Thứ Ba, 31 tháng 1, 2023

TRÊU THI SĨ - Phương Nguyên Thy

  

 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
Nắng hồng rực rỡ lên cao,
Kia! Trông vườn bé xinh sao lạ lùng.

Ý thơ bé bỗng bừng bừng,
Mộng mơ bé lại ngâm từng câu thơ.

Từ đâu chạy đến hớt hơ,
Anh nhăn mặt lại bảo thơ bé kỳ

Chị thời tai bịt cười khì:
"Trời ơi! Thơ bé nhất nhì cóc con".

Ức lòng lệ bé đoanh tròng,
"Ứ ừ... anh chị chỉ chòng bé thôi"

Vội vàng chị bảo "Nói chơi",
Gật gù, anh bảo "chao ơi! Tuyệt vời".

Nghe khen, lau lệ, bé cười,
Sao anh chị lại nhiều lời thế ni?

                            PHƯƠNG NGUYÊN THY

(Trích từ bán nguyệt san Tuổi Hoa số 84, ra ngày 1-1-1968)



Thứ Hai, 30 tháng 1, 2023

THƯ CHỦ NHIỆM SỐ 132 - Nguyễn Hùng Trương

 

Các em thân mến,

Mới đây, nhiều báo chí trên thế giới cũng như ở thủ đô đều loan tin một bà cụ đã 96 còn đi học. Đó là bà Alice Scudder, người Mỹ, năm nay được 96 tuổi tính đến ngày 8-9-1974 vừa qua.

Bà Alice Scudder có là nữ sinh viên lớn tuổi nhất của Hoa Kỳ và của cả thế giới nữa. Bà đã ghi tên theo học thêm một chứng chỉ mới là chứng chỉ "Văn chương sáng tạo của Viện Đại Học Cộng Đồng Schenectady tại Nữu Ước. Điều đáng ghi nhận là mặc dù tuổi bà đã cao, bà đã chăm chỉ theo học Viện Đại Học này từ ít lâu nay và hiện giờ bà chỉ còn thiếu một chứng chỉ này nữa là bà đủ bằng Cử nhân Giáo khoa của bà. Tất cả mọi người từ sinh viên đến ban giảng huấn tại Viện Đại Học Schenectady đều tỏ lòng ngưỡng phục gương ham học của người nữ sinh viên lão thành này.

Các em thân mến,

Chắc các em cũng hiểu rõ cái ích lợi thiết thực của sự học là người có học dễ thành công hơn người vô học trong mọi công việc. Biết đâu, mớ kiến thức nhờ học vấn của bà Alice Scudder lại giúp ích cho bà trong những ngày cuối cùng của đời bà, ngoài việc nâng cao tâm hồn bà.

Nhà văn hào Pháp Emile Zola đã từng nói: tương lai là của những người đêm đêm cặm cụi dưới ánh đèn.

Các em nên luôn luôn tìm cách học hành, dù ở hoàn cảnh nào,dù ở lứa tuổi nào. Các em không nên viện lý lẽ gì để từ chối việc học, làm trí tuệ của các em không được mở mang thêm.

Từ ngàn xưa, biết bao nhiêu người làm nên việc lớn đều nhờ ở sự học. Đức Khổng Tử cũng công nhận điều lợi ích ấy: Ta thường suốt ngày không ăn, suốt đêm không ngủ để suy nghĩ, vô ích, không bằng học.

Mong các em noi gương hiếu học của người nữ sinh viên cao niên nhất thế giới là bà Alice Scudder mà cố gắng học hỏi hầu các em được một số kiến thức căn bản rất cần cho tương lai của các em.

Thân mến chào các em           
NGUYỄN HÙNG TRƯƠNG    

(Trích tuần báo Thiếu Nhi số 132, ra ngày 15-11-1974)



Chủ Nhật, 29 tháng 1, 2023

LÃ PHỤNG TIÊN CHIÊU HỒI... CƯỚP CẠN - Th.

 
Nhà thơ La Fontaine (1621-1695)

Một đêm tối trời cuối năm, Lã Phụng Tiên (tức Jean de la Fontaine, tác giả tập truyện ngụ ngôn nổi tiếng Ve và Kiến) ăn cơm tối ở nhà một người bạn về khuya. Qua chiếc cầu Notre Dame, không may gió thổi tắt mất chiếc đèn lồng (hồi đó chưa có đèn đường), ông lại quên hộp quẹt ở nhà. Chợt thấy một bóng người đàn ông xách đèn đi phía trước, ông liền theo bén gót để đi nhờ một quãng đường.

Gã đàn ông khá cao lớn, mặc chiếc áo choàng kiểu Tây Ban Nha, bên hông lủng lẳng một cây kiếm, đúng là một hiệp sĩ chính cống Tây Ban Nha! Lã Phụng Tiên lẳng lặng đi ké. Đến một góc phố, gã "hiệp sĩ" bỗng dừng lại, thổi tắt ngọn đèn, và... túm lấy cổ Lã Phụng Tiên, lễ phép hỏi: "Ông muốn nộp tiền hay nộp mạng?".

Lã Phụng Tiên bở vía, nhưng cũng rán bình tĩnh trả lời:

- Tiền hay mạng đều đáng quí cả... Nhưng ngài đã có nhã ý cho lựa chọn, tôi nghĩ có lẽ nạp tiền... thú vị hơn chút đỉnh.

Nói xong ông liền tự mở một cuộc lục soát khắp người. Lục để cho dãn gân cốt vậy thôi, chứ kiếp thi sĩ ve sầu làm gì có tiền!

- Thật đáng buồn cho tôi và cả cho ngài nữa, tôi để quên ví tiền ở nhà rồi. Vậy là tôi chỉ còn biết nạp mạng thôi. Nhưng... ngài dùng làm gì cái mạng thi sĩ đói rách này ạ?

Giọng tên cướp có vẻ thích thú:

- Ông là một thi sĩ ư?

- Vâng, hay cũng gần như vậy. Và trong lúc lục soát các túi áo, tôi lại thấy không những quên ví tiền, lại còn quên luôn hộp quẹt và chùm chìa khóa ở nhà người bạn nữa. Vậy là tôi phải ngủ qua đêm dưới bầu trời đầy sao này... Đó là nói theo kiểu... thi sĩ, chứ tôi cũng vừa nhận thấy chẳng có vì sao nào cả trên nền trời, trong khi chẳng có một xu nhỏ dính túi nữa. Giá có một quán ăn nào còn mở cửa và người ta cho... ăn chịu đến sáng mai, thì hay quá!

Tên cướp bỗng dịu giọng:

- Thưa ngài, tôi thấy ngài là một người "bạn đường" vui tính và thật lịch sự. Tâm hồn ngài lại trầm mặc như một nhà hiền triết nữa. Nếu ngài không chê kẻ hèn này, tôi xin được hân hạnh mời ngài tới tệ xá dùng dùng với tôi ly rượu để tạ lỗi đã trót vô lễ với ngài vừa rồi?

Lã Phụng Tiên vui vẻ nhận lời.

Đêm đó, hai người thù tạc tới sáng, như đôi bạn tha hương... ngộ cố tri vậy.


TH.        

(Trích từ bán nguyệt san Tuổi Hoa số 192, ra ngày 1-1-1973)


Thứ Bảy, 28 tháng 1, 2023

CÔNG CHA NGHĨA MẸ ƠN THẦY - Đỗ Phương Khanh



Thư của em H. Saigon:

Thưa chị, em thấy câu tình thầy trò sao mà giả dối quá chị ơi. Theo em thì chẳng có cái gì gọi là tình thầy trò được cả, chị ạ. Chị nghĩ mà coi, thầy gì mà chỉ lo bắt em chép phạt để thu giấy về bán ký lô. Bài học thì quay ronéo rồi bắt tụi em phải bỏ tiền ra mua, đứa nào không có tiền thì rán mà còng lưng chép bài, ho lao cũng thây kệ, thầy chẳng thương xót gì hết. Ba má em bảo rằng nếu ba má em mà không kiếm ra tiền để đóng học phí cho em thì đừng hòng mà em được vào lớp, đừng hòng mà có tình thầy trò...

TRẢ LỜI:

Em thương mến,

Chị đọc thư em vào đúng những ngày mọi người lo sửa soạn đón tết. Những ngày mà xưa kia, khi thời gian này đến, thì bóng dáng người thầy ngự trị rõ nét nhất trong lòng hết thẩy mọi người. Bởi vì nếu tết đến, dịp để biểu lộ lòng tri ơn, con người ta biết nghĩ đến công đức cha mẹ bao nhiêu thì liền ngay đó, ý nghĩ chuyển ngay qua ông thầy. Cho nên ca dao mới có câu: "Mồng một thì ở nhà cha, Mồng hai nhà vợ, Mồng ba nhà thầy." Ba ngày đó quan trọng nhất năm. Cho nên nhân đấy chúng ta thấy việc đến thăm thày học được các cụ chú trọng đến thế nào rồi. Bỏ quên ai thì bỏ, chứ nhà cha mẹ ruột, cha mẹ vợ và nhà thày học mà ngày tết không đến chúc mừng, thì kể như lỗi đạo làm người. Tàn nhẫn với ai thì còn có thể tha thứ được phần nào, chứ lỗi đạo với tổ quốc, cha mẹ, thày học, thì kể như con người bỏ đi, không ai còn giao thiệp được nữa. 

Vốn là dân của một quốc gia trọng đạo lý, học vấn, mà lại được ảnh hưởng ngay từ nhỏ thói quen tốt về sự tôn kính thày học, cho nên mấy ngàn năm lịch sử Văn Học Việt Nam đã ghi dấu biết bao bậc lương sư, hiền đồ, , tình thày trò thắm thiết, nghĩ đến lúc nào chúng ta hẳn vẫn còn luyến tiếc. Đọc những cuốn Lều Chõng của Ngô Tất Tố, Bút Nghiên và Nhà Nho của Chu Thiên, chúng ta hẳn thấy thèm sống vào cái thời thầy đáng bậc thầy, trò xứng danh trò đó lắm, các em nhỉ.

Nhưng còn đâu nữa những ngày hoàng kim của tình thầy trò, những ngày mà vai trò bậc thầy còn trên cả cha mẹ, chỉ đứng sau vua (Quân, Sư, Phụ), những ngày mà thày qua đời học trò làm nhà bên mộ thầy để cư tang hương đèn ấp mộ cho thầy khỏi tẻ lạnh, những ngày tết gia đình học trò chọn lựa con gà mập nhất, trái cây ngon nhất, hạt gạo mẩy nhất đem tết thầy, góp nhặt vài ba quan tiền để thầy rủng rẻng vui xuân cho qua ba ngày tết. Còn đâu?

Thư em làm chị bỗng thấy ngậm ngùi nghĩ đến chuyện cũ. 

Năm ngoái khi Bộ Giáo Dục cho phép học trò nghỉ tết Giáp Dần nửa tháng, kể từ ngày 14-1-74 đến 30-1-74 thì trong giới trường tư đã có một số phụ huynh học sinh đến trường phàn nàn than thở đòi bớt học phí vì lẽ con họ chỉ học nửa tháng thì chỉ đóng tiền nửa tháng. Nhà giáo nghỉ tết thì ráng mà treo niêu lên. Chứ phụ huynh học trò không có nhiệm vụ phải lo chuyện nồi cơm của nhà giáo. Tiền trao cháo múc, ăn nửa bát cháo thì trả nửa tiền, thật là giản dị và hợp lý (!) Không còn ai bắt bẻ vào đâu  được!

Nhưng sự tính toán chi ly, nghe ra có vả rất hợp lý ấy đã đem lại cho một số em sự tai hại vô cùng. Sự tai hại mà ít khi cha mẹ nghĩ tới. Tai hại ở chỗ các em không còn giữ được lòng tôn kính bậc thầy nữa, trong đầu óc thơ ngây của các trẻ, hình ảnh các bậc thầy đồng hóa với bà hàng cá, mà má mặc cả hàng ngày ngoài chợ, cá to nhiều tiền, cá bé ít tiền. Thày dạy cả tháng nhiều tiền, nửa tháng rút bớt, bất cận nhân tình, tết nhất thây kệ, miễn sao tiền chi ra ít là lòng dạ được yên vui rồi.

Trong sự chán nản với tình đời như vậy, nếu có bậc thầy nào còn giữ được bình tĩnh để tận tâm dạy dỗ học trò, thì phải kể như vị ấy đáng tôn lên hàng siêu nhân. Dậy học là đào tạo các khối óc, trái tim, những bộ phận mong manh, tế nhị và có hồn. Một chuyên viên cơ khí sử dụng hay chế tạo máy móc gặp con ốc hư, cái răng cưa gẫy là tháo ra, liệng bỏ. Nhà giáo đào tạo tâm hồn con trẻ, trong một lớp mỗi trò là một trình độ, một tâm hồn, một thế giới riêng tư. Tâm hồn nhà giáo có được đầm ấm, tràn trè tình người, tình thầy trò thì thầy mới còn lòng dạ mà tìm hiểu, âu yếm thương quí, tâm tình với từng đứa con tinh thần. Chứ khi mà lòng thầy đã buồn nản với tình đời, đầy mặc cảm là gia đình học trò coi mình như một công cụ, như cái máy giảng bài, máy chạy thì đổ nhiên liệu, máy ngừng thì bỏ vào xó, than ôi ai lòng dạ nào mà còn tha thiết với nghề nữa đây.

Nhắc tới tình thầy trò thời xưa, một số người đã lập luận thế này:

- Ui da! Bì với ngày xưa sao được. Ngày xưa thầy không thu tiền học trò. Có cái gì thì biếu, chẳng có thì thôi, thầy vẫn dậy, thì dĩ nhiên phải trọng thầy chứ.

Khi họ lý luận như thế, là họ nhìn sự việc một cách phiến diện. Ngày xưa thầy không thu tiền học trò vì đời sống quảng đại quần chúng ngày xưa đều nghèo, phần lớn dân Việt thời xưa, chỉ là nông dân, hoặc buôn bán lặt  vặt, kiếm ăn không đủ, cho nên quan niệm của nhà nho xưa: "Đạo thánh là đạo rộng" cửa Khổng sân Trình sẵn sàng mở, chỉ mong có người đến kiếm mớ chữ là thày sẵn sàng dậy rồi. Học trò coi thầy còn hơn cha, thì lẽ dĩ nhiên thầy thương học trò như con, lòng nào nghĩ tới tiền bạc mà đuổi học trò nghèo ra đường. Nhưng nếu bảo thầy xưa không được đãi ngộ về vật chất thì thật là sai lầm.
 
Chỉ có những người quá nghèo không thể làm hơn được thì đành chịu, ngoài ra, có thể được, là cha mẹ học trò thế nào cũng cố gắng đóng góp tiền đồng môn, tiền giỗ tết, hiếu hỉ cho gia đình thầy. Ngoài ra, những nhà hào phú mà có con đi học, thì thường là người ta mời thầy về, dành riêng một căn nhà để thầy ngồi dậy, thầy có thể cho thêm các trẻ khác trong làng đến học cùng. Nhà chủ có phận sự cơm bưng nước rót, hầu hạ thầy. Thường thường muốn thầy vì tình cảm mà tận tụy với con mình, nhà củ cung phụng thầy học của con rất hậu. Cơm trắng cá tươi, mâm của thầy bao giờ cũng đầy đặn, ngon lành hơn hết. Ngoài ra, những học trò ở ngoài tới theo học nếu có quà cáp biếu xén, thì chỉ để thầy chi tiêu thêm cho rộng rãi mà thôi. Trừ trường hợp những vị khoa bảng, đã có căn bản sinh kế, các thầy đồ xưa, cũng được phụ huynh học sinh lo lắng đầy đủ đời sống vật chất ngõ hầu lòng thảnh thơi giảng đạo Thánh Hiền cho được chu đáo. Nếu so với mức lợi tức, đời sống kinh tế nghèo nàn của cha mẹ thời đó, thì đời sống của bậc thầy ngày xưa không bị bạc đãi như ngày nay.

Trong đời sống xa hoa ngày nay quả tình nhà giáo đã bị bạc đãi cả tinh thần lẫn vật chất.

Cho nên, nếu đã có nhà giáo nào cư xử không còn ra nhà giáo, thì cũng không phải là lạ. Vì còn đâu nữa mối tình thầy trò thiết tha ràng buộc, mối tình không dính tới tiền, khi mà cha mẹ học trò đến tận trường phàn nàn chi ly tính từng ngày nghỉ lễ, nghỉ tết, để mà trừ tiền mồ hôi nước mắt và sức lực của thầy.

Một năm học, thầy giảng biết bao nhiêu lời, ánh mắt thương yêu trìu mến chiếu biết bao ngàn lần vào từng mái đầu xanh ngồi trong lớp. Một năm học với một bậc thầy thiết tha tận tụy, một bậc thầy dậy với lòng hứng khởi các em sẽ có lợi biết là bao nhiêu. Dậy học cần tới phẩm hơn là lượng. Một giờ dậy học mà tận tâm, hơn là một ngày ngồi cho có mặt mà ngáp ruồi. Bậc thầy trong lớp học không có ai kiểm soát, ngoại trừ lương tâm. Xin hãy để trái tim thiện cảm của bậc thầy làm nhiệm vụ.

Sự phàn nàn, so kè của một số phụ huynh đã làm cho một số trường phải tìm biện pháp dung hòa, vì ai nỡ lòng nào cúp lương thầy, chỉ trả nhà giáo nửa tháng lương, trong khi nhà giáo dậy học quanh năm, trong khi các công tư chức khác còn có lương tháng 13, 14, cho nên chủ trường đành phải tìm biện pháp dung hòa để phụ huynh học sinh khỏi cảm thấy tiếc xót đồng tiền đóng học phí cho con. Thế là đành phải cho học thêm 5, 3 ngày, để thời gian nghỉ không còn tròn nửa tháng, để dễ biện bạch khi phụ huynh học sinh mặc cả, kèo nài. Năm ba ngày học thêm có ích gì, trong khi học trò thì náo nức đòi nghỉ, thầy thì giận vì thói tính toán chi ly, ích kỷ của gia đình học trò.

Thành ra các em tới lớp cũng chỉ phá phách đùa giỡn, mất thì giờ vô ích, chẳng thà ở nhà phụ giúp cha mẹ dọn dẹp nhà cửa ăn tết còn có lợi hơn.

Nghề dạy học phải hò hét từng ngày, từng giờ, từng phút. Hình ảnh cụ giáo già của thế hệ trước, ngày nay rất hiếm hoi. Hiếm chỉ vì nhà giáo ngày nay ít người còn sống sót đến già để tiếp tục giảng đạo thánh hiền như thời xưa, thời hoàng kim của đạo đức, thời mà mỗi khi thầy cất tiếng nói, bầu không khí trong lớp yên lặng đến nỗi nghe thấy cả tiếng ruồi bay. Ngày nay nhà giáo phải la hét át tiếng đùa cợt của những học trò vô ý thức, coi thường lời dậy dỗ của thầy. Năm này qua năm khác, như thế dù phổi có bằng sắt thì cũng phải rã, phải mòn. Nhà giáo phải sớm giải nghệ. Học trò phải yếu kém đạo đức vì không còn chuyên cần nghe lời giảng dậy như thời xưa.

Sự mất trật tự nơi trường ốc ngày nay và sự suy sụp trong tâm hồn lớp trẻ một phần nào cũng do thái độ của một số phụ huynh học sinh đã cư xử thiếu tế nhị, gây nên phản ứng dây chuyền.

Từ trong thâm tâm các em thấy cha mẹ so kè với thầy từng ngày nghỉ lễ, bớt xớ từng đồng, kể lể tính toán khi đóng học phí cho con, khiến vô tình các em đồng hóa trường ốc với chợ búa, nhà giáo với nhà hàng.

Nhà giáo ngày nay có thể vì tốn hao sức khỏe, mà qua đời sớm hơn nhà giáo thời xưa. Nhưng lòng tôn kính của các em đối với nhà giáo, phải cần được giữ gìn nguyên vẹn vì lợi ích cho cuộc đời chính các em học sinh.

Một ngày kia, khi sức tàn lực kiệt, nhà giáo phải còn giữ được chút an ủi rằng đã hy sinh buồng phổi để xây dựng lớp hậu sinh cho họ nên người và họ đã nên người.

Lòng nhớ ơn thầy trong câu:

"Công cha nghĩa mẹ ơn thầy
Lòng con ghi tạc không ngày nào quên" phải được lưu truyền mãi trong tòa nhà văn hóa. Lòng nhớ ơn đó phụ huynh có thể biểu lộ bằng cách ngày tết gởi cho thầy cô giáo của con em quí vị, tấm thiệp chúc tết nồng nhiệt, chúc tụng để cảm ơn người đã hết lòng dậy dỗ con em mình.

Hay ít nhất, không tới trường mà so kè bớt xớ từng ngày nghỉ lễ, nghỉ tết của thầy.

Và không làm tan vỡ mối tình thầy trò bằng cách kể lể công lao đóng học phí, coi như là mua bán, đổi chác.

Nếu phụ huynh giữ được sự tế nhị như thế, thì ít nhất con em quí vị ấy sẽ không bị vấn đề tiền ám ảnh, làm cho nếp suy nghĩ bị lệch lạc, gây tai hại cho chính bản thân các em như trường hợp em H. kể trên.

Sống trong bầu không khí suy luận nhiễm độc ấy, em H. đã đánh mất tất cả đức công bình. Nếu em nhớ lại những câu chuyện phụ huynh học sinh kiện thầy cô vì đánh con mình thì hẳn em sẽ thấy rằng thầy chẳng còn cách phạt nào khác ngoại trừ chép phạt. Tờ giấy bỏ đi đó nếu có lẫn vào đám giấy lộn mà người nhà thầy đem bán ve chai thì chị nghĩ cũng không đáng để đem ra đánh giá với công đức của thầy. Vấn đề nộp tiền để quay ronéo bài cũng rất hợp lý. Vì làm thế, các em sẽ có đầy đủ số giờ trong lớp để nghe giảng, hơn là thì giờ bị choán hết vì mắc chép bài. Suy nghĩ kỹ em sẽ thấy là nếu thời giờ trong lớp mà các em chỉ chép bài thì thầy sẽ bớt mệt hơn phải giảng bài khản cổ rất nhiều.

Và nếu công bình, chúng ta sẽ thấy rằng, như ba má H. đã nói nếu các người không kiếm ra tiền đóng học phí, thì H. không thể đi học, thì cũng thế, nếu thầy không còn đủ hơi sức mà gào thét trên bảng đen, hỏi rằng các con thầy sẽ rơi vào hoàn cảnh đen tối nào.

Một trong những điều đáng tiếc cho tương lai các em, chính là sự tính toán so kè, mà không may một số em đã nhiễm phải khi đem sánh với tấm lòng của bậc thầy đấy, các em ạ.


Chị ĐỖ PHƯƠNG KHANH     

(Trích tuần báo Thiếu Nhi Xuân Ất Mão, 1975) 


Thứ Sáu, 27 tháng 1, 2023

MỘT TẶNG PHẨM ĐẦU XUÂN - Như Mỹ Diệu Liên

 

Ngày xửa ngày xưa đó mà, có đôi vợ chồng trẻ tuổi cùng sống êm đềm trong khu Matsuyama, thuộc tỉnh Echigo. Chồng là một chàng trai vạm vỡ vốn dòng hiệp sĩ Samourai, vợ anh ta thì rất hiền mà lại nhút nhát quá chừng. Không ai biết tên tuổi của họ là gì. Xóm giềng chỉ biết đó là một gia đình hạnh phúc, tuy nghèo khó và chỉ có mỗi một mụn con gái. Người vợ tính điềm đạm, không ưa giao thiệp rộng. Đồ đạc trong nhà rất ít, chỉ đủ dùng, chẳng có vật gì gọi là quí giá, lộng lẫy.

Một ngày nọ, người chồng đi theo nhà cầm quyền tỉnh lỵ về kinh đô, để đón chào vị quan chức vừa mới đổi về cai trị nơi đây. Chàng ta những nóng lòng mong cho mau hết công việc, để trở về nhà với vợ hiền, con yêu. Trước khi rời bỏ kinh thành, chàng đi tìm mua cho con gái một con búp bê thật đẹp, lại còn thêm nhiều bánh kẹo rất ngon mà ở tỉnh nhỏ không một trẻ nít nào được ăn. Chàng còn mua một cái gương doi bằng đồng mạ bạc, đem về tặng vợ, làm quà Tết.

Tặng phẩm mới lạ này thật là một báu vật đối với người vợ trẻ chất phác suốt đời chỉ sống đơn giản, chẳng hề biết gương soi là gì. Nàng ngắm nghía vật lạ đó, nghĩ bụng đây là một cái gì rất linh thiêng. Trong khi đang quan sát tấm gương, nàng chợt nhận thấy nét mặt thật xinh đẹp của ai hiện ra trong mảnh đồng hình tròn bóng láng và sáng chói, nhìn nàng mỉm cười tươi thắm có duyên lạ thường.

Nàng thực thà quê mùa đến nỗi không biết đó chính là nét mặt của mình. Nàng vội chạy đi tìm chồng để hỏi cho ra lẽ. Người chồng nghe vợ mình hỏi ngớ ngẩn như vậy thì mỉm cười trả lời: "Ồ! Thế ra em không biết nét mặt duyên dáng trong tấm gương soi đó chính là mặt em sao? Em tôi khờ khạo lắm, lẽ ra em phải đoán được điều ấy chứ".

Từ đó, nàng e thẹn chẳng dám hỏi chồng thêm điều gì nữa, mà chỉ biết một điều mới lạ là tấm gương soi có thể phản chiếu nét mặt mình một cách kỳ ảo như vậy. Và nàng cẩn thận đem cất kỹ tấm gương đồng, như người ta cất giấu vật gì rất linh diệu. Nàng cất kỹ tấm gương ấy thực lâu, đã nhiều năm qua vẫn chẳng thấy nàng lấy ra soi. Tại sao vậy? Điều đó không ai hay biết. Có lẽ vì đó là một tặng phẩm do người yêu trao tặng. Bất cứ món quà nhỏ mọn nào cũng trở nên linh thiêng, nếu là một bằng chứng của tình yêu. Người cất giữ tặng vật, lâu lâu mới lấy ra ngó lại với đôi mắt dịu dàng trìu mến, đầu óc thì tưởng tượng như mình đang ở gần bên người yêu.

*

Cuộc sống thanh khiết và hạnh phúc của đôi vợ chồng trẻ này không được lâu dài. Người vợ hiền chẳng may chết sớm, vì yếu sức và bịnh tật luôn luôn.

Trước khi tắt hơi, nàng lấy tấm gương soi cầm nơi tay, lúc ấy bàn tay đã lạnh và ngón tay đã cứng, nàng tự biết mình chẳng còn sống với chồng con bao nhiêu nữa, nên nàng ra dấu cho con gái lại gần giường bịnh và nói nhỏ:

"Con ơi, mẹ sắp phải xa lìa con gái yêu của mẹ, nhưng con chớ lo phiền làm chi, ngày ngày con hãy ngó vào tấm gương soi này thì sẽ thấy mặt mẹ".

Nói rồi, nàng buông tấm gương soi, và trút hơi thở sau cùng.

*

Từ đó về sau, đứa con gái nhớ lời mẹ dặn dò, ngày nào nó cũng lấy tấm gương soi ra để được thấy mặt mẹ nó hai lần. Hai mẹ con giống nhau cả người lẫn nết, nó cũng một vẻ chất phác như người mẹ, vì vậy nó cũng lầm tưởng nét mặt của nó trong gương là mẹ nó. Đứa con gái cứ lấy gương ra soi, và nói chuyện với chính hình bóng nó, mà bụng thì đinh ninh là đang trò chuyện với mẹ. Nó chẳng quí hóa cái gì cho bằng tấm gương soi ấy.

Bố nó thấy vậy, nên một ngày kia chàng hỏi con mình cho rõ sự tình. Đứa nhỏ hồn nhiên trả lời bố:

"Thưa cha, con soi gương để gặp mẹ con, để nói chuyện cho đỡ nhớ, cha à! Mẹ con bây giờ không xanh xao yếu mệt như hồi bà đau nặng trước khi chết ; mẹ con hãy còn trẻ đẹp. Vật quí này vẫn giúp con được gặp mẹ hàng ngày, con không bao giờ xa rời nó".
 
Người cha nghe con gái nói như vậy, lòng thương vợ khiến chàng không muốn nói rõ sự thực, chàng bất khóc vì nỗi nhớ vợ thương con động tới cõi sâu đáy lòng nát tan của người hiệp sĩ chung tình ; chàng đành nghẹn ngào an ủi đứa con nhỏ tội nghiệp, mà chẳng cầm được những giọt nước mắt đau xót:
 
"Phải đó con à, mẹ con vẫn gặp gỡ con trong tấm gương soi. Còn ba, mỗi khi ba nhìn thấy dáng con là ba lại nhớ tới mẹ con".
 
 
NHƯ MỸ DIỆU LIÊN       
 
(Trích từ tạp chí Tuổi Hoa số 39, ra ngày 15-2-1966)




Thứ Năm, 26 tháng 1, 2023

HƯƠNG XUÂN NGÀY THÁNG CŨ - Thơ Thơ










Buổi sáng ra chợ Tết
Xách giỏ đi cùng me
Nắng xuân vờn trên tóc
Gió lồng lộng bờ đê

Gà qué: gáy quang quác
Cạp cạp: lũ vịt kêu
Rột rột: heo ủn ỉn
Gió xuân về hiu hiu

Dưa hấu: ruột đỏ thắm
Sung: xúm xít từng chùm
Quày dừa: da láng mướt
Xoài: trái mập vàng lườm

Ông đồ tay múa bút
Nghiên mực đen, giấy hồng
Lũ trẻ cười hớn hở
Xuân về trong mắt trong

Múa lân lùng tùng xèng
Chiêng trống gõ chập cheng
Mèo nhanh chân trốn biệt
Chó tai cụp bên hiên

Hoa vạn thọ  phơi phới
Thược dược cánh phớt hồng
Hương mai vàng ngây ngất
Thơm ngát một trời xuân

Khói hương  bay mịt mờ
Pháo nổ đón giao thừa
Hương xuân ngày tháng cũ
Phai tàn như giấc mơ...

                                  Thơ Thơ
                      (Bút nhóm Hoa Nắng)


Thứ Tư, 25 tháng 1, 2023

ĐƯỜNG VỀ MÙA XUÂN - Văn Hương

 1 Người lão bộc già thắt cẩn thận cái nút cuối cùng của bọc hành lý trước khi đặt nó lên mặt bàn gỗ nâu bóng ngời. Lão đưa mắt nhìn chàng thanh niên đang ngồi im lặng trên ghế trường kỷ, dáng điệu trầm ngâm, rồi lão lại cúi nhìn bọc hành lý và khẽ thở dài một tiếng.

Thanh niên quay đầu lại:

- Xong chưa, bõ?

Lão già nhè nhẹ cúi xuống, không trả lời thẳng câu hỏi:

- Cậu nhất định đi đấy chứ?

Thanh niên đứng dậy:

- Nhất định đi. Nhất định tôi phải đi. Tôi đã nói với bõ bao nhiêu lần rồi mà bõ còn chưa hiểu sao?

Người bõ già ngập ngừng, phân vân. Lão đưa tay nắn nắn gói hành lý một cách vô ý thức:

- Lão sợ cậu chưa nghĩ kỹ...

Thanh niên nghe câu nói, bỗng phá lên cười. Tiếng cười ngạo nghễ, khinh mạn và chua chát...

- Chưa nghĩ kỹ? Hừ - chàng gằn giọng - bõ tưởng tôi còn bé dại như bao năm về trước hay sao? BÕ phải biết là tôi đã hai mươi tuổi, thừa sức để định đoạt lấy tương lai của mình.

Thanh niên xoay lưng, nhìn ra sân. Mặt đất lạnh lẽo, khô cằn, rải rác những bông hoa hồng của đám anh đào nghiêng nghiêng dưới làn gió vi vu thổi từ phương Bắc đến. Chàng tiếp tục nói, nhưng giọng đã giảm đi phần nào cay đắng:

- Bõ cũng hiểu rằng tôi đã lớn và tôi không thể chui rúc suốt đời trong dẫy nhà âm u đầy vẻ quạnh quẽ này được. Tôi phải đi. Đi như con chim Đại bàng rời tổ khi đã đẫy đà lông cánh. Con chim Đại Bàng ấy phải vẫy vùng trong bầu trời xanh cao rộng bạt ngàn. Vẫy vùng cho đến khi chân đã rã rời, cành đã mỏi mệt, mắt đã mờ và bắp thịt đã trở thành vô dụng. Mà dù sức có cùng, lực có kiệt thì nó vẫn sung sướng, hả hê được trút hơi thở cuối cùng giữa không gian mênh mông bát ngát hơn là phải chết già trên giường bệnh như một loài ký sinh hèn kém, tồi tàn, nhơ bẩn...

Người lão bộc già dứt khoát với thái độ rụt rè, ngần ngại. Lão cũng trông ra sân, lão cũng nhìn những cánh hoa đào úp mặt trên đất và lão lạnh lùng lên tiếng:

- Nếu quả thật cái tương lai mà cậu đang lao đầu vào thật đẹp đẽ, thật huy hoàng như những lời cậu dùng để diễn tả nó thì lão không còn lý do gì để cản trở cậu nữa. Cậu có quyền tự do ra đi. Nhưng lão hy vọng rằng một ngày nào đó, không xa đâu, cậu sẽ trở về với một con người hoàn toàn mới lạ về cả tinh thần cũng như thể xác. Lúc ấy, cậu sẽ thấy những lời của lão không phải là võ đoán.
 
"Kinh nghiệm là ông Thầy tàn nhẫn nhất và cũng tài giỏi nhất", cậu chỉ cần nhớ có thế và lão cũng chỉ dặn dò cậu có thế mà thôi.

2 Thanh niên cho ngựa đi thong thả. Chàng ngồi ung dung trên bộ da bóng loáng còn sực mùi da thuộc, nhàn nhã ngắm nhìn cảnh vật hai bên đường.

Lúc ấy nắng chiều đã gần tắt. Tia nắng úa cuối cùng ngưng đọng trên vài chiếc lá rung rinh dưới làn gió lạnh lẽo tiết mùa Đông miền Bắc. Chung quanh chàng, cây cối trụi trơ co ro như đám hình người không áo run rẩy vì giá buốt. Vài cây nhỏ còn xanh tốt, đứng cô độc, buồn bã với những nụ hoa trắng chưa nở hết, có lẽ vì ngần ngại trước khí trời băng lạnh. Hàng anh đào tươi thắm hơn cả, tô lên nền trời xanh nhạt những cánh hoa đỏ, hồng linh hoạt. Trên mặt đất khô cằn, lác đác vài cánh mai vàng nở sớm. Xuân chưa đến mà đã vội lìa cành, phất phơ rụng.

Mặt trời khuất gần hết sau dãy núi phía chân trời xa mịt mờ. Ánh hồng hồng của tia nắng rực lên làm màu tím đậm của đám đồi núi chập chùng trở nên lung linh kỳ ảo. Khoảng cách giữa dẫy cô sơn đó và chàng thanh niên là một thung lũng nhỏ, ba bề vách đá, chỉ có phía Nam thông với ngọn đồi thông xanh đậm.

Thị trấn nằm trong lòng thung lũng ấy có thể tạm gọi là sầm uất. Nhà cửa chen nhau san sát. Tiếng người dưới thung lũng vẳng lên tận chỗ thanh niên đứng, hỗn độn và mơ hồ. Có lẽ họ đang sửa soạn một cái Tết thật ấm cúng, thật linh đình và thật nhàn hạ.

Thanh niên nhíu mày cho ngựa sải dốc. Vó câu kêu lộp cộp trên mặt đất nứt nẻ vì quá lạnh. Gió thổi ù ù bên tai kỵ mã. Chàng cúi thấp mình hơn, tiếp tục lao đi như tên bắn.

Con ngựa ô đưa thanh niên qua hết lùm cây này đến hốc đá nọ. Bây giờ người và vật đã xuống hết dốc theo đà phòng nhanh trên đường cỏ. Vài mái nhà lơ lửng khói cơm chiều thốt hiện đằng trước mặt họ. Chàng thanh niên vẫn giục giã cương ngựa, cắm cúi hướng về phía thị trấn.

*

Quán ăn đông nghẹt khách. Những người đến  dùng cơm, uống rượu tại đây hầu hết là những tay giang hồ bất định. Từ đám cướp đường cướp chợ, lũ cắp vật, lưu manh chém thuê đánh mướn đến hạng phong lưu ưa mạo hiểm đều đủ mặt. Họ đến đây cùng nhau chung hưởng một cái Tết đại đồng mà chủ quán có nhã ý tổ chức mỗi dịp Xuân về. Buồn ngủ lại gặp chiếu manh, các tay hảo thủ tha hồ có đất dụng võ. Ăn uống thả cửa, nói năng bừa bãi, đâm chém loạn xạ, họ sống như những người sung sướng nhất trong thiên hạ suốt mấy tuần lễ mừng Xuân mới để rồi khi Xuân đã tàn, hương vị mùa vui đã hết, họ lại vui vẻ từ giã nhau, mỗi người một ngả, tiếp tục cuộc đời ngang dọc sông hồ.

Người thành thạo chỉ cần nhìn số thực khách hiện diện trong quàn lúc bấy giờ cũng có thể đoán được còn mấy ngày nữa là đến Tết. Con số ấy nếu mọi năm đã nhất định thì chắc chắn năm nay phải nhiều hơn một đơn vị.

Đơn vị ấy là chàng thanh niên dung dị đang đẩy cửa bước vào quán. Không một ai là không ngửng đầu lên vì thói quen cố hữu, nhưng cũng không một ai nhớ được là mình đã gặp chàng ta ở đâu. Điều đó dễ hiểu: chàng hoàn toàn xa lạ đối với họ.

Thanh niên quét tia sáng của cặp mắt khắp một lượt, rồi ung dung kéo một cái ghế ngồi, gọi hầu bàn lấy nước nóng rửa mặt.

Chậu nước được bưng từ bếp lên, bốc khói nghi ngút. Gã hầu bàn len lỏi giữa đám bàn ghế đầy đặc khách với dáng điệu vô cùng sành sỏi và khéo léo mặc dù hai tay vướng cái chậu thiếc bỏng rộp. Cổ bên tay phải của gã vắt lủng lẳng một chiếc khăn mặt bằng vải thô, dầy. Vừa đi, gã vừa luôn miệng kêu là rầm rĩ để báo hiệu cho khách khứa tránh đường.

Thanh niên nheo cặp mắt theo dõi cử động của gã không bỏ sót một chi tiết. Khi chậu nước vừa đến gần chàng khẽ nhích người sang bên cạnh, thò hai ngón tay cặp lấy chiếc khăn lủng lẳng, rồi nhúng mạnh vào nước nóng, quậy quậy mấy cái.

Chiếc khăn ướt sũng được hai ngòn tay của thanh niên gắp lên, bốc khói nghi ngút. Nước giỏ giọt lõm bõm. Chàng thanh niên đảo mắt nhanh như điện, nhìn sang một gã đàn ông râu ria xồm xoàm ở bàn kế đấy. Rồi chàng khẽ nhếch môi, bóp mạnh hai ngón tay đang cầm khăn mặt.

Không một ai trong quán lại có thể hình dung nổi hành động của thanh niên lúc đó. Vì thế, chỉ thấy gã đàn ông râu rậm thét "oái!" một tiếng rồi ngã lộn xuống đất, cái ghế văng lên mặt người đối diện, quét bay tất cả chén bát trên bàn. Người đối diện hoảng hốt, nhẩy phắt ra khỏi chỗ, rút soạt thanh kiếm bên hông, thủ thế.

Thanh niên thản nhiên như không, đưa chiếc khăn còn nóng bỏng lên mặt, lau kỹ càng. Chàng ấp nó lên hai tai đỏ vì gió lạnh rồi lần lượt cọ tay, cổ, ngực. Dáng điệu thật ung dung, ngạo nghễ và cũng thật khiêu khích.

Gã đàn ông râu xồm đã bò dậy, hốt hoảng lấy ngón tay rờ lên má: Một khoảng thịt bị bỏng rát vì tia nước nóng phóng ra tự chiếc khăn của thanh niên, rộp lên, hằn đó. Vừa thẹn vừa tức, gã quát ầm ỹ:

- Thằng nào dám trêu vào tay cụ đây, biết điều ra quỳ lạy mau!

Thanh niên thả chiếc khăn vào chậu nước, quay đầu lại:

- Tao! Muốn gì?

Thực khách đổ dồn lại. Bản tính họ luôn luôn thích được nhìn những trận đấu và cổ võ cho hai địch thủ ăn tươi nuốt sống nhau mới được.

- Thằng nhãi, biết điều xin lỗi mau!

Gã đàn ông hậm hực, quát rung cả mặt bàn.

Thanh niên khịt mũi hai ba cái, vỗ tay kêu lớn:

- Cho một cân thịt, hai vò rượu ông chủ!

Rồi nhìn gã đàn ông:

- Để tao đền một vò rượu là xong...

Chàng kéo ghế, chỉ tay:

- Ngồi vào đấy... chưa gì đã la hét om sòm như con... khỉ đột...

Chưa dứt lời, thanh niên vội lăn mình xuống đất. Lưỡi kiếm của gã đàn ông chém hụt, chặt đôi cái bàn gỗ dầy chắc nịch. Mắt tóe lửa, gã đá văng hai mảnh bàn sang hai bên, rú một hơi dài chấn động não óc các thực khách bao quanh. Rồi giơ cao thanh kiếm lên, gã hét lớn:

- "Sĩ khả sát, bất khả nhục"... hôm nay giữa ta và mi chỉ có một người ra khỏi cửa quán này thôi!

Thét xong, vung kiếm chém luôn ba nhát. Thanh niên hơi thất sắc, nhưng thản nhiên lại ngay, nhẩy nhót ngang dọc tránh đòn. Vừa cười ngạo nghễ, chàng vừa quát:

- Tên "Sĩ" ngu ngốc kia! Giận dữ làm trí óc thiếu sáng suốt, hành động mất chính xác. Muốn thắng ta thì phải bình tĩnh lại. Nếu không cho mi chém trăm nhát, chắc chắn trượt cả trăm nhát vậy...

Giọng nói kẻ cả của chàng cộng thêm điệu bộ kỳ dị trong khi nhẩy nhót làm cả quán sửng sốt, kinh ngạc nhưng gã đàn ông vẫn cắm đầu cắm cổ băm ngang, chặt dọc, lia chéo, trút tất cả căm hận vào lưỡi dao sắc bén. Thanh niên tránh thêm vài nhát nữa, rồi bỗng hét to:

- Thôi! Dứt là vừa!

Miệng quát, người bắn tung lên theo một dạng thế quái lạ mà không ai hiểu rõ. Chỉ trong giây phút, đã thấy gã đàn ông ngã bắn vào góc cột, hai má sưng vù, đầu ngón tay bại hẳn. Gã cố ngóc cổ dậy, nhưng lại lăn đùng ra đất, hoàn toàn kiệt lực.

Thực khách theo đúng nguyên tắc các cuộc vũ đấu, vỗ tay rầm rộ hoan hô chàng thanh niên lạ mặt. Hoan hô vì phục tài, chứ chưa hẳn vì tư cách của chàng ta bởi lẽ ai cũng hiểu rõ lý do đã khiến gã đàn ông râu rậm liều mình giao đấu.
 
Thanh niên oai thắng, chẳng thèm đếm xỉa đến đối thủ cũng như những lời bình phẩm của khách trong quán, thản nhiên kéo ghế, ngồi vào một cái bàn khác đồng thời đập tay kêu lớn:

- Rượu, thịt đâu? Mang ra mau kẻo "lão gia" đói bụng lắm rồi!...

 
3 Gã cai ngục tra chìa khóa vào ổ, mở lách cách. Cánh cửa gỗ lim dầy chình chịch, đen đủi, kêu cót két rồi dừng lại cạnh một lão già mặt mũi dầy bụi đang đứng yên lặng nhìn cử động của gã cai ngục. Ánh sáng lờ mờ hiu hắt của ngọn đèn gắn trên vách rọi chập choạng lên khuôn mặt của người tù vừa ngước đầu lên nhìn trân trối. Hắn nhắm nghiền đôi mắt, rồi lại mở ra, tiếp tục quan sát hai bóng đen lù lù đằng trước.

Gã cai ngục đẩy mạnh lão già:

- Vào đi! Mà phải mau lên nhé!

Lão  già lẳng lặng chui vô. Rồi lão quay cổ lại nói nhỏ:

- Ngài cứ yên chí! Tôi không làm rộn ngài lâu đâu!

Gã cai ngục gật đầu, nhẹ nhàng khép cánh cửa lại. Nhìn quanh quẩn gã không thấy ai, vội rút trong cái túi đeo bên sườn ra một nắm vàng vụn, giơ soi dưới ánh đèn và lẩm bẩm thích thú:

- Lão già kể ra cũng biết điều đấy chứ! Tết này lại tha hồ ăn tiêu rả rích rồi...

Đôi mắt hắn càng nhìn nắm kim loại quý giá đó càng sáng rực lên như mắt cọp. Hắn chiêm ngưỡng  thật kỹ càng một lần cuối rồi mới chịu cất vào túi, dáng điệu tiếc rẻ. Đoạn đi lại cuối hành lang ngục thất, hắn ngồi bệt xuống bậc thang đá, lim dim mơ tưởng...

Trong lúc ấy, lão già đã ghé sát gần mặt người tù, nói nhỏ:

- Công tử! Có nhận ra tôi không?

Tù nhân nhăn mặt:

- Sao lại không nhận ra? lão tưởng tôi bị chọc mù mắt rồi sao?

Lão già mừng rỡ:

- Thế thì hay quá... tôi nghĩ rằng cậu khó lòng mà nhớ đến tôi sau mấy năm trời xa cách...

Tù nhân lấy tay xoay cái gông quanh cổ cho bớt đau:

- Nhưng có chuyện gì thế? Thằng Lâm đâu? Lão có cho nó đi theo không?...

Lão già cúi mặt:

- Tôi đến gặp cậu vì cậu Lâm...

Tù nhân nhẩy dựng lên:

- Sao?! Thằng Lâm...

Chàng quên cả gông cùm nặng nề vướng  víu, lao tới nắm chặt cổ áo lão già:

- Thằng Lâm làm sao? Nói đi...

Người bõ già rầu rĩ:

- Tôi đã hết lời ngăn cản... Nhưng vô ích. Cậu Lâm nhất quyết ra đi... Không còn cách nào khác, tôi đành đến đây tìm cậu vì hy vọng rằng cậu sẽ có cách đối phó...

Tù nhân buông tay, đầu gầm xuống đất, thở dài. Chàng đứng sững sờ, hoang mang, hồ nghi, nghĩ ngợi... Gương mặt khắc khổ, đầy râu ria của chàng hằn những nét thật đậm. Tư tưởng mâu thuẫn chạy tấp qua óc chàng  biểu hiện ra ngoài bằng những cái nhíu mày, thở dài chua xót. Rồi chàng bỗng bước gần đến cánh cửa ngục, dáng điệu phân vân nghĩ ngợi...

Lão già hiểu ý:

- Chỉ có đích thân cậu mới trị nổi cậu Lâm, mới chặn cậu ấy khỏi sa chân vào vực sâu mê muội. Chúng ta phải hành động cấp bách. Không thể bỏ phí giây phút nào cả...

Tù nhân chợt quay lại:

- Hôm nay bao nhiêu?

Lão bộc già đáp nhanh:

- Hăm sáu tháng chạp, năm Mậu Thân.

Người tù lẩm bẩm tính  toán:

- Hăm sáu tháng chạp... à! Thế mà đã bẩy năm rồi... cũng chẳng còn bao ngày nữa, ta sẽ được tự do nhìn cỏ cây chim chóc... hưởng ánh nắng mặt trời rực rỡ.

Thốt nhiên chàng xoay phắt lại, vỗ vai lão bộc:

- Nhưng không thể được... không thể chờ đến ngày đó được. Chúng ta phải đi ngay bây giờ.

Lão bộc nhìn thẳng vào mặt tù nhân:

- Ngay bây giờ?

Thanh  niên cương quyết:

- Phải. Thôi ta đi kẻo muộn.

Rồi một tay nắm lấy lão bộc, một tay đẩy cửa đề lao, chàng hỏi nhanh:

- Tên cai tù đâu?

Câu trả lời đến với họ thật dễ dàng: Gã cai ngục ngồi trên bậc đá, ngủ một cách ngon lành. Tiếng ngáy của gã đều đặn, bình thản... Tù nhân bước ba bước lại gần, xoay mạnh cái gông...

Bốp! Thân hình gã cai ngục văng xuống sàn đá như một đống thịt, không kêu nổi một tiếng. Lão bộc giúp sức tù nhân khiêng gã ta quẳng vào trong đề lao, khóa cửa lại cẩn thận rồi mới rón rén đi ra cửa.

Phòng quản ngục lù mù như đắm chìm trong vùng ánh sáng của cõi âm ty địa ngục. Bó đuốc gần tàn trên vách rọi những tia vàng vọt, chập choạng xuống gian phòng u tịch. Trước cửa phòng, hai tên lính lệ đứng ngáp dài ngáp ngắn, mắt díu lại như có keo dính. Nhiều lúc chúng chập chờn ngủ gật, thân mình lao về phía trước, suýt ngã sấp,

Tù nhân đưa mắt quan sát tình thế thật nhanh. Chàng thở một hơi dài nhẹ nhõm khi thấy ngoài hai tên lính nửa thức nửa ngủ chỉ có một gã đàn ông to béo phục phịch đang ngáy rầm rầm trên chiếc phản kê ở góc nhà. Tình hình thật là thuận lợi.

Hai người nhẩy vút ra. Hai tiếng động khô khan vang dội.

Cúi nhìn hai cái thân bất động trên ngưỡng cửa, tù nhân bảo lão già:

- Cũng còn lâu mới tỉnh. Thừa sức cho chúng ta tẩu thoát.

Lão bộc gật đầu. Lão vừa giơ tay định kéo tù nhân nhẩy ra ngoài trại giam thì bỗng dừng lại:

- Quên mất... cái gông.

Tù nhân cười ròn:

- Phải đấy! Vội quá quên cả nó.

Chàng lạnh lùng đi lại gần phản, thò tay lấy lưỡi dao bén ngót ở dưới gối gã béo mập. Rồi dùng tay kia kéo cổ gã ta dậy, chàng dí sát mũi nhọn vào gã:

- Biết điều câm mồm lại...

Đôi mắt kẻ bị uy hiếp mở tròn xoe sau vài cái nhấp nháy. Miệng gã há to nhưng không kêu được, hình như có một khối giẻ nhét trong họng. Gương mặt gã đờ ra, kinh ngạc...

Tù nhân rút ngắn khoảng cách giữa mũi dao và yết hầu gã to béo:

- Chìa khóa gông đâu?

Bấy giờ gã mới phát âm nổi. Tiếng lắp bắp, khàn khàn:

- Mi... mi... đã làm một việc... điên rồ.

Tù nhân ngạo nghễ:

- Đúng thế. Chỉ còn vài tháng nữa là bản án của ta sẽ bị tiêu hủy. Nhưng ta phải ra khỏi đây ngay bây giờ dù biết rằng nếu bị bắt lại thì vĩnh viễn mai một cuộc đời trong bóng tối ngục thất.

Chàng xoay nhẹ mũi dao:

- Ta chỉ cần chú đưa chìa khóa.

Gã to béo ngập ngừng, nhìn quanh.

- Đừng mong hão... Thằng cai của chú đang nằm phiêu diêu ở trong phòng kia - Tù nhân hiểu ý, chặn trước.

Kẻ bị uy hiếp thất vọng, chỉ tay:

- Chìa khóa... cái hộp sắt trên kệ.

Tù nhân đưa mắt cho lão giả. Lão vội vã lại gần kệ, nhấc hộp xuống mở ra.

Cùng lúc tia mắt của tù nhân hướng về cái chùm chìa khóa leng keng dưới tay lão bộc, gã to béo vung mạnh người, đánh liên tiếp hai trái đấm vào mặt tù nhân... chàng kêu lên một tiếng sửng sốt ngã chúi người sang mép phản, một giòng máu ri rỉ chẩy dài từ miệng xuống cằm...

Gã to béo xuất kỳ bất ý tấn công xong, lao mình lại giá binh khí. Bàn tay hộ pháp của gã vừa chạm vào đuôi thanh mã tấu, bỗng quẫy mạnh một cái đồng thời miệng gã rú lên một tiếng đau đớn. Gã loạng choạng, đờ đẫn nhìn mũi dao mỏng dính xuyên từ bên này sang bên kia lòng bàn tay. Cán dao còn rung rinh lay động.

Lão già nhẩy vút về phía tù nhân. Chàng ta nén sự đau đớn, khẽ bảo:

- Chiếc chìa khóa màu vàng, đuôi có đùm vải trắng.

Lão già lật đật lựa tìm. Tay lão run run cho chìa vào ổ. Tiếng lách cách vang lên, cộc lốc.

Tù nhân đưa hai tay lên kéo mạnh, chiếc gông nặng chình chịch như sắt tách làm hai. Chàng quẳng chúng xuống nền đá, xoa xoa cổ cho đỡ nhức nhối. Lão bộc đã xong công việc, nắm tay chàng phóng ra ngoài cửa. Hai con ngựa đã được buộc sẵn ngoài tàu, hí lên mấy tiếng mừng rỡ.

Tù nhân nhẩy phóc lên, thúc mạnh chân, giật cương. Con tuấn mã chồm tới trước, hí vang một vùng rồi lao đi như tên. Lão bộc phóng theo sau, mình cúi rạp trên yên ngựa.


4 Thanh niên ung  dung bước vào giữa đám đông đang chờ đợi. Chàng chọn một phiến đá phẳng, rộng đoạn ngồi xuống, từ từ đưa mắt nhìn khắp lượt. Luồng nhãn tuyến của chàng làm toàn thể đám người vây quanh chàng cúi mặt.

Một gã đứng tuổi có nốt ruồi má bên phải bước ra, trịnh trọng:

- Thưa anh, bọn chúng em chờ anh đã lâu rồi, cứ tưởng anh không đến.

Thanh niên "hừ" một tiếng, khệnh khạng đáp:

- Thì các bạn cứ chờ thêm chút nữa cũng chả sao cả.

Giọng nói và điệu bộ hách dịch của chàng không làm một ai trong số người đứng đó tỏ ra khó chịu, trái lại họ còn tỏ vẻ kính nể là đằng khác.

Gã có nốt ruồi lại tiếp:

- Các anh em ở đây cả thảy là hai mươi người. Họ cũng đã đều ước hẹn với anh từ mấy tháng trước.

Thanh niên nhíu mày:

- Hai mươi người? Không ngờ các bạn có cảm tình với ta lại đông đến thế...

Gã có nốt ruồi vẫn trịnh trọng:

- Vâng. Toàn thể các anh em ở đây đều biết trước rằng anh sẽ là người lãnh đạo họ trong nghề nghiệp.

Rồi hướng sang đám đông gã hỏi:

- Có phải thế không anh em?

Cả lũ nhao nhao:

- Đúng thế...

- Đúng...

- Vâng, đúng như vậy.

Gã có nốt ruồi dường như đắc chí  vì lời nói của mình có hậu thuẫn, lại tiếp tục:

- Và toàn thể các anh em ở đây cũng đã đều nhận thấy rằng họ không lầm khi có dịp được thưởng thức tài nghệ vô song của anh ở quán rượu đêm trước...

Lũ người bao quanh lại nhao nhao:

- Đại ca quả thật "Danh bất hư truyền".

- Đại ca đánh cái đòn ấy hay quá!

- Trông đại ca lão luyện như những bậc "tổ sư" võ lâm vậy v.v...

Thanh niên lầm lì nét mặt, thản nhiên đón nhận những lời tâng bốc tận chín từng mây của đám lâu la. Chàng đợi cho tiếng lao xao nhỏ dần rồi mới đĩnh đạc cất giọng:

- Các bạn đã có lòng tín nhiệm, tôi chẳng dám chối từ. Chỉ lo kinh nghiệm còn ít, năng lực không nhiều cáng đáng mọi việc trong tay chẳng phải chuyện dễ gì. Tuy nhiên, tôi hứa chắc với các anh em là chỉ trong nửa năm, nghe tên tuổi chúng ta, giới giang hồ không ai là không bay hồn vỡ mật!

Âm thanh lưu loát, trong trẻo của chàng vừa dứt, tiếng vỗ tay đã nổi lên như sấm động. Thanh niên nghênh ngang đứng dậy, nói tiếp:

- Bây giờ chúng ta bàn đến chuyện làm ăn... Anh em định sao?

Gã có nốt ruồi vẫn là người nhanh nhẩu nói trước:

- Dạ, thưa anh, chúng em định hăm chín này sẽ ra tay khai mạc sự nghiệp làm ăn của bọn ta...

Rồi lại quay sang đám người:

- Có phải thế không, các anh em?

Bọn đó lại lao nhao:

- Đúng thế...

- Đúng như vậy... v.v...

Thanh niên mỉm cười:

- Thế các bạn định khai mạc ở đâu?

Đám người bu quanh chàng đều đưa mắt nhìn gã có nốt ruồi. Hắn ta ra vẻ bí mật, tiến một bước lại gần thanh niên, kề tai nói nhỏ:

- Dạ chúng em định đón tiếp đoàn xe vận châu ngọc từ thành Thăng Long về đồi Niên Quyết...

Thanh niên nghĩ ngợi:

- Tôi e rằng chúng ta sẽ vấp phải sự cản trở của quân Thanh. Không khéo là bị bọn nó tiêu diệt dễ như bỡn...

Mọi người ồn ào bàn tán quanh vấn đề thanh niên vừa nêu ra. Quả thật đối với họ lúc đó, quân Thanh cũng là một chướng ngại đáng kể vì chúng chuyên môn giao chiến theo lối "lấy thịt đè người". Mỗi người một ý, câu chuyện thành ra loạn xạ cả lên.

Đương lúc ấy, thanh niên bỗng nhíu lông mày nhìn về phía trước. Chàng trông thấy, dưới ánh sao đêm mù mịt của bầu trời Đông giá rét, xuyên qua những rặng cây trụi lá, hai bóng đen đang từ từ tiến lại phía chàng...

Cái bóng thứ nhất đối với chàng không phải xa lạ. Chàng có thể đoán ngay được đấy là ai. Duy cái bóng sau, trông dáng dấp thật quen thuộc, nhưng trí óc chàng không tài nào trực giác ra được những chi tiết liên hệ giữa chàng và hắn.

Hai bóng đen lùi lũi lại gần. Cả hai đều mặc áo tơi che gió, đầu đội nón. Họ lầm lỳ tiến tới như không hề để ý đến sự hiện diện của đám người trước mặt. Thanh niên cẩn thận thủ thế, e ngại bị tấn công bất chợt.

Người đi đầu bước thẳng lại phía thanh niên, giơ tay chỉ người đi sau, bảo với chàng ta:

- Cậu Lâm! Anh cậu kìa!

Thanh niên choáng mặt như vừa bị tia sét giáng ngay đỉnh đầu. Chàng tái mặt lùi lại phía sau mấy bước, trong lòng dao động vô cùng mãnh liệt. Miệng chàng lắp bắp...

Đám đông ngạc nhiên không ít. Họ chẳng hiểu vì lý do nào mà một kẻ coi trời bằng vung như thanh niên nọ lại hốt hoảng gần thất thần trước người lạ mặt. Bất giác họ cùng lùi lại cả phía sau một lượt, tay sờ chuôi dao.

Bóng đen đi sau thấy cảnh tượng bi hài diễn ra trước mặt, bèn cười nhạt, rồi nhìn thẳng vào mặt thanh niên hắn ta trầm giọng:

- Lâm! Không ngờ mày lại đốn mạt đến như vậy!

Thanh niên bị kẻ lạ mặt sỉ nhục giữa đám đông, trong lòng vừa tức vừa thẹn, bèn cười nhạt:

- Anh lấy tư cách gì mà nói thế?

Gã đàn ông trước mặt chàng cau mặt:

- Lâm có thật mày quên tao không?

Lâm lúng túng. Nhưng rồi cũng gượng gạo:

- Tại sao anh lại về đây làm gì? Anh muốn phá đám tôi hử?

Kẻ lạ mặt gằn giọng:

- Lý do mà tao về đây ngày hôm nay, mày thừa hiểu. Chỉ muốn nhắc lại: gia tộc ta không có những hạng hư đốn như mày. Biết điều thì rời lũ cướp cạn này ngay tức khắc!

Thanh niên ưỡn ngực:

- Nếu tôi không rời họ?

Người kia lạnh lùng:

- Tao sẽ cho mày rõ thế nào là quyền huynh thế phụ!

Lâm chột dạ. Chàng ta quay đầu nhìn đám dông bao quanh rồi bỗng nói:

- Chưa chắc anh đã trị nổi tôi...

Gã đán ông cười chua chát:

- Mày định nhờ thế lực người ngoài ư? Mày lầm to rồi. Thế lực bên ngoài chỉ giúp mày thủ thắng một cách tạm thời mà thôi. Mất cái thế lực ấy, địa vị chủ lực của mày cũng nhào đổ theo. Hơn nữa, chắc gì lũ bao quanh mày kia đã giúp mày vì hảo ý? Dĩ nhiên là không. Vì lợi riêng của chúng, chúng mới giúp mày, kịp đến khi hết cần, chúng sẽ quẳng mày như người ta ném một đôi dép rách, một múi chanh hết nước vậy...

Chàng ta thuyết giảng một tràng dài, không ngừng nghỉ, không vấp váp. Đám đông im lặng người đờ ra như những khúc gỗ.

Thanh niên nói bướng:

- Cần gì phải nhờ lũ ăn hại này. Tự sức tôi cũng đủ...

Chàng chưa nói hết câu, kẻ lạ mặt đã chặn ngang:

- À! Hóa ra mày muốn dùng võ lực giải quyết vấn đề này? Nếu thế mày lại càng lầm to hơn nữa. Mày nên nhớ rằng: võ lực không giải quyết được gì cả, trong một cuộc tranh đấu bằng võ lực, không có kẻ bại và người thắng mà chỉ có hai đối phương bị sứt mẻ về cả tinh thần lẫn thể xác. Chẳng những thế võ lực còn tăng thêm sự kiêu ngạo trong tư tưởng kẻ thắng và chồng chất hận thù nơi tâm hồn người bại cuộc...

Chàng ta gỡ cái nón lá ra, móc lên một cành cây gần đấy, rồi nhìn đăm đăm vào đám người đối diện, tiếp tục:

- ... Nhất là dùng võ lực giữa hai anh em một nhà để tương tàn thảm khốc, tưởng không có gì ngu muội và tủi nhục cho bằng. Muốn giải quyết mọi việc, chúng ta không cần phải dùng tới cái phương tiện thấp kém đó. Chúng ta hãy dùng sức mạnh của tình thương, của đoàn kết và của trí sáng suốt để tránh cho nhau cảnh nồi da xáo thịt mà người đời hằng mai mỉa. Có như thế chúng ta mới tin chắc được rằng đã giải quyết với nhau một cách êm đẹp, hoàn hảo, toàn thiện...

Đám đông bay từ ngạc nhiên này đến kinh dị nọ. Có gặp trường hợp hãn hữu độc nhất vô nhị này họ mới hiểu là những kiến thức của họ chẳng qua chỉ như hạt cát trong bãi sa mạc mênh mông vô tận. Họ lặng im không nhúc nhích, toàn thân đắm chìm trong tư thế của một kẻ bị thôi miên chi phối.

Thanh niên tên Lâm vẫn chưa chịu phục thiện. Chàng ta cứng đầu cứng cổ:

- Anh đã nói hết chưa?... Nếu chưa hết, anh cứ giảng đạo đức nốt đi... giảng cho lũ người trần mắt thịt ở đây được sáng mắt ra và cho anh được hả hê phô trương tài nghệ võ... mồm.

Người lạ mặt không đếm xỉa đến câu nói hỗn xược của Lâm. Chàng ta lại cất giọng:

- Truyền thống tổ tiên còn, gia tộc còn. Truyền thống tổ tiên mất, gia tộc mất. Tao không thể để mày làm mai một cái truyền thống kiêu hùng của ông cha được. Ngăn cản mày là chuyện dĩ nhiên. Nhưng mày có nghe hay không lại là chuyện khác. Cùng quá, nếu không dạy được mày, tao cũng đành áp dụng biện pháp cuối cùng, bất đắc dĩ nhất và cũng hữu hiệu nhất: roi vọt!

Thanh niên nghe đến hai tiếng chót, hoảng hốt nhẩy lộn ra phía sau mấy bước, tưởng chừng như vừa bị ăn mấy cái tát tai nẩy lửa của ông anh nghiêm khắc... Chàng ta gườm gườm đôi mắt nhìn anh, thấy không động tĩnh gì, mới yên tâm thở phào một tiếng.

Người anh của chàng ta tiến lên hai bước:

- Lâm! Một lần chót tao bảo mày rời nơi đây tức khắc! Đừng để tao phải đánh cho mày một trận như những ngày còn nhỏ...

Tao đếm đến ba, nếu mày không tự quyết định được, tao sẽ quyết định hộ... Một... Hai...

Tiếng cuối cùng chưa phát ra, thanh niên tên Lâm đã vụt quay mình lại, lao chạy như tên bắn vào khu rừng gần đấy.

Mặt người anh vụt biến sắc.

Chàng tức tốc văng mình theo. Hai người, một trước một sau, thoăn thoắt ẩn hiện giữa lùm cây, vách đá.

Người anh vừa chạy vừa quát:

- Đứng lại! Lâm! Đứng lại!

Thanh niên cứ cắm đầu cắm cổ lao đi vùn vụt. Chàng như người quá hoảng trí, dẫm bừa lên gai góc, đá nhọn, mặt mũi xây xát lem nhem những máu vì quẹt vào cành cây cứng chắc. Mặc kệ. Chàng cứ chạy mãi, chạy mãi...

Người anh đang hấp tấp bỗng đứng phắt lại, hít một hơi thật dài rồi rú lên một tiếng rung chuyển cả khu rừng. Tiếng rú còn vang động trong không gian, người chàng đã vút đi như vì sao đổi ngôi. Chỉ trong giây phút điện quang hỏa thạch, chàng tóm được cổ em đang lộn người từ trên một mỏm đá cao xuống đất.

Hai người máu me nhễ nhại hòa lẫn với mồ hôi ướt đầm đìa trên mặt mũi, tay chân, nằm sóng soài bên nhau thở hổn hển. Nhưng người anh lại chợt vùng dậy, chàng nghe rõ tiếng quân đi của một đoàn quân lính.

Trước khi thân hình của chàng rời mặt đất đứng lên, một rừng giáo mác tua tủa đã vây lấy chàng, ánh thép ngời sáng dưới ánh đuốc chói lọi.

Có tiếng người hách dịch thét:

- Gông cổ nó lại!

Hai tiếng dạ ran. Hai tên lính khênh mảng gỗ nặng nề có khoét lỗ, lừ lừ tiến đến trước mặt chàng. Chúng thận trọng nháy mắt cho bọn quân sau lưng kẻ bị uy hiếp. Lập tức ba tên nhảy xổ tới, bẻ quặt tay chàng ra phía sau và ghìm đầu chàng chặt chẽ.

Bị công kích bất ngờ và vào lúc kiệt lực, người anh trở tay không kịp. Gương mặt chàng thoáng vẻ đau đớn, ngậm ngùi, nhưng đôi mắt chàng vẫn thương cảm hướng về phía người em đang cố gắng bò dậy chân tay trầy trụa, quần áo tả tơi.

Một gã béo phệ bước ra, lấy mũi giày đá vào lưng thanh niên trẻ tuổi:

- Đứng dậy! Mày là ai?

Chàng ta nhăn nhó vì đau, nhưng vẻ ngạo nghễ lại chợt xuất hiện:

- Mày không cần rõ...

Một cú đá nữa bung ra. Thanh niên hự lên một tiếng, lăn nhào xuống cỏ. Nhưng chàng chợt hít một hơi dài rồi xuất thần bay người lên, hai tay vung một lượt.

Tình thế biến đổi cực kỳ đột ngột. Cùng lúc gã quan to béo bị hai bàn tay sắt của thanh niên uy hiếp, kéo về phía sau như mộc che tên, toàn người của chàng ta và lão bộc già cũng đã hấp tấp chạy tới.

Thanh niên quát lớn:

- Tụi bây lấy cớ gì bắt người này?

Gã quan to béo hừ một tiếng khinh bỉ trả lời:

- Tù vượt ngục!

Đôi mắt thanh niên chợt lóe lên tia sửng sốt. Chàng hỏi lại:

- Tù vượt ngục?

- Phải. Hắn vượt ngục đã hai ngày. Lần này mà bị bắt lại chỉ có nước rũ xương trong ngục.

Thanh niên cúi nhìn anh. Người thanh niên đen đủi, râu ria, quần áo rách rưới, thân hình trầy trụa, loang lổ vết máu, trên cổ choàng cái gông nặng chịch như đá kia là anh chàng, một tên tù vượt ngục.

Thoáng cái, thanh niên bỗng hiểu hết mọi chuyện. Ngày xưa, chàng được người lão bộc già kể lại là anh chàng đi làm ăn, buôn bán nơi xa. Ngờ đâu trong thời gian đó, anh chàng đã bị tù hãm giữa bốn bức tường đá mốc meo trong ngục thất.

Người anh ấy đã hy sinh tính mạng, liều mình trốn thoát đề lao, tìm đến đứa em đang vướng chân vào vòng tội lỗi để khuyên can và cuối cùng chịu đủ khổ nhục tinh thần cũng như thể xác với hy vọng duy nhất là giúp em thấy nẻo về chính đạo.

Lão bộc già nhìn gương mặt thanh niên, hiểu rõ hết tâm trạng của chàng. Lão run run lại gần tiều chủ, miệng nói nhỏ:

- Xin cậu tha lỗi, ngày trước tôi đã dối cậu. Anh cậu bị tù tội trong thời gian mà cậu yên chí rằng anh đang lo chuyện làm ăn, buôn bán. Bị tù tội, nhưng không phải vì một lý do tầm thường, xấu xa như đa số các tù phạm khác. Anh cậu đã chịu khổ nhục bao năm chẳng qua cũng chỉ vì muốn hy sinh tranh đấu cho đất nước thoát ách nô lệ của quân Thanh. 

Anh cậu chỉ còn vài tháng nữa là mãn hạn, thế rồi việc đáng tiếc này đã xảy ra khiến anh cậu phải vượt ngục, tìm đến nơi này. Anh cậu là một tên tù, nhưng tôi hãnh diện có một người chủ như thế. Một tên tù khổ cực vì muốn hy sinh cho hạnh phúc của em mình từ những ngày còn nhỏ cho đến tận bây giờ.

Thanh niên nghe những lời thấm thía ấy, trong lòng rung động bùi ngùi. Chàng hồi hận. Chàng ăn năn. Rồi chàng run run tiến đến cạnh anh, tự tay nhấc chiếc gông khỏi cổ kẻ tù phạm cao quý. Anh chàng sững sờ, ứa nước mắt vì sung sướng và mãn nguyện. Chàng ôm lấy em, nức nở và nhè nhẹ vỗ lưng cả người lão bộc yêu quý, tay chỉ về phương Đông, nơi những tia nắng đầu tiên của một ngày Xuân rực rỡ, huy hoàng đang ló dạng sau những giờ phút âm u của màn Đông giá lạnh, miệng cười thanh thản.

- Đi! Chúng ta phải đi! Chúng ta phải hướng về con đường mùa Xuân chói lọi. Quang Trung Đại Đế đang chờ chúng ta ở cuối chân trời sửa soạn cùng toàn dân Việt tái tạo một mùa Xuân oai hùng, rạng rỡ.


VĂN HƯƠNG        

(Trích từ tạp chí Tuổi Hoa Xuân Bính Ngọ, 1966)


Thứ Ba, 24 tháng 1, 2023

XUÂN NHƯ Ý - Nhã Uyên

 












Đì đùng tiếng pháo  nổ muôn nơi

Mơ ước xuân nay đến tuyệt vời

Trưởc thềm năm mới mong như ý

Kính chúc người vui với tuổi đời


Bánh mứt đầy khay  cạnh chén trà

Ngày xuân không  rượu  vẫn đậm đà

Bánh tét  bánh chưng  mâm ngũ quả

 Thịt kho dưa giá  khắp Nam  nhà


Tết đến  lòng vui hết muộn phiền

Giữ mãi tình thân với bạn hiền

Cha Mẹ Ông Bà thêm tuổi mới

Sống lâu khoẻ mạnh lúc cao niên


Em nhỏ chờ mong được lì xì

Thanh niên thiếu nữ ước đậu thi

Trời xuân tươi thắm trong mắt biếc

Nắng ấm tâm tư tuổi dậy thì


Chải tóc soi gương ngắm bóng hình

Rủ nhau đi lễ chị em mình

Như đàn bướm lượn bao tà áo

Trước gió  mai đào trổ lộc  xinh


Năm mới chúc nhau khắp mọi đàng

Tình cao nghĩa rộng quý hơn vàng

Trăm ngàn vạn sự đều như ý

Cùng nhau tay nắm hát ca vang


                                               Nhã Uyên