Thứ Năm, 20 tháng 1, 2022

MÙA XUÂN CHIM ÉN - Nguyễn Thị Mỹ Thanh

  


1
 
Vũ ngắt nhẹ một ngọn lá, đưa lên mũi ngửi. Hương ổi thơm nhẹ nhàng. Đưa mắt nhìn ra cổng, Vũ thấy cây mai hình như tươi hẳn lên. A! Những nụ hoa vàng đã chớm nở rồi kia! Vũ thoáng nghe một niềm vui là lạ dâng lên trong lòng.

Mùa xuân đã đến rồi sao? Tết đến rồi sao? Và tuổi của Vũ lại thêm lên một tí sao? Ồ! Thêm một tí cũng không hề gì. Chẳng là Vũ vẫn còn bé lắm cơ mà! Mới là mười hai tuổi thôi! Vũ mong lắm, Vũ thích lắm. Vũ nghĩ đến Tết mà nôn nóng thế nào ấy!

Nhưng cái mà Vũ để ‎ý đến nhiều nhất là cây mai trước cổng kia! Từ mấy tuần nay, ngày nào Vũ cũng ra sân lo “chăm sóc” cây mai – gọi là “chăm sóc” chứ có gì đâu, Vũ chỉ đưa mắt tìm những chồi non trên cao, và lấy cây khoèo những chú sâu bám trên lá xuống – Mà chỉ riêng có năm nay, không hiểu sao Vũ lại mong hoa mai chóng nở. Chắc chẳng ai hiểu Vũ muốn thế để làm gì đâu. Vũ giấu kín trong lòng, không nói với ai. Thật thế, nếu nói ra chắc ai cũng phải cười và nhạo Vũ ghê lắm, vì… Vũ chỉ mong có chim én về.

Vũ mong chim én về!!! Hôm tháng trước, cái Liên bạn Vũ tặng cho Vũ một tấm hình tự tay nó vẽ, hình con chim én bay gần cành mai vàng rực. Sau lưng tấm hình, Liên đề: “Tặng Vũ đó, đừng chê Liên vẽ xạo nghen!”. Vũ nghĩ có lẽ cái Liên vẽ “xạo” thật, nhưng tấm hình đẹp quá, làm Vũ thích quá! Rồi bỗng nhiên Vũ đâm ra mơ ước… ước sao trên cây mai nhà Vũ có chim én bay đến lượn quanh như thế này. Mà hoa mai phải nở đều, vàng rực như thế này mới đẹp. Vũ ước ao được thấy chim én một lần, thấy chim én thật chứ không phải trong sách. Trong sách có thiếu gì hình, song Vũ chỉ muốn nhìn ở ngoài thôi! Vì thế nên ngày nào Vũ cũng ra nhìn xem cây mai đã nở được cái hoa nào chưa. Vũ mong mùa xuân, mong Tết, và mong có chim én về…

– Chị ơi! Có bác Hai ở nhà không?

 Giọng nói nào nghe thật êm, nhẹ, cất lên sau lưng Vũ. Vũ quay lại. Một cô bé trạc bằng Vũ đứng ở đấy, bên cây mai. Cô bé mặc một bộ quần áo không mấy tốt lành gì cho lắm. Mái tóc xõa ngang vai và lòa xòa trên gương mặt ốm, xanh. Vũ hỏi:

– “Ấy” hỏi má tôi hả?

Cô bé gật đầu, nét mặt không lộ vẻ gì cả.

– Để làm gì vậy, “ấy”?

– Dạ mợ em có chuyện cần muốn gặp bác Hai.

– Mợ của “ấy” là…?

– Dạ mợ của em ở kế bên nhà chị a tề! Bà Năm thợ may nờ.

Vũ “à” một tiếng:

– “Ấy” đợi tí nhé!

Rồi Vũ chạy vào nhà gọi má Vũ. Khi Vũ trở ra, cô bé vẫn còn đứng ở đó, dáng dấp bé nhỏ hầu như bất động. Vũ thấy thương thương cô bé chi lạ. Vũ đến nắm tay cô bé:

– “Tớ” nói má “tớ” sang nhà mợ của “ấy” rồi. Nè! Bây giờ “ấy” vào sân chơi với “tớ” đi! “Tớ” có bộ son nồi đẹp lắm! “Ấy” chơi bán bún với “tớ” không?

Cô bé ngần ngừ một lát, rồi gật đầu. Hai đứa dẫn nhau vào sân. Vũ ngồi xuống ghế xích đu. Cô bé vẫn đứng yên. Vũ bảo:

– Kìa, “ấy” ngồi xuống đây chơi đi!

Vùa nói Vũ vừa kéo tay cô bé ngồi xuống. Xong Vũ lấy trớn đu mạnh. Chiếc ghế xích đu đưa tới đưa lui vun vút. Mặt Vũ mát lạnh vì hơi gió. Vũ cười khoan khoái:

– Sướng há “ấy”!

Nhưng Vũ thấy cô bé như hằn vẻ sợ hãi trên nét mặt, tay bấu chặt lấy thành ghế. Vũ lấy làm lạ, vội ngừng ngay không đu nữa, thắc mắc:

– Bộ “ấy” không thích xích đu hở?

Cô bé gật đầu. Vũ hơi ân hận, không biết phải tìm trò gì để cô bé chơi cùng. Chợt nhớ ra cây mai của mình, Vũ chỉ cho cô bé:

– Nè “ấy” ơi, “tớ” có cây mai đẹp lắm, nó gần nở hoa rồi. Chắc Tết này nó nở ngập hết.

– Rứa à?

– Ừ! “Ấy” có thích hoa mai không?

– Có.

– Thế thì ngồi xuống đi, “tớ” nói cái này cho nghe.

Cô bé rụt rè ngồi xuống, run run:

– Nhưng mà… chị đừng có đu nữa hỉ!

Vũ cười to. Những tiếng “tề, hỉ, rứa…” của cô bé nghe dễ thương ghê là! Vũ nắm tay cô bé, kể cho cô bé nghe ý nghĩ của Vũ:

– Nè “ấy” ơi! “Tớ” mong mau đến Tết, để cây mai của “tớ” nở hoa. Để làm chi, “ấy” biết không? “Tớ” nói, cấm “ấy” cười “tớ” nhé! Để cho chim én nó bay đến, cho “tớ” ngắm. Tớ thích chim én lắm. Mà không biết chim én có thèm bay đến cành mai không hở “ấy”? Không biết chim én có thích về Sài Gòn không nhỉ? Chim én… nó ở đâu, hở “ấy”?

– Em… không biết.

– Vái Trời chim én nó đến, “ấy” nhỉ! Chà, chắc là đẹp hơn cả trong hình bạn “tớ” vẽ nữa. Để khi nào chim én về, “tớ” gọi “ấy” sang xem nhé!

– Dạ.

Vũ vẫn cứ nói huyên thuyên:

– Đến mồng một Tết chắc là hoa mai nở hết cả nhỉ! Nè “ấy” xem, mới hôm nay mà nụ đã đầy cả rồi kìa! Cả chồi non cũng đầy cả. Mà… “tớ” chỉ ghét mấy con sâu, “tớ” oán chúng lắm…!

Vũ lại nắm tay cô bé đứng dậy, chỉ lên cây mai, trầm trồ:

– Đó “ấy” xem! Chúng ăn hết mấy cái lá, sâu hết. Nhưng chả sao, há “ấy”, sẽ còn nhiều lá nữa mà. “Ấy” thấy hoa mai đẹp không hở “ấy”? Đẹp không???

Nhưng khi nhìn qua, Vũ ngạc nhiên vì cô bé vẫn cúi đầu xuống, không nhìn theo Vũ. Vũ bực mình, nói giọng hơi gắt:

– Bộ… bộ “ấy” không thèm nhìn à? Hở… “ấy”?

Cô bé ấp úng trong miệng, ngại ngùng ngước mặt lên. Bây giờ Vũ mới thật nhìn rõ mặt cô bé. Và Vũ suýt buộc miệng kêu. Vũ ngỡ ngàng. Gương mặt xanh xao kia, chiếc mũi thon nhỏ kia, làn môi dễ thương kia… Nhưng đôi mắt thì trắng đục và không còn vẻ gì là tinh anh. Đôi mắt ấy, hoàn toàn bất động khiến cho cả khuôn mặt của cô bé mang một vẻ ngây dại lạnh lùng.

Vũ lắp bắp:

– “Ấy”… “Ấy” đừng buồn “tớ” nghen!

Cô bé nhếch môi khẽ cười. Vũ lại dìu cô bé ngồi xuống ghế xích đu.

– Vậy… vậy lúc nãy… làm sao “ấy” biết có “tớ” ở đây?

– Em nghe tiếng chị hát, em biết.

– “Ấy” hay quá! “Ấy” tên gì?

– Hoài.

– “Tớ” tên Vũ, nghe “con trai” không Hoài?

– Không, hay lắm chứ!

Vũ nhìn sâu trong đôi mắt Hoài:

– Hoài mới về ở với dì Năm hở?

– Dạ. Hoài là cháu gọi dì Năm bằng mợ. Hoài về đây đã gần một tuần rồi.

– Thế ba má Hoài đâu?

– Ba má Hoài hở? – Đôi mắt trắng đục kia bỗng nhướng to lên như cố tìm thấy một hình ảnh nào đó, và giọng Hoài run run – Ba má Hoài mất rồi, cả anh em Hoài nữa. Nhà Hoài hồi đó ở Quảng Trị. Rồi đánh nhau… Xóm Hoài cháy rụi. Không ai chạy đi đâu được. Hoài là người sống sót duy nhất trong gia đình. Khi Hoài tỉnh dậy, Hoài không còn thấy đường nữa Vũ ơi! Khói bom đạn đã làm mù mắt Hoài. Hoài khóc luôn Vũ à! Hoài không được về xóm, không được gặp ai quen. Rồi… mợ Hoài trong ni ra ngoài nớ lãnh Hoài về nuôi đó Vũ.

Hoài kể một hơi, rồi ngồi lặng yên, không khóc nhưng gương mặt in đậm vẻ đau đớn buồn tủi. Còn Vũ, Vũ nghe toàn thân như lạnh giá, và Vũ chợt thấy nước mắt Vũ đang rơi…

 

2

– Hoài ơi! Hoài nè!

– Gì rứa, Vũ?

– Gần Tết rồi đó Hoài.

– Ừ há, gần Tết rồi, Vũ có áo mới chưa?

– Áo mới hở? Chưa. Còn Hoài?

– Cũng chưa. Nè, Vũ ơi!

– Gì thế Hoài?

– Vũ… Vũ có thấy chim én lần mô chưa?

– Có, có một lần… một lần Vũ đi Đà Lạt, Vũ thấy trên nóc lầu cao ở hãng máy bay ấy, có một cái tổ chim én. Cái tổ trông như một tấm lông thú màu vàng vàng. Vũ thích quá. Vũ nhón lên đợi chim én bay ra, nhưng chúng nó còn ngủ hay đi chơi không biết, nên Vũ chả thấy gì hết, mà lại còn bị lóa mắt vì mặt trời chiếu vào nữa.

– Hic hic! Vậy là Vũ không được thấy hỉ!

– Ừ, nhưng Vũ biết chim én rồi! Ở trong sách hình đó. Vũ mong có chim én bay đến đậu trên cây mai của tụi mình, chắc là đẹp lắm Hoài nhỉ!

– Rứa chim én trong sách hình có đẹp không, Vũ?

– Cũng đẹp chứ! Ủa, mà Hoài chưa biết chim én hở?

– Chưa nơi! Hồi trước chiều chiều Hoài hay thấy chim quạ bay tới. Chim quạ đen và kêu khiếp ghê lắm. Hoài ghét chim quạ lắm Vũ nờ.

– Ừ, Vũ cũng ghét chim quạ. Chim én đẹp và thanh chứ không xấu xí hung dữ như chim quạ đâu!.

– Hoài thích gặp chim én lắm! Xuân về chắc là có chim én, Vũ hỉ!

– Vũ… không biết. Chắc là có chứ!

– Nhưng… nếu có chim én về, Hoài cũng không nhìn chim én được. Vũ ơi, Hoài hết thấy đường rồi! Chim én ơi!…

– Hoài, Hoài nín đi! Rồi Vũ sẽ… sẽ… À thôi, Hoài nín mau, Vũ đem bộ son nồi ra đây chơi bán bún với Hoài, nghen!

– Chim én ơi!!!

 

3

Vũ khoan khoái đưa tay sờ lên túi áo cồm cộm. Nụ cười vui sướng nở trên môi. Vũ hình dung ra nét mặt dễ yêu của Hoài. Và đôi mắt của Hoài sẽ không làm Hoài buồn nữa, vì….

Vũ chạy nhanh ra sân. Lạ! Sân nhà Vũ sao hôm nay cũng tươi hẳn lên. Những ngọn lá, cành cây như xanh thêm lên. Hoa cỏ như cười với Vũ. Nhất là ngoài cổng, cây mai của Vũ được thêm vài nụ hoa mới nở nữa.

