Thứ Hai, 3 tháng 1, 2022

DẤU CHÂN - Cam Li Nguyễn thị Mỹ Thanh

  

Như chim nhỏ được thoát khỏi chiếc lồng, bé Nhu Mì chạy tung tăng trên đường đất. Trúc bước theo phía sau. Qua khoảng đất vuông vắn trồng rau cải, đến một ngôi nhà nhỏ, sơn màu trắng. Ngôi nhà có vẻ trang trọng nhất trong làng. Trúc biết ngay đó là nhà nguyện. Không, phải gọi đó là một giáo đường nho nhỏ, vì trên đỉnh của mái nhà có một cây Thánh giá.

Không có tiếng chuông. Không nghe lời cầu nguyện. Cát Tường vừa mới dẫn đàn trẻ về nhà ngủ. Cái không khí trầm lặng khiến Trúc cảm nhận một tâm trạng lạ lùng chưa từng có. Khi chân bước khó khăn qua những khoảng đất mềm lún, lên đến bậc thềm đầu tiên của giáo đường nhỏ bé, Trúc tưởng như chỉ có nơi đây, sự bình an là trọn vẹn. Bao năm gian nan chưa có lúc ngừng nghỉ, có phải bây giờ mới thực sự bắt đầu? Bắt đầu làm một người mới, bắt đầu sống, bắt đầu cảm nhận, và bắt đầu tất cả mọi ý nghĩ.

Nhu Mì dừng lại ở cửa chờ Trúc. Bàn tay nhỏ xíu đưa ra nắm lấy bàn tay rắn rỏi. Nhu Mì nhìn Trúc, chợt thấy Trúc nhăn mặt và sờ vào chân. Đôi mắt Nhu Mì mở lớn như có ý hỏi: “anh vẫn còn đau phải không?”. Trúc nhìn lại và cười:

– Đau quá! Đất mềm kéo chân anh lại, suý‎t nữa rơi đôi giày.

Nhu Mì cười thích thú, nhìn lại luống đất ướt nhẹp. Những dấu giày của Trúc lún rõ xuống đó. Bé lắc đầu như muốn nói “không sao đâu!” rồi se sẽ dắt tay Trúc bước vào nhà. Khung cảnh mờ tối vì ngoài trời không còn nắng. Mấy cánh cửa sổ lại đóng kín. Chẳng có ai trong nhà nguyện. Trúc nhìn thấy hai dãy ghế sắp xếp đều đặn, thẳng tắp, dẫn đến tượng Đức Chúa Giê-su phơi mình trên Thập giá. Chỉ có thế. Đó là ngôi giáo đường bé nhỏ ở đây.

Nhu Mì đưa tay làm dấu, rồi nhìn Trúc. Trúc bối rối, nhưng rồi cũng bắt chước theo. Lạy Chúa, nơi đây Chúa yêu thương tất cả, kể cả con chưa biết một câu kinh, chưa hề biết làm dấu Thánh giá. Nhu Mì chỉ cho Trúc ngồi xuống một chiếc ghế. Rồi bé cũng ngồi xuống cạnh bên. Trúc không biết nói gì với bé. Hai anh em yên lặng. Trúc nghe cả tiếng thở nhẹ của Nhu Mì. Đôi mắt tội nghiệp mở to, nhìn thẳng phía trước. Chắc bé đang nói bằng những lời câm nín. Trúc cũng nhìn thẳng phía trước. Không nhìn thấy rõ nét mặt của Chúa. Nhưng cái hình hài dán cứng trên cây Thập giá là cả một sự chịu đựng và hy sinh. Trúc cảm thấy lòng bình yên. Trước mặt Chúa, không còn nhớ quá khứ, không còn lo tương lai. Trước mặt Chúa, không ai là người già, cũng không ai là trẻ nhỏ. Trúc thấy mình nhỏ lại bằng bé Nhu Mì không nhớ gì về thời ấu thơ của chính bé.

Cha Đạo xuất hiện từ sau lưng Thập tự giá – và Trúc đoán ngay là ở đó có một căn phòng nhỏ. Cha đem theo một chút ánh sáng của ngọn bạch lạp cắm trên chân đèn bằng gỗ. Ngoài trời đã hết nắng. Trong này cha Đạo đang đặt ngọn đèn lên chiếc bàn nhỏ để ở góc nhà. Cha nhìn xuống dãy ghế, thấy Trúc và Nhu Mì ở đó. Trúc muốn đứng dậy, nhưng cha đang chậm chạp đi xuống. Bây giờ Trúc mới nhận thấy rõ dáng đi của Cha như có vẻ hơi khập khiễng. Vì Cha đã già chăng? Có lẽ đúng. Ngay lúc đầu gặp Cha, Trúc đã thấy mái tóc của Cha bạc hết phân nửa. Không biết cuộc đời đạo hạnh của Cha bắt đầu từ khi nào. Nhưng chắc chắn Cha sẽ tiếp tục cuộc đời ấy cho đến chết. Vì Cha đã chọn làm người cha chung cho một đàn con nhỏ nơi đây rồi.

– Con vào đây, Cha có cái này muốn tặng con.

Trúc đứng lên, ngạc nhiên:

– Thưa Cha, đi đâu ạ?

– Vào phòng của Cha. Cha muốn tặng con tượng Thánh giá, để con đeo vào cổ. Chúa sẽ bảo vệ con.
Cha Đạo đi trước. Trúc quay lại, nói với bé Nhu Mì:

– Ngồi đây nhé! Anh sẽ trở ra ngay. Anh em mình về lại nhà.
Nhu Mì gật đầu. Trúc bước theo cha Đạo. Bước chân cha Đạo khập khiễng. Chân Trúc cũng nhói đau. Qua khỏi chiếc bàn có để ngọn đèn bạch lạp, hai người vòng ra sau lưng Thập tự giá. Cha Đạo đang mở cửa một căn phòng nhỏ: phòng riêng của Cha.
*

Một mình Nhu Mì còn ngồi trên ghế, hai tay khoanh lại trước mặt. Tâm trí non dại như đặc tràn ý‎ nghĩ. Đàng xa kia, ngọn đèn nến trắng như cũng lao chao. Bóng tối xung quanh nhiều hơn ánh sáng.

Nhu Mì nhướng mắt lên. Sau lưng dường như có ai bước vào. Chắc chị Cát Tường qua thăm chừng Cha, hay đón bé và anh Trúc? Ồ không! Tiếng chân của vài người chứ không phải một mình chị Cát Tường. Nhu Mì quay lại. Có hai người lạ đi với Cát Tường vào nhà nguyện. Hai người đàn ông! Nhu Mì đứng phắt dậy. Cát Tường bước nhanh đến, nắm chặt tay Nhu Mì. Bóng tối không che lấp vẻ sợ hãi trên gương mặt Cát Tường. Bóng tối cũng không làm mờ vẻ nóng nảy trên mắt hai người đàn ông. Nhu Mì ngạc nhiên nhìn, đôi mắt mở to như muốn hỏi “cái gì vậy?”. Cát Tường cố giữ nét bình tĩnh, ôm vai Nhu Mì, đứng yên.
 
Một người cúi xuống nhìn nền nhà, mắt sáng lên khi nhìn thấy dấu giày đinh in trên đó bằng những đất bùn màu nâu đỏ. Cát Tường mím chặt môi, siết chặt vai Nhu Mì bằng đôi tay run rẩy. Dấu giày!!! Trời ơi người đã mang dấu giày đó vào tận nhà nguyện! Ở ngoài kia, trên những luống đất ướt mềm, dấu giày đã in xuống thật rõ ràng. Dấu giày đã làm dấy lên sự nghi ngờ của hai người lạ, sau khi đã khám xét kỹ lưỡng từ phòng ngủ qua nhà cơm, vòng qua nhà bếp, ra đến tận chuồng gà mà không thấy gì hết. Nhưng dấu giày in trên đất nhão đã dẫn họ vào đây. Cát Tường không còn biết nói gì để ngăn cản họ nữa. Ở đây chỉ còn cha tôi – cha Đạo, các ông đã biết. Cha tôi đang cầu nguyện, đừng vào đó làm xao động người. Nhưng dấu giày! Chúa ơi, dấu giày của Trúc!…

– Cha Đạo đâu rồi?

Một trong hai người lạ hỏi to khiến bé Nhu Mì giật mình. Bé trố mắt nhìn Cát Tường, chừng như muốn hỏi thật nhiều về những sự việc xảy ra nãy giờ. Cát Tường nhìn quanh, rồi cố đáp to lên:

– Cha tôi chắc đã ngủ.

– Còn người lính?

– Dạ, người lính nào?

– Cô bé này giả dại, nhưng cô nên biết tụi tôi không phải là con nít.

Cát Tường run giọng:

– Tôi đã nói ở đây chỉ có Cha của chúng tôi.

– Biết rồi, nhưng còn một người nữa.

Hai người đàn ông đẩy Cát Tường và Nhu Mì ra, và xăm xăm đi lên phía tượng Thập tự giá. Bé Nhu Mì ú ớ những âm thanh kinh ngạc. Cát Tường cắn chặt môi đau nhói. Chúa đã bỏ loài người rồi ư? Kìa, đôi giày đinh đang bước ra trước mặt hai người lạ bằng những bước khập khiễng! Hai người kia đứng khựng lại trước tượng Thập tự giá. Cát Tường nhắm mắt. Nhưng một giọng nói trầm tĩnh cất lên làm Cát Tường giật mình:
 
– Xin hai qu‎ý khách đứng lại cho.
 
Giọng của cha Đạo! Cát Tường định thần nhìn lại. Đôi giày kia, cha Đạo đang mang. Cha bước tới. Hai người lạ lui lại. Cha chỉ vào dãy ghế, nói thật điềm đạm:
 
– Mời hai qu‎ý khách ngồi ở đây. Quý‎ khách cần tĩnh tâm?
 
Người này nhìn người nọ, lúng túng. Một người nói:
 
– Xin lỗi cha, chúng tôi vào có hơi đường đột. Nhưng chúng tôi muốn tìm chủ nhân của những dấu giày đinh kia.
 
– Chính là tôi.
 
Người nọ kêu lên:
 
– Cha nói vô lý! Cha là người tu hành, Cha mang giày đó làm gì?
 
Cát Tường nghe nát cả lòng. Cha ơi! Cha đã đến ngõ cụt. Anh Trúc ơi! Phép lạ không còn có ở đây nữa.
 
Cha Đạo không lộ vẻ nao núng, chỉ xuống đôi giày:
 
– Qu‎ý khách muốn biết lý do tôi mang đôi giày này à?
 
– Phải. Cha hãy nói mau đi.
 
– Quý khách đừng nóng. Quý khách biết tôi là ai chứ?
 
– Biết rồi. Cha là cha Đạo, cô bé kia đã khai hết trơn.
 
– Quý khách biết tôi ở đây chăn một bầy trẻ mồ côi chứ?
 
– Biết.
 
– Cha con chúng tôi tự làm vườn rẫy lấy để kiếm thức ăn…
 
Người kia ngắt lời:
 
– Cha lập lại lời cô bé kia vô ích. Chúng tôi chỉ muốn biết ai là chủ của đôi giày này.
 
Cha Đạo thong thả đáp:
 
– Đôi giày này là của con nuôi của tôi.
 
Người kia đứng bật dậy:
 
– Nó đâu?
 
– Nó chết cách nay bốn năm rồi
 
Người lạ trợn mắt chưa tin. Cha Đạo vẫn đều giọng:
 
– Con nuôi của tôi! Vâng, nó đi lính. Nó chết khi tôi mới đem các trẻ mồ côi về đây. Tôi còn giữ được của nó đôi giày này làm di vật.
 
– Cha cũng xem chúng tôi là con nít. Cha mang đôi giày này để nhớ con nuôi của Cha à?
 
– Không!
 
Hai người lạ chịu đựng hết nổi. Nhưng Cha Đạo đang cúi xuống, lặng lẽ mở dây giày. Bàn tay Cha luống cuống không quen. Trái tim Cát Tường thắt lại. Nhu Mì run lẩy bẩy như không đứng vững được. Cha Đạo từ tốn nói:
 
– Quý khách đã biết tôi là Cha Đạo, tôi ở đây chăn một bầy trẻ nhỏ và tự làm vườn, làm rẫy lấy mà sống. Quý khách phải biết thêm rằng các con tôi còn ngây thơ nhỏ dại, tôi không muốn cho chúng nó phải sợ sệt cái hình ảnh tàn tật này. Nhưng quý khách muốn biết đến tận cùng, thì tôi cũng chẳng giấu làm chi.
 
Chiếc giày rơi ra khỏi chân Cha Đạo. Cha thản nhiên kéo vạt áo đen lên tận đầu gối, để lộ cho hai người kia thấy chân trái của người là một khúc gỗ màu xám bệch, bắt đầu từ dưới đầu gối và tận cùng bằng một khối hình thuôn dài như một cái bàn chân.
 
– Đó là lý do thứ nhất để tôi mang đôi giày này. Lý do thứ hai là vì hàng ngày tôi phải ra làm vườn trên đất xốp. Còn mang giày để tưởng nhớ con nuôi tôi… chỉ là cái lý‎ do phụ.
 
Cha Đạo ngồi xuống một cái ghế, nói một mình:
 
– Vả lại ở đây, chỉ có tôi và cái nhà thờ nhỏ xíu này. Không có hội thánh, không có con chiên. Tôi chẳng phải lệ thuộc vào một cách ăn mặc nào hết. Tôi chỉ biết có Chúa, và các con tôi.
 
Một người nói:
 
– Chúng tôi… xin lỗi Cha.
 
– Quý‎ khách muốn viếng mộ con nuôi tôi không? Tôi xin dẫn ra vườn.
 
– Thôi, xin Cha cho chúng tôi kiếu.
 
Cha Đạo vẫn thản nhiên:
 
– Ủa! Quý‎ khách chưa cầu nguyện…
 
Hai người lạ nhìn nhau bối rối. Cha Đạo tiếp:
 
– Quý‎ khách hãy làm dấu đi.
 
– Cám ơn Cha. Tối rồi, Cha cho phép chúng tôi về.
 
Cha Đạo gọi:
 
– Cát Tường! Con đưa giùm hai ông ra.
 
*

Hai người đàn ông bước xuống thềm, nhìn lại. Ánh mắt vừa từ bi vừa lạnh lùng của người con gái làm họ chột dạ. Cát Tường đứng lại ở đó, nhìn hai cái bóng chìm vào đêm đen. Rồi quay vào, Cát Tường đóng kín cửa nhà nguyện. Bé Nhu Mì còn đứng im như chưa hết sửng sốt. Cát Tường dẫn bé bước đến gần cha Đạo. Cha đang cởi nốt chiếc giày còn lại. Cát Tường se sẽ quỳ xuống bên chiếc chân gỗ của Cha. Tự nhiên, nước mắt rơi xuống. Cát Tường khóc ngon lành…

Cha Đạo cất tiếng:

 – Kìa ! Cát Tường, sao lại khóc, con? Khúc chân của Cha, con đã biết từ lâu rồi mà! Có gì đâu mà con khóc?

Cát Tường muốn nói: “Cha ơi, con thương Cha”, nhưng lời nói nghẹn lại ở cổ họng. Nước mắt chảy trên má, nóng như giọt lệ của bạch lạp. Chừng ngước lên, Cát Tường đã thấy Trúc đứng bên cạnh.

 Cha Đạo nhìn Trúc, mỉm cười:
– Con hãy cám ơn Chúa. Chính người đã che chở cho con đó!
 
 
Cam Li Nguyễn Thị Mỹ Thanh       
(Trích truyện dài “Còn Dấu Chân Người”)
   
(Trích từ tạp chí Tuổi Hoa số 230, ra ngày 1-1-1975)



Không có nhận xét nào: