Thứ Ba, 11 tháng 1, 2022

MIỀN CÔ ĐƠN - Hương Kim Long

  

Nếu có một lần nào đó phải viết về kỷ niệm, về những gì thoảng qua nhưng ám ảnh suốt thời gian đằng đẵng, thì có lẽ tôi không thể nào quên được một tên:

Dì Thảo.

Dì là con út trong gia đình Ngoại, út trút gia tài, út được cưng chiều, nhưng với Dì thì trái hẳn. Dì nghèo xơ xác, trong nhà bị ăn hiếp, từ lớn chí bé. Cậu Hải, Toàn, Dì Mơ, Dì Hạnh, cả Mẹ tôi. Ngoại tôi cũng vậy. Ai cũng ghét Dì. Trí óc non nớt của tôi thủa đó chỉ mơ hồ nghĩ rằng tại Dì xấu: nước da ngăm đen, mái tóc rễ tre cứng ngắc phủ trên vầng trán gồ ghề, khác hẳn với những nét mảnh mai thanh tú của các Dì, các Cậu tôi. Tôi chỉ phỏng đoán có vậy mọi người mới ghét, xem như đứa ở gặp lúc người giúp việc trong nhà lâm bịnh, Ngoại tôi cho về làng, và Dì đương nhiên kham khổ với chức vụ mới mẻ đó. Mãi sau này trong một dịp tình cờ tôi mới biết Dì là con riêng của Ông Ngoại tôi, Mẹ Dì đã mất năm Dì được năm tuổi.

Thể xác Dì là thể xác một khu rừng hoang, tất cả thật thảm hại, chỉ có đôi mắt là rõ sáng, là tinh anh, là xoáy buốt lấy tâm hồn kẻ đối diện. Hai hồ mắt như hai biển tình thương diệu vợi chỉ có ở các Bà phước trong trường áo trắng mà tôi thường bắt gặp mỗi sáng chủ nhật theo Mẹ đi lễ. Mọi người đều ghét Dì, duy chỉ có tôi là yêu Dì nhất. Những lúc vòi vĩnh không được, tôi thường nằm quay ra đất dãy dụa khóc la, Mẹ đánh đòn thật đau, rồi Mẹ bảo:

- Con Thảo đâu, đem con Hương ra sau gò hoang thả đấy xem nào!

Dì vội ẵm tôi đi, tôi khóc thét. Sợ nhất là phải đứng ở gò hoang một mình. Những đêm khuya tối trời các oan hồn hay hiện lên ngồi vắt vẻo trên những ngôi mộ hoang lạnh. Các Cậu, các Dì thường bảo thế. Tôi bị Dì Thảo ẵm lên, vội năn nỉ:

- Dì đừng bỏ Hương, Hương sợ lắm, Hương không đòi nữa đâu.

Đi khuất mắt Mẹ tôi, Dì nói khẽ:

- Không, Dì thương Hương lắm, Dì không bỏ Hương đâu, xuống bếp ngồi chơi với Dì. Một lát, Mẹ nguôi giận rồi lên xin lỗi Mẹ.

Bên bếp lửa đầy than hồng, Dì ẵm tôi trong vòng tay thật ấm áp: Dì nướng cho tôi một củ lang, tôi vừa ăn vừa nghe Dì kể chuyện cổ tích như "Công chúa ngủ trong rừng", "Tấm Cám". Tôi yêu thích nhất là chuyện Tấm Cám, Dì nói thật có duyên, lôi cuốn người nghe một cách đặc biệt. Và những lúc đó tôi thường hỏi Dì những câu thật ngớ ngẩn:

- Tại sao con Tấm nó khổ hở Dì?

- Vì nó mồ côi.

- Mồ côi là sao hở Dì?

- Là cha mẹ nó mất hết.

- Mất là sao, Dì nói có ví dụ như cô giáo, Hương mới hiểu.
 
- Chà, cô bé nầy rắc rối quá. Mất nghĩa là chết đó, như... như...
 
Dì không nói nữa, ôm siết tôi vào lòng khóc.
 
- Sao Dì không nói, sao Dì khóc? 

- Dì đâu có khóc, tại bếp lửa này làm cay mắt dì.

- Sao con ngồi đây mà bếp lửa không làm cay mắt? Dì khóc rồi, Dì dối con, con không thèm chơi với Dì nữa đâu, con đi chơi với con Titô, nó không nói dối...

- Thôi, cho Dì xin, bây giờ Dì kể chuyện này hay lắm.