Vũ đứng ngay dưới gốc mai, gọi với sang nhà Hoài:

– Hoài ơi! Hoài nè!

Hoài đang đi qua kia! Hoài đã đi thuộc con đường này nên không còn mò mẫm chậm chạp nữa. Vũ nấp sau gốc cây, hỏi:

– Đố Hoài biết Vũ ở đâu?

Hoài dừng chân lại nghe, rồi cười:

– Ở sau cây mai chứ chi!

Vũ chạy ra, nắm tay Hoài:

– Sao Hoài tài vậy?

– Ừ, thì Hoài nghe, Hoài ngửi, Hoài sờ… phải giỏi để bù lại…

– Hay quá! Bi giờ Hoài trổ tài cho Vũ xem đi nghen!

– Cái gì vậy? – Hoài ngạc nhiên.

Vũ kéo Hoài vào sân, ngồi lên ghế xích đu. Dáng Hoài ngồi nhỏ bé, bàn tay gầy ốm vịn chặt thành ghế. Những sợi tóc vướng vướng ngang mày Hoài. Đôi mắt Hoài như ngó chăm chăm vào một chỗ. Trông Hoài yếu đuối tội nghiệp quá! Vũ siết chặt tay bạn, thương mến. Hoài hỏi nhỏ:

– Cái gì vậy Vũ?

Vũ cho tay vào túi áo, rút cái hộp ra, đặt vào tay Hoài:

– Cho Hoài nè, Hoài mở ra đi!

Hoài mò mẫm mở nắp hộp. Vũ nín thở theo dõi từng động tác của Hoài. Hoài dùng ngón tay trỏ sờ lên bản gỗ lồi lõm đặt trong hộp. Ngón tay đi từ chiếc đầu bé nhỏ, ra đến một cái cánh thanh tao, sang một cánh nữa, rồi ngừng lại ở chiếc đuôi dài. Rồi hai ngón tay, ba ngón tay… cả một bàn tay gầy ốm của Hoài vuốt nhẹ mơn man trên bản gỗ. Đôi mắt trắng đục không còn vẻ tinh anh của Hoài hướng về phía Vũ, mở thật to lên như muốn chọc thủng màn u tối để nhìn thấy hình ảnh người bạn. Và môi Hoài nở một nụ cười thật tươi, thật sung sướng.

Vũ khẽ hỏi:
 
– Đẹp không Hoài?

– Đẹp…, xinh lắm… Vũ à!

Giọng Hoài xúc động. Vũ hân hoan:

– Chim én này do Vũ khắc đó! Vũ xem hình trong sách ấy mà! Hoài… Hoài biết chim én rồi há!

– Ừ, chim én đẹp ghê Vũ hỉ! Nó thanh chứ không xấu và ác như chim quạ hỉ!

– Chứ sao! Chim quạ đem chết chóc tới, còn chim én mang mùa xuân về mà!

Vũ chợt thấy vẻ mặt của Hoài trở nên xa xăm. Hoài lặng yên. Vũ cũng lặng yên. Vũ nghĩ đến những việc gì Vũ phải làm nữa để an ủi Hoài, để xoa dịu nỗi buồn của Hoài, người bạn xấu số mơ ước thấy chim én hơn cả Vũ nữa. Còn Hoài, Hoài nghĩ đến những ngày sắp tới luôn luôn có Vũ bên cạnh, vui đùa, kể chuyện với Hoài, giúp Hoài quên đi những ngày hãi hùng đầy dẫy bóng quạ đen.

… Rồi Hoài gọi:

– Vũ ơi!
 
– Ơi!
 
– Sao… sao Vũ thương Hoài rứa?
 
– Hoài hỏi… kỳ!
 
Hoài bật khóc. Nước mắt nhỏ ra, rơi rụng trên con chim én gỗ trong tay. Vũ ôm vai bạn, chỉ lên cành mai đang trổ hoa vàng:
 
– Hoài ơi! Hoa mai nở nhiều rồi kìa! Chắc ngày mai chim én đến chơi với mình Hoài nhỉ!
 
 
Nguyễn Thị Mỹ Thanh     
 
 (Trích từ tạp chí Tuổi Hoa Xuân Kỷ Dậu, 1969) 


 

Không có nhận xét nào: