Hình "mượn" trên Intrenet |
Mỗi
khi trời sắp vào xuân, khi chợ búa bắt đầu bày bán la liệt những mặt
hàng chỉ tết mới có, như hoa giả làm bằng vải hay nylon đủ màu đủ loại,
khăn trải bàn, đồ trang trí cây đào cây mai... là mỗi lần tôi lại "lang
thang" (theo cả hai nghĩa đen và nghĩa bóng), để tìm về những khung trời
kỷ niệm đầy ắp ký ức tuổi thơ vừa ngọt ngào vừa cay đắng. Xuân là mùa
được tôi yêu thích nhất nhưng cũng là mùa làm tôi đau đớn nhất, vì luyến
tiếc những ngày sum họp đầm ấm đã qua, không bao giờ trở lại nữa.
Tôi
nhớ khi xưa tết đến, ba má thường dắt anh em tụi tôi đi chụp hình làm
kỷ niệm. Chẳng nhớ lúc đó là cuối năm hay đầu năm, vào mùng mấy tết...
nhưng đứa nào đứa nấy cũng đều được mặc đồ hiệu mới tươm tất đàng hoàng,
mua ở đường Gia Long (nay là đường Lý Tự Trọng), và ba tôi thì đè đầu
từng thằng con trai ra để chải tóc ngược lên với dầu briliantine, bóng
lưỡng tới nỗi ruồi phải trượt chân té lên té xuống bao lần vì không bám
nổi, đứa nào đứa nấy trông cứ như mới bước ra từ tiệm hớt tóc kiêm uốn,
ép, sấy, gội, nhuộm. Chưa hết, từng đứa tụi tôi còn bị ba xoay vòng vòng
để xịt dầu thơm thơm lừng từ trước ra sau, từ đầu tới chân rồi mới được
bước ra khỏi cửa, chuẩn bị lên đường. Lúc chụp hình, ba tôi ẵm thằng út
lên nên tôi nghĩ má tôi sẽ ôm tôi vì tôi áp út, tức út gái mà. Nhưng
má tôi lại đẩy tôi ra và ôm anh Hòa vào lòng, vì anh Hòa đẹp trai nhất
nhà. Má tôi quen tật "mê trai đẹp", và bằng chứng hùng hồn là má lấy
ba!
Năm
nào nhà có chuyện vui thiệt vui thì má sẽ dẫn tụi tôi đi sắm đồ tết mới
"hiệu của hiệu, đỉnh của đỉnh" ở một cửa tiệm rất rất mắc tiền. Năm đó
má mua cho tôi một áo đầm trắng ở tiệm Au Printemps có giá cao hơn
lương tháng của giáo sư trung học. Trên đường về, bà dặn tôi đừng kể lại
cho ba nghe, không má sẽ bị ba rầy!
Nhưng
má tôi cho tay phải lấy lại tay trái, giờ ngẫm nghĩ lại tôi mới biết:
Tết tới trẻ con đứa nào mà không lắm tiền lì xì? Dù tôi chẳng phải là
cái trạm BOT gì cho cam, do tính rụt rè nhút nhát, nhưng cứ tết tới là
hình như người lớn nào cũng rất sẵn lòng mở hầu bao để mừng tuổi cho con
nít, phần vì vui lây cái vui do Tết nhứt mang lại, phần chắc cũng do
cái thông lệ ông bà xưa sao giờ mình vậy, cho nên cứ sau tết là tiền lì
xì của tôi cứ gọi là nhiều tới nỗi không biết làm gì cho hết (con nít
mà) nên tôi cứ gởi má nhờ "giữ giùm"! Thế có ngu không cơ chứ!
Nhưng
có năm tết tới mà cả tôi lẫn anh Hòa đều bị bịnh cảm cúm. Cả nhà cứ
việc đi chúc tết, hoặc du xuân, còn hai đứa tụi tôi cứ việc bịnh, anh
Hòa nằm chèo queo, quay ngược đầu lại với tôi. Cùng lúc cả hai đứa đều
ngã bịnh thì nhà lại neo người, vì mấy chị giúp việc đều xin phép về quê
ăn tết, nên ba tôi phải tự tay vô bếp nấu cháo thịt bò cho tụi tôi ăn.
Ăn xong tô cháo, tôi ói trả hết lại cho ba! Cứ liệt giường liệt chiếu
như vậy tới hết tết, chẳng nhớ năm đó tôi có được đồng lì xì nào hay
không!
Hồi
ký thường bắt đầu bằng hai chữ "hồi xưa", nên tới đoạn này tôi cũng sẽ
làm như vậy. Hồi xưa, hình như chỉ tới tết người ta mới bán mứt. Bây
giờ quanh năm ngày tháng lúc nào muốn mua cứ vô tiệm là có liền. Lúc còn
nhỏ hầu như mứt nào tôi cũng thích, vì hảo ngọt. Bây giờ phần sợ mập,
phần sợ bịnh, nên món ngọt nào người ta cũng hạn chế bỏ đường, tới nỗi
chè ăn tưởng cháo, cứ như bị "ma vầy", còn bánh thì cứ lạt nhách như cục
bột, mới vô vị làm sao. Nếu vậy thì ta nên đặt cho chúng bằng những tên
gọi khác, bằng không thì đừng ăn những món ngọt ấy nữa, chớ chè, bánh
mà không ngọt thì sao gọi là bánh, chè được?
Trở
lại chuyện mứt tết, tôi nhớ có lần được tới nhà một người bà con để
chúc tết, lũ trẻ chúng tôi gặp người anh họ nhưng không thân thiết, vì
họa hoằn lắm mới thấy mặt, nhưng hóa ra lúc trò chuyện thì lại rất mau
gần gũi, vì cùng là con nít mà. Rồi anh đó mang nguyên một bịch mứt
mãng cầu ra mời. Tuy còn nhỏ lóc chóc nhưng tụi tôi cũng biết nên "ăn
trông nồi ngồi trông hướng" mới phải phép, nhưng anh ấy cứ luôn miệng
hối tụi tôi ăn, chắc vì chẳng biết chuyện gì để nói! Mứt vào, lời ra,
tụi tôi vui miệng lẫn vui tay lột ăn hết bịch mứt mãng cầu chắc nặng cả
ký lô lúc nào cũng không biết. Thật đúng là trẻ con "mời lơi, xơi
thiệt"! Chẳng biết sau đó khi khách đã về, anh ấy có bị la mắng gì
không, nên tụi tôi đứa nào cũng có đôi chút hối hận vì đã quá tham ăn.
Tết
tới, anh em tụi tôi được đi coi xi nê nhiều hơn thường lệ (chỉ một lần
mỗi tuần), cho tới hết "mùng" thì thôi, để trở lại nhịp sống bình
thường. Hình như ngày xưa không có nhiều môn giải trí như bây giờ, kể cả
lành mạnh hay không. Có lẽ ban đầu TV còn rất mắc tiền, và gia đình tôi
đã không đủ khả năng mua lấy một chiếc, vì tôi nhớ tôi thường lén chạy
sang nhà hàng xóm, là một tiệm bán TV, để coi cọp. (Ở đó, lần đầu tiên
tôi được thấy ca sĩ Thanh Lan quá đỗi xinh xắn với nốt ruồi duyên của
cô, đang hát bài Thung Lũng Hồng). Vì vậy, hình như xi nê lúc bấy giờ
đúng là thiên đường của trẻ thơ. Vô tới rạp thì bao nhiêu bài vở nhiêu
khê rối rắm ở trường, bao nhiêu đòn roi hình phạt ở nhà đều tan biến
hết. Và chúng tôi đã tha hồ thả hồn phiêu lưu theo cốt truyện phim, quên
cả trời trăng mây nước.
Có
lần rạp chiếu phim ma, tên là Án mạng nơi ngôi nhà cổ, lũ con nít tụi
tôi còn quăng cả dép và nhảy luôn lên ghế xếp, khi phim chiếu tới những
cảnh rùng rợn. Lần khác thì tôi lại từ chối không đi coi xi nê với anh
em tôi, vì hôm ấy rạp chiếu phim Mười điều răn, chỉ thoạt nghe đã thấy
phát chán, phát mệt. Hôm đó chiều tới, ở nhà, tôi cứ thấp thỏm ra cửa
đứng ngóng, vì đã quá giờ tan rạp mà chẳng thấy bóng anh em tôi đâu. Hóa
ra phim đó rất dài, và anh Hải khi về tới nhà đã nói với tôi một câu, uổng quá, không chịu đi coi, phim hay lắm..
Bây giờ nhớ lại, tôi cứ tự trách thầm, nếu lúc đó tôi biết anh Hải tôi
vắn số như thế, thì 10 điều răn chớ 100 điều răn tôi cũng đã cùng đi xem
phim hôm ấy, và cố coi cho bằng hết, để được gần anh tôi thêm chút nào
hay chút nấy, những giây phút ngọc ngà ấy!
Nhưng
hối hận đến mấy cũng chẳng ích lợi gì, vì anh Hải thương yêu nhất đời
của tôi đã ra đi mãi mãi, mang theo tất cả những mùa xuân trên đời,
chẳng bao giờ trở lại với chúng tôi nữa. Giờ đây mỗi lần chợt nghe những
câu hát tôi vẫn thường nghe trong rạp chớp bóng mỗi dịp xuân về, tôi
lại chạnh lòng nhớ tới những mùa xuân kỷ niệm ngập tràn yêu thương ấy,
và cứ thảng thốt kêu thầm... mùa xuân ơi còn đâu nữa!
Em
vẫn chờ khi nào anh về. Dù cho bao năm bao tháng lê thê. Xuân tới hè
sang rồi thu lạnh lùng. Vẫn bên lòng một nỗi nhớ nhung... Em vẫn chờ khi
nào anh về Về thôn xưa nghe tiếng sáo đê mê Bên mái nhà tranh hàng cau
thơm vàng Vui êm đềm đời sống mơ màng Nhớ chăng bên giàn hoa Vẫn còn
chim yến vẫn còn sơn ca Nhớ chăng bên bờ ao Vẫn hòn đá cũ vẫn hàng cây
cao Khi nắng chiều hôm ngả chân trời Lòng bâng khuâng em trông ngóng xa
xôi Mơ thấy nhạc vang lừng khúc khải hoàn Tim rộn ràng ngỡ thấy anh về (Chung Thủy, Văn Phụng)
Trần Thị Phương Lan
(Bút nhóm Hoa Nắng)
Không có nhận xét nào:
Không cho phép có nhận xét mới.