Cái gì chứ chuyện cổ tích là nhất, là hết dỗi. Và giọng Dì đều đều bắt đầu bằng tiếng rất xưa... "Ngày xưa, thật xưa..." Trong vòng tay êm ấm của Dì, mùa đông ở ngoài trời không còn lạnh nữa. Tôi thiếp dần đi trong âm thanh êm đềm đó. Một lúc sau, trong giấc mơ tôi nghe tiếng Dì:

- Ờ, chó con, mới đó mà đã ngủ khì rồi.

Có tiếng Mẹ tôi:

- Con Hương ngủ rồi hở Thảo?

- Vâng.

- Có thau áo quần giặt đi cho chóng khô nhé.

- Vâng ạ.

Dì Thảo cái gì cũng vâng ạ, sống an phận, không phản đối dù trái dù phải. Sống như một người nô bộc trung thành, thật xót xa. Những buổi sáng mùa đông gió rét căm căm, Dì gánh hàng cho Mẹ tôi lên phố chợ, vai Dì trĩu nặng, chiếc lưng còng, tôi lẽo đẽo theo sau, mưa lất phất trên đầu chúng tôi. Lạnh thế nầy mà Dì vẫn chiếc áo nhung the thường xuyên. Khổ là thế! Tôi thương Dì như thương chính tôi, chúng tôi là đôi bạn rất thân hơn là hai Dì cháu.

Thời gian rất chóng qua, những tháng ngày mùa đông ủ ê không còn nữa, mùa xuân đến, én bay lượn trên trời trong xanh và cao vòi vọi, mây nõn nà, gió vẫn rét căm căm, mưa phùn nhẹ hạt đủ vừa cho rặng anh đào trước hàng giậu khoe sắc thắm. Thôi xuân, thôi hạ, thu vàng cũng nhạt nhòa buông trôi, tháng ngày ở ngoài đời và tuổi chúng tôi chồng chất. Tôi một ngày một lớn, Dì Thảo cũng đã 24, 25. Các Dì, các Cậu tôi dần dần ở riêng, Dì vẫn cô đơn, vẫn bếp lửa than hồng, vẫn những sáng nắng mai theo Mẹ tôi lên phố chợ, vẫn quần quật làm việc suốt ngày. Và tôi tuy lớn vẫn mãi mãi bé bỏng với Dì, sống trong tình thương, gần gũi ở Dì, học ở Dì những niềm yêu thương nhân ái. Dì dạy tôi yêu thế nào là mây xanh nõn nà những sáng nắng lụa trên cao, những chiều chênh chếch nắng đổ nghiêng trên những thảm trà, những đồi núi làng mạc xa xôi, những đợt khói cơm chiều bốc lên mãi tận cuối gành xa tít... Dì còn dạy tôi yêu những tiết trời lành lạnh, thời tiết của nhung the óng ả, như tơ liễu rũ, như mây trời giăng giăng, và trời phải thu, nắng phải lụa, lạnh phải vừa vừa, rét phải nhớ nhung. Dì thường dẫn tôi đi lang thang dưới trời mưa phùn lất phất, mưa rất vừa như những hạt cofetti đổ lấm tấm trên đầu chúng tôi, và lạnh cũng vừa đủ để hai dì cháu dìu nhau đi giữa hai rặng thông đìu hiu, vừa đi, Dì vừa hát thật khẽ cho tôi đủ nghe:

"Đêm đông, ôi ta nhớ nhung đường về xa xa,
Đêm đông, ta mơ giấc mơ gia đình yêu thương,
Đêm đông, ta lê bước chân phong trần tha phương,
Có ai thấu chăng tình cô lữ, đêm đông xa nhà."

Tôi lớn mãi lên và sống như thế trong tình yêu thương gia đình, những lời ru êm ấm của Mẹ, những điệu buồn cổ tích thánh thần của Dì Thảo. Cho đến một hôm tôi đành mất hết thiên đường tuổi thơ. Đó là lúc có một chàng trai đến với tâm hồn Dì. Chàng trai đó không hiên ngang cỡi ngựa trắng như hoàng tử trong truyện "Công chúa ngủ trong rừng", không phong trần như những nhân vật chính ở tiều thuyết, mà rất tầm thường. Nhưng với Dì là cả một tuyệt diệu thanh cao. Chàng đến và xin được cưới Dì, Ngoại không bằng lòng viện lẽ không hạp tuổi, nhưng tôi biết, nếu Dì ở riêng, nhà Ngoại sẽ không ai lo, phải mướn người giúp việc, đó là điều mà Ngoại và Mẹ tôi không muốn. Mối tình đầu của Dì tan vỡ một cách nhẹ nhàng. Tôi tưởng thế rồi Dì sẽ quên đi, với thời gian, thời gian rất chóng tàn phai Dì thường dạy tôi thế sẽ trôi vào quên lãng. Tôi vẫn sống đầm ấm với những sáng nắng hồng sớm mai, buổi chiều thoang thoảng tiếng mục đồng gọi nghé trở về. Dì vẫn tiếp tục thổi vào đời sống tôi sinh khí thơ mộng của vùng quê ngoại.

Dì bắt tôi đọc thật nhiều sách, những loại sách hồng nho nhỏ, đọc và tập làm những bài thơ ngắn. Dì thường nói:

- Hương rất có khiếu về văn chương, cố lên, sau nầy sẽ viết thật hay. Viết là một lối diễn tả nội tâm sâu sắc nhất. Tôi nghe mà chẳng hiểu, những gì là nội tâm, sâu sắc, chỉ biết đọc theo Dì:

Sung sướng quá giờ cuối cùng đã hết,
Đoàn trai non hớn hở rủ nhau về
Chín mươi ngày nhảy nhót ở miền quê,
Ôi tất cả mùa xuân trong mùa hạ...

*

Rồi một đêm kia, Dì bỗng ôm chầm lấy tôi, nước mắt lưng tròng:

- Dì xa Hương rồi, Dì nói nhỏ cái này, Dì trốn đi với anh Hoạt, đừng nói với ai, khuya này Dì đi.

- Dì bỏ con hở Dì, con mách Ngoại...

- Tội nghiệp Dì mà Hương, Dì đi một thời gian để Ngoại hết ghét, Dì sẽ trở lại.

Và đêm đó Dì đi thật. Sáng mai lúc tôi vừa thức giấc thì cũng vừa nghe ở nhà phát giác tin Dì trốn. Ngoại gọi tôi ra, quất một trận, và hỏi:

- Mày biết con Thảo nó trốn đâu không, Ngoại tin chỉ có mình con biết, hai đứa bây to nhỏ với nhau lắm mà.

- Con không biết thật mà.

- Thôi để nó đi cho khuất mắt. Quyết định cuối cùng của Ngoại về Dì Thảo.

Dì đi rồi tôi bơ vơ thấy rõ, không còn ai tâm sự, không còn ai để tôi khoe bài luận được cô giáo khen nhất lớp. Hết rồi những đêm trăng sáng hát theo với Dì bài "Đàn chim Việt" của Văn Cao. Tôi ghét anh Hoạt làm sao, anh đã cướp mất Dì Thảo của tôi, đã mang đi hơi thở nồng ấm mùa đông, những sáng bình minh chói chang không còn ai cho tôi biết thế nào là quê hương yêu mến, những mây trời giăng giăng, những sáng nắng thu vàng, thứ thu vàng rất yên ổn. Tôi không còn được đi chênh vênh trên đê cao, cạnh Dì, để thấy đất nước mình là rộng, tình thương rất đỗi bao la ; không còn được ai chỉ cho xem những đàn bướm vàng nhởn nhơ trong luống cải và luôn cả giọng đều đều trầm buồn của một phiên sầu cổ tích bao giờ cũng bắt đầu bằng hai tiếng ngày xưa. Thật hết cả rồi.

Hình ảnh đó tôi chợt bắt gặp lại một hôm trên đường từ trường về, lúc qua cầu Tràng Tiền. Tôi vội chạy nhanh để được gọi to hai tiếng Dì Thảo. Nhưng tôi đã lầm. Người tôi gặp không phải là Dì Thảo, chỉ là một người xa lạ dửng dưng với tà áo múa nhẹ, bước đi đài các. Phải rồi, làm sao mà giống Dì được, bởi áo Dì mặc phải là áo lụa Hà Đông, dáng đi phải là dáng đi của một người miệt mài tần tảo. Nhất là đôi mắt, không có đôi mắt nào chứa nhiều tình thương yêu như của Dì Thảo được.

Chiều nay tôi chỉ gặp một người xa lạ đi trong nắng hanh vàng của một ngày mùa thu xứ Huế. Không hiểu sao tôi vẫn thường nghĩ rằng, nắng ở bước chân Dì đi phải là thứ nắng quê hương, rất đỗi lụa là óng ả, bầu trời phải thật trong xanh như ngọc thạch, và gió chỉ vừa lạnh thứ lạnh dịu dàng châm kim trên da thịt để mình thấy có một tình thương yêu là ấm.


Hương-Kim-Long      

(Trích từ tạp chí Tuổi Hoa số 61, ra ngày 15-1-1967)



Không có nhận xét nào: