Thứ Sáu, 14 tháng 1, 2022

VỀ HỌC MUỘN - Lê Chi

  

 - A! Ba về!

Nghe tiếng bé Thu reo, tôi chạy vội ra cổng. Ba tôi cho xe vào sân, ông đưa mũ cho bé Thu:

- Thu, cất mũ cho ba.

Bé Thu với cái mũ trên tay ba tôi rồi lon ton chạy vào nhà. Tôi khoe ba:

- Ba à, hôm nay má làm món mì trộn bơ!

Vừa lúc ấy má tôi gọi:

- Chi ơi, vào phụ má đi.

Tôi vừa chạy vừa đáp: "Vâng ạ."

Đồng hồ chỉ bẩy giờ kém mười lăm phút. Gia đình tôi quây quần bên bàn ăn. Má tôi hỏi:

- Thu, rửa tay chưa con?

- Rồi mà má Bé Thu nhanh nhẩu đáp.

Ba tôi vừa tắm xong, mặt ông đỏ rực. Ông hỏi:

- Thằng Hoài về chưa, Chi?

- Chắc sắp về ba ạ.

Hoài là em tôi, năm nay chín tuổi. Thường ngày cứ độ sáu giờ rưỡi nó đã về rồi. Thế mà hôm nay...

Tôi lén nhìn ba tôi: ông có vẻ giận.

Ba tôi thường rất vui tính, nhưng ông ghét nhất là giờ ăn mà không về đầy đủ. Tôi nhớ có một lần về học muộn, vì chờ mãi chẳng có xe bus. Lúc về nhà má tôi đợi ở cổng, bà nói:

- Ba chờ con.

Quả thật, ba tôi ngồi đợi ở bàn ăn. Cả nhà chưa ai ăn cơm. Tôi nhìn ba, nói nhỏ:

- Thưa ba, con về.

Ba tôi chẳng nói một lời! Bữa cơm hôm ấy thật dài và buồn bã!

Chợt bé Thu kéo tay tôi:

- Chị Chi ơi, lấy mì cho em đi.

Tôi dỗ dành:

- Chờ chút nữa rồi chị lấy cho nhé!

Ba tôi ngồi đọc báo. Má tôi đi ra phía cổng, tôi muốn đi theo, nhưng ba tôi gọi lại:

- Chi, ngồi đó. Ba hỏi.

Tôi sợ hãi ngồi im. Tôi nhìn ba, ông có vẻ giận, cằm ông bạnh ra...

Chợt ông bỏ tờ báo xuống, hỏi tôi:

- Chi, mấy giờ rồi?

Tôi nhìn đồng hồ treo tường:

- Bẩy giờ, thưa ba.

- Hừ! Thế mà nó vẫn chưa về!

Ừ, lâu quá rồi mà Hoài vẫn chưa về! Tôi lo sợ nghĩ vẩn vơ. Chắc em tôi bị phạt? Không, em tôi ngoan lắm cơ mà! Hay bị... xe cán? Tôi tưởng tượng một chiếc xe hàng phóng vụt qua đúng lúc em tôi sang đường rồi. Tôi cố xua đuổi những hình ảnh quái gở ấy đi và tự nhủ: "Không, không phải thế đâu". Nhưng hình ảnh cái xe hàng phóng vụt qua cứ lởn vởn mãi trong đầu óc tôi. Tôi nhìn ra cổng. Má tôi đứng tựa cổng, mắt nhìn về phía phố. Bé Thu nhặt, chơi mấy chiếc lá khô. Tiếng ba tôi nói làm tôi giật mình:

- Chi, mời má vào ăn cơm đi.

Tôi rón rén đi qua chỗ ba, tôi gọi má:

- Má ơi, vào xơi cơm đi má.

Bé Thu kêu:

- Vào ăn mì đi má.

Má tôi nhìn về phía phố rồi đi chậm vào nhà.

Tôi hỏi:

- Má, sao thằng Hoài về muộn vậy?

- Má chẳng hiểu...

Bữa cơm lặng lẽ trôi qua. Ba tôi ăn rất ít, ba chẳng khen má tôi nấu khéo như mọi lần. Má chỉ ăn một bát rồi đi vào nhà nằm. Bé Thu vẫn thích ăn mì lắm, nhưng thấy cả nhà không vui nên em chỉ ăn một chút rồi bảo:

- Con no lắm.

Tôi lo lắng nên quên cả ăn canh. Ba tôi nhắc:

- Chi, chan canh vào chứ.

Ăn xong ba tôi bảo:

- Dọn đi, không được để phần cho nó.

Tôi giúp má rửa chén bát, nhưng má tôi bảo:

- Con lên nhà đi.

Tôi mang sách vở ra học bài, bé Thu lại gần thỏ thẻ:

- Chị Chi ơi, vẽ cho em con vịt đi.

Bé Thu có tính hễ thấy tôi học bài là lại gần đòi vẽ. Chiều em, tôi lấy giấy vẽ.

Một lúc, Thu bảo:

- Ủa, chị vẽ cái gì vậy?

Ồ! Thì ra đầu óc để đâu đâu, tôi vẽ toàn những đường lăng nhăng!

Tôi dỗ:

- Thôi, để mai chị vẽ cho, nhé!

Bỗng tiếng chuông reo lên. Đúng Hoài rồi! Hoài hay bấm chuông mỗi khi đi đâu về. Tôi chạy ra mở cổng. Hoài ôm một cặp đầy lá cây, còn tay kia cầm sách vở. Tôi bảo:

- Vào đi! Ba đợi đó. Á, cái gì trong cặp vậy?

- Me đó Hoài hân hoan đáp.

Lấp ló ở cửa, Hoài thưa:

- Thưa ba...

Ba tôi quay lại, ông nhìn Hoài nghiêm khắc bảo:

- Vào! Thay đồ đi. À, để cặp lại đây.

Hoài lo sợ để cặp lên bàn. Cái khóa bật tung. Trời ơi! Bao nhiêu là me! Tự nhiên nước miếng đầy miệng tôi. Ba tôi nhìn đống me rồi nói:

-Chà, giỏi quá! Chi, đem đổ đi!
 
Tôi ngơ ngác. Ba tôi nói thêm:
 
- Đổ đi! Ba cấm ăn đó nghe.
 
 Tôi cầm lấy cái cặp đi vào bếp. Trời ơi! Me ngon quá! Thế mà phải đổ đi! Tiếc ơi là tiếc!

Hoài từ trong nhà đi ra. Ba tôi định mắng, má tôi đã cướp lời:

- Hoài, đi ăn cơm đi con. Lần sau đừng vậy nữa nghe.

Hoài mừng rỡ chạy vụt vào nhà trong. Ba tôi lườm má tôi, ông tiếp tục đọc báo. Tôi nghe thấy tiếng ông thở dài.

Tối hôm ấy, Hoài bảo tôi:

- Em tiếc chỗ me đó quá! Hái mãi mới được...

Tôi đáp:

- Ờ! Tiếc quá!


Lê Chi       

(Trích từ tạp chí Tuổi Hoa số 61, ra ngày 15-1-1967)
 

Không có nhận xét nào: