm.

Chị ơi,

Em đi tìm kỷ niệm trong mưa tuyết lạnh lùng. Em đi tìm kỷ niệm giữa những hàng tùng xanh ngắt. Đội chiếc mũ vàng mẹ đan, quấn chiếc khăn quàng vàng mẹ đan quanh cổ, em xỏ hai tay vào chiếc túi của cái áo khoác dầy, bước đi với bao nhiêu tưởng tượng trong óc! Và em đã sung sướng với những tưởng tượng đó. Đây là "đại lộ Cường Để" này, em bước đến gần "Hải quân công xưởng" rồi quẹo ra Nguyễn Du, đi qua nhà thương "Đồn Đất", băng qua "đại lộ Hai bà Trưng" rồi tới "nhà thờ Đức Bà". Ơ, sao "nhà thờ Đức Bà" chiều nay đóng cửa? Mới có 5 giờ chiều thôi mà. À, đây đâu có phải nhà thờ Đức Bà ở Saigon đâu, đây là nhà thờ của người Mỹ và người Mỹ thì họ không đi lễ vào ngày thường, giáo đường mở cửa cho ai vào bây giờ! Thôi kệ, cứ đặt đây là nhà thờ Đức Bà đi. Rồi em lại tiến bước và đặt tên bằng tiếng Việt thay tiếng Mỹ. Kể ra cũng vui chứ phải không chị. Thật em nghịch quá, tụi Mỹ mà biết, dám họ tưởng em Việt Nam hóa nước họ lắm à! Em đi qua một trường tiểu học, bọn trẻ con Mỹ đang chơi trò ném tuyết. Một "trái tuyết" từ đâu bay tới đụng mạnh vào lưng, em quay lại, một thằng bé con giơ tay chào: "Hello!". Em cười, thảy trả lại một nắm tuyết và nắm tuyết đó mang em lại gần tụi nhóc Mỹ. Thế là em tham dự trò chơi thật tự nhiên, em và hai nhóc con một phe, còn phe kia có năm nhóc, vui ghê chị ạ. Dĩ nhiên là phe em toàn thắng, năm nhóc kia bị ăn tuyết tơi bời, quần áo xốc xếch, trông dễ thương ghê đi chị ạ, các bàn tay be bé giơ lên vẫy chào từ biệt, bước đi xa rồi mà em như còn nhìn thấy, các đôi môi đỏ, các đôi má hồng hồng ấy, thương ơi là thương! Em đi mãi, đi hoài mà không thấy mỏi, đi cho đến lúc hai má tê tái em mới chịu trở về trường. Không hiểu sao em nhớ nhiều kỷ niệm quá! Cả bao tháng nay, em không nghe được một tiếng gọi của mẹ, của bố, cả bao tháng nay em không nhận được một tiếng cười, một câu đùa của các em, chị, anh em. Cả bao tháng nay, em không được trêu lũ bạn em lấy một câu như ngày xưa cũ, chắc tụi nó sướng lắm chị nhỉ. Em không hiểu sao em thích trêu tụi nó thế? Tên nào cứ mở miệng nói câu gì là em lại sẵn sàng "thọc" vào một câu để cười, nhiều khi tụi em giận nhau cả tuần vì cái tính "kê tủ" của em! À, hình như chị cũng là nạn nhân của em một lần rồi phải không? Em nhớ lần đó chị gần khóc làm em cụt hứng, bấm tay thằng Việt để ra về, hôm sau định xin lỗi nhưng chắc chị "quên" mất nên em cũng "giả đò" quên luôn! Vui chị nhỉ? Em thèm gọi một tiếng Ba, Mợ mà không thể được ngoài câu: "Ba mợ ơi, hôm nay con học chăm lắm đó, ba mợ thích nhé" trước khi đi ngủ, hoặc: "Hôm nay con sẽ học chăm hơn hôm qua nhe nhưng ba mợ ơi, có lẽ lười hơn vì giờ này con mới thức dậy mà con mắt cứ đòi đi ngủ nữa cơ. Ghét ghê đi nhưng thôi, con sẽ cố vậy!" khi em vừa bước xuống giường nhìn mình trên chiếc gương treo ở cửa. Nếu có ai hỏi "Vấn đề gì khiến anh gặp khó khăn nhất khi theo học ở đây, có lẽ em sẽ không ngần ngại đáp ngay: "Nhớ nhà!" Phải, nhớ nhà, đối với em, là vấn đề lớn hơn cả Anh Ngữ. Với Anh Ngữ, em có thể dùng tự điển để khắc phục chứ nhớ nhà thì làm gì có tự điển để dùng bây giờ hả chị? Thật kỳ quá!

Chiều nay, tuyết cũng rơi nhiều lắm và tuyết càng rơi, em càng cảm thấy buồn, cái buồn thật kỳ lạ, thật khó diễn tả cho người khác biết. Tuyết rơi nhiều nhưng sao không thể nào lấp được cái trống rỗng, cái cô đơn trong lòng em chị nhỉ? Chiều thứ bảy tuần trước, em đi dạo quanh thành phố như thường lệ. Trong óc em tưởng tượng ra toàn hình ảnh thân yêu của gia đình: Ba đang làm gì nhỉ? Còn Mẹ, bây giờ Mẹ đang làm gì? Và tự trả lời lấy, tự tưởng tượng ra những hình ảnh thật linh hoạt đang nhảy múa trước mắt để cảm thấy gia đình thật gần gũi, thật âu yếm. Đang đi trong tưởng tượng đó, bất chợt, một hình bóng thật quen thuộc hiện ra bên kia đường. Phải, một người đàn bà Mỹ nhỏ bé đang dẫn một cậu bé đi dưới bầu trời tuyết. Chao ơi! Sao dáng đi của bà ta giống Mẹ em thế hả chị. Khi đi qua em, bà ta mỉm cười, không hiểu sao, em quay gót băng qua đường để đi sau lưng người đàn bà đó. Hình của Mẹ em tràn ngập trong hồn, hiện ra trước mắt với cái dáng muôn đời em không quên được! Em đi theo như một cái mày, hết đường này qua đường khác. Có lẽ bà ta biết em đi sau nên đôi khi đi thật chậm lại, nhưng chị ơi, em không thể bước lại ngang hàng bà ta được! Em không dám bước lại quá gần bà ta vì em hiểu, câu đầu tiên và chỉ câu đầu tiên thôi cũng đủ làm tan vỡ hình của mẹ em trong óc. Vì thế khoảng cách giữa em và bà ta bao giờ cũng đủ để "em nhìn thấy mẹ em". Giây phút đó mới ấm áp, mới hạnh phúc làm sao hả chị? Rồi bà ta bước đến một ngôi nhà thật xinh, ngôi nhà màu hồng đó, và dừng lại trước cửa. Một giây, hai giây...! Em nhìn bà ta, muốn kéo thời gian lại, muốn thu trọn vẹn cái hình ảnh đó trước khi bà ta bước vào nhà. Cánh cửa mở ra, bà ta quay lại nhìn em cười và giơ tay lên chào. Đầu óc em không hiểu sao lại tưởng bà ta mời mình vào nhà! Em cười, có lẽ nụ cười lúc đó đẹp lắm, rồi bước thêm một bước. Cái bước chân nhỏ bé tiến lên của em đưa "Mẹ em" vào nhà và cánh cửa... khép lại!! Em đứng sững lại một giây, nghẹn ngào dâng lên, tủi buồn dâng lên, nhìn cánh cửa khép kín, đóng chặt "Mẹ em" ở trong đó, em lại lầm lũi tiến bước. Lúc đó tuyết rơi thật nhiều, thật nhiều và lúc đó, em cũng không hiểu em nghĩ gì nữa...

Chị ơi,

Càng viết, cô đơn càng nhiều, em không thể nào viết thêm nữa. Hẹn chị lần sau nhe.
 

Em           
NGUYỄN     

(Trích từ bán nguyệt san Tuổi Hoa số 169, ra ngày 15-1-1972)


 

Không có nhận xét nào: