Thứ Năm, 27 tháng 1, 2022

MƠ XUÂN - Trần thị Hậu

  

Sáng nay thức giấc mở cửa sổ nhìn ra vườn – một cảm giác bâng khuâng chợt đến với Thơ. Mình đã lớn rồi ư? Mười sáu mùa Xuân đã qua, bây giờ Thơ đã thật sự bước ra khỏi cái tuổi hồn nhiên – tuổi chỉ cho Thơ mật ngọt, kẹo ngon chưa nhỉ? Dù sao Thơ cũng có một chút hối tiếc, bâng khuâng. Thơ chỉ nghe một chút hối tiếc nhưng không ao ước để được sống lại những ngày bé bỏng ấy. Thơ quan niệm không phải chỉ cái tuổi hồn nhiên là tuổi đẹp nhất mà biết đâu ở cái tuổi mới lớn này Thơ cũng sẽ gặp những cái hay, cái đẹp diễm tuyệt nhất đời người. Trước mắt Thơ bây giờ chỉ là một màu hồng tuyệt đẹp. Những giọt sương mai kết đọng lại tạo thành ước mơ của Thơ. Mùa Xuân năm nay Thơ sẽ ước mơ gì nhỉ? Có còn là những mộng mơ bé tí và dễ thương như con mèo, con cừu hay là những mộng mơ sẽ đến với Thơ? Thơ chợt mỉm cười – sáng nay mình chẳng được mơ mộng lâu hơn thế nữa. Phải xuống giúp mẹ làm bánh mứt chứ. “Con gái lớn rồi phải lo việc nội trợ” mẹ chẳng thường nói với Thơ thế à. Chiều lại Thơ còn phải đi lựa hàng may áo Tết. Chẳng như mấy năm trước việc này mẹ lo cho Thơ cả. Năm nay thì khác rồi – Mẹ cũng thấy Thơ lớn rồi chẳng lẽ theo mẹ sắm áo đầm như “lũ nhóc” sao.

*

Chợ Sàigòn mấy ngày gần Tết chen chân không nổi. Thơ phải cực nhọc lắm mới chen được vào hàng vải. Thôi thì đủ thứ hàng, thứ màu. Thơ hoa cả mắt – màu nào cũng đẹp cũng xinh làm Thơ phân vân chẳng biết chọn. Màu này đẹp tệ nhưng da mình đen quá mặc coi sao được. Màu này để ngoài hay mà ướm vào người trông vô duyên tệ. Màu này được nhưng mặc trông già quá. Chao ơi! Sao khó chọn khó lựa thế nhỉ! Phải chọn mua mau còn về nữa chứ. Cực nhọc một lần nữa Thơ mới chọn được màu thích hợp cho mình và chen được ra ngoài áo Thơ đã ướt đẫm mồ hôi. Phải thế này để mẹ đi cho rồi – mọi năm có mẹ mình đâu cực thế này. Ra ngoài Thơ dễ chịu đôi chút. Mới hơn 4 giờ – Thơ còn đủ thời giờ để tới tập hát cho các em. Thơ ghé vào tiệm mua một ít bánh kẹo rồi thẳng vô cô nhi viện – giờ này có lẽ các em đang đợi Thơ.

Thơ dừng xe trước cổng cô nhi viện. Cả một sự nhộn nhịp, vui vẻ ở chợ Bến Thành không còn nữa. Nơi đây chỉ có im lặng và buồn bã. Trong sân, dưới gốc cây mận vài em tụm lại to nhỏ nói chuyện. Các em nhỏ ngồi nghịch đất, nghịch cát. Trông các em bình thản vô tư lạ. Trong này hẳn các em không hề biết ngoài kia thiên hạ đang nô nức đua nhau đi sắm Tết. Một em chợt nhìn lên thấy Thơ reo to:

– Chị Thơ đến! Chị Thơ đến tụi bây ơi!

– Có bánh kẹo nữa, nhiều quá! Cho em chị Thơ nhé!

– Cho em nữa!

Mấy em không nói, không tranh được mếu máo khóc. Cho chiếc Honda “an tọa” xong Thơ mới bắt đầu phát bánh kẹo cho các em. Nhìn những nét mặt hân hoan của các em khi trong tay có chiếc bánh, chiếc kẹo Thơ như vui lây. Bé Bi khoe:

– Em thuộc bài hôm trước chị Thơ dạy rồi, để em hát chị nghe.

– Tao cũng thuộc, để tao hát cho chị Thơ nghe.

– Em này chị Thơ, em cũng thuộc bài đó.

Thơ khen:

– Các em giỏi lắm! Chừ em nào cũng thuộc vậy chị đề nghị các em hát chung nhé! Chị đếm này – một hai:

Chúng mỉnh, chúng mình
Xinh xinh, bé bé
Bé bé, xinh xinh.

– Hôm nay kể chuyện chị Thơ nhé! Em thích nghe chuyện “cô bé Lọ Lem”.

– Hôm nọ chị đang kể dở tới đoạn cô bé Lọ Lem không có áo quần đẹp đi dự tiệc ngồi khóc hu hu.

Thật thân ái Thơ ngồi giữa các em kể nốt câu chuyện: “Khi các chị đi cả rồi Lọ Lem nghĩ tới thân phận mình thì buồn tủi. Cô bé cũng thích đi dự tiệc nhưng chẳng có áo quần đẹp như các chị. Lọ Lem ngồi ôm mặt khóc. Chợt bà Tiên hiện ra hỏi: “Sao con khóc?” Lọ Lem thật tình kể sự tình cho bà Tiên nghe. Bà Tiên thương Lọ Lem là một cô bé ngoan ngoãn nên dùng đũa thần biến áo quần rách rưới của Lọ Lem thành áo quần sang trọng đẹp đẽ…

Thơ vừa dứt câu chuyện thì chuông reo báo hiệu giờ cơm cũng vừa đổ. Các em sắp hàng đôi ríu rít về chỗ của mình. Một bữa cơm linh hoạt, vui mắt diễn ra. Các em nói cười bắn cả cơm, canh vào người Thơ nhưng Thơ không để ý. Đôi tay thoăn thoắt, nụ cười trên môi là tất cả niềm vui Thơ đem đến cho các em.

*

Chị Thơ này, có phải tiếng khóc của trẻ thơ thường làm động lòng các bà Tiên không?

Thơ nhìn vào đôi mắt có hàng lông mi dài cong vút và buồn của Mỵ, tên đứa bé vừa hỏi, để tìm hiểu câu hỏi vừa rồi. Thơ quàng tay qua vai nó, đáp khẽ:

– Phải rồi, chị vẫn kể cho Mỵ nghe. Các bà Tiên thương trẻ thơ lắm, nhất là các trẻ ngoan. Vì thế mỗi khi nghe tiếng trẻ bà Tiên thường hiện ra để an ủi, giúp đỡ.

Mỵ mơ màng:

– Nếu vậy chắc Tết này em phải khóc thật nhiều, khóc cho cả em Mi nữa.

– Sao vậy?

Mỵ vẫn mơ màng, đôi mắt nó như nhìn vào khoảng hư vô nào và buồn thăm thẳm:

– Em khóc vì năm nay bố không còn để mua áo quần cho em và em Mi. Mẹ nghèo lắm. Bà Tiên có bằng lòng cho em và em Mi áo quần mới không hở chị?

Thơ nghẹn ngào nhìn Mỵ. Với các em trong này Thơ mới quen với Mỵ mấy tháng thôi nhưng tình thương Thơ dành cho chị em Mỵ nhiều nhất. Ngày chị em Mỵ vào đây Thơ không biết. Hôm sau khi vào chơi với các em Thơ đã ngạc nhiên khi một đứa bé lên tám theo Thơ ôm cứng và khóc:

– Chị ơi chị, dẫn “con” về nhà má “con” đi chị.

Hay:

– Chị ơi chị, nhà “con” ở trên sông ấy, chị dẫn “con” ra rồi “con” chỉ đường cho. Ở trong này tụi nó hay quánh “con” lắm.

Hỏi ra Thơ mới biết chị em Mỵ là con một người bán hàng rong và một người làm thợ hồ. Trong một tai nạn khi đang làm nhà cha của hai đứa bé đã chết. Không đủ sống mẹ chúng phải gởi hai con vào đây để đi ở mướn và thỉnh thoảng sẽ vào thăm chúng. Hôm ấy con bé theo Thơ khóc mãi. Thơ dỗ dành mấy cũng không nín… nhưng rồi con bé không làm gì được và nó quen dần với nếp sống ở đây.

– Chị Thơ ơi, sao em hỏi chị không trả lời?

Thơ giật mình lau vội nước mắt, ấp úng:

– Ờ… Bà Tiên sẽ cho Mỵ và em Mi áo quần mới…

Mỵ vui mừng:

– Thật hở chị? Em ngoan em nghe lời chị hổng đòi về với má để má đi làm kiếm tiền thì bà Tiên thương chị Thơ nhỉ?

Như chợt nhớ ra Mỵ khoe:

– Ngày mốt má tới đón Mỵ và em Mi ra, má hứa rồi. Má cho tụi em về ăn Tết với má. Chị nhớ tới nhà em chơi nghe.

Thơ mải nghĩ đâu đâu không trả lời con bé. Mỵ ngạc nhiên nhìn Thơ. Nhìn khuôn mặt ngây thơ của con bé, một quyết định thoáng nhanh qua đầu óc Thơ. Thơ nghĩ đến xấp hàng may áo tết còn ở nhà của mình và Thơ mỉm cười.

*

Mấy hôm nay tối nào em cũng khóc, khóc thật nhiều nhưng bà Tiên hiền lành vẫn không đến với em. Em vẫn ngoan sao bà Tiên không thương em? Hay chị Thơ nói “xạo” chớ làm gì có bà Tiên. Nếu có thì những đứa trẻ có mẹ đi ở mướn như em đã có áo quần mới mặc Tết rồi. Nếu chị Thơ nói “xạo” thì em ghét chị Thơ lắm – báo hại em khóc cả tuần nay làm mẹ tưởng em thích ở trong cô nhi viện. Nhiều lần em cũng muốn xin mẹ, em giả vờ nhắc mẹ:

– Mẹ này, mấy đứa con nhà bà chủ chắc sắm áo Tết cả rồi nhỉ?

Mẹ trả lời cho có:

– Ờ, mẹ cũng không để ý.

Rồi mẹ nói sang chuyện khác để em khỏi nhắc nữa. Tối qua mẹ lấy mấy cái áo cũ của em và em Mi ra khâu lại, mẹ bảo để mặc Tết. Nhìn vẻ mặt buồn hiu của em mẹ rơm rớm nước mắt. Nhìn mẹ tiều tụy, gầy gò ngồi khâu áo em thương mẹ quá. Em tự hứa sẽ chẳng đòi mẹ may áo mới nữa. Em Mi nằm trong nôi say sưa ngủ, con bé chưa biết đòi gì cả.

Chờ mẹ giặt xong mấy chiếc áo em giành đem phơi cho mẹ. Tết này nhà chủ đi Đà Lạt nên họ cho mẹ nghỉ sớm. Bây giờ thì chuyện bà Tiên thương trẻ thơ không còn trong lòng em nữa. Em chỉ biết mẹ nghèo khổ, phải làm việc cực nhọc. Em chỉ mong mấy ngày Tết kéo dài để được ở bên mẹ. Nghĩ tới những ngày sau Tết phải vào cô nhi viện lại em buồn tệ.

– Mẹ ơi! Hình như chị Thơ kìa mẹ.

Em gọi mẹ rối rít khi thấy một người hao hao giống chị Thơ đang ngập ngừng trên chiếc cầu nhỏ bắc trên sông dẫn vào nhà em. Đúng là chị Thơ với chiếc áo dài trắng, tay ôm gói quà mắt dáo dác tìm kiếm. Em gọi:

– Chị Thơ! Nhà em đây nè.

Em thấy rõ nét vui mừng trên gương mặt chị khi thấy em. Chị vào nhà trao quà cho mẹ em:

– Cháu có ít quà biếu bác và hai em, xin bác nhận cho cháu.

Mẹ em nhìn chị nghẹn ngào, cảm động:

– Cám ơn cô nhiều quá. Tôi nghe em Mỵ nói nhiều về cô…

Thơ mỉm cười lấy áo đầm ướm thử cho Mỵ. Những bao giấy đỏ gói bánh mứt, chiếc áo đầm mới làm Mỵ sung sướng. Mỵ ôm chầm lấy chị Thơ mắt nhòe lệ nhưng miệng cười tươi:

– Chị Thơ ơi! Chị là nàng Tiên của em, em cám ơn chị nhiều lắm. Em Mi cũng xin cám ơn chị nữa.

Thơ vui lây với niềm vui của Mỵ. Thơ không ngờ hy sinh một chiếc áo Tết mà Thơ đã đem nguồn vui đến cho một gia đình. Thơ nghe mằn mặn ở bờ môi – cô bé đã khóc tự bao giờ.

 

Trần thị Hậu       
(Trưng Vương)     

(Trích từ bán nguyệt san Tuổi Hoa Xuân Tân Hợi, 1971)


 

Không có nhận xét nào